bi đát và tin tưởng
Albert Camus
Manas Journal 1988 điểm sách của Albert Camus Resistance, Rebellion, and Death, Modern Library xb 1960, Justin O'Brien dịch. Chữ nhỏ trong ngoặc đơn vuông [ ] của nhà báo, chữ lớn trích lời Camus.
[Ngay ở mấy trang đầu Albert Camus viết về Réné Leynaud, một nhà báo kháng chiến bị Đức giết nắm 1944. Leynaud là bạn của Camus, sống gần nhau trong một thời gian. Trên tờ báo kháng chiến Combat, Camus cho biết Leynaud đã tham gia phong trào ngay từ đầu vì thích hợp với đời sống luân lý của chàng].
Chàng đã chọn một bút hiệu tương xứng với cuộc sống thật, chiến hữu trong tờ Combat đều biết bút hiệu của chàng là Clair (trong sáng). Ngoài tính chất khiêm tốn, điều thứ hai và cuối cùng chàng giữ trong người là đam mê thi ca. Chàng làm một số bài thơ mà chỉ vài người trong trong chúng tôi biết; những bài thơ trong sáng ấy cho thấy lòng tin tưởng rằng ngôn ngữ trong sáng và đức tính trong sáng sẽ tái lập các giá trị cao quý của quốc gia mà chúng tôi vẫn ôm ấp thương mến. Bấy nhiêu thôi, rồi chàng không còn cơ hội nói chuyện với anh em.
[Tháng 5 năm 1944, Leynaud bị dân quân của chính phủ hợp tác Vichy bắt khi đang mang theo các tài liệu mật. Chàng chạy trốn và bị bắn què chân rồi bị bắt đưa qua trại Gestapo giam trong một đồn lính. Tháng sáu, khi rút khỏi Lyon, quân Đức đã chọn những tù binh đã từng hoạt động kháng chiến trói tay bỏ lên xe chở ra ngoại ô, ra lệnh xuống xe và đi vào rừng để chúng bắn sau lưng. Một người sống sót bị thương lết vào nhà dân kể lại sự tình. Leynaud trong số những người bị hạt sát, lúc ấy chàng 34 tuổi].
Sống thầm lặng yêu thương vợ con, chỉ nghĩ đến chiến đấu, chàng rất ít bạn bè. Chàng không bao giờ thỏa hiệp; vì vậy chàng bị bắn chết là phải. Chưa thấy ai quen chàng mà không quý mến chàng vô cùng, một con người vững mạnh về thể chất và tinh thần; chỉ có vài viên đạn của Đức mới làm chàng quỵ gục.
[Quan niệm nghệ thuật của Camus qua một cuộc phòng vấn báo chí được ghi lại trong tập Demain xb 1957]
Mục đích của nghệ thuật, mục đích của cuộc đời là tự do và trách nhiệm mà mọi người trên thế giới cảm biết là có thật và cần thiết. Dù bất cứ trường hợp nào, dù tạm thời, không thể giản lược hay hủy bỏ tự do. Nhiều tác phẩm nghệ thuật ghép con người vào những qui luật bên ngoài rất xấu xa như khủng bố và hận thù. Những thứ ấy chẳng có giá trị gì. Tác phẩm có giá trị là tác phẩm tăng cường sức lực cho tự do nội tại mà con người thấy qua trực giác và yêu mến trân quí. Tự do ấy đã giúp tôi suốt cuộc đời.
[Trong cùng lần phỏng vấn nầy, Camus quảng diễn thêm]
Trước khi chết trận, chiến hữu Richard Hilary đã tìm gặp một câu nói diễn tả đầy đủ tình trạng khó xử, khó xoay trở: ''Nhân danh nửa sự thật, chúng ta tranh đấu chống lại một lời nói dối''. Richard tự cho mình rất bi quan. Nhưng bây giờ chúng ta phải bi quan hơn mà nói: chúng ta đang chống một lời nói dối, nhân danh một phần tư sự thật. Đó là thực trạng thế giới ngày nay. Một phần tư sự thật ấy được dung chứa, nuôi dưỡng trong các xã hội Tây phương gọi là tự do. Tự do là con đường duy nhất đưa đến khả thể hoàn thiện hóa. Không có tự do, kỹ nghệ nặng có thể phát triển, nhưng công lý và chân lý không thể phát triển nếu không có tự do. Hãy xem lịch sử hiện đại từ Berlin đến Budapest. Những tai ương mà chế độ độc tài toàn diện rêu rao đang sửa sai tồi bại không kém chính chế độ độc tài toàn diện nầy. Sau hai mươi năm chống chỏi trong cuộc đời, tôi vẫn giữ ý tưởng cố hữu là trên hết, tự do - đối với toàn thể hay cá nhân, đối với công sức nhân lực, đối với văn hóa - là đối tượng cao trọng đủ sức điều dẫn tốt đẹp mọi sinh hoạt của xã hội nhân quần và các nhân thể cá biệt.
[Camus sống trong thời kỳ đen tối nhất của thế kỳ 20, và người ta thường cho ông là người bi quan. Hoài nghi mọi điều nói về tôn giáo, ông cho rằng cuộc đời đáng sống. Ông diễn tả tin tưởng nầy trong lời tựa luận văn ngắn nhất Le Mythe de Sisyphe 1955].
Được hoàn tất mười lăm năm trước tức là 1940, giữa những đau thương và tai ách của Pháp và Âu Châu, cuốn sách nầy nói rõ ràng rằng ngay trong giới hạn của chủ thuyết hư hoại (nihilisme), vẫn có phương cách vượt khỏi chủ thuyết nầy. Trong tất cả các sách tôi đã viết, tôi luôn cố sức đi theo đường hướng nầy. Mặc dầu đặt vấn đề tử vong, Le Mythe de Sisyphe đúc kết một lời kêu gọi, một lời mời trong sáng hãy sống và sáng tạo dù ở giữa sa mạc.
[Camus nhắc độc giả rằng Homer đã chú giải Sisyphe là một người trần khôn ngoan và thận trọng nhất nhưng Sisyphe làm phật lòng các vị thần và nhận một hình phạt nặng nề nhất các vị thần có thể nghĩ ra. Lăn đẩy khối đá lớn lên dốc núi, đến đĩnh thì thả tay cho đá trở về vực sâu, rồi đẩy lên lại, cứ thế mà làm không bao giờ ngưng. Việc làm vô ích, đầy thất vọng nhưng không thể nào khác hơn. Camus chú trọng nhiều hơn vào lúc hòn đá rơi từ đĩnh núi xuống vực thẳm và ông dùng nó theo lối tượng trưng].
Tôi thấy hắn, Sisyphe, thụt lui bằng những bước nặng nề và đều đều, về với những giày vò thống khổ không biết bao giờ ngưng. Giây phút ấy là giây phút nghẹt thở, giấy phút của khổ đau nhưng cũng là giây phút ý thức.
Mỗi một lúc hắn rời đĩnh cao xuống vực sâu trong lồng giam của thần linh, hắn ở trên định mệnh của hắn; mạnh hơn hòn đá nặng của định mệnh. Nếu thần thoại nầy bi đát, chính là vì nhân vật trong truyện có ý thức.
Công nhân ngày nay làm việc mỗi ngày như Sisyphe với định mệnh không kém bi đát hơn. Nhưng bi đát hơn nữa khi công nhân ý thức. Sisyphe là công nhân vô sản (proletarian) của các thần linh, không có quyền lực nhưng bất mãn và biết mức độ mất mát của đời mình, khi phải tuột đốc. Biết rõ cực hình là một thắng lợi vinh quang nội tâm.
Lúc đầu Oedipe tuân theo định mệnh mà không biết. Hắn chỉ biết rằng mối liên lạc giữa hắn và thế giới là bàn tay mát lạnh của một người con gái. Đến khi biết thì đó là lúc bi kịch bắt đầu. Khôn ngoan của người xưa giải thích sức chịu đựng anh hùng thời nay nơi công nhân vô sản như Sisyphe vô sản của thần linh.
Tôi để yên Sisyphe một mình nơi chân núi, đối diện khối đá cực hình và ý thức định mệnh; một Sisyphe hạnh phúc theo cách riêng đấy chứ?!
Vài chữ của người dịch
Văn sĩ dấn thân có lẽ chỉ dấn thân theo ngòi bút; ngay cả Hemingway đến Tây Ban Nha không để giúp phe cộng hòa chống Franco mà đến làm phóng sự, lấy tin. Dấn thân cả ngòi bút và cuộc đời ít thấy ai ngoài Albert Camus đi theo kháng chiến chống Đức, với cơ nguy bị bắt hay bị giết bởi Đức. Cuộc sống đầy lý tưởng của ông gây nhiều ấn tượng. Chính vì vậy, bỉnh bút của tờ Manas Journal đã khoái cảm đưa tên ông lên khi nhà xuất bản Modern Library ấn hành bản dịch các luận văn của Camus. Do đó bài nầy thật ra không giới thiệu gì nhiểu về cuốn Resistance, Rebellion, and Death.
Bỉnh bút Manas không chú ý đến nhận xét của Camus về cộng sản là điều dễ hiểu vì ông không nếm mùi quốc cộng như nhiều người VN. Camus không được xem là văn sĩ chống cộng như Arthur Koestler, André Gide, Ignazio Silone, Du Bois, bốn người bỏ ngũ. Nhưng Camus đã nói rõ thực trạng của Đông Ấu thời Nga. Không có tự do thì kỹ nghệ có thể phát triển nhưng chân lý và công lý thì không.
Camus xem hình phạt các thần linh ấn định cho Sisyphe chẳng khác một công nhân trong chế độ CS đi làm ngày nầy qua ngày nọ như một định mệnh bi đát. Camus không dùng chữ vô sản proletarian cho công nhân Nga mà dùng cho Sisyphe, không quyền lực chỉ có bất mãn và tâm thức phản loạn.
Camus nói Sisyphe hạnh phúc vì biết, vì ý thức sự bi đát. Tạm xem là một hạnh phúc tiêu cực, chẳng đặng đừng. Ông xem đó là trí khôn của người xưa để giải thích sự chịu đựng câm nín của công nhân ngày nay. Giải thích thì nghe được nhưng hạnh phúc của Sisyphe nếu có, không thể tìm thấy nơi công nhân XHCN, nơi nông dân không thể ra khỏi nông trại, sống tệ hơn nông nô thời Staline.
Không rõ lý do nào đã tách rời Camus và Satre; có lẽ một trong những lý do là Satre thân cộng lộ liễu, đã từng ngồi quán cà phê với Simone de Bauvoir ca tụng Staline.
Xin đọc thêm về Camus trên blog nầy:
===================================================
========================================
.
No comments:
Post a Comment