add this

Monday, February 13, 2023

Thi phẩm Hư Vô 1936

 


Hư Vô, Phan Khắc Khoan dịch thơ Omar Khayyam

Tôn Thất Tuệ giới thiệu

Hết khoan đến hụi, hốt hụi dông luôn; khoan khoan, ơi mụ chèo đò, ơi ông cầm lái dặn dò trước sau. Khoan khoan, mạ mình ơi đừng làm dư rứa tây hắn cười, Mênh mông lả lơi thuyền về bát ngát hương trời, khoan khoan hò ơi, nhịp sầu xa vắng mà thôi! Xúm xít những cái khoan ấy gợi hai cái xúm xít nữa.

Có ông Phùng Khắc Khoan (Trạng Bùng) nhà [chính trị, chiến lược, ngoại giao, thơ] thời Hậu Lê; có ông Vũ Khắc Khoan (tác giả Thần Tháp Rùa) nhà văn Bắc Hà vô Nam cùng Nguyễn Sỹ Tế, Tạ Tỵ, Mai Thảo, Vũ Hoàng Chương etc…; lại có ông Phan Khoan người Quảng Nam tác giả Lịch Sử Xứ Đàn Trong. Lại có ông Phan Khắc Khoan.

Xúm xít thứ hai là ”dãy bộ Nam Triều” mà ông Khoan, Phan Khắc, không nói gì thêm ngoài chi tiết là vùng ông ở. E rằng là nhóm đường ”bộ” như Bộ Thị, Bộ Học, Bộ Công v.v… từ cửa Thượng Tứ đi vô, cắt ngang đường Hộ Thành (Đinh Bộ Lĩnh).

Nơi xúm xít các “bộ ấy”, một thầy giáo nghèo kiêm thi sĩ gốc Nghệ An đã ôm lạnh làm thơ. Chúng tôi đang nói đến tập Hư Vô của Phan Khắc Khoan. Phần dẫn nhập là một bài thơ dài bảy chữ, theo lối thơ Đường, rất hào hùng trong nghẹn ngào, trong đau thương, hào hùng như kiểu Alfred de Vigny, rên la kêu xin đều hèn nhát. Dẫn nhập đến một nhân vật chỉ gọi là ”chàng”.  Phải đọc hết những phần lèo tèo cuối sách mới biết là bản dịch từ thơ của Omar Khayyam. Ưng Quả trong bài tựa nói thêm về thân thế sự nghiệp của Omar Khayyam. Vị thầy dạy con vua (đông cung giáo thụ) đã nêu lên hương vị Ba Tư giông giống hương vị Á Đông, bùi ngùi, có phần huyền nhiệm.

Chàng của ông Khoan như thế nầy:

Can đãm hơn ai ở cõi người

Chàng khinh lũ ngốc dại mua cười

Khinh muôn lý thuyết khinh môn phái

Những kiến văn suông của lũ người.

Chỉ có bông lài sực nức hương

Với cười thiếu nữ đẹp như gương

Mới làm yên được lòng đau đớn

Và mới làm nguôi nỗi khổ thương.

Omar Khayyam sinh giữa thế kỷ 11 và mất năm 1124 ở Ba Tư. Ông vừa là thi sĩ vừa là nhà khoa học. Ông để lại cuốn Algèbre, hiện vẫn là sách tham khảo chính của các nhà toán học,  và nhiều sách khoa hoc. Nhưng ông lại không tin (để giao phó định mệnh) ở cái khoa học ấy và những thứ khác.

Ba Tư được xem là nền văn minh cổ, xưa hơn cả Ai Cập. Giá trị thời gian nầy trở nên tương đối khi có các cuộc khai quật Thung Lũng Ấn Hà, nơi xuất phát các tôn giáo Á Châu gồm PG. Cuộc viễn chinh của Hy Lạp đến chân Hy Lã Lạp Sơn đã đem về miệt biển nhiều tư tưởng Ấn Hà. Nơi dung hợp các nền văn minh chính là Ba Tư.

Chúng tôi không biết sự liên hệ giữa tiếng Arab và tiếng Ba Tư. Nhưng ảnh hưởng của Muslim vào xứ nầy cho thấy tiếng Arab đóng góp rất nhiều tạo thành mấy thế kỷ sáng chói của Muslim về khoa học, văn chương và triết học. Các danh tài kể không hết. Các danh tài nầy đã đặt nền móng cho văn minh tây phương ngày nay. Họ đã đem các con số (hiện dùng như 1,2,3..) từ Ấn Độ để gọi là số Arab thay cho số La Mã. Họ đã đưa ra mô hình trôn ốc, ảnh hưởng kiến trúc và sáng tạo kỹ thuật. Họ đã đặt nền móng cho y học Tây phương. Họ mở đầu kỷ nguyên bách khoa từ điển. Và ngạc nhiên, họ đã làm sống lại nền thần học của La Mã nhờ phương pháp luận của họ. Họ đã phục hồi giá trị cổ học Hy Lạp không để cho các triết gia thời ấy như Aristote bị bóp méo vào các mục đích tôn giao chính trị xấu xa. Thế giới Muslim lúc ấy sáng tươi trong khi Âu Châu vẫn ngủ trong đên tối Trung Cổ, trong bàn tay tôn giáo lac hậu, còn lâu mới tới thời Phục Hưng.

Omar Khayyam đóng góp vào vinh quan ấy. Ông ở trong tinh thần của chủ trương Sufism, đường hướng nhân bản và huyền nhiệm trong tôn giáo muslim. Sufism kỳ thậtt đã có từ thuở nào, trên cả các tôn giáo và triết lý cổ đại nhưng phát triển trong bối cảnh Muslim. Thi ca của khuynh hướng nầy, trong tinh lý, không khác với các vùng Ấn Hà và Á Châu. 

Trở về thi tâp Hư Vô, Ưng Quả có nói tập thơ kết tập duy nhất của Khayyam đã được dịch thành công qua tiếng Anh năm 1859 và tiếng Pháp năm 1867 nhưng không cho biết Hư Vô dịch từ ngôn ngữ nào. Ưng Quả cẩn thận lưu ý bản tiếng Pháp có vài chỗ phản nghĩa.

Hư Vô (hoàn tất 1936 tại Huế), xuất bản bởi Quê Hương, Hà Nội, in năm 1942.

Phan Khắc Khoan (1916-1998) cùng Phạm Huy Thông là hai người đầu tiên soạn kịch thơ. Tác giả nhiều tác phẩm nầy rất hoạt động trên văn đàn trước kháng chiến 1945 và sau đó ông đã tham gia kháng chiến.

Từ 1965 đến 1973, ông cũng bị bầm dập như một số nhà văn khác là bị tù 8 năm 4 tháng 13 ngày. Sau 30.4.75, ông vào Saigon, tiếp tục dịch thuật và trở ra Hà Nội vào năm cuối đời và chết ở đó 1998. Thơ Khayyam đã thấy trước tương lai của dịch giả chăng?

Chàng cúi nhìn trong cảnh xám đen

Phố phường nhà cửa lặng yên chen

Giữa vườn như những bông sen xám

Vờn nổi trong lòng những bóng đen.

*

Số mệnh gươm dài lìa sắc sắc

Xin đừng vội hái quả xinh tươi

Biết đâu trong trái ngon lành ấy

Thuốc độc bùa mê đã ủ rồi.

1936, Phan Khắc Khoan mới 20 tuổi, dịch thơ Khayyam tại nơi ông gọi là “một căn nhà êm lặng của dãy bộ Nam Triều, âm thầm và cố kính”. Ông nói đã gặp Omar Khayyam và mê say. Huế là nơi trọng yếu của chính quyền thuộc địa có Tòa Khâm và các cơ sở văn hóa Pháp, hy vọng từ đấy Phan Khắc Khoan đã gặp tác giả Ba Tư nầy trong thư viện Pháp. Nhưng chàng trẻ xứ Nghệ không vì tuổi tác mà không nhận chân vũ trụ quan và nhân sinh quan của Omar Khayyam.

Ở từ đâu tới ngươi không biết

Còn biết gì đâu đến nẽo đi

Thôi thì cứ uống và say mãi

Lý thuyết suông nhàm cũng dẹp đi.

*

Sướng thay cho đứa trẻ

Tắt thở lúc ra đời

Và may hơn thế may hơn thế

Kẻ chẳng sinh ra giữa lũ người.


Nhưng ở trong tù thì dịch gia thấm hiểu sự đời nhiều hơn.

Phần tôi kẻ viết bài nầy đọc đến đây thì tự khoái (không tự sướng nhé) đã viết: ta hối hận đã sống chung với lũ người tôn huyễn hoặc lên làm vua.

Thi tập Hư Vô (35 trang) chấm dứt với niềm đau hào hùng, làm liên tưởng đến Symphonie số 7 của Beethoven.

Và đây là mười mấy câu ”từ giả người đọc và đưa em sang ngang”:

Người yêu nay đã bỏ xa tôi rồi

Khi nàng còn mến yêu tôi

Tôi từ chối hết và coi rẻ tình.

Khi còn gần gũi người xinh

Khayyam mày hỡi như hình lẻ loi

Giờ đấy nàng đã bỏ ngươi

Để ngươi có thể ẩn nơi lòng nàng.

*

Đèn tắt, lòng tin rực rỡ hồng

Vừng đông chói lọi quá, vừng đông.

*

Trời kia Ngươi bẻ vui ta

Người xây thành giữa lòng ta với nàng.

Mùa xinh Ngươi xéo nát tan

Tay đà sắp chết, Ngươi bàng hoàng say.-

 **************************

Để đọc Hư Vô, xin mở link ở đây (download đọc dễ hơn).

==================================================

thiếu nữ Vĩnh Long trước 1975,
máy đuôi tôm chế biến từ máy bơm nước Kohler

===========================

.



No comments:

Post a Comment