Quý Mão * 2023
Yêu thương những gì không thấy hai lần
Aime ce que jamais tu ne verras deux fois
Tôn Thất Tuệ
Pierre Loti: Hãy yêu những gì bạn không thể thấy hai lần.
Lời khuyên nầy khác với ý của Hiraclite, không ai tắm
hai lần trên một dòng sông. Rồi lại đúng vì nói về dòng sông thời
gian. Hóa ra mình phải yêu quá nhiều. Làm sao có lần thứ hai buổi từ giả ở sân
trường hay sân ga? Không bao giờ thấy lại những lần ngu ngơ ngú ngớ hỏi nhau cấy
ni cấy tê.
Rộng hơn nữa sẽ không thể thấy lại lần thứ hai cảnh sống
tương đối thanh bình sung mãn đã sống, không bị quấy rầy đến nội tâm, làm sao có
lần thứ hai một đường nếp nhân bản hài hòa mà chờ mong nghiệt ngã e có ngày thành
đá như thiếu phụ chờ chồng.
Mẹ trông con lên non ngồi cầu Ái Tử / Gái trông chồng
lên núi ôm tượng đá Vọng Phu.
Tất cả, tất cả quá khứ đã thành một mối tình xa xưa chỉ
còn thương nhớ không nguôi, từ chính trị, văn hóa, xã hội đến muối ớt, mắm nêm
và cho đến tình đời ngọt ngào, chua xót. Không thể thấy lần thứ hai. No way! Bất
đạt! Ba mỏi nháng (Pas de moyen).
*** Hôm qua, mồng một Tết, tiếp tục đọc cho xong cuốn
sách ngắn của Phạm Quỳnh, chúng tôi gặp câu trích ở chương Pierre
Loti. Mà Tết ai cũng biết là thời gian của nhớ thương, của xoa dịu và của ước
mong. Đó là nói về giai đoạn Tết chưa bị thương mãi hóa cực độ như ngày nay.
Rứa thì câu văn kia là tiếng nói của những khối lòng
không chụp được tà áo để nàng qua sông, hay mất hút trong rừng thông, trong rừng đào; khối lòng không thực hiện tối thiểu lý tưởng
mà bị khựng lại sau cánh cửa hẹp của nhà tù, chưa chết là may.
Và, đó cũng là cái Tết của tôi với những thứ không thể
thấy lần thứ hai. Nay chỉ có hai con khỉ già chia nhau lát cá thu phích cà
chua, có đám tàn nhang màu xám điểm mặt, tàn nhang cây hương thắp cúng trước
khi ăn phần cơm ôn mệ đã chứng. Tàn nhang xám như áo tràng xám mệ ngoại khoác vào, thắp hương khấn vái giữa trời tám hướng mười phương.
Cảm ơn nhà tôi, hơn nửa thế kỷ giúp tôi vượt khỏi các trừu tượng của ý thức hệ nọ kia để sống thực cùng núi rừng, thú hoang và cây cỏ, vẫn nhớ đến những thứ mơ thấy lần thứ hai.-
Tôn Thất Tuệ
(của Bửu Châu) Bỗng nhiên tôi muốn viết, vẽ một chút gì trừu tượng; một luồng tư tưởng xanh lục chạy qua một buổi chiều xanh
lục, một nguồn ý lực vàng rực tụ thành một hào quang quanh đầu con dê rừng vừa bị bắn chết, diệt nguồn lương
thực của dân du mục bám sát sa mạc như cây xương rồng trên cát. Chưa đủ trừu tượng gạt đời bằng một vệt đen rất lớn với “xú tít” rõ ràng minh bạch “hai võ sĩ da đen đấu sức
trong đêm ba mươi” hay “hai cột nhà cháy đang chui qua đường hầm xe lửa dưới đèo Hải Vân". Đặt hai bàn tay trên hai vai nàng như đặt trên hai trang
sách mở ra, chiếc áo nhung mướt, trơn tru không có chỗ lồi lõm như
những trang sách Braille (để đọc mù bằng những ngón tay). Trừu tượng là ở chỗ đó nhưng phải đọc, biết làm sao bây
giờ. Đôi ba chương đầu có một luồng tư tưởng màu xanh biển trên
một biển lớn màu xanh biển, có những thủy thủ đưa tay vờn những con hải âu lõi đời; có những đống vỏ chai thật dày, sẵn sàng làm bì thư cho hy
vọng, tuyệt vọng, hên xui may rủi. Màu xanh biển mang tính chất vô định của những phong thư
tròn quay như đòn chả. Nàng mượn của tôi màu xanh lục chạy qua những buổi chiều
xanh lục, chạy qua những cánh rừng màu xanh lục. Nàng mượn là cố gieo một chút nợ tình, chứ màu xanh lục của nàng còn thắm hơn màu xanh lục của tôi. Ấy là lúc nàng yêu tôi; màu xanh lục đậm thêm, đậm thêm. Cuốn sách dày, coi bộ nằm trong không gian nhiều chiều;
không biết có ai làm thầy dạy cho thế nào là không gian và thời gian xà nẹo,
xà nẹo như cái bánh thèo lèo cúng đưa ông Táo về trời. Nếu không, tôi sẽ tự
làm thầy mà nói cuốn sách rất trừu tượng. Tôi ham hố nhảy qua chỗ khác. Đúng rồi, tâm chúng sinh nhảy như khỉ như vượn; cứ tưởng chỗ mới nhiều trừu tượng. Đúng vậy, chỗ đó là một bức tranh. Trúng tủ! Cướp của, giết người, phách tấu. Ben (Walter Benjamin)* quen thích nhiều thứ sử quan; đầu
tiên là sử quan Do Thái với Adams, Eva, Abraham. Rồi đến sử quan duy vật; Ben
cũng như một sinh viên sĩ quan Thủ Đức; nắng nóng và cây Garand nặng nên
“đường trường xa, con chó hóa ra con mèo”, lao động đã đẻ ra tư tưởng, duy cái
nầy duy cái kia. Hình như Ben không muốn dùng hai chữ “sử quan” thần thánh cho chủ trương Aryan siêu việt. Thứ sử quan thực tế nầy với việc giết kẻ tàn tật, yếu đuối và cả giống Do Thái làm Ben lạnh cóng; muốn trở về vương quốc của vua David; không như tổ tiên xưa bị La Mã cấm, Ben được phép về cố quận nhưng Đức đã chiếm Pháp, đóng cửa biên giới. Tự tử. Lè kè cái vốn lịch sử, Ben cho kẻ khác cũng thuộc về lịch sử. Ben gọi nhân vật thiên thần trong tranh Paul Klee là thiên thần của lịch sử; đôi cánh bị bão trời đánh dang ra, không khép trở lại được; thiên thần không làm gì được tuy muốn đánh thức kẻ đã chết, chắp vá những rách nát. Cơn bão đẩy thiên thần về tương lai. Đó là cơn bão của sự tiến bộ. Nhưng chính cơn bão đánh tôi đi lạc, ra xa cái vùng màu
xanh lục trong một buổi chiều xanh lục. Tôi đã chôn xác Ben trong một buổi
chiều đậm đặc như acide sulfurique đậm đặc. Tôi thấy con dê sống lại nhưng không có hào quang vàng rực. E chừng không phải là con dê cũ mà là một hậu thân; những cây xương rồng ít tươi thắm, biết đâu vì cơn bão tiến bộ của Klee, của Ben?! Tôi trở về hai trang sách “vai” trên đôi vai, đọc tiếp
thiên thư trường hải, chữ của trời trên biển dài có màu xanh lục trong những
chiều xanh lục. Tôi nhớ thương Ben trong buổi chiều đậm đặc, Ben cố mang theo
một cánh gãy của thiên thần mà Klee đã chia cho. Tất cả đều hiện thực, không
có gì trừu tượng. Tôi trở về hai trang sách “vai” trên đôi vai với chiếc áo
nhung mịn của nàng. May quá, không ai dạy cho cái bài xà nẹo không gian và
thời gian, cái continuum temps-espace. Nhờ không biết cái đó mà biết rằng
thiên thư trường hải trên vai nàng là chân nguyên, là cái uyên nguyên huyền
diệu. Và thực tế hơn gần gũi hơn, những gì nàng dành cho tôi – những hình thái biểu lộ uyên nguyên ấy – đều không có gì trừu tượng. Tôi đã sai lầm khi dành buổi chiều quý giá để tìm những cái trừu tượng.- Một chiều đầu thu 2014, chưa có màu sắc * Walter Benjamin là một nhà văn học Đức gốc Do Thái. Ngoài văn chương gốc nơi sinh, ông viết rất nhiều về văn học Pháp. Sau khi bị Đức thâu quyền công dân, WB chạy qua Pháp và cũng bị bắt lui bắt tới. Một ngày trước khi Đức vào Paris (13.6.1940) WB cùng em gái chạy trốn thoát qua ngả Tây Ban Nha nhưng biên giới đã đóng cửa. Tin chắc sẽ bị giải giao cho Đức để chết, WB tự tử bằng thuốc ngủ. Bi đát, ngay hôm sau đoàn người được phép qua biên giới đến Mỹ. Ông đã làm chủ một thời gian bức tranh Angelus Novus của Paul Klee. Về tác phẩm nầy ông viết chung trong một tuyển tập triết học vào những ngày cuối của cuộc đời. |
No comments:
Post a Comment