Vung kiếm ngày 13 Oct 2024
Tôn Thất Tuệ
Thế nào cũng sẽ có ngày 13 thứ sáu thg 10 là ngày gây sợ hãi, ngày Chúa bị đóng đinh. Vendredi treize. Ngày vợ toàn quyền Decoux chết trên đèo Đà Lạt. Mừng vì ngày 12 trước đó là birthday của thi sĩ ba đá bốn đạp nửa mùa đang phách tấu lung tung lang tang ở chỗ nầy. Nếu tới chậm hơn một chút thì vào con số 13.Nhưng sinh trước thì thấy những khổ đau của 13 và những ngày kế tiếp của chính mình và người đời. Cho nên cái birthday nớ xấu, đổi qua 'birth date' hay 'date of birth' ghi vào bằng lái xe cũng không hay ho gì hơn. Thoạt sinh ra miệng đà khóc thé, trần có vui chi chẳng cười khì. (Cung oán ngâm khúc).
Tôi sinh ra trong một gia đình không có tập tục mừng sinh nhật, vã lại chiến tranh cơm chưa có ăn thì nói chi bánh trái hoa quả. Tôi không biết nhiều về bố; theo các anh con bác cả, cha tôi cho rằng ngày chết mới xác định đời sống. VN tưởng nhớ các vĩ nhân vào ngày chết, không như Tây Phương mừng ngày sinh. Chết rồi, mới biết anh hùng hay phản quốc.
Thực tế, cứ như xưa, ai mà biết ông nội ông ngoại tuổi con gì, chớ nói chi ngày tháng. Ai cũng nhớ ngày kỵ, nhất là các ông trưởng tộc lo cúng quảy đến ông cao cao (5 thế hệ) và các hiệp kỵ. Đây không nói theo duy vật biện chứng, ngày kỵ là ngày có ăn trong một xứ không sung mãn, nếu không nói thiếu ăn. Nhớ ngày kỵ là nhớ đến cục xôi.
Một truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư rất cảm động và thuần túy dân tộc. Ở miền Tây, ông Hai hớt hãi chạy về vì nhà cháy. Ông nhảy vào giật được cánh cửa, chạy ra bờ ao, để xuống. Trờ vào chẳng còn gì mà lấy tiếp. Ông thở phào thản nhiên. Thái độ của ông không nặng ưu phiền vì tai họa, mà trông kỷ không khéo có chút thỏa mãn.
Thật vậy, trong những thứ, những sự việc tồi tệ nhất, ông có được cái hay nhất tốt nhất. Cánh cửa phía sau có ghi ngày cúng giỗ tổ tiên. Nhỡ mà cháy thì làm sao nhớ.
Ở Mỹ nhờ chính quyền nhắc, tôi nhớ ngày sinh vì ngày nầy đáo hạn đăng bộ đóng thuế xe, đừng trả trễ khỏi bị phạt tiền. Cũng là ngày đáo hạn bằng lái xe. Kỳ dư không có gì hơn, cơm ngày hai bữa tắm rửa hai lần.
Hôm qua trời nắng. Tình cờ đứa con trai ở South Carolina chở vợ con đến thăm, cho biết hai trận bão vừa rồi không gây thiệt hại dù nhỏ đến đâu. Chúng không biết là ngày sinh của bá giồ nhưng có cho tôi mấy trăm đô. Thằng bé bảo tôi cất dành mua vàng vượt biên, chứ 50 năm trước khi cần bố mẹ chẳng có một chỉ. Phải nghĩ tới chuyện vượt biên vì HK có nhiều dấu hiệu ngột thở. Công đồng người Việt có thêm một hạng người Việt khác không giống ai. Tương lai rất gần, vài tháng nữa, như CNN, Fox nói, ...nói, nước Mỹ không thành Đức Quốc Xã với sư ông Trump thì thành Liên Xô của sư bà Harris. Phát xít và CS có khác chi nhau. Thôi thì vượt biên còn chi nữa.
Tôi đáp: Que sera sera. Mà vượt biên thì chỉ có việc xuống Florida, mãi đến Key West. Đến Cuba chưa được một phần mười Rạch Giá đến Songkhla Thái Lan. Vui hè. Đến Havana, quan ta rờ, mê, la, rờ đủ thứ rờ cu ba. (Guantanamera).
Thế sự thăng trầm quân mạc vấn. Yên ba thâm xứ hữu ngư châu. (Cao Bá Quát)
Lên voi xuống chó hỏi làm chi cho mệt. Sâu, sâu kia trong sóng vỡ như khói, một chiếc thuyền câu khi thấy khi không.
=====================================================
No comments:
Post a Comment