sông Bồ, Thừa Thiên |
Tình chị duyên em
Tôn Thất Tuệ
Ngó rứa mà đã nửa năm 2024. Những cây vàng sớm đã đổ lá vàng, trông buồn vào những ngày cuối tháng sáu dương lịch. Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?! Buốn trông cây cải có ngồng! bèn viết mấy dòng chơi vơi trên sông.
Bên
cạnh những huyền thuyết tươi đẹp, nước hai sông Hương và Bồ thơm vì cỏ xương bồ,
chúng tôi đem câu chuyện xuống tầm thấp hơn với sự giải thích của học giả xứ Huế
Lê Minh Khiêm: tên sông Hương vì nó chảy qua huyện Hương Trà, tên mới thay cho
Kim Trà phạm húy tổ nhà Nguyễn. Sông Lợi Nông qua Bến Ngự là sông Bến Ngự,
rồi đến Phủ Cam, Kho Rèn và An Cựu.
Trong
sách Lý Thường Kiệt, xb 1950, Hoàng Xuân Hãn nói các con sông từ xưa được gọi
tên theo vùng sông chảy qua. Năm 1077, quân Tống ùa vào Đại Việt bọc quanh ải
Chi Lăng, đến trung du Bắc Việt vùng Thái Nguyên và vượt qua sông Như Nguyệt,
chảy qua làng Như Nguyệt từ đây đến Thăng Long chừng 20 đến 30 km.
Những
con sông miền Trung đều bắt đầu từ Trường Sơn với những khe lạch chằn chịt, do đó
nói sông Bồ và Sông Hương cùng gốc quả đúng vậy.
Nhưng
đến khi đã trưởng thành như hai thục nữ, hai chị em có sức quảy gánh sơn hà, thì
hai sông có những những tác dụng nhân sinh khác nhau, và cùng chảy ra biển qua
Phá Tam Giang. Tác dụng nhân sinh là chữ không rõ, vì thiếu chữ. Thật tình,
chúng tôi không biết địa dư nhân văn từng vùng ở Thừa Thiên.
Nếu
sông Hương được biết mười (10) thì sông Bồ e chỉ được biết một (1). Nào thi ca,
âm nhạc, hội họa, nào chính trị … cấy chi cũng dành cho nàng Hương. Khác nào
trong một gia đình mà người mẹ chỉ lo tô điểm cho cô chị còn cô em lủi thủi sau
vườn.
Đời sống hai bên sông Hương có tính cách "thị tứ",
thiếu chữ, kiểu cách; chúng tôi không biết liên hệ giữa dòng sông và
làng Nguyệt Biều mà Nhị Hà đã đưa vô nhạc "làng tôi soi bóng Hương
Giang" cũng như những vườn chè quanh lăng Gia Long. Thị tứ, ít nhất về kiến
trúc, cổ điển thành nội và tân thời kiểu tây ở hữu ngạn. Vy Dạ là đất của con
vua con chúa, đất của “câu thơ Thi Xã, con thuyền Nghệ An”. Cứ như những bài ngắn
dài, comment, reply trên internet, người chọt bút dùng nhiều ước lệ kiểu cách,
ít khi để lộ trìu mến trực tiếp về đời sống và mưu sinh khi đề cập sông Hương. Bắt
đầu câu thứ nhất thì biết thế nào cũng có Diệu Đế, Vy Dạ, An Cựu, cây phượng, đại
nội v.v…Cái khuôn còn tốt chưa mòn.
Mối
tình ước lệ vừa nêu có nhiều âm vọng, mà quê mùa thì gọi là rổn rản ầm vang. Không
e ấp như người Ninh Hòa tỏ tình với Sông Dinh, Chợ Dinh.
Người bỏ Ninh Hòa người ra đi
Bỏ lại sông Dinh, bỏ những ngày,
Tháng ba bãi cát phơi đầy nắng.
Tháng chín mưa dầm, con nước xuôi.
Người bỏ chợ Dinh, người ra đi
Bỏ lại sau lưng những bóng người
Trưa vắng khua buồn đôi guốc gỗ
Những giọt mồ hôi trên tóc mai.
Người bỏ cầu Dinh những đêm trăng
Một mình đứng lặng ngắm trăng tàn
Nghe hồn phố nhỏ đang ngon giấc
Nghe trái tim buồn đang thở than. (Đặng Trùng Dương)
Sông
Bồ như sông Dinh, không làm đõm, kiểu sông Hương. Chúng tôi tin nhiều vị sẽ đồng
ý chỗ nầy. Như việc dân hai làng không thể kết ước hôn phối, những lần bắt cua
bắt rạm ruộng gần sông. Có vị nói đến mía cơm rượu, khoai sắn, ruộng đồng.
Ít
nơi có sự trìu mến như Sịa và vùng chung quanh được trìu mến thương yêu. Sịa nằm
trên sông Bồ. Cho dù kết nối với sông Hương ở Sình bằng một nhánh nhỏ hay tự mình
chảy về Phá Tam Giang, sông Bồ vẫn còn giữ nét riêng của một dòng sông riêng.
Chúng
tôi tiếp nhận quan điểm của Smetana khi ông sáng tác phần cuối ‘La Moldau’
trong tuyển tập “Quê Hương Tôi”. Một dòng sông không phải chỉ là dòng sông mà gồm
cuộc sống của mọi con người ở trên bờ dòng sông. Nghe La Moldau, tôi cứ nghĩ là
sông Bồ.
Đáng
lý (đời có chi là duy lý?!), đáng lý tôi phải biết nhiều về sông Bồ. Phù Ốc
(hay Phú Ốc) là một làng danh tiếng bên sông Bồ, danh tiếng vì bà nội tôi
vợ quan trong triều gốc Phú Ốc? Phải, đúng vậy vì bà nội tôi, chứ đâu có phải là
bà nội thằng giữ trâu? Cương cho bằng được! Ông nội tôi đã đưa hài cốt tổ tiên
từ Thanh Hóa vào làng vợ, rồi tự ái đem đi lần nữa về phía Ngự Bình. Phú Ốc có đại
tộc Hoàng Ngọc sem sém như Hồ Đắc, Thân Trọng, Hà Thúc.
1945,
chú út của tôi về làng mẹ trốn chiến tranh, ông có chút bất bình thường, suốt
ngày chỉ đờn violon mà không biết tây đang hành quân tới. Chúng ghét quá, thằng
nầy không biết sợ à? Cho chết luôn, dẫn ra bờ sông bắn chết, xô xuống nước cho đi
mò tôm.
Thiệt
ra, sông Bồ với rừng Cổ Bi soi bóng, với bến đò Hạ Lang còn giữ rất nhiều bí mật
của đời tôi. Những thứ nầy không bao giờ được khai quật, không như thành Chàm ở
Phú Ốc đang được đào xới nghiên cứu làm sống lại.
Thì
ra hai bên bờ sông Bồ như cô gái quê không son phấn có đủ thứ của loài người,
chỗ nầy ta đang ngồi, cổ nhân đã ngồi.
Hóa
ra, tình chị duyên em. Tôi đã yêu mến, và được yêu bởi, cô Hương nhưng kết nghĩa
“gừng cay muối mặn” với cô Bồ, duyên dáng thầm duyên.-
Phụ
Bản
Smetana
giải thích tác phẩm của mình như sau.
“Khúc
nhạc diễn tả dòng nước La Moldau khởi đầu từ hai suối nhỏ: suối nước nóng và suối
nước lạnh cùng tên cho đến nơi hai nhánh nhập một thành dòng sông duy nhất. La
Moldau chảy qua các cánh rừng, các đồng nội; giữa phong cảnh đẹp tươi ấy, đang
diễn ra lễ cưới của một nông dân; cũng là nơi thiên nhiên chứng kiến khúc luân
vũ của các thủy nữ dưới ánh trăng; và cạnh đó nghiêng mình trên những khối đá
chơ vơ là những lâu đài, những dinh thự kiêu hãnh cùng những kiến trúc hoang phế
bơ vơ. Dòng La Moldau cuộn nhanh lao mình vào thác St John, trước khi rộng mở
vòng tay và đi vào Prague, ngang qua lâu đài Vysehra; rồi uy nghiêm biến mất ở
vùng xa thẳm, nhập chung với sông Elbe, Đức)".
nhạc cảnh theo giai điệu La Moldau
No comments:
Post a Comment