Người Vợ Hiền
Thiếu Sơn * Gia Định 1933
Phê bình tiểu thuyết Người Vợ Hiền của Nguyễn
Thời Xuyên
Người
Vợ Hiền
là món quà ra mắt của ông Nguyễn Thời-Xuyên khi ông mới nhập-tịch vào làng văn.
Món quà đó đã được nhiều người hoan nghênh thì tác giả của nó cũng đáng cho ta
nên chú ý. Chú ý về cái nghệ thuật ông đã dùng để nặn đúc nên một người vợ hiền
cho gia đình VN.
Thế
nào là một người vợ hiền? Không biết thế gian nầy có được người vợ hiền nào như
cô Dung không? Song nếu giả thiết ra một người vợ hiền thì người vợ hiền đó tất
phải có tánh cách, phẩm hạnh, giáo dục và thiên chức như cô Dung mới được. Cô
Dung là một người thanh-nhã, khiêm-nhường, đoan-trang, hiền thục. Cũng như Tố Tâm,
cô là một gái văn minh. Văn minh nghĩa là đã tiến hóa hơn người đương thời, tiến
hóa cả thể chất lẫn linh hồn. Cái thể chất của người ta nó tiến hóa từ thô đến
thanh, thì cái linh hồn cũng theo đó mà càng thêm trong sạch.
Theo
lẽ sanh lý thì đàn bà vẫn nặng về phần hồn hơn phần trí nên hầu hết đều là khách
đa cảm đa tình. Những người thanh thì cảm cái thanh, người tục thì cảm cái tục.
Mà cái tình của người văn minh tấn hóa nó vẫn vượt lên trên được phần xác thịt
mà chung đúc ở chỗ tinh thần.
Cô
Dung là người đa tình lắm, đối với cô “chỉ sống trong chữ ‘yêu’, nên đời cô chỉ
là “giấc ngủ mà tình là chiêm bao”. Giấc ngủ mà không có chiêm bao là giấc ngủ
vô vị, thô tục, chẳng khác gì cái chết vậy. Chồng cô là một người trong chiêm
bao của cô, cô tưởng tượng đến trước khi chưa thấy mặt, rồi cô quyến luyến không
dời từ sau khi gặp gỡ để gây nên một giấc mộng trường xuân giữa nơi trần gian tục
địa nầy. Đã vậy mà cô còn lợi dụng ái tình mà làm điều nghĩa vụ, đem hết tài trí
thông minh để cảm hóa người yêu.
“Giúp
cho bạn chung thân của mình được yên vui đặng đởm đương những công việc lớn
lao, có giỏi nữa là giúp cho chồng vững chí trong đường phải mà làm nên nghiệp
cả. Có thể nói rằng người vợ hiền là thuốc tiên để chữa những sự đau khổ của đàn
ông, là cái bùa tiên để biến hóa những sự chán ngán làm hy vọng”.
Mấy
dòng đó là nói về cái thiên chức của người vợ hiền, mà cái thiên chức đó tuồng
như cô Dung đã đầy đủ được một cách êm đềm, đằm thắm. Vậy mà chồng cô còn ngoại
tình, chồng cô còn lỗi đạo. Chồng cô ngoại tình để cô tủi, chồng cô lỗi đạo để
cô rầu. Chiêm bao tới đó là hết, mà giấc ngủ hãy còn, cái giấc ngủ vô vị, cái
giấc ngủ nặng nề, cái giấc ngủ in như cái chết vậy.
Cái
tinh thần cô hồi đó muốn chết mà thiếu chút nữa thì cái thân xác cô cũng phải
hao mòn tiêu diệt.
Nhưng phần Hữu Chí, có thể tha thứ được vì ngoại tình không cố ý, lỗi đạo mà không phụ lòng.
Cô Josiane hỏi chàng: “Thương tôi không mình?”.
Chàng đáp:
-
Thương.
-
Nhiều hay ít?
-
Nhiều.
-
Nhiều có bằng vợ nhà không mình?
-
Sao mà khờ đến thế hỡi em! Chẳng nên hỏi những điều mà khó thể cho người ta tỏ
thật với minh. Em biết em thương tôi, tôi thương em là đủ. Chớ so sánh làm chi.
Em còn nhớ trước kia tôi không dám thương em, vì biết sau nầy có điều ân hận.
Nay ta thương nhau rồi. Thương nhau, thương lỡ, thương liều, thương vô mục đích,
thương thẹn với lương tâm; thiết tưởng em cũng có lúc bất an trong lòng như tôi
vậy. Thẹn với lương tâm nhất là những hồi hoan lạc mà bỗng nhớ đến vợ nhà. Cho
nên tôi xin với em bao giờ đôi ta hội ngộ đừng có nói những điều gì cho tôi phải
nghĩ đến”.
Lời
nói trung hậu làm sao, can đảm làm sao! Giữa hồi hoan lạc với người tình mà lòng
còn nhớ đến vợ nhà, trí còn tưởng đến vợ nhà, không muốn cho cái miệng của khách
trăng hoa nhắc đến, không chịu cho con người trần cấu được tự đem so sánh với bạn
trăm năm. Cái thái độ đó là thái độ của người quân tử, mà đã là người quân tử đến
bậc đó thì đều đáng thương, đáng phục, chứ không đáng trách, đáng khinh.
Đã
vậy mà cô Josiane là người tình của Hữu Chí, theo tôi, cũng chưa hẳn không có
chỗ khả lân, khả ái. Thử nghe mấy lời cô nói với Hữu Chí:
Tôi
biết rằng tình thương yêu của tôi có hại cho tôi nhiều lắm. Nhưng đã thấy hại mà
tôi dám thương thì mình hãy lượng giùm cái tình của tôi nó nặng là bao nhiêu…
Theo ngu ý của tôi, khi nào tôi chỉ được thương ai trong cái thời kỳ ngắn ngủi,
thì tôi tăng cái mãnh lực của ái tình lên gấp hai, gấp ba… Tôi chán đời nên tôi
kiếm kẻ khác thiên hạ làm bạn tri âm. Tôi là gái lẳng lơ nhưng chẳng hề nhận ai
trong biển ái.
Gái
trăng hoa như Josiane chẳng phải là hạng gái tầm thường. Gái tầm thường đâu nói
ra được những lời như vậy. Nếu không bị tình duyên lỡ dỡ, nếu chẳng gặp cảnh ngộ
éo le mà có cùng hạnh phúc như ai, gặp được người xứng đáng với cái ái tình nặng
nề của cô thì có lẽ cô cũng thành người khá. Cô đa tình lắm nên khi nào chỉ được
thương ai trong cái thời kỳ ngắn ngủi thì cô phải tăng cái mãnh lực của ái tình
lên gấp hai gấp ba. Ái tình mà thảm thiết đến thế thì đặng thương ai trong suốt
đời thì vị tất cô đã chẳng duy trì được mãi mãi.
Cái
đau dớn của cô Dung nay phải trách cứ vào ai mới được? Phàm trong thuật tiểu
thuyết vẫn có cái thuật tương đối (art de contraste). Đem cái xấu mà đối với cái
tốt, để làm tăng cái tốt. Đáng lẽ tác giả phải tả cho Hữu Chí say mê thêm chút
nữa, lầm lỗi thêm chút nữa để ta có chỗ trách cứ về nỗi thống khổ của cô Dung.
Lại đáng lẽ tác giả phải tả Josiane hèn hạ đôi chút, bi tiện đôi chút để có thể
đem so sánh với cô Dung để thấy ai đáng ghét đáng khinh.
Sự
buồn thảm của cô Dung đáng lẽ là chỗ hay nhất. Nhưng độc giả không biết trách cứ
vào ai cho xứng đáng với cái đau đớn thâm sâu của cô Dung. Tác giả không tạo ra
cái giận cái ghét, cho nên chưa làm ai cảm dộng đúng mức. Đó là một thiếu sót về
tiểu thuyết.
Nhưng
về luân lý, ông Nguyễn Thời Xuyên đã tạo ra hình ảnh người vợ hiền lý tưởng, đầy
phẩm hạnh, làm kiểu mẫu cho nữ giới, và kiểu mẫu ý trung nhân của giới tu mi
nam tử.
Tác
giả đã mượn sách của Henry Bordeaux mà viết truyện. Đó là cuốn tiểu thuyết Une
Honnête Femme. Cô Dung là Germaine; Hữu Chí là Ferrière; Josiane là Madame
Berthe, vợ của Chéran. Tuy mượn của kẻ khác, Nguyễn quân đã thay đổi cho hợp sở
hiếu độc giả An Nam. Cô Dung đã được truyền thần đầy đủ từ tư cách của Germaine.
Hữu Chí không giống hệt Ferrière, khiêm nhường và thuần giản hơn. Josiane không
như Mme Berthe; Josiane cao thượng hơn, khả ái hơn, không dâm dục đê hèn như bà
vợ của Chécan.
Văn
thuyết của hai nhà văn Pháp và An Nam khác nhau.
Ông
Henry Bordeaux muốn chưng ra rằng một người chồng hiền có thể vừa thương vợ vừa
ngoại tình; trong lúc người vợ hiền chỉ biết có chồng và không biết ai khác nữa.
Ông phân biệt cái đẹp kín đáo thần tiên và cái đẹp lõa lồ của người đàn bà; kín
đáo thần tiên cảm hóa; lõa lồ làm say mê u muội.
Còn
ông Nguyễn Thời Xuyên chỉ muốn vẻ ra một người vợ hiền kiểu mẫu. Người đó khi còn
con gái tánh cách ra sao. Khi có chồng cư xử thế nào. Xử lúc thường là vậy; xử
lúc biến thì sao?
Sự ngoại tình của Hữu Chí chỉ là một cảnh biến trong cuộc đời của cô Dung.
Hết
cảnh biến đến cảnh thường. Giấc mộng thần tiên đã đem đến cho hiền phụ cái hạnh
phúc vô tận vô biên của một gia đình lý tưởng.
Tác
giả cho người đọc hưởng đầy đủ giấc mộng thần tiên ấy và sinh hoạt chung với
gia đình lý tưởng ấy.
Có được như vầy là nhờ ngọn bút tài tình của Nguyễn Quân trong một tác phẩm giá trị hiếm có.-
Trích
từ: Phê Bình và Cảo Luận, Thiếu Sơn, Editions Nam Kỳ, Hà Nội 1933
===========================================
No comments:
Post a Comment