add this

Saturday, June 22, 2024

đường về Vy Dạ

Huế như dòng sông bao la

Tôn Thất Tuệ

Xin thành thật khai báo với Cách Mạng theo lời dạy đầu tiên ở trại cải tạo. Xin thành thật khai báo là tôi không thích cái Huế tân trang một chút xíu nào, nhà chọc trời, khách sạn ngàn sao, kể cả cung điện với những thứ vô cùng hiện đại, hại điện. Do đó tôi chỉ thích những bức hình như thế nầy của Ngô Lễ. Bức hình nầy chính là Huế của tôi trong tư tưởng, trong thương nhớ. Nó nói lên ý nghĩa hai chữ "sông núi" rõ ràng nhất về vật thể và ẩn dụ 'sơn hà' của thời xưa. Cũng rất may là hình ảnh xa xăm của núi từng lớp, không quá cận cảnh như một số hình chỉ còn là những mô đất không cây. Tốt đẹp phơi ra, xấu xa che vào. 
Có ít hay có nhiều người Huế say đắm nhìn những dãy núi in hình xuống sông? Không ai dám khẳng định nhiều hay ít nhưng trong cái nhiều hay ít ấy có tôi, đứa con lạc loài, trong ý nghĩa đầy đủ nhất của danh từ. Có những giờ dài thăm thẳm, tôi ngồi nhìn mặt nước sóng êm, mà lúc ấy chưa có cuốn 'Câu Chuyện của Dòng Sông' và chưa biết Phùng Thăng để yêu thương suốt đời. Những việc làm thuở nhỏ còn ghi trong tiềm thức, ảnh hưởng văn phong và ngôn ngữ. Tôi nghĩ những giờ ấy gây nhiều ý thơ.
Em yêu thương, bên bờ sông Mận
anh ngồi nghe biến thể của không gian
anh ngồi nghiệm đường đi của cá
viết thời gian qua những bọt tăm.

Bức ảnh của Ngô Lễ chụp từ vùng Đập Đá nhìn lên cầu Trường Tiền, sông nước bao la. Vâng, sông Hương nhỏ lắm sao mà thấy bao ba, vô bờ vô bến, đủ chứa những nỗi niềm vô vọng, những tin yêu, những phôi pha, những nồng nàn.
Bức ảnh không ghi vì góc nhìn của máy ảnh nhưng giòng sông hẹp - một thanh niên sức mạnh trung bình bơi qua về không khó - luôn luôn ôm trong lòng núi kia lớp lớp, khi xanh lá đậm, khi tím theo mây trời, khi vàng của bình minh. Vì thế mà nói dòng sông bao la vô bờ vô bến, nói mấy cho vừa.
Tôi đã thi vị hóa:
và cứ thế nhiều lần ta trốn học
vì ông thầy đích thực của đời ta 
là ngọn núi chiều màu tím thẩm
rơi xuống sông nhuộm tím dòng sông.
Núi rơi vào lòng sông như em yêu rơi vào lòng tay của ta, không một chia ly, không một biền biệt, như hội nhập linh thiêng, ôm giữ một đức tin.
Tôi không để triết lý và thi ca làm mất hình bóng con người duy nhất là ông xích lô  (xe không khách) gần đến bờ mí Vy Dạ, là một style của Ngô Lễ, có hình bóng con người nhưng sít sao chỉ một người như bức ảnh sông Bồ làm tôi muốn khóc vì dáng người quá đẹp. Đơn lẻ mà sống mạnh như trong cổ thi:
Lạc hà dữ cô lộ tề phi (ráng trời cò lẽ chung cánh bay).

Đập Đá trong hình tươm tất hơn xưa, nói về 1950, 1951. Thời ấy nghe nói năm nào cũng có một người chết nơi cái cống giữa đập.  Cúng Hà bá chăng? Đập là hai bức tường dày thấp, độn nhiều thứ ở giữa, mặt đường nhựa. Nước lụt có thể làm hư mặt đường; nhưng hai bức tường nầy phía trên như hai lối đi, nhiều người mom theo lần bước mà đi; có người đi ở giữa, chống gậy xem cạn su.
Hôm ấy Thích Mãn Giác, còn là chú Mãn Giác, sai tôi về Vy Dạ thưa với dì tôi đưa cho ít tiền. Chùa Thiên Minh trên núi nào biết lụt lội chi. Đến Đập Đá thằng nhỏ phải theo người lớn mà qua. Đến mí đất khô thì hai đầu gối đập vào nhau vì sợ quá, té ra lúc lội nước không biết sợ là gì. Lần về, tôi xin tiền đi đò ngang; mỗi khi lụt thì có đò ngang phía Chợ Cống. Một lần thôi, tởn tới già.

Nhưng mà thôi, tâm sự của người đời là "tâm sự năm canh một bóng đèn". Của tôi chỉ là tâm sự cùn. Cùn như cái chủi cùn, bốc muối đốt phong long lốp bốp cho các bà các cô nhảy qua nhảy về đốt hết xui xẻo, chồng con hanh thông, làm ăn phát tài.
Nói thiệt; xin thành thật khai báo với Cách Mạng. Về Huế, tôi như kẻ lén lút bất lương. Từ ga xẹt tới dốc đi tiếp về gần Đàn Nam Giao ở nhà người chị có con gái bán ốc. Tôi ở lại mươi ngày lo mồ mã cha mẹ rồi theo đường cũ mà về Saigon; có một lần đã tối nhờ cháu chở xuống phố như thần giao cách cảm gặp chị Dương "mạ tôi", chủ nhà sách Gia Long và một lần, cũng đã tối, chạy quanh mấy con đường Bến Ngự, nhớ tới Ngọc Thắm đã sửa soạn kiệu đưa về dinh, ngựa ô, lục lạc đồng đen, dây cương hồng thắm, cán roi bịt đồng thòa nhưng không xong việc.
Dạ, lúc xưa có người hỏi Lão Tử đạo là gì thì được ông già đáp: đạo là gì? Nay có ai hỏi tôi: bác về thăm quê hương hả? tôi sẽ trả lời: thăm quê hương hả? Thành thật đến thế là cùng nên được cho về, sau khi lột vài cuốn lịch; nhờ vậy cái miệng còn dóp dép, không kịp đâm da non.






No comments:

Post a Comment