add this

Saturday, February 28, 2015

yoga, nhìn về đông phương



nhìn về Đông Phương
A Scientist Looks Eastward 
Manas Journal 1948 ttt dịch

Trong một bài diễn văn đọc trước đại hội của tổ chức New World Federation for Mental Health, nhà cầm thú học lừng danh người Anh Julian Huxley, cháu nội của triết gia Thomas Huxley, đã cổ võ các nhà khoa học trẻ nghiên cứu thực tế về yoga. Sau đó, trong một buổi phỏng vấn, vị giám đốc của UNESCO trở lại vấn đề bằng cách nêu “các điều đáng chú ý” đã thu lượm  bởi các thành phần được huấn luyện về yoga. Ông nêu một số thành đạt: kiểm soát hơi thở, trạng thái thôi miên và sản khoái thần bí. Theo ông, các nhà khoa học trẻ về tâm thần có thể học yoga thứ nào hay cách nào có lợi cho mỗi chuyên khoa riêng; ông hy vọng ai cũng sẽ nắm vững những bí quyết của yoga.
Mặc dầu không biết các sự nguy hiểm thực tế đối với sức khỏe thể xác và tâm thần do tập luyện yoga, chắc hẳn ông tự tin rằng khuyến cáo của ông sẽ không bị rắc rối về thần học. Tới nay, đã mấy năm rồi ông là phát ngôn viên chính yếu của chủ trương vô thần khoa học. Năm 1942, để cân bằng với các bài cọng tác của các nhà tôn giáo, như Jacque Maritain và Willard Sperry, báo Fortune đã mời Huxley viết cho số tháng 12 để minh xác lập trường khoa học hoài nghi. Luận văn hay ho và trong sáng nêu lên quan điểm Huxley qua ba mệnh đề: 

Sự siêu nhiên, ở chỗ nầy, là một phần của tự nhiên chưa được hiểu, ở chỗ nọ, là sự sáng chế tùy hứng của con người, ở chỗ kia, là cái không biết được.
Thân xác và linh hồn không phải là hai thực tại tách lìa mà là hai cục diện của một tổ chức… Vật chất và tinh thần là hai cục diện của một thực thể.
Từ nay, chúng ta không có quyền hạng trí tuệ và luân lý nào cho phép chúng ta hất đẩy trách nhiệm từ đôi vai của chúng ta qua vai của Thượng Đế hay bất cứ một năng lực nào bên ngoài. (The supernatural is in part the region of the natural that has not yet been understood, in part an invention of human fantasy, in part the unknowable. Body and soul are not separate entities but two aspects of one organization. . . . Matter and mind are two aspects of one reality. . . . we have no longer either the intellectual or the moral right to shift. . . . responsibility from our own shoulders to those of God or any other outside power)

Với những nền móng triết lý nầy, người ta có thể diễn dịch rằng Huxley thấy trong yoga những phương cách thâu đạt lợi ích về tôn giáo mà không cần phải chấp nhận bất cứ tin tưởng tôn giáo nào. Đó là ý nghĩa của lời khuyến cáo nói trên. Yoga coi bộ muốn đưa đẩy phương pháp khoa học rộng lớn vào lề lối cư xử của con người. Vì thế giới tây phương ngày nay bệnh hoạn, cư xử lộn xộn (bởi cá nhân hay tập thể), Huxley chú tâm đến các khả thể ấy.
Tò mò tìm hiểu các quyền năng “khuất mắt” ở Á Đông là chuyện rất thường tình nhưng một vấn đề đứng đắng ở cấp UNESCO cần được xem xét nó mang ý nghĩa gì đối với văn hóa Tây Phương (TP). Việc Huxley đã quá khen ngành tâm lý Đông Phương (ĐP) làm người ta nhớ đến một lời tuyên bố rõ ràng hơn của Louis Jacolliot hơn 8o năm trước về những thành quả của các nhà yoga Ấn Độ. Người Âu Châu, ông nói, so sánh với ĐP, chưa học được vài chữ cái đầu tiên trong mẫu tự ABC của tâm lý học. Jacolliot, nhiều năm làm chánh án ở thuộc địa Pháp ở Ấn Độ, viết sách về những kỳ diệu mà ông chứng kiến ở Ấn; trong một cuốn, ông lập lại lời của vị Bà La Môn nhiều trí tuệ: Các ông, người nầy muốn nói là nền văn minh Âu Châu, các ông đã nghiên cứu thiên nhiên vật chất, và các ông nhờ các định luật thiên nhiên mà đạt những thành quả kỳ diệu, ví như động cơ hơi nước, điện v.v.. nhưng trong hai mươi ngàn năm hay nhiều hơn nữa, chúng tôi đã nghiên cứu các năng lực trí huệ, và chúng tôi tìm thấy định luật của chúng, và, bằng cách vận dụng chúng riêng rẻ hoặc phối hợp với vật chất, chúng tôi đã đạt những hiện tượng còn đáng kinh ngạc hơn của các ông”.

Dĩ nhiên Jacolliot bị quần chúng thế kỷ 19 bất tín nhiệm như một nhà tiểu thuyết hoang đường. Nhưng mặt khác gần hai mươi cuốn sách của ông ngày một được thêm nhiều độc giả. Mặc dù những tác phẩm ấy có phần sáng tác, Jacolliot là một trong những người Âu đầu tiên đã cố sức lập một bản tường trình các hiện tượng tâm linh ở ĐP. Tuy nhiên, chú tâm của những người như Julian Huxley về các năng lực tâm linh có một hướng đi khác. Nó bắt đầu bởi sự điều tra khoa học theo chủ thuyết duy linh của thế kỷ 19, được xem là một chương trình nghiên cứu đứng đắng; nhiều tổ chức đã cố gắng làm cho những cuộc điều nghiên tâm linh trở thành “khả kính”, giữa lúc các nhà khoa học coi thường và phỉ báng những ai chú ý đến hiện tượng tâm linh. Phải nói Hội Thông Thiên Học, thành lập 1875 – với một trong những mục tiêu là tìm tính cách duy lý của các năng lực tâm linh – đã tạo ra trào lưu chú tâm vào các hiện tượng nầy. Hội đã lôi kéo nhiều người thích, mê những hiện tượng huyền nhiệm, dẫu rằng phương pháp nghiên cứu của Hội nêu rõ sự khác biệt giữa “loại trung bình” và những kỳ công của người Fakir và Yoga. Theo đó, giới trung bình chỉ có sự thụ động bệnh hoạn và bất thường, trong khi người Yoga dùng ý nguyện mà thành tựu các kỳ diệu. Tuy vậy tính chất siêu nhiên của hai loại chứng nghiệm nầy làm người ta góp chung mọi thứ vào một lãnh vực rộng lớn: nghiên cứu tâm ý.

Tại Mỹ, William James đã tiên phong nói về yoga ĐP nhưng mãi đến cuối thế chiến I mới có các cuộc nghiên cứu khoa học hay bán khoa học. Năm 1915 có 52 tạp chí chuyên về duy linh, con số nầy thành 136 năm 1920; điều nầy cho thấy sự chờ mong của cha mẹ hay người thân dành cho chiến binh. Rồi đến 1923, hội Scientific American mở cuộc điều nghiên Margery (tên thật là bà Le Roi Goddard, vợ của một y sĩ nổi tiếng ở Boston). Có lẽ biến cố quan trọng nhất liên quan đến công cuộc nầy là tác dụng đối với  William McDougall, khoa trưởng tâm lý học của Harvard. Vài năm sau, giáo sư nầy mở tại đại học Duke những chu kỳ thí nghiệm (trở nên lừng danh là những học thuật ESP (Extra Sensory Perception: tri giác ngoại tầng cảm giác) của J.B. Rhine.
Trong 20 năm qua (từ 1948) ảnh hưởng của giới khoa học và bình dân đã đưa đến những cuộc nghiên cứu sâu rộng.  Bên Anh, luận trình An Experiment with Time 1927 của JW Dunne đã làm thế giới khoa học phải suy nghĩ về ảnh hưởng dị thường của báo mộng. Yale, 1937, bảo trợ xuất bản Yoga, A Scientific Evaluation của Behanan. Loạt sách của Evans-Wentz đã kích động giới học thuật chú tâm đến các đề tài huyền nhiệm huyền bí; nhờ một cuốn sách láo xược về Yoga của Yeats Brown, dân chúng ưa thích điều tạm gọi là huyền học ĐP. Wendell Thomas, qua cuốn Hinduism Invades America (1930) kể những chuyện không hay của các ông đạo xâm nhập Hoa Kỳ, sự tranh chấp giữa các thầy yoga chia chát lợi nhuận không đều; như vậy những người cung cấp các kỳ thú  ĐP đã hái bạc triệu. Trong lãnh vực tôn giáo, Gerald Heard – chủ trương Christian Quietism – có lần nói với tín đồ rằng tập thở là một trong những phương pháp nhanh nhất và mạnh nhất để ảnh hưởng, thay đổi và nới rộng tri giác”.

Julian Huxley

Huxley chỉ phản ảnh một khuynh hướng rộng rãi trong cách suy nghĩ TP. Trừ phi khi đã nghiên cứu tường tận mối liên hệ giữa sự thực hành tâm và thân như loại ông khuyến cáo và cách hành sử của con người, trừ phi như vậy, Huxley không thể nhận định rằng sự ông ủng hộ yoga như một bộ môn tâm lý học cho TP sẽ đưa đến kết quả tai hại, dù được nhiều người theo. Ông hầu như chỉ xem yoga đơn thuần chỉ là một kỹ thuật, thượng sách là tạo ra kỷ luật cá thể, hạ sách là làm tiểu xảo tâm lý.
Những ai đã học đầy đủ đề tài nầy ở Ấn Độ đều ghi nhận sự khác biệt vô cùng quan trọng giữa Hatha Yoga – căn cứ vào việc hít thở - và raja yoga – theo đuổi sự trong sáng trong lối suy nghĩ  và sự trong sạch trong mục tiêu luân lý. Raja yoga chẳng dính dấp gì đến việc hít thở vì mục tiêu của nó là nối kết linh hồn cá thể vào linh hồn đại thể (vũ trụ).
Như vậy hẵn là Huxley muốn chiếu ngọn đèn tìm tòi của khoa học phi nhân thể (impersonal) vào các định luật huyền nhiệm của ĐP. Nhưng ông lại không đặt mối quan tâm đồng đều dành cho luân thường của ĐP. Ông đã bỏ qua sự kiện các ngành học yoga tiên khởi mọc sâu trong siêu hình và đạo đức; rằng không có một hiền nhân ĐP nào khuyến cáo học viên đạt năng lực yoga trước khi giảng dạy kỷ lưỡng về việc tự thanh tịnh hóa và triết lý tôn giáo. Có thể sự xuống dốc của Đông Phương như Ấn hiện muốn tránh, bắt nguồn từ sự thiếu phát triển và dùng sai các hành lý mà Huxley muốn khuếch trương ở TP. Gandhi không bao giờ cổ súy năng lực yoga mà ông khuyến khích tinh thần hy sinh và đạo đức, nhấn mạnh vào năng lực tâm linh.
Hiện có một cái nhìn mới về vần đề nầy; đó là tâm thức đế quốc. Không những chỉ đế quốc Anh mà toàn thể TP bị bệnh nầy. Thái độ đế quốc thừa nhận rằng: có thể lấy những gì mình muốn và chỉ những gì mình muốn; khả năng lấy nầy đã tạo ra quyền (được lấy). Trường hợp bom nguyên tử. Các nhà khoa học vật lý nắm bí mật của nguyên tử năng và dùng vào mục tiêu hủy diệt. Không vị nào nhận định rằng một năng lực to lớn như vậy chỉ được phép tung ra trong sự hòa hợp với luân thường tự nhiên của vũ trụ, không hủy diệt vô lối. Cướp mất năng lực nầy khỏi bụng mẹ thiên nhiên, tự nó, là một hành vi đế quốc thô bạo. Bây giờ chúng ta được kêu gọi tách năng lực tâm lý khỏi hệ thống tôn giáo của tiền nhân Ấn, và dùng nó trong mục đích riêng. Chúng ta có năng lực vật chất siêu việt của nguyên tử năng, để rồi sợ tới điên. Tại sao không lấy sức mạnh tâm lý từ lò triết lý luân thường mà tìm cái ích dụng đem ra dùng cho văn hóa TP?
Rồi đây sử gia sẽ nói về nền văn minh của chúng ta rằng nó tự hủy diệt bằng cách áp dụng những kỹ thuật hữu hiệu để đạt những cứu cánh vô giá trị. Hẳn đã rõ chúng ta biết về kỹ thuật nhiều hơn cứu cánh. Xã hội ngày nay công nhiên ghét bỏ sự nghiên cứu các cứu cánh. Sự tiến hóa của khoa học ngày nay, từ đầu đã có đường nét riêng dệt thành bởi sự chối bỏ có hệ thống các cứu cánh. Sự thể nầy được cấu tạo, thứ nhất, bởi độc quyền thần học về các vần đề liên quan đến mục đích sự sống; thứ hai bởi quyết chí của các nhà khoa học là không bao giờ để cho nền độc tài thần học trở lại nắm quyền, một khi được độc lập với sự kiểm soát tôn giáo.
Do đó vào thế kỷ 20, chúng ta có một Huxley không những phủ nhận Thượng Đế, nhà độc tài thần học, mà phủ nhận cả linh hồn như một thực tại tâm linh có sức giúp ta quyết định thành công tốt đẹp các cứu cánh. Nói khác, khoa học gia, vì nghề nghiệp, phải phủ nhận mọi triết lý siêu nhiên về cứu cánh, nhưng đồng thời họ muốn tìm các lợi ích trong môn tâm lý học, môn nầy bắt nguồn từ triết lý linh hồn – đó là yoga – mà không cần các nền móng siêu hình.

Như một hậu quả, việc quần chúng hóa Yoga chỉ làm gia tăng “hàng hóa” của kẻ giả mạo tâm linh và nẩy sinh rất nhiều tà giáo. Một nhà khoa học trẻ, nhiều trí huệ, nôn nóng phân tích theo lối sinh học sự an lạc tâm linh sẽ đạt vài kỹ năng thiền định; nhưng để làm gì? Chỉ vì lý do yoga đã tách khỏi thần học và ngay cả lý thuyết về linh hồn, Huxley thấy Yoga hấp dẫn; điều nầy rất hợp lý, không phải vì ông không biết đạo lý, mà vì ông đã mang sau lưng ba thế kỷ truyền thống chống tôn giáo của khoa học. Sự tách biệt yoga khỏi siêu hình và các trách nhiệm luân lý rất tai hại cho TP.
Một thế kỷ trước, làn sóng ồ ạt các hiện tượng tâm linh và học thuyết duy linh bộc phát ở Mỹ và Âu châu. Nhưng vì thiếu hiểu biết về các hiện tương tâm linh, trào lưu mới nầy sinh ra các tà giáo kỳ dị và nhiều phái duy linh cầm đầu bởi các ông đạo tiên tri. Các học giả Hy Lạp vào mấy thế kỷ đầu đã quen những hiện tượng nầy và đã viết khá nhiều nhưng không ai đọc. Văn hóa TP không được chuẩn bị để tiếp nhận các hiện tượng tâm linh, với hậu quả hoặc giả tin mù quán như phép lạ, hoặc giả phủ nhận một cách đáng chê. Ngày nay vấn đề tương tự xẩy ra cho yoga. Vậy cần nhiều cẩn trọng và sáng suốt.-
nguyên bản: A Scientist Looks Eastward 

Xin mời đọc một bài khác cũng từ Manas Journal trên blog nầy:
Trống không và cách mạng

Zinnia With Eastern Tiger Swallowtail (Papilio glaucus)


No comments:

Post a Comment