add this

Friday, December 29, 2017

N Sinh Đồng Khánh  1942
có nói cũng không cùng!
có nói cũng không cùng!
có nói cũng không cùng!






















Wednesday, December 27, 2017

về bài hát Ave Maria, Schubert



French Script Je Taime I Love You French Decor by DigitalThings, $1.00
2018

************************************************************************


Schubert, Franz

                   Franz Schubert                                                        Walter Scott


Vài dòng v bài hát Ave Maria

Trái với ý nghĩ của nhiều người, Ave Maria không được soạn ra vì ý hướng tôn giáo. Thật vậy, tên đầu tiên của nó là: bài hát Ellen số 3 và lời tiếng Đức đầu tiên cũng là bản dịch thơ tiếng Anh của Walter Scott (1771-1832). Thi sĩ Anh quốc nầy sáng tác tập anh hùng ca The Lady of The Lake năm 1810. Lady nầy tên là Ellen cùng cha trốn thoát vì bị vua thanh trừng; trong lúc ấy một tù trưởng đang dấy binh chống bạo quyền. Trên đường hành quân, ông nghe xa xa tiếng hạc cầm, đệm cho Ellen hát lời cầu nguyện Đức Mẹ Maria.

Tác phẩm của Walter Scott được Adam Storck dịch qua tiếng Đức và Schubert dùng để viết tác phẩm 52 (Opus 52) năm 1825 gồm bảy bài ca. Bài thứ sáu là Ellens Gesang 3. Vì bản nhạc bắt đầu bởi Ave Maria trong nguyên văn và lời dịch, Ellens Gesang 3 trở thành một lời nguyện cầu của người Thiên Chúa Giáo, nhất là từ khi có lời tiếng La Tinh, loan truyền cả thế giới; từ đó người ta nghĩ rằng Schubert từ đầu là tác giả cả nhạc lẫn lời.

Trước đây chừng 1956, tôi quen một nhạc sĩ đàn harmonium ở nhà thờ Phủ Cam, Huế, cha của bạn học Lượng và đại úy Tiên, Phòng Vệ Phủ Tổng Thống. Theo ông, nhiều giáo khu trên thế giới không cho hát hay đàn Ave Maria trong nhà thờ vì Schubert không có ý thức tôn giáo khi sáng tác, lúc ấy "chàng" đang thất tình. Tôi chỉ nghe, không lấy gì làm tin về sự việc hay lý do của sự việc. Hôm nay tôi có suy diễn mung lung; nếu quả có sự cấm rất giáo điều ấy, thì lý do như trên đã nói Schubert hình thành Opus 52 không phải vì lý do tôn giáo. Tuy vậy Schubert đã viết thư gởi người cha nói rằng lòng mộ đạo của mình qua tác phẩm được hoan nghênh rộng rãi. Phải chăng vì vậy, tập nhạc là tác phẩm trong số rất hiếm được xuất bản 1826 trước khi ông chết hai năm sau ở tuổi 31.

Theo phụ bản, Helene Fischer hát với lời nhạc khác với lời nguyên thủy. Cô gái Đức gốc Nga tài hoa nầy đã hát bình thường, không theo nhịp (beat) tân thời và cũng không theo lối opera như trước đây của Barbara Bonney hay Maria Callas. 

HeleneFischer, phụ đề Đức và Anh
BarbaraBonney, phụ đề Đức nguyên gốc và Anh
PlacidoDomingo, phụ đề La tinh.


Hymn to the Virgin
by Sir Walter Scott

Ave Maria! maiden mild!
Listen to a maiden's prayer!
Thou canst hear though from the wild;
Thou canst save amid despair.
Safe may we sleep beneath thy care,
Though banish'd, outcast and reviled –
Maiden! hear a maiden's prayer;
Mother, hear a suppliant child!
Ave Maria

Ave Maria! undefiled!
The flinty couch we now must share
Shall seem with down of eider piled,
If thy protection hover there.
The murky cavern's heavy air
Shall breathe of balm if thou hast smiled;
Then, Maiden! hear a maiden's prayer,
Mother, list a suppliant child!
Ave Maria!

Ave Maria! stainless styled.
Foul demons of the earth and air,
From this their wonted haunt exiled,
Shall flee before thy presence fair.
We bow us to our lot of care,
Beneath thy guidance reconciled;
Hear for a maid a maiden's prayer,
And for a father hear a child!
Ave Maria.-



Bản dịch tiếng Anh từ lời La tinh 

Hail Mary, full of grace,
Mary, full of grace,
Mary, full of grace,
Hail, Hail, the Lord
The Lord is with thee.
Blessed art thou among women, and blessed,
Blessed is the fruit of thy womb,
Thy womb, Jesus.
Hail Mary!

Holy Mary, Mother of God,
Pray for us sinners,
Pray, pray for us;
Pray for us sinners,
Now, and at the hour of our death,
The hour of our death.
The hour, the hour of our death,
The hour of our death.
Hail Mary!

(bài cũ 25.12.2014)


Friday, December 22, 2017

sáng đôi mắt mù

File:Winslow Homer Rowing Home.jpg
về bến nhà, tranh Winslow Homer 1890
sáng đôi mt... mù!

Tràm Cà Mau

Con người cần điều gì? - cần đôi mắt sáng, cần có ánh sáng. Đôi mắt và ánh sáng như là phương tiện cho cuộc sống mỗi con người để phân biệt hình dạng, màu sắc, . Nhưng người có đôi mắt sáng, mà miệng không dám nói lên "sự thật", cam chịu sống trong giả dối, lừa đảo, thì nào khác kẻ mù! Không dám phân biệt trắng đen, phải trái!

Dạo đó, khi cả miền Nam đang bấn loạn lên, vì cuộc chiến tranh mấy mươi năm sắp đến hồi kết cuộc. Bắc quân hồ hởi tiến mau như chẻ tre. Nam quân rút bỏ, tan rả mau chóng. Những người không am hiểu tình hình chính trị quốc tế thì ngỡ ngàng, ngạc nhiên, không tin được về sự thực đang xẫy ra trên đất nước nầy.

Dân miền Nam đua nhau bỏ chạy ra biển, chưa biết sẽ trôi nổi về đâu, cũng chưa biết sẽ đi nơi nào, làm gì mà sống, sống có được hay không. Không cần biết. Cứ chạy trốn đã. Những người nầy, đã có một ít hiểu biết hoặc kinh nghiệm sống với cộng sản, nên liều chết ra khơi. Mấy cụ già miền Nam vuốt râu nói: “Cộng sản cũng là người Việt Nam mình với nhau, việc chi mà sợ? Cọp nó còn chưa ăn con, huống hồ chi họ với mình cùng tổ tiên, cùng giòng giống. Miền Bắc hay miền Nam đều là anh em với nhau cả mà. Chạy đi đâu làm chi cho mệt.”

Những người trong chính quyền miền Bắc chắc cũng không hiểu nổi, tại sao nhân dân miền Nam sắp được “giải phóng”, sắp được sung sướng, sao mà lại bỏ chạy. E rằng, họ bị Mỹ Ngụy tuyên truyền đầu độc, nên dại dột dong thuyền ra khơi. Họ cho rằng, những người bỏ trốn họ, là loại trây lười, sợ lao động, sợ khổ.

Trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh sắp tàn. Bạn của Tâm hối hả đến tận nhà lo lắng nói:
“Anh sửa soạn hai bộ áo quần. Đem theo một ít thức ăn khô, một chai nước. Tôi đã ghi danh cho anh được xuống xà lan ở Tân Cảng, và sẽ được kéo ra khơi hôm nay hoặc ngày mai.”
Tâm trầm ngâm:
“Không đi đâu cả. Tôi sinh ra trên quê hương nầy, và sẽ sống và chết với quê hương.”
“Anh chấp nhận sống với cộng sản?”
“Anh chưa hiểu ý tôi. Nếu phải chọn tự do và cộng sản, thì tôi sẽ chiến đấu để bảo vệ một chính thể tự do. Nhưng nếu phải chọn quê hương và một nơi vô định khác, thì tôi chọn quê hương. Đất nước mình đã chịu chiến tranh tàn phá ba mươi năm nay. Tan tác, đổ vở quá nhiều. Bây giờ là lúc toàn dân cần góp tay xậy dựng lại quê hương thân yêu của chúng ta. Tôi đã chuẩn bị tinh thần rồi. Chấp nhận đi tù vài, ba năm, nếu phải đi đập đá Trường Sơn, thì đá đó cũng để xây dựng đường sá và nhà cửa cho quê hương nầy. Đi ra ngoài, dù có làm được gì, thì cũng là làm cho người ta. Tôi chấp nhận mọi gian khổ để đổi lấy cuộc sống còn có quê hương.”
Người bạn nhìn Tâm với ánh mắt u buồn:
“Tôi ước mong sao ý nghĩ của anh là đúng, và sau nầy không ân hận”
Tâm quả quyết:
“Tôi sẽ không bao giờ ân hận với chọn lựa nầy. Tôi chọn quê hương.”

Nửa tháng sau ngày miền Bắc thắng trận, một ông chú của Tâm, là cán bộ có vai vế, từ Hà Nội vào tiếp thu Sài gòn. Ông ghé lại nhà thăm. Ông nầy đã hăng hái tham gia cuộc kháng chiến từ thời khởi đầu năm 1945. Trong tình thân gia đình, ông bực bội hỏi:
“Sao không bỏ chạy, mà giờ nầy còn ở đây? Thế thì khổ đời anh rồi.”
Tâm ngỡ ngàng, nhưng cũng quả quyết nói:
“Cháu ở lại, để góp một tay xây dựng lại quê hương đổ vở. Chỉ mong làm một hạt cát nhỏ trong công cuộc tái thiết đất nước nầy”
Ông chú cười buồn mà nói:
“Ai cho anh xây dựng mà hòng? Anh tưởng dễ lắm sao.
“Cháu không hiểu hết ý của chúRồi anh sẽ hiểu. Anh phải “kinh qua” mới thấm và hiểu. Chưa thực sự sống trong chế độ, thì dù cho có đọc ngàn cuốn sách, anh cũng còn mơ hồ và đầy ảo vọng.”
Tâm mạnh dạn nói mà không sợ ông chú buồn lòng:
“Nếu cháu không lầm, thì chú cũng đang là một rường cột của chế độ nầy. Với cái vai vế của chú, thì chú cũng có thể tạo điều kiện cho những người yêu mến quê hương nầy có cơ hội phục vụ đất nước. Quê hương nầy là của chung, gia sản của tổ tiên nhiều đời gây dựng lại, không của riêng ai, không của riêng đảng phái nào.”
Ông chú cười, ánh mắt có vẻ thương xót người cháu, ông nói:
“Không. Anh nói vậy là chưa hiểu chi về xã hội chủ nghĩa cả. Chú cũng chỉ là một bánh xe trong guồng máy đang vận hành. Bánh xe nào không hoàn toàn ăn khớp, thì bị loại ra ngay. Bị vứt bỏ không thương tiếc. Bị chà đạp, bị hành hạ, sống không được, chết không xong. Anh không có quyền yêu mến quê hương theo tâm ý của anh. Phải yêu theo lối của người khác vạch ra, hoàn toàn đi trong đường lối đó, nếu anh muốn sống còn. Tôi xin anh, đừng có nói cái giọng điệu quê hương là gia sản chung cho ai khác nghe, mà không có lợi cho bản thân anh.”

Tâm thở dài. Một lúc sau ông chú nói tiếp:
“Điều cần thiết nhất chú dặn anh, là đừng có dại mà thành thật khai báo lý lịch và tội lỗi của mình. Anh đã ở miền Nam, thì dù anh có làm gì, hay không làm gì, cũng có tội với cách mạng cả. Phải tự nhận là có tội, và chỉ nhận những tội khơi khơi thôi. Chuẩn bị một bản lý lịch cá nhân. Cái gì không lợi thì đừng khai. Cái gì giấu được thì giấu. Viết càng ngắn, gọn, rõ ràng càng tốt. Khai cho y hệt nhau, đừng sai chạy. Đó, chú chỉ giúp anh được chừng ấy thôi, anh nhớ cứ làm theo, thì bớt được vận hạn khó khăn.”

Tâm chấp nhận đi tù cải tạo với sự bình tĩnh, không chút lo lắng buồn phiền. Anh đã chuẩn bị trước, và đây là chuyện phải đến. Tâm cũng không có ảo vọng đi “học tập” một tháng hay hai tuần như thông cáo do chính quyền phổ biến. Nhưng Tâm vẫn mong rằng, anh nghĩ sai. Anh đã chuẩn bị cho một cuộc đời tù tội lâu dài. Mang theo những vật dụng thật bền, chắc chắn. Những tuần đầu trong trại cải tạo, Tâm thấy bạn bè xài phí những vật dụng mang theo, anh nói với các bạn trong một buổi họp tổ:
“Các anh nên tiêu xài tiết kiệm lại một chút. Đâu đã chắc một tháng là được về ngay!”
Các bạn anh nhao nhao phản đối:
“Cánh mạng trước sau như một. Anh không tin tưởng chính sách của cách mạng sao? Anh còn tư tưởng lạc hậu lắm. Cách mạng nói một tháng, là một tháng, không sai chậy đâu.”
Thấy tất cả bạn bè đều phản đối dữ dội, và nếu cán bộ quản giáo biết được, hay có người báo cáo thì bất lợi cho bản thân, Tâm vội vàng cười giả lả:
“Thôi mà, tôi nói chơi cho vui, mà làm anh em sợ. Nói đùa, anh em bỏ qua đi.”
“Đùa làm đứng tim người ta. Cách mạng không bao giờ nói sai cả.”
Tâm biết anh em sợ, không dám nghe nói sự thực. Muốn nuôi ảo tưởng là một tháng sẽ được tha về, nên phản đối lời khuyên của Tâm.
Sau ba tuần mà chưa thấy “bài vở và học tập” chi cả. Đám tù lao nhao tiên đoán rằng, cách mạng sẽ khoan hồng cho về, mà không cần học tập lôi thôi. Đoán rằng, họ sẽ phát tài liệu cho anh em đọc, vì ai cũng đã có trình độ học vấn khá, không cần phải giảng dạy. Tâm chỉ cười, và mong sao cái mơ ước hão huyền của anh em đúng sự thực, chứ trong lòng Tâm, không hề có ảo tưởng nào. Nhiều đêm, khi chín giờ, đèn điện tắt, có tiếng tắc kè kêu vang dội rất rõ trên đồi cao: “Tắc kè. Tắc kè.” Anh em diễn dịch ra là có điềm tốt thông báo, nên tắc kè kêu là “Sắp về. Sắp về.” Có nhiều anh loan tin rằng, mấy đêm nay xem thiên văn, thấy nhiều sao chiếu đồng quy về hướng Sài gòn, bởi vậy, anh em cũng sắp được tha về nay mai.

Nhiều tháng sau vẫn chưa được tha về, mà thời gian tù không xác định. Tiếng tắc kè được diễn dịch lại là “Đếch về. Đếch về.”
Một người bạn nói với Tâm:
“Cán bộ luôn luôn nhắc nhở là “yên tâm cải tạo”, làm sao mà yên tâm, khi gia đình còn lắm việc bộn bề, vợ con không biết sinh sống ra làm sao, ngày ra trại chưa được xác định. Thì làm sao mà yên tâm cải tạo được?”
Tâm cười và trả lời:
“Yên tâm cải tạo. Đúng. Mấy ông cán bộ nói đúng. Yên tâm đi, ngày về còn xa lắm lắm. Đừng nôn nóng, vô ích. Không yên tâm, thì cũng không được gì. Bận lòng thêm khổ. Chúng ta bị mắc bẫy rồi, cứ đừng hy vọng, đừng mong ước gì cả. Yên lòng. Nếu có một ngày nào đó, được kêu tên cho ra về, thì sung sướng lắm. Nếu chưa được về, cũng đừng mong. Có mong là có bồn chồn, có khổ tâm. Hãy yên tâm đi, yên tâm cải tạo”

Mấy người bạn Tâm bây giờ đã bớt ảo tưởng, nhưng vẫn chưa tắt niềm hy vọng. Họ thường tỏ vẻ bực bội khi nghe các bạn khác đọc các câu thơ:

Bao giờ cọc sắt nở hoa.
Bà Đen hết đá thì ta mới về.

hoặc

Khi đi vợ mới mang bầu.
Ngày về con đã bạc đầu như cha.

Nhờ lời khuyên của ông chú đã từng kinh qua dày dạn trong chế độ, là đừng dại dột thành thật khai báo, nên Tâm được tha tù, về nhà sớm hơn bạn bè cùng trang lứa, cũng mất hơn ba năm, gần với thời gian anh đã tiên đoán và chấp nhận.

Trong thời gian nầy, tình hình lương thực vô cùng khó khăn. Cả nước đều đói vàng mắt, nhà nhà ăn độn khoai sắn, bo bo, mì sợi. Bụng dạ mọi người khi nào cũng lưng lửng, nhột nhạt, có kiến bò. Miệng thì luôn thòm thèm. Đời sống thường ngày vô cùng khó khăn. Ít còn ai đủ dại để tin tưởng vào tương lai tươi sáng hạnh phúc. Không biết ai bày, mà bọn trẻ con hàng xóm thường ngêu ngao hát bài ca sửa lời: “…tổ quốc ơi, ăn khoai mì ngán quá, kể từ giải phóng vô đây, ta ăn độn dài dài, kê từ giải phóng vô đây, ta ăn độn toàn khoai…”

Một lần nghe cuộc bàn cãi giữa hai ông cậu, ông cậu nhỏ là người đi tập kết ở miền Bắc về, nói với ông cậu lớn tuổi rằng:
“Anh chưa ‘giác ngộ cánh mạng’ thì anh đừng nói, đừng bàn luận về xã hội chủ nghĩa. Phê bình mà chưa biết rõ bản chất, thì đừng nên nói, không có lợi cho anh và gia đình.”
Ông cậu lớn tức tối nói:
“Làm sao mà tôi giác ngộ cách mạng của các người được? Còn bản chất của xã hội chủ nghĩa, không nói ra, ai cũng biết là cái gì rồi.”
“Anh có biết giác ngộ cách mạng là gì không? Giác ngộ nghĩa là biết rõ, biết đến nơi đến chốn, không phải biết lơ mơ như các anh. Biết cái gì? Biết cách mạng vô cùng nghiêm khắc, tàn bạo, không khoan nhượng. Nghĩa là biết sợ cách mạng trù dập, sợ bị thanh toán, thủ tiêu, sợ bị giam đói, bị bao vây kinh tế, bao vây tình cảm. Tóm lại, giác ngộ cách mạng là biết sợ cách mạng, sợ vô cùng, không dám hó hé chi cả. Cách mạng nói sao, mình nghe vậy, nói theo y như vậy, đừng sai chạy mảy may, đừng để cái lý trí phán đoán sai đúng xen vào. Người giác ngộ cách mạng sẽ dễ sống, dễ thở, và an toàn hơn trong cái xã hội chủ nghĩa.”

Ông cậu lớn nói với giọng chán nản:
“Thế thì giác ngộ cách mạng là phải biết hèn nhát, nói như vẹt, mềm như bún. Không kể gì đến sĩ khí, nhân cách nữa sao?”
Ông cậu ‘cách mạng’ trả lời:
“Hừ, sĩ khí và nhân cách để làm gì nếu cái bao tử trống không, đói khát hành hạ, vợ con nheo nhóc, xóm giềng xa lánh, hất hủi mình vì sợ liên lụy?”
Ngừng một lát, ông nầy nói tiếp:
“Thời nầy, tốt nhất là bịt tai, nhắm mắt mà sống. Đừng bao giờ nói ý nghĩ trung thực của mình cho ai nghe. Có lẽ, tốt hơn hết là đừng có ý kiến chi khác với mọi người. Ai sao mình vậy. Đúng hay sai, thật hay giả, không cần biết đến làm chi. Đó là thái độ khôn ngoan nhất.”
Ông cậu lớn tuổi lắc đầu:
“Không được. Phải can đảm nhìn thẳng vào sự thật, và đừng tự dối lòng để giả tin vào lời lừa mị láo khoét. Nếu ai cũng dám nhìn thẳng vào sự thực, nói lên sự thực, thì bọn dối trá sẽ không còn đất sống, và không còn cơ hội ức hiếp, áp bức kẻ hiền lương. Người miền Bắc và miền Trung khôn ngoan quá, cẩn trọng quá, nên gắng nhịn nhục để sống còn, bởi vậy nên bị ức chế, bị chà đạp, bị dày xéo, không còn thể thống chi cả. Chú ra ngoài chợ Sài gòn mà xem, hay chú lên xe đò mà nghe các bà chửi cho nát mặt, nát mày, có dám bỏ tù hết cả nhân dân miền Nam nầy không? Ban đầu, các anh ‘cách mạng’ cũng hung hăng, doạ dẫm, định áp đặt chính sách cai trị hà khắc như cai trị dân miền Bắc lên vùng đất nầy. Nhưng không ai sợ cả, không ai hùa theo lời nói láo khoét. Mấy anh bị hố. Dân miền Nam không hèn nhát đâu.”

Ông cậu ‘cách mạng’ hạ thấp giọng:
“Nhân dân miền Nam nầy ăn nói phản động, không có lợi lộc gì cả, mà lại hại đến bản thân, gia đình. Nói lời phản động, để được cái gì chứ? Anh tưởng chúng tôi đều ngu muội, mù quáng cả, không nhìn thấy và phân biệt được sự thực và dối trá sao? Sống theo nếp sống mới thì phải biết ‘nói điều mình không tin, và tin điều mình không dám nói’ Đó là thái độ khôn ngoan, thức thời.”

Mỗi ngày từ sáng tinh mơ, loa đã oang oang kêu gọi dân chúng sống theo nếp sống văn minh. Tâm không biết nếp sống văn minh của xã hội chủ nghĩa ra làm sao, đem hỏi ông một ông chú ‘cách mạng’ khác. Ông hạ giọng thầm thì:
“Cái gì người ta thiếu, thì nói nhiều đến cái đó. Văn minh bây giờ là xe chạy bằng than củi, ăn cơm độn khoai sắn, xới vườn hoa trồng rau khoai rau dền, nuôi heo trên tầng lầu chung cư, áo quần xám xịt một màu, ăn nói một lời giống nhau y hệt. Văn minh mà nhà nước ta đang nhắm đến là làm sao cho miền Nam tiến kịp miền Bắc trong tiêu chuẩn … nghèo đói.”

Tâm cười: “Các ông bà con đi tập kết về khuyên đừng ăn nói phản động. Thế mà lời của chú, nghe ra còn phản động hơn ai hết. Thế thì hai mươi mấy năm đi theo cách mạng, chú đã làm được công trạng gì trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa?”

Nét mặt ông chú có vẻ tức tối: “Công trạng cái con khỉ. Vì chú không biết a dua, không hèn nhát nói theo lời lếu láo dối trá của bọn chúng, nên chú bị bao vây, bị cô lập, bị bỏ đói trong hai mươi năm tập kết ra Nghệ An. Chú kiếm sống bằng nghề ‘hớt tóc chui’. Cả nước đã đói cho vàng mắt ra, gia đình chú còn đói hơn ai cả. Con cái không được nhận vào trường, thất học cả đám. Chẳng bị tù rục xương là may mắn lắm rồi cháu à.”
“Thế thì xin chú cho cháu một lời khuyên, để sống còn trong xã hội mới nầy.
Ông chú lắc đầu: “Không còn cách nào để cho các thành phần như cháu sống còn cả. Ngoại trừ… ngoại trừ bỏ nước ra đi. Chỉ có con đường đó thôi.”
Một năm sau, Tâm đến được bến bờ tự do sau bao lần suýt bỏ mạng trên biển cả. –


Pirate Flag on the Sea
hải tặc
tha giy v voi ttt
Tối qua, sau khi đọc truyện “có hậu” nầy của Tràm Cà Mau, tôi nghe khúc nhạc quen: Unfinished Symphony. Bỗng nhiên, tôi nghĩ đến một bài hát của cùng “vua giai điệu” Schubert: The Wrong Hotel. Đơn giản: một người say rượu đi vào một khách sạn sang trọng trọ qua đêm. Thức giấc  lúc trời sáng thì thấy mình ngủ trong một nhà mồ giữa một nghĩa địa rộng lớn với rất nhiều nấm mồ có mái. Tĩnh rượu rồi mà, nên anh biết mình đã vô một “Wrong hotel”. Lại chuyện “wrong hotel” thiệt. Cách đây chừng 10 năm, người ta thấy một thiếu nữ lay cửa sắt của một tòa thị chính Pháp đòi đi ra. Số là trời hè còn sáng nhưng đã gần giờ đóng cửa; người đẹp của chúng ta là một du khách không rành tiếng Pháp, thấy bản hiệu “hotel de ville”, tưởng là một hotel nên đi vào nhà vệ sinh ở tiền sãnh (lobby). Trong lúc ấy người gát gian khóa cửa mà về.

Hai lần nhầm lẫn nầy giúp chúng ta dễ thấy thêm thứ “wrong hotel” mà Tràm Cà Mau đang cố diễn tả. Cả một miền Nam say rượu đang đui (DUI, driving under influence), hiểu ngôn từ theo bụng ta mà không hiểu bụng người …đã vào những khách sạn thời mới, mỗi nơi một kiểu. Khách sạn của nhân vật Tâm mang tên “Tắc kè, tắc kè” [sắp về, sắp về, đếch về, đếch về].
Ở một khách sạn khác,
Mỗi buổi sáng loa dựng đầu em dậy,
cho em một lời ngọt mà quên đi
thời cách mạng khô, chẳng có cả ngô khoai.
Em thức sớm bới xách thăm chồng trong rú
và  em thấy những vòng concertina sét đỏ
quấn nghẹt đời hàng vạn sinh linh.

Bức màn sắt hay màn tre kín quá; phía Nam cứ nghĩ phía Bắc đâu đến nỗi tệ, vì không bị ép trong một khung suy nghĩ nào, nên có ai nói chi thì cứ cho là “chiến tranh chính trị, mồm mép thế chân tay”. Cứ nghĩ như ông Khổng, nhân chi sơ tánh bản thiện; thực tế miền Nam “a á ớ dắc vợ đi chơi”, mà ngoài Bắc thì “tam tự kinh rình cơm nguội”; hai câu đùa ấy chính là sự học và sự sống đôi bên. Nếu một bên tỏ ra thật chân tình như Chữ Đồng Tử, lịch sử đã sẽ chứng kiến một cuộc tình đẹp; nhưng, bất hạnh, đã không như thế; người những tưởng tem phiếu năm xăng ti mét vải đủ may quần là áo lược dạo phố Sài Gòn.

May cho Tâm có vài thân nhân không chịu suy nghĩ như điều Lê Diễn Đức viết, cả một xã hội chịu điều khiển như HCM gõ lon ton cái lon gọi những con cá dưới hồ ngóc đầu lên nghe lệnh. Họ giúp cháu nhìn sớm hơn để thoát nhanh. “Các anh phải thành thật, chớ, chúng tôi bấm cái com pu tơ TổngTham Mưu ra là biết anh nào giết mấy VC, giết bằng súng hay bằng dao. Các anh phải khai biết tiếng Anh để CM biết mà đưa đến các cơ quan cần đến; các anh phải kê rõ tên tổ tiên ba đời, chứ không phải là loại vô gia đình mà các anh đã nói xấu cho CM là tam vô”. (Biết tiếng Anh là có liên lạc với Mỵ, biết tên ông bà không phải là nông dân). Cách thức phân loại nầy tương đối nhân đạo hơn người anh em Khmer Rouge của Pol Pot, đồng môn của HCM dưới trướng của Mao. A lê, trèo lên cây. Không trèo được là dân trí thức, thành phố đem ra bùm ngay tại chỗ. Hai anh lính gát cỗng Cục An Ninh Quân Đội, một anh khai là lính canh được cho đi học ba ngày; một anh khai rất đúng sơ đồ tổ chức là an ninh ngoại vi thì mạt kiếp ở thượng du BV vì làm tình báo quốc tế.

Tình cờ ba hôm trước tôi học thêm một chữ rất mơ hồ cả trăm năm nay chưa có một nội dung được đồng ý chung. Pataphysic, làm biếng, rút gọn từ patametaphysic, siêu siêu hình, nói thiệt đa, tui sẽ đưa link cho xem. E tui sẽ vô hội những nhà triết-triết học nầy mà lấy cờ thắng cho nước Nam. Bọn cải tạo rất bố láo, nghe bộ đội nói những điều pataphysic thì dám nói để giải sầu sau những buổi nói dai, nói dài, nói dốt. Pataphysic chớ bộ. Lấy ống tre lên núi Ba Vì xọt xuống đất, dầu chảy bán không kịp cho Mỹ. Ná thun bắn hạ B52. 18 viên đạn bắn vô mắt mà vẫn đủ sức tiến lên giết cả chục thằng địch. Cả ngàn chuyện anh hùng có dư. Đã viết vào sách giáo khoa dạy ở các trường.

Mà nầy, mấy anh ngụy theo hơi mà làm pata thì chỉ có chết thôi. Không được vẽ bác Hồ ngó nghiêng, thất lễ. Có anh đại úy lên sân khấu trả bài: sau khi học tập tốt, chúng tôi sẽ cùng CM đi giải phóng cả thế giới. U chu choa, bốn cái nón cối một lần nhảy lên nắm đầu kéo xuống. Chính trị viên nghiêm nghị huấn thị: không được có cái suy nghĩ đó, coi chừng biệt giam. Chúng tôi mới đi làm CM thế giới, các anh là cái quái gì, đã đeo chân đế quốc mà dám nói thế”.

Muốn đem thân làm bia đỡ đạn mà cũng không được, huống gì muốn làm bộ trưởng như vô số người ước mơ. Lại nghĩ đến Arthur Koestler, con người là số không, chữ “nhân ngã” là một ảo tưởng văn phạm, là zero; nhà nước là cực đại. 

Không còn gì nữa, ta chẳng là gì, người chẳng là chi thì chỉ có đi, trốn thoát mà thôi. Tam thập lục kế, tẩu nhi thượng sách. Người lính cũ tên Tâm lần nầy không vào trọ một 'wrong hotel' mà đến một vườn cây bóng mát; như xưa kia Kha Luân Bố đến bờ thì quỳ xuống hôn đất và cảm ơn các Đấng linh thiêng đã phù hộ.


A-Celebration-of-Women-Feature-Banner-e1352628808407 (1) 512











Wednesday, December 20, 2017

noái dư rứa, ai làm chi tui?



noái dư rứa, ai làm chi tui?
tôn tht tu

Hy vọng quí vị còn nhớ chương trình TV đố vui để học thời VNCH. Xin gợi lại một kỳ do Cao Thanh Tùng điều khiển. Thầy Tùng nói giọng Nam, được nhiều người biết vì thầy đàn trung hồ cầm, cello, với Tiếng Tơ Đồng của Hoàng Trọng, ban nhạc qui tụ hầu hết danh ca như Thái Thanh, Kim Tước, Mai Hương, Anh Ngọc v.v…. Thầy nói bắt đầu bởi cái dễ nhất, với một câu đầy đủ, hình như: ‘hãy đi đứng cẩn thận, kẻo “hục” chân té xuống bùn. Em hãy đánh vần chữ  'hục’. Trò đáp: HỤC. Thầy nói là sai, phải đánh vần là HỤT. Nếu thầy hỏi tôi, tuy tôi nghe là “HỤC” tôi vẫn trả lời đúng như thầy muốn, và viết cũng vậy. Nếu làm luật sư bênh vực học trò, tôi sẽ hỏi:  thưa thầy, thầy là nhạc sĩ, thầy muốn học trò viết ám tả lối Pháp hay ám tả âm nhạc (dictée française ou dictée musicale), thân chủ cuả tôi theo lối ám ký âm nhạc, nghe sao viết vậy.

Dictée là món khốn nạn nhất cho học sinh Việt chúng tôi. Danh từ số nhiều thêm S hay X không đọc thành một âm, khác tiếng Anh có thêm âm S hay Z. Lại có cái trò E câm thêm vô tĩnh từ hay quá khứ phân từ; động từ nhóm thứ nhất thì tùm lum, số ít và số nhiều đọc như nhau (il aime, ils aiment); lại quá nhiều chữ đồng âm (le président; en présidant). Muôn ngàn thứ lắc léo, phải nhanh trí mà làm accord. Mấy trự học trường Tây còn khốn khổ nữa, viết dictée quá một số lỗi thì không được thi tiếp (barrage éliminatoire).

Cùng với nền móng 500 năm từ thời Ronsard với tuyên ngôn bảo vệ và làm sáng sủa tiếng Pháp (défense et illustration de la langue française), tinh thần dictée đã duy trì giềng mối của tiếng Pháp; có thời như một mặc định, các hiệp ước quốc tế đều thêm một bản tiếng Pháp cho rõ. Hai ngôn ngữ khác mà tôi có biết là tiếng Việt và tiếng Anh đều áp dụng tinh thần nầy. Từ nhỏ, thế hệ của tôi ở Huế chỉ viết đúng ch/tr; s/x, vd, dấu mũ; nhưng chợt ruột với hỏi ngã, c/t; có g không g, oi/oai …  khi viết ám tả và làm luận. Tiếng Anh, bạn phải viết thành ba chữ từ một lối phát âm: to go, too cold, two dollars. Tiếng Anh còn bù đắp chỗ không phát âm đầy đủ bằng dấu riêng. He said: I’m busy readin’. (reading).

Nhà tôi nói giọng nam, tui nghe “đi chợ nhớ nhắc em mua hột dịch” nhưng bà viết “hột vịt” cùng các món khác cần mua như “bún” (nói là búng). Tôi hiện còn rất khó khăn với chính tả nhưng không thể quên: sửa chữa / sữa chửa (sữa của gái mang bầu).

Những thứ ẩu xị không có dấu, thêm rất nhiều quái thai đã bắt đầu từ HCM trong tài liệu thần thánh gọi là di chúc. Trang web của cựu sinh viên Y Khoa Huế có đăng một bài phân tích của GS Lê Bá Vận*, chỉ rõ HCM không rõ ngôn ngữ mà thêm đủ thứ làm như tài ba. Tác giả viết: Đến nay vẫn chưa hiểu tại sao và từ bao giờ Hồ Chí Minh có lối viết chính tả lạ thường như vậy. Dù sao, dùng f, dùng z. không phân biệt hỏi ngã… thì được thấy rõ ở tiếng Trung Quốc. Học vấn thì dở dang, văn hóa thì tầm thường... thì dương danh tất trông vào giảo hoạt thiên phú. (xem link bên dưới) Nếu xưa kia HCM được nhận vào trường bảo hộ để phục vụ mẫu quốc, có lẽ ông theo lối ám tả, đơn xin học được thuê viết với vài lỗi văn phạm.

Nếu tôi không lầm, Tàu có nhiều thứ tiếng như Quảng Đông, Hẹ, Tiều… chỉ là các lối phát âm nhưng chữ viết đều giống nhau, cho nên học quan thoại rất dễ. Nghe nói, dân tộc Việt có ngôn ngữ thống nhất hơn các ngôn ngữ khác, nghĩa là nói chung, các vùng có thể hiểu nhau, trừ vài tiếng riêng như ngoài bắc, ốm là bệnh trong khi ở từ Huế vô Nam có nghĩa là gầy.
Nếu mọi người chấp thuận quan niệm dictée francaise và đồng thuận một số qui ước thì chữ viết là một nguồn phúc lợi lớn lao. Nhưng tiếng Việt bây giờ rất bừa bãi; nhưng hãy trở về ký tự. Và trong chuyện nầy mà thôi cũng đã lắm điều.

Một luật sư hiện ở Úc (còn thêm danh hiệu bác sĩ y khoa Huế) cho biết từ rày ông chỉ dùng dấu hỏi mà bỏ dấu ngã trên Facebook. Dễ hiểu vì người Huế không phân biệt hỏi ngã. Nhiều người nêu ý kiến nầy nọ. Có một comment đốp chát: dấu hỏi khác với dấu ngã; ỉa khác với đái tuy gần giống nhau; không lẽ bạn chỉ ỉa không, hay đái không mà thôi!
Nếu ông đem lối viết theo ám ký âm nhạc qua tiếng Anh khi hành nghề thì ông ta ít nhất sẽ dùng một chữ “to” cho ba trường hợp: going to school, too early và two persons.

Nếu ông phải viết một chứng từ gì thay cho thân chủ, một lý đoán theo lối nầy thì thật nguy hiểm. Nhiều trường hợp, phải viết con số và dấu chấm câu bằng chữ, không lẽ luật sư viết: he, she... has to pay to thousands  pounds. Dĩ nhiên ông không làm vì cần sự minh bạch, tòa Úc không xập xị xập ngậu, tòa có thể cấm hành nghề. Vậy sao ông bỏ cách thức nầy trong tiếng Việt. Máy thu âm không phản ứng gì khi thu hai mệnh đề ‘tôi ngồi nghĩ’ và ‘tôi ngồi nghỉ’ không phân biệt hỏi ngã, nhưng một con người nghe đọc như vậy thì nhìn xuống chữ viết để biết kẻ nói đang mệt về thể xác hay đang suy gẫm chuyện gì. Hai hành vi khác nhau vô cùng. Người không phải là máy. Trong một mức độ khá rộng lớn, suy tư chính là ngôn ngữ nói hay viết trong đầu. Nếu một luật sư không phân biệt rõ rệt, không quan niệm rõ rệt thì tôi không dám nhờ biện hộ dù tòa nói ngôn ngữ khác tiếng Việt.

                              

Tiến sĩ Bùi Hiền, người “nắm cặt Mao Hồ và được em gái hậu phương Đoàn Hương nắm cặt hậu thuẩn”, theo lối phát âm ngoài Bắc đã đồng hóa ‘trái chanh’mái tranh’ thành một chữ mới là canh; hỏa châu và con trâu đều là câu. Người ta cố làm cho sáng sủa ngôn ngữ như Ronsard, còn mình thì làm cho tối tăm thêm.

Nguy hiểm và lạ lùng trong tiếng Việt là lối phát âm khác nhau ở phụ âm ch/tr; s/x v/d và luôn cả nguyên âm ây/ay; ít/ích. Còn thêm, tuy không nhiều người nói: d/r, nh/d; nổi tiếng nhất vẫn là lối Hà Lam Linh . Hãy nhìn chữ “VỊT”, nó thành “dịt” và đi thêm thành “dịch”. Người có học tuy nghe: ‘con dịch nầy bị dịch’ sẽ viết ‘con vịt nầy bị dịch’. Hãy nhìn chai bia Con Cọp BGI thì thấy hai chữ: La Ve. Người mình thường đọc tiếng tây cuối với ière thành ‘de’ như ‘vô số de’ tức là số lùi arrière. La bière, tức là ‘La de’ chứ không phải ‘la ve’. (âm ‘dê’ dùng nhiều; pièce de rechange, đồ phụ tùng, Việt hóa là ‘đồ dét’; gens de panier, cái thúng, là ‘ba de’, du côn ngoài chợ).

Tiếng Anh thì may hơn; khác nhau chút đĩnh ở nguyên âm. Ví dụ chữ Stop ở góc đường. Nguyên âm lúc đầu rất ấm, ở cổ gần chữ O có nón, tiến lên mũi thành O; bây giờ gần như A. Xì táp. Nhưng không bao giờ biến qua Shtop, Ztop, Stob, Sdop…Việc ký tự không gặp khó khăn. Tôi có học một giờ tiếng Đức với ông Ferkinhoff ở Huế và nghe nói tiếng Đức không có biệt lệ, trong cách viết và đọc. Mừng cho quê nhà của Beethoven, Brahms.

Có bốn khuôn mặt không dùng chữ viết: Socrate, Jesus, Khổng Tử và Thích Ca. Nhưng chữ viết của môn đệ ghi lại lời thầy vô cùng quan thiết cho sự sống tâm linh của nhân loại. Lối ký tự trong công việc nầy rất rộng lớn nhưng cũng gồm những việc rất nhỏ như hỏi ngã. Trong vòng ảnh hưởng của Tàu, VN cũng như Nhật đọc Hán tự theo lối riêng nhưng quá nhiều đồng âm dị nghĩa, học trò phải xem tự điển thì thấy ký tự khác nhau không lầm lẫn. Chữ “minh” theo cách viết vừa là tối (cõi u minh) và sáng (minh bạch). Vậy thì sao chúng ta bỏ dấu hỏi hay ngã. Nếu ông luật sư hay Mathieu Trần chọn dấu hỏi và viết tự truyện, người đọc sẽ thấy hai đấng nam nhi không bao giờ có chút hoạt động trí nảo, chỉ lo nghỉ mệt ví như vì uống quá nhiều, phung phí sức lực. Nói khác, ông chỉ nghỉ và không bao giờ suy nghĩ.

Ngôn ngữ mang theo mình không gian và thời gian. Hoàng Xuân Hãn đã dùng ngôn ngữ học (so sánh các biến dạng v.v…) để lượng định mức khả tín của sử liệu khi viết cuốn Lý Thường Kiệt (ĐH Vạn Hạnh tái bản trước 75). 1911, để giải thích một chữ mới “fossil poetry” (nền thi ca hóa thạch) để mô tả ngôn ngữ, Glenville Kleiser viết: Words embody facts of history or conviction of the moral common sense; so far as that moral sense may be perverted, they will bear the witness and keep a record of that perversion. (ngôn tự hiện nguyên các sự kiện lịch sử hay sự tin tưởng vào một nền luân lý theo lẽ thường; và ngay cả khi ý nghĩa luân lý nầy đã méo mó thì ngôn từ lại là chứng nhân và mang dấu tích của sự sai lạc nầy). Kinh Di Đà có câu: xứ Cực Lạc không có tội ác huống là các danh xưng tội ác; nhưng theo ngữ học thì nói: xứ Cực Lạc không có tội ác nên không danh từ về tội. Vậy nơi nào có nhiều tiếng về tội ác, có khoa tội phạm học, nơi ấy nhiều tội phạm. Danh từ "Xi đa" (sida, aids) xuất hiện sau khi bệnh aids lan rộng ở VN; bệnh nầy cũng hoành hành ở Lào cho nên cây cầu trên sông Mekông bắc qua Thái được gọi là The Aids Bridge.

Chẳng hiểu bằng cách nào, khoa ngữ học cho rằng phải mất 16…ngàn năm một ngôn ngữ mới thành hình đến mức diễn đạt những ý tưởng trừu tượng mạch lạc, dung hợp tốt đẹp với những điều cụ thể, diễn tả dễ dàng những gì muốn nói; lúc ấy ngôn ngữ là một cây nhân sinh, có đời sống riêng tuy dính liền với đời người và người đời. Tin như vậy thì thành ngữ “bốn ngàn năm VN” chỉ cho thấy sự lâu dài chứ không định lượng thời gian. Văn minh Ấn Hà có chừng 30 ngàn năm, văn minh Âu Lạc có tệ cũng mười ngàn năm.

Vì sao dùng óc địa phương để phá hủy những điều được xây đắp qua thử thách với thời gian. Bạn phát âm không phân biệt hỏi ngã là chuyện của bạn, do cha mẹ sinh ra trong vùng nói như vậy, hãy tiếp tục tự do ấy, người Huế có chỗ nói: ‘âm dạc’, ‘về dà sớm” thay cho âm nhạc, nhà cửa. Nhưng chính vì quyền lợi của bạn và của chung hãy cố sức đến một thuận hợp (consensus). Văn là người, không cần những tác phẩm lớn, chỉ vài dòng đủ để tả nhân dạng của người viết. Bạn đừng lo, lối phát âm đặc thù của từng vùng sẽ không mất đi; ngày nay kỹ thuật ghi âm dư sức đưa chúng vào thư viện hay bảo tàng viện xướng âm (Phonetic Museum).

Một trong những điểm chính yếu phim My Fair Lady chỉ rõ giọng nói ấn định chỗ đứng xã hội của bạn. Cô gái bán hoa phải đi học ngõ hầu có điều kiện cần (chưa đủ) để nhập vô giai tầng quý phái. Không biết bây giờ thì sao, chứ thập niên 1960, Úc vẫn còn phân biệt người nói kiểu uneducated (heoz trong chữ house) và educated (haoz trong house) nhưng nhờ trường học, ai cũng đánh vần như nhau.


Egyptian hieroglyphics
chữ Ai Cập xưa

Tiếng Anh hiện nay là kết quả dung hợp giữa tiếng địa phương (Anglo Saxon) và tiếng gốc La Tinh qua vụ Quận Công Normandie chiếm đảo quốc nầy 1066. Cùng với những ưu điểm tự thân, ngôn ngữ nầy nhờ hổ trợ của đế quốc Anh và vai trò của Mỹ trên chính trường quốc tế, đã hiện diện khắp nơi. Chiến tranh lạnh đã đưa tiếng Anh đến bốn góc trời với phương pháp trực tiếp không trừu tượng như lối dạy tiếng Pháp (định nghĩa và công thức như toán học). Trong một ấn bản chừng 1982, tuần san Times nói ban biên tập của họ tiếp tục đẩy mạnh làm cho Anh ngữ trở nên phổ quát như âm nhạc!? Tham vọng quá đáng nhưng người Mỹ đã gần như thành công diệt trừ sự khác biệt giữa British English, American E, Australian E, Canadian E ...còn cách xa Indian English.

Thế nhưng ngay trên Liên Bang Bắc Mỹ nầy vẫn có một vụ ngôn ngữ thụt lùi như việc hung hăng kiểu Mathieu Trần, chỉ dùng dấu ngã mà không ai hiểu lầm, vì xứ Huế noái dư rứa; đúng vậy, không thể hiều lầm vì chỉ nói những việc như cầm cuốc, thêm cỏ vào chuồng heo; không nói đến những phạm trù như vùng phi tưởng, phi phi tưởng. À mà quên, đi lạc rồi.

Người da đen vẫn quay quắt như trong một câu hát nhiều nghĩa: I want to go home but no home to go. Ưu lo về một quê nhà xa xăm mờ ảo đã thấm vào máu, thành một thứ ‘gene’ từ thời đau buồn nộ lệ, và thời giải thoát với những nỗi buồn và khổ đau khác kiểu mới. Tuần báo Cosmopolitain, tuy chuyên về thời trang, 40 năm trước, đã in một bài tường thuật rất cảm động về một cuộc đi tìm nguồn gốc thành công. Lữ hành kiêm ký giả đã tìm gặp nơi vùng đất Phi Châu nhiệt đới hình bóng chân thật của tổ tiên, vẫn làm những việc như xưa; nhưng ông phải trở về Mỹ như Lưu Nguyễn đến Thiên Thai vẫn phải hỏi thiên tiên đường đâu về quê cũ. Hầu như đây là trường hợp duy nhất.

Trong lúc ấy, nhu cầu tâm lý, tuy hướng về một nơi mơ hồ, đã nẩy sinh một số khuynh hướng muốn khai thông sự ưu uất bởi kẻ có lòng thì ít bên cạnh những hoạt đầu…. Người da đen được khuyến khích theo Muslim qua luận cứ tổ tiên của họ là người Muslim bị bắt làm nô lệ và ép theo Thiên Chúa Giáo. Khuynh hướng bạo động được thổi phồng và hấp dẫn cho nên việc cải đạo thành hình rộng rãi ở các nhà tù. Mơ ước một quê hương một vùng đất được thêm một chút cụ thể dù còn ở danh từ đó là tổ chức Islam Nation của Farakhan. Xưa kia, người da đen thiết tha có con đi học chung với các trẻ em khác, đã phải nhờ chính quyền hộ tống vào trường, thì nay các lãnh đạo chủ trương mở trường học riêng cho người da đen.

Dài dòng như trên chỉ muốn nói ý niệm về một căn cước riêng cần có thêm một yếu tố khác là ngôn ngữ. Họ muốn thay tiếng Anh bằng Ebonic. [Ebony là gỗ đen như gỗ mun làm đủa, cộng với phonetic thành ebonic]. Nhưng ebonic chỉ là một hạ phẩm của tiếng Anh, khai thác lối đọc và viết của người da đen, ví dụ bỏ những phức tạp văn phạm như số nhiều, bỏ những hậu biến inflection; ví dụ: they are young; they parent mà không dùng their parents. Họ nói người da đen bị ép học thứ tiếng của người da trắng.

Khi phải sinh sống với người cai trị thuộc địa như Pháp và Anh, dân bản xứ ở các hải đảo phải bày ra tiếng Créole. Lời của bản nhạc Day O nói về tàu chuối ở Jamaica với tiếng hát Belafonte mang những thành ngữ như me wan go home. Ở hòn đảo thần tiên Tahiti, ma lécole thay cho mệnh đề Je vais à l’école; trong đó đại danh từ ngôi nhất rút lại còn chữ “me”, động từ aller chỉ còn ngôi thứ ba va, đọc qua đọc về thành “ma lécole”. Sự biến chế thành Creole không có gì đáng cười, nó có thể khởi xuất một diễn trình 16 ngàn năm mà môn ngữ học đã nêu ra. Đó là một nhu cầu cần diễn tả; ví dụ vì không bao giờ được phép nói chữ hôn nên phải gọi bú mồm.

Nhưng người da đen không cần phải chế ra một thứ Créole riêng gọi là Ebonic. Người dân thuộc địa không được đi học, còn dân Mỹ thì xe đưa đón tận nhà, cưởng bách giáo dục cho hết tú tài. Vì sao lại bỏ những inflection? Inflection không phải là sáng chế của người da trắng mà đã có từ văn minh Ấn Hà (Indus Valley) ba bốn chục ngàn năm trước. Nhưng cần biết ngôn ngữ là cần câu cơm. Bạn không phân biệt hỏi ngã mà cố làm thánh tướng, bạn viết nói tiếng ebonic không ai hiểu, làm sao người ta sẽ thuê bạn, dù công việc ít giao tiếp. Chớ nên đi vào vết xe nầy.

Phản ứng ebonic, viết bựa Việt ngữ được so sánh như người man rợ chặt cây táo chỉ để ăn một trái táo, trái táo ngông cuồng, tự ái địa phương vặt. Nhưng nhìn qua cách khác, cùng đi xuống với mọi đi xuống khác (và trong xã hội, cùng đi lên thì đi lên hết như thi ca, nghệ thuật, kiến trúc, âm nhạc …). Bỏ qua, phá hủy cái đẹp của tiếng Việt do người Việt, bỏ qua cái đẹp của tiếng Anh bởi nhóm ebonic, cũng như sáng chế danh từ “khu ỉa” cho khu trị bệnh đường tiêu hóa BV Nhi Đồng** nào khác chi người tài hoa bỏ đi những lời âu yếm bên bến xuân mà chim phải ghen, bỏ qua đường thơm bóng gầy tóc ngà, mà chết trong “cái lìn em hôi”. Nghe có buồn không!?

ghi chú:
** hồi ký của Lâm Chương


A-Celebration-of-Women-Feature-Banner-e1352628808407 (1) 512


                                                       

Sunday, December 17, 2017

từ Do Thái đến Ý



Jesus, tranh thủy mạc Thượng Hải
từ Jerusalem đến Rome 
tôn tht tu 


Biết thêm về Thiên Chúa Giáo (TCG) rất cần thiết để hiểu hầu như mọi điều. Từ nhạc cổ điển với Bach, Mozart, từ việc Hitler sát hại người Do Thái… cho đến sự hình thành của Cộng sản QT, cho đến các thuộc địa, cho đến các cuộc thánh chiến. Nói chung là những gì, những nơi, những thời có dính líu ít nhiều đến Tây phương; mà Tây phương gồm cả Liên Sô như Virgil Gheorghiu lưu ý.
Câu hỏi của người bạn "vì sao từ Jerusalem đến Rome", xin giới hạn trong khoảng 400 năm đầu của TCG. Sự hiểu biết của tôi không đủ để diễn tả phần thần học được cấu tạo từ ngày Jesus qua đời. Tôi chỉ nêu vài nét lịch sử.

Do Thái (DT) là là nơi mang tính chất chính trị - địa dư (geopolitic) nặng nề nhất. Nó không những nằm trên ngã ba mà ngã tám ngã mười. Ngay trong huyền sử Thánh Kinh, khi Abraham bỏ đời sống du mục du canh và ngừng bước ở nơi sau nầy là Palestine /Do Thái, ông đã phải đương đầu với người Philistine có trước. Thay vua đổi chủ cứ luân diễn.  Đến thời  tiền sử, cận sử, DT và các nước nhỏ xung quanh là con đường chung của các cường quốc như Ai Cập, Ba Tư, Hy Lạp, La Mã; là bến tàu của Địa Trung Hải và cả Hắc Hải.
 
Hai anh hùng thủy bộ Hy Lạp và La Mã cũng giành giựt nhau, đồng thời để lại cái gọi là văn minh La Hy. Jesus ra đời khi La Mã đô hộ về chính trị nhưng Hy Lạp tiếp tục ảnh hưởng văn hóa, bên cạnh sự thoái hóa của Do Thái Giáo (DTG). Bối cảnh ấy ảnh hưởng đến cuộc đời và tôn giáo của Jesus.

Bản dồ Do Thái vẽ theo Thánh Kinh
Qua nhiều biến cố, các địa danh phức tạp nên tạm nói chung là vùng Judea rộng lớn (như một thời Los Angeles hiểu là Nam Cali). Jesus sinh ở Nazareth trong vùng. Người cha làm thợ mộc; Ông cũng theo nghề nầy, đồng thời thuyết giảng điều sau nầy người ta gọi là Phúc Âm, chính yếu kêu gọi tình thương. Xã hội nhiễu nhương, các vua chúa La Mã tàn ác như cho người đấu với cọp, khi không kịp đem mồi từ nhà giam, thì vua bắt vài quần thần bên cạnh xô xuống hầm thú coi chơi đỡ buồn. Hai lớp người độc ác bên cạnh người dân là các tăng lữ cúng tế sát sanh và bọn cho vay nặng lãi. DTG chỉ còn cái xác phàm như xơ mướp. 
 
Jesus không làm điều hậu thế rùm beng bốc thơm là cách mạng. Ông chỉ muốn DTG không chết chìm trong những nghi lễ vô duyên; nhiều điều hư vọng đã nhảy vào đầu óc của tăng lữ gây nguy khốn cho tín đồ, nghĩa là mọi người; cần tẩy sạch những tà kiến nầy. Biển khổ trước mắt tạo cho ông những thức tĩnh triết học. Khác với những nhà cách mạng bạo động, ông muốn xây dựng công bằng xã hội đặt trên gốc là tâm, là tình thương, đồng thời nuôi dưỡng ước mơ chung là có một đấng cứu thế ra đời, một ý niệm đã có từ lâu, như một di hưởng tiền kiếp nói theo lối Đông Phương. Ông nói đến “Vương Quốc của Cha ta” để làm nơi đến của mọi người, và đi đến bằng tình thương và hướng thượng. 
 
Rừng tư tưởng trong vùng đầy rẫy những học thuyết trừu tượng, ngay cả Phật Giáo từ Ấn đem qua cũng không thiết thực nên không hấp dẫn. Trong lúc ấy, lời rao giảng của Jesus đầy tính cách kêu gọi, đầy trực giác, hướng thẳng vào người nghe. Số người theo rất đông. 12 đệ tử thân cận gọi là tông đồ.
 
Sau ba năm dùi đánh đục đục đánh săn, Jesus cùng các tông đồ đi từng làng một, xuyên qua Palestine để truyền bá tư tưởng mới. Ông tiếp tục vào Jerusalem. Theo Thánh Kinh Do Thái, Jerusalem là vùng đất bên cạnh Palestine được vua David, cháu chắc mấy mươi đời của Abraham, chọn làm đất thánh một ngàn năm trước tây lịch. Ông cũng bị đóng đinh ở chỗ nầy.
Đến đất thánh, Jesus được hoan nghênh nồng nhiệt. Nhưng sau đó, dân chúng ruồng bỏ ông; vì ông không chịu làm người hùng lãnh đạo phong trào chính trị, khôi phục chủ quyền trong tay La Mã. Kẻ thù của ông xuất hiện. Đó là các nhóm thầy cúng chủ trương giết súc vật cúng thần linh và nhóm cho vay cắt cổ.
 
Chúng đưa ông ra giáo tòa Senhedrin về tội phỉ báng Thượng Đế bằng cách tự xưng là con của Ngài. DTG (và Hồi giáo về sau) không chấp nhận sự phân đôi Thượng Đế thành Chúa Cha và Chúa Con. Tòa không kết án tử hình nhưng mượn tay chính quyền La Mã và vu cáo ông xưng là vua của người DT. Toàn quyền Pointus Pilates ra lệnh xử tử vì phá hoại nền cai trị La Mã. Về cái chết nầy, nhiều sử gia không biết hay bỏ qua giáo tòa nầy mà chỉ nói đế quốc La Mã phải trừ diệt hậu hoạn. Kỳ thật cả kẻ bị trị lẫn kẻ thống trị đều muốn Jesus chết.

Những tín đồ đầu tiên của Jesus là người Do Thái. Sau khi sư phụ chết, họ vẫn ở lại Jerusalem cùng hành đạo với người địa phương tại Đền Thánh. Họ không có một danh xưng riêng, âm thầm thành một giáo đoàn (assembly) như một hệ phái, chỉ khác ở một điểm là họ tin Đấng Cứu Thế đã xuất hiện. Họ được để yên cho đến khi họ la to rằng Jesus là đấng cứu thế mà dân DT mong chờ mấy ngàn mấy trăm năm nay. Người DT bắt đầu kỳ thị thanh trừng họ. Tuy gặp khó khăn họ không ra khỏi những tín điều của DTG và không ra khỏi quốc gia Israel.
 
Nhưng mọi sự đã thay đổi cùng cực với sự xuất hiện của một người tên Saul. Saul người DT cứng cỏi, thích thanh trừng môn đệ của Jesus, đã trở đạo và mang tên mới là Paul, là Saint Paul về sau.
Paul là một học giả. Ông đã dùng chữ Hy Lạp Christo, đấng cứu thế, để cho Jesus cái tên đôi là Jesus Christ. Do ngữ căn nầy mà có những chữ như Chúa Ki Tô, christian, christianism, chrétien, con chiên….Paul mở đầu sứ mạng mới là đem TCG đến các người không phải là DT. Ông nêu ra các vấn đề thần học.
Ông nói người christian không tội gì phải thành tín đồ DT; không thể được cứu rỗi bằng những điều luật thành văn hay truyền khẩu của DTG. Chỉ cần tin Jesus Christ là đủ.
 
Với chủ trương lý thuyết của Paul nêu trên,TCG hoàn toàn cắt đứt khỏi nguồn gốc xưa (DTG). Sự đoạn tuyệt nầy còn được khắc sâu bởi hai sự kiện như sau.
Thứ nhất là sự bất mãn trước luận thuyết cho rằng DTG chỉ là sự sửa soạn lót đường cho TCG xuất hiện. Thứ đến là năm 70 TCG dùng đường Jordan trốn chạy qua Hy Lạp tránh nhiệm vụ chống La Mã, cũng như không ủng hộ hai cuộc nổi dậy đòi độc lập năm 115 và 132.
 
Nhưng TCG vẫn được xem và tự xem là một trong ba tôn giáo Abrahamic bên cạnh DT và Hồi Giáo. Ngoài việc lấy Thánh Kinh là nguồn gốc, dân tộc DT còn cho mình là con cháu (nghĩa đen, sinh học) của ông Bành Tổ Abraham. Mahommed tự cho là thuộc dòng máu từ Ismael, con của Abraham và cô tỳ nữ (servant). Jesus nằm trong phả hệ của vua David, bà con bên mẹ. Hồng Y Nguyễn Văn Thuận cũng nói rõ Jesus thụ nhận nét tinh anh của vua nầy.
 
Tôi có dự một buổi giảng đạo của một mục sư Tin Lành. Sau nhiều câu hỏi khó trả lời, ông nói quý vị hãy bỏ cái chuyện Cựu Ước, Cựu Ước là lịch sử của dân DT. Tin Lành chỉ y cứ vào Tân Ước. Roman Catholic có catechisme riêng, không kể Tân hay Cựu Ước. Lời nầy còn nhiều thiếu sót, trả lời tránh né.
 
Tuy Paul mong muốn truyền bá xa hơn biên giới DT, dân của xứ nầy đã cung cấp rất nhiều tín đồ cho Paul lúc khởi sự. Những tín hữu TCG gốc DT cùng chung dân tộc phải rời Israel trong lần xua đuổi cuối ra khỏi quê cha năm 138 khi cuộc tranh đấu độc lập thất bại và vua Hadrian hủy bỏ tính cách thiêng liêng của Jerusalem, đổi tên nước thành Syria Palestina.
Người DT lưu vong kết tụ với nhau thành những nhóm lớn nhỏ gọi là diaspora. Phần lớn sống trong đế quốc La Mã và những phần còn lại của Judea bên ngoài Jerusalem. Người DT và chính quyền La Mã hiểu ngầm với nhau rằng chuyện phục quốc là vô vọng. La mã nới rộng phần nào chính sách cai trị. Phía DT họ điều chỉnh việc hành đạo qua hình thức mới: DTG rabbinic. Đường lối nầy không coi trọng việc đến lễ tại Đền Thánh Jerusalem, vì nào có được phép đến. DTG nay không lệ thuộc vào tăng lữ, vào Đền Thánh, đồng thời không cần một giới đàn trung ương khác phải xây thêm. Nghi lễ cúng tế và sát sanh được thay thế bởi học tập qua sự diễn giải của các đạo sĩ (rabbin), triết gia hay luận sĩ.
 
Trái với sôi động mấy chục năm trước phải đấu tranh giành độc lập, nay giới chủ trương rabbinic rất ôn hòa về chính trị và tạo nên đường dây liên lạc duy nhất trong xã hội DT. Chủ trương nầy đại diện quyền lợi cả hai bên. La Mã thỏa mãn với tầng lớp nép mình nầy và hy vọng số nầy làm cho giới lãnh đạo và giáo hữu chấp nhận nền trật tự được La mã sắp xếp (Pax  Romana). Người DT hưởng cơ hội thuận tiện để tiếp tục sự tự quản và không có ai xâm lấn vào sự hành đạo. 
 
Trong khi người DT tạm ổn trên đường lưu vong, thì khối TCG, trái lại, bị La Mã thanh trừng kỳ thị. Điều nầy rất nghịch thường. DT trước kia gây thiệt hại cho La Mã như khủng bố, không chịu đóng thuế, nay được La Mã ưu ái. TCG lại gặp nạn tuy đã nhiều lần không chịu tham gia chống đối, không chịu tham gia chính sách bài trừ ngoại bang.
 
Trong 138 năm trước khi phải ra khỏi nước chung với mọi người, TCG vẫn phải đối đầu với ác cảm của DT nhưng không có những cuộc thanh trừng từng loạt. Nhiều nhóm nổi dậy như Assassin, Zealot thẳng tay sát hại kẻ cộng tác với La Mã, nhóm tiên phong Rabbinic. Sử liệu cho thấy TCG không nồng nhiệt trong phong trào độc lập, cho nên có sách nói nhiều môn đệ TCG là nạn nhân. Nhưng nếu đúng thì vì lý do chính trị. Như mọi hiện trạng khác trong lịch sử tôn giáo các nơi, việc thanh trừng TCG dựa trên một mớ nguyên nhân nằm dưới nguyên nhân ý thức hệ bên ngoài: TCG không tôn thờ các vua La Mã mà tôn thờ Jesus, không yêu nước.  Người DT đã thành một tầng lớp phủ phục, thân thiện và phục vụ cho La Mã; rất có thể họ đốc thúc nhà cầm quyền diệt trừ nhóm TCG. 12 tông đồ đã có 10 người tử đạo (Juda tự tử và John bạo bệnh).

*****
[Câu hỏi của anh bạn đáng lẽ chỉ trả lời bởi một câu trong Tân Ước: “And so we came to Rome” (Acts 28:14). Tôi nghĩ anh ấy muốn nói cái Rome với đền đài nguy nga cho nên mới kèm gần bốn trăm năm đa sự].
 
Tuy sau nầy chết vì toàn quyền Pilate, Jesus không chịu lãnh đạo cuộc võ trang chống ngoại xâm, vì quan niệm triết lý của ông.  Khi không thể lặn sâu mãi, từ khi Saul xuất hiện, TCG đã âm thầm ra khỏi biên giới DT để vào những vùng khác của đế quốc La Mã. Rome trong câu nói trên không nhất thiết là Rome trong nghĩa hẹp. Dẫu vậy, thủ đô bao giờ cũng hấp dẫn và dễ thở. (Sau 75, thân nhân ngoài bắc vào khuyên nên bám vào thành phố ít kềm kẹp hơn nông thôn). Song song với việc di cư nầy là sự hệ thống hóa các điều gọi là chân truyền từ Jesus hay các tông đồ. Tân Ước nói đến một giáo hội Rome. Giáo hội theo nghĩa chính thì ba người là đủ thành hình, giáo hội, giáo đoàn, church assembly, congregation.
 
Có thể tưởng tượng người DT theo TCG cũng phải sống thành những diaspora. Nếu diasporas thuần túy DT được nối kết với nhau qua giáo lý và các đạo sĩ (đường lối rabbinic), các diasporas theo TCG, gốc DT hay không, được móc nối bởi giáo lý mới. Nếu họ theo kiểu Rabbinic của đồng hương thì không cần một giới đàn trung ương, giáo hội không giáo đường. Tôi không có tài liệu mô tả sự hành đạo trong thời gian phôi thai của TCG. Nhưng không thể rềnh rang hào nhoáng vì đang bị đàn áp. Theo tài liệu hằng năm của Romana Curia, giáo hoàng (giám mục Rome) đầu tiên là tông đồ Peter (Pierre, Phê Rô, Petrus, Pedro) tại vị từ năm 33 đến 64 khi tử đạo. (Theo Tân Ước Mathieu, Peter được Jesus trao cho chìa khóa cửa vào Nước Trời. Trong lúc ấy Discovery TV nói Peter trả lời không biết Jesus là ai khi chính quyền La Mã hỏi trong vụ xét xử Jesus). Tính đến ngày TCG thành quốc giáo, 11 trong 30 người kế vị Peter đã tử đạo.
 
Người DT đã nhiều lần bị đuổi ra khỏi nước và sống khắp đế quốc. Lớp cũ nay theo đạo nhập chung với người mới làm cho giáo hội đông thêm để truyền bá rộng rãi hơn. Vì thiếu người, quân đội vẫn tuyển giáo dân như vua Marcus Aurellius, và nhân dịp thắng trận ông đã bỏ lệnh đàn áp. Việc hủy bỏ không thành luật nên các vua sau vẫn duy trì. 
 
Lúc TCG ra đời, đã có nhiều tôn giáo khác hoạt động bên cạnh nhau. Đế quốc nầy chưa có chính sách đàn áp bất cứ tín ngưỡng nào. Nhưng nay lại kỳ thị tôn giáo mới. Cho dù bị gọi là Tào Tháo, người đọc sử có thể nghi vấn về bàn tay của người DT, lớp người phục vụ La Mã. Chỉ có TCG tấn công nền tảng của DTG bằng cách không công nhận khả năng cứu rỗi của luật có từ thời Moise (Moser). Đế quốc La Mã không thống nhất, trừ vài giai đoạn ngắn, luôn có ít nhất hai hoàng đế và các lãnh chúa vùng; thiện cảm ác cảm khác nhau dành cho tôn giáo nầy. Do đó, TCG phát triển không đồng đều nhưng nói chung là có tăng trưởng.

Tăng trưởng để vượt qua các cuộc đàn áp và có ảnh hưởng với chính quyền. Hơn ba thế kỷ đen tối đã cáo chung bởi việc TCG được hoàng đế Constantine chấp nhận bao dung. Nhưng cần biết không phải tự nhiên nhà vua ban thưởng mà không có sự đóng góp của người thụ ân. Vã lại tiền nhiệm của Constantine đã hủy lệnh bài trừ.
 
Vua Galerius đã ký lệnh hủy thanh trừng năm 311 ít lâu trước khi chết. Con rễ Maxentius, vua Rome, nhờ vậy được sự ủng hộ của cộng đồng TCG để đổi lấy giấy phép bầu giám mục Rome (giáo hoàng) mới là Eusebius. Eusebius giữ ngôi vị nầy trong 4 tháng trước khi bị vua giải nhiệm. Nhưng dẫu sau Maxentius cũng giữ được Bắc Ý trong tham vọng tranh bá đồ vương.
 
Trong chiến cuộc diệt trừ “sứ quân” Constantine, nhà vua không biết “phe ta” đã trở cờ qua phe địch. Eusebius tuyên truyền rằng Constantine, vua cõi Tây Ban Nha, thấy lúc gần trưa từ mặt trời xuất hiện một thánh giá với các hàng chữ Hy Lạp, dịch qua La tinh là In hoc signo, vinces (nhờ dấu hiệu nầy mà chiến thắng). Giáo hoàng còn đưa ra nhiều huyền thuyết khác như mặt trời chiếu nhiều hình là chữ Hy Lạp hàm ý Chúa Christ sẽ đưa Constantine lên ngôi. Cuộc thư hùng xẩy ra mùa hè năm 311; ngày 29.10 Constantine vào Rome giữa tiếng hoan hô của giáo dân. Xác Maxentius chết trôi được vớt lên chặt đầu đem đi khắp thành phố cho dân xem trước khi gởi qua Carthage hăm dọa chủ tướng khu vực nầy.
 
Hai năm sau, 313, Constantine họp với vua Licinius ở Milan cùng ký Sắc Lệnh Milan tuyên bố bao dung toàn diện cho TCG và tất cả tôn giáo khác trong đế quốc; tuy nhiên văn kiện nầy qui định nhiều đặc lợi cho TCG như trả lại tài sản bị tịch thu, bỏ tội truyền đạo…

*****

Constantine là một hoàng đế tàn ác. Tàn ác đối với cả vợ con. Để giải quyết việc truyền ngôi theo ý riêng, tháng 5, 326 ông đã giết con trưởng Crispus sinh bởi bà vợ trước. Qua đến tháng bảy, theo sự hối thúc của mẹ, ông giết hoàng hậu Fausta bằng nước sôi khi bà đang tắm. Cho đến ngày nay không một tác giả nào đồng ý với Constantine rằng hai nạn nhân đã tư thông bất chính. Giết thêm vợ chỉ để che lấp vụ giết con. Tên tuổi của họ trên các đền, bia đều bị đục bỏ, giáo hoàng Eusebius đã sửa sách vở cho đúng với thánh ý. Về sau ông còn giết cháu, con em ruột là Constantina mà ông đã gả bán trong mưu đồ chính trị.

Ông đã tiên phong trong ngành tuyên truyền, tạo cho mình một hình ảnh đẹp vừa thế tục vừa thần thánh. Ông đã dùng nhiều phương tiện bên cạnh quân sự để chiếm và giữ đế quốc; do đó những phát giác gọi là mới về hai mặt dính liền của chiến tranh (quân sự / chính trị) đã có từ lâu. Ông đã đi trước trong chuyện viết lại lịch sử, bốc thơm thằng nầy, bốc thối con kia, nhan nhãn quanh ta, mới hôm qua, hôm kia.
 
Constantine đã làm cho đế quốc La Mã thay đổi sâu đậm: tôn vinh vai trò của TCG, hủy bỏ hệ thống cai trị bởi nhiều hoàng đế và tiểu vương, thống nhất hai vùng đông và tây. Ông đã xây kinh đô mới tại Istambul ngày nay. Constantinople là cái yết hầu, là chỗ nối nhau của Địa Trung Hải và Hắc Hải, là cây cầu giữa Âu Châu và Á Châu. Như một tâm điểm của một vòng tròn chạy qua Nga, Ấn Độ, Iran, Hồng Hải, Tây Âu. Nói khác từ đây đi tắt rất thuận tiện.
[Lực lượng hải quân Nga (và Liên Sô lúc trước) hùng cứ quanh đây. 2013, Nga đã chiếm lại bán đảo Crimea bên kia bờ Hắc Hải trông qua Istambul]. Các nhà chiến lược Mỹ tin rằng nếu Liên Sô đánh chiếm cả thế giới thì Moscou xuống chiếm Thổ Nhĩ Kỳ trước, chứ không phải là Paris, rồi từ đây nhảy vô Âu Châu. Thổ đã chấp nhận lý thuyết nầy nên năm 1964 chấp nhận không can thiệp vào đảo Cyprus để được núp dưới cây dù hạch nhân của Mỹ).
 
Chiến lược gia Constantine thấy Ý dễ bị nguy khổn. Nếu có lực lượng mới xuất hiện ở Ai Cập thì họ sẽ vượt biển đánh chiếm rất dễ. Về thực tế, phía bắc đế quốc có những dân tộc gọi là barbarian như Goth, Germanic hiếu chiến và thiện chiến. Thật vậy, 200 năm sau khi ông chết, miền Tây đã bị nhóm nầy chiếm. Phía Đông nhiều lần muốn hưng binh cứu người anh em (sic) nhưng không thành. 
 
Constantine chấm dứt lối cai trị tập thể khi triệt hạ hoàng đế phía Đông Licinius để thống nhất. Ghi nhớ: đế quốc quá rộng khó kiểm soát nên Diocletin chia làm hai, chỉ cai trị phía đông và giao phần kia cho một người bạn. Nay Constantine gộp chung. Sau kỳ thống nhất nầy đế quốc lại chia đôi cho hai con của vua Theodosius. Khi miền Tây bị tiêu diệt bởi các rợ, thì miền đông còn đứng vững nhờ hệ thống phòng thủ và vị trí chiến lược. Ấy là công trạng của Constantine. 

Năm 395, đế quốc La Mã chia hai: đông  (tím) và tậy (đỏ)

Constantinople, thủ phủ chính trị và thủ phủ của giáo hội Orthodox đã bị suy yếu trong cuộc Thánh Chiến Thứ Tư. Đoàn hùng binh của giáo hội La Mã thay vì đến Jerusalem đánh người Muslim thì vào chiếm và phá hủy đô thị nầy. Vết thương nầy mở đường cho việc đế quốc Ottoman (Muslim) kết thúc số phận của đế quốc La Mã và dồn Orthodox lên phía Bắc đóng đô ở Nga.

 *****

Những dòng  trên đây có phần thừa thải nhưng có thể giúp hiểu thêm vì đế quốc La Mã và TCG không bao giờ tách khỏi nhau. 
 
Cho đến khi chết, Constantine vẫn giữ danh hiệu Pontifex Maximus (Giáo lãnh tối cao) của tất cả các tín ngưỡng tôn giáo trong đế quốc. Với đặc quyền nầy (có từ vua đầu tiên Augustus) ông điều khiển chi phối hoàn toàn TCG. Mãi đến lúc gần chết ông mới xin rửa tội và hứa nếu lành mạnh ông sẽ là con chiên gương mẫu. Việc ngưng đàn áp đã có từ trước theo chiếu chỉ của Galerius, ông chỉ thêm phần trả lại tài sản bị tịch thu. Ông hành động như một chính trị gia. Ông không muốn bất cứ xáo trộn nào, dù về tôn giáo, xã hội v.v…Bất ổn đã xẩy ra trong TCG về thần học; bản thể của Jesus là đề tài sôi bỏng có thể đưa đến những tai họa ly khai, hay bạo động.
Danh từ “ba ngôi”, không có trong thánh kinh, là sáng kiến của các nhà siêu hình học thế kỷ thứ 2 nhưng nội dung ý nghĩa còn tranh cải. Christ là Thượng Đế hay người? hay ở chặng giữa? Christ là kẻ thụ tạo hay không? Giáo sĩ Arius thuộc vùng Ai Cập chủ trương rằng Christ là thực thể thụ tạo (crée, creature) tuy ở trên các thụ tạo khác. Chúa Con không giống, không cùng bản thể với Chúa Cha. Tuy bị khai trừ, ông vẫn được ủng hộ của phân nửa các địa phận trên toàn đế quốc. Nhà vua ra lệnh triệu tập đại hội giáo sự (công đồng) và cho phép Arius trình bày luận thuyết nầy. Trước khi Arius mở miệng hơn ba trăm giám mục đã tuyên bố ủng hộ lập trường Chúa Cha và Chúa Con giống nhau ngang nhau về bản thể. Arius bị án lưu đày; sách của ông bị tịch thâu đốt.
 
Vụ án Arius mở đầu các vụ duyệt xét chính tà. Những khuynh hướng có phần huyền nhiệm (mysticisme) đều bị trừ khử. Nhiều tài liệu đã mất. Tuy mới hai ngàn năm cho đến nay, rất ngắn so với lịch sử các nước như Hy Lạp, Ai Cập, Trung Hoa, thế mà không ai dám chắc Jesus nói ngôn ngữ nào; đa số các học giả cho là tiếng Armenian, nhưng vẫn là một giả thuyết.
 
Từ khi Constantine dời đô qua Rome Mới, sự cách trở địa lý đã âm thầm chia bớt phần nào quyền lực Pontifex Maximus cho Giáo Hoàng. Giáo hoàng thành “Pontif” thực sự khi Miền Tây Đế Quốc La Mã sụp đổ với sự xâm chiếm Barbarian. Tuy trên giấy mực chỉ thành quốc giáo từ 380 qua quyết định của vua Theodosius, TCG đã chiếm địa vị độc tôn. Pontifex Maximus Constantine đã dùng quyền lực loại bỏ các tín ngưỡng khác để củng cố TCG với tin tưởng rằng nhờ đó có ổn định, làm cho các nước bị trị tôn trọng trật tự được La Mã sắp xếp (Pax Romana). Constantine và các kế nghiệp công khai chủ trương phá hủy đền đài, nơi thờ phượng các tôn giáo, ngay ở Hy Lạp. Ngoài việc đốc thúc phá hủy một số lớn tác phẩm điêu khắc và kiến trúc, Theodosus còn cấm tổ chức Thế Vận Hội Olympic từ 393 (mở lại 1896). Vua nầy có nhiều điểm giống Constantine: triệu tập các đại hội giáo sự giải quyết các vấn đề thần học, tước quyền các giáo lãnh bị xem là tà đạo, và đến lúc gần chết mới chính thức chịu rửa tội. 

Brosen icon constantine helena.jpg
Constantine và mẹ điều được phong thánh St Constantine & Ste Helena

Điểm cuối: nhiều người hời hợt đã ví Asoka với Constantine, một sai lầm trầm trọng. Hai người nầy chỉ gặp nhau ở điểm đều là vua nước lớn. Asoka đã dùng binh lực để chinh phục, nhưng thấy cái vô nghĩa của chém giết nên đã tìm về tôn giáo. Ông ủng hộ Phật Giáo và cho đến chết vẫn có cuộc sống đạo đức, không biến PG thành quốc giáo. Constantine dùng quân lực làm vua miền Tây và sau đó toàn đế quốc. Ông đã trên thực tế công nhận TCG là quốc giáo (hợp thức hóa bởi Theodosius); ông tiếp tục những việc như giết con trưởng, giết vợ, giết cháu, làm gương xấu cho thế hệ sau tương tàn gấp bội.
Tuy giúp đỡ PG phát triển, Asoka không đàn áp các tôn giáo khác, không can thiệp vào giáo lý. Có sự khác biệt nhỏ giữa nhà sư em ông và một nhóm khác, nhưng Asoka không chút ganh ghét hay cầm tù, phát vảng. Ông chỉ cấm sát sanh để cúng tế và hủy bỏ án tử hình.
Constantine có cấm hai điều khá thú vị dành riêng cho người Do Thái. 1- cấm bắt hay mua người TCG làm nô lệ. 2- cấm đè nô lệ “hợp pháp” ra mà cắt qui đầu. (circumcise)./-


                                       Hover to preview or click to install vintage fabric_03