Bạn mình là Lê Văn Cơ
Tôn Thất Tuệ
Chẳng nhớ vì
cơ duyên gì mà năm 1958, Lê Văn Cơ ngồi sít hông ở bàn cuối nhị C2 Quốc Học.
Tôi sợ gần chết, cứ nghĩ làm cho anh ta không vui lòng thì ăn bàn tay sắt (coup
de poing américain). Té ra ông Phật ngồi bên hông mà không biết. Huế mình răng
có quá nhiều tin ác, ví như nói một cô giáo hoàng phái, vợ một thầy hiệu trưởng
đẻ ra con là Mỹ đen. Tôi nghĩ nay LVC ngoài 80 vì lúc ấy LVC đã trộng nhiều, áo
quần bảnh bao, tóc dài chải vuốt (hình như có phờ ri dê chút chút hay quắng tự
nhiên). Mối sợ hãi trên bắt nguồn từ khi tôi bước xa hơn góc bếp đến trường
Nguyễn Tri Phương thấy một phương trời khá lạ. Nhiều thầy, mỗi thầy một môn và
lại rất trẻ so với các thầy tiểu học mặc áo dài đen, một thầy một năm; cũng là
lúc được mặc chiếc áo mưa trùm thay vì tơi lá. Và buổi chiều trước khi về thì
nhìn ra cổng chính mở ra cho xe đạp; còn tôi đi cổng nhỏ bên ngã Kho Xăng của
Quân Đội Pháp về Chaffenjon gần hơn. Nhưng cỗng kia vẫn là một nơi xa xăm, đứa
mô cũng gọi sân đáp của phi cơ trực thăng. Helicopter?
Đó là tên tứ
quí, tứ trụ triều đình Phi Cơ Trực Thăng. Cái tên ghép nối có duyên, trong đó
Cơ chính là Lê Văn Cơ. Lại nghe nói như nghe "Tăng Sâm giết người": bốn
vị đứng đó, láng cháng thằng nào ngông nghênh thì ăn bạt tai; chống lại thì
"ăn poing américain".
Phi thì tôi
có thấy một lần, Thăng chưa bao giờ thấy. Cơ thì mới gặp sau như trên. Còn Trực
lại là cháu tôi, ông nội trực là bác ruột của tôi. Tuy về sau là một sĩ quan biệt
động quân hung ác, lúc ấy Trực không có gì ngổ ngáo. Nói chung, Phi Cơ Trực
Thăng chỉ là tin đồn trong một xứ không có gì nói cho hấp dẫn.
Gần 20 năm
nay (từ 2023), nữ sĩ Phan Mộng Hòa cho in "Xóm Thượng Tứ" trong tuyển
tập "Hoàng Hôn Thôn Vỹ". Hồi ký nầy viết 1996 có đoạn nguyên văn:
"Tiếp theo là Nhà Sách Ái Hoa. Sau đổi chủ là người Tàu, tiệm đông khách
nhờ có người đẹp Yên Cơ đứng trông coi. Yên Cơ dáng người mỏng mảnh như chuồn
chuồn kim. Cô yểu điệu thục nữ, khiến bao chàng trai Huế ở trong kia Thành nội
thầm yêu trộm nhớ. Đặc biệt vần vũ lui tới, có nhóm “Phi Cơ Trực Thăng”.
Huế mình thì
nhỏ như bàn tay; nhưng Trực thì ở ngay cửa Thượng Tứ, ra vô mỗi ngày. Cơ không
biết có ở chung với người anh là thầy Lê Văn Lâm đường Chợ Xép cũng gần thôi. Rất
may người con gái của bà Maria Mộng Hoa chỉ nêu tên mà không kèm “tam quốc diễn
nghĩa” mang một phán định giá trị nào.
Năm sau lên đệ
nhất, tôi không thấy LVC, có lẽ đi Saigon sống với người anh chăng, lúc ấy ở
Saigon thầy Lê Văn Lâm nổi tiếng là một giáo sư toán lành nghề nhất, xuất bản
nhiều sách giáo khoa. Những năm còn lai tôi ở Saigon, không biết LVC có học sư
phạm Huế hay không. Nhưng biết LVC là giáo sự tại Trường Kiểu Mẫu Huế. Susan
Nguyễn cho biết thầy Cơ cao ráo, y phục chỉnh tể, ăn nói điềm đạm có duyên. Cho
nên không ít học trò mê thầy. Susan có mê thầy không? Thành thật khai báo với cách
mạng để hưởng khoan hồng
Khi Huế vừa
qua cơn Mậu Thân, tôi đến Huế đi tìm người bạn chung sở. Trở về Saigon, tôi đi
máy bay nhỏ từ sân bay Tây Lộc vô Đà Nẵng chờ máy bay lớn. Cũng như chẳng nhớ
cơ duyên gì như lần ngồi chung C2, tôi gặp LVC và được mời tô bún bò gánh, ngon
cay thấm thía trong gió lạnh miền trung buổi giêng hai.
Ở C2, LVC đã
cho chúng bạn thấy anh có nhiều kiến thức văn chương và anh chỉ bày tỏ cái nhìn
phóng khoáng trong giờ ra chơi. Lên cầu thang chung có thầy và trò. Một thầy
chuyên giảng thuyết Nhân Vị nghe hai chữ “trâu vị” tưởng là ám chỉ mình đã xỉ vả
cả lớp nguyên một buổi. E chừng từ miệng LVC nào hay?!, không ai tự thú hay bị
tố cáo. LVC đã dạy tôi câu thơ của Trụ Vũ: cửa hồn tôi khép lại, không cho vũ
trụ lòn vô. Ít lâu sau LVC nghe đâu đó liền lập lại cho tôi hay: cửa mình tôi
khép lại, không cho thằng Trụ Vũ lòn vô. Vui thôi, vô tội vạ.
Có lần tôi
nhắc tên LVC trong một email, bạn Hoàng Lợi, khóa đầu tiên sư phạm Huế cho biết
LVC sống ở vùng Gia Hội và, theo như LVC nói, hưởng tiền lời ôn mệ bỏ vào
chương mục tiết kiệm. Theo Hoàng Lợi, LVC nay lo hương khói cho cả họ, và hưởng
tiền cho thuê đất ôn mệ để lại. Qua lại trên FB, LVC cho biết Thăng đi Saigon tốt
nghiệp trường Y Khoa và Phi tập kết, sau 1975 trở về Huế, hai người bạn cũ có gặp
nhau. Trực sau khi tham gia PG ly khai miền trung, trở lại Biệt Động Quân và tử
trận.
Đến đầu năm
2023 Pham Quang Cuong gởi HMCT 2 tấm hình và cho biết LVC (phải) rất khỏe mạnh.
No comments:
Post a Comment