add this

Sunday, January 1, 2023

Ukraine trên đường tự quyết

Biểu tình yêu cầu gia nhập Liên Hiệp Âu Châu 2013

 






Ukraine trên đường tự quyết

Ukraine’s Long Self-Determination

December 7, 2022, New York Review of Book

Cristina Florea * Tôn Thất Tuệ dịch

1985, Gorbachev đưa ra chủ trương cải cách ‘perestroika’ nhằm sắp xếp lại cơ cấu tổ chức xã hội Xô viết. Một trong những hậu quả chưa được dự liệu là nẩy sinh những tổ chức chính trị dân sự đưa đến sự phá vỡ độc quyền của đảng CS. Ở các nước chư hầu Đông Âu chủ trương nầy thúc đẩy hình thành các phong trào đối lập nội địa manh nha những cuộc cách mạng “hiền hòa” như phong trào Đoàn Kết ở Ba Lan, cách mạng “nhung” ở Tiếp Khắc làm cho các chính phủ CS tiêu ma năm 1989. Các cuộc cải cách ấy cũng thúc đẩy hình thành các cuộc phản kháng ngay trong nội địa Liên Xô như Mặt Trận Bình Dân ở các quốc gia Baltic hay phong trào quốc gia ở Georgia đòi hỏi độc lập.

Ukraine không có một mặt trận đối lập thống nhất. Tuy nhiên, ngày Dec 1, 1991, hơn 90% dân chúng đã bỏ phiếu đồng ý độc lập. Yelsin, mới trúng cử tổng thống sáu tháng trước tin tưởng rằng dù Liên Xô có giải thể, thì cộng hòa lớn thứ nhì nầy vẫn liên kết với Nga. Khi bị một ký giả Ukraine chỉ trích khư chối từ nền độc lập, tùy viên báo chí của Nga đã trả lời: Bạn không muốn cùng Nga ở chung trong một liên hiệp hay sao? Đừng quên U là di sản của CS Liên Xô. Được, cứ đi riêng, nhưng trả lại chúng tôi Crimea và Donbas nhé.

Ngày nay, sau chín tháng động binh, Putin vẫn biện minh cho cuộc chiến nầy bằng luận điệu của Yelsin và môn đệ rằng Ukraine là một sự sáng tác của Liên Xô, mà bên ngoài không ai có thể hình dung.

Tuy được tuyên truyền thổi phồng, luận cứ nầy vẫn có chút xíu sự thật. Ukraine sau thời Xô viết, trên nhiều khía cạnh, là một sản phẩm của nền thống trị Xô viết hơn nửa thế kỷ. Ukraine đã thừa hưởng những định chế hành chánh, một guồng máy cai trị, những lãnh thổ xưa kia thuộc nhiều chủ quyền khác nhau nay nhập vào cương thổ của Ukraine sau thế chiến 2: của Ba Lan, của Lithuania, của Áo và của Nga Hoàng xưa. Liên Xô đã giúp hình thành một quốc gia đang bành trướng và một bản sắc Ukraine phản ảnh tính chất thành thị mới, nhiều sắc tộc, và một dân tộc song ngữ. Bản sắc đó không bao giờ được trình bày, hình dung như một sự đối nghịch với Nga. Nga được xem như người anh lớn tuổi, cùng đi chung trên con đường CS.

Về phần Ukraine, trong 200 năm qua, họ đã ứng phó các hoàn cảnh đổi thay bằng cách nêu lên những lý sự hiện tồn của một quá khứ quốc gia. Trong thế kỷ 20, U đã năm lần tuyên bố độc lập. 1918 tại Lviv và Kyiv / 1939 tại Transcarpathia / 1941 tại Lviv / 1991 tại Kyiv. Mỗi lần như vậy, U không những tạo ra một chính quyền mà còn xác lập một quốc gia. Nhưng những hình thái ấy không có tính chất hiển hiện (self-evident).

Thế kỷ 19, nhóm theo đường lối quốc gia không đồng ý với nhau về sự khác biệt của U, không thể nói Nga hay Ba Lan phá hoại bản sắc của U. Riêng khối Galician Ruthenian đã chia thành năm hướng. Thân Ba Lan, thân Nga, thân Ruthernia, chủ trương U là số một, chủ trương xóa bỏ U. Trong thời gian thế chiến 2, một số người U đặt tin tưởng vào Đức Quốc Xã Hitler, một số khác chủ trương theo Nga mong có một một nhà nước hữu hiệu hơn, tốt đẹp hơn. Một sự chia rẻ mới xuất hiện từ năm 1991 giữa người U miền Đông gắn bó với Nga mới và người U miền Tây hướng về Âu Mỹ thay vì Moscou. Cuộc chiến hiện nay là giai đoạn đổ máu mới nhất trong sự sụp đổ chưa xong của đế quốc Xô Viết và nằm trong lịch sử lâu dài của chủ nghĩa quốc gia U.

*

Ngôn ngữ U, xưa gọi là tiếng Ruthenia, trong hai thế kỷ 13 và 14 đã bắt đầu khác biệt với tiếng Nga và tiếng Belarus trong vùng Rus. Sau khi thoát khỏi ách nô lệ Mông Cổ, Rus chia thành những vương lãnh khác nhau thuộc quyền cai trị của Hung Gia Lợi, đế quốc Ottoman, Balan-Lithuania v.v… Thế kỷ 17 chứng kiến sự xuất hiện một thực thể Ruthenia tuy chưa ai nói đến một quốc gia Ruthenia hay U. vì dân chúng sống lẫn trong vùng ảnh hưởng của Ba Lan. Từ cuối thế kỷ 16, người Ruthenia trong khu vực Ba Lan đều theo TCG Orthodox. Chi hội Hy lạp và chi Hội Ukraine tự đặt mình vào hệ thống của giáo hoàng Vatican. Người Cossacks theo Orthodox và nông dân chống lại sự thống thuộc nầy. Nhân đó thủ lãnh Cossack, Bohdan Khmelnytskyi, chỉ huy mặt trận chống lại Giáo Hội La Mã và sự đô hộ của Ba Lan. Trong thỏa ước hòa bình Pereiaslav năm 1654, Khmelnytskyi tuyên thệ trung thành với Nga, đặt lãnh thổ U dưới sự kiểm soát của Nga. Thỏa ước nầy cho đến ngày nay thường được nại ra ra để chứng tỏ chủ quyền của Nga đối với Ukraine. Tuy vậy, sử gia U xem thỏa ước nầy là một hành vi tự nguyện kết hợp để nhờ Nga giúp đỡ nhưng nó không từ bỏ độc lập tự quyết của U.

Sau khi Ba Lan bị chia cắt vào thế kỷ 18, lãnh thổ U lại bị qua phân lần nữa, chia nửa Đông cho Nga và nửa Tây cho Áo. Trong thời gian đô hộ của hai cường quốc nầy, chủ nghĩa quốc gia của U phát triển song hành với chủ nghĩa quốc gia Ba Lan. Khi dân chúng Ba Lan trong vùng đất Nga mới chiếm của Napoléon nổi loạn, chính quyền Nga cương quyết đàn áp; đồng thời xóa bỏ ảnh hưởng của phong trào quốc gia Ba Lan bằng cách nêu lên một quốc tịch tay ba Nga, Belarus và U.

Để khuyến khích giới ưu tú chia sẻ quan niệm quốc gia này, Nga mở thêm đại học ở Kyiv và ở Khardiv. Mục đích là biến những trường nầy thành những trung tâm thân Nga. Nhưng trái với ý nguyện, các trường trở nên những cứ địa của chủ nghĩa quốc gia U. Trường Kyiv dung dưỡng những tổ chức bí mật gồm những hội viên mang quan điểm rằng U có một quốc tính riêng biểu lộ qua sự đối kháng với Ba Lan lẫn Nga. Hội viên danh tiếng nhất của tổ chức Huynh Đệ là thi sĩ Taras Shevchenko, xưa kia là một nông nô. Ông xuất bản tập thơ Kobzar năm 1840 tại St Peterburg; tác phẩm nầy đặt nền móng cho nền văn chương viết bằng quốc ngữ U. Một hội viên khác của tổ chức, Mykola Kostomarov, hô hào thành lập một bang liên rộng rãi hơn của người Slave do U lãnh đạo, dựa vào các nguyên tắc bình đẳng và dân cử.

Hai nhân vật nầy xác lập một quốc gia U, tự thân đã có tính chất dân chủ và về căn bản khác biệt với Nga “vì sự thương mến thiết tha với tự do của chính mình đối nghịch với tham vọng đế quốc là cai trị và xiềng xích các quốc gia khác”. Năm 1847, nhân viên công lực Nga đã bắt giam Kostomarov và Shevchenko. Tổ chức Huynh Đệ bị giải tán vì bị xem là một công cụ của phong trào phản loạn Ba Lan. Khi Ba Lan nổi loạn năm 1863, Nga cấm xuất bản và tịch thâu các sách báo viết bằng tiếng U và tuyên bố tiếng U là một sản phẩm do Ba Lan chế biến.

Tại Áo năm 1948, một phong trào quốc gia U xuất hiện, khi người U trong vùng Galacia và tỉnh kế cận đã lần đầu tiên tự tổ chức về chính trị, dựng lên Hội Đồng Tối Cao Ruthenia. Mấy chục năm trước, Áo hổ trợ người Ruthenia chống lại ý định thống trị của Ba Lan và khuyến khích phát triển một cá thể cộng đồng qua các trung tâm giáo dục như tu viện dành cho người Ruthenia theo hệ phái TCG Hy Lạp tại Kyiv.

Nhưng nay triều đại Hapsburg thỏa thuận ngầm cho Ba Lan trở nên một lực lượng trội yếu trong vùng Ruthenia (Ukraine ngày nay) để đổi lấy lòng trung thành của Ba Lan. Thất vọng, giới trí thức trong vùng Galicia do Áo kiểm soát hướng về Nga để được che chở và chấp nhận tính chất cá biệt của “Tiểu Nga” (Little Russia) mà Nga dùng như một phương tiện chống lại Ba Lan. Tinh thần thân Nga, mê Nga nầy, rất mạnh trong số dân U sống trong vùng Áo chiếm cho đến thập niên 1880 khi chính quyền Áo truy tố ra tòa số người thân Nga. Điền thế vào đó là trào lưu ngưỡng vọng Ukraine do chính quyền Áo hậu thuẩn.

Thế chiến thứ nhất khai mở cho người quốc gia U vô số khả thể, ở mức dư thừa vì cuộc chiến nầy kết liễu đế quốc Nga Hoàng và đế quốc Áo Hung. Nhưng không thể tránh bất ổn. Từ 1917 đến 1919, vùng đất bây giờ là Ukraine có sáu chính phủ dưới ảnh hưởng của các thế lực khác nhau. Đến năm sau, quốc gia non trẻ gọi là cộng hòa Ukraine là nơi trú đóng của rất nhiều đoàn quân: nào của Bôn sê vít, nào của Bạch Nga, nào của Ba Lan, nào của Liên Quốc và các lực lượng vô chánh phủ. Sau một cuộc nội chiến đẫm máu, cộng hòa tân lập nầy mất đất cho Ba Lan, cho Lỗ Ma Ni và cả cho Nga xô viết. Rải rác khắp các đế quốc, trong hai thập niên, các biện sĩ U có mặt thường xuyên trên diễn đàn nhưng không chung quan niệm về quốc gia Ukraine.

*

Liên Xô có dự án liên kết mọi thành phần dị biệt nói trên. Sau khi thắng cuộc nội chiến và thâu tóm hầu hết lãnh thổ của đế quốc Nga hoàng xưa, Bôn sê vít xúc tiến tổ chức lại các lãnh thổ dưới quyền thành một nhà nước mới. Chính quyền nầy cần chế ngự các chủ trương quốc gia không phải Nga, đặc biệt là phong trào quốc gia U, là phong trào trội yếu và có tổ chức nhất trong thời đế quốc Nga hoàng. Khi viết về Ukraine, Lenine khai triển cách ứng xử thích đáng đối với ”vấn đề quốc tính” dựa trên nền tảng cho rằng chủ nghĩa quốc gia là một giai đoạn tất yếu phải có trên đường đến XHCN. Do đó, đúng theo Lenine, nhà nước Bôn sê vít tiếp nhận các thành phần có quốc tính riêng vào cơ cấu điều hành quốc sự.

U đã bắt đầu gầy dựng một quốc tính riêng từ giữa thế kỷ 19. Trong khi đa số dân quê không tự cho là một nhóm sắc tộc, thành phân ưu tú đã có một nền văn chương, mở đầu bởi một tác phẩm của Ivan Kotliarevsky nhan đề Eneida, xuất bản năm 1798. Eineida mô phỏng vụng về thiên hùng ca của Virgil Aeneid, với anh hùng người Cossack tên Zaporozhian làm nhân vật chính. Năm 1921, khi ở trong chính trị bộ đảm trách các vấn đề chủng tộc, Staline nói rằng không lâu trước đây vẫn có người tin rằng cộng hòa U và quốc gia U do Đức biến chế. Ông nói tiếp: nhưng rõ ràng rằng quốc gia U đã hiện diện và từ nay CS có trách nhiệm phát triển văn hóa của cộng hòa nầy.

Từ dạo ấy, công hòa XHCN U trở thành một thành viên cốt cán, sáng lập Liên Xô chính thức ngày 30 Dec 1922. Trên thực tế, Liên Xô (USSR) là một đế quốc do Moscou cai trị. Lý thuyết chống đế quốc của Liên Xô khó bề được chấp nhận bởi các sắc tộc, đặc biệt là U không bao giờ quên rằng tầng lớp Bôn sê vít nói tiếng Nga tiếp nối truyền thống đế quốc xóa bỏ văn hóa U. Lenine tin tưởng sẽ xóa mờ những mối nghi kỵ ấy bằng cách tuyển người không phải Nga vào đảng CS và các cơ cấu chính quyền. Ông đưa ra đường lối “sắc tộc hóa”; do đó nhiều người U được thăng thưởng giữ những chức vụ quan trọng trong đảng và nhà nước; tiếng Ukraine được sử dung nhiều hơn trong các công sở. Tính đến cuối thập niên 1920, hầu hết các trẻ em trong cộng hòa XH nầy đều học tiếng Ukraine.

Các giới chức Xô viết tính toán một chuyện khác. Họ hy vọng bằng cách củng cố sự trung thành của cán bộ nói tiếng U, họ có thể kiểm soát chặt chẻ toàn thể nông dân, lớp người xưa nay nghĩ tới ruộng đất hơn là tự quyết quốc gia, chống đế quốc và chủ nghĩa CS. Từ 1918 đến 1920 là thời gian nội chiến giữa Trắng, (Bạch Nga, chế độ cũ) Đỏ (CS) và Xanh Lục (nông dân địa phương tự vệ chống cả hai, Trắng và Đỏ). Cuộc nổi loạn vũ trang nầy làm rung chuyển cả nước. Thủ lãnh Nestor Makhno chống lại tất cả: chính quyền U. Bạch Quân, Hồng Quân; không ai có thể dẹp yên.

Do đó, Liên Xô đẩy mạnh chính sách địa phương hóa của Lenine ngõ hầu chiết giảm áp lực từ đồng quê. Nhưng chiến dịch tập thể hóa thần tốc của Staline trong thập niên 1930 đã tạo nên Holodomor (nạn đói bốn triệu dân U chết) và việc đàn áp đẫm máu những thành phần tội phạm bất hảo, gồm các viên chức thực hiện địa phương hóa.

Vào thời ấy, đa số dân chúng sống ở vùng quê. Nhưng một giai cấp thành phố mới và giai cấp vô sản xuất hiện tràn ngập các thành thị đang phát triển nhanh như Khardiv. Cuối thập niên 1930, đa số các thành phố của cộng hòa XHCN U, trước kia bị Nga hóa, nay trở thành Ukraine một cách mạnh mẽ.

Năm 1939, tiếp theo minh ước Ribbentrop-Molotov, Staline chiếm Đông Bộ Ba Lan và ghép vào Ukraine để thành Tây Bộ Ukraine với lý do nhóm sắc tộc thiểu số Ukraine cần được giải cứu khỏi sự thanh trừng của Ba Lan.

Lý sự nầy của Staline giống như lý sự hiện nay của Putin: Nga tấn công vào U nhằm đối phó chính sách diệt chủng của Kyiv đối với thiểu số nói tiếng Nga ở phía đông Ukraine.

Trong những năm tới, chính quyền Xô Viết cố sức gầy dựng một quốc tính Nga-Ukraine trong phần đất mới sáp nhập nầy. Nga bắt đầu tống xuất ‘’kẻ thù của giai cấp’’, đa số là dân Ba Lan và Do Thái và điền khuyết bằng người Nga hay Ukraine trong nền cai trị mới. Tuy vậy hết sức khó khăn mà áp đặt một căn cước Nga trong vùng nầy vì người Ukraine đã phát triển một khuynh hướng quốc gia cấp tiến giữa hai thế chiến. Cột trụ chính của truyền thống nầy là Tổ Chức Quốc Gia Ukraine do Ievhen Konovalets thành lập năm 1929 với mục đích xác lập một quốc tính khác biệt chống lại người Ba Lan, Lỗ Ma Ni và Nga, ngõ hầu có một quốc gia độc lập. Tổ chức nầy muốn xét lại trật tự quốc tế theo hiệp ước Versailles, theo đó dân tộc Ukraine là khối đông đảo nhất ở Âu Châu không có một pháp tính nhà nước quốc gia. Các phương pháp khủng bố và âm mưu phản loạn được đem ra dùng. Các luận trình của Dmytro Dontsov đã ảnh hưởng mạnh mẽ phong trào vì theo ông U phải lật đổ qui chế cấp tỉnh và vị trí ngoài lề của mình bằng bất cứ phương tiện nào. Tổ chức QG Ukraine không chấp nhận trật tự quốc tế hiện thời và chủ trương dung hợp đường lối quốc gia toàn diện và chủ trương phát xít. Họ nhìn nước Đức Nazi với nhiều thiện cảm, ca ngợi ý định của Đức sắp xếp một Âu Châu với các sắc tộc thuần túy không pha trộn.

Ukraine tiếp đón quân Đức

Năm 1940, 11 ngàn hội viên Tổ Chức Quốc Gia tách làm đôi. Nhánh cực đoan cấp tiến nhất (TCQB-B) được chỉ huy bởi Stephan Bandera. Người nầy đã liên hợp với Nazi suốt thời gian Đức chiếm đóng Miền Tây. Từ 1940 đến 1941, TCQG-B cộng tác với quân đội; giúp Đức sửa soạn chiến tranh với Xô viết bằng cách thành lập hai tiểu đoàn thuần túy người U và ủy ban đặc nhiệm, sẵn sàng tổ chức hành chánh cai trị những vùng Đức sẽ giải tỏa, để đổi lấy lời hứa mơ hồ về nền độc lập của U. Tuy nhiên khi Bandera tuyên bố U độc lập tại Lviv, Đức đã bắt ông giam trong một trại tập trung. Thuộc bộ của ông được tổ chức thành một đạo quân nổi dậy, tiếp tục các chiến dịch thanh trừng chủng tộc, chung với các đơn vị bán quân sự khác, đặc biệt nhắm đến thường dân Ba Lan. Năm 1944, khi lấy lại các lãnh thổ Đức chiếm đóng, Hồng Quân đã gặp sức kháng cự khủng bố của người quốc gia U. Xô viết đã trả đũa bằng các cuộc hành quân tảo thanh mãi cho đến thập niên 1950, đã giết 150 ngàn người U. Tuy tiêu diệt các tổ chức quốc gia, Nga duy trì tiếng U làm ngôn ngữ chính thức trong hành chánh và giáo dục. (Thực tế các cấp đảng và chính quyền chỉ dùng tiếng Nga).

Năm 1956 Nikita Khrushchev chuyển giao bán đảo Crimea cho cộng hòa U để đổi sự trung thành cấp đảng xứ nầy đã giúp ông nắm quyền sau khi Staline chết. Ông cũng cho U hưởng qui chế tối huệ so với các cộng hòa khác. Lễ chuyển giao tổ chức ngày kỷ niệm 300 năm thỏa ước Pereiaslav theo đó người Cossacks tuyên thệ trung thành với Nga Hoàng, Xô viết cố tình nhắc lại sự liên kết, nếu không phải là lệ thuộc, của U đối với Nga.

*

Cơ cấu liên bang mà Lenine đặt để trong thập niên 1920 đã tách các cộng hòa khỏi các định chế đảng và địa phương, gộp chung tất cả vào sự kiểm soát chặt chẻ của đảng CS Moscou cho đến ngày cuối. Khi đế quốc nầy tan vỡ theo đường nứt sắc tộc và quốc gia, sử gia lúc ấy mới biết rằng nguyên do tan vỡ là chủ nghĩa quốc gia; cho dù Nga đã tạo ra ra các lằn ranh nầy để kiềm chế chủ nghĩa quốc gia.

Chủ nghĩa quốc gia đã hưng phát thay chủ nghĩa Mác Lê vì đảng CS đã mất vị trí chính thống dưới thời Gorbachev. Các đảng viên CS, như Leonid Kravchuk, tổng thống tương lai của U độc lập, đã tức khắc từ bỏ chủ trương liên hiệp quốc tế, xưng tụng chủ nghĩa quốc gia. Những kẻ trước kia kết án cầm tù các lãnh đạo quốc gia U nay mơn trớn nạn nhân của họ và chảy nước mắt khi hát những bài ca của U.

Nhưng đích thị chính Nga đã chủ xướng việc từ bỏ liên hiệp để cổ súy chủ nghĩa quốc gia. Lần nầy không phải cho kẻ khác mà cho chính mình. Đề cao văn hóa Nga, những nét đặc thù của Nga lâu nay chính quyền Xô Viết bỏ lơ.  Boris Yeltsin, phát ngôn viên của nhóm trí thức Nga theo đường lối quốc gia bảo thủ tin tưởng rằng mọi người Nga đều là nạn nhân của chủ nghĩa CS xa lạ, khác biệt với quốc tính Nga và kêu gọi trở về các truyền thống xưa trước khi có CS.

Ngoài sự ủng hộ nội địa, Yelsin tìm cách liên kết thành phần ưu việt ngoài nước Nga, nhóm nầy tìm thấy trong các cuộc cải cách của Gorbachev các cơ hội thuận tiện đẩy mạnh nền tự trị của từng cộng hòa và cải tổ cơ cấu của liên bang, trong số nầy có thành phần lãnh đạo mới của U.

Không giống các phong trào ly khai khác ở các cộng hòa xưa trong USSR, lãnh đạo Ukraine không dùng bạo động. Ở Nagorno-Karabakh, Abkhazia, South Ossetia và nhiều nơi khác, ly khai xây ra đột ngột và đầy thương vong. Nhưng việc chuyển tiếp ở U êm ả và tuần tự kéo dài. Các chính sách tẩy xóa xô viết được thực hiện từng phần và không đồng đều. Thị trấn phía Tây, Lviv vốn dĩ đã có truyền thống quốc gia, phá ngay các đài kỷ niệm Xô viết, đổi tên đường. Trong lúc đó, các tỉnh Miền Trung và Miền Đông vẫn để cho các vết tích quá khứ diên trì lần lữa.

Human chain, Baltic

Ngay cả Phong Trào Quần Chúng, Rukh, thành lập trong thời cải cách perestroika không đòi hỏi ly khai cấp thời, khác với các quốc gia Baltic, tháng 8, 1989, dân chúng biểu tình nắm tay nhau thành một hàng rào người (human chain) để phản đối ách thống trị của Liên Xô.

Trong đại hội thành lập, Rukh tuy chủ xướng U độc lập vẫn đưa ra nghị quyết U vẫn sẽ phải ở trong liên hiệp Nga. Đến năm 1991, Rukh đẩy mạnh yêu sách độc lập nhưng bằng thương thuyết chứ không bằng chiến tranh. Một phân bộ của Rukh phản đối việc Nga hóa và yêu cầu người thân Nga hãy trở về tiếng mẹ. “Nói tiếng Nga là ma quái và sai lầm”. Tuy nhiên, lời kêu gọi ấy không được đa số ủng hộ vì dân chúng nói hai thứ tiếng. Ít người gốc Nga nói rành tiếng U; người Ukraine không phủ nhận gốc U của mình nhưng xem tiếng Nga là tiếng mẹ đẻ. Chính trị gia mới được bầu cử tránh những chính sách cấp tiến của Rukh vì sợ mất khối người nói tiếng Nga nầy.

Nói về nước Nga, sự chuyển tiếp qua dân chủ sau khi Gorbachev từ chức năm 1991 đem lại sự thống khổ kinh tế chưa từng thấy từ 1917. 1992, lạm phát từ 200% lên đến 2.600%. Kèm theo đó là cuộc khủng hoãng tư tưởng và giá trị tinh thần. Thuyết Mác Lê, thuyết CS mất chỗ đứng nhưng không có gì thay thế ngoài sự khát khao tiền bạc. (Ý kiến của một người Nga), chúng tôi đọc cả tấn sách, chúng tôi mơ ước cách mạng và luôn lo âu có sống mà thấy ánh sáng ấy hay không, nhưng nay không lo âu nữa vì những ước mơ ấy, những dự tính trí huệ ấy đã tiêu ma. Thật vậy, từ khi Liên Xô sụp đổ, thư viện và hý viện trở thành kho hàng hay làm chợ. Thiên hạ đi từ sùng thượng sách đến chỗ bán sách cân ký, để rảnh tay mua bán. “Chúng tôi bán dầu hỏa để mua quần lót”.

Chính phủ Yelsin đưa ra các biện pháp tự do hóa, mở đường kinh tế thị trường. Nhưng quá chậm và chỉ mang hình thức tư hữu hóa giúp cho thành phần đảng viên cũ và thành phần tội ác lươn lẹo làm giàu ngoài mức nghĩ tưởng. Xã hội có thêm một giai cấp mới: các đại gia (oligarchs). 1998, đồng Ruble sụt giá thảm não, Nga không tiền trả nợ. Nhưng thập niên kế, tổng sản lương quốc gia tăng 80% nhờ xuất cảng nhiên liệu hóa thạch (dầu và khí đốt). Thất nghiệp giảm đến mức thấp nhất. Nhờ đó giai cấp trung lưu bắt đầu hình tượng, gồm công chức của chính quyền.

Kẻ chủ trì phép lạ kinh tế ấy là một nhân viên mật vụ KGB đã chứng kiến, từ nhiệm sở Dresden, sự ngã gục của chế độ CS Đông Đức. Trước nghị viện Nga năm 2005, Putin mô tả sự sụp đổ của Liên Xô là một tai họa chính địa nguy hại nhất của thế kỷ 20. Tham vọng của Putin không những chỉ phục hưng nền kinh tế Nga mà còn tái lập quy chế đại cường quốc của Nga. Putin tìm nguồn hứng khởi cho dự án nầy từ Napoléon và Pierre Đại Đế (Peter the Great).

Việc đầu tiên là tìm ra một thứ gì để lấp chỗ cũ của ý thức hệ CS. Có thể là một hình thái chủ nghĩa quốc gia mang hương vị đế quốc như Nga phải thi hành một sứ mệnh thiêng liêng của Thiên Hựu.

Ý thức hệ mới nầy cho phép Putin dấy binh đánh Chechnya năm 1999. Đây là cuộc chiến lần thứ hai trong vùng kể từ khi Liên Xô giải thể. Ba năm trước, Yelsin đã cho quân tấn công tàn bạo vào Grozny, thủ đô của Chechnya, giống y hệt lần nầy Putin xua quân chiếm Ukraine. Nhưng các đơn vị du kích cầm cự được nên hai bên ngưng chiến. Năm 1999, Putin quyết định giải quyết tận gốc vấn đề vì ông tin sự sống còn của Nga tùy thuộc vào vùng Bắc Caucas nầy.

Cuộc chiến hiện tại ở U hiện nay tiếp nối chiến dịch tái lập ảnh hưởng của Nga trên các lãnh thổ xưa kia nằm trong liên bang USSR. Tham vọng của Putin được chia sẻ bởi những người Nga cảm thấy tủi nhục và mất ý nghĩa của một mục đích chung sau khi Liên Xô giải thể. Một vị trung niên phát biểu: Đời sống giờ đây nhàm chán. Một ý nghĩa to lớn đòi hỏi hy sinh đổ máu; nhưng nay không ai muốn ra khỏi nhà để chết.

Tại Hội Nghị An Ninh Munich năm 2007, Putin đã kết tội HK tạo ra một thế giới nhất cực với một trung tâm quyền lực, nơi đó chỉ có một ông chủ, một chúa trùm duy nhất. Khi xẩy ra các cuộc phản đối quần chúng gọi là Euromaidan ở Kyiv năm 2013, Putin cho rằng mối sợ bị tây phương bao vây của ông được xác định là đúng. Hàng trăm ngàn người U xuống đường khi tổng thống Viktor Yanukovych bác bỏ dự thảo thỏa hiệp với Liên Âu. Đối với Putin để cho U ra khỏi tầm tay kiểm soát của Nga là chấp nhận thua cuộc với HK và Tây Âu. Do đó ông xúc tiến sáp nhập Crimea, ủng hộ phong trào ly khai ở hai tỉnh miền Đông là Donetsk và Luhansk.

Lenine, Ukraine

Trái với tính toán, Putin, hơn bất cứ người quốc gia U nào khác, đã tách lìa giới ưu việt U khỏi các mối liên hệ với Nga và Liên xô. Trong nội địa, chủ trương trả thù đã được đáp ứng thuận lợi. Các tập đoàn quốc gia như Svoboda, Chi Bộ Hữu Khuynh và Sư Đoàn Azov đã thành lập theo khuôn mẫu cực hữu thời 1930. Azov dùng chữ vạn và huy hiệu SS thêu trên quân phục, những tập đoàn khác công khai ghi nhận tiếp nối truyền thống phát xít của Tổ Chức QG U. Năm 2014, các khối quân sự chính trị nầy đã mạnh mẽ chống lại các cuộc lùng bố của tổng thống Yanukovych nhắm đến các nhóm cách mạng Maidan. Nhóm cực hữu nầy chiếm 6,5% số phiếu bầu nghị viện và được bảy ghế. Nhưng ngày nay cực hữu bị lép vế trước phong trào quốc gia dân chủ muốn đi với Nato và Liên Âu EU.

Khi Nga sáp nhập Crimea, người U cảm thấy cô đơn, bị bỏ rơi; Tây Phương không đoái hoài bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của họ. Dưới thời tổng thống Poroshenko, các cơ cấu chính trị hướng nội và chuyển qua hữu khuynh. 2015, chính phủ ban hành nhiều đạo luật xét lại các hành vi cũ (trước khi độc lập) của nhân viên công quyền, có thể đưa đến án tù mười năm. Năm 2018 Poroshenko ký đạo luật bắt buộc dạy tiếng U trong trường công từ lớp năm trở lên; Nga phải lên tiếng kết án U thành lập một chế độ ngôn ngữ biệt đãi, trong một quốc gia đa ngôn.

Ngày nay, khi chiến sự vẫn tiếp diễn, U ở trong một tình thế khác xưa với sự giúp đỡ của Tây Phương. Nhưng chưa thấy một định hướng nào; không ai có thế đoan chắc cách thức các chính phủ Âu Mỹ sẽ viện trợ U không những về quân sự mà còn về tái thiết, củng cố các định chế dân chủ, vượt qua các xung đột sắc tộc và ngôn ngữ. Cuộc chiến nầy cũng như các lần trước đã mở ra nhiều khả thể mới, người U cần khôn khéo để từ nạn nhân của Nga trở thành các tác nhân quyết định số phận của xứ sở. Xin chúc thành công như ý.-

=============================================================

680 km tay người chống Liên Xô 1989 ở ba cộng hòa Baltic

=================================


 


No comments:

Post a Comment