Sờ nách ba English, Basic English
Tôn Thất Tuệ
Chừng 1964, hai người Mỹ mời tôi đi ăn ở Coin des
Blagueurs (Ngân Đình) bờ sông Saigon ngó qua Hôtel Majestic. Hai nhà ngoại giao mới ra nghề
nầy biết tiếng tây. Vì tui ọ ẹ anglais và français họ nói chèn (intercaler); một
nhân viên người Pháp cứ qua lại trông không tự nhiên. Gió chiều trên sông lạnh
mà mùa hè ai cũng mặc áo cụt tay. Tui nhỏ con ít mỡ ít thịt nên lạnh hơn. Một
ông bạn lấy hai khăn ăn phủ vai tôi. Ông tây kia đến xỉa ngay vào bàn, dằn từ
chữ: moi, je suis français (tau, tau người Pháp thứ thiệt đây). Hai người Mỹ, vì nghề nghiệp, tránh mọi đụng chạm đứng
dậy ra về, tuy không biết câu ấy nghĩa lý gì.
Không lâu trước hay sau lần đi kéo ghế nầy, một trong hai ông bạn đã nói với tôi: Bên Tây, nói tiếng Tây không đúng thì non tra già trẻ ai cũng cười chê. Bên Mỹ nói Anh văn sai, chỉ con nít mới phản ứng như vậy. Riêng đối với espagnol tại Espagne, nói sai không việc chi. Có thể ông tây Coin des Blagueurs bực mình điều ông cho là hổ lốn flanglais (vừa Anh vừa Pháp).
Người bạn nầy chuyên về ngữ học, 19 tuổi đã là thông
ngôn chính cho Phó TT Nixon công du Nga khánh thành Triển lãm văn hóa Mỹ. Ông giải thích tiếng Pháp có tính chất thần thánh trong lòng dân Pháp; ở
Mỹ người lớn biết quanh mình có rất nhiều dân nhập cư tứ xứ; ở Spain ai mà lo chi việc đó, chỉ lo đấu bò, nhảy passo doble, đàn flamenco.
Người Pháp quý trọng quốc ngữ, mốc quan trọng là tuyên
ngôn Défense et Illustration de la Langue Française (bảo vệ và làm tươi sáng tiếng
Pháp) thế kỷ 16 trước khi Pháp đô hộ VN. Toàn Quyền Đông Dương đã hiệp ý với
vua Thành Thái mở Quốc Học dạy tiếng Pháp. VN đã sản xuất nhiều học giả giỏi tiếng Tây như Phạm Quỳnh,
Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn...Muốn có bằng cao đẳng phải có đủ
khả năng ngôn ngữ nầy; như cha tôi học cái trường hạng bét ở Hà Nội phải viết
nói sỏi mới được gọi là tham tá thương mãi. Nói chi trường y dược.
Sau 1954 trước khi Việt ngữ được dùng làm chuyển ngữ
(langue véhiculaire) ở trường thuốc, tuy giáo sư đều là người Việt, tiếng Pháp
vẫn giữ vai trò như xưa. Buổi thuyết trình ra trường rõ là cuộc biểu diễn văn
chương và chuyên khoa.
Bước qua phương trời Mỹ thì có khác. Khi làm việc bảo
trì các lớp học và văn phòng tại một college, tôi đã vi phạm nội quy, đọc khá
nhiều bài luận thay vì bỏ ngay vào thùng tái dụng recycle; các bài viết quá tệ, kém hơn
những người nhận là beginner. Sinh viên của trường tạp chủng, nhiều ngoại quốc
hơn bản xứ. Tôi đi đến nhận xét rằng Mỹ không như Tây, họ dạy kỹ thuật, khoa học
v.v... không dạy sinh ngữ, tuy sinh viên muốn có bằng phải có chứng chỉ nhân
văn (humanity) như biết thưởng thức văn chương, âm nhạc, hội họa, lịch sử
v.v...
Tôi được biếu một số luận văn ra trường ưu hạng, tối
ưu hạng mà anh ngữ không hơn gì những thứ tôi đã thấy khi làm cu ly; dĩ nhiên,
những tập luận nầy có những danh từ chuyên môn mà tay mơ cắn không bể làm
đôi, có những đồ biểu như thống kê.
Tôi biết Anh và Pháp ngữ có lắm chỗ khác biệt nhưng cả
hai đều xây dựng trên căn bản chung; đó là: mệnh đề = chủ từ + động từ + (khi
có khi không) túc từ hoặc thuộc từ.
Điều nầy không tìm thấy trong các luận văn, chứ đừng
nói đến các uyển ngữ thi ca. “Architecture” (khoa kiến trúc) đã dễ dàng thay thế
architect (kiến trúc sư). Đoc văn của họ như đọc cổ ngữ Tàu, không chấm phết. Mấy thầy đều cho qua, xa va, xâu xâu (so so...)
Sách giáo khoa ngoài Bắc có câu: ngu nhất là thằng tổng
thống Mỹ. Thần đồng thi ca Trần Đăng Khoa có câu bất hủ: "Ngu xuẩn nhất
nhì, là tổng thống Mỹ". Chuyện ni của ban tuyên giáo. Nhưng nói người Mỹ
ngốc tức là mình ngu mới dám mở miệng như vậy. Ông bạn Mỹ của tôi ở Coin des
Blagueurs giúp cho một tay.
Phải rồi, mấy trăm mấy chục nam nữ giáo sư quyết định
cấp bằng ưu hạng thượng hạng, các vị ấy là người lớn; bên Mỹ chỉ con nít mới cười
nói tiếng Anh sai.
Vây thì con khỉ già là tui đây nhóp nhép thì tự nhiên thành con nít. Con nít đá đít, đi chỗ khác chơi, a lê tút xuýt, mẹt xà lù (aller tout de suite, merde, salaud). Đi chỗ khác chơi, để người ta dịch ngựa phi nước đại là ngựa spitting water, ngựa hèn són đái.
Vài Facebook nhớ thương Saigon đưa hình cũ cô gái xinh
áo trắng cúi đầu sau tờ The Saigon Post. Tầm thường như vậy mà nồi cám heo sôi
sùng sục. Thầy bàn uống nước sông Hồng thì phán rằng con ranh nầy mất nước, chữ mình không học, đi
học chữ Mỹ, dân Saigon nói tiếng Anh như chó mà mấy đứa kia khen nói như gió; con ranh nầy chỉ làm bộ mà thôi, biết cái quái gì.
Nam Kỳ đâu có kỳ như dậy. Nam kỳ khai trong tờ lý lịch biết tiếng Tây,
là nói, đọc diễn tả những điều thông thường một cách dễ dàng, không như cha già dân tộc được xưng tụng biết cả mười thứ tiếng; biết Guten Morgen (good morning) là biết tiếng của
Hitler. Mambo italiano là đọc thi phẩm của Dante.
Sau 30.4, mặc cái ao thun có chữ Georgia quanh một dấu
hiệu đại học, bạn sẽ được mời vào trạm công an thụ huấn luân lý đạo đức cách mạng,
rồi ra về mình trần, để cái áo lại vì cái chữ oan nghiệt nhờ cách mang đốt.
Sau đó ít lâu, ngay tại Hà Nội các bản hiệu đã dùng tiếng
Anh từ thương nghiệp lớn hay nhỏ. Nhỏ như xem tướng phụ đề: see general. Phải rồi,
đi tìm ống đi chơ, mô rồi. Xưa kia đại tướng giữ đồn, bây giờ ông kẹ giữ nồn chị
em. Đây rồi, vô đây mà meo chát, còn thêm cái hĩm chùa, nhà trọ có free wife, em nhí không mất tiền (free wifi)
Thầy bàn sông Hồng nói trên có bao giờ cầm tờ báo mà biết ai đọc cái gì. Saigon
Post, Saigon Daily News. Journal d’Exrême Orient có chỗ khó chỗ dễ. Phần nằm rất
khó, những tài liệu, văn chương, rồi đến Oped (bình luận; opinion and
editorial); rồi đến chỗ dễ là tin tức.
Học sinh như cô nầy có thể đã học xong English For
Today Book Six, có đến từ 400 – 500 ngữ vựng. HK đã bảo trợ in loạt sách
Horizon với dấu hiệu cái thang, cho nhiều cấp độc giả, có 200 chữ, 300 chữ, và
cứ lên mãi. Cô ni có thể đọc Saigon Post giỏi hơn tôi đã đọc sách tây như đọc
chú Đại Bi. Tôi hân hạnh quen cả hai ông chủ nhiệm. Đại sứ tương lai Bùi Diễm
ngày mô cũng cho tui một tờ Saigon Post trao ngay tại ký túc xá. GS Tôn Thất Thiện, Saigon
Daily News có xin cho tôi về Vạn Hạnh phụ tá cho ông nhưng bất thành. Cả hai
ông cho biết đến 80% báo in bán cho người Việt; như vậy khả năng Anh ngữ dân
Saigon đâu đến nỗi tệ mà nói như chó.
Khá ngạc nhiên, ngành giáo dục Anh quốc đã và đang xác
định Basic English chỉ gồm 400 tiếng; không gồm biến thái (inflexion): to go,
không có going, gone, goer; không có đồng nghĩa, house, không có palace,
mansion, cabane. Trong đời sống bình thường người Anh chính gốc chỉ nói chừng
đó; hằng ngày không ai dùng danh từ triết học như transcendant; mythology,
emancipation. Hàng ngày: go to school, church, market, buying candies, cigars, bread, meat .... Với 400 vocabularies, bạn có thể sống dễ dàng ở Luân Đôn, lái
taxi, bán hoa như Audrey Hepburn trong My Fair Lady.
Người bắc và người thời đại XHCN sính ăng lê hơn người
Saigon xưa. Người bây giờ viết tiếng Anh và cả tiếng Việt, bạn chỉ hiểu được nếu
biết rất đầy đủ tiếng Việt và tiếng Anh. Nấu bún bò Huế, bạn được thầy trên
internet dạy phải dùng “cỏ chanh /cỏ tranh”, đừng nhổ cỏ quanh cây chanh hay
tranh lợp nhà, hay nêm chanh; hãy dùng từ điển tra mục lemon, hay grass; phải tự
điển lớn sẽ có lemon grass là tép sả nấu thịt chó. Bác sĩ ra toa ăn gạo nâu.
Wait a minute. Nếp than có màu nâu. Vô tự điển sẽ thấy brown rice là gạo lức.
Mà brown không chỉ là màu nâu: brown bag dinner là ăn theo fast food đem về bằng
gói giấy màu vàng như giấy bao xi măng. Nhớ úp bài nhé; vâng, em thua rồi, em
úp bài. Xì phé chi đây? Upload bài bên.
Ngày trước mình có tiếng tây bồi: ba mỏa nhắng; không
cách nào, pas de moyen, “no way”. Tệ hơn nữa, chút chít măng rê mỏa no ba động
đậy (chuột ăn tui không rờ tới). Mình có tiếng Anh Snack Bar English. Salem =
thuốc lá; black white xêm xêm. Nhưng chỉ nói tiếng tây bồi, tiếng Anh sờ nách. Không ai viết tiếng bồi và snack bar English.
Nếu thiên hạ tiếp tục chui đầu trong trang báo Saigon
Post, tiếp tục đọc Horizon, học sinh cứ English For Today mà học thì không có cảnh
snack bare English nhảy lên bàn như chó nhảy ngày nay, in thành sách đem chuông đi
đấm nước người.
Không nên nhắm mắt bài ngoại hay nhắm mắt xài bừa bãi tiếng của người khác. Hãy xem người Nhật đã dùng Hán tự tạo ra vô số chữ mới cho người Tàu, Đại Hàn và VN dùng ké. Những chữ nẩy diễn tả những tư tưởng Tây phương không có trong ngôn ngữ Á Đông như kinh tế, triết học, và ngay cả chữ thông dụng là "đại học", giống như người Mỹ đã tạo ra vô số chữ mới mà người Hồng Mao dùng thoải mái. Chúng ta sẽ dùng sức ép không khí và áp lực kinh tế, mà quên sức ép dân số, chính trị..
Văn hóa là cây nhân sinh, có khi héo
khô, có khi chết, có khi cho côn trùng, cây ăn bám đạp lên mà sống mà lếu
láo.-
No comments:
Post a Comment