Nam ai, Nam bình, Nietzsche, Bain de soleil, Gia Long, Phú Xuân, v.v…
Tôn Thất Tuệ
Còn nhớ chừng 1953, 1954, Huế rộ phong trào đi biển
Thuận An mùa hè. Xe đạp từng đoàn qua Đập Đá xuống Chợ Mai, Chợ Nọ v.v… đi đò
qua phá rồi mới tới bãi biển, cắm trại dựng lều. Tuy chưa thành thời thượng, các nàng (bây giờ trên dưới 80) bắt
đầu khoe cặp giò với áo tắm bain de soleil. Một lần tôi qua đò đã tối, trăng đã
lên. Bến khá vắng, mà người đi phần nhiều là dân trong vùng. Một vị trung niên
áo bà ba thay cô lái mà đưa người sang bến. Ông hò từ đầu chí cuối. Tôi nhớ được
câu ni:
Thiên sanh nhơn hà nhơn vô lộc
Địa sanh thảo hà thảo vô căn
Một
mình em đứng giữa lọng thuyền dưới nước trên trăng
Biết ai vô đây mà trao duyên gởi nợ cho bằng thá gian?!
Tôi chưa đọc chưa nghe lần thứ hai. Nhưng tôi thích lắm.
Nay tìm gặp trong bài diễn thuyết ở Saigon 1933 của Thái Nam Vân. Trước
khi đọc bài nầy, tôi thương yêu câu hò đúng như tinh thần của Pierre Loti: Aime
ce que jamais tu ne verras deux fois, hãy yêu thương những gì bạn không thể thấy
hai lần.
Thái Vân Nam cho rằng những câu ca dao bắt đầu với những
dòng chữ Hán chỉ có ở Huế.
Hai câu chữ Hán không hẵn được mượn chỉ để gieo vần;
mà làm nền cho một nhân sinh quan không cao mà siêu. Muốn nói siêu trong tinh
thần “thiện thệ” của Phật Giáo, không cao nhưng thấm thấu, như đạn xuyên táo, như mưa nguồn cây lớn cây nhỏ đều hút nước no đủ. Nhân sinh quan nầy
là: em đứng giữa trăng và nước giữa trời và đất. Em cùng trời và đất trong thế
chân vạc, vững như kiềng.
Âm vọng (écho) và tâm ý vọng (vocation) đều rộng lớn vì
em còn nghĩ đến mọi người là thá gian (thế gian). Nhưng trong thá gian ấy, em
chỉ sẽ trao duyên gởi nợ cho một người, chưa biết là ai (still available!) mà
không mâu thuẩn với ai cả, không đấu tranh giai cấp, không kèn cựa ý thức hệ.
Nhưng em ngầm hiểu, người ấy miễn là người, không phải là ác quỷ mặt người,
không phải là thiên thần quái dị.
Đồng thời em ở trong lọng thuyền (bọng thuyền?), trong
một khung cảnh thực tế như một ngôi nhà, như một xóm làng. Trong triết học
Muslim xưa, tượng trưng cho một không gian rộng rãi có biên vực là một thiếu nữ
chống nạnh (akimbo) như hai gạch chéo nhỏ là một điểm trên mặt phẳng hình học,
xác định môt vị trí.
Phần phụ câu ca dao nầy giúp tôi khá nhiều, làm tôi
không bận bịu cần được người khác nhớ ơn. Nào có ơn gì đòi người ta nhớ. Những
điều thế gian cho là việc lớn cho là giúp đỡ, như nhớ ơn lãnh tụ anh minh, đều
là vô sở trụ. Nếu tôi biếu người khác 10 đồng, ấy là lộc của người ấy, là ân sủng
thiên hựu, hay chính là thiện nghiệp quả của người ấy, còn tôi chỉ là người đưa
thơ. Hà nhơn vô lộc là nghĩa nó như vậy. Hà thảo vô căn? Gốc rễ của tôi từ vĩnh
cửu, như cây bầu nhà tôi có rễ tận Thanh Hóa.
Tôi nói quá nhiều vì mừng tri ngộ lời hay như tha
hương ngộ cố nhân, sau 70 năm. Thật ra ý chính khi viết bài nầy là để giới
thiệu bài diễn thuyết của Thái Nam Vân, 1933 sáu năm trước khi tôi chào đời.
Tài liệu song ngữ nầy là kết quả thuyết trình Huế & ses Chansons tại trụ sở Hiệp Hội Giáo Chức Nam Kỳ (Société
d’Enseignement Mutuel de Cochinchine) và được diễn giả dịch qua Việt Văn (Huế
và Ca Dao Huế) để in thành sách mỏng (brochure) với 20 trang.
Thật khó lòng mà đoán mục đích tối hậu của bài diễn
thuyết. Với những vị nhạy bén chính trị (au sens politique), Thái Nam Vân đưa
ra một lời kêu gọi cho chủ trương quốc gia (nationaliste), khéo léo và bất ngờ
tiếp theo sự mô tả lịch sử xứ Huế theo dòng lịch sử chung của Đàng Trong, tiếp
theo sự trình bày chuyên nghiệp về âm nhạc xứ Huế. Nam ai là gì? Nam bình là gì?
Đâu là mái đẩy, tứ đại cảnh, lưu thủy, hành vân….
Thái Nam Vân chú ý đặc biệt nam ai, như tiếng kêu bi
ai, sầu thảm, phẩn nộ của một giống nòi đã chết (đừng hiểu là dân tộc Chàm)
nhưng giống nòi nầy không muốn chết nữa. Vế thứ hai “không chết nữa” nằm trong nam
bình (nam bẳng). Thái Nam Vân không cho nam bình tính chất hùng tráng như âm nhạc
tây phương, ông cho nam bình là thái độ quân tử (chữ của tôi), hùng tráng ở nội
lực hơn là diễn võ dương oai. Nam bình là một nhận chân sự thể đau buồn để rồi
không buồn nữa mà hành động để không chết nữa. Thái Nam Vân cho rằng thái độ tích
cực ấy tương ứng với “tinh thần Nietzsche”; tinh thần nầy rất quan trọng mà
thanh niên sẽ chấp nhận để xây dụng một nước Việt mới.
Bài diễn thuyết chấm dứt với đoạn nầy: Ce peuple se meurt, c’est un fait, et vous l’avez
constaté dans le caractère de sa musique et de ses chansons. Ce peuple ne veut
pas mourir, c’est un autre et vous pouvez l’observer autour de vous. Mais pour
revivre d'une vie nouvellle, il a besoin de faire sien cet esprit nietzschéen …
Cet esprit, j’espère bien que la jeunesse annamite présente l’aura, pas trop,
mais suffisamment, pour bâtir l’Annam Nouveau.
[Dân tộc nầy đang chết đây, sự đó quý vị đã thấy trong
điệu nhạc, tiếng ca dao. Dân tộc nầy chưa muốn tiêu diệt, sự đó quý vị cứ trông
ngay vào chung quanh mình thì biết. Nhưng mà muốn sống lại cái đời mới, thì tôi
tưởng phải có cái tư cách nietzschéen. Cái tư cách nầy, tôi rất mong là thanh
niên ngày nay đều có, không nhiều lắm mà vừa vừa thôi, để đào tạo lên cái Tân
Việt Nam vậy.]
Đoạn nầy cho phép nói Thái Nam Vân nêu lên một lời kêu
gọi thuộc chủ nghĩa quốc gia. Thật vậy, buổi diễn thuyết xấy ra trong thời gian không
riêng VN mà cả ĐNÁ đang đặt vấn đề quốc gia, dân tộc và chủ quyền.
Người Huế mang tên Thái Nam Vân nói chuyện ở Nam Kỳ, ông không
bị chia lìa theo tổ chức hành chánh thuộc địa trung nam bắc, vì đặt vấn đề dân
tộc. Tuy đề tài là âm nhạc Huế, diễn giả nói rằng những thâm thúy tinh anh,
những ước nguyện có chút khác biệt rất nhỏ về hình thức, là những đặc tính
chung của dân tộc, của Trung Nam Bắc.
*** Hai mươi trang sách không nhiều lắm. Thái Nam Vân nhấn
mạnh tính chất hữu tình êm dịu mà thiên nhiên đã cho đất Phú Xuân mà ông dịch là
“Riche Printemps”. Ông đã trích dẫn rất nhiều sách sử, cho biết Huế xưa đã có một
lịch sử đặc biệt, là một đế đô như chúa Nguyễn Phúc Khoát đã định danh cho nơi Đàng
Trong làm thủ đô. Quân đội hùng mạnh, có thủy quân, bộ binh, tượng binh, có
cung phi mỹ nữ, có văn quan, có võ quan.
Lịch sử xứ này đánh dấu bởi việc Nguyễn Hoàng cho lập tháp
Linh Mụ, và kinh đô hình tượng từ khi Sãi Vương thiên đô từ Ái Tử Quảng Trị vào
đây. Nhưng những kiến trúc đền đài ấy đều bị phá hủy khi Tây Sơn chiếm.
Đọc đến đấy, chúng ta có thể suy nghĩ thêm. Những cung
điện đền đài ấy tốn kém công quỹ và tiền bạc của dân chúng. Trong Nam dẫu nhiều
tài nguyên hơn vẫn chưa phát triển. Chúa Nguyễn Phúc Khoát xuất thân là một người
khiêm nhường đã không chịu theo đề nghị xưng hoàng đế mà chỉ giữ tước vương như
một chư hầu của nhà Lê.
Nhưng chúa đã để cho người bà con là Trương Phúc Loan
lộng hành, đưa chúa vào đường ăn chơi bỏ bê chính sự. Trương Phúc Loan không cho con chúa là Nguyễn Phúc Luân, nối ngôi; Nguyễn Phúc Luân chính cha của Nguyễn Ánh. Nhờ thế yếu ấy mà anh em Tây
Sơn đã chiếm toàn cõi. Chúa Nguyễn không những mất kinh đô Phú Xuân mà còn mất
cả Gia Định Thành, hậu cứ kinh tế xã hội quan trọng nhất.
Ở một điểm khác, Thái Nam Vân giúp chúng ta thấy nhiều
sự kiện giải thích vì sao Gia Long có thêm lý do chọn Phú Xuân làm kinh đô. Tổng quát, Phú Xuân là nơi Nguyễn Hoàng đã muốn làm đất cắm dùi để “vạn đại dung
thân” phía nam Đèo Ngang (Hoành Sơn). Nhiều lần di đô, xa như từ Ái Tử, gần như
Khuông Phò (Sịa) hay cả Kim Long.
Nguyễn Ánh lên ngôi 1802. Đến năm 1818, một thuyền trưởng
người Anh tên Rey được yết kiến. Trong hồi ký, Rey kể lại lúc ấy Huế vẫn còn là
một vùng điêu tàn. (La ville capitale n’est qu’un amas de ruines). Thật vậy,
chiến tranh, hận thù đã phá hết; Nguyễn Huệ không cần phải tái thiết vì Nguyễn
Huệ đã có ý định lập kinh đô ở Nghệ An.
Gia Long đã vận dụng óc sáng tạo để xây kinh thành ăn
nhịp với nét hài hòa của thiên nhiên; phát triển các vùng phụ cận. Khuôn mặt
kinh đô do Gia Long tạo ra. Trong cuốn Souvernir de Huế, Michel Đức Chaigneau tả
đủ kinh thành và sinh hoạt của triều đình cho phép nói rằng Huế đô vẫn như xưa.
Huế mà de Courcy thấy khi đến năm 1885 không khác Huế Gia Long để lại.
Nhưng tên Gia Long đã xóa khỏi tên đường Huế, Ngả Giữa
Gia Long đã thành Phan Bội Châu năm 1954 khi bắt đầu chế độ Ngô Đình Diệm.
Sau khi nhắc đến sầu cố quốc, quyền cai trị vào tay người Âu, Thái Nam Vân không ngần ngại khen óc thẩm Mỹ của người Pháp. Chính
quyền mới tôn trọng những kiến trúc cũ, và sự đô thị hóa Hữu Ngạn cũng hòa đồng với
thiên nhiên. Nhờ đó Huế không mất nét hữu tình, như lâng lâng sống trong hoài
niệm, thở những hơi thở của nền văn minh xưa, vang bóng đế quốc Đại Nam.
Người Huế đã hình tượng những nét Huế qua hòn non bộ,
có sông có núi, có cây, có thú rừng, có những tịch cốc ở sườn đồi, có tiều phu,
có ngư ông.
Những thứ ấy, những tiếng nhạc, những tâm tình …các thân
hữu sẽ rõ hơn khi đọc đấy đủ brochure ngắn nầy. Nhưng xin lưu ý Thái Nam Vân nói
về những ngày xa xưa chưa có những đổi thay văn hóa xã hội đầy xáo trộn.
Nếu, e không phải nếu mà có thật, những nhẹ êm, hữu tình, thi vị nơi ngòi
bút của Thái Nam Vân không còn nữa, thì Huế xưa là một niềm thương yêu thâm sâu, câm nín tưởng như lãng quên, trong công thức của Pierre Loti: Huế yêu thương những gì không thể thấy hai lần (Aime ce que jamais tu ne verras deux fois). Làm chi có
lần thứ hai mà chộ.
Huế & ses chansons - Huế và ca dao Huế
======================================================================================
No comments:
Post a Comment