Nguyễn Văn Bông (1929-1971)
Quân sự dân sự hành chánh
Tôn Thất Tuệ * Feb 21, 2023
Tôi thiệt hấp tấp khi nói với blog Mậu Thân ông Tôn Thất
Hùng (TTH) có viết một bài tùm lum tà la về một đề tài rất lớn.* Lối nầy võ biền và chợ búa quá. Cho nên nói lại, bài viết của ông TTH bao gồm rất
nhiều chuyện đời, khắp bốn vùng chiến thuật, không tiết kiệm sự
việc, trái lại sự việc tuông ra như suối chụp không kịp nên chụp
nhanh chụp lẹ. Chính vậy, i tờ rít như tôi đọc không biết ngả mô mà rờ.
Lại xính quýnh bằng cái đầu đề rất to là dân sự hóa hành
chánh nhưng bài viết của ông TTH chỉ nói lên cái chua chát của giới dân sự mà
ông gọi là giới khoa bản khi làm việc trong nền hành chánh do đảng kaki nắm quyền.
Xưa kia, quan văn thất phẩm đã sang, quan võ ngũ phẩm lang thang cầm cờ. Nay
thì các quan võ như các ông thần hét ra lửa mửa ra khói.
Nếu kỳ vọng một bài phân tích dân sự hóa trở lại, kèm
với cố gắng của ông Nguyễn Văn Bông làm ví dụ, người đọc sẽ thất vọng, và an ủi
bằng cái vinh hiển một thời của quan văn, so chiếu những thô bạo của quan võ, kể
cả việc NCK về VN phủ phục dưới trướng của CSVN.
Bài có vài điểm nhỏ không quan trọng nhưng chúng tôi thấy cần trình bày ý kiến cá nhân.
1. Ông TTH nói rằng bắt đầu sau Mậu Thân 1968, các chức
vụ quận trưởng đều nằm trong tay nhà binh. Tôi không dám tổng quát hóa nhưng
1962, tôi, Tôn Thất Sỹ, Tôn Thất Bảo cùng ba người nữa thực tập tại Mỹ Tho thì
đã thấy các quận trưởng là đại úy. Lúc đó tỉnh trưởng Định Tường là Thiếu Tá
Lâm Quang Thơ (chuẩn bị đeo lon trung tá); phó hành chánh là ông Liêm thư ký hành
chánh thời Tây, bố vợ của đại tá Tôn Thất Soạn TQLC, tỉnh trưởng Hậu
Nghĩa. 1965, tôi làm trưởng ty xã hội Định Tường 90 ngày thì đi học quân sự Thủ
Đức. Lúc ấy các quận đều do nhà binh, có người đã lên thiếu tá; phó HC là anh Hội,
không biết khóa nào.
Có người khi chỉ trích quân đội làm HC đã khen TT Diệm
muốn duy trì nền hành chánh dân sự, như ông đã lập trường QGHC.
Thực tế, các tỉnh trưởng nhà binh do Phủ Đầu Rồng chỉ
định trước đảo chánh 1963. Chiến tranh đã chính thức bắt đầu bởi Trận Bà Bèo, Định
Tường 1959, nhà binh lên giá. TT Diệm đã đồng hóa trung tá một đốc sự đã từng
làm quận trưởng Cai Lậy để giữ chức tỉnh trưởng Vĩnh Long. Sự việc nầy do tôi đọc
một hồi ký trên internet của người con vị trung tá ấy nhưng không nêu tên, có
hình ông tỉnh trưởng mặc quân phục có cầm “cane”. Nếu TT Diệm muốn dân sự thì
sao lại đồng hóa ông tỉnh trưởng nầy thành nhà binh. Trong cố gắng tân tiến hóa
nền hành chánh như một khoa quản trị, trường HC Đà Lạt có
từ thời Bảo Đại tuyên bố Quốc Gia VN được đưa về Saigon, trực thuộc Phủ Tổng Thống; không
phải là sáng kiến thành lập của TT Diệm.
2. Ông TTH có nói sơ dự án dân sự hóa của ông Bông chỉ
để thương xót phận nghèo. Thầy ơi, ông Khánh theo lệnh Mỹ hạ bệ Đôn Đính Kim vì
thân Pháp, làm răng mà Hoa Thịnh Đốn có thể ủng hộ một người tốt nghiệp bên
Pháp là thầy. (Chợ Cầu Ông Lãnh: bỏ qua đi Tám, forget it). Quân phiệt chúng
khôn lắm, đã bày mưu dân sự hóa; tỉnh trưởng Quảng Nam là GS Chi và cả một đạo
quân QGHC không làm gì được trong sáu tháng điều hành tỉnh Quảng Nam như bằng
chứng bất lực của khối dân sự, giới khoa bản. Lại còn nạn đảng phái hoành hành ở
miền Trung. Cụ thể là Đại Việt, tạo ra tình trạng “chú thượng sĩ cánh gà điều
khiến một đại tá” (cánh gà chiên bơ là trung sĩ, thượng sĩ nút đồng tròn) như
thư ký hành chánh làm phó tỉnh Quảng Trị, năm 1967, ngồi trên đầu Hồ Đắc Chương
10 năm công vụ, và các vị trẻ hơn như Nguyễn Vĩnh An, Trần Đình Thương, Trần Ngọc
Huỳnh…Về chỗ dân sự hóa, tác giả không nói đến cố gắng thất bại ở đô thành, nhiều
quận giao cho QGHC phải rút lui như anh Mạnh, Quận 6, sau Mậu Thân. Anh Dư, quận
8.
Time out: Cũng là dân QGHC cả nhé, ông Trần Bạch Thu,
tác giả nhiều sách, viết rằng: Ông Bông bị sát hại đúng một tuần trước khi nhậm
chức thủ tướng. Nếu đúng vậy thì ông Thiệu đã ký sắc lệnh bổ nhiệm, đinh đóng cột,
không “nghe nói, hình như, rờ mu rùa, suy diễn”. Tang lễ thầy Bông không thiếu
một ai đến kính viếng từ tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng, dân biểu thượng hạ,
nói chung là cả nước. Ngay cả người giết ông Bông chỉ nói "sắp làm thủ tướng" mà không chắc nịch như ông Trần Bạch Thu.
Phát giác rợn người của ông TTH là ông Thiệu nói “ông
Khiêm làm”. Yelsin mở miệng làm quà nói với Clinton: OJ Simpson did it. OJ
Simpson giết vợ. Khiêm did it. Khiêm giết ông Bông.
Nếu ông Thiệu nói ông Khiêm chủ mưu thì nào khác tui
đây, Thiệu đây, tui làm chuyện ấy. Nói NCK làm cũng không được vì NCK là phó
TT. Tổng thống và thủ tướng liên hệ mật thiết hơn giữa hai ông chánh phó. Thiệu
Khiêm là một cặp, cùng tháo chạy chung máy bay.
Không hiểu căn cứ vào đâu ông TTH bỏ vào miệng chánh
khứa Phan Rang câu nói “hiện ngụy” ấy.
Ai giết NVB thì đã rõ là CS. Nhưng CS làm “good
timing”. Lúc ấy ông Kiểu anh ông Thiệu nhiều lần từ Đài Loan về Saigon yêu cầu
ông em bớt tính cách quân sự trong ngành hành chánh, có thể vì nhiệm sở đại sứ ở
Đài Loan giúp ông thấy lối cai trị tương đối hữu hiệu của Trung Hoa Dân Quốc. Nếu
vậy thì ứng viên hàng đầu là ông Bông. VC cho nổ bom để chia rẻ, đổ vào đầu ông
Khiêm, tuy ông Bông đã một lần chết hụt vì trái bom đặt ngay ở văn phòng.
Chúng tôi lượm được vài tin tình báo từ một người trước
kia đảm trách an ninh quân đội. Một ngày sau, ông nói với tôi rằng báo Saigon “trúng
tủ” vụ nầy như trúng mối vũ nữ Cẩm Nhung bị tạt a xít. Chẳng có Khiêm nào, Thiệu
nào, Kỳ nào chủ mưu. NCK đã thịt Trần Văn Văn vì dân biểu lập hiến nầy đang cầm
đầu đa số chủ trương bốn mươi tuổi mới làm tổng thống hay phó; nếu thành văn
thì Kỳ không đủ tuổi để thực hiện tham vọng, bỏ mất cơ hội đầy quyền uy như một
thượng đế nhỏ.
Theo vị cao niên trên, các đảng CS liên hệ đến Á Đông,
nhất là CS Pháp đưa một số thanh niên VN du học Pháp. Gồm hai thành phần: thứ
nhất con của đảng viên hay đã được huấn luyện; nhóm thứ hai những thanh niên tuấn
tú có óc phóng khoán sẽ tính sau. NVB thuộc nhóm thứ hai nầy. Ông đã được tuyên
truyền chống chính phủ Diệm, nại những tham nhũng áp bức Miền Trung, những lạm
quyền tôn giáo. Đến một lúc NVB được tiết lộ chương trình du học, NVB không chịu
đi theo chúng và tuyên bố với bạn bè rằng ông sẽ về VN lấy chính quyền trong
tay ông Diệm để chống lại CS. Do đó CS để tâm dùng cái chết của NVB vào một mục
tiêu tuyên truyền.
NVB có chống ông Diệm không? Chúng tôi nói “có” với bằng
chứng cụ thể. Tuyên ngôn sinh viên chống ông Diệm ký tại Y Khoa đường Trần Quý
Cáp, dưới sự bảo trợ của GS Phạm Biểu Tâm. Hôm sau tại Luật Khoa, tuyên ngôn nầy
mới được công bố, dưới sự chứng giám của GS Nguyễn Văn Bông. Hai sinh viên cầm
đầu là Tô Lai Chánh và Nguyễn Trọng Nho lấy thêm chữ ký. Lúc ấy GS Vũ Văn Mẫu đã cạo đầu ủng hộ
PG; Tô Lai Chánh làm theo nhưng cạo đầu sau. Cuộc tụ tập nầy tự giải tán, không
thấy bóng dáng cảnh sát dã chiến.
Sau đảo chánh, các trường chuyên nghiệp, các phân khoa
bầu ban đại diện sinh viên. 14 chủ tịch họp thành Hội Đồng Chủ Tịch Sinh Viên
Saigon. HĐCTSV nhóm phiên họp đầu tiên tại một ngôi nhà đường Gia Long (hay Lê
Thánh Tôn?) gần bệnh viện Đồn Đất về sau là Bộ Chiêu Hồi của tổng trưởng Hồ Văn Châm.
Các ông chủ trường thảo luận rất náo nhiệt, không ai chịu ai,
khi bàn những gì phải làm trong thời cách mạng mới và tiến đến một tổng hội như
tổng hội SV quốc tế. Hai thầy Bông và Tâm có đến dự như quan sát viên, không điều
khiển phiên họp. Hai thầy ngõ lời chào mừng và chúc thành công trong các sinh
hoạt sắp đến để hưởng không khí chính trị mới, không còn Diệm Nhu nữa.
Ngay sau đảo chánh, ông Vũ Quốc Thông đã rời ghế viện
trưởng. Ông Nguyễn Văn Bông lên thế, sau khi được mời vào Hội Đồng Nhân Sĩ như ban cố vấn của Hội Đồng Cách Mạng, Ông Thông bị mang tiếng thụt lùi chào tổng
thống Diệm làm vỡ một bình cổ thời Khang Hy.
3. Trở lại vấn đề dân sự quân sự, ông TTH cho thấy kế
hoạch quân sự hóa đến tận xã ấp như chủ tịch hội đồng xã, quân nhân sẽ được bầu
đại diện địa phương, ở quốc hội v.v…Thế thì còn chỗ mô cho dân sự chen chân. Có
ai ngu dại từ bỏ quyền lực giao cho kẻ khác.
Tác giả tỏ ra chua chát khi nhắc đến mơ ước dân sự hóa
từ trung ương đến địa phương. Chính vì vậy ông TTH chỉ lước qua dự án của ông
Bông.
4. Chúng tôi không mượn cơ hội nầy để bàn về dân sự
quân sự trên tầm mức chiến lược và lý thuyết chiến tranh vì nó quá rộng. Hơn nữa
việc làm của ông Bông và cái chết nhằm vào một thời đầy những sóng ngầm mà bên
ngoài rất an bình.
Chừng 1970, một năm trước khi ông Bông chết, một nhân vật
tình báo quân sự Mỹ bảo đảm với thế giới rằng ông mặc đồ nhà binh lái xe jeep từ
Cà Mâu đến Bến Hải mà không bị chận, bị bắn sẻ, bị đắp mô. Nhưng 1970, Mỹ đã tổ
chức mật đàm Kissinger Lê Đức Thọ, cũng là thời Mỹ đang thương thuyết để công
nhận Trung Cộng thay thế Đài Loan vào LHQ và đưa đến một nước Tàu như hiện nay.
Cũng là lúc bắt đầu Vietnamization trong đó Nixon chơi
trò hàng hai. Một mặt ông nói không gia giảm binh bị nhưng tăng cường cố gắng
bình định và đưa dân vận (civilian operation) lên ngang quân vận (military
operation), ông sẽ viện trợ thêm. Một mặt ông đã giữ kẻ trước mà nói rằng nếu
miền Nam VN rơi vào tay CS thì là việc của người Diệt Lam.
Tôi không nghĩ ông Bông tổ chức một lực lượng nhân sự
vì chủ trương mới của Nixon. NVB đã bắt đầu từ khi giữ chức viện trưởng QGHC và
đã cho thấy khuynh hướng Nam Kỳ. Nhưng có tin ông Bông được mời thuyết trình ở
Mỹ về những ưu điểm cuộc dân sự hóa, xét theo hoàn cảnh mới. Ông đã chết trước
chuyến công du dự định.
Tôi có nghe chuyện vũ trang các đoàn viên trong tổ chức của ông Bông nhưng không hiểu họ có được huấn luyện về ý thức chiến lược hay không, có học về
cách phối hợp dân sự và quân sự hay không. Nếu giải pháp dân sự được quan niệm
như một phương cách lấy lại quyền lực thì bình dân quân sự gọi là tranh ăn và đưa đến những hậu
quả vô lường.
Ông Bông chết và những kế hoạch thiên hạ dự tưởng cũng
tiêu ma. Người ta không nói đến một nhân vật nào kế vị, ngay như ông Nguyễn Ngọc
Huy chỉ là một bóng mờ.
Con cá sẩy bao giờ cũng lớn. Đồ đệ của thầy Bông cho rằng
thầy mang theo liều thuốc chữa trị căn bệnh quân phiệt, nhất là bây giờ khi nói
đến giới kaki 30.4 tháo chạy trước tiên để lại cái băng nhựa chiến đấu tận giọt
máu cuối cùng.
Quân sự hay dân sự là đặt vấn đề sai. Vấn đề là lãnh đạo
dù ở cấp nhỏ như một quận hay lớn là cả chính phủ.
Giới dân sự, như tỉnh trưởng, có mặc cảm không biết bắn
súng như Obama mặc cảm về hiểu biết quân sự phải đeo mấy ông tướng làm cố vấn. Các
nhà lập quốc Mỹ giao cho dân sự nhiệm vụ điều khiền quân sự. Ông bộ trưởng quốc
phòng không bắn sùng giỏi như binh nhì. Đình trưởng Lưu Bang điều khiến Hàn Tín, giao cho Hàn Tín mọi quân cơ. Nói vậy thì tầm mức quá lớn so với một tỉnh như tỉnh
Phong Dinh. Nhưng tỉnh trưởng dân sự có thể điều hợp kế hoạch an ninh chung gồm
quân sự, thông tin tuyên truyền, canh nông, y tế ... mà không chút mặc cảm nào với
ông tá hay bác sĩ. Tỉnh trưởng nên theo theo tinh thần của Hán Cao Tổ: mưu lược không bằng Trương Lương, tế thế không bằng Tiêu Hà, binh bị không bằng Hàn Tín nhưng điều khiển cả ba để thành việc lớn, lập nên triều đại mới.
Một trong vài nguyên nhân chính cho CS thành công là
biết sự liên hệ quân sự và dân sự, chỉ có người duy nhất chỉ huy là đảng ủy.
Quân sự hóa hành chánh 100% trùng hợp với quân sự hóa
hệ thống điều hành phía HK. Chúng tôi muốn nói đến sự thành lập Juspao (The
Joint United States Public Affairs Office), gộp chung MACV, USIS, USAID năm
1965 dưới quyền chỉ huy của đại tướng William Westmoreland, aka Westy. Các cuộc tường trình chiến sự nay xẩy ra ở bộ chỉ huy quân sự với một sĩ quan cấp tá thay vì bởi một phát ngôn viên dân sự tại sở thông tin USIS.
NCK chơi trội qua mặt NVT vì sau lưng là Westy. Nhưng
Westy đã bị báo chí Mỹ cho là kẻ nói dối về thành quả quân sự. New York Times
đã xuất bản các tài liệu chính thức của Pentagone khác với tùy viên báo chí của Westy. Westy không đủ sức lượng định
hậu quả của Mậu Thân, ông đang trông chờ một Khe Sanh thành Điện Biên Phủ,
trong đó Mỹ sẽ dập nát VC không như Pháp phải thua trận. Westy
cho rằng Mậu Thân chỉ làm giảm sút sức tập trung lực lượng ở Khe Sanh, nó không có ý nghĩa chính trị nào. Không có gì sai lầm hơn. Mậu Thân là vết thương tạm băng bó nhưng làm độc đến 1975. Cũng như Thánh Chiến Thứ Tư thay vì đi Jerusalem thì chiếm phá Constantinople; Đế Quốc Miền Đông lấy lại nhưng đó là vết nức cho Ottoman muslim lọt vào, tuy mãi về sau rất lâu. Westy đã
phải về nước sau Mậu Thân.
Trở về chuyện dân sự quân sự, tỉnh trưởng dân sự đã một
thời điều khiển phó nội an, và điều khiển tiểu khu. Dù tỉnh trưởng quân sự hay
dân sự, lực lượng an ninh bố phòng của tỉnh gồm địa phương quân, nghĩa quân và
bán quân sự. An ninh lãnh thổ thực sự đảm trách bởi các lực lượng chính quy của
quân đoàn và sư đoàn; tỉnh trưởng không điều khiển hành quân những lực lượng
chính quy, và không nhất thiết phải là một sĩ quan.
Rất tiếc chúng tôi không biết gì về thầy Bông để biết
rõ đường lối của thầy, khi muốn đứng đầu công cuộc chống cộng thay ông Diệm.
Phần thứ tư của bài nầy không liên hệ trực tiếp bài viết
của ông TTH tuy được gợi ý từ đó. Ông
TTH nêu tệ trạng “đảng” Đại Việt như trung sĩ điều khiển đại tướng. Đại Việt đã
đưa người làm tỉnh trưởng; ít nhất tôi biết là đại tá Thìn tức Long ở Đà Lạt và
đại tá Cường ở Đà Nẵng; ông Cường xuất thân là cảnh sát cận vệ của trưởng ty CS
Huế. Nhưng không biết Đại Việt nói đây có khác hay là một với Đại Việt mà thầy
Nguyễn Ngọc Huy thuộc cấp lãnh đạo. Thường nghe cặp bài trùng Huy Bông, nếu
đúng thì Đại Việt của thầy Huy sẽ làm nòng cốt cho hệ thống cai trị trong dự phóng của thầy Bông. Thầy Bông có lập ra Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến gồm các thành phần dân cử, chuyên viên, trí thức, tôn giáo, đảng phái. Tập hợp nầy không thể đóng vai âm phù dương trợ; một phong trào thì như gió, như kiểu Mặt Trận Tổ Quốc của Hà Nội hay Phong Trào Cách Mạng Quốc thời ông Diệm. Về chính trị, phong trào chỉ đóng mặt ngoài, khác với cơ cấu tổ chức trung kiên của một đảng chính trị, một hệ thống 'grass root' kiểu Mỹ.
Nếu ông Vũ Quốc Thông được xem như một tuần vũ có bằng
tiến sĩ luật thì thầy Bông là nhà cải cách, chuyển cai trị dân thành quản
trị khoa học và vận dụng nhân sự uyển chuyển, có mặt trong mặt ngoài. Mặt trong
thầy Huy, mặt ngoài thầy Bông, âm phù dương trợ.
Thầy Bông đã bình dân hóa cái tên từ học viện qua trường,
khá khiêm tốn và thầy đã mở thêm ngành cao học cho phép cử nhân thi vô dễ dàng,
không đòi hỏi một số năm công vụ của cựu sinh viên đốc sự. Thầy nhắm vào các học
viên cũ thì đúng quá; những học trò cũ như dân biểu Lê Minh Tiết (?) giúp thầy
có tiếng nói trong ngành lập pháp, học viên tốt nghiệp trước khi thầy đến vẫn hãnh diện về lý tưởng của thầy, những thành phần nầy như một bộ dàn sẵn sàng cho hoa thiên lý nở hoa thơm.
Ngày xưa, người Pháp quan niệm học luật là cai trị được
cũng như thời quân phiệt bắn súng được là chỉ huy hành quân được và có thể làm
quận trưởng và tỉnh trưởng. Một cuộc chiến mang quá nhiều tính cách chính trị
và xã hội, tiếp nối một lịch sử phức tạp trên một bán đảo chính địa, geopolitic
như yết hầu của khu vực, mà chỉ dùng họng súng thì làm sao thắng được.
Tuy không biết đường lối của thầy Bông, tôi thấy thầy
là người duy nhất thời đó có một ý thức về lãnh đạo và chỉ huy. Người ta đinh ninh rằng VNCH sẽ thắng cuộc, và những dự án của thầy Bông sẽ dùng vào thời hậu chiến.
Mong cầu ấy không đúng chỗ.
Mong cầu cấp thiết là đường lối của thầy được dùng để
thắng cuộc chiến. Hành chánh và quân sự là hai mặt của đồng xu, đâu lưng với nhau. Tham vụ ngoại giao HK Dick Tear khá thân với tôi, trước kia
là tùy viên của đại tá “huyền thoại” Landsdale nói rằng không nên lý tưởng hóa
chef cũ của ông về thành công dẹp cộng quân Huk ở Phi Luật Tân. Mỗi lần nói
chuyện ở tư gia đường Tú Xương, Dick Tear đều lưu ý: Lansdale không làm gì được
nếu không có (tổng thống) Magsaysay; ngược lại Magsaysay cũng bó tay nếu không
có Landsdale trợ giúp.
Ở VN chúng ta có rất nhiều Landsdale nhưng không có Magsaysay.
Những người VN và HK am tường chiến tranh và lịch sử đang mong cầu một
Magsaysay cho VNCH. Họ đã nghĩ đến Nguyễn Văn Bông, chứ không phải những lý
thuyết gia tự biên tự diễn như Lý Đại Nguyên mặc bà bà đà để làm tổng thống kiểu Lý Công Uẩn nhà Lý.
Nhưng Magsaysay trong tiềm năng ấy đã chết vì bom nổ tại
góc đường mà bóng ngôi nhà nội trú của trường có thể phủ tới nếu mặt trời chịu
khó hạ thấp chút nữa. Buồn.
* nhận đinh về giải pháp dân sự trong thời gian quân đội nắm quyền trong chiến tranh VN.
=================================================
|
================================== |