Bài 14 câu hỏi Phật không trả lời tôi có gởi cho web của cựu học sinh Duy Tân
Phan Rang và được một độc giả tham luận in lại ngay đây; tiếp theo đó tôi cũng
xin in lại phần hồi đáp của tôi.
Em rất cảm kích bài Việt dịch của anh từ tác giả Peter Della Santina: 14 câu hỏi Phật không trả lời (anh có kèm theo bản chữ Anh. Tốt lắm).
Nhưng để làm rõ bài viết của Peter Della Santina, em xin được cung cấp cho anh hai tài liệu liên quan đến điều “14 câu hỏi Phật không trả lời. ”
1- Nội dung của vấn đề trên được chép lại trong kinh số 63 MÀLUNKYASUTTAM, Trung Bộ Kinh (Majjhima NiKàya) quyển 2 (nxb Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh, Saigon 1974), được cố HT Thích Minh Châu (1920-2012) dịch từ chữ Pàli: Màlunkya tiểu kinh. Cả phần chữ Pali và Việt ngữ dài 16 trang khổ lớn chữ vừa.
2- Vì nó hơi dài (so với khuôn khổ của trang web) nên em xin cung cấp cho anh phần tóm tắt. Người tóm tắt là Sư cô Thích Nữ Trí Hải (1938-2003), như sau:
Malunkyaputta (Man đồng tử) định bụng sẽ hoàn tục nếu Phật không giải đáp cho mình bốn vấn đề: Thế giới thường hay vô thường (thời gian), hữu biên hay vô biên (không gian) ; thân và mạng (tự ngã) là một hay khác; Như Lai có tồn tại hay không tồn tại sau khi chết (Như Lai). Mỗi lập trường đều bao hàm bốn câu: một chính đề, một phản đề, một phối hợp cả hai và một phủ nhận cả hai, thành 16.
Man đồng tử đi đến bạch Phật: Ngài biết thế nào thì hãy trả lời thế ấy, và nếu không biết hãy thẳng thắng đáp là không biết.
Phật hỏi lại: khi ông xuất gia có được ngài hứa hẹn sẽ giải đáp những điều ấy không. Ông đáp không, Phật dạy do vậy ngài không có gì ràng buộc. Nếu ai xuất gia để mong Phật giải đáp những vấn đề ấy, thì họ sẽ chết mà vẫn không được thỏa mãn.
Ví như người bị trúng tên độc, không lo rút tên ra mà muốn biết lai lịch người bắn mũi tên, tính chất của dây cung và cái tên đã bắn, thì người ấy sẽ chết trước khi biết được. Vì đời sống phạm hạnh không dính dấp đến các vấn đề siêu hình. Dù cho thế giới này thường hay vô thường, hữu biên hay vô biên... thì vẫn hiện hữu, sinh già bệnh chết sầu bi khổ ưu não cần phải đoạn trừ ngay trong hiện tại. Do vậy những gì Phật không giải đáp, hãy thọ trì là không giải đáp, đó là các câu hỏi thuộc phạm vi siêu hình; vì chúng không liên hệ đến mục đích, không phải căn bản của phạm hạnh, không đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, niết bàn.
Những gì Phật có giảng dạy, hãy thọ trì là có giảng dạy, đó là bốn chân lý: Đây là Khổ, đây là Khổ tập, đây là Khổ diệt, đây là con đường đưa đến khổ diệt. Vì những điều này có liên hệ đến mục đích, đưa đến ly tham, giác ngộ, niết bàn.
(Thích Nữ Trí Hải, Kinh Trung bộ tập 2 -Tóm tắt và chú giải)
Có điều này em muốn nói với anh:
1- Nếu có dịp anh đọc suốt bài kinh này trong bản dịch của HT Thích Minh Châu, tức bản dịch từ nguyên văn chữ Pàli, anh sẽ không thấy có chỗ nào “Đức Phật mô tả những câu hỏi này như một cái lưới và không muốn bị kéo vào... “ như Peter Della Santina đã viết (Buddha remained silent when asked these fourteen questions. He described them as a net and refused to be drawn into such a net of theories, speculations and dogmas.)
2- Đặc điểm của Kinh tạng Pàli (gọi là Nikàya) thường lặp đi lặp lại một câu, một ý nên rất dài dòng làm người đọc có thể mất kiên nhẫn, có lẽ chính vì thế mà sư cô Trí Hải, một tu sĩ thông tuệ và lỗi lạc của Phật giáo Việt Nam, cũng là một trong số vài đại đệ tử của HT Thích Minh Châu, phải bỏ công tóm tắt và chú giải Trung Bộ Kinh bản Việt dịch của HT Thích Minh Châu.
3- Em xin trích nguyên văn sau đây lời của Sư cô Trí Hải ở trang đầu tiên cho ba quyển tóm tắt Trung Bộ Kinh để anh thấy sư cô rất cẩn thận khi làm công việc này:
Kính ĐỨC NHƯ LAI, BẬC A LA HÁN, CHÁNH ĐẲNG GIÁC
Kính lễ Hòa thượng (thượng) MINH (hạ) CHÂU phiên dịch Nikaya
Kính lễ Đại đức Nanamoli và Bodhi cùng chư vị luận sư Nikaya mà con tham khảo
Xin gia bị cho con diễn dịch không lạc xa Thánh ý.
Xin cho Pháp bảo này ai được đọc sẽ xa lìa kiến chấp, phát tâm Vô thượng Bồ đề.
Nguyện cho con được như Phật “vị hữu tình sinh ra đời vì hạnh phúc cho muôn loài, vì an lạc cho nhân loại và chư thiên”.
Em chỉ đưa ra sự thật mà thôi, anh ạ. Cảm ơn anh đã mang lại điều mới lạ cho trang web của chúng mình.
Em không biết Peter Della Santina là ai?
Tây Đô, những ngày cận Tết Ất Mùi (Feb. 10th 2015)
ĐKP (Đỗ Kim Phụng)
ttt phúc đáp
Vì không biết chữ Phạn, không có bản đối chiếu, tôi
đã không dịch tên cuốn kinh liên hệ; tuy vậy tôi vẫn paste nguyên bản của
Peter Santina. Khi dịch tôi cũng ngần ngại ví như “the self” mà dịch là
ngã thì bị khiển trách, vô ngã mà nhưng tôi vẫn dịch là ngã vì Phật nói đến
chân ngã là điều chúng sinh phải đạt; ngã nằm trong tứ quý (?!): thường lạc
ngã tịnh, nói rất nhiều trong Kinh Niết Bàn. Đọc phần trích của anh tôi thấy
an lòng vì Cô Trí Hải dùng chữ “tự ngã”
để giải thích chữ “mạng”. Bản dịch của tôi thế nào cũng có chỗ hạn hẹp.
Đoạn nầy nằm trong chương 30 Vi Diệu Pháp trong cuốn The Tree of Enlightenment do một hội PG ở Đài Loan ấn tống miễn phí. Bên dưới, tôi sẽ nêu cái link để độc giả có thể đọc “on line” hay down load. Khi được cuốn sách trên tay tôi không làm công việc mà tôi thích nhất: giới thiệu sách, mà tôi dùng thời gian và “số trang” để viết về một ngoại thiên: bối cảnh lịch sử văn hóa trước và đồng thời PG ra đời. Tôi có đăng trên web nầy cùng bản dịch chương nầy. Gần ba năm sau tôi mới biết cuốn sách đã có người dịch. Thượng Tọa Tâm Quang (khác với Tâm Quang Vĩnh Hảo thuộc Khối Thân Hữu Già Lam thiên về chính trị nhiều hơn giáo lý) làm công việc nầy. Cây Giác Ngộ hiện có trên một web ở Úc (xem link bên dưới) và hình như có người đã ấn tống bản dịch nầy ở tiểu bang Florida US. Tôi chưa đọc và không thể lượng định phẩm chất. Peter Della Santina chết 2006 khi đang dạy kinh đại thừa cho sinh viên làm luận án Master ở Penang, Mã Lai. Sinh ở Mỹ, nghiên cứu triết đông ở Mỹ, Santina theo học tiếp ở Đại Học Delhi, có bằng tiến sĩ PhD. Ông đã thuyết giảng tại nhiều đại học Mỹ và Đông Nam Á trong 25 năm. Ông cũng đã tu hơn 20 năm tại Tây Tạng. Ông đã xuất bản nhiều sách, đáng chú ý nhất là các tác phẩm về Long Thụ.
Nếu không vì tự ái địa phương, người đọc Cây Giác Ngộ sẽ ghi nhận thiện chí của
tác giả là để “tune up” Phật Tử Á Châu đã lâu năm trùng chủng lụn bại như chiếc
xe chạy đã lâu phải thay nhớt, thay bu ri, coi lại bình điện. Vì vậy cuốn
sách của ông đi từ những vấn đề rất thông thường đến những chuyện khó như sự
xuất hiện của ba ý niệm pháp thân báo thân ứng thân (kinh Lăng Già Tâm Ấn),
vi diệu pháp v.v… Ông cũng mô tả khá đầy đủ cách thức trì hành ở Tây Tạng.
Santina học Phật qua đường Ấn Độ và Tích Lan. Có lẽ
vì vậy cuốn sách không nói tới Hoa Nghiêm và cũng không nói về các trường phái
bên Tàu, ví như không dùng phương pháp ngũ thời của Thiên Thai Tông. Tuy vậy
Santina cũng đã thuyết giảng nhiều năm ở Đài Loan. Khi chứng minh PG không phải
là một tôn giáo theo khuôn của xã hội (society bound), Santina chỉ nói qua
các hình thức PG các nước gồm Nhật Bản (ở nước nầy tông Hoa Nghiêm – Kegon rất
mạnh cũng không được tác giả chú ý).
Dokimphung đã truy cứu sách vỡ cho thấy không có câu Phật nói về cái bẫy. Thiết nghĩ đây là lối diễn dịch của Santina, hoặc có thể ông đã gặp ở các kinh và luận khác. Dẫu sao lời nầy không tạo ra mâu thuẩn hay quá xa với ý chính. Sự im lặng của Phật khá kỳ thú. Có người cho rằng Phật bịp; có người cho rằng Phật ích kỷ. Ngài nói Ngài không bịp ai cả, cái chi cũng minh bạch; Ngài muốn cho chúng sinh hơn hoặc bằng mình, Ngài không phải là ông thầy dạy võ giữ miếng phòng thân khi học trò phản. Đúng như Thích Nữ Trí Hải nói, chúng sinh phải thấy chứ không nhờ ai thấy hộ.
Những câu hỏi nầy cũng chỉ là một trong nhiều cách
thức trình bày quan điểm của PG về các vấn đề siêu hình mà Phật khuyên chúng
sinh nên tránh cái bẫy của chúng, nếu muốn giải quyết các khổ đau hiện tại gây
nên bởi ba mũi tên độc: tham sân si, qua ví dụ Cô Trí Hải nêu (người bị tên độc
cần chữa trị ngay, không cần hỏi gì thêm). Có một cuốn kinh rất dày mà chỉ
lui tới ý kiến nầy.
Kinh Niết Bàn có một chương dài nói về mấy chục cái “không”
(cần phân biệt với ba không của ông Thiệu và tam vô của CS). Mấy chục cái
không nầy là mấy chục phương pháp không đưa đến giác ngộ: ví như đứng một
chân, xả tóc dài quấn vào thân cây để diệt cái ngã, đi đầu xuống đất (Tây Độc Âu
Dương Phong của Kim Dung đi đầu xuống đất về sau bị tẩu hỏa nhập ma), nghĩ đến
những thứ vô tưởng không cần thiết. Khổng Tử cũng gần giống: kính nhi viễn
chi. Phật rất bình thường qua Kinh Kim Cang; Ngài tự rửa bình bát và trải chiếu
ngồi thuyết giảng.
Trở về với chuyện câu hỏi; Santina nói có 14 câu
nhưng Ni Sư Trí Hải thì nói có 16 câu. Trích: Malunkyaputta (Nam đồng tử) định bụng sẽ hoàn tục nếu Phật không giải
đáp cho mình bốn vấn đề: Thế giới thường hay vô thường (thời gian), hữu biên
hay vô biên (không gian) ; thân và mạng (tự ngã) là một hay khác; Như Lai có
tồn tại hay không tồn tại sau khi chết (Như Lai). Mỗi lập trường đều bao hàm
bốn câu: một chính đề, một phản đề, một phối hợp cả hai và một phủ nhận cả
hai, thành 16. ngưng trích
Santina nói có 14 câu vì ở vấn đề cuối, ông không nêu “ phối hợp cả
hai hay phủ nhận cả hai” Is the self
identical with or different from the body? Nếu thêm vô hai câu nữa “both? Or neither?” thì thành 16 câu.
Thích Nữ Trí Hải, tục danh là Công Tằng Tôn Nữ Phùng Khánh, có người chị đi tu ở Chùa Viên Thông Huế; cô em ruột là Phùng Thăng cũng đi tu và bị Miên giết. Hai chị em đã dịch Siddharta của Herman Hess thành Câu Chuyện Của Dòng Sông. Ngày nào nhà tôi tụng kinh cũng cầu nguyện cho hai chị em nầy. Phùng Khánh chết vì tai nạn xe hơi ở Nha Trang trong khoảng thời gian có rất nhiều tai nạn giao thông gây nhiều dấu hỏi, ví như Cha Lan thoát chết đường tơ kẻ tóc dưới gầm xe tải hạng nặng vv và vv. Rất đáng buồn, có rất nhiều bài vô cùng bựa hiện lưu hành dưới tên Thích Nữ Trí Hải. Trùng tên thì không nói nhưng mượn danh thì thật dơ dáy như trong tình trạng văn hóa hiện nay.
Nhiều người tưởng chính của Phùng Khánh đã chuyển những
bài mà hình thức lẫn nội dung không thể của Phùng Khánh. Văn chương thì toàn
những chữ thất học mới xuất hiện cùng những quá thai như “ko” (không) “wá”
(quá). Tôi chưa gặp cô Trí Hải nhưng nhiều lần tiếp xúc với Phùng Thăng. Phùng
Thăng – tuy người Huế– nói rằng văn
chương VN phải trong sáng như Tự Lực Văn Đoàn. Câu Chuyện Của Dòng Sông biểu lộ tinh thần ấy. Ni Sư Trí Hải làm
sao viết những chuyện bịp người như ri: Con rùa lâu năm của thầy sống trong hồ sen của chùa ở Hồng Ngự. B52 thả
bom ngay hồ, con rùa bị bắn tung ra xa mà còn sống. Gần 1980 thầy trở về khi
mùi thuốc súng vẫn còn nghe hôi, thầy biết con rùa trở vể chờ thầy trở lui
trùng tu chùa. B52 đã ngưng hoạt động từ 1972 và trước đó chỉ oanh kích vùng
núi như Tây Ninh, vùng 3 Chiến Thuật. Bom không phải là viên đạn có thuốc súng
(black powder, poudre noir) mà nếu có thì mấy chục năm làm sao còn nghe mùi?
Santina ca ngợi Đức Thích Ca đã dùng một phương pháp dân chủ khi chuyển pháp luân. Đó là lối truyền khẩu vì không phải mọi người đều biết viết biết đọc, tuy thời ấy Ấn đã có ngôn ngữ; mà ngôn ngữ nầy chính là gốc các thứ tiếng Âu châu như Anh Pháp. Vì vậy, kinh thường lập đi lập lại rất dài. Nói thêm, hai vị hầu như đồng thời là Socrate và Khổng Tử cũng không viết; mấy trăm năm sau Jesus cũng làm như vậy. ĐKP có kiên nhẫn đọc những lần lập lại mà chính tôi không đủ sức cho nên ít khi đụng tới những cuốn dịch từ Pali tuy có chữ ký của dịch giả Minh Châu. Nhật Bản đã bỏ những lần lập lại, và bỏ những chỗ không cần thiết khi chuyển qua lối viết hiện thời. Vì không biết đường lối khẩu truyền, nhiều người đã nói rằng Phật bị nhét vào miệng những thứ ấy, vì Ngài không thể thuyết nhiều kinh đến như vậy cho dù bỏ cả thời gian ăn uống, vệ sinh cá nhân. Có thể cùng một đề tài, đệ tử của Ngài thêm nhiều ví dụ nầy khác quanh một ý chính. Các kỳ kết tập kinh điển ghi lại tất cả mà sinh ra dài đến thế.
Thích Minh Châu khi còn là chú Nam (Đinh Văn Nam)
thường xuống Bến Ngự ghé lại nhà tôi, cha tôi chỉ điểm Hán Văn (cha tôi không
biết Phật Pháp tuy là bạn với ông Lê Đình Thám; chỉ làm Phật sự lai
rai).
Bấy lời xin đáp lễ cùng người Tây Đô dokimphung; Tây Đô viếng Bến Ninh Kiều, có rùa rang muối hột điều nhớ thương. The Tree of Enlightenment Cây Giác Ngộ Bối cảnh trước thời PG |
No comments:
Post a Comment