add this

Tuesday, January 3, 2023

Cầu Ngói Thanh Toàn


Cầu ngói chưa bị cạo sửa








Ba khâu rựa nữa mới tới 

Cầu Ngói Thanh Toàn

Tôn Thất Tuệ

Năm 1957 hay 58, tôi đi bộ cùng đoàn học sinh dưới sự hướng dẫn của thầy Văn Đình Hy từ Quốc Học xuống Đập Đá, qua khỏi đập rẻ phải. “Cầu Ngói Thanh Toàn trực chỉ hành”. Còn nhớ một bạn đồng hành, sau nầy là bác sĩ Hà Thúc Như Hỷ. Đeo ba lô nặng cho nên cứ hỏi bộ hành địa phương còn bao xa mới đến Cầu Ngói. Tôi được trả lời: gần rồi, chừng ba khâu rựa. Chèng đét! Đi mãi không tới. Ba khâu rựa là ba chục cây số hè!? Rựa thì khi mô cũng có ba hay hai cái khâu tròn để giữ cho lưỡi sắt khỏi sút, mắc chi lại dùng làm đơn vị đo đường. Nhưng rồi chập tối cũng đến nơi và ngủ trên cầu.

Việc đầu tiên hôm sau là tìm hiểu bí ẩn ấy. Dễ quá, theo lời một bà cụ, tay phải cầm cái rựa, đi một hồi mỏi tay đổi qua trái là một khâu rựa, mỗi lần đổi tay là một khâu rựa. Có ai thong dong mà đi hóng mát, khi mô cũng tay xách nách mang. Từ đây đi bộ ra Đập Đá mới có đò qua Đông Ba. Mỗi lần đổi gánh qua vai, đổi rỗ qua tay v.v… là một khâu rựa.

Một đơn vị rộng rãi, cao su, thật dễ thương, uyển chuyển chỉ gây ý niệm không cần cân đo, như trong Nam, chục xoài mười hai, chục mười bốn, chục mười lăm; đơn vị không gian cũng là đơn vị thời gian. Ta yêu em ngàn kiếp hay một kiếp cũng là yêu. Trái lại một chợp mắt một kiếp sầu vô vạn; hay một thoáng em qua dài hơn ngàn triệu kiếp luân hồi sinh tử. Ta sống được bao nhiêu khâu rựa? Rất dài và rất ngắn; vạn pháp duy tâm tạo.

Sinh hoạt lai rai, tập hò tập hát thì xế chiều có lệnh về. Không ai lo mấy khâu rựa. Đoàn học sinh được chở bằng đò dọc không mui, lách qua lách về thì đến sông An Cựu, đi tiếp đến cầu Phủ Cam lên bộ về trường; tới ngay, một phần hai mươi (1/20) của khâu rựa chơ chi.

Tinh thần tự nhiên hài hòa giữa không gian vật thể và không gian nội tâm, giữa thời gian vật thể và thời gian quán niệm… tạo nên một Cầu Ngói Thanh Toàn, êm đềm như cảnh chùa nhỏ ngày xưa là Tra Am, không thách thức thiên nhiên như mũi tên gác chuông. Không kiểu cách cầu kỳ như cầu ngói Hội An. Dĩ nhiên khác với những chiếc cầu có mái trên thế giới với mục đích bảo vệ cầu trước thời tiết bất lợi. Cầu Ngói Thanh Toàn ăn nhập vào khung cảnh thiên nhiên, qua một hói nhỏ như hói Kẻ Vạn, Kim Long.

Từ lần thứ nhất theo đoàn học sinh, tôi không trở lại đây cho đến lần cuối 2001. Lần nầy tôi thấy quang cảnh còn như xưa, chưa xô bồ, chưa thành thị hóa. Nghe các cháu nói, ngày Tết nơi chỗ chợ nhóm gần cầu có bài chòi đúng cách xưa. 11 cái chòi như 11 cái miễu, thần sống áo xanh áo đỏ, lớn nhỏ, chăm chú nghe anh hiệu chít khăn đỏ hò một câu ca dao chuyển vào con bài đầu, ví dụ Hai bên lẳng lặng mà nghe con bài đi chợ: Khi xưa em nói rằng thương, để anh về bán nhà bán cửa, bán ông táo thổ công; nay chừ em nói rằng không, anh nghe như sấm sét giữa đồng ơi em. Ôn ầm. Trúng ba con trùng nhau là tới rồi, trống kèn ọ e, có người bưng mâm tiền chung và một lá cờ, trịnh trọng như nạp lễ cưới.

Cầu mái tranh Áo, Austria
Bài chòi biến dạng từ bài tới. Bộ bài tới hết sức chất phát hồn nhiên, không kiểu cách như tài bàn hay tam cúc. Bộ bài tới, theo cảm quan cá nhân, gồm đủ mọi thứ, vũ trụ cực tiểu, vũ trụ cực đại, đời người và người đời. Có trời là ông ầm; có con người riêng tư như bạch tuyết nọc đượng, cái âm cái dương trên thân thể. Có thầy có trò. Có anh cửu phẩm triều đình, nhưng là cửu bệt. Có con gà. Có lượt sưa lượt dày. Có gióng gánh. Có những xâu tiền mang ý nghĩa triết lý, đồng tiền có lỗ, dấu đâm thủng vào lương tri. Có Thái Tử, có kẻ nghèo, có chăn gối, bồng bế. Tôi không thể tự giải thích thêm cho đủ ba mươi lá; nhưng không quên con đỏ mỏ, biết đâu là cô em xảnh xẹ, ưa phấn son, coquette như con két nhiều màu Nam Mỹ.

Đứng ở chân cầu, tôi say sưa với nét hài hòa, tưởng như đang nắm tay linh mục Teilhard de Chardin trên đường tổng hợp khoa học, tôn giáo và thi ca để đến sự nhất thống; “all in God, God in all”. Hoặc gần hơn là cùng cựu tu sĩ PG Phạm Thiên Thư gõ chén mà ca: hiện hữu đây rồi, tôi không là tôi, người không là người; đâu chẳng là Phật, đâu chẳng là Trời?

@

Vì sao lại viết bâng quơ, không đầu đuôi xuôi ngược gì trơn? Viết thế vì tâm thần tôi chếnh choáng khi thấy một tấm hình Cầu Ngói Thanh Toàn như một kẻ son phấn không ra cách, vua Louis 14 mặc áo Liêu Trai. Ngói men mới âm dương; rồng rắn trên nóc và nhất là một cổng màu vàng, bạn phải chui qua mới lên cầu. Trông giống cái am lên đồng. Mọi thứ, mọi di tích thực sự đã bị cạo sửa, như bia trước trường Quốc Học. Mà bắt chước Hội An cũng không đến nơi. Cầu ngói Hội An cầu kỳ nhưng không bị bắn khỏi khung cảnh chung, trái lại hòa nhịp với bối cảnh và kiến trúc thời Faifo, thời “Phải Phố nầy em”.

Nghệ thuật tạo hình thể (lớn hay nhỏ) đi theo lối công dụng (functional) / lối trang trí (ornamental) / dung hòa hai thứ. Khó tìm ra một lối nào mà tả Cầu Ngói nhưng không quên Cầu Ngói chính là công dụng. Công dụng chính là ý nghĩa cao quý của Cầu Ngói, người xây cầu thêm mái ngói, cho ai lỡ độ đường ngủ qua đêm không bị sương lạnh.

Dùng Cầu Ngói mới mà diễn tả ý nguyện của người xưa và đường lối nghệ thuật dung hợp thì giống như vô Chợ Đông Ba mua con nộm thợ mã phấn son lòe loẹt mà thưa đây là hoa khôi của cố đô.

Cầu Ngói không còn là cầu qua lại giữa người và cảnh, giữa linh thiêng và hiện thực, giữa bộ bài tới và thái cực âm dương, giữa đường đất đo bằng khâu rựa và nỗi lòng đánh dấu bởi buồn vui. Đi cả triệu khâu rựa nữa cũng không đến được Cầu Ngói năm xưa. Chỉ còn một khâu rựa cuối cùng, đi từ tâm hồn đến vùng hoài niệm, có Cầu Ngói uyên nguyên chưa bị đưa vào lò sát sanh thẩm mỹ lọ, thẩm mỹ treo đầu héo bán thịt chó.---

=================================================


=============================



No comments:

Post a Comment