Mộ bia Lê Lợi |
Thanh Hóa có một không hai
La
Province de Thanh-Hóa * H. Le Breton, Hà
Nội 1924
Tôn Thất Tuệ trích dịch
Lịch sử cho thấy rằng Thanh Hóa đúng ra phải là một phần
bộ của Bắc Kỳ và làm gạch nối giữa Bắc Kỳ và Trung Kỳ (An Nam). Thanh Hóa sẽ giúp
chúng ta hiểu dễ dàng về Huế. Và rộng hơn, muốn hiểu lịch sử Đại Việt thì phải
hiểu lịch sử của Thanh Hóa.
I.- Khu vực và danh xưng
Danh hiệu đầu tiên có từ thời Hồng Bàng là Bộ Cửu Chân.
Bộ nầy gồm phần phía bắc của Trung Kỳ (Thanh Nghệ Tịnh) và Ninh Bình. Lý
Bôn đặt tên lại là Ái Châu. Mãi đến thời Đinh Bộ Lĩnh mới có danh xưng Thanh
Hoa; tuy vậy Thanh Hoa chỉ gồm một phần của tỉnh Thanh Hóa tân thời. Cuối đời Trần, Bộ
Thanh Hoa đổi thành Trấn Thanh Đô. Khu vực hành chánh nầy gồm Thanh Hoa Ngoại (Ninh Bình tân thời) và Thanh Hoa Nội (là Thanh Hóa tân thời). Thời Hồng
Đức (Lê Thánh Tôn) Thanh Hoa chia thành mười ba xứ gồm cả Ninh Bình. Thời Gia
Long, Thanh Hoa Ngoại gọi là Thanh Bình, rồi đến thời Minh Mạng thành Ninh
Bình.
Vua Minh Mạng chia Đại Việt thành ba tiểu vương địa: Bắc
Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Vua ấn định biên giới Trung / Bắc Kỳ là dãy núi phía bắc
Thanh Hoa, do đó tỉnh nầy trong hệ thống cai trị của Trung Kỳ và đưa Ninh Bình ra Bắc. Đến thời Thiệu
Trị tên tỉnh nầy là Thanh Hóa, tránh chữ Hoa phạm húy Hoàng Thái Hậu.
II.- Các địa danh
1.- Làng Cổ Lủng (Châu Quan Hóa) là nơi Nguyễn Kim chỉnh
đốn quân ngũ, tập trung lực lượng để chống với nhà Mạc.
2.- Làng Quý Hương (phủ Hà Trung), chánh quán của dòng
họ Nguyễn. Nơi đấy có phần mộ của Nguyễn Kim. Tương truyền Nguyễn Kim được mai táng
bởi Hổ Thần và Trời trong một khu rừng cấm không ai biết. Một truyền thuyết khác
nói rằng khi hòm được hạ huyệt thì con rồng ngậm miệng, tức thì nổi lên giông tố
hung hãn, những thứ phụ trợ mai táng đều bay mất, người người bỏ chạy. Khi gió êm trở lui xem thì thấy toàn vùng cỏ xanh um dày đặc, không biết hòm chôn ở đâu. Tuy vậy
hiện có lăng tẩm của ông, hai lớp thành vôi cao với những tháp canh dựng đứng,
có một cái hồ rộng phía trước với cầu bắc qua; trông giống như một thành trì.
3.- Làng Thần Phù. Cho đến thời Hậu Lê, Thần Phù là một
hải cảng quan trọng nhưng ngày nay (1924) vì cát bồi chiếm mặt biển Thần
Phù chỉ là một giang cảng. Đường đi từ Giao Chỉ (Bắc Kỳ) đến Cửu Chân rất nguy hiểm nên
Mã Viện cho đục đường hầm xuyên Nga Sơn, lấy đá đắp đập chống hải triều, và đắp
vững chỗ ra vào đường hầm. Do việc phá đá, núi nầy có tên mới là Tạc Sơn và hải
cảng tên Tạc Khẩu.
Tiếp theo, Mã Viện cho đào nhiều kênh để giao thông giữa Giao Chỉ và Cửu Chân cùng Phố Dương (Phố Dương mang những tên: Nhựt Nam, Hàm Hoan, Cửu Đức, Hoàn Châu về sau chính là Nghệ An tân thời). Nhiều văn gia đã ca ngợi cảnh đẹp của Thần Phù. Nguyễn Chung Ngạn (đời Trần), Nguyễn Trãi (Hậu Lê) và vua Lê Thánh Tông.
4) Núi Ốc-Sơn (Phủ Hà-Trung): Năm 208 trước JC, Triệu Đà
tiến quân vào Cửu Chân để truy kích An Dương Vương, đóng quân ở Ốc Sơn, cố thủ
vững chắc. 1020, Lý Thái Tổ cầm quân đánh
Chàm ở Quảng Bình, được thần núi Ốc báo mộng sẽ giúp sức thắng trận. Thắng cuộc,
vua Lê cho xây đền Long Cảm trên núi để thờ thần hộ mệnh của Giao Chỉ. Hơn hai trăm
năm sau, 1252, thần Núi Ốc đã báo mộng vua Trần Thái Tôn sẽ được trợ giúp mà thắng
Chàm; nhờ cuộc viễn chinh nầy, vua đã biến các dân tộc phương nam thành các chư
hầu.
5.- Thành Hồ, phủ Quảng Hóa. phụ chính Lê Quý Ly cho
xây năm 1397 và gọi kinh thành mới nầy là Tây Đô, đối nghịch với Đông Đô (Thăng
Long, Hà Nội). Tây Đô được bao quanh bởi một thành đất dài 20 cây số gọi là La
Thành và chính là tên của thành ngoài của thành trì Đại La mà Cao Biền xây thế
kỷ thứ 9 trên bờ sông Tô Lịch. Tường trong Thành Hồ xây bởi những tản đá vôi lớn
trông như đá hoa cương. Thành trổ bốn cửa chính, cửa xây hình vòm tròn.
Riêng của hướng Đông có đến ba vòm cung. Lê Lợi gọi kinh đô nầy là Tây Kinh và
gọi kinh đô Bắc Hà là Đông Kinh. Người Pháp đã theo cách đọc mà lập tự Tonkin để
gọi xứ Bắc Kỳ.
6.- Làng Phù Điền, là nơi có đền Thờ Bà Triệu.
Nữ lưu sinh tại làng Trung Sơn (huyện Nông Cống). Trong giai đoạn lịch sử hổn
loạn của Tàu, thời Tam Quốc (thế kỷ thứ 3), bà đã cùng dân chúng Cửu Chân chống
lại độc ác tàn bạo của triều Ngô (một trong ba xứ tranh hùng). Cuộc nổi dậy gây
tổn thương trầm trọng cho Ngô trào và làm người Tàu kinh hãi. Nỗi kinh hãi nầy được
ghi lại trong vài bài thơ. Rõ ràng nhất là hai câu Hán văn: Hoành quang anh hổ
dị / Đối diện Bà Vương nan. – Đưa tay bắt cọp dễ / đối trị Bà Vương khó. (Sử Tàu
gọi bà là Lệ Hải Bà Vương).
Sầm Sơn, đá chồng |
7.- Làng Trình Hà. Làng nầy xưa kia là thành trì của Triệu Đà. Trên một mô đất lớn có đền
thờ Triệu Quang Phục, người xưng là hậu duệ của Triệu Đà. Triệu Quang Phục đã
phụ tá Lý Bôn chống lại thái thú Tiêu Tư thuộc nhà Lương và thành lập nhà Tiền
Lý và đổi quốc hiệu Nam Việt thành Vạn Xuân. Khi Lý Bôn chết, Triệu Quang Phục
lên ngôi hiệu Triệu Việt Vương, dân chúng thì gọi là Gia Trạch Vương. Con của Lý
Bôn là Lý Phật Tử chiếm lại ngôi vua của cha, hạ sát Triệu Quang Phục tại cửa sông
Triệu Môn, một chi lưu phía Nam của Sông Mã.
8.- Núi Kim Sơn (phủ Quảng Hóa) có nhiều hang động khoét
sâu trong núi cho dân trốn quân Mông Cổ truy lùng. Cạnh đó có làng Sóc Sơn, chánh
quán của Trịnh Kiểm; nơi đấy, Trịnh Kiểm đã giao chiến với Mạc Kính Điển. Kính Điển
thua, đem quân ngược dòng Đại La Giang (Sông Mã) để trốn thoát năm 1555.
9.- An Trường là nơi Lê Lợi xây thành trì đầu tiên. Trịnh
Kiểm lập kinh đô ở đấy cho triều Lê (vua Lê Trang Tông) đóng đô nhà Lê ở đây. Từ
khi họ Mạc tiếm quyền, An Trường mới là chỗ vua ở chứ không phải Hà Nội. Về sau
Tây Sơn đã phá hủy.
10.- Lam Sơn. Lê Lợi sinh ở đấy năm thứ 9 niên hiệu Xương
Phù của Trần Đế Hiệu. Trên núi Du Sơn có Vinh Lăng, là lăng miếu Lê Lợi. Nguyễn
Trãi là tác gia lời ghi trên bia đá tả công trạng của vị anh hùng nầy.
11.- Làng Trường Xuân.
Trường Xuân nằm trên đất xưa kia là kinh đô của Lê Ngọc (thế kỷ thứ 7).
Dưới triều nhà Tùy, Lê Ngọc là tổng quản Ái Châu trước khi làm quan đô hộ Giao
Chỉ. Khi nhà Tùy sụp đổ, Lê Ngọc tự tôn làm hoàng đế trị vì 8 năm, chết chôn tại
chỗ. Lê Ngọc gốc huyện Đông Cương thuộc Ái Châu hay Cửu Chân.
12.- Kỳ Lâm Sơn hay Mật Sơn. Dưới chân núi là làng Điển
Thụy, chánh quán của Lê Hoàn, người sáng lập nhà Tiền Lê. Lê Hoàn gốc Ái Châu và
làm con nuôi của án sát tỉnh nầy. Nhưng có thuyết cho rằng ông sinh ở làng Ninh
Thái, huyện Thanh Liêm tỉnh Hà Nam. Mật Sơn có đền thờ vua Lê Thần Tông với tượng
của vua và sáu bà vợ, gồm một bà người Hòa Lan.
13.- Làng Bố Vệ. Trước kia đền thờ và lăng tẩm Lê Kính
Tông và Lê An Tông đặt tại Lam Sơn; vua Minh Mạng cho dời về Bố Vệ (1924 – là Kiều
Đại hay Cầu Bố).
14.- Ngọc-Úc, Phủ Tĩnh Gia, trước kia là Huyện Ngọc Sơn.
Nơi đây có đền thờ bà Ngọc Công Chúa và bà Ngọc Khê. Còn có giếng Tiên Ngọc hay
Ngọc Tĩnh trong truyền thuyết Trọng Thủy Mỵ Châu.
Thành Hồ |
III.- Thanh Hóa, chiến trường giao tranh ác liệt
Xứ Thanh là thành trì cuối cùng của các triều đại bị vây
khổn của những kẻ tiếm quyền. Nhưng những cánh đồng, những góc núi, những ngánh
sông của Thanh Hoa chứng kiến những trận đánh quyết định chấm dứt đô hộ Tàu phía
bắc và các uy hiếp từ vương quốc Chàm phía nam.
1.- Tương tranh giữa các triều vua. Tại miền Nam Thanh
Hoa là Phủ Tĩnh Gia, Triệu Đà đã tiêu diệt quân đội của An Dương Vương (208 trước
JC). Đến thế kỷ thứ 6, Triệu Quang Phục tiếm quyền triều Tiền Lý lên làm vua,
khi Lý Bôn chết. Tiếp theo con Lý Bôn là Lý Phật Tử đánh đuổi Triệu Quang Phục.
Vua Triệu trốn trong tỉnh và lúc cố vượt thoát lên thượng lưu Sông Mã đã bị hạ
sát tại cửa sông Triệu Môn, một chi lưu của Sông Mã.
Thanh Hoa cũng là chiến trường giữa các phe phò Lê và
phò Mạc, từ đó xuất hiện những nhân vật Lê Cập Đệ, Nguyễn Kim, Trịnh Kiểm.
Năm thứ bảy triều vua Duệ Tông (1771), anh em Tây Sơn
nổi loạn và chiếm đất của vua Lê và Chúa Nguyễn. Mở đầu, quân của Nguyễn Huệ
bị chận đứng bởi quân nhà Lê của Lê Trung Nghĩa, không thể vượt đèo Hoàng Mai để
vào chiếm Thanh Hoa. Nhưng tiếp đến Lê Trung Nghĩa thất trận ở bãi Vệt,
từ đó Tây Sơn không gặp trở lực. Tây Sơn phá hủy Thanh Hoa, đập phá các đền thờ,
tịch thu chuông chùa để đúc tiền. Có nghi án Tây Sơn đã triệt hạ Tây Đô (Thành
Hồ).
2.- Đánh đuổi giặc Tàu. Trong thời tao loạn Tam Quốc của Tàu, thế kỷ thứ 3, Nam Việt thuộc quyền thống trị của Triều Ngô đóng đô ở Nam Kinh. Nữ lưu Triệu Ẩu cùng anh là Triệu Quốc Đạt và các thuộc tướng Vương Thiện, Lãnh Long, Bào Thúc, Tôn Thân, đã phất cờ khởi nghĩa ở Cửu Chân. Tuy với tuổi hai mươi, Triệu Ẩu đã thắng rất nhiều trận đánh quan trọng làm Tàu run sợ. Nhưng ba năm sau bà thất trận trước viện binh của Lục Dận.
Bên Tàu, năm 612, nhà Tùy bị Lương Tiên tiếm ngôi và ở trong tình trạng vô chủ. Lợi dụng tình thế, quan đô hộ Giao Chỉ là Lê Ngọc, biến Giao Chỉ thành một vương quốc độc lập, đặt kinh đô ở Cửu Chân (Thanh Hoa). Ông chia xứ sở cho anh em và con. Con trai trưởng Ích Tri làm tổng đốc Cửu Chân; hai con trai Trung Quốc và Tả Quốc cùng con gái tên Trưng Liệt nắm giữ binh quyền ở Đông Kinh (Bắc Kỳ). Trong tám năm trị vì (612-619), ba năm cuối Lê Ngọc phải lo chống chọi với Tàu. Vua sáng lập nhà Đường đã đưa quân qua đàn áp. Lê Ngọc không thể giữ Bắc Hà, rút về Thanh Hoa, đánh nhau với quân Tàu giành từng tất đất. Cuối cùng Lê Ngọc phải tử trận.
Thế kỷ 13, Thanh Hoa bị Mông Cổ xâm chiếm nhưng nhà Trần
đã điều động mọi lực lượng đuổi Bắc xâm khỏi Đại Việt. Trần Thánh Tông và gia
quyến rút về Thanh Hoa để huấn luyện binh lính. Lần Bắc thuộc cuối cùng là từ
nhà Minh.
Trấn Thanh Đô thường là chiến trường giữa Đại Việt và
Tàu. Hồ Quý Ly đã tiếm ngôi vua Trần; con cháu nhà Trần qua Tàu xin cứu viện.
Trương Phụ và Mộc Thành đánh bại quân Hồ ở Thăng Long. Vua quan nhà Hồ trốn thoát
vào Thanh Hoa cầm cự ở Tây Đô nhưng bại trận ở cửa Sông Mã bèn rút lui đến Hà Tịnh
trước khi bị bắt làm tù binh. Trương Phụ và Mộc Thành thiết lập nền đô hộ nhưng
không bao giờ ngồi yên với các sự kháng cự từ Thanh Hoa. Oai hùng nhất là Lê Lợi,
chấm dứt sự sách nhiễu quan lại Tàu và thành lập triều Hậu Lê.
tượng vua Lê Thần Tông |
Từ những năm đầu trong lịch sử, các nhóm hải khấu từ vương
quốc Qua Oa (Phi Luật Tân) đã vào các vùng phía Nam Hoành Sơn
(Hà Tĩnh) thành lập những vương triều mà sử ký Đại Việt và Tàu gọi là Chân Lạp,
Lâm Ấp hay Chiêm Thành. Sử gia có thói quen gom chung vào vương quốc Chàm và dân
cư gọi là người Chàm. Sử Đại Việt xem người Chàm là thảo khấu sẵn sàng xâm chiếm
lâng bang, mặc dầu đã bị đẩy lui mãnh liệt bởi các thái thú Giao Chỉ và các triều
đình Đại Việt. Trong thời gian dân tộc Giao Chỉ bị đô hộ của nhà Tống, năm 431 vua
Lâm Ấp tên Phạm Dương Mai đã dùng quân thủy và bộ tấn công Nhựt Nam (Nghệ An) và
Cửu Chân (Thanh Hoa) và bị đẩy lui bởi Đàn Hòa Chi, thứ sử Giao Chỉ. Trong thời
cai trị của nhà Đường, năm 767, thảo khấu từ vương quốc Qua Oa đến quấy phá Châu
Hoan (Nghệ An) và Châu Ái (Thanh Hoa) nhưng phải giải tán trước sức mạnh của
kinh lược sứ Trương Bá Nghi. Bốn mươi năm sau, chúng trở lai chiếm hai châu
Hoan và Ái nhưng đô hộ sứ Trương Châu đã đuổi khỏi biên giới.
Bước vào thế kỷ thứ 10, Đại Việt đã có các triều đại
quốc gia, triều đầu tiên thành lập bởi Ngô Quyền, gốc Thanh Hoa, người Chàm cũng
gây hấn. Năm thứ 10 niên hiệu Thái Bình triều Đinh Bộ Lĩnh, một hạm đội Chàm đến
hải cảng Thần Phù để chiếm Hoa Lư, Thanh Hoa và Bắc Hà. Nhưng một trận bảo đã xô
thuyền Chàm đập vào các mốc đá của Nga Sơn. Số ít sống sót tìm cách trốn chạy.
Bước qua nhà Trần, người Chàm mới thực sự đủ sức gây
nguy hiểm cho nền độc lập của Đại Việt. Nhưng Đại Việt đã thoát nạn nhờ công sức
của một anh hùng gốc Thanh Hoa, đó là Trần Khắt Chân.
Khi các đại thần tôn Trần Nghệ Tông lên ngôi, hoàng thái
hậu – vì không đạt ý muốn cho cháu nội của Trần Minh Tông làm vua – đã trốn qua
phe Chàm. Việc nầy đã gây nhiều khốn khổ cho Đại Việt. Bà thúc dục vua Chàm chiếm
nước Việt. Quân Chàm đã cướp phá Bắc Hà và Thăng Long, sau khi dày xéo Thanh
Hoa, lấy rất nhiều của cải và bắt nhiều người làm nô lệ.
Nghệ Tông thoái vị giao ngôi báu cho em là Duệ Tông.
Duệ Tông muốn trừ khử người Chàm để trả thù, trong lúc quần thần tâu rằng Đại
Việt thiếu lính và thiếu tiền không thể đối đầu với Chàm. Tuy vậy, tân vương
thân chinh đánh Đồ Bàn và bị hạ sát trong trận năm 1376. Người em tên Húc bị bắt
làm tù binh đã đầu hàng và được làm rể vua Chàm.
Tình hình quân sự đã nẩy sinh một Lê Quý Ly. Trước tiên,
ông đã đánh bại hải quân và lục quân Chàm. Nhờ những chiến công ấy ông trở nên
một người có quyền lực trong triều Trần. Khi đã đủ mạnh ông nghĩ đến chuyện tiếm
ngai vàng. Đó cũng là lúc tranh chấp giữa hai phe ủng hộ vua và ủng hộ Lê Quý
Ly. Do đó tiềm lực quốc gia thay vì dùng để đánh bại quân Chàm đã trở nên phân
tán và yếu dần vì cuộc tranh chấp nội bộ nầy.
Người Chàm lợi dụng cơ hội vô chủ nầy không ngừng uy
hiếp Đại Việt. Lịch sử trong thời Đế Hiện, kế vị Duệ Tông, chỉ là một chuổi dài
các lần Chàm xâm chiếm. Thanh Hoa đã bị chiếm vào năm thứ hai và thứ tư niên hiệu
Xương Phù của Đế Hiện (1377 và 1380). Năm nầy Chàm đã làm chủ Bắc Hà. Chế Bồng
Nga đã đưa em Duệ Tông tên Húc lên ngôi vua đóng đô ở Thanh Hoa, sử ký gọi là
Ngự Cầu Vương, cũng là rể của vua Chàm. Năm thứ sáu niên hiệu Xương Phù, Chàm
trở lui tái chiếm Thanh Hoa.
Lê Quý Ly xuất quân và thắng nhiều trận. Danh tiếng nhất
là thủy chiến thành công ở cửa sông Ngu Giang, một chi lưu của Sông Mã. Năm thứ
bảy Xương Phù, Nguyễn Đa Phương kịch chiến hạm đội Chàm buộc chúng phải thối
lui (1383). Qua năm thứ hai niên hiệu Quảng Thái của Thuận Tông (1389), Chàm tái
chiếm Nghệ An và Thanh Hoa. Lê Quý Ly và Nguyễn Đa Phương nghênh chiến và thất
trận.
Như vậy, Đại Việt hầu như sẽ phải khuất phục Chàm. Nhưng
may có một vị anh hùng, xuất thân từ Thanh Hoa đã quật vào số mệnh của Chàm những
thảm bại làm cho Chàm nghĩ rằng xâm chiếm Đại Việt là điều không nên làm để gánh
thất bại.
Khi nghe tin Lê Quý Ly và Nguyễn Đa Phương thất trận,
thượng hoàng Nghệ Tôn cho vời Lê Khắt Chân vào triều, giao cho ông sứ mệnh lo
an nguy của triều đình và đánh đuổi quân Chàm. Thực Lục có ghi rằng sau khi nhận
lệnh, Trần Khắt Chân khóc từ biệt; Nghệ Tông cũng khóc theo. Điều nầy chứng tỏ Đại
Việt đang lâm nguy trầm trọng. Trần Khắt Chân mất một năm chỉnh đốn lục quân và
thành lập một hạm đội đủ sức chống trả thủy quân Chàm.
Năm thứ 3 niên hiệu Quảng Thái (1390), Chế Bồng Nga đem
hạm đội Chàm vào bờ biển Bắc Hà. Một ngoại thích vua Thuận Tôn là Nguyễn Điệu làm
phản năm rồi, điều khiển một cánh quân của hạm đội địch nầy.
Mặt khác, có ông quan Chàm phạm lỗi sợ bị tội chết xin
Đại Việt cho ẩn náu. Người nầy tên Ba Lậu Khê. Khi thủy quân Chàm đến cửa Hải
Triều, tỉnh Hưng Yên, Trần Khắt Chân cầm quân đối phó. Ba Lậu Khê cho biết thuyền
màu lục là thuyền của Chế Bồng Nga. Do đó lính Đại Việt nhắm vào mà bắn. Chế Bồng
Nga tử thương. Quân Chàm giành đường chạy thoát.
Nguyễn Điệu cắt đầu Chế Bồng Nga dâng Trần Khắt Chân xin tha tội phản quốc. Nhưng Trần Khắt Chân không chịu và ra lệnh xử trảm ngay. Trần Khắt Chân đem đầu vua Chàm trình Nghệ Tôn. Thượng hoàng nói: ta và Chế Bồng Nga đánh nhau đã lâu; nay mới thấy nhau. Nhờ chiến công nầy, Trần Khắt Chân có nhiều ảnh hưởng trong triều và làm lu mờ Lê Quý Ly. Do đó Lê Quý Ly đã cho người ám sát ông ở Đôn Sơn, gần Tây Đô.Từ nay, hai nước có đánh nhau các trận nhỏ khi thắng khi thua, chỉ xẩy ra ở miền Trung. Đến cuối triều Lê, Đại Việt đã chiếm đất Chàm đến Quảng Nam. Các Chúa Nguyễn Đàng Trong đã làm cho vương quốc Chàm suy vong và tận diệt. Người Chàm chỉ sống chung trong các thôn xóm nhỏ miền Nam Đại Việt.
Không có gì là hư vọng khi nói rằng muốn biết rõ lịch
sử Đại Việt thì phải biết rõ lịch sử của Thanh Hóa. Bởi lẽ xuất phát từ đây có
những bậc anh hùng sáng chói của xứ sở An Nam. Thanh Hóa đã cung cấp các vị sáng
lập các triều đại rực rỡ nhất (trừ nhà Trần) cũng như những kẻ tiếm quyền (trừ
nhà Mạc). Thanh Hóa là thành trì cuối cùng của những triều đại bị xua đuổi và cũng
là diễn trường của những thiên anh hùng ca vĩ đại nhất của lịch sử Đại Việt. Chính
tại Thanh Hóa, nhà Trần đã chỉnh đốn quân ngũ, tập trung các lực lượng để đuổi
quân Mông Cổ ra khỏi biên thùy. Cũng từ Thanh Hóa xuất thân vị anh hùng đưa dân
tộc khỏi ách nô lệ của Tàu, đó là Lê Lợi uy vang. Một đứa con khác là Trần Khắt
Chân đã đưa xứ sở ra khỏi cơn ác mộng bị xâm chiếm bởi người Chàm. Thanh Hóa còn
giữ nhục thể của Nguyễn Kim, tổ phụ của các vua đương thời và các Chúa Nguyễn.
Con cháu Nguyễn Kim đã lợi dụng cuộc hưu chiến 100 năm giữa Nam Bắc để mở rộng
lãnh thổ đến Vịnh Xiêm La. Khi Nguyễn Hoàng đi Thuận Hóa, một số rất đông sĩ
phu, quan lại gốc Thanh Hóa đã đi theo Chúa; những người nầy và con cháu đã giúp
các chúa xây dựng Đàng Trong thành một quốc gia phú cường.
Nguyễn Ánh trong lúc lưu trú tại Thái Lan đã cho soạn “
Vọng Các Công Thần Lục”, liệt kê các công thần đã hy sinh để thờ cúng. Công thần
được chia thành ba cấp:
1. Khai quốc công thần (4 vị)
2. Trung hưng công thần (263 vị)
3. Trung tiết công thần (115 vị).
Thanh Hoa đã chiếm ba chỗ trong bốn chỗ của cấp khai
quốc: Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Dật và Nguyễn Hữu Tấn. Nguyễn Ánh đã lấy lại giang
sơn các tiên chúa trao phó, lên ngôi vua, đặt kinh đô ở Huế. Địa điểm mới nầy
không thể xóa mờ bốn thế kỷ (15 đến cuối 18) lịch sử của Tây Kinh, là phủ của
Chúa Trịnh và An Trường, vương cung của các vua Lê. Hai thủ phủ nầy đều ở Thanh
Hóa, quan yếu hơn cả Thăng Long và Đông Kinh (Bắc Thành). Mà dù để ở ngoài Bắc
hay Thanh Hóa, các thủ phủ nầy đều được “chiếm ngụ” bởi vua Lê và chúa Trịnh, cả
hai đều xuất phát từ Cửu Chân.
Nằm ở trang đầu của bất cứ cuốn sử nào của Đại Việt phải là tỉnh Thanh Hóa, gồm cả tiểu sử của các nhân vật lừng danh. Tóm lại, Thanh Hóa là kho xá lợi, nơi tồn trữ thánh tích (nói theo danh từ tôn giáo).
[Chapitre cinquième: La Province de Thanh Hóa dans l'histoire du Đại Việt, page 21 - 47] --- La Province de Thanh-Hoa, Hanoi 1924
H. le Breton. 1924. Imprimerie Kim-Đức-Giang Hanoi |
No comments:
Post a Comment