Tôn Thất Tuệ
Chúng tôi từ nhỏ đã mê say các hòn non bộ và có cơ may biết những hòn non bộ thiết lập từ xưa trong các chùa và nhà cổ; làm có sách vở. Điều chính yếu là hòn non bộ xây dựng trên quan niệm đối xứng nhưng bất đồng. Đó là tả long hữu hỗ và long ẩn hổ hiện. Hòn non bộ thì dễ vì sơn bên hữu cho nó cao, và bên trái cho một đường nước thấp thế là xong. Hòn non bộ như là một dương cơ thu nhỏ, một kinh thành, một đại địa, phản ảnh quan niệm trấn giữ cố điển của các kinh thành.
Long hổ tượng trưng cho sức bảo vệ thần linh, cũng tượng trưng sức mạnh âm dương. Theo quan niệm trên, thành Huế có cống Thanh Long, ở chỗ thấp thuộc về thủy. Trong lúc ấy Bạch Hổ rất cao dễ thấy, có thể vị tri nầy được đắp cao thêm. Đó là cây cầu vượt trên hói nhỏ mở từ sông Hương vào, đưa chúng ta qua làng Kim Long để đến Linh Mụ.
Hầu như tệ lắm là 50% người sinh ở Huế lầm cầu nầy với cầu Dã Viên qua sông Hương, nguyên gốc là con đường xe lửa Nam Bắc. Về cái tên thì chính thức được vua Minh Mạng đổi là Lợi Tế. Vô tình vị vua thứ hai nhà Nguyễn đã hủy bỏ sự bảo vệ kinh thành theo tin tưởng xưa. Phải chăng chẳng bao lâu về sau kinh đô thất thủ?
Mấy bữa nay trang nhà nói lui nói tới nhiều lần về cầu Bạch Hổ và cho rằng cái tên Kim Long là không đúng.
Chúng tôi đã bực mình hằn học trên một comment dưới hình cầu sắt qua sông đến Cồn Dã Viên mang phụ chú: Bạch Hổ do thi sĩ Hải Văn minh họa chính bài thơ của mình. Nhưng sau ít phút chúng tôi đã xóa vì biết rằng chính quyền địa phương đã đặt tên Bạch Hổ cho cây cầu lớn từ tả ngạn qua cồn Dã Viên và cây ngắn từ cồn đến Cầu Lòn là cầu Dã Viên.
Được biết thêm cầu Bạch Hổ xưa là cầu Kim Long. Về chính xác mới nhất và thực dụng, không nên dùng lý luận riêng, cảm tình riêng mà gọi khác với tên chính thức; nhất là hai cầu nầy sít vào nhau như hai cạnh của một góc vuông, bộ hành và khách du lịch cần được hướng dẫn chính xác. Vì lý do lịch sử hay gì đó, người Thái Lan không thích tên Bangkok bằng Kongthiep; họ vẫn có tên như Nhà Thương Kongthiep; ngân hàng Kongthiep nhưng thư tín quốc tế phải ghi Bangkok. Cũng như trên thư tín bạn không thể dùng Saigon làm địa chỉ ngoài bì thư.
Chúng tôi suy đoán rằng tên Bạch Hổ chuyển qua cầu sắt dựa vào lý thuyết mới giải thích Bạch Hổ là gì. Một số học giả tân thời, dùng thành ngữ "tả long hữu hổ" mà nói rằng cồn hến là tả long và cồn Dã Viên là hữu hổ. Cho nên cầu sắt là Bạch Hỗ. Theo hướng đi nầy, cây cầu từ Vy Dạ qua Cồn Hến tiếp nối đường Ưng Bình, hay cây cầu tương lai từ đường Nguyễn Bỉnh Khiêm Gia Hội băng qua sông sẽ gọi là cầu Thanh Long.
Vài nhà bình luận cho rằng Bach Hổ xưa đối xứng và tương ứng với cầu Gia Hội; thiết nghĩ chư vị chỉ nhìn theo bản đồ mà không nhớ quan niệm bảo vệ kinh thành. Không biết cầu Gia Hội làm từ lúc nào nhưng thế nào cũng làm sau Bạch Hổ; Bạch Hổ được thiết kế cùng thời với Thanh Long.
Chúng tôi không đồng quan điểm giải thích hai cồn là Thanh Long và Bạch Hổ. Hai cồn này chỉ đúng một vế tả hữu mà không đúng với ẩn hiện; cả hai thuộc về thủy, thấp như cống Thanh Long gần 'a ba toa' (lò sát sinh).Long hổ là hai kiến trúc nhân tạo trong lúc hai cồn nầy cấu thành tự nhiên.
Hai giang đảo nầy là hai của quý, hai tiền án cho kinh thành. Theo phong thủy, chúng đã giúp sông Hương trong thể tỏa và tụ sinh khí. Tỏa là chia ra, tụ là nhóm lai. Mọi mạch khí dù là sông hay núi, ứng với biến dịch mà có sinh khí thì phải chia ra rồi kết tụ vào nhau. Nếu hướng vào nhà là đường sinh khí thì đến bình phong chia đôi và tụ tại nhà.
Sông Hương đến trước Chùa Thiên Mụ thì chia hai bởi Dã Viên rồi tụ trước cột cờ, rồi tỏa ở cồn Hến rồi tụ trở lại để chảy ra biển.
Chúng tôi không làm công việc giải thích dịch lý, phong thùy v.v... mà định vị trí, ý nghĩa nguyên thủy của hai chữ Bạch Hổ. Ngày nay có lẽ kinh thành xưa Bắc Kinh của Tàu không còn tha thiết gì cái bạch hổ cái thanh long. Họ bảo vệ bằng drone, bằng vũ khi nguyên tử. Do đó mình sá chi phải quanh co Bạch Hổ Kim Long. Như Thuyền Tôn thì nói cho biết chuyện xưa, nay thì thành Thiền Tôn mà viết chữ Hán cũng khác.
Không ai tắm hai lần cùng dòng nước.Hãy yêu thương những gì không thể thấy lần thứ hai.
No comments:
Post a Comment