add this

Sunday, October 28, 2018

cà phê thành nội



Image may contain: tree and outdoor
Chợ Đông Ba xưa với những "ki ốt" cà phê
cà phê thành nội

thuongcangthuquan wordpress

Đi trong mưa tầm tả qua cầu Trường Tiền mới thấy thành phố Huế buồn rầu. Mà biết Huế gần bốn chục năm rồi có bao giờ tôi thấy Huế được vui. Sao vậy? Chắc vì Huế là chứng nhân sự tàn tạ của một triều đại, của cả một lớp người. Mà đã tàn tạ thì làm sao còn vui được?
Lại nghĩ về tính khí trẻ con của mình tồn tại cho tới bây giờ mà mắc cỡ. Nói vậy nghĩa là già hay tàn tạ sẽ không còn vui tươi được? Nghĩa là nếu già háp mà còn vui tươi xí xọn làm ra vẻ trẻ con nhí nhởn sẽ bị coi là “già mất nết”?
Đó là chuyện con người, còn chuyện của một vùng đất thì có khi lại khác. Hà Nội đã ngàn tuổi rồi mà sao tự nhiên bây giờ ai cũng thấy nó rộn ràng xôn xao lộn xộn quá vậy? Nhiều khi thấy Hà Nội đang rộn ràng theo cái cách riêng của nó thì người miền khác cảm thấy khó chịu vô cùng.
Còn Huế mới bốn trăm năm tuổi già mà sao lại buồn rầu chán nản quá vậy? Có cái gì lấn cấn trong nỗi buồn rầu đó? Trời mà biết được.
Ra Huế mỗi năm nhưng thấy Huế không thay đổi lắm, Huế vẫn nghèo nghèo âm u như mấy chục năm trước. Người Huế vẫn ăn nói chừng mực thâm trầm, luôn tỏ vẻ quí phái dù có khi đang nghèo rớt mồng tơi, chắc có lẽ máu quí tộc máu quan lại vẫn còn chảy trong huyết quản dù thời thế đã khác xưa nhiều lắm. Bây giờ tính chung cả xứ Bình Trị Thiên may ra chỉ có người Quảng Bình, người Quảng Trị mới làm quan to được chớ có mấy người Huế nội thành được làm quan. Thế nhưng khi trò chuyện, người Huế vẫn luôn cố tạo ra một khoảng cách cao sang nào đó với người đối diện.
Nghe tôi nói vậy anh bạn người Huế trách: Tư tưởng phân biệt vùng miền. Mấy anh người Quảng Nam hay Sài Gòn trước giờ đâu có thích người Huế, họ nói người Huế cao ngạo thâm hiểm. Anh cũng nghĩ vậy, có phải không?
Tôi đáp:  Có lẽ tính chất Huế và Quảng Nam khác nhau xa quá, người Quảng Nam thì bổ bã, nói chuyện phát âm khó nghe thấy mẹ nhưng thích nói thật nhiều, khi ai tỏ vẻ khó chịu thì chửi người đó không chơi được. Còn người Huế thì ít nói, mà hễ mở miệng thì phải văn hoa, phải tỏ ra vẻ quí phái bề trên cho người khác sợ…
Anh bạn người Huế không thèm nói gì thêm, chỉ cười mĩm chi.
Vượt cơn mưa buổi sáng qua cầu Trường Tiền tôi và anh bạn vào Thành Nội uống cà phê Lục Bộ. Hội sở Lục Bộ của thời Nguyễn ngày xưa nay được giao cho tư nhân khai thác, họ bán cà phê, các thức uống thông thường và các sản phẩm mang chất Huế như Trà Cung Đình, Rượu Minh Mạng, Trà Ngự, nón lá, áo dài, phấn nụ, tranh sơn mài…
Nói thực, mấy món đó người tây du lịch cũng không chuộng mà người ta nghèo như tôi cũng chẳng dám bỏ tiền ra mua. Thấy đồng tiền bỏ ra không đáng.

Image may contain: one or more people and outdoor
cà phê Lạc Sơn ngày nào
Việc bán buôn trong Lục Bộ giao cho mấy em nữ sinh viên nhỏ tuổi không được chuyên nghiệp lắm nên quán cà phê và các cửa hàng trưng bày trong Lục Bộ rất vắng khách, nhất là sáng hôm ấy trời mưa dầm dề. Cà phê phẩm chất kém, đắng ngắt, không thơm tho lại cho rất ít đường. Trà thì lạnh tanh, cung cách tiếp đãi của các em rất chậm chạp.
Anh bạn Huế hỏi tôi: Chờ cà phê sốt ruột hử? Ở Huế người ta làm cái gì cũng phải khoan thai chớ không vội vàng hấp tấp như ở Sài Gòn.
Anh ấy gọi cô sinh viên lại và bảo: Anh muốn uống trà lài. Cô sinh viên nhỏ chậm chạp lấy cây dù che mưa bước ra khoảng sân ướt hái mấy nụ lài trong tay đem vô bỏ ngay vào ấm trà lạnh ngắt. Tôi khó chịu: Ai mà uống trà kiểu gì kỳ vậy? Nước lạnh ngắt lại cho lài tươi vào. Anh không sợ bị đau bụng sao?
Anh bạn ấy chẳng nói gì, chỉ cười mĩm chi.
Cà phê Huế khác cà phê Sài Gòn. Ly cà phê đen đá là một ly thủy tinh có một chút ít cà phê pha sẵn và bỏ một cục đá to chớ không đập vụn ra như ở Sài Gòn. Giá ly cà phê hai mươi ngàn đồng tuy không mắc nhưng không đáng đồng tiền vì phẩm chất kém và cung cách phục vụ của các em sinh viên cũng chán.
Các hàng hóa địa phương, rượu, phấn nụ, bánh đậu xanh, mè xửng… bao bì không được bắt mắt, thấy nó nghèo nghèo ướt ướt làm sao ấy, nhưng giá lại khá cao so với ngoài chợ Đông Ba. Dạo một vòng qua mấy phòng trưng bày sản phẩm tôi thở dài nói với anh bạn: Buôn bán kiểu này ở Sài Gòn chắc chết sớm!
Mấy em nữ sinh viên nữ bán hàng hay phục vụ trong quán Lục Bộ tuy lễ phép nhưng không có được tác phong buôn bán hay tác phong dịch vụ như mấy em ở Sài Gòn. Mấy em rất thờ ơ với khách, không tha thiết mời gọi khách mua hàng. Ngồi uống cà phê, tôi thấy có mấy người khách du lịch Tây và Việt đội mưa bước vào Lục Bộ, họ lướt sơ một vòng rồi vội bước ra chắc vì không có ai ngỏ lời chào mời mọc.
Hỏi thăm mấy em nhỏ mới biết sinh viên ở Huế xin đi làm thêm nhận được tiền công khá thấp. Mỗi em làm thêm tối đa năm tiếng một ngày với giá ba mươi lăm hay bốn chục ngàn đồng một ngày công. Chắc vì tiền công ít quá nên mấy em ấy không tha thiết lắm với chuyện bán buôn hay phục vụ khách hàng, tôi cũng chẳng thấy người quản lý nào đốc thúc công việc để mấy em ấy làm việc hay hơn.
Tôi hỏi mấy em phục vụ đang ngồi tụ lại rì rầm trò chuyện trong quán vắng: Vậy một tháng trừ các ngày nghỉ ra mỗi em nhận chưa tới một triệu đồng? Các em sinh viên ấy e dè nhìn nhau rồi trả lời tôi: Dạ đúng vậy thầy ạ. Sinh viên tốt nghiệp các trường ở Huế lương khởi điểm một tháng ba triệu đồng là tối đa, còn chúng em đang đi học xin đi làm thêm một tháng được gần một triệu là tốt lắm rồi.
Tôi lại hỏi: Lương ba triệu một tháng thì sống làm sao? Mấy em lại nói hết sức nhỏ giọng: Vẫn đủ thầy ạ. Nếu không có gan vào Nam kiếm việc lương cao thì đành sống ở Huế với số lương ấy rồi từ từ kiếm việc khác làm thêm để tăng thu nhập. Không nên vội vàng thầy ạ. Đời người còn dài, sông có khúc người có lúc, làm người phải biết hy vọng thầy ạ.
Tôi quay sang nhìn anh bạn Huế rồi lắc đầu: Nghe mấy em đó nói vậy chớ tôi không tin là mấy em đó đang hy vọng. Anh bạn hỏi: Sao anh không tin? Các anh người Sài Gòn thì ưa bi quan suy luận suy diễn lung tung. Như tôi đây làm việc cho Nhà nước ở Huế gần ba chục năm rồi mà lương cũng chưa tới chục triệu, thế mà con tôi mấy đứa có đứa nào phải thất học đi ăn xin đâu. Vợ tôi cũng đâu có phải chạy vạy kiếm tiền nuôi chồng nuôi con đâu. Sao anh đa nghi quá, hay là anh nghĩ tôi ăn xén ăn bớt của cải nhà nước mới đủ sống?
Anh bạn cán bộ người Huế nói chuyện tiền lương làm tôi nhớ tới mấy câu chuyện lương và bổng thời bao cấp của mấy chục năm trước. Lương dù không bao nhiêu nhưng người ta vẫn sống được và thậm chí vẫn giàu được nhờ có bổng. Chắc anh bạn của tôi bổng lớn lắm đây, còn mấy em sinh viên nhỏ bán hàng hay bán cà phê trong Lục Bộ thì làm gì có bổng.
Tôi thở dài. Anh bạn Huế mắng tôi: Lại thở dài, tôi chán các ông Sài Gòn thật. Mắng xong anh ấy nhoẽn miệng cười mĩm chi một cách rất hiền hòa và quí phái.
Gọi tính tiền ba lần và chờ khoảng mười lăm phút một em sinh viên mới chầm chậm bước ra đưa cái bill ghi bốn chục ngàn tiền nước. Đưa một trăm ngàn chờ mãi em ấy mới đem ra sáu chục ngàn thối lại. Tôi hỏi: Sao lâu quá vậy em? Em ấy trả lời: Sáng giờ chúng em chưa bán được gì nên không có tiền thối lại thầy ạ.
Anh bạn đưa cho em sinh viên tiền (pour) boire hai chục ngàn, em ấy lễ phép nhận nhưng không lấy gì làm vui vẻ, chỉ thỏ thẻ: Chúng em cảm ơn hai thầy.
Anh bạn nói với tôi: Tính chất Huế là như vậy đó, họ không thích nhận tiền “boire”. Mà họ có thích họ cũng không bao giờ tỏ vẻ vui mừng quá đáng. Tôi lẩm bẩm: Lương một ngày có ba mươi lăm ngàn, ai mà vui mừng nổi. (13-12-2016)



Thursday, October 18, 2018

già dịch, phiếm luận




rượu Minh Mạng

già dch
Hoàng Đức

Tôi hoàn toàn mù tịt về xuất xứ của hai chữ già dịch. Chẳng biết danh từ kép này do ông, bà nào sáng chế để miệt thị những đấng liền ông, ít nhất cũng đến tuổi ngũ thập tri thiên mệnh chứ dưới năm mươi thì ai dám gọi là lão già.

Đấy là tôi nói đến cái chữ già theo như quan niệm tuổi tác ngày nay chứ như thời xa xưa lúc nền y học đang còn phôi thai thì mấy ai sống thọ đến tuổi năm mươi. Chẳng thế mà trong sách truyện ngày xưa khi mô tả một người đàn ông ngũ tuần thì bao giờ cũng là: một ông hay lão già trạc tuổi năm mươi hay trang trọng hơn thì sẽ là một lão trượng tuổi ngoài năm mươi.

Các vì vua chúa của ta và Tàu cũng thế, dù hưởng không biết bao nhiêu là của ngon vật lạ trên đời, phục dụng không biết bao nhiêu là phương thuốc thần diệu mà rốt cục cũng chẳng mấy vị sống quá năm mươi. Có lẽ vì ông vua nào cũng xài phương thuốc của vua Minh Mạng nước ta: Nhất dạ lục giao sinh ngũ tử nên sức lực chóng hao mòn và ông nào cũng muốn thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, nhấn hết ga, tận hưởng lạc thú trên đời cùng tam cung lục viện nên ông vua nào cũng chóng già dù cố gắng kéo dài tuổi thọ bằng cách sai người đi tìm thiên niên hà thủ ô hay thiên niên tuyết sâm hay linh chi thảo, các vị thuốc hiếm quý trong truyền thuyết. Thời xa xưa, tuổi thọ thật ngắn ngủi nên mới có câu thất thập cổ lai hy.

Bây giờ, với tiến bộ của y học, tuổi thọ của con người đã gia tăng quá sá quà sa, so với thời xưa. Chỉ cần lật báo hàng ngày, tò mò đọc các cáo phó sẽ thấy ngay các cụ quy tiên đa số đều quá tuổi bảy mươi, thậm chí có vị còn vượt qua con số trăm năm trong cõi người ta. Phải dài giòng văn tự loạn bàn về cái già sồng sộc nó thì theo sau như thế để thấy rằng bây giờ muốn gọi ai bằng ông già thì ít nhất người đó cũng đang đi trên đường số 7. Dĩ nhiên trong hạng tuổi này có cụ vẫn còn phong độ và nhất định bảo mấy em đừng gọi anh bằng chú.

Tôi có ông bạn tuổi đời 6 bó, thân thể còn tráng kiện, mặt mày phương phi, quắc thước, dáng dấp còn "ngon cơm ngon canh" lắm, chỉ phải cái tội lười biếng không chịu làm đẹp, níu kéo tuổi xuân "bán nguyệt nhất kỳ đáo thẩm mỹ viện", nửa tháng một lần đến mỹ viện nhuộm tóc nên mới thoáng nhìn sơ qua, ai cũng biết là tuổi không còn "xoan" nữa. Lúc về thăm quê hương, một hôm, sau khi chễm chệ trên xích lô dạo chơi thành phố, nơi chôn nhau cắt rún, lão ta nhảy xuống xe, trong bụng nghĩ là phải "bo" cho anh chàng đạp xe một ít tiền xài chơi nên hỏi anh chàng bao nhiêu tiền cuốc xe vừa rồi. Anh chàng đạp xe kính cẩn thưa:
"Ôn cho bao nhiêu cũng được."

Dân Huế, chỉ dùng chữ ôn để gọi các cụ già khú đế, gần đất xa trời vì thế ông bạn tôi lòng hậm hực, không vui và tiền "bo" bị giảm bớt khá nhiều theo như ông ta thuật lại cho tôi nghe. Phải chi anh chàng đạp xe xích lô bảo là "Anh cho em bao nhiêu cũng được" thì chắc chắn là có món tiền "bo" lớn rồi. Ông bạn tôi như vậy là đã lọt vào danh sách của những ông già dịch rồi đó, quý vị có biết không?

Già, là bắt buộc, dù không thành văn tự, trên dưới 60 tuổi đời. Còn "dịch" thì thật là thiên hình vạn trạng vì trên đời có rất nhiều thứ dịch như dịch tả, dịch hạch, dịch cúm người và hiện nay là dịch cúm chim vv....Tôi dịch y chang chữ "bird flu", xin quý vị đừng xuyên tạc chữ chim nhé. Tiếng Việt Nam ta vốn giàu nên chỉ có một sự vật mà có thể dùng không biết bao nhiêu từ ngữ để diễn tả. Vậy để được mang danh già dịch các lão già phải có những hành vi hay ngôn từ mang không nhiều thì ít tính chất dịch trong đó mới xứng đáng với hai chữ có tính cách miệt thị nhưng đôi lúc cũng là một lời mắng yêu, rất dễ thương và xúc động lòng già khiến cho bần đạo thấy phơi phới trong lòng.


Thử tưởng tượng được một kiều nữ mắng: cái anh già dịch này nữa... kèm theo một cái nguýt mắt dài bằng một cây số thì dù bạn đang đi trên đường số 6, số 7 hay số 8, tôi chắc bạn cũng sẽ động lòng xuân mà nhoẽn miệng cười phô hàm răng trắng bóng đều đặn như hạt bắp Cồn xứ Huế vì người già ở Mỹ ai cũng được quỹ an sinh xã hội tặng cho một hàm răng để cười với đời.

Thật khó xác định như thế nào thì gọi là già dịch. Cũng những ngôn từ đó, những hành vi đó, nhưng xuất phát từ một thanh niên thì không bị buộc tội là dịch. Trái lại nếu là một trưởng lão thì lại bị mắng là già dịch. Đúng là không công bằng! Không còn gì là "kính lão đắc thọ". Thời đại văn minh nên tôn ti trật tự trong xã hội bị đảo lộn tùng phèo! Thôi thì cũng đành chịu vậy!

Thông thường, theo ngâm cứu vừa sâu vừa rộng của tôi, (chứ không phải "sâu sát" như ngôn ngữ của mấy ông ngoài Bắc) hai chữ già dịch nhắm vào những ông già có hành động và ngôn từ mang tính chất trăng hoa, trai gái, bờm xơm kiểu "ông thầy", những hành động và lời ăn tiếng nói liên quan đến vấn đề "sex) hay nôm na văn chương hoa lá cành là những vấn đề liên quan đến tình dục. Tỷ dụ như một anh già bảy mươi lò mò về Việt Nam nhờ mối mai, quăng tiền dollars ra để dụ dỗ gái tơ hay cưới vợ bé, vợ mọn thì chắc chắn một ngàn phần trăm sẽ bị gọi là già dịch không chạy trốn đi đàng nào được hết. Kể ra thì cũng khổ cho mấy ông già còn động lòng xuân, tuy tuổi già nhưng tâm hồn còn non trẻ. Ngày xưa, cụ Nguyễn Công Trứ gặp gái tơ trên cánh đồng trống đã khai báo lý lịch tuổi tác là: "Ngũ thập niên tiền nhị thập tam" đâu có nghe ai dám bảo cụ là già dịch đâu mà trái lại còn khen ông cụ có số đào hoa, bay bướm, phong lưu mã thượng.

Tuổi tuy già mà chưa cần đến các loại thuốc trợ lực như rượu thuốc ngâm tắc kè, rắn mối, rắn hổ mang, cóc nhái, ễnh ương hay hải cẩu bổ thận hoàn, sâm nhung, Viagra, Cialis, thì tại sao lại không cho mấy ông già này tiến thêm một bước nữa mà lại bắt mấy lão ta phải dậm chân tại chỗ chờ ngày thường xuyên thấy quả lắc đồng hồ ngày đêm miệt mài chỉ 6 giờ. Thế có phải là bất công không?

See the source image
trà bông cẩn (dâm bụt) uống vô bụt cũng thành già dịch

Thiếu gì trường hợp "Lão bạng sanh châu!" Nói thế thôi, chứ mấy ông cụ này chỉ hăng tiết vịt một đôi lúc thôi, chứ đa số chỉ đốt pháo xì, đạn dược lép cả rồi nên vì vậy mới bị mắng là "già dịch". Các ông già này dù cho có xài hỗn hợp Viagra cọng thêm rượu thuốc Minh Mạng thì cũng không thể nào "nhất dạ lục giao sinh thất tử" được. Quý vị thường nghe "sinh ngũ tử" chứ chưa bao giờ nghe "sinh thất tử" vì quý vị quên rằng y học ngày nay tiến bộ vượt mức, nếu kết hợp Đông Tây y vào với nhau thì lục giao rất có thể sinh 7 nhóc con vì có một lần sinh đôi. Quý vị không tin tôi ư? Ngày nay, các người hiếm muộn đến gặp các bác sĩ chuyên khoa sẽ được họ đề nghị cho một cặp sinh đôi tức là "mua một biếu một" chỉ trả tiền cho một lần giúp thụ thai mà sinh được một cặp trai hay gái tuỳ thích. Thế thì có phải là lục giao sinh thất tử không nào?


Trên đây là một loại già dịch rất phổ thông đại chúng. Còn nhiều loại nữa vì chữ dịch mang rất nhiều biến thể. Tôi xin kể hầu quý vị một loại dịch khác:
Số là có hai ông già Việt Nam ngồi nhấm nháp trong một tiệm ăn, thấy cách đó mấy bàn một cô gái mắt xanh, tóc vàng đang ngồi xô lô. Hai ông bèn hứng chí phê bình văn nghệ, văn gừng vung vít bằng tiếng mẹ đẻ, bàn loạn lung tung về núi đồi sông lạch của thiếu nữ hơ hớ tuổi xuân. Một lát sau, thiếu nữ khi rời quán hàng, đi ngang chỗ hai ông già ngồi, đã đứng lại phán rằng:
"Hai bác ăn nói trây quá! Già không nên nết, đúng là già dịch!"

Hai lão già thiếu đường cắt mặt quăng cho chó gậm vì nãy giờ tưởng thiếu nữ là Mỹ chính gốc hay ít nhất cũng là Mễ trắng ăn đậu quanh năm, ai dè cô ta là dân Việt Nam có 50% máu Mỹ.

Câu chuyện thật 100%, hai ông già này hiện đang chơi Tennis với người kể câu chuyện tiếu lâm tân thời này. Dân Viêt Nam ta ở bên Tây, thuở chưa có ngày 30 tháng Tư, lúc mà dân Việt Nam ta chưa sinh sống nhiều ở ngoại quốc như ngày nay, thường cuối tuần hay tụ tập tại tiệm ăn để tha hồ văng tục vô tội vạ bằng tiếng mẹ đẻ để xã soupape, để vơi đi ẩn ức tình dục và để ôn lại ngôn ngữ của quê hương sợ một ngày nào đó quên mất tiếng mẹ đẻ. Hai ông già dịch trong câu chuyện trên đây cũng đang xã soupape, không ngờ lại bị tổ trác, ngậm đắng nuốt cay, có miệng mà như ngậm hột thị chẳng nói năng gì được trước mặt cô gái mang hai giòng máu Việt Mỹ trong người mà máu cha mạnh hơn máu mẹ nên mới làm cho hai ông già mắc mớp.

Cũng là già dịch nhưng dễ thương hơn, tức là thành phần trí thức hơn, thưòng hay tụ họp nhau để ăn uống, tán láo và ôn lại những kỷ niệm thời xa xưa, tán gái cua đào, lăng nhăng đủ ba mươi sáu thứ chuyện trên trần thế, nhắc lại chuyện xưa tích cũ đại loại như là:

"Tao mới gặp con XYZ, trời ơi, ngày xưa nó đẹp như thế, tau mê nó như điếu đổ thế mà ngày nay tau không thể ngờ nhan sắc tàn phai thảm hại khiến tau phải tự bảo từ nay nhất định không muốn tìm gặp lại cố nhân nhan sắc một thời để khỏi phải ngậm ngùi tiếc thương."

Lão già phát ngôn như trên, cùng một trang lứa với tôi, lão ta ngậm ngùi vì vết thời gian hằn rõ nét trên gương mặt giai nhân nhưng lão ta quên nhìn mình trong gương để thấy rằng thời gian cũng đã không buông tha cho lão ta. Đúng là thấy người mà không ngẫm đến ta. Nhưng đấy mới là cái dễ thương của ông bạn già, ông chỉ nghĩ đến tha nhân mà quên bản thân. Nhưng ông ta vẫn bị gán cho hai chữ già dịch nếu có người nghe được những phát ngôn của ông liên quan đến một vấn đề mà người ta không muốn cho những ông già tuổi ngoại lục tuần bàn loạn đến vì đã qua rồi cái thời vàng son tuổi ngọc mộng mơ. Thật là bất công không thể nào nói hết được! Tức chết đi được mà phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Chẳng lẽ bây giờ về than thở với vợ ư? Đừng có chơi dại mà tâm sự với vợ về những chuyện này. Chắc chắn 100% là sẽ không được thông cảm mà trái lại còn bị nguýt xéo kèm thêm một tiếng "hứ" kéo dài như còi xe lửa và sẽ vuốt mặt không kịp với hai chữ "già dịch" tuôn ra ngay lúc đó.

See the source image Tôi tự hỏi tại sao chỉ có lũ đàn ông chúng tôi bị mắng già dịch mà các bà thì lại "bình an như người lành dưới thế. Hoạ hoằn lắm mới nghe được 3 chữ: bà già giết giặc, nhưng ý nghĩa miệt thị nhẹ nhàng hơn nhiều.

Riêng tôi, tôi chỉ thích được nghe mắng yêu, đặc sệt giọng Nam Kỳ Quốc: "Thật là cái anh dịch dzật gì đâu...!" Nghe ra âu yếm làm sao! Quý vị có đồng ý với tôi không? Nếu đồng ý thì cố gắng đi kiếm cho ra người có thể mắng bạn như thế cho lòng xuân phơi phới, thấy mình vẫn còn đường tương chao tức là còn nước, còn non, còn cô bán rượu anh còn say sưa.-






Thursday, October 11, 2018

mả quan, Phạm Lưu Vũ

Image may contain: tree, plant, sky, outdoor and nature
lăng vợ vua Đồng Khánh
mả quan
Phm Lưu Vũ

Cánh đồng Mả Quan làng tôi thẳng cánh cò bay. Năm hai vụ lúa xanh tốt bời bời. Vào lúc lúa uốn câu, đêm đêm đi qua nghe tiếng cá rô nhảy lên đớp thóc, cứ như những tiếng chép miệng của ai đó ở giữa cánh đồng. Sở dĩ có cái tên đó, là vì ngày trước toàn khu vực là lăng mộ của một ông quan to lắm, giờ chỉ còn sót lại vài cái gò nhỏ lọt thỏm, nhấp nhô giữa biển lúa xanh. Cái gò nằm chính giữa có một cây cổ thụ già cỗi, mốc meo, dùng làm chỗ buộc trâu, buộc bò…

Hồi nhỏ học cấp hai, lũ học trò chúng tôi tham gia đào một con mương thủy lợi cắt qua cánh đồng này. Trật ra một tấm bia đá có đục chữ Nho. Ông đồ Tỉnh làng tôi đọc: “nhật nguyệt chứng do dư, Thạch Tổ chi đại trủng”, giảng là mả lớn của ngài Thạch Tổ, có mặt trời, mặt trăng làm chứng. Té ra ông quan kia họ Thạch. Đào xuống dưới nữa gặp quan tài bằng gỗ hương dày cỡ gang tay. Người lớn thì e ngại, trẻ con chúng tôi vốn chả sợ gì, háo hức lấy xà beng bật nắp quan lên, chỉ thấy bên trong toàn bùn đen có mùi thum thủm, mùi gỗ hương ngào ngạt cũng không át nổi, mấy ngày mới tan.
Họ Thạch trong làng biết là mả tổ, bèn ra xin tấm bia về lập bàn thờ, rồi mời thầy về cúng mấy ngày, hương khói cứ lặng ngắt như tờ. Đến ngày thứ ba khói hương mới bắt đầu lay động thì đúng lúc ấy, bát hương nhà hàng xóm phía Tây tự dưng bốc hỏa ngùn ngụt, tiếng chân hương cháy lách tách như thể reo vui. Cả làng một phen kinh ngạc, đúng là cúng nhà bên Đông, động nhà bên Tây…
Nhà hàng xóm phía Tây họ Hoàng. Thì ra có dính dáng đến nhà họ Thạch, câu chuyện này giờ trong làng chỉ còn ông đồ Tỉnh là người biết rõ tường tận.
Thuở ấy Hoàng Tổ và Thạch Tổ là hai người cùng làm quan to trong triều. Vì tranh chấp đất Cửu Khâu nên hai nhà kình nhau ra mặt, cả nước bấy giờ đều biết. Nguyên ngày trước có một vị là Đỗ Tờ chân nhân, một hôm đi qua vùng này, trỏ vào đất ấy mà bảo rằng có chín con rồng châu đầu vào đấy đùn lên thành cái gò, chính giữa gò có tổ mối rất to, xung quanh có chín cửa, bèn đặt tên đất là Cửu Khâu. Chỗ cái gò chính là nơi kết huyệt đế vương.

Image may contain: plant, outdoor and nature
mộ xưa ở Huế mất bia đá
Hoàng Tổ nghe chuyện bèn tìm cách mua bằng được chỗ đất ấy. Sau Thạch Tổ cũng biết nên tìm cách đoạt lại. Thạch Tổ vừa có thế lực, vừa có lực lượng, kết quả đã đánh gãy sống lưng Hoàng Tổ rồi chiếm lấy cái gò. Thời ấy Cửu Khâu chỉ là một cái gò hoang, trên cây dại thì chim cú làm tổ, dưới bụi rậm thì chồn cáo đào hang… Sau khi chiếm được gò, Thạch Tổ nhân đà cướp thêm những khoảnh ruộng xung quanh rồi mở rộng mãi ra, lại cho làm một con đường đi qua, đào một tuyến kênh đổ thằng ra sông Cái… đất Cửu Khâu bỗng trở thành một nơi sáng sủa, chim cú bỏ đi thì phượng hoàng về đậu, chồn cáo bỏ chạy thì mãng xà tìm đến trấn chạch… trên thì mây lành quấn quýt, dưới thì phong thủy hữu tình… Thạch Tổ chết, con là Thạch Tôn nối nghiệp, liền biến đất Cửu Khâu thành khu lăng mộ, cung điện lộng lẫy, vườn thắm ao quỳnh mênh mông bát ngát rồi đưa cha về táng vào chỗ ấy, đổi tên thành Đại Trủng Cát Điền, song dân trong vùng cứ nôm na vụng gọi là Mả Quan.

Đại Trủng Cát Điền có hàng rào bao quanh, có người chăm sóc, trông coi đàng hoàng, kể hàng trăm người, bốn mùa hương khói không khi nào dứt. Thạch Tôn làm xong lấy làm mãn nguyện lắm, ung dung ngồi hưởng lộc đợi ngày mả phát, hy vọng con cháu có thể nhòm ngó đến tận ngôi đế vương.
Trái với họ Thạch, con Hoàng Tổ là Hoàng Tôn thì lụn bại, trở về làng làm một gã nông phu, tài sản lớn nhất chỉ có một con bò cái. Năm ấy đẻ một con bê đực rất đẹp, mặt chữ “lập”, sừng chữ “miên”, tai như lưỡi liềm, mũi như búa tạ, mõm đỏ như son, răng đen như ngọc… Nó đứng dậy thì cổ như đèo Ngang, lưng như đèo Cả, bước đi thì hếch mõm như trò truyện với giời, móng gõ vang như khánh đá, cốc nước đặt trên bàn thờ cũng phát ra tiếng lanh canh. Hoàng Tôn lấy đó làm cái điềm độc tôn kinh dị, vì thế quý con bê lắm, suốt ngày chăm bẵm, nó lớn nhanh như thổi, chỉ vài năm đã trở thành một con bò vàng lực lưỡng…
Thế rồi có chuyện xảy ra. Một buổi chiều, chẳng hiểu dun dủi thế nào mà con bò vàng ấy lạc vào khu lăng mộ họ Thạch. Qua mặt đám gác cổng, nó chẳng màng gì chỗ có điện thờ mà quay đít thủng thỉnh gõ móng thẳng ra phía chiếc ao bán nguyệt nằm tít xa xa. Lúc đám canh phòng thấy thì nó đang phì phò tắm mát dưới ao sen. Mặc kệ bọn người cuống cuồng dùng gậy gộc, gạch đá xua đuổi, con bò từ từ bơi sang bờ ao phía bên kia rồi trèo lên, đạp long cả viên đá xây kè. Lên tới bờ rồi nó nhằm hướng cổng phóng thẳng một mạch, không ai dám chặn đường ngăn cản.

Đám giữ lăng bị một phen hú vía. May mà con bò không phá phách chỗ điện thờ, cũng cho là chuyện nhỏ nên ỉm đi, không bẩm báo gì với gia chủ họ Thạch. Thế nhưng đêm đó, Thạch Tôn nằm mộng thấy cha mình hiện về, Thạch Tổ hình dong tiều tụy, bò bằng bốn chân, hai mắt lồi hẳn ra ngoài mà than với con trai, rằng cha bị dẫm sụm lưng rồi. Thạch Tôn hoảng hồn nhấc cha lên gặng hỏi, nhưng Thạch Tổ không nói gì thêm, chỉ một mực nhắc lại tiếng than như thế.

Đêm hôm sau rồi đêm sau nữa, vẫn giấc mơ kinh hoàng ấy, càng ngày hình dong của Thạch Tổ càng tiều tụy, giọng than càng nhỏ lại như thể muốn hụt hơi. Thạch Tôn biết là cha ở cõi bên kia gặp chuyện, thì con cháu tất bị tai họa, bèn mời thầy về, sắm sửa không biết bao nhiêu hương hoa, đồ lễ, cùng với quần áo, xe ngựa, người hầu… Thầy cúng trổ hết tài lược, hết tụng kinh, đốt sớ, đến thỉnh vong, đuổi quỷ… Mặc, hương khói vẫn lặng như tờ, và những giấc mơ kinh hoàng của Thạch Tôn vẫn hằng đêm diễn ra. Đến ngày thứ bẩy thì biết mình thất bại, gã thầy cúng lắc đầu thu dọn đồ nghề rồi bảo với Thạch Tôn:
“Tôi thế là đã hết cách. Chuyện này e lớn lắm, không còn ở trong phạm vi của ngũ thú đồng cư nữa rồi, mà chắc chắn đã lan đến cả luân hồi, thì lũ thầy bà chúng tôi giỏi mấy cũng phải bó tay. Phải là người có túc mạng thông thì may ra mới giải được kiếp nạn này…”
Thạch Tôn nghe nói thì càng lo sợ, vội vàng hỏi:
“Vậy ông có biết hiện ai là người như thế hay không?”  Thầy cúng ghé tai Thạch Tôn nói nhỏ, dặn cứ đến chỗ ấy, chỗ ấy… tìm người như thế, chắc là xong việc.

Thạch Tôn nghe nói đến tên người ấy thì giật nảy mình. Không phải ai xa lạ, chính là Đỗ Tờ chân nhân, hiện đang tu trên núi Bình Hòa. Tại sao Thạch Tôn phải giật mình? Bởi vì chính Đỗ Tờ chân nhân là người đã trỏ ra đất này, thì việc tranh chấp với họ Hoàng ngày trước chắc cũng không qua nổi mắt ngài. Nếu ngài quả có túc mạng, thì việc ngày nay có khác gì trong lòng bàn tay, không như bọn thầy bà kia, phải nhờ vào những thế lực của ma quỷ mới có thể mê hoặc được lòng người. Nhưng túc mạng là trí tuệ, trí tuệ là đạo đức, hẳn Đỗ Tờ chân nhân cũng chả ưa gì chuyện cướp đất của Thạch Tổ khi xưa, liệu ngài có giúp giải cho cái kiếp nạn này của cha mình hay không? Thạch Tôn nghĩ như thế, song việc đã cấp bách, cũng đành phải nhắm mắt muối mặt một phen. Hôm sau sắm sửa lễ vật nhằm thẳng hướng núi Bình Hòa, tìm đến động Tam Minh.

Image may contain: plant, bridge, tree, outdoor and nature
lăng Trường Thái của hoàng tộc hệ 9

N
guyên Đỗ Tờ chân nhân là người tu luyện phép “thùy tiên hành” (luyện nước bọt) của đạo tiên, thành thục đến mức nói kẻ ngu cũng phải nghe, mắng ma quỷ cũng phát khiếp, lại đắc được một cái định có tên là “túc vương trí tam muội”, có thể nhìn rõ luân hồi trong vòng ba kiếp, rõ nhất là các hạng vua chúa, thứ đến công hầu khanh tướng… dân đen thì chỉ lờ mờ, phải tay sờ, mũi ngửi nữa thì mới rõ được. Hôm ấy ngồi trong động bấm độn, biết Thạch Tôn đang đến tìm mình, bèn làm phép ẩn thân, sai một đạo đồng ra nhận lễ vật, rồi bảo Thạch Tôn cứ về sửa soạn sẵn đàn tràng, đúng giờ thìn ngày hôm sau sẽ có mặt.

Thạch Tôn nghe lời về lập đàn tràng ngay trước điện thờ lớn của khu lăng mộ. Đúng giờ thìn, đốt hương lên thì Đỗ Tờ chân nhân xuất hiện. Vắt chiếc phất trần lên vai, chân nhân mở thiên nhãn, nhìn xoáy vào trong điện, hồi lâu quay ra bảo Thạch Tôn đang quỳ đội lễ:
“Điện thờ này chẳng qua là cái xác không, chỉ có mấy con chuột, con dán làm chủ, làm gì có chuyện cha ngươi ngự ở đây?”
Thạch Tôn nghe nói thì bủn rủn cả người, chân tay luống cuống làm mâm lễ đổ tung tóe. Vội vàng bò rạp xuống, vái như tế sao, mồm miệng rối rít:
“Dạ dạ, bạch lão tiên sư. Muôn trông lão tiên sư mở thiên nhãn xem cha con hiện đang ở cõi nào?”
Đỗ Tờ chân nhân định thần dùng thiên nhãn đảo một vòng tròn khép kín, lại khịt khịt mũi mấy cái, đoạn bảo:
“Rõ ràng chỉ quanh quẩn đâu đây, không những thế, còn có dấu vết của quả báo để lại, vừa mới đây thôi. Nhưng trong điện thờ này thì tuyệt đối không thấy. Vậy mấy ngày trước, ở đây có xảy ra chuyện gì hay không?”

Thạch Tôn chưa kịp trả lời thì bấy giờ, tên đội trưởng canh phòng lăng vội vàng quỳ xuống, mặt xám ngoét, run rẩy kể lại chuyện con bò nhà họ Hoàng hôm trước. Bấy giờ Thạch Tôn mới biết thì nổi giận đùng đùng, lập tức ra lệnh cho lũ lâu la về lôi cổ con bò ra để cắt tiết, tạ vong linh cha.

Con bò vàng nhà họ Hoàng được dắt vào lăng, Đỗ Tờ chân nhân vừa nom thấy bỗng “Ối!” lên một tiếng, rồi túm ngay cổ tên đội trưởng bảo vệ mà bảo:
“Dẫn ta tới chỗ con bò đạp lên bờ kè hôm nọ.”
Tên bảo vệ dẫn Đỗ Tờ chân nhân và mọi người ra đúng chỗ ấy, trỏ xuống viên đá đã bong hẳn, lộ ra một dấu chân bò. Đỗ Tờ chân nhân sai y bò xuống tận nơi xem cho kĩ, hỏi “Có thấy gì không?”, tên ấy đáp:
“Dạ, thấy.”
“Thấy gì?” - Chân nhân lại quát.
“Thấy một chiếc hang cua”. - Tên ấy trả lời.
“Đem con cua ấy lên đây”. - Đỗ Tờ chân nhân ra lệnh.
Tên đội trưởng run rẩy thò tay vào trong hang, gần tới khuỷu thì moi được một con cua đá, to cỡ ba đầu ngón tay, cái mai bị dẫm vỡ nát. Con cua được mang lên, Đỗ Tờ chân nhân trỏ vào nó mà quay sang bảo nhỏ vào tai Thạch Tôn:
“Con cua đá này kiếp trước chính là… cha của ngươi đấy”.

Thạch Tôn nghe nói thì rụng rời chân tay, song không dám nói gì vì xung quanh còn đầy gia nhân, đệ tử… Chờ đến khi quay lại chỗ đàn tràng, đuổi mọi người ra ngoài hết rồi, Thạch Tôn mới thắc mắc với Đỗ Tờ chân nhân:
“Sao lại có thể như thế được. Tôi xây cho cha tôi cả một khu lăng mộ bề thế như thế này, thì dẫu có phải làm kiếp một con cua đá, thì cũng không đến nỗi phải nằm trong một cái hang nhỏ ở bờ ao…”
Đỗ Tờ chân nhân ngửa mặt lên trời cười một tràng dài rồi bảo:
“Tại ngươi chưa biết đấy thôi. Cha ngươi gây nghiệp nặng, thân phải làm một con cua đá, phước báo lại cạn mỏng, thì lăng mộ dẫu có to bằng giời, cũng chỉ là một cái hang nhỏ, gọi là “mả cua” mà thôi. Ngươi không tin vào chuyện đó ư? Thế ngươi có biết con bò vàng kia là ai không?”
“Là ai ạ?” – Thạch Tôn đờ người ra hỏi.
“Kiếp trước con bò ấy chính là… cái ông Hoàng Tổ bị cha ngươi sai người đánh gãy lưng để cướp cái gò Cửu Khâu này đấy.”
Thạch Tôn nghe đến đây thì hoảng sợ, chả còn hồn vía nào nữa. Chỉ biết lắp bắp hỏi:
“Vậy bây giờ phải làm thế nào, thưa tiên sư?”
Đỗ Tờ chân nhân bảo:
“Chớ động đến một cọng lông của con bò ấy. Hãy mời nhà sư về tụng kinh siêu độ cho con cua đá này. Việc ấy đạo tiên chúng ta không làm được…”
Thạch Tôn nghe lời mời sư về làm lễ siêu độ cho cha. Quả nhiên chấm dứt những giấc mơ kinh hoàng kia. Từ đó giải tán bọn trông coi lăng, dần dần chỗ đó trở nên hoang tàn. Vài đời sau thì mất hẳn, chỉ còn lại vài cái gò. Dân làng về sau hầu như không còn ai nhớ nơi đó từng là một khu lăng mộ nữa. Nhưng cái tên cánh đồng Mả Quan thì vẫn còn mãi, đêm đêm, tiếng cá đớp mồi thỉnh thoảng vẫn vang lên, nghe như tiếng chép miệng.-

[​IMG]



Sunday, October 7, 2018

khoa học, tôn giáo sống chung?


tôn giáo và khoa học
how science and religion can coexist?

Albert Weale

Nghĩ như sau có được không? Sách Sáng Thế, theo nghĩa đen, là một khoa học sai lạc nhưng là một tín điều chính của Thiên Chúa Giáo? Có ba phương hướng trả lời câu hỏi nầy. Hướng thứ nhất liên hệ đến phong trào Vô Thần Mới có tính chất tranh đấu gồm những người nại rằng thứ khoa học sai lạc của Sách Sáng Thế là lý do chính đáng làm mình không phải kẻ có tôn giáo; vũ trụ học tân thời và sinh học tiến hóa đã làm lung lay cơ sở TCG. Hướng thứ hai phủ nhận những tiền đề của câu hỏi, và được nắm phần chính bởi những người TCG cố cựu, lớp nầy giữ vững lập trường nói rằng Sách Sáng Thế là điều đúng nếu nó được hiểu một cách ngay thẳng theo ánh sáng của thuyết sáng tạo trong một mô biểu thông minh.

Hướng thứ ba thì nói rằng đấy là câu hỏi được đặt sai. Sách Sáng Thế không phải là một khoa học mà là một ẩn dụ, một lối tỷ giảo để nêu ra sự thật về ý nghĩa của vũ trụ, mà sự thông đạt nghĩa lý nầy không thể thành tựu nhờ sự hiểu biết các lý thuyết và định luật khoa học. Các câu hỏi liên quan đến tôn giáo và khoa học có tính cách riêng rẻ khác nhau; không chung một cách.

Nhiều lý do làm lối nhìn thứ ba nầy hấp dẫn. Nó công nhận hiện tượng gia tăng tích lũy sự hiểu biết về thế giới vật chất và sinh học. Không ai điên mà nói rằng các tác giả qui tập các chuyện Sáng Thế 2.500 trước hiểu biết thế giới như người ngày nay. Họ thiếu dụng cụ, không nhiều dữ kiện thực nghiệm để hiểu vũ trụ và sự tiến hóa hoạt động thế nào. Ngược lại thấy cách vận hành của thế giới không giúp chúng ta hiểu lý do tồn tại của nó, ý nghĩa cứu cánh của nó.

Genesis

Phân biệt vai trò của khoa học và tôn giáo trong lối nầy cho thấy khuynh hướng dung hòa trong cuộc chiến văn hóa hiện nay, trong đó hai thứ nầy gây nhiều thảo luận sôi nổi nhất.

Tuy vậy, phía tôn giáo có phần suy sút; tình thế nghiêng về câu hỏi “thế giới vận hành thế nào?” của khoa học, và coi nhẹ câu hỏi “vì sao có?, ý nghĩa thế nào?” của tôn giáo. Pascal nói: trong khi kiến thức khoa học sẽ không bù đắp cho sự thiếu hiểu biết về tôn giáo thì kiến thức tôn giáo lại bù đắp sự không hiểu biết khoa học.

Đối diện ưu tư nầy, trong tiềm năng, có hai chiến lược. Thứ nhất là thành lập một nền siêu hình kết hợp đức tin hữu thần và sự hiểu biết khoa học sít sao, không hời hợt như hiện nay. Trụ cột của chiến lược nầy xác lập rằng khoa học cần có một nền siêu hình phù hợp thuận chiều với cơ cấu của đức tin.

Đối nghịch lại, chiến lược thứ hai có tính cách hiện tượng luận. Nó nhìn sâu trong kinh nghiệm sống đời những hình thái đặc thù nào nẩy sinh những câu hỏi về giá trị và ý nghĩa, đồng thời cố gắng nhận dạng những những giả định tiên khởi cần dùng trong cách thức suy nghĩ nầy.

Chúng tôi hiện có trên tay hai cuốn sách tạm dùng như hai ví dụ phản ảnh hai phương thức nêu trên. Simon Oliver (Creation) theo hướng siêu hình; Alister McGrath (The Great Mystery) hiện tượng luận. Cả hai học giả nầy đều muốn làm nhẹ nỗi lòng của phía TCG. Với sở học rộng rãi, họ nới rộng tầm nhìn của giới viết lách và tìm cách thuyết phục độc giả về sự thật, hay ít ra là sự khả thực, của đức tin TCG.

Image result for science and religion coexist

Oliver đã bàn về sự sáng thế với một sử quan rộng rãi bằng cách tóm lược kết quá các cuộc nghiên cứu về khung cảnh trong đó sách nầy được soạn thảo. Nhưng chính yếu, ông nêu cách thức các nhà sáng lập giáo hội đã giải thích thánh điển nầy. Đáng chú ý là sự trích dẫn lời nhà thần học Origen. Theo đó, các chuyện trong Thánh Kinh không thể xem là đúng thực theo nghĩa đen từng chữ. “Thượng Đế không thể trồng cây như một nông dân trồng cây”. Do đó, ký văn phải được diễn giải theo nghĩa bóng mới có thể hiểu chân lý huyền nhiệm. Cách đọc theo nghĩa bóng nhắm đến ý nghĩa của thế giới chứ không phải hình thể của lối xây dựng. Lý thuyết sáng tạo từ số không, creation ex nilhilo, không cho thấy lối (cách thức) God đã sáng chế mà chú trọng đến sự liên hệ giữa God và thế giới. Có phần nào giống lý thuyết vũ trụ Big Bang, chủ thuyết sáng tạo không đề cập diễn trình bên trong trật tự tự nhiên. Hành động sáng tạo của God không nên hiểu theo ngôn ngữ ngắn hạn mà cần được xem là nguyên tắc của trật tự. Mọi tạo vật có nguồn gốc từ hành vi sáng thế của God; thánh Thomas d’Aquin khuyên không nên hiểu sự sáng thế là một tự tại nhưng là một sự vay mượn từ một nguồn gốc, đó là God.

Trong phần chính yếu của tác phẩm, Oliver vẫn theo con đường siêu hình để đến chủ thuyết thiên hựu (cũng của thánh Thomas d’Aquin). Tâm điểm của chủ thuyết thiên hựu là: sự sáng thế được hình thành vì một cứu cánh hay mục đích nào đó. God, như căn nguyên đầu tiên, đã cho các năng lực nhân thể và thiên nhiên một sức mạnh để hành động.

Đoạn nầy đưa độc giả đến vùng quen thuộc, lý luận của Aristote.Triết gia Hy Lạp nầy đã phân biệt bốn loại căn nguyên: hữu năng, vật thể, hình thức và có mục đích cứu cánh (efficient, material, formal and final causes). Điêu khắc gia, căn nguyên hữu năng, đã hình thể hóa căn nguyên vật chất, tức là khối đá, theo một hình thức tiệm tiến của khối đá nầy, thích ứng với mục đích cứu cánh. Tác giả nói thêm về cứu cánh: điêu khắc gia đục đẻo khối đá để làm ra bức tượng với mục đích trang hoàn chỗ nầy chỗ kia. Hoa màu thắm để lôi cuốn bướm đến hút nhụy và làm thụ phấn. Do đó, căn nguyên hữu năng của khoa học hoạt động trong một thế giới hình thành theo nhu cầu của những mục đích cứu cánh. Các thành ngữ “ngõ hầu”, “để mà” giúp người đọc thấy tính chất viễn đích nầy. Tim đập ngõ hầu bơm máu khắp cơ thể.

Oliver có công đặt vấn đề “sống chung” của tôn giáo và khoa học dựa trên một nền móng siêu hình chung. Nhưng luận cứ “ngõ hầu” của ông có phần vá vía. Bắt chước hình ảnh điêu khắc gia đục đẻo đá, tác giả đã gán ép cho tim một ý hướng. Các bộ phận thân thể hành động liên hoàn; thay vì gán cho tim một ý định một ý hướng như điêu khắc gia, hãy nói rằng kết quả của việc tim đập làm máu lưu thông, nếu không có vậy thì cơ thể chết.


Oliver nói thêm cuộc tường trình rộng rãi của ông trong đường hướng gọi là “có mục đích” đã làm cho thứ văn hóa khoa học ngày nay trở nên kỳ dị nhưng ông không đi xa hơn các nhà triết học và thần học Trung Cổ vẫn cương quyết cho rằng không thể hiểu vũ trụ bằng phương cách nào khác hơn là lối “có mục đích”, nghĩa là mọi sự được sáng tạo vì một cứu cánh nào đó.

Hơn nữa, muốn hiểu cho đủ điều tác giả gọi là giải thích theo cứu cánh, chúng ta phải đi xa hơn cả vũ trụ học. Mà vũ trụ học ngày nay cho thấy không gian và thời gian vô tận, vô tận; điều nầy làm cho những gì xẩy ra trong hai ngày đầu Sáng Thế như chú lùn với người không lồ; điều nầy gây nên mối hoài nghi tôn giáo.

Vẫn còn hết sức khó khăn khi ghép sự tiến hóa ăn nhịp với thuyết hữu thần truyền thống. Sự tuyển chọn có tính chất tự nhiên dựa trên sự đột biến không định kỳ, bất thường, với những nét di truyền chịu đựng các áp lực của môi trường từng nơi. Hiện vẫn chưa tìm ra con đường ở giữa một bên là thuyết mô biểu thông minh và bên kia là lý thuyết thuần túy kiểu Darwin.

Bây giờ xin bước qua chiến thuật hiện tượng luận, bắt đầu bởi trực nghiệm. Theo McGrath, trực nghiệm tối yếu là kinh ngạc – thán phục (wonder) trước sự to lớn và huy hoàng của vũ trụ (trong lúc con người không đủ sức thấy hiểu hết). Khoa học là sự tìm kiếm, đòi hỏi hiểu biết vũ trụ; tôn giáo đi tìm hiểu ý nghĩa của vũ trụ.

n dụ chính cho toàn lập luận là con đường và bao lơn trên tầng lầu cao, mượn của giáo sĩ John Alexander Mackay. Đứng trên bao lơn tầng trên, ta có thể quan sát nhân loại đi trên con đường bên dưới, với nhiều chú tâm nhưng tách biệt. Đó là lối nhìn của khoa học. Trong khi ấy, một kẻ đứng giữa đường thì dính líu việc của đường của đời và chỉ có một nhãn giới hạn hẹp. Riêng God mới đứng được trên bao lơn của vũ trụ nhưng chúng ta phải nhìn thấy God để đứng vững tự tồn trên đường.
Mc Grath luôn theo lối viết suy tư cho dù ở những đoạn giới thiệu thành quả nghiên cứu của kẻ khác. Ông thường nói đến tội của người (sin) và các niềm thất vọng, ông yêu cầu độc giả chia sẻ sự trực nghiệm kinh ngạc thán phục vũ trụ.

McGrath không tránh khỏi vài trường hợp lẫn lộn hàm hồ thiếu trong sáng. Lập luận của ông xoay quanh ba chữ chính là: kinh ngạc thán phục, nghĩa lý và giá trị (wonder, meaning, value) nhưng thiếu giải thích và lắm lúc đi lạc thành hàm hồ mâu thuẩn.

Danh từ “wonder” trong Anh ngữ có nhiều nghĩa. Bên cạnh nghĩa kinh ngạc tán thán, còn có nghĩa thắc mắc tò mò muốn biết. Kinh ngạc có thể kích thích sự tò mò cũng như khơi động sự tìm kiếm nghĩa lý. Tuy nhiên vấn đề nghĩa lý vẫn còn bỏ ngõ giữa hai câu trả lời siêu nhiên và trần tục. Không có tương quan nhân quả hay sự móc nối sự tò mó và sự xác nhận nghĩa lý siêu nhiên; nói khác sự tò mò không chắc, không nhất thiết đưa đến sự chấp nhận một nghĩa lý siêu nhiên như nói rằng có một cái nhìn từ bao lơn của vũ trụ, trong ấn dụ của Mackay.

Quan niệm của Stuart Mill về sự an lạc của người đời có thể giúp chúng ta hiểu thêm sự thể vừa nêu. Theo Mill, an lạc căn cứ vào tình cảm và ý thiện của cá nhân và công chúng; nằm trong sự nuôi dưỡng tinh thần dành cho lòng nhiệt tâm yêu mến thiên nhiên, nghệ thuật, thi ca, lịch sử; nằm trong sự ham thích tìm hiểu nếp sống xưa nay của loài người, đồng thời căn cứ vào sự trông ngóng viễn ảnh tương lai tốt đẹp. Ông nói tiếp rằng những người may mắn sinh trưởng trong những điều nầy sẽ có một cuộc sống đáng mong cầu. Mill kêu gọi tìm hiểu giá trị của các hành vi chính trị cổ súy tổng quát hóa các khả thể nầy.

Dĩ nhiên quan điểm nầy không loại trừ những suy diễn siêu hình nhưng nó loại trừ dễ dàng sự giả định rằng kinh ngạc khâm phục vũ trụ sẽ đưa đến vùng hiểu biết vượt quá tầm vũ trụ.

Dẫu sao, chiến lược hiện tượng luận đã đặt đúng câu hỏi: phải chăng sự tìm kiếm nghĩa lý, chứ không phải sự trực nghiệm giá trị, là chỗ đúng để bắt đầu? McGrath xếp chung hai thứ và đã đặt nghĩa lý lên trên giá trị. Thế nhưng tốt nhất là tách rời hai điều nầy; đồng thời phần giá trị cần được củng cố cho thăng bằng. Ý niệm nghĩa lý đem lại nhận thức rằng giá trị luôn liên hệ đến mục đích tối thượng.

Con người không thể hành động nếu không quí trọng những sự thể của cuộc đời, trong đó gồm có chỗ ở, tình bạn, các chính nghĩa, và các sinh hoạt…Dĩ nhiên không phải điều gì con người quí trọng đều là điều tốt. Tuy vậy, con người có thế đạt ý thức về các giá trị mà không cần có điều kiện là ý thức giá trị một cảnh giới rộng rãi hơn. Bắt buộc phải tìm ý nghĩa trước có thể gây bế tắc. Không ý thức các giá trị nơi chính mình thì làm sao biết giá trị ở một nơi nào khác.

Tổng luận trong hai cuốn sách và về hai cuốn sách vẫn trồi ra một câu hỏi. Trên quan điểm TCG, hai lãnh vực tôn giáo và khoa học bổ túc cho nhau và được ghép chung vào một viễn tượng rộng rãi hơn để cho biết tại sao và bằng cách nào thế giới và những gì chất chứa trong thế giới là của God, do God tạo dựng. Nhưng dù không có viễn tượng rộng rãi như thế, đơn giản chúng ta vẫn có hai loại nghiên cứu, với một câu hỏi bỏ ngõ chưa ai trả lời đầy đủ, đó câu hỏi về ý nghĩa của tôn giáo. Có lẽ Pascal đã sai khi phủ nhận rằng sự hiểu biết khoa học có thể bù đắp sự thiếu hiểu biết về tôn giáo.
ttt dịch   t   bản tiếng Anh



A-Celebration-of-Women-Feature-Banner-e1352628808407 (1) 512

W. A. Mozart