khi tôi mười tám
Huỳnh Trịnh Tuyết Hoa
Bất ngờ đến khó tin, khi trong
tay cầm món quà độc đáo. Tấm bảng danh dự của năm cuối Trung Học màu cam đậm niên khóa 1974 –
1975 của trường Trung Học Ninh Hòa. Hàng tên được viết bằng bút lông đậm nét.
Ba mươi năm, thật quá ngắn ngủi cho một ngọn núi, một dòng sông, một cây cổ thụ, dẫu biết rằng trăm năm dâu bể biến dời. Nhưng ba mươi năm cho một đời
người, có khi là quá dài phải không bạn? Nhất là khi mà số phận ấy lại ở trong những thay đổi
quá lớn, quá đột ngột ở cái tuổi mười tám. Một sáng mai thức dậy hoảng hốt trước sự thay đổi
chưa kịp định
hình, âu lo và mất phương hướng. Trước những thứ, những con người mang tư tưởng xa lạ, vẫn ăn, vẫn thở mà sao cuộc sống bị trộn lẫn lên như nồi lẫu đến hồi kết thúc, mặc cho những tính toán giả định,
dòng đời
cứ trôi đi như lũ quét bất chấp tất cả, cuốn mọi người theo nhịp sống mới, buổi giao thời như một vết cắt ngọt vào tuổi mười tám của tôi, cành cây non tơ mới hôm qua thôi giờ đã héo quắt trước ngọn gió lạ lùng. Những đêm đi dạy bình dân học vụ, về trên đường khuya,
bao quanh là sự trống rỗng và niềm cô độc.
Tôi mất đi nhiều người thương yêu bằng mọi hoàn cảnh, trong tôi có một nỗi đau vô hình không diễn tả được, như khối Rubic bị vặn vẹo bởi bàn tay ngu dốt cứ xáo trộn mãi mà chẳng thể định
hình.
Tôi ao ước là núi để
có thể đứng yên một chỗ, nhưng là người nên tự nhiên lớn lên. Một cách đơn
giản tôi được vào học trường Cao Đẳng
Nha Trang, sau khi thi rớt Đại Học Sư Phạm Sài Gòn*. Ba má tôi rất mừng vì tôi sẽ được
nhà nước nuôi
trong hai năm, hết phải đi trong đêm khuya khoắt để công tác này nọ với đám thanh niên xa lạ, phần nữa thoát khỏi đôi mắt ỡm ờ của một chàng bộ đội miền Bắc, đóng quân gần nhà cứ "dân vận" bằng cách xách nước, chẻ củi cho ba.
Cuối năm 1975 tôi vào nội trú của Lasan Bá Ninh ở Nha Trang - Lầu II, một phòng lớn, dài, tháo hết vách ngăn, sắp hai dãy giường tầng, chứa khoảng năm mươi người, từ nhiều miền về học. Từ 5 giờ sáng dạy tập thể dục, nhận một ổ bánh mì không, rồi đi học, trong giờ nghỉ, phòng nội trú ồn ào không chịu được, nhất là vào giờ cơm, tiếng chân đi từng nhiều phòng hòa với âm thanh của muỗng, đũa gõ vào
chén (mỗi người tự giữ chén của mình) kéo dài đến phòng ăn. Nói chung là lần đầu
tiên danh từ "tập thể" được thể hiện rõ nét nhất trong suy nghĩ của tôi với mọi khía cạnh. Từ 5 giờ sáng đến
21 giờ là hòa trong tập thể, trừ những ngày nghỉ hoặc trốn giờ tự học hằng đêm, chui qua hàng
rào. Đi rong ra biển, vì không thể nào chú tâm để học trong khi sóng biển
cứ vỗ ì ầm bên tai. Chọn một chỗ ngồi trên cát, biển ngoài kia đen thẩm bao la, vô vàn những
ngọn đèn, sắp thành hàng cuối biển, nhấp nháy nhấp nháy, sóng lần lượt chạy vào bờ, đều đặn, những chỗ có ánh điện đường
hắt tới, lấp lòa trong đêm. Người bạn đi cùng chỉ vu vơ lên trời bảo: kia là ngôi sao
thánh giá, cầu nguyên đi …cầu nguyện gì bây giờ, trong lúc này mình còn có thể ao ước gì nữa đây? Bọn mình đã được sắp lên băng chuyền phải trượt đi thôi, vô vọng và không cưỡng lại được.
Bạn bảo: Thì cầu nguyện cho tình yêu của
mình đi …, hoặc sẽ gặp được
Bạch Mã Hoàng Tử …Tớ chẳng muốn cả hai, câu nguyện vô ích thôi vì Chúa
và Phật đã bỏ loài người, nên
loài người phải đón nhận sự thống khổ. Mày bị mê hoặc bởi những thứ "dớ dẩn", cứ trốn học ngồi hàng giờ nhìn biển thật vô ích, lớp phó sẽ đọc tên mày dưới cột cờ cho coi - Vậy thì tao cầu nguyện cho lớp phó hoặc chân …
Biển và khu nội trú, mới có mấy tháng mà cứ như ở đây lâu lắm rồi. Nhìn biển thênh thang, ai lại
không ao ước cho
mình một cánh buồm để
ra khơi, bên kia chân trời liệu có những thứ mình ao ước? Rồi có một buổi sáng tôi suýt chết đuối vì bơi dở ẹt, mà nghĩ ngợi lung tung, bị sóng nhồi ra hơi xa không vào được, may mà
có D. lớp Hóa kéo vào.
Năm học sau có một tháng lao động.
Khai hoang ở Khánh Hòa để làm khu kinh tế. Cắm trại giữa rừng, bên con suối thơ mộng, vòm cây che âm u.
Đêm không ngủ được
vì cái vạt nằm toàn mấu tre, lều trại trống hoắc bốn bề. Ở nhà đêm khó ngủ thì hát ca, đọc,
viết, còn ở đây cấm tất, thành ra đêm dài vô tận. Nhìn ra chung quanh cây cối dây leo chằng chịt. Có bao nhiêu quần
áo đem lót dưới lưng cho đỡ đau, cái mền đem theo chẳng đủ
xua hơi lạnh của núi rừng nguyên sơ, nằm co như con sùng ra khỏi mặt đất, nhìn vào màn đêm, đôi khi gặp ánh sáng xanh lét của mắt con vật gì, chẳng biết xa, gần, cảm giác sợ hãi lạnh buốt tay chân, ngồi dậy tựa góc trại, nước mắt lặng lẽ trong bóng tối. Xin cho nhỏ lại tuổi mẫu giáo hoặc thành bà già xem ra
sao? Ôi cái tuổi mười tám sao chơ vơ, vật vờ thế kia? Có những lời chưa kịp nói, những điều chưa kịp làm, chưa kịp nghĩ, mà giờ đây ngồi giữa núi rừng, nhìn đống
lửa cháy lách tách từ những khúc cây lớn, rả ra những mẫu than hồng rực, chỉ thiếu bầy người ngồi quanh bếp lửa thuở hồng hoang. Thèm một
cốc cà phê nóng nhưng ngại bị phê bình nên không dám dậy.
Một tuần, sau lao động ở rừng về, buổi sáng dậy tay chân rả rời, người bừng bừng như vừa bị ai rượt đuổi một đoạn đường
dài. Viết đơn xin nghỉ học, khu nội trú vắng lặng, ổ bánh mì ai để trên quyển sách; cái đầu
càng lúc càng đau, giống sợi giây đàn rung lên mỗi lúc mỗi nhanh, mắt díu lại, bắt đầu
nôn ói, miệng đắng ngắt, đến
bao lâu không biết, âm thanh bao la
nghe như gần như xa. Một giọng nó rõ to: "Kêu
xích lô, bệnh viện, sốt át tính
…"
Một tuần sau, tôi được về nhà dưỡng bệnh, sống chết chỉ là gạch nối mong manh. Sống chẳng dễ mà chết cũng chẳng dễ. Ba nói nhờ kháng thể sốt rét từ lúc ở Lâm Đồng
nên qua khỏi. Mười chín tuổi là vậy, biết sơ một chút cảm giác về cái chết – Và sau đó lại là những ngày lang thang bờ biển, viết vào lưng bìa vở.
Bắt đầu cho tháng tám
Em vẫn còn một nỗi buồn
Em vẫn nhớ lần biệt ly
Trời mưa thay em khóc
Vì chẳng ai nói lời từ giã
Buổi anh đi …
Q. hỏi. Anh nào đây?
- Tưởng tượng thôi
- Cần gì tưởng tượng, tao thấy mấy túi trái cây gởi cho mày, mày có trả lời trả vốn gì không?
- Ăn rồi tính.
- Tưởng tượng thôi
- Cần gì tưởng tượng, tao thấy mấy túi trái cây gởi cho mày, mày có trả lời trả vốn gì không?
- Ăn rồi tính.
Thời gian này nhiều biến động
quá, cuộc sống chung quanh và tôi cứ lộn tùng phèo. Chủ nhật về Ninh Hòa càng buồn
hơn, bạn bè tan tác, vài đứa khác lớp tới chơi, nấu chè, đàn hát, khuya không
ngủ được, ngồi ở hàng hiên tự hỏi: Sao thời khắc lịch sử lại rơi vào cái tuổi mười tám của mình, có thể sớm hơn hoặc trễ hơn vài năm kia mà. Đem cái đầu có một mớ kiến thức cũ lấp vào cái miệng mới, rồi phát ra nhiều điều mà tự thấy dối trá, đau đớn cứ thể vò xé tâm hồn.
Trở lại trường Cao Đẳng
học cái nghề ngẫu nhiên, thôi cứ để
dòng nước tự nó chảy về phía trũng, đâu phải lúc nào muốn cũng được, không thích dạy
học lại làm cô giáo, cô giáo nghiêm trang nghĩ mà chán chết.
Một ngày, người trực khu nội trú nhắn lên có người gặp, đang định trốn vì sợ bọn quỉ lớp khác chọc phá – Q. ra cửa sổ nhìn xuống và thông báo. Người
lạ! Tôi nhìn theo và ba chân bốn cẳng chạy xuống thang lầu.
- Thưa thầy mới tới.
- Thầy nghe mấy đứa nói em bệnh nên ra thăm.
- Thầy nghe mấy đứa nói em bệnh nên ra thăm.
Nước mắt ơi! mi không được
trào ra, ai lại khóc vô duyên vậy. Cảm giác bị quên lãng, trơ trọi của một phế tích làm tràn lên
chút tủi thân. Hai thầy trò đứng
chơ vơ ở chân cột cờ. Thầy nói: "Chắc thầy sẽ nghỉ dạy về quê làm
rẫy. Sự thay đổi mang nhiều phức tạp, có khi phù hợp với người này lại không
phù hợp với người
kia".
Thôi! vậy là tôi xa thêm một
niềm thương mến, một chỗ bình an, tình thấy trò tuy ngắn ngủi chưa đầy niên học, nhưng mà sao lại ra đi trong lúc này, lúc
mà mọi trật tự bị đảo
lộn của thời kỳ hổn mang, tôi cần có một bàn tay an ủi. Làm sao ngăn được cơn gió lớn đang thổi tới. Thầy giáo dạy môn triết của tôi đứng đó vô vọng và cô đơn.
Suốt đêm suy nghĩ, phải gửi cho thầy cái gì làm kỷ niệm, có thể chẳng còn gặp lại về sau. Sáng sớm, qua nhà thầy trọ, gửi cho thầy tấm bảng danh dự, năm học thầy cố vấn lớp 12, nhìn nó thầy
có thể nhớ lại lớp học đó và mái trường cũ. Mặt sau bên góc phải
viết:
- Thầy kính mến, trong những ngày xưa có một lớp học, em thấy nó rất dễ thương và em mong rằng thầy cũng nghĩ là nó rất dễ thương.
- Thầy kính mến, trong những ngày xưa có một lớp học, em thấy nó rất dễ thương và em mong rằng thầy cũng nghĩ là nó rất dễ thương.
- Hôm nay. Cả em và thầy, có lẽ như những con
còng, đã đi bằng bước chân
ngang, xiêu vẹo và xa lạ - Nhập cuộc, mùa hội đời 11.07.1976 H.T.T.H
Quà thầy cho tôi là bài thơ,
hình như được viết rất nhanh, trên tờ giấy rời. Tôi đã mất nó trong những năm dạy học từ chỗ nọ qua chỗ kia, nhưng đã kịp thuộc và chép vào sổ tạp ghi.
Đề tặng người học trò cũ – 13.7.1976
- Sáng em cho lại dấu hồng
Lòng ta nghe chút ngọt nồng tưởng quên
Hôm nào nắng nhẹ mới lên
Dãy bàn áo trắng nghe tên mình buồn
Từng trang hoa nở ý tuôn
Là lời vang vọng cội nguồn mãi đâu
Thì thôi, nước chảy qua cầu …
Thầy trò đã vắng tin nhau đến
hai mươi tám năm sau, rồi hội ngộ ở đất Saigon, thầy đã ngồi sui, còn trò có con gái, con trai đã vào đại
học, gọi thầy của mẹ bằng ông.
Nhiều thứ có thể đổi
thay theo thời gian và xã hội hôm nay. Cạnh nó còn có những giá trị bất biến dù chỉ đến
trong phần tích tắc ngắn ngủi của cuộc đời.
Hòn sỏi đã chìm vào sông sâu và nằm lại ở đó, chỉ có những vòng sóng ở bề mặt lan ra và tan biến.
Đúng ba mươi năm sáu tháng kể từ ngày rời trường trung
học, học trò cũ nhận được
tấm bảng danh dự được trao từ tay thầy hướng dẫn. Vội tìm đôi kính lão, đọc cẩn thận từng chữ trước, sau. Rồi nói với con gái:”Tấm bảng danh dự này ra đời năm mẹ mười tám tuổi”. Cảm ơn thầy đã giữ lại cho em.
(ninh-hoa.com 2005)
· *Dẫu sao HTTH vẫn còn có nhiều đặc ân vào trường cao đẳng (cũng là đại
học) trong lúc cả một thế hệ trẻ bị lý lịch che khuất viễn ảnh giáo dục. HTTH vẫn
còn biết: trích Đem cái đầu có một mớ kiến thức cũ lấp vào cái miệng mới, rồi phát ra nhiều điều mà tự thấy dối trá, đau đớn cứ thể vò xé tâm hồn. ngưng
No comments:
Post a Comment