Phan Bội Châu chống Pháp?
Tôn Thất Tuệ
May nhờ chữ viết tay ghi ngày nạp bản (dépot légal) “le
2 Janvier 1926” mới biết khá chính xác năm ấn hành 1925 bản dịch tiếng Việt luận
án của Phan Bội Châu "Pháp Việt Đề Huề Chính Kiến Thư." Nhà xuất bản
Tân Dân Thư Quán, Hà Nội chỉ nêu tên dịch giả Nguyễn Khắc Hanh, không nói dịch
từ ngôn ngữ nào vì đinh ninh ai cũng biết Phan Bội Châu chỉ viết chữ Hán, hơn nữa
có trang bìa Hán Tự ghi rõ tác giả và dịch giả là ai. Trong ghi chú rất nhỏ,
Nguyễn Khắc Hanh cho biết PBC viết xong khi thế chiến thứ nhất chưa kết liễu và
PBC bắt đầu như vầy: Năm 1914, sóng chiến-tranh thình lình phát khởi bên Châu
Âu. Vậy thì PBC viết một lúc nào đó giữa 1914 và 1918.
Pháp Việt Đề Huề 法越提携
Collaboration franco-annamite là một chính sách của chính quyền Pháp ở Đông
Dương bắt đầu vào thập niên 1910 để đối phó với phong trào đối lập của người Việt,
như bàn tay nhung che dấu bàn tay sắt. Người Pháp cố tạo ra một khung sườn làm
việc gọi là hợp tác Pháp Việt và chỉ có sự cộng tác với Pháp mới có được thịnh
vượng và có một Liên Bang Đông Dương giàu mạnh; Liên bang nầy gồm Miên, Lào, Bắc
Kỳ, An Nam và Nam Kỳ (chứ không phải ba xứ Việt Miên Lào) và công nhận nền bá
quyền của Pháp (hégénomie française) biểu lộ qua bức thư không niêm Phạm Quỳnh
gởi Bộ Trưởng Thuộc Địa trong chính phủ Đệ Tam Công Hòa Pháp. Đừng nghĩ tới thống
nhất ba kỳ; mỗi vùng sẽ có những cơ cấu lập pháp và hành pháp riêng. Ngay như
Phạm Quỳnh chủ xướng quân chủ lập hiến là lập hiến tại An Nam mà thôi. Mỗi nơi
đều có quan toàn quyền Pháp.
Qua chính sách nầy, người Pháp khuyến khích phát triển
văn hóa, xuất hiện của nhiều tạp chí như Nam Phong, Phụ Nữ Tân Văn, và vô số tạp
chí khác, chú ý đến văn học nước nhà và du nhập những kiến thức Tây phương kể cả
khuynh hướng CS từ Nga. Nhưng nói chung vẫn ở trong vòng ảnh hưởng của Pháp nếu
không muốn nói là mê Pháp (francophilité), ở trong chủ trương chính trị của cộng
hòa Pháp, ví dụ đóng khung các lời nói của Thống Chế Pétain.
Riêng về Pháp Việt Đề Huề thì còn được đề cao và đáng
ngạc nhiên vấn đề hợp tác chỉ có đối với VN mà không thấy nói hợp tác Pháp Miên
hay Pháp Lào. Tuy chia ba nước Việt, người Pháp vẫn xem về tinh thần có một thực
tại chung là VN và trọng đãi hơn Miên và Lào.
Nói về người dịch luận văn của PBC, chúng tôi không biết
gì hơn ngoài tên Nguyễn Khắc Hanh nhưng giả định là một người ủng hộ chính sách
PVĐH. Thật vậy, ông đã vớ được món của quý là chính kiến thư của PBC.
NKH chỉ viết bấy nhiêu chữ sau đây in trong một ô nhỏ:
Cái chủ nghĩa Pháp Việt Đề Huề trên chính phủ dưới quốc
dân đều hoan nghênh và muốn thực hành. Xem như cụ Phan Bội Châu trước kia là một
nhà phản đối, mà ít lâu nay thẩm thời đạt thế cũng đã khuynh hướng về chủ nghĩa
Đề Huề. Thế đủ biết thực là một chủ nghĩa rất hợp thời vậy. Cụ viết tập
"Pháp Việt Đề Huề Chính Kiến Thư" nầy vào lúc Âu Chiến chưa liễu kết,
tuy so với bây giờ, sự thể đã có khác ít nhiều nhưng cái chủ nghĩa nầy đối với
hiện tình nước ta vẫn còn thích hợp. Vậy xin dịch và ấn hành để cống hiến quốc
dân cho ai nấy cùng biết cái chính kiến của nhà lĩnh tụ cách mệnh Việt Nam nầy
gần đây đã thay đối thế nào. Nguyễn Khắc Hanh.
Sự thay đổi chính kiến nầy có tính cách bất thường
trong hình thái: kẻ thù của kẻ thù là bạn ta. Luận văn nầy giả định một cuộc
tương tranh sống chết giữa Nhật và Pháp.
Viễn tượng nầy được nêu ra trong lúc Nhật và Pháp đang
bắt tay nhau và là đầu mối Nhật đã trục xuất PBC. Dẫu rằng việc trục xuất nầy
làm cho PBC nhìn Nhật Bản quay ngược 180 độ, viễn tượng đó đã đúng theo diễn biến
lịch sử, Nhật đã chiếm ĐNA và hất chân Pháp ở Đông Dương. Nói khác PBC đã đoán
đúng thời cuộc.
Năm 1904 PBC thành lập Việt Nam Duy Tân Hội mời Cường
Để làm chủ tịch và giữ chức tổng thư ký. Hai ông vận động Tàu trợ giúp tài
chánh nhưng bất thành bèn hướng qua Nhật Bản. Nhật Bản vừa thắng Nga và bắt đầu
cuộc canh tân. PBC đến Nhật năm 1905 nhưng không biết tiếng Nhật nên phải nhờ
Lương Khải Siêu để giao tiếp với chính giới như cựu thủ tướng Okuma Shogenobu
yêu cầu tài trợ các nhà các mạng VN. Thư của PBC gởi chính khách nầy có đoạn
nói: Nhật hãy giúp đỡ VN vì “hai nước cùng giống nói, cùng văn hóa và cùng châu
lục. Nhật nên chú tâm đặt để quyền lợi ở VN, ngăn chận Pháp và Nga bành trướng
qua Tàu”. Chính phủ Nhật không giúp đỡ vì sợ mất lòng Pháp; tuy nhiên các đảng
đối lập hứa sẽ giúp đỡ các sinh viên VN du học ở Nhật và chưa thể ủng hộ bất cứ
cuộc nổi dậy nào do PBC chủ xướng. Tuy không nhận được viện trợ quân sự và vũ
khí, PBC kỳ vọng vào số sinh viên Đông Du trong những hoạt động tương lai. Con
số cao nhất là 200 vào năm 1908.
Một năm sau 1909, Pháp nại thỏa ước Pháp Nhật 1907, áp
lực Nhật trục xuất PBC. Mối uyên ương với xứ Phù Tang đã gảy đổ và PBC đã gọi
Nhật là kẻ giả tâm nhất. PBC đã dùng nửa số trang bài luận thuyết đề nói về Nhật
với rất nhiều danh từ hận thù.
Lối hành văn ấy làm cho viễn tượng chính trị ĐNA thành
một lời nguyền rủa hơn là một tiên liệu thời cuộc. Phần thứ nhất của luận văn
khác hẳn những bài luân lý đạo đức Khổng Mạnh. PBC dự phóng Nhật sẽ là kẻ thù của
Pháp. Pháp sẽ là kẻ thù Nhật đã trục xuất ông, cho nên Pháp là bạn ông chứ gì?
L’ennemi de mon ennemi est mon ami. Cơn giận thù nầy đã làm tiêu ma lập trường
chống Pháp mà ông cho là lẽ sống và dùng để kêu gọi ủng hộ tiền tài và công sức,
dùng như tiếng thét thúc quân (a battle cry) từ khi ông tham gia Cần Vương.
Từ chỗ thề đánh đuổi thực dân Pháp, PBC, trước nguy cơ
dự phóng, lo cho người Pháp mất đất Viêt-Nam, lo cõi Viễn-Đông mông-mênh này
không còn là chỗ đặt chân cho người Pháp nữa (trang 11). “Tôi xin nhắn nhủ với
người Nam chớ nên coi người Pháp là kẻ thù vì sợ rằng kẻ thù thứ hai mà đến thì
thảm họa có khi gấp mấy trăm ngàn lần người Pháp ngày nay. Thời khắc nạn to sắp
tới mà anh em trong nhà vẫn còn trừng trợn, sần sộ cải nhau luôn; ôi để làm chi
vậy (trang 12).
Anh em nào đây? PBC đáp nước Pháp là anh, nước Nam là
em (trang 15) người Pháp là thầy giỏi, là bạn tốt, cho nên phải đùm bọc lấy
nhau (trang 17).
“Tôi mong muốn từ nay về sau người Pháp đừng coi người
Nam là nô lệ” nghe thì thấm thiết lắm. Nhưng làm nô lệ thì tận cùng bằng số, ai
làm chủ cũng thế thôi, cần gì phải hy sinh tính mệnh để giữ gìn chủ quyền người
Pháp trên đất Nam. Cho họ thêm chút nữa thì họ sợ mất mà hy sinh cho nước Pháp
(trang 16).
Sự thay đổi lập trường rất rõ rệt:
“Trước đây tôi vẫn giữ thuyết bài Pháp nhưng từ khi Âu
Chiến phát sinh, tôi liền ngậm miệng, tắc lưỡi không dám hé răng ra mà nói một
lời nào là lời phản đối Pháp nữa” (trang 15).
Có một điểm cần hỏi các sử gia. PBC nói 50 năm trước
(tính từ lúc soạn thảo, 1914-1918), người Viêt Nam đã hoan nghênh quân Pháp xâm
chiếm. Ông nêu ra để lưu ý người Pháp rằng quan quân VN sẽ vui mừng tiếp đón
quân Nhật (trang 13).
Luận văn đang bàn đến là bản dịch mà người dịch rõ là
thân Pháp, cho nên cần cẩn thận nhưng không thể làm gì hơn vì không có nguyên bản,
mà có cũng không đọc được Hán Tự.
Đến đây quý vị đã thấy người giới thiệu không dành
hoàn toàn thiện cảm cho một người xem là cách mạng số một bởi CS hay quốc gia.
Chúng tôi vẫn tiếp tục tìm hiểu thêm về sự nghiệp chính trị của PBC nhưng có điều
chắc chắn người QG hay CS đều dấu nhẹm chính kiến thư nầy; chỉ có thư viện Pháp
lưu giữ nạp bản ở Hà Nội.
Sau khi bị Nhật tống xuất năm 1909, PBC trở lại Tàu tiếp
tục cộng tác với Cường Để; chuẩn bị thành lập một căn cứ tại Thái Lan để gom những
sinh viên du học Nhật ly tán. 1911, xẩy ra vụ nổi loạn Vũ Xương, Hồ Bắc, tiến đến
thành lập Cộng Hòa Trung Hoa; biến cố nầy gây nhiều hứng khởi cho các nhà cách
mạng Á Châu. PBC rời Thái và qua Tàu gặp các nhân vật Việt và Hoa; mong ước của
thời đại là Tàu thoát khỏi cảnh cũ quân chủ hư nát, tân hóa để cùng Nhật Bản đuổi
các thế lực Âu Châu ra khỏi Á Đông.
Riêng về PBC, ông bị chính quyền Tàu bắt giam vì nghi
giúp cho nhóm chống đối và giao cho Pháp nhưng Tàu vẫn cầm tù ông cho đến 1917.
Thời gian câu lưu nầy, PBC viết rất nhiều trong đó có luận văn Pháp Việt Đề Huề
với cái nhìn về Nhật Bản ngược với cái nhìn thời Vũ Xương mấy năm trước.
Gạt bỏ những danh từ thù hận, PBC đã nhìn rõ tiềm năng
của Nhật Bổn, phát triển mọi ngành, nhất là quân sự, và cảnh đông dân ít đất sẽ
buộc Nhật đi xâm chiếm Á Đông. PBC đúng là một visionnaire, lịch sử đã chứng
minh đúng.
Ra khỏi tù chừng một năm thì thế chiến 1 kết thúc; mẫu
quốc Pháp trong phe chiến thắng. PBC thấy rất khó mà hất chân người Pháp và ông
muốn cộng tác với Pháp trong tay đảng xã hội. Wikidepia nói rằng ông đã bỏ ý định
nầy, nhân khi tổ chức của ông đã sát hại một người cộng tác với Pháp.
Lại càng khó hiểu, vài tài liệu cho biết trong thời
gian bị cầm tù, là thời gian soan thảo luận văn nầy, PBC đã dàn xếp cho thuộc hạ
liên lạc với đại diện Đức ở Bangkok nhận viện trợ và dấy binh chống Pháp nhưng
bất thành.
Ngoài luận văn nầy, PBC không có hành động nào khác cộng
tác với Pháp. Sau khi khỏi nhà tù Tàu, PBC chu du Hoa Lục không làm việc gì lớn.
Từ năm 1921, PBC bắt đầu nghiên cứu lý thuyết CS và Liên Sô hầu mong được trợ
giúp bởi Moscou. Ông đã gặp đại diện USSR và được hứa sẽ huấn luyện người PBC
giới thiệu với điều kiện sẽ hoạt động cách mạng vô sản và truyền bá lý thuyết
CS. PBC đã dịch qua Hán Văn một cuốn sách Nhật nhan đề: Tường trình cuộc cách mạng
Nga.
1925, PBC được Hồ Chí Minh mời hội kiến để bàn việc
chung ở tòa đại sứ Nga tại Quảng Đông. HCM lúc ấy mang tên Lý Thụy làm việc với
tư cách công dân Nga trong nhiệm vụ thư ký, thông ngôn và phiên dịch. PBC vừa đến
thì cảnh sát Pháp ập vào bắt đưa về Hà Hội. PBC bị tù, đưa ra tòa xử lại án cũ
tử hình khiếm diện thành chung thân khổ sai. Cuối năm toàn quyền Pháp Alexandre
Varenne đưa ông an trí tại Huế cho đến khi ông chết năm 1940.
Chúng tôi sơ lược tiểu sử Cụ Phan Bội Châu để chư vị dùng khi thẩm định giá trị của Pháp Việt Đề Huế Chính Kiến Thư. Rất mong quý vị đọc nguyên bản dịch chỉ gồm 12 trang chữ lớn hàng thưa: Pháp Việt Đề Huề Chính Kiến Thư
Còn tiếp, xin xem Phan Bội Châu (tiếp theo)
============================================================
nữ sinh Đả Lạt ngày xưa |
No comments:
Post a Comment