add this

Wednesday, October 30, 2024

những mảnh đời rách


Viện Trưởng Vũ Quốc Thông
những mảnh đời rách góc đường

Tôn Thất Tuệ

Dạ thưa, chúng tôi sẽ không triết lý quèn với ý niệm góc đường là ngánh sông, bâng quơ với Anatole France, nhớ lại buổi tựu trường, nghẹn ngào, chỉ trích nửa chừng câu nói của Dante: Au milieu du chemin, giữa chặng đường thì sao, tiến vi quan thối vi sư? Dạ thưa, chỉ có mấy dòng từ hai hình góc đường Saigon, hai việc khác nhau như hai mảnh thinh không, chưa ráp lại như chiếc áo cà sa bá vá, (không nói đến Thích Minh Tuệ nhé).

Primo, nhất dương chỉ, góc đường ở Chợ Cũ

Nhìn bức hình tôi rất xúc động khi thấy bản hiệu Radio Nam Thanh, nhà thứ hai từ góc đường. Chủ nhà là chỗ quen biết thân tình với gia đình vợ tôi. Tôi đến đấy cùng cô bạn nhỏ xíu sau thành vợ để xin bác Ngọ, chủ nhân, thâu mấy dĩa 45 vào cái ma nhê tô phôn Grundig. Năm 1964, đó là của quý, chưa có hàng Nhật như Akai, Sony…, mua vội ở Singapor khi chuyển máy bay đi Úc. Bác Ngọ có người con trai trưởng là anh Phúc bây giờ e cũng đã 90. Anh vợ của anh Phúc là anh Thanh, bác sĩ y khoa; anh Thanh có ý làm anh cột chèo của tôi nhưng tình duyên không trọn.

Về khu Chợ Cũ, tôi thường cùng nhà tôi đi ăn cơm tây ở các quán Tàu, nhờ Chợ Cũ tôi mới biết cháo ám là cháo nóng bỏ cá sống vào cho chín tái rồi ăn. Cũng tại đây làm tà lọt cho quan lớn mà biết vài thứ húy tiếu người Tàu điếu đóm quan ta như món ngọc dương nấu thuốc.

Cũng tại Chợ Cũ tôi có chút kỷ niệm không in nét vào cuộc đời. Năm đệ tam 1956-57 tại trường Quốc Học, chúng tôi tiếp một nhóm chừng 20 học sinh Saigon ra thăm Huế, nhưng toàn người Bắc. Nhớ anh Long là trưởng đoàn. Người thân thiện và dễ mến nhất là Dũng, cho tôi cuốn Đôi Bạn của Nhất Linh.

Người thứ ba tôi còn nhớ là cô Kim Chi, tôi nghĩ nhỏ tuổi hơn tôi, ước chừng sinh 1943. 1962 tôi từ Huế vào Saigon học cao đẳng chuyên nghiệp, có lần thấy anh Long trong các dịp sinh hoạt văn nghệ nhưng tôi chỉ chào sơ mà không hỏi gì về anh Dũng. Cô Kim Chi có trả lời thư thăm hỏi của tôi viết từ Huế, một hay hai lần mà thôi. Nhờ vậy tôi còn nhớ địa chỉ đường Tôn Thất Hiệp, trong vùng Chợ Cũ.

Tôi có tìm đến khi vào học ở Saigon. Nhà ở trong một khu gia cư, có cổng lớn đi vào và có sân rộng. Kim Chi có nhà và tiếp tôi lấy lệ theo lịch sự kiểu người Bắc. Địa chỉ nầy từ lâu khi gia đình di cư 1954, cô vẫn sống với bố mẹ, nghĩa là chưa thành gia thất. Tôi không hỏi thêm cô đang học ngành gì. Đó là lần đầu và lần cuối gặp ở đô thành.

65 năm rồi, thỉnh thoảng nhân cơ hội nầy cơ hội kia tôi nhớ đến Kim Chi, tôi vẫn bùi ngùi. Như hôm nay nhìn bức hình nầy, tôi nghĩ đến bác Ngọ anh Phúc, rồi mới đến Kim Chi. Nhưng Kim Chi hôm nay làm tôi bùi ngùi nhiều hơn. Cùng trên chuyến về quê ăn tết, một bạn đồng hành rời tàu ở Nha Trang thì biết bạn ở Khánh Hòa có cầu Xóm Bóng. Nhưng Kim Chi không chung chuyến nên không biết cô nàng sẽ bước xuống ở Nong, Truồi, Lăng Cô … Lúc tôi đến và ra về, cô nàng vẫn còn ở Saigon, ga Chợ Cũ.

Bỗng dưng tôi nhớ đến Kim Chi trong tình người vô lượng vô biên. Kim Chi đã đến Huế mang theo tóc thề của gái Bắc giữa những mái tóc xỏa ngang vai của gái Huế.

Biết nói gì đây, quá khứ tự nó là một mối sầu, dù Kim Chi có đem theo một niềm vui mới cho Huế, một cái Huế âm thầm lủi thủi với nội tâm. Nói vậy thôi, chứ bâng khuâng bùi ngùi không có tên, chỉ là những nét họa ngoài ý thức thường tình, ở ngoại tầng không gian nếu xem cái đầu là quả đất.

S
ecundo, nhị thiên đường, góc Pasteur và Alexandre de Rhodes.
Gần một năm từ khi gặp Kim Chi trong thoảng chốc, cuộc đời xã hội và trưởng thành của tôi bắt đầu quanh góc đường nầy. Nếu không có ghi chú thì không biết góc đường nằm đâu và hai cô gái yêu kiều làm gì đây.

Các cô đang đi trên đường Pasteur, gần đến góc đường A de Rhodes. Từ chỗ nầy đến Duy Tân, nói về 1962, A de Rhodes chỉ có Bộ Ngoại Giao và Học Viện Quốc Gia Hành Chánh. Năm ấy, từ Huế tôi vào học QGHC và chưa thấy kiến trúc mới của Bộ Ngoại Giao. Chỉ học ở đây một năm, chúng tôi về trường mới ở Trần Quốc Toản, không biết những đổi thay. Hai cô nầy có thể đến Bộ Ngoại Giao học lớp hướng dẫn trước khi du học. Bên phải của các cô, sau Pasteur là Công Lý và Phủ Tổng Thống. A de Rhodes chỉ có một mặt nhà, phía kia là công viên chia đôi bởi Đại Lộ Thống Nhất, rồi đến đường Hàn Thuyên. Theo hình học, A de Rhodes đối xứng với Hàn Thuyên qua Thống Nhất.

Tôi làm việc ở Viện Định Chuẩn đường Hàn Thuyên hơn một năm thì hạ màn 30.4. 1962 tôi bắt đầu sống ở Saigon và 1975 rời Saigon, đến và đi từ khu vực cây xanh êm ả nầy. Từ A de Rhodes đến Hàn Thuyên tôi phải mất 13 năm để đi nốt, dù cách nhau một công viên nhỏ, một đại lộ, bên nầy nhìn qua bên kia thấy được.
Tuy vì nhiều lý do tôi không nồng nàn với trường, lớp học trên lầu đã làm cho tôi yêu mến Saigon lần đầu tiên khi nhìn thấy nét êm ả tiết gió mùa qua công viên. Bầu không khí quanh đại lộ Thống Nhất đã đưa mạnh vào tai tôi mỗi chiều tiếng quân hành của đại đội danh dự từ Thành Cộng Hòa đi vào Dinh Độc Lập làm lễ hạ cờ. Tôi cũng còn nghe rõ tiếng giày nhịp đều trên mặt đường theo tiếng kèn đồng và trống. Hòa tấu khúc của âm thanh và màu sắc cùng thời tiết ấy đã được thay thế bằng tiếng xích lô máy và khói xe nơi trường mới dọn về Trần Quốc Toản sáu bảy tháng sau.

Từ trường cũ, tôi đã bắt đầu yêu mến Saigon và tôi đã để lại di chúc rằng nếu vì lý do gì khi tôi chết miệng không nói được thì xin nói thay tôi: Saigon và tên vợ tôi. Như nói trên, mất 13 năm mới đi qua công viên từ một con đường có tên trong văn học Alexandre de Rhodes, đến một con đường cũng có tên trong văn học Hàn Thuyên. Nói lại, từ lớp học trên lầu, tôi có thể nhìn thấy kiosque bánh mì Nguyễn Văn Ngãi trên vĩa hè của Bưu Điện, nhìn dinh Norodom chưa bị thả bom v.v…một thứ Saigon bình yên tuy chiến tranh khắp nước. Từ trên lầu cao của Viện Định Chuẩn, nơi đánh dấu cuối đường Saigon của tôi, tôi nhìn xuống công viên trong bóng mát của những cây sao, thấy cháu tôi cầm chiếc đồng hồ Seiko không người lái và hai cửa sổ chờ người mua. Hôm qua cháu vừa học mẹo mới, dùng kem đánh răng chà hết những đường vẹt trên mặt plastic, mới nguyên như xưa.---


Thị trấn biến mất

trường hạ sĩ quan Đồng Đế
Thị Trấn Biến Mất
Huyền Chiêu
Thuở bé tôi vẫn nhìn về phía núi Vọng Phu để lòng bồi hồi thương cho hai bóng người hóa đá. Bà tôi cũng kể rằng vùng núi ấy có kẻ ngậm ngãi tìm trầm, đi lạc trong rừng mấy mươi năm, khi tìm về được quê nhà thì đã hóa thành con vượn không còn nói được tiếng người. Thỉnh thoảng, ở chợ Ninh Hòa tôi rất sợ khi nhìn thấy có một vài người da đen thui, tóc quăn tít, đàn ông mặc khố, đàn bà địu con trên lưng. Chắc họ từ núi Vọng Phu xuống. Có người nói họ là người Thượng ở Buôn Sim.
Buôn Sim chỉ cách thị trấn Ninh Hòa khoảng 14 km theo hướng quốc lộ 21. Người dân quê tôi không gần gủi với vùng đất này bởi khí hậu nơi ấy vô cùng khắc nghiệt. Nằm trong lòng chảo của nhiều rặng núi, buôn Sim là một vùng khô cằn, sỏi đá, đêm quá lạnh, ngày quá nóng.

Sau hiệp định Geneve vài năm, Buôn Sim bổng biến thành một quân trường khổng lồ gồm ba trung tâm huấn luyện Pháo Binh, Biệt Động, Lam Sơn.
Và cái tên Dục Mỹ ra đời.
Khác với thời chống Pháp mà người lính là những “áo anh rách vai, quần tôi có hai miếng vá”, các quân nhân miền Nam được huấn luyện và trang bị rất quy củ với các doanh trại khang trang, bề thế.

Với số lượng quân nhân trong ba trung tâm huấn luyện kèm theo gia đình của sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ, thị trấn Dục Mỹ mọc lên giữa bốn bề núi non, tuy nhỏ bé nhưng vô cùng nhộn nhịp.
Cũng giống như những thị trấn mới toanh trong phim cowboy miền viễn tây, Dục Mỹ là nơi quy tụ của quá nhiều người tứ xứ về đây mang theo các giọng nói từng vùng.

Người có máu làm ăn cũng vội vàng tìm về đất hứa.
Chợ Dục Mỹ cung cấp đủ để nấu được các món ăn đặc biệt kiểu Sài Gòn, Bắc, Huế…. .
“Vợ Lính” thong dong chẳng cần làm việc, chỉ lo cơm nước và nuôi con…

Những chuyến xe lam như con thoi nối liền Ninh Hòa – Dục Mỹ. Người dân Ninh Hòa bây giờ hướng về thị trấn mới như một thị trường hấp dẫn, nơi họ có thể làm giàu nhờ nghề cung cấp thực phẩm.
Nhà Thờ và Nhà Chùa đã được xây. Các xe schoolbus được biến từ xe GMC của ba quân trường chở con quân nhân xuống Ninh Hòa học ở các trường trung học. Những cô cậu học trò đã từng ngồi trên những chiếc GMC “cải tiến”này, nay đã trên dưới sáu mươi và tôi tin rằng dầu ở chân trời góc bể nào họ không bao giờ quên những chuyến xe chở học sinh kỳ lạ nhưng đầy ắp niềm vui một thuở.

Chủ nhật, con phố Dục Mỹ “Đi dăm phút trở về chốn cũ” có bóng dáng của những “thiếu úy”, “trung úy” trẻ trung, quân phục thẳng nếp, thong thả dạo gót rồi ghé vào một tiệm sách có cô bán hàng xinh xinh.
Bên con suối Dục Mỹ vài quán cà phê ra đời có tiếng nhạc hòa trong tiếng ầm ào thác đổ.
Người lính miền Nam thuở ấy vẫn còn mang vẻ thư sinh lãng mạn. Ra trận, thay vì nhìn tới trước “nhắm thẳng quân thù mà bắn”, (*) họ quay nhìn lại phía sau “Người đi khu chiến, thương người hậu phương” (**)

Biến cố 1975 như một cơn động đất dữ dội làm sụp đổ hoàn toàn trung tâm huấn luyện. Toàn bộ cư dân gồm quân nhân từ ba trung tâm huấn luyện cùng gia đình họ đều chạy khỏi Dục Mỹ, tan tác hãi hùng như mãnh vỡ của một trái phá…
Thị trấn bỗng chốc như bị thần đèn mang đi đâu mất.
Dục Mỹ trở lại là Buôn Sim hoang vắng thuở nào.
Cũng còn một số người ở lại vì họ không biết đi đâu về đâu và họ trở thành dân của một vùng kinh tế mới mang tên Ninh Sim.
Và người dân Ninh Sim đã phải làm gì để tồn tại khi 100% mang trên đầu bản án lý lịch xấu, con cái chắc chắn không được vào đại học, người thân không biết còn sống hay đã chết trong các trại “cải tạo”?

Nếu người Ninh Hòa khi ấy kiếm sống bằng cách bám vào bến xe đò và ga xe lửa với các chuyến đi buôn lậu gạo, đường, thuốc lá, đạp xe ba gác, làm phu khuân vác …thì người dân Ninh Sim Dục Mỹ kiếm sống bằng cách bám vào núi rừng. Họ lên núi đào khoai mài, cắt tranh, lấy đót. Họ “ngậm ngãi tìm trầm” và có người đã mất xác trong rừng sâu núi thẳm. Họ chặt củi, hái trái rừng, trồng khoai mì, trồng mía. Họ tìm cách sống trong im lặng, chịu đựng mặc cho loa phường ngày ngày vang lên giọng tự hào chiến thắng giặc Mỹ để toàn dân xây dựng thiên đường XHCN
Và tượng đá bồng con trên non cao kia chắc đã nhiều lần rơi lệ thương cho cảnh con người bức hại con người.

Năm ngoái, anh Phạm Văn Nhàn trở về Ninh Hòa, rủ vợ chồng tôi đi thăm lại Dục Mỹ, nơi anh có thời gian rất lâu là sĩ quan của quân trường Lam Sơn.
Xe ghé lại núi Đeo, nơi vẫn còn tháp huấn luyện của quân trường Biệt Động nằm bên Khu Mưu Sinh.
Khu Mưu Sinh được dựng bên một dòng suối đã biến mất nhưng ngôi tháp vẫn còn.
Anh Nhàn muốn chụp một tấm hình có người lính già trở về thăm ngọn đồi kỷ niệm.
Qua khỏi Dục Mỹ chúng tôi nhìn thấy những đồng mía bạt ngàn, những đàn bò gầy ốm đang gặm cỏ trên những cánh đồng nắng cháy.
Đến khoảng cây số 17 anh Nhàn cho dừng xe.
“Hình như trung tâm Lam Sơn hồi trước ở đây mà sao tui không còn nhìn thấy gì hết?”

Rồi anh ghé vào hỏi thăm một cô hàng nước:
“Cô ơi trung tâm Lam Sơn ở đâu hả cô”
Cô hàng nước mỉm cười, chỉ tay xuống đất:
“- Dạ ở ngay đây này”.
Anh Nhàn nhìn quanh. Chẳng còn gì là dấu vết của một địa danh lừng lẫy! Anh bước thêm vài bước, chẳng thấy phố, thấy người chỉ thấy toàn mía là mía.
Hơn mười năm tồn tại, Dục Mỹ của ba quân trường bây giờ chỉ là cát bụi thời gian.

Huyền Chiêu





Tuesday, October 15, 2024

 



Kalama Harris trộm văn


Phó TT Kalama Harris đang bị tố cáo trộm văn trong một cuốn sách bà cùng viết năm 2009.

Trong bản tường trình 47 trang, Stefan Weber, chuyên gia truy tầm đạo văn, người Áo, nói rằng Kalama Harris cùng Joan O'C Hamilton đã đánh cắp 27 đoạn để cho vào cuốn Smart on Crime: A Career Prosecutor's Plan to Make Us Safer. (thiên tài trị tội phạm).

Nhiều trường hợp, không những trộm văn mà còn sửa nội dung. Chương mô tả một vụ án ở New York dùng nguyên văn một đoạn dài của Wikipedia không ghi xuất xứ, không khác rất nhiều ví dụ khác, không đặt trong ngoặc kép.
Smart on Crime, dài 248 trang được xuất bản năm 2009 trong kỳ Harris tranh cử chức Tổng biện lý (attorney general) của California, đưa ra các giải pháp thực tế làm cho hệ thống tư pháp hình sự trở nên mạnh mẽ để mọi người được an toàn sinh sống.


Weber đã cáo buộc Harris đã lấy nguyên bản từ các bản tin hay bài nghiên cứu của người khác không ghi xuất xứ. Hoặc sửa xuất xứ, sửa số trang.

Chương tiểu sử tả tuổi thơ của Harris giống như đoạn Martin Luther King kể năm 1965. Harris tả lần bị lạc với cha mẹ trong cuộc biểu tình đòi dân quyền ở Oakland, California. Khi gặp lại nhau, bà mẹ hỏi bé Kalama “con muốn gì?”. Kamala còn run rẩy trả lời: “Fweedom” (freedom).

Năm 1965, Martin Luther King, được phỏng vấn bởi Playboy, nhắc lại lời đối đáp giữa một cảnh sát viên da trắng và một bé gái da đen chừng 8 tuổi.

“Tôi không bao giờ quên giây phút ở Birmingham (Alabama), một cảnh sát viên da trắng chận đường một bé gái da đen 7 hay 8 tuổi đi biểu tình theo mẹ. Cảnh sát hỏi: Mày muốn gì? Đứa bé nhìn thẳng vào mặt nhân viên công lực, đáp: “Feedom”. (nói ngọng như Kalama, fweedom).

Kalima kể câu chuyện nầy hai lần về sau: khi trả lời phòng vấn của tạp chí Elle và trong một cuốn sách khác.

Kế quả truy tìm của người Áo nầy không được ai biết cho đến ngày 14 Oct, khi một nhà báo chủ trương bảo thủ tên Christopher Rufo tóm lược nghiên cứu của Weber trên X (Twitter). New York Times đã nhanh chóng lên tiếng bảo vệ Harris bằng cách cắt bớt bài của Rufo và chỉ giữ ba trường hợp cho là nhẹ và gọi là vô ý, chỉ ghi ở cước chú chứ không phải trong thân chính của sách.

Ủy ban vận động của Harris đã phủ nhận lời cáo buộc và cho đó là âm mưu phá hoại của nhóm cực hữu.

Fox News đã tìm ra ít nhất một đoạn dài Harris đã cọp dê không ghi của ai. Mặt khác nhà xuất bản cuốn sách Smart on Crime yêu cầu ban biên tập (editing staff) xem xét rốt ráo và đừng xem nhẹ vấn đề.

Chừng năm nay, bà viện trưởng Harvard đã phải từ chức vì trộm văn. 1987, chính trị gia trẻ tuổi Joe Biden đã phải rút lui cuộc vận động tranh cử tổng thống vì tội trộm văn nhưng rồi ông vẫn còn sống sót qua truông làm tổng thống. Nay đến lược cô em, Kalama.

Monday, October 14, 2024

ngẫu luận Oct 13, 2024


Key West - La Havane 105 miles

Vung kiếm ngày 13 Oct 2024

Tôn Thất Tuệ

Thế nào cũng sẽ có ngày 13 thứ sáu thg 10 là ngày gây sợ hãi, ngày Chúa bị đóng đinh. Vendredi treize. Ngày vợ toàn quyền Decoux chết trên đèo Đà Lạt. Mừng vì ngày 12 trước đó là birthday của thi sĩ ba đá bốn đạp nửa mùa đang phách tấu lung tung lang tang ở chỗ nầy. Nếu tới chậm hơn một chút thì vào con số 13.
Nhưng sinh trước thì thấy những khổ đau của 13 và những ngày kế tiếp của chính mình và người đời. Cho nên cái birthday nớ xấu, đổi qua 'birth date' hay 'date of birth' ghi vào bằng lái xe cũng không hay ho gì hơn. Thoạt sinh ra miệng đà khóc thé, trần có vui chi chẳng cười khì. (Cung oán ngâm khúc).
Tôi sinh ra trong một gia đình không có tập tục mừng sinh nhật, vã lại chiến tranh cơm chưa có ăn thì nói chi bánh trái hoa quả. Tôi không biết nhiều về bố; theo các anh con bác cả, cha tôi cho rằng ngày chết mới xác định đời sống. VN tưởng nhớ các vĩ nhân vào ngày chết, không như Tây Phương mừng ngày sinh. Chết rồi, mới biết anh hùng hay phản quốc.
Thực tế, cứ như xưa, ai mà biết ông nội ông ngoại tuổi con gì, chớ nói chi ngày tháng. Ai cũng nhớ ngày kỵ, nhất là các ông trưởng tộc lo cúng quảy đến ông cao cao (5 thế hệ) và các hiệp kỵ. Đây không nói theo duy vật biện chứng, ngày kỵ là ngày có ăn trong một xứ không sung mãn, nếu không nói thiếu ăn. Nhớ ngày kỵ là nhớ đến cục xôi.
Một truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư rất cảm động và thuần túy dân tộc. Ở miền Tây, ông Hai hớt hãi chạy về vì nhà cháy. Ông nhảy vào giật được cánh cửa, chạy ra bờ ao, để xuống. Trờ vào chẳng còn gì mà lấy tiếp. Ông thở phào thản nhiên. Thái độ của ông không nặng ưu phiền vì tai họa, mà trông kỷ không khéo có chút thỏa mãn.
Thật vậy, trong những thứ, những sự việc tồi tệ nhất, ông có được cái hay nhất tốt nhất. Cánh cửa phía sau có ghi ngày cúng giỗ tổ tiên. Nhỡ mà cháy thì làm sao nhớ.
Ở Mỹ nhờ chính quyền nhắc, tôi nhớ ngày sinh vì ngày nầy đáo hạn đăng bộ đóng thuế xe, đừng trả trễ khỏi bị phạt tiền. Cũng là ngày đáo hạn bằng lái xe. Kỳ dư không có gì hơn, cơm ngày hai bữa tắm rửa hai lần.
Hôm qua trời nắng. Tình cờ đứa con trai ở South Carolina chở vợ con đến thăm, cho biết hai trận bão vừa rồi không gây thiệt hại dù nhỏ đến đâu. Chúng không biết là ngày sinh của bá giồ nhưng có cho tôi mấy trăm đô. Thằng bé bảo tôi cất dành mua vàng vượt biên, chứ 50 năm trước khi cần bố mẹ chẳng có một chỉ. Phải nghĩ tới chuyện vượt biên vì HK có nhiều dấu hiệu ngột thở. Công đồng người Việt có thêm một hạng người Việt khác không giống ai. Tương lai rất gần, vài tháng nữa, như CNN, Fox nói, ...nói, nước Mỹ không thành Đức Quốc Xã với sư ông Trump thì thành Liên Xô của sư bà Harris. Phát xít và CS có khác chi nhau. Thôi thì vượt biên còn chi nữa.
Tôi đáp: Que sera sera. Mà vượt biên thì chỉ có việc xuống Florida, mãi đến Key West. Đến Cuba chưa được một phần mười Rạch Giá đến Songkhla Thái Lan. Vui hè. Đến Havana, quan ta rờ, mê, la, rờ đủ thứ rờ cu ba. (Guantanamera).
Thế sự thăng trầm quân mạc vấn. Yên ba thâm xứ hữu ngư châu. (Cao Bá Quát)
Lên voi xuống chó hỏi làm chi cho mệt. Sâu, sâu kia trong sóng vỡ như khói, một chiếc thuyền câu khi thấy khi không.

===================================================== 


Friday, October 11, 2024

tranh cử ở Rust Belt

xưởng thép gỉ sét
Rust Belt
Tôn Thất Tuệ * Oct 11,2024

Báo chí HK coi bộ đổi gió đăng nhiều tin có lợi cho Trumps, như tuần trăng mật của Harris đã chấm dứt; Trump thắng thế ở các tiểu bang có thể thay đổi cán cân như Wisconsin, Michigan, Pennsylvania (Rust belt). Theo bản đồ bầu cử hiện nay nếu Trump chỉ thắng một trong ba tiểu bang nầy là đủ túc số 270 electoral vote (phiếu đại cử tri đoàn).
Mọi ức đoán nầy đều dựa vào cái gọi là "poll" (tham dò, khảo sát) mà số người được hỏi chưa được 1.000 mà các pollster thuộc nhiều khuynh hướng. Không lấy gì làm tin. 
Kết quả thăm dò lạc quan (Trump dẫn đầu tại Pennsylvania) bị các sư thăm dò khác phủ nhận giá trị. Vì sao? trong số 1.012 người được hỏi chỉ có 112 người là dân Philadelplia. Tỉnh nầy lớn nhất của tiểu bang, là căn cứ, mật khu của DC. Poll cho biết Hillary sẽ thắng và Newsweek đã in trước kết quả.
Trường hợp nầy như 1948 Chicago Tribune đã đăng Dewey đè bẹp Truman. Tờ báo căn cứ vào cái "poll" lúc ấy, chỉ poll bằng telephone, tức là ý kiến của thiểu số giàu. Cũng vì những bôn lò ấy mà trong hai kỳ nầy, cá cuộc đã sai, hai người có chỉ số xấu nhất là Truman và Trump bợ được om cơm gạo nhe An Cựu.
Các bôn lò nầy cho rằng CH có hơn 50% số phiếu tại ba tiểu bang nêu trên nên cá cược cho Trump có 54% versus Harris 44%, nhảy vọt từ thể đảo ngược.
Betting (cá cược) cũng là một thứ điêu ngoa trong vòng tay của các thể lực tài chánh. Hiện nay các công ty computer cho Harris rất nhiều tiền để triệt hạ cô Shan, 32 tuổi giám đốc cơ quan điều hợp doanh nghiệp chống độc quyền; nếu Harris cầm dao ở a ba toa White House bà sẽ cắt cổ con dê cái nầy đầu tiên.
Quỹ tranh cử (war chest) của Harris là một tỷ mà ủy ban vận động của bà nói chưa đủ, nói bóng gió nếu bà không thành công, ấy là vì thiếu tiền. Nhất nhất giai do tiền định. Hillary đã tiêu 1,4 tỷ, tính ra hiện nay phải là 2 tỷ.
Rust belt nghe cái tên rất buồn, rust là gỉ sét, đã thay cho cái tên liệt oanh oanh liệt Steel belt, chả phải liệt oanh như Pavel thép đã tôi thế ấy. Nói chung là khu kỹ nghệ sắt thép, kể cả xe hơi và hầm mõ. Luyện thép ngưng trệ từ xưa. Thập niên 1960 đã khủng hoảng mà TT Kennedy đã phải tìm mọi cách duy trì đại công ty US Steel. Lúc ấy Tàu còn đói meo nhưng Âu Châu và Nhật đã chiếm thị trường sắt thép của HK. Hoa khôi của Steel Belt là Pennsylvania trở thành hoa buồn của Rust Belt.
Chú trọng đến Rust Belt nêu lên vấn đề phức tạp là quan niệm hình thành electoral vote đang bị tấn công là không công bằng nhưng hệ thống nầy giúp cho các cá biệt địa phương được duy trì. Bà Harris tránh né cũng như Walz tránh né để vừa lòng cả hai bên.
Vấn đề của Rust Belt là nền tự hào kỹ nghệ của Mỹ và công ăn việc làm, nhất là ngành xe hơi. Nó cũng kéo theo việc khai thác khi đốt (fracking) và hầm mõ.
Tuy phó tổng thống tại chức hay ứng viên không phải là người quan trọng, tỳ kheo Trump và tỳ kheo ni Harris cẩn người phó tế chuông mõ sớm tối ở Rust Belt, vì ít ai đi chùa.
8 năm trước Trump đã đến Detroit, kinh đô xe hơi, đứng trong một xưởng nay thành kho chứa phế liệu recycle để hứa phục hồi. Nay thì ông hứa sẽ không thúc đẩy sản xuất xe hơi điện, vì loại xe nầy giảm công việc làm. Ford, tình cờ hay hòa nhịp, hủy bỏ kế hoạch làm xe chạy điện. Bà Harris vội tuyên bố thay đổi chủ trương cũ tuyệt đối ủng hộ xe điện và đã cấp tiền làm xe bus học sinh chạy điện. Bà cũng tráo ngược chính sách cấm fracking khi Trump lấy đó làm đề tài tranh cử.
Pennsylvania vẫn còn là tụ điểm (focal point) của Rust Belt.
Ra ngoài vấn đề kỹ nghệ, vùng nầy dung chứa rất nhiều người Arab Muslim ủng hộ Palestine và chống Biden đã hà hơi tiếp sức (chữ của Việt Cộng) Do Thái đến mức vô luân như viện trợ loại bom 2 ngàn pound, đường kính vùng phá hoại có đến 8 km, họ rủ nhau nằm nhà ngủ khỏi phải đi bầu.
Vần đề Palestine rất trầm trọng ở Pennsylvania qua vụ truất phế viện trưởng Penstate. Thống đốc Shapiro thời trai trẻ đã viết nhiều bài báo chống Palestine. Vì vậy bà Harris đã không chọn ông cùng tranh cử.
Để thấy election là một khối tổng hợp, hãy nói Rust belt đang chịu ảnh hưởng của biên giới mở cửa ở phía Nam. Lọt qua biên giới, người nhập cư hướng về Bắc cho đến biên giới Canada. Người đẹp của tui Christine Noem, nữ thống đốc South Dakota, lo thành phần bất hảo hispanic vào các khu tập trung người Da Đỏ, buôn bán ma túy, cờ bạc mafia ....các biện pháp của bà làm bà bị các tù trưởng không cho bước chân vô. Trump đã hai lần làm dân chúng bất bình. Ông nói người nhập cư ăn thịt chó, ăn cắp chó mèo mà ăn. Ở chỗ khác, ông nói tổng thống Harris sẽ biến nước Mỹ thành những nơi tồi bại như Detroit (trong ngữ cảnh người nhập cư đã ô nhiễm các thành phố). Sự bất bình nầy nêu lên bởi báo chí và chính quyền trong tay DC nhưng hội trường không phản đối, buổi họp do Phòng Thương Mãi tổ chức, ủng hộ lời hứa của Trump phục hồi Detroit không để cho nó tiếp tục làm một thị trấn nghèo của thế giới thứ ba.
Rust belt là vùng kỹ nghệ mang tâm thái thành thị khác với tâm thái vùng nông thôn như Lenine đã phân biệt công nông. Rust Belt gần với đảng DC hơn, là vùng tiếp nhận những người nô lệ da đen trốn đi hay được trả tự do. Vùng kỹ nghệ ít bảo thủ và ít tôn giáo hơn nông thôn, có khuynh hướng sống theo kiểu ngoại ô suburb (banlieue faubourg) gần lối sống tại các blue states (DC). Nếu không tính lươn lẹo thì dễ hiểu trong năm 2020 Rust Belt đã cưu mang Biden. Nhưng chính nhờ tinh thần thành phố ấy mà đảng CH mong chờ cử tri Rust Belt có thể bỏ phiếu khác với 4 năm trước, không chí căn chí cốt như các tiểu bang nông nghiệp, đeo cứng "thống quyền da trắng và TCG cực đoan (white supremacy, fervant christianism).
Nếu theo dự đoán của báo chí và cá cuộc, chỗ hồng thành đỏ, cho xanh lơ thành xanh đậm, nếu thắng ba tiểu bang Wisconsin, Michigan và Pennsylvania, bà Harris sẽ thực hiện giấc mơ không vời đến được của Hillary Clinton: nữ TT đầu tiên*. Nếu thu tóm một trong ba tiểu bang, Trump sẽ giải tỏa hận đời đen bạc, thanh toán ân oán giang hồ, không nói ra, chỉ nói với mụ vợ Mélanie: L'état c'est moi, (quốc gia là ta) như vua Louis 14.


*Bé gái cháu ngoại của Hillary nói trong buổi tiệc sinh nhật của bé, rằng bé sẽ thành tổng thống HK, sẽ hoạt động giống bà ngoại. Bà đáp: cháu sẽ giống bà ngoại làm tổng thống HK nhưng cháu khác ngoại, ngoại sẽ là nữ tổng thống đầu tiên của xứ Cờ Hoa. Tâm thức ấy có thể giải thích nguồn tin rằng ông bà Clinton không ủng hộ Harris thay Biden. Vụ thay ngựa chủ động chính là Obama. Phức tạp hơn nữa, Hillary hận Obama đã gian lận mà thắng primary, rồi tiếp tục dìm và đưa anh già Biden ra tranh cử với Trump. Bây giờ ở thế noblesse oblige, ông bà đã ủng hộ Harris.

Monday, October 7, 2024

Trùm đĩ, phiếm luận

Willie Brown và Kalama Harris

Trùm đĩ
Tôn Thất Tuệ

Thầy hiệu trưởng Hàm Nghi đọc xong bài về Robert Kennedy có ra lệnh nhà cháu "tới luôn cho hết bầu cử", mà tới chỗ mô cũng chẳng có ý nghĩa gì. Những điều hứa khi tranh cử là hứa suông. Ronald Reagan cam kết sẽ chấm dứt nạn mượn tiền chính phủ rồi khai bankruptcy xí xóa.
Gian lận để vay tiền nhà bank là một federal felony vì nhà bank vay tiền của chính phủ lãi suất thấp và cho vay lấy lời để nền kinh tế sinh động. Nhà bank phải tìm mọi cách tránh lạm dụng như phải appraise để số tiền vay hợp lý tương đương. Hệ thống cho vay Mỹ cũng như hệ thống hậu kiểm (IRS audition) chỉ làm khó người nghèo; nhà bank tra hỏi vì sao bạn có tiền down, khả năng hoàn trái v.v...

Nhưng với đại công ty thì không lo chi việc nớ. Một công ty năng lượng mặt trời ở California luôn có người ỏng a ỏng ẹo với Obama và được Obama ra lệnh cho vay 300 triệu và công ty nầy đã khai phá sản ba tháng sau, thế là huề.

Reagan nói ông không muốn thấy những chuyện thế ấy. Tuy vậy trong 8 năm của Reagan vô số nhà bank nhỏ xuất hiện và đóng cửa. Hệ thống Save N Loan có mặt khắp nơi như tiệm hủ tiếu của Tàu khắp Saigon Chợ Lớn. SnL đồng loạt đóng cửa cùng các nhà bank nhỏ trước khi Nancy Reagan đóng cửa bếp White House.

Để mở nhà bank, bạn quy tụ một số nhà đầu tư góp một số vốn nhỏ như tiền quỵ rồi vay tiền của nhà nước. Bạn có thể làm chairman of the board, tự biên tự diễn. Nhưng chức "président" ứng viên do board đề nghị phải được bộ tài chánh chấp thuận theo một số điều kiện hiện có.

Nền âm nhạc "pop" đã phổ thành nhạc hai lời nói của Trump. Dân nhập cư ăn thị chó, thịt mèo, họ bắt "pet" của bạn mà ăn. Thứ đến ông nói rằng ông biết năng lượng bằng gió, wind energy tránh sản xuất khí ô nhiễm. Nhưng những cánh quạt ấy sản xuất bên Tàu bên Đức; khi làm các thứ "gió" ấy, Đức và Tàu sản xuất nhiều khí ô nhiễm; khí ô nhiễm bay qua Mỹ vì quả đất rất nhỏ: the earth is tiny.

Nhưng không thấy bản nhạc nào của bà Harris đã nói "Biden dùng ngón giữa thọt vô trong cửa mình: He penetrated me with his middle finger.

Bà Harris cũng đi theo con đường gần giống Trump. Bà nói người nhập cư gây nhiễu loạn và bà sẽ cho xây bức tường biên giới. Ủa? Việc đầu tiên của đôi bạn tâm tình Biden Harris làm khi vào WH là hủy bỏ kế hoạch xây tường của Trump mà? Harris đã ủng hộ việc khai thác khí đá thiên nhiên (fracking) trái với việc bà đã chống kịch liệt. Harris không ủng hộ xe hơi chạy điện tuy bà đã cổ súy ồn ào hơn ai hết, đã cấp chục triệu cho California dùng school bus chạy điện. Harris đã "back out", không còn ủng hộ việc cấm dùng ống hút bằng nhựa.

Nghe thì mệt như Trump cứ nhai lui nhai tới chúng cướp mất bốn năm tông tông của tui.

Xưa có quan huyện nổi tiếng sợ vợ; bị một thiếu nữ đến xin giấy tờ chọc quê khi ông ve vản bà: ồ cái thứ sợ vợ. Quan huyện dậm chân, đứng dậy như đang hát bộ ở Trường Bà Tuần. Vuốt râu ra không sợ vợ. Bà vợ ở nhà sau nghe liền hỏi chồng nói chi. Huyện mình: ờ ờ, hà hà, vuốt uốt râu âu lại ại, sợ ợ vợ ợ ợ như xưa ưa".

Chính trị gia quốc, cộng, đông tây, kim cổ đều là các ông huyện, nói chuyện chính trị như nói chuyện ông huyện to dái, ông lại to khu, mụ Du to đít.

Để thay đổi không khí, ứng cử viên phó tông tông Tim Walz đi vào trí khôn của chúng ta, noái chuyện mụ Du to đít là chủ tướng Kalama Harris.

Lần đầu tiên Tim Walz đi tranh cử một mình, không cần Harris. Tại Michigan, thống đốc Minnesota rất hóm hỉnh, frolicsome. Có lúc quá frolicsome chăng, đã nói: Kamala's career "started as a young prostitutor".
Từ điển chỉ có: prostitute, gái điếm, prostitution, hành nghề mãi dâm. Nhưng không có chữ prostitutor. Khác với education, có chữ eductator. Do đó có thể hiểu prostitutor là trùm đĩ, tú bà chứ không phải là một cô gái làng chơi.
Không thấy Walz đính chính. Báo chí thân thiện thì nói Walz nhầm với chữ prosecutor, công tố viên, biện lý. Hai chữ nầy khó đọc nhầm, vã lại, Walz là một giáo sư có bằng khen thưởng, hiện là một thống đốc.
Cái khổ là Kalama đã từng nổi danh là gái bao công khai của Willie Brown, khi nàng chỉ 28 tuổi và nhờ bố già lúc ấy đã 60 mà thăng tiến sự nghiệp, bắt đầu sự nghiệp.
Willie Browm, chủ tịch hạ viện California, là người hào phóng rực rỡ (flamboyant) có cả một đoàn (a procession) gái bao nhưng một mình Kalama được chàng cho chiếc xe xịn BMW và ông công nhận đã ảnh hưởng và giúp cho Kalama thành một nhân vật hữu danh hữu quyền.
Sự việc đã rõ như bang ngày nên Kalama nói bóng gió: sự liên hệ với ông Brown hiện là dây thắc quanh cổ, vì trong thời gian ấy, Brown còn bị tố cáo tham nhũng và dùng quyền lực đưa người bất xứng vào các ủy ban, trong đó có "con gái" (daughter) Kalama Harris.


Chúng tôi nhìn vụ nầy với phương hướng hơi khác. Nhiều báo cho rằng tuyên bố của Walz là sự trợt chân kiểu Freud (a Freudan slip). Đây là một nhận xét rất Tam Quốc Chí.
Freudan slip xin hiểu tạm là lời nói thốt ra từ vô thức, đã được hàm dưỡng từ lâu, đã bao lần bị chận đứng nhưng vẫn có thể sổ lồng. Lý thuyết Freud cho rằng vô thức rất mạnh, như 9/10 khối nước đá chìm trong nước và cho ý thức nổi trên không 1/10 thể tích.
Đúng vậy Walz đã biết quá rõ về Kalima. Chính trị, Nguyễn Văn Trung sẽ nói đó là amoral (phi luân), không phải immoral (vô luân). Harris đã nói ''Biden penetrated me with his finger''  rồi cũng ngồi chung, có chết thằng tây nào. Tôi Walz đây, đừng đồng hóa tôi với Kalama. 
Brown có cả một đoàn gái bao nhưng một mình Kalama được chọn đứng đầu để cho xe và quyền hành, xem như một thứ trùm. [Xưa vua Anh gốc Đức không nói tiếng Anh nên giao nội các cho một tổng trưởng làm cai gọi là prime minister, nay là thủ tướng].
Walz rất khôn ngoan, nhỡ như không thành thì vẫn còn đường về. Khi làm huấn luyện viên football ở một trường trung học, Walz lái xe say rượu và bị bắt. Ông đấm ngực nói với học sinh đừng uống rượu như ông. Người ta hiểu Walz là Tào Tháo hơn là một người âm thầm xem đó là một tội sinh phúc (felix culpa).
Khôn ngoan của Walz giống như một cử tri da trắng khuyên nên mua tấm biển Obama Biden để trong xe, nếu Obama thua McCain thì treo bên ngoài để dân da đen không đập xe.
Nhưng mà nầy, xưa Việt Nam hay nói: một đứa làm đĩ, cả xóm làm đĩ theo. Nếu có đứa thành prostitutor, trùm đĩ, thì theo cấp số nhân, không phải một xóm mà cả một tỉnh hay cả một quốc gia. Đừng nói, miệng ăn mắm ăn muối nói nó vận vào người, không khéo cả nước làm đĩ. Nếu sự thật như vậy, Walz sẽ là người tạo nên hay là người tiên tri? Cú kêu ma ăn, thiết nghĩ con cú Walz sẽ dành công trạng cho prostitutor Kalama Harris của ông.

Wednesday, October 2, 2024

tiếng Anh tui lận ba mo * Vaginacracy

Tôn Thất Tuệ

Lưu Bang hỏi Hàn Tín: ''ta có thể điều động bao nhiêu lính?, Hàn Tín trả lời "ba vạn". Thái tổ nhà Hán tương lai hỏi Hàn Tín 'sức ông là bao?', Hàn Tín trả lời "đa đa thiểu thiểu" có ý kiêu ngạo. Bao nhiêu cũng được, một tiểu đội, một đại đoàn, một lộ quân. Gần giống như vậy, một học trò hỏi thầy dạy kèm là tôi, thầy có bao nhiêu ngữ vựng tiếng Anh, tôi sẽ không cương như Hàn Tín và trả lời e không quá 500 ngữ vựng. Trong lúc ấy Anh ngữ bây giờ e đã hơn 200 ngàn chữ mà ngày một gia tăng.

500 vocabularies, vì tôi không học sư phạm Anh văn mà chương trình được khai dài hơn sớ táo quân. Các sư phạm gia ấy (les normaliens) có tệ lắm cũng làm chủ 10 ngàn chữ. Sức học của tôi không bằng các thầy học gắng, cái các thầy học cho quên những phút trong nhà cầu.

500 chữ là con số để chỉ "basic English" mà các nhà giáo dục đã rút bớt từ quan niệm Basic English có đến 800 chữ. Chúng tôi không đề cập công trình nầy. 500 chữ đủ sống trong chợ hoa Luân Đôn với Audrey Hepburn trong phim My Fair Lady.

Với 500 chữ, một người ngoại quốc có thể mưu sinh trên quê nhà của Charles Dickens, của nữ hoàng Elizabeth, lái taxi, bán hàng, làm công...Đó là kết quả thống kê ngôn ngữ hàng ngày bình thường. Thật vậy, có ai nói ontology, hình nhi học, nhân quyền, dân quyền, (human and civil rights), ai nói những động từ khó như giác ngộ tự thân (enlighten per se).

Tính ra mà xem. Candy, food, bread, go to the market, street, house, dog, cat, bird, apple, car, post office, bank, wash, clean up ..... Các thầy dạy lập ra một danh sách 500 chữ gồm những chữ gốc không biến thái. Ví dụ "to go" không có inflection went, going; "street" không có chữ tương cận  gồm đến gần 10 chữ như boulevard, drive, avenue, trail ... Cũng vậy, cứ "house" mà tới luôn bác tài, bỏ lại đằng sau: hut, cabane, mansion, palace, villa, chalet, duplex ...

Với 500 chữ, tôi đã hù dọa một ông bác sĩ Mỹ mà tôi cắt cỏ trong vườn. Bà vợ nói: Do you speak some English? (ông có trọ trẹ đôi ba tiếng Anh tiếng u hay không?). Ông chồng bưng miệng vợ, bảo nói: Do you speak English? He speaks English better than we do. Thiệt không? nhưng cái mũi tôi to hơn quả cà chua chín.

Các chữ ấy không được dạy như một cuốn từ điển mà mỗi chữ kèm theo các câu nói, có giải thích văn phạm đơn giản và phát âm đúng. Họ chủ trương lối thực tế ăng lê, biết ít nhưng biết vững chắc. Ngay một chữ vô cùng tầm thường "and" hầu như người ngoại quốc nào cũng nói sai lúc đầu. 'And' không đơn thuần "en", trái lại là hai âm, thực tế là âm rưởi "en đờ"; trước khi chậm lại, 'and' có hai âm rõ ràng và nhấn mạnh ở đờ. Tie, cà vạt, không tương đồng lỗ tai, thing không đọc như thinh không. Số nhiều đọc chữ S thành dờ (z) hay xờ (s). Quá khứ phân từ "ed" phải đọc thành đờ (d) hay tờ (t). Husband đọc vui mà đúng: hốt xà bần: hớt dờ ban đờ.

Muốn nói ngoại ngữ như tiếng mẹ phải học chậm nhất lúc tám tuổi, ngoại trừ những nghệ sĩ kỳ tài. Nhưng khi mình nói khó khăn mà đúng, người nghe biết mình có học.

Theo lối Hàn Tín, phần trên là thiểu thiểu 500 chữ, lấy vốn câu cơm. Nhưng đa đa thì sao? Tốc độ gia tăng của một ngôn ngữ tùy ảnh hưởng chính trị xã hội và sinh hoạt của quốc gia gốc. Nghe nói, tiếng Anh có đến hơn hai trăm ngàn danh tự; các chữ mới kế nhau ra đời. Đường lối phát sinh chính là hằng ngàn sắc thái của sinh hoạt xã hội, gồm mọi khía cạnh, khoa học, chính trị, ngoại giao, nhưng không theo một quy luật khuôn phép nào mà có tính cách tự phát.

Thượng viện HK dưới sự điều động của hai TNS Kennedy và Biden đã tấn công ngoài mức hợp lý ứng viên thẩm phán Tối Cao Pháp Viện là ông Bork. Từ đó tiếng Anh có thêm động từ 'to bork', là chỉ trích, phá bĩnh theo phe phái người mà hành pháp đề nghị giữ các chức vụ công quyền. Ponzi tên một kẻ lường gạt tài chánh trở thành động từ lương gạt. Những danh tự ghép các mẫu tự như aids, bệnh xi đa. 

Một cách khác là thêm nghĩa mới cho những danh từ cũ. Feminine, tĩnh từ thuộc về nữ giới. Nhưng tại sao: feminine woman, feminine man? Thì ra nó có nghĩa trong cái vụ đồng tính luyến ái, người nầy đóng vai đàn bà khi 'ò e Rô Be (Robert) đánh đu, Tạc Dăng (Tarzan) nhảy du, Dô Rô  (Zoro) bắn súng'. Và cũng vậy, masculine woman và masculine man đóng vai đàn ông. Chúng tôi mới học chữ abrosexual: kẻ thay đổi khuynh hướng giới tính từng ngày.

Chữ mới có tính cách thời sự là vaginacracy được moi ra đưa lên internet vận động cho bà Harris vào White House để tạo nên một nền thống trị mới gọi là vaginacracy, bên cạnh những chữ cũ như theocracy, technocracy. Vaginacracy sẽ bao gồm các vị cũ xưa như Margaret Thatcher (Anh), Golda Meir (Do Thái) Angela Merkel (Đức) và các lãnh tụ "gái" ở Âu Châu. Chúng tôi sẽ đề nghị bà Harris diễn đọc tập sách Vagina Monologues đã được vợ cũ của thị trưởng New York Giuliani vô băng. Tập sách nẩy đối với vaginacracy giống như Das Kapital với communism.

Rõ ràng là đa đa của kẻ chịu ơn bát cơm của bà phiếu lụa bên sông. Đúng là biển học, nhưng không vì biển rộng mà không dám xuống nước, vượt biên làm boat people. Khoa ngôn ngữ làm người đời yên tâm.

Theo đó một giáo sư đại học - không phải học đại nhé - làm chủ 10 ngàn danh tự. Làm chủ, mastering, có nghĩa dùng dễ dàng khi nói hay viết. 10 ngàn so với 200 ngàn còn được hơn cái basic của nhà em, 500 words. Vị nầy có thêm 10 ngàn chữ khác, không tự mình nói ra hay viết ra được nhưng kẻ khác nói hay viết thì giáo sư kia hiểu dễ dàng và huân tập thì đưa chữ ấy vào khối chữ mình làm chủ. Do đó đọc làm mình nhiều chữ hơn. Cũng giống vậy, mình không biết hay quên tuyệt vài chữ đặc biệt Huế nhưng có ai nói thì mình biết ngay, nhớ và sẽ dùng khi cần: trợn mê nồm, mốc meo phèo phọp, tởn tới già .......

Số lượng 20 ngàn chữ vừa nêu nằm trong lãnh vực chuyên biệt của mỗi người. Dược sĩ, y sĩ gồm chữ gốc Hy Lạp, luật gia thì chữ La Tinh. Phạn ngữ nơi mấy ông triết lý Đông Phương v.v... Tuy vậy khối danh tự nầy không tách rời 500 chữ hàng chợ câu cơm của tôi. Vì ngôn ngữ người tài và người dốt không xa lìa đời sống.

Chợ hoa của Audrey Hepburn sẽ có thêm amarillis (lan đất), jasmine (lài), những chiếc bình cắm hoa (flower pot); hàng kẹo chỗ nầy là candy shop, chỗ kia là confectionary. Nói cách khác, những sự vật sự việc đều không thay đổi chỉ có ngôn ngữ liên hệ giàu có hơn, phức tạp hơn; dần dần con số 500 sẽ thành 800, 1.000 và sách tập đọc cũng khó dần như những bậc thang.

Khi bài nầy được share vào Facebook, một độc giả cho rằng con số 10 ngàn chữ của một giáo sự đại học quá ít vì theo tuần báo 'The Economics', trẻ em chừng 10 tuổi có khối lượng vocabulaire đến 20 ngàn. Cách lượng định các con số khác nhau. Trẻ con có tiếng Anh là mother tongue biết nhiều danh từ cụ thể hơn một giáo sư Nhật và không thể có số lượng danh từ trừu tượng. Ngay như những danh từ toán học cũng phải tuần tự mà có. Có video ca ngợi vài em bé Nga có khả năng nói sáu ngoại ngữ. Video nầy rất misleading, nói không đúng. Bé biết danh từ của 6 ngôn ngữ, mỗi ngôn ngữ bé biết vài chữ nói về các vật thể thông dụng như bình sữa, cây viết, bố mẹ. Lúc nhỏ chúng ta đều đã nói tiếng Anh: oánh tù tì (one two three) mi ra cái gì tau ra cai nầy. Bớp bò sư tử li ông sơ van con ngựa mu tông con cừu; thiên trời địa đất. Đứa con nít 9 tuổi theo mẹ đến nhà thờ biết God là gì nhưng số chữ của nó không gồm "an anthropomorphic God"(mang hình dạng con người). 10 ngàn chữ nêu trên thuộc loại kinh viện (academic).

Chúng tôi nêu câu chuyện basic English để bà con không sợ hãi; ngoại ngữ chẳng có gì khó. Phụ huynh dù có bài ngoại phải có căn bản về ngôn ngữ nầy để hướng dẫn con em vì lũ trẻ bây giờ sính tiếng Anh mà chúng học cái bậy rất nhanh. Một nữ lưu đăng đàn dạy chúng sinh nấu ăn, nấu bún bò, cô bảo phải đi mua "cỏ chanh". Ông nội tôi có hiện về theo xác cô xác cậu cũng không hiểu cỏ chanh là cái gì. May thay ông nội tôi tu nhơn tích đức nên tôi học được tiếng Anh lemon grass là cây sả. Nhiều bài dinh dưỡng khuyên ăn gạo nâu, thì ra gạo nâu theo tiếng Anh là brown rice, gạo lức ấy mà. Một nữ dịch giả vênh mặt dạy đời dịch ngựa phi nước đại là: bay và thải nước: flying and spitting water. Nước tiểu? Thiệt đúng là phi nỉ lô đia (finir l'eau dire, hết nước nói).

Sai lạc được khen ngơi, ca ngợi vì cái văn hóa vỗ tay. Ngày nay bỏ tiền sẽ thêm like, love. Ở Liên Xô xưa kia, xong bản nhạc, bạn chưa được phép vỗ tay, chỉ vỗ tay sau khi lãnh tụ bắt đầu và không được ngưng nếu lãnh tụ chưa ngưng; người đứng sau không thấy cứ vỗ tay và bị kỷ luật, nhiều lần sẽ đi tù, sẽ đi gulag và ghép vào thành phần quốc thù như "vợ chồng thằng Thu", bố mẹ của Xuân Diệu.

Phu huynh đến Mỹ không biết tiếng Anh khó giúp cho các con làm bài tập, chỉ làm cho chúng ít ít điểm nhưng không tai hại như bây giờ. Sai lạc được tổ chức có hệ thống, là dịch bằng máy. Hằng ngày mở FB học tiếng Pháp, chúng tôi chỉ thấy tiếng Anh rất kỳ cục, phải bấm bài gốc thì ôi thôi. Cũng như bây giờ, không biết tiếng Anh thì không biết người Việt nói cái gì, như trường hợp gạo nâu. Xô xác vật lý (physical brawl), đôi co, đánh nhau bằng tay chân, chỉ là một trong muôn ngàn sự học ngày nay nhiều like, nhiều love, nhiều followers. Không biết tiếng Việt thì không hiểu tiếng Anh người Việt viết.

Xem tướng kèm theo tiếng Anh là "see general", quán trọ có free wife (free wifi), phòng hurt tóc chẳng chết con đĩ mẹ thằng tây nào. Nhưng những bản dịch ra tiếng Anh hay viết tiếng Anh sẽ làm người English speakers, anglophones nghĩ gì? Họ sẽ không còn giữ thiện cảm dối với tiếng Anh của lớp có học có văn hóa xưa.

Nếu họ thông thái và rộng lượng, họ sẽ chia ra hai hạng người VN nói tiếng Anh tương ứng với hai hạng người xếp theo xã hội học. Người Nhật hiểu biết đang làm việc nầy khi có thái độ đối với con cháu Lạc Hồng, mỗi thành phần một cách khác.

==================================================

Bùi Trang, gái Huế 1987 nhưng cà cuống chết cái đít còn cay

============================