add this

Wednesday, April 3, 2024

Tạ Thu Thâu bị giết 1945

   
Tạ Thu Thâu, hình cảnh sát chụp 1930
Tạ Thu Thâu bị sát hại 1945
Nguyễn Văn Thiệt, Rassemblement des travailleurs Vietnamiens, Paris 1949 *

Ai đi ngang Quảng Ngãi vào khoảng tháng 9/1945 cũng biết đến không khí hãi hùng của cái thành phố tự cho mình có tinh thần cách mạng cao ấy. Các tín đồ Cao Đài, các nhà trí thức, các nhà phú hộ, các nhà cách mạng quốc gia, tất cả những hạng người ấy cùng với vợ, con, anh em họ đều bị chém giết mỗi ngày. Người chết nhiều đến nỗi độ ấy ở Hà Nội, tờ báo “Gió Mới” của Tổng hội sinh viên, một tờ báo rất thiên Việt Minh đã phải lên tiếng rằng ở Quảng Ngãi, ngày ngày đầu người rụng như sung.
Anh Lê Xán, bạn tôi, một đồ đệ của cụ Phan Bội Châu, bị Pháp đày ra Lao Bảo, vừa được thả ra thì bị Việt Minh ở Quảng Ngãi bắt lại. Vì sự tình cờ của chiếc xe lửa ngừng lại nghỉ đêm ở Quảng Ngãi (độ ấy đường xe lửa Sài Gòn - Hà Nội bị hư nhiều nơi, xe lửa chạy rất chậm và hay nghỉ dọc đường) nên bắt buộc tôi phải xuống xe định kiếm một quán trọ ở cạnh ga mà nghỉ đêm. Trong lúc ngồi uống nước, sực nhớ đến Lê Xán, tôi tò mò hỏi bà chủ quán tin tức về bạn. Lập tức tôi bị một trinh sát viên mặc áo nâu, đi chân không, đang đứng ở cửa tóm lấy buộc tôi là đồng lõa với tội nhân Lê Xán và điệu tôi về Sở Công An.
Ngày hôm ấy tôi bị mang đi giam ở một nơi xa... Tôi đang lo sợ một nơi xa ấy là cõi âm ti thì chiếc xe ngựa chở tôi và một người lính gác, tay cầm một con dao dài, một quả lựu đạn buộc tòng teng vào giây nịt bằng một sợi lạt, từ từ rẽ vào con đường đi về Phú Thọ. Tôi hết lo bị chém liền vì tôi biết rằng ở làng Phú Thọ, Ủy Ban vừa dựng một nhà lao to để chứa cho đủ tội nhân xa thành phố.
Một buổi sáng, tôi đang đứng dựa vào cửa, cố thiu thiu ngủ thì bỗng giật mình vì những tiếng các bạn tôi kêu lên: Tạ Thu Thâu! Tạ Thu Thâu! Tôi tĩnh hẳn người. Tạ Thu Thâu?
Các bạn tù của tôi tranh nhau nhìn qua cửa. Từ một phòng giam phía bên kia sân, độ bảy, tám người dân quân mang súng, gươm, lựu đạn và ông chủ tịch làng – vừa là sếp nhà lao thì phải – kéo ra một người đàn ông ốm lỏng khỏng mà tôi nhìn ra ngay là ông Tạ Thu Thâu. Ông mặc một sơ-mi cụt tay có hai túi trên ngực, một cái quần Tây dài, chân đi giày vàng. Áo quần trắng đã bàu nhàu và bẩn thỉu, dây do những vết đen đỏ còn đọng, dấu tích của những sự tra tấn vừa qua.
Râu tóc của ông Thâu rối beng, mặt mày hốc hác, nhưng cặp mắt vẫn bình tĩnh nhìn mọi người, mọi vật, miệng ông hơi nhếch một nụ cười.
Các bạn tôi lao xao:
– Lần này thì Tạ Thu Thâu phải chết.
Một người nào đó nói nhỏ:
– Quân khốn nạn!
Tôi gián một con mắt vào khoảng hở giữa hai song cửa, hai tay muốn tét ra cho rộng để nhìn cho rõ đám người hùng hổ đi với ông chủ tịch luôn mồm la hét, nạt người này, cho lệnh kẻ kia và ở giữa, một bóng trắng chập choạng, khập khiễng đi đi… để biến sau mộr rặng cây mà ở đó tôi biết có một khoảnh đất trống gọi là pháp trường.
Tôi biết Tạ Thu Thâu bị Pháp bắt vừa mới ở tù ra, thân thể bị tiêm thuốc cho chết xuội đi một bên, nếu không có Chánh Phủ Trần Trọng Kim thì ông đã chết trong khám rồi.
Các bạn tôi nói là Tạ Thu Thâu bị buộc về tội phản cách mạng và âm mưu lật đổ chánh quyền. Bùi Trọng Lệ, đứng cạnh tôi, nói một cách nghiêm nghị quá đến nỗi tôi không cho là một lời mỉa mai:
– Tội Tạ Thu Thâu nặng nhiều hơn nữa. Ông phạm cái tội rất lớn là được dân chúng thương yêu.
Nhưng anh lính gác trước cửa phòng chúng tôi (không hiểu vì sao anh ta lại có cảm tình với tôi và thường hay nói chuyện cùng tôi) anh ta lại nói khác. Theo anh ta thì Ủy ban tỉnh Quảng Ngãi cũng không biết ông Tạ Thu Thâu bị bắt vì tội gì. Chỉ được điện tín của Trần Văn Giàu đánh ra cho các tỉnh, ra lệnh hễ ai gặp Tạ Thu Thâu thì bắt lại. Sau khi Ủy ban tỉnh đánh điện cho Sài Gòn biết là mình đã bắt và giam Tạ Thu Thâu thì liền được lệnh trả lời là phải giết ngay lập tức.
Nhưng khi đem ra pháp trường thì ông Tạ Thu Thâu diễn thuyết cho mấy người lính, ông nói hay quá với lại đúng quá nên ai nấy đều bỏ súng buông lơ, có anh khóc, không ai dám bắn. Nên lại đem ông về lao và Ủy ban lại đánh giây thép vào Sài Gòn hỏi nữa, sợ có giết lầm chăng. Và đã hai lần như thế rồi, Trần Văn Giàu đánh dây thép ra biểu phải giết, Tạ Thu Thâu đứng trước mũi súng lại diễn thuyết kêu gọi một mảy may lương tâm còn sót lại của đám người chỉ biết có vâng lệnh trên, rồi không ai nỡ bắn. Không dám bắn thì đúng hơn, rồi lại mang về, rồi lại đem đi.
Hôm nay thì chắc Tạ Thu Thâu phải chết! Các bạn tôi và cả anh lính cũng bảo thế, vì vừa được lệnh riêng của ông cụ ở Hà Nội điện vô khiển trách Ủy ban bất tuân thượng lệnh.
Tôi bàng hoàng lo sợ, ngồi bệt xuống đất, hồi hộp đợi chờ, trong cái im lặng rợn người, một tiếng đoành.
Bỗng người lính gác kêu lên:
– Chu choa! Tạ Thu Thâu lại về!
Tất cả đều nhao nhao. Quả Tạ Thu Thâu về thiệt. Đám người đi qua rặng cây và đang tiến về phía trái. Nước mắt tôi trào lên, sung sướng khi thấy cái bóng trắng khấp khểnh kia có vẻ vững chắc hơn và trên môi lạt tôi tưởng tượng thoáng thấy một nụ cười ngạo mạn.
Sự sung sướng của tôi không được lâu. Đám người đi vừa đến gần cổng lao thì một người trai trẻ mặc áo nâu quần sọc trắng ra vẻ học trò, tuổi lối mười bảy, mười tám đang đứng ở cạnh cổng, hung hăng nhảy ra, rút cây dao găm dắt ở lưng đâm vào vai Tạ Thu Thâu, miệng vừa hét:
– Đồ Việt gian phản động!
Rồi đạp Tạ Thu Thâu vào bụng cho ngã quay ra đất, đoạn đấm, đá túi bụi. Câu chuyện xảy ra rất mau, kể lại thì xem ra lâu quá. Thêm chỗ tôi đứng và chỗ tấn kịch rùng rợn đang diễn ra hơi xa nhau, mắt tôi lại đẫm lệ nên không thấy được tường tận. Tôi chỉ còn nhớ hình ảnh của một đám người bao quanh một bóng trắng đang quằn quại giữa vũng máu. Và từ đó, một giọng the thé rất trong của người thiếu niên kia vang lên:
– Các đồng chí hèn quá, một thằng Việt gian cũng không dám giết!
Đến nay, bao nhiêu ngày tháng đã trôi qua rồi mà không mấy đêm nằm ngủ tôi không thấy trước mắt cái bóng người quằn quại kia và nghe cái giọng nói the thé ấy.-----------

Đôi lời của người trích đăng
Tạ Thu Thâu là một trong những thủ lãnh Đệ Tứ Quốc tế Cộng Sản hay Trotskisme thì bị VM giết là đúng sách vở vì Trotsky là kẻ thù chính của Staline. Trotsky đã bị giết khi lưu trú tại Mexico. Thương cha thương một thương ông gấp ngàn thì phải giết bọn tờ rố kít. Vô tay Tố Hữu thì phải biết. Lệnh từ Moscou, một thứ Vatican duy vật. Trần Văn Giàu đã bị trách cứ không nhiệt tình diệt Đệ Tứ mà dùng quyền lực thanh toán nội bộ để giữ vị trí lãnh đạo trong Nam. Có thể lơ là mà Tạ Thu Thâu chạy ra Trung, ra Bắc để phải Hồ Chí Minh ra lệnh giết.
Trần Văn Giàu bị hạ bệ nhưng còn may để trở thành vô danh, người không có mặt (a faceless person theo báo Times) nhưng còn cái đầu để đội nón, không bị chẹt đào. Trần Văn Giàu trong đảng sử chỉ là một giáo sư giỏi của Trường Đảng. Một thời Wikidepia theo lệnh Hà Nội không dám kê chức vụ và việc làm của Trần Văn Giàu. Với Tạ Thu Thâu, Wiki làm không khác, chỉ nói ông ra Bắc có tham gia đình công của thợ mõ nhưng không nói phải trở vô Nam và bị giết ở Quảng Ngãi 1945.
Nguyễn Văn Thiệt nói Quảng Ngãi giết người hằng ngày. "Ngày ngày đầu người rụng như sung". Điều nầy, tôi đã nghe họa sĩ Nghiêu Đề nói, vì 1945, ông và gia đình không ra được Quảng Nam nên ở lại Khu Ngãi Bình Phú; nhưng chi tiết ông kể sau đây có gia trị hơn vì nó phản ảnh thực trạng nầy.
Khắp xứ Quảng Ngãi, ngày ngày trẻ con chơi trò giết người. Chúng bắt một con châu chấu lớn, con nhái, con tắc kè, chuột nhắc... đè trên phiến đá. Chúng diễn lại buổi chặt đầu, đứa nào chặt đầu, đứa nào làm đội trưởng, đứa nào đọc bản án, đứa nào hoang hô cách mạng; sau rốt chúng chặt đầu con vật nhỏ xíu ấy. Nghiêu Đề cho biết thủ tục theo mấy đứa bé nầy rườm rà, thực tế đơn giản hơn, kéo nạn nhân ra ruộng, chặt đầu là xong.
Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích trong truyện "Chị Hồng Lưu" thì tả cuộc hành hình phụ nữ nầy một cách rất Tây, rất kiểu cách: một dàn xạ thủ cùng bắn, có một linh mục làm lễ bí tích, có đội trưởng cho phát ân huệ, có cái hòm để sẵn. Theo lối tây, trong những cây súng của tiểu đội chỉ có một cây có đạn thật, các cây kia chỉ đạn mã tử; xạ thủ không biết mình bắn đạn nào để tránh mặc cảm giết người. Ở bên Tàu, cha mẹ của tử tù phải trả tiền viên đạn giết con mình, vậy làm chi có đến một dàn xạ thủ và viên đạn ân huệ. Ông nầy viết nhiều truyện liên quan VC rất buồn cười ngớ ngẫn nếu không muốn nói bênh vực lối trẻ con.
Sau các vụ giết người theo lệnh, HCM thường vuốt đuôi làm như không biết, tay không dính máu. Người lính đã nói cho tác giả biết HCM đã quở tỉnh Quảng Ngãi không chịu ra tay theo lệnh của Trần Văn Giàu. Một năm sau, HCM nói: "Tạ Thu Thâu là một nhà ái quốc, chúng tôi buồn khi hay tin ông mất”.
Tạ Thu Thâu sinh 1906 tại Long Xuyên có bằng tú tài dạy học trước khi qua Pháp học tiếp. Ở đây, ông hoạt động trong khối Trotskiste chống lại khối Staliniste. Ông trở về nước cộng tác với các báo Saigon có khuynh hướng quốc gia và ông hoạt động trong các phong trào cách mạng không CS. Ông bị chính quyền thuộc địa bắt giam nhiều lần. Lần cuối ông được tha năm 1944. Thời gian nầy Trần Văn Giàu là sếp chúa CS thanh trừng Đệ Tứ và các đối thủ nội bộ.
Tạ Tu Thâu cùng vài cộng sự viên âm thầm kín đáo ra Bắc Việt. Trần Văn Giàu đã ra lệnh các đảng bộ địa phương bắt giữ Tạ Thu Thâu nếu gặp. Nhưng ở Bắc Việt, HCM đã củng cố lưới CS vững chắc hơn trong Nam. Tạ Thu Thâu đành trở lui, bị bắt ở Quảng Ngãi và bị hạ sát trước mắt mọi người.
Saigon xưa có tên đường Tạ Thu Thâu bên hông Chợ Bến Thành.

** Bài của Nguyễn Văn Thiệt được share qua share lại trên internet, không ghi rõ xuất xứ chính xác. Tổ chức của tác giả là Rassemblement des Travailleurs Vietnamiens (Tập đoàn thợ thuyền VN) không rõ khuynh hướng chính trị.

================================================




No comments:

Post a Comment