add this

Friday, July 30, 2021

chốn cũ đường xưa


Nhà máy xi măng Hà Tiên, xa lộ Biên Hòa 1965, ảnh Gary Mathews


Chốn Cũ Đường Xưa

Chàng Hiu 347

Hồi trước, ở Sài gòn, cách đây lâu lắm, tròm trèm…nửa thế kỷ lận nhen… tất cả cái loại xe hơi, hai đèn trước, đều phải có “mắt mèo” nghĩa là phải sơn màu vàng lên 1/3 bên trên mặt kiếng của đèn trước, ý là… hỏng cho bác tài pha đèn ban đêm, làm chói mắt người hay xe chạy ngược chiều!
Bởi vậy, bác tài có muốn… chơi ác pha đèn, cũng… bó tay!!!

Khúc đường gần bịnh viện đều có bảng “cấm nhận kèn” để bịnh nhân khỏi giựt mình!

Xe đậu trong đường Sàigon đều phải tuân theo bảng đậu “ngày chẵn lẻ”…

Tất cả xe tắc-xi đều sơn trùng một màu xanh hoặc vàng xanh, ý là để “khách bộ hành” biết nó từ đàng xa để… quơ tay đón và cũng có ý là nếu, hỏng… phải xe tắc xi, mà là xe du lịch tư nhân lại đi ”dù” rước khách… kiếm chút cháo là biết liền, cũng dĩ nhiên, xe nào “nhảy dù” như vậy, bị bắt là bị phạt, lớ quớ còn bị tịch thu bằng lái!

Xe tắc xi phải có đèn hộp “bắt chết luôn” trên mui xe, về đêm, hộp đó có đèn cháy sáng để khách biết mà… dơ tay đón… để cho khỏi lộn với xe du lịch!

Xe buýt cũng phải sơn một màu đặc biệt riêng để dể phân biệt với xe đò…

Ví dụ Xe Buýt Vàng thì… sơn màu vàng… khác thiên hạ…
Bến xe nầy ở gần Bà Quẹo… mà bà con gọi là Bến-Tô-Bít-Vàng…

Kế bến xe buýt vàng nầy có hãng cơm xấy Hồng Hoa (?) làm cơm sấy cho lính…

Xe cộ phải đàng hoàng, cái nào ra cái đó, lộn xộn… hỏng nên thuốc!

Bến xe buýt vàng
Bắt đầu 18 – 20 tuổi… mới cho thanh niên lái xế hộp bốn bánh du lịch… để lấy le, sau đó vài ba năm, bác tài… trẻ mới lên được một “hạng”, rồi cày vô lăng… vài năm nữa, mới cho… mó tới xe tải, rồi “chạy xe” thêm vài niên, mới “đủ ngày” để lấy dấu E để lái xe đò, nghĩa là khi bác tài lái… mấy chục tánh mạng hành khách, thì bác tài… vô tuổi trung niên rồi, nên… hết máu thanh niên, háo thắng, ưa nóng gà… chạy ẩu!!!

Chớ không có cái chuyện “giao trứng cho ác” được!

Ở ngã tư đèn đỏ, có vạch sơn trắng, tất cả xe cộ đều ngừng sau vạch đó, xe nào cáng mức sơn, mà nhè ông đạp xích lô thấy được… ổng chửi cho tắt bếp, quê lắm nhen!!!

Nhà bán thuốc tây, thì bảng hiệu đề Nhà Thuốc Tây hoặc Nhà Thuốc Gác (đó là danh từ chung) chớ không ai lấy tên riêng (danh từ riêng) để đề bảng hiệu bán thuốc tây!

Hai bảng hiệu nầy luôn luôn là bảng màu xanh đậm và chữ trắng, nó còn có hộp đèn chữ thập xanh gắn thêm, để đêm hôm, người mua thuốc… đứng ở xa, cũng thấy!

(Ghi chú khi đăng: từ thời xưa các hiệu thuốc đều có tên, bên ngoài có bảng hiệu bằng đèn không có tên. Trước Quốc Hội có nhà thuốc tây Thanh Cam)

Tiệm nào bán thuốc bắc thì có chữ “đường” ở sau, Ví dụ: Vĩnh Sanh Đường, Nhị Thiên Đường, Thiên Hòa Đường…

Còn chùa thì có chữ “tự”… dính ở sau, ví dụ: Huỳnh Kim Tự, Thới Hòa Tự, Long Vân Tự, Linh Sơn Cổ Tự…

Tiệm bán vàng thì bảng hiệu chỉ có hai chữ, chữ đầu luôn luôn là chữ “kim”, ví dụ: Tiệm vàng…Kim Hưng, Kim Liên, Kim Sơn, Kim Hoàng, Kim Phát…

Địa danh ít khi dùng chữ Thái (kỵ húy vua Thành Thái?) mà dùng chữ Thới: Ví dụ: Thới Bình (Cà Mau), núi Châu Thới ( Biên Hòa), Bình Thới (quận 11), Tân Thới Hiệp (chỗ tập lính Quang Trung) Thới Tam Thôn, Thới Hòa (Vinh Lộc) Thới Nhứt, Thới Nhì, Thới Tam, Thới Tứ (Hóc Môn), Xuân Thới Sơn (chỗ đương trạc, giỏ tre… )

Nhà dân cất dọc đường lớn, xa lộ, người ta luôn luôn tự động cất nhà thụt lùi vô trong, ở xa lộ, cách Xa Lộ ít nhứt là 50 mét! Lý do là để cho an toàn chuyện xe cộ, thứ hai nếu có mở rộng đường thì khỏi phải dời nhà…

Nhà mà dời đi, dời lại là điều ông bà xưa kiêng kỵ, nên hỏng ai ham lú mặt ra đường!

Dọc đường cái trống trơn, hỏng ai… dám gan, tới chỗ đó… tự nhiên cất nhà…

Nếu gan cùng mình, cất nhà đại… thì cứ cất, đợi cất xong, bên Điền Địa hỏi bằng khoán đất, hỏng có, thì “coi như”… gia chủ xách tụng đi ăn mày… ở tòa bố!

Còn những tên cất nhà, mà lấn từng tất đất, bà con nói nhẹ rằng “thằng đó hết xài”! Thằng nào “hết xài”… thì nó, chỉ còn nước… đội quần mà đi, nhục lắm!!!…

Ở Sàigon, cái vụ học hành, có ba thứ trường để học: Trường công lập, trường tư thục và trường hàm thụ.

Trường hàm thụ là trường… mà… hỏng ai tới trường!

Bất kể ai, vì hoàn cảnh gì đó không tới trường học trực tiếp được, thì cũng có cách học để tiến thân, đó là “học trường hàm thụ”. Nghĩa là, cứ… đi làm sở, làm sùng tà tà hay làm việc nhà nấu cơm hoặc cày sâu cuốc bẩm đồng sâu nước mặn…

Nếu muốn tiến thủ trong cuộc đời… thì ghi danh học trường hàm thụ, trường sẽ gởi bưu điện bài học, bài làm tới nhà và làm bài xong, gởi bưu điện tới cho trường chấm bài, rồi trường gởi bài tiếp…

Cứ thế… cứ thế…

Chỉ tới ngày thi, thì thí sinh phải đi thi mà thôi…

Bởi vậy, anh em nào có tinh thần cầu tiến, cứ học, nếu thi đậu thì đáng nể lắm!!!

Trường tư thục thì học sinh phải “đóng tiền trường” hàng tháng và bằng tú tài cũng giống y như học sinh trường công lập…

Trường công lập là… trường công, học sinh không đóng tiền trường suốt 7 năm trung học…Đặc biệt, trường công lập nam nữ… lại cho học riêng, như:

Trường công lập nữ trung học: Lê văn Duyệt, Gia Long, Trưng Vương… v.v…

Trường công lập nam trung học: Hồ Ngọc Cẩn, Chu Văn An, Võ Trường Toản, Pétrus Ký, Lý Thường Kiệt, Quốc Gia Nghĩa Tử… vv…

Ở trường công nam, nam sinh mặc đồng phục quần xanh áo trắng… bỏ áo vô thùng, trên miệng túi áo, có ghi tên trường hẳn hẹ… nên đố thằng nào… dám hó hé!

Ở trường công nữ, nữ sinh đồng phục là mặc áo dài trắng, quần trắng…

Có… thời khắc “mấy nhỏ áo dài trắng”… bắt chước mấy cô ca sỹ Sàigòn, bận áo dài vạt “lửng”… còn tay áo thì kiểu “rặc lăn”… là… tay áo dài nối vô thân áo…

Thiệt… quả là báo đời…một phen!!!

Mấy anh chàng nam sinh trường công vì học chung “tòn-là đực rựa”… nên nhiều thằng dòm… quí nàng áo dài… vạt lửng… bước đi với tà áo (cố tình) thước tha yễu điệu, tụi đực rực… áp nhau thấy, tụi nó…rụng rúng bầy bầy!!! Hì hì…

Bởi vậy, mới có chuyện, mấy “tay tổ” trường công nam, cúp cua vô Lăng Ông Sở Thú Tao Đàn… để “trồng cây si” mấy nàng áo trắng, thây kệ chuyện, bị… cồng-sing!!!

Và… thấy tiếp… ở Sàigòn năm xưa…

Cây xăng nào cũng có “vòi bơm bánh xe gắn máy, xe hơi” đứng ở giữa hai trụ xăng…

Đang chạy xe, thấy bánh xe mềm, tấp vô cây xăng, dựng xe trước “cây bơm”, lấy tay “quây” cây kim hơi, về số 5 (5 năm ký hơi)… rồi ung dung ngồi xuống, mở năp vòi, ịnh đầu bơm hơi vô vòi ruột xe… để cho nó tự bom, cây kim bơm hơi, quơ quơ nghe cạch cạch cạch, tới khi, nghe kêu cái teng, đủ hơi, là máy bơm tự động ngừng bơm…

Bơm xe như vầy, nghe… nó phẻ cách gì, chớ hai tay “thụt ống bơm”… mệt lắm!!!

Nhưng… úi chà… cứ bom cây xăng riết, ruột xe Honda tòn – là… nước không hà! Biết được ruột xe có nước là do vô vá xe tại tiệm sửa xe “Sĩ Solex” kề bên trường Lê Văn Duyệt và bên kia đường… có rất nhiều ruộng rau muống xanh um!

Trên đường Phan Đình Phùng Sàigòn 3, kề bên chợ Vườn Chuối có đường xe lửa chạy ngang và bên kia đường rầy, có căn nhà 3 từng, đó là nhà “cho mướn sách” Cảnh Hưng, cho mướn sách là cho đọc giả… mượn sách về nhà đọc, nhưng phải “đóng tiền thế chưn” bằng 1/2 giá tiền sách in ở trang bìa, khi đem trả sách, Cảnh Hưng trừ tiền mướn vô tiền thế chưn, tiền mướn, cứ 1 cuốn 1 đồng 1 ngày… răng rắc!

Mấy nhà bán sách và tác giả có sách xuất bản… hỏng vui với Cảnh Hưng…

Nhà Cảnh Hưng chứa sách để cho mướn… hỏng biết mấy chục ngàn cuốn, vì sách nằm trong kệ… đen nghẹt, bít kín từng trệt và 2 từng lầu…

Ông Cảnh Hưng… tướng tá… hơi nhỏ con nhưng vui tánh, học trò khoái lắm!

Thằng học trò nào mê kiếm hiệp, muốn luyện chưởng hay… muốn đột nhập “cái bang vài ba túi”… thì tới đây… tìm bí kíp!!!

Ông Cảnh Hưng… biết tẩy học trò hết ráo nhen, thấy mặt, ổng cười hì hì, liền cho mượn cả tuần mới trả, với hai đồng một tuần… là cái… giá-ghẽ-ghề…

Bởi vậy, học trò “mê đọc sách” Cảnh Hưng… quá xá cở là vậy đó đa!!!

Phụ việc ông Cảnh Hưng là bốn năm đứa nhỏ, chuyên môn chạy đi lấy sách… theo sự “chỉ chỗ” của ông chủ hay lấy sách đọc giả trả, rồi đem sách để “chỗ cũ”…

Ông Cảnh Hưng có trí nhớ… siêu phàm tàn canh gió lốc…

Khi ai tới mướn sách, chỉ cần nói tên sách, là ông Cảnh Hưng nói liền, thí dụ:

– Bộ Tam Quốc Chí có 3 cuốn, nhưng khách đang mướn cuốn 1 và 2…

– Ủa ? Ông chủ có cả chục bộ lận mà?

– Thì ờ… người ta mượn hết ráo rồi, giờ còn cuốn 3… Cuốn 1 và 2 mai trả…

–… vậy đi… lấy tui cuốn 3… cũng được!

Ông Cảnh Hưng ra lịnh:

– Tèo, mầy lên từng 2 kệ số 7 ngăn 6 lấy cuốn 3 bộ Tam Quốc Chí cho ông Hai!

Học trò đệ lục nghe ông Cảnh Hưng… nhớ từng vị trí cuốn sách nằm ở đâu trong rừng sách từ trên lầu xuống tới đất… thấy mà xám hồn luôn!!!

Ông Cảnh Hưng có quen với nhiều nhà xuất bản, như Yên Sơn (Phú Nhuận) chẳng hạn, khi đang sách in, ông… được ưu tiên “thộp” một mớ… đem về cho mướn trước, khi nào in đủ số, sách… mới phát hành! Bởi vậy, coi sách “nóng hổi” là vậy!

Mỗi loại sách, Cảnh Hưng có ít lắm 15 bộ mới đủ cho mướn…

Đặt biệt, những cuốn sách hồi xưa, xa lắc, xa lơ… xuất bản từ hồi…bà cố hỉ cố lai 8 đời vương ông hoãnh… nhà Cảnh Hưng cũng có!!!

Như cuốn Tôi Kéo Xe của Tam Lang hay cuốn Con Trâu của Trần Tiêu in năm 1940 hoặc cuốn Chồng Con in năm 1941!!!

Biết “rõ” như vậy là do cô dạy Việt Văn cho “thuyết trình” ở lớp những tiểu thuyết xưa, mà sách… xưa ơi là xưa, thì chỉ có ở nhà Cảnh Hưng!!!

Thế là học trò đệ lục tức tốc mượn về, để… mần thuyết trình trong lớp…

Sách cho mướn, được bao thêm bìa giấy xi măng, trên đó, viết chi chít ngày mượn…

Ngoài ra, học trò muốn mượn “cuốn nào hây hây”, thì… hỏng hiểu “do đâu”, ông Cảnh Hưng liền nói tuốt luốt một lèo cho nghe, cái nội dung cuốn “sách hây” hoặc là bất kể cuốn nào mà học trò còn… mù mờ, nghe xong, thế là học trò mượn liền!

Ông Cảnh Hưng còn… quảng cáo cuốn sách… thứ dữ… “chỉ tao mới có”…Sách nầy thuộc loại “cái ban môn phái” mà học trò khi ấy… đang muốn luyện thử!

Đó là cuốn Lục Tàn Ban (quên tên tác giả)

Đây là cuốn sách viết về… cái bang bảy tám túi, coi… hay hết kỵ luôn:

Lục Tàn là 6 nhân vật (tàn tật) gồm: Thằng đui, thằng điếc, thằng mất hai giò, thằng mất một tay, thằng mất một chưn, thằng cụt hai tay

Thằng đui làm… Ban Trưởng Lục Tàn!!!  Sáu ông cố tàn nầy… luyện chưởng, luyện gồng, luyện nghe, luyện thấy, luyện chạy… thuộc hàng cao thủ võ lâm… để trả thù cho sư phụ bị sát hại năm xưa… Giới giang hồ cho rằng “môn phái” đó bị tiêu diệt, khi sáu đệ tử sau cùng bị thương nặng trong rừng, không ai cứu chữa và ai cũng tưởng… chết hết rồi! Mấy thằng học trò đệ lục coi say mê Lục Tàn Ban luôn!!! Có thằng còn “luyện thử”… cách dòm xuyên màn đêm của cao thủ Lục Tàn Ban!!! Bởi vậy, thằng nào… non tay ấn, luyện nhãn riết, tới độ mang kiếng cận dầy cui, chớ ở đó mà đổ thừa “tại bị”… rồi nói dóc là “tao lo học” tới cận thị!!! Ba-xạo quá nha mấy cha!!!

(Ghi chú: Nhà cho thuê sách Cảnh Hưng khá xa đường rầy xe lửa chạy qua Chợ Vườn Chuối, thực sự ở gần ngã tư Cao Thắng Phan Đình Phùng, xéo xéo trước mẫu giáo Aurore; nhà ba tầng là đúng tuy lúc đầu chỉ có nhà trệt. Nói Cảnh Hưng trong khu vực Chợ Vườn Chuối không phải sai,  Khu vực nẩy nằm trên Phan Đình Phùng giữa Lê Văn Duyệt và Cao Thắng, nối qua Phan Thanh Giản bởi đường nhỏ là đường Vườn Chuối.)

Trên đường Phan Đình Phùng, sáng sáng có xe lấy rác, có gắn cái chuông kêu len ken. Cuối hẻm 376 là đình Phú Thạnh, là chỗ con nít ưa tụ tập, thả diều, bắn đạn… Trước nhà số 380 Phan Đình Phùng Sàigòn 3 có “phong tên” nước công cộng… Ở đó có đông người “chuyên gánh nước mướn” được bà con các hẻm xung quanh “mướn” gánh nước mỗi sáng sớm, gánh từng đôi nước về nhà… Mấy bà (cô) gánh nước khoái đọc cuốn tiểu thuyết Rặng Trâm Bầu của Lê Xuyên! Nước phong tên ở đây được chảy từ cái sa-tô-đô (château d’eau) cũng nằm ở đường Phan Đình Phùng… và và… nếu ai… hà tiện, thì khi khát nước, cứ lại phong-tên khòm lưng mở vòi uống… chùa… Bà con gọi là “uống nước khum”… Cùng phe gánh nước mướn ở phong-tên, cũng có mấy người “ở đợ” nhưng được gọi nghe cho… nhẹ hơn là “con sen”, sáng sớm cũng ra gánh nước về nhà cho chủ…

cảnh gánh nước 1910 Saigon
Lúc đó và sau đó, tân nhạc với điệu boléro thịnh hành trên khắp nẻo đường và có nhiều bản nhạc “hợp với tâm trạng – hoàn cảnh” nên ca sỹ thứ thiệt hát là rung động trái tim, nên được mấy bà chị gánh nước khoái, cứ nhè mấy bản đó hát mãi, tiếng ca “nhảo nhẹt” mà hát… hoài hoài hỏng biết chán, bà con nghe riết phát nhàm… Dần dà, cộng thêm mấy chị… ma-ri-sến ”làm sở Mỹ”, rồi dân vũ nữ quán bar, phòng trà… thuộc loại quá “date”… cũng hát những bản điệu boléro thịnh hành! Ma Ri Sến thất nghiệp cũng về gánh nước và cũng hát “bản tủ” như mấy chị kia… Cứ hát riết, phát ngấy, bà con gọi giọng hát đó là… giọng rên… ma ri sến!!! Mấy chị… sáng sớm vừa chờ nước vô thùng vừa hát tân nhạc véo von, chỉ có vài bài tủ, mấy chị cứ hát riết nghe… phát mệt… (Đã vậy, nó còn “cộng hưởng” rồi “trùng tên” với… cái vụ con gái rơi của ngài thượng sĩ – tổng thống da đen Bocasa bên châu phi, tên cô là Mary… Cô Mary gái lai đen nầy ở vùng Ngã Năm chuồng chó, ngài tông-tông Bocasa nhờ báo Trắng Đen tìm dùm, thế là cô Mary… trở thành ngọc ngà châu báu… ) Và “miệng thế gian”… đặt cho chết tên cho giọng ca… mới nổi, giọng ma-ri-rến! Giọng marisến… làm mệt lỗ tai… thính giả! Hát “bản nhạc tủ” miết, làm cho nó… lờn, tới độ, bà con nằm nhà hay đi ngang… nghe… thì biết là tiếng hát của con Sến nào!!! Khi ở nhà bà chủ, tên là Con Sen, sau đó, nàng ra Vũng Tàu làm “ma ri sến”… ở mấy cái Bar Thiên Thai, Ạc-ăng-Sen… ở Bãi Trước… Vì vậy, giọng ca con sen hay con sến… đều như nhau… Và bà con… giận, khi nghe hoài mấy bản nhạc “tủ”, nên nói: – Mấy con nhỏ đó… là sến nướng… nên ca hoài!!! – Mấy con sến đó… ca đi ca lại miết, nghe mệt thấy mẹ!!!

Ở đầu đường Phan Đình Phùng, có nhà số 3 đó là Đài Phát Thanh Sàigòn… Ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt có tòa đại sứ Miên, bên kia đường là cây xăng rất lâu đời và ở ngã tư nầy, năm 63 hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu… Cũng ở ngã tư nầy, có tiệm cơm tàu, ở đây có món “cơm thố”… ngon bá chấy!!! Cơm thố được hấp trong cái xửng tre có cả chục ngăn, thố là chén nhỏ rí, chừng 3 muỗng cơm, vì vậy, ăn xong, thố chất 1 chồng 15 cái… cao như núi!!! Một số… dân chơi cầu 3 cẳng, loại tứ hải giai huynh đệ… tới ăn cơm thố ở đây, ý là, để khoe chồng thố cao nghệu… để “lấy le” với thiên hạ… đó nha bà con!!!

Phan Đình Phùng… cụng vô đường Lý Thái Tổ… ngay tại ngã ba… Ở ngã ba nầy, có Phòng Trà Lệ Liễu và chủ Phòng Trà là chị Ba Liễu! Quán “Chị ba Liễu” là chỗ gặp mặt mỗi chiều tối của rất nhiều nhạc sỹ – ca sỹ Sàigon trước khi đi hát phòng trà hay hát rạp hoặc quán Bar… Đây là “quán ruột” của Thanh Kim, Đệ Nhất Danh Cầm Hạ Uy Di… DK, HC, MLQ, GL… hát ở Phòng Trà Lệ Liễu cho khách (rất đông) thưởng thức… Thí dụ: DK ca bài Ai Ra Xứ Huế thì chị ba Liễu “trả công” là 1 ngàn 8… Có “chàng – lính” bận đồ trận bốn túi, đội bê rê đen, vì là em (đệ tử) của Thanh Kim, nên chàng ta… xâm mình, bậm gan, đổ lỳ, dám… thót lên sân khấu Lệ Liễu để hát bài Đường Xưa Lối Cũ và bài Tàu Đêm Năm Cũ… (cũ mèm không hà). Chàng hát… một cách khơi khơi, trong khi nghệ sỹ thứ thiệt ngồi lủ khủ ở đó… Chàng lính trận nầy, vì ỷ có Thanh Kim… lo, nên hỏng lo trật nhịp, chàng ta cất tiếng… véo von liên tiếp hai bài tân nhạc, thì Chị Ba Liễu… coi bộ… nghe được được, chị… tức tốc tiến ra sân khấu, liền… móc bóp, xỉa cho chàng 9 trăm đồng… gọi là “lính góp vui”, rồi Chị Ba còn… xúi… (quá đã) – đêm nào, nếu rảnh… em tới hát nhen!!! Lính mà… hát vậy, được đó…!!! – Dà dà…!!! (vô mánh) Anh chàng lính nầy, về đơn vị… móc xấp tiền, dứ dứ lên trời… hét: – Bữa nay, tao đãi anh em cả làng một chầu… cơm tấm – cà phê – thuốc lá!!! – Chắc còn… dư bộn tiền đó ông thầy!!! – Thì thì… Băm Ba mí lỵ tôm khô củ kiệu… cho sạch nhách luôn!!! – Hoan hô thẩm quyền!!! – Hé hé…cho xin chữ ký đi ông… khò khò… Phòng trà Lệ Liễu là chỗ nghệ sỹ Sàigòn… tụ lại nói dóc, trước khi đi hát… Và cũng là chỗ “tụ tập” của những tay tổ đờn vọng cổ Văn Vỹ, Năm Cơ, Ngọc Sáu… Khi ca sĩ hát xong tới khua, trước khi về nhà, lại tụ nhau ở quán Cháo Đêm sau hàng cây… dái ngựa cổ thụ ở đường Hồng Thập Tự, quán cháo cũng gần đường xe lửa từ bên đường Phan Đình Phùng chạy qua…

Cũng ở đường Phan Đình Phùng, ngay trong vòng chợ Vườn Chuối là nhà của soạn giả Nguyễn Phương, khi ấy anh Nguyễn Phương có đứa con gái nhỏ cỡ trên 10 tuổi và nó cùng với ba má… đặt lời thoại cho vở cải lương!!! Cô gái nhỏ cùng ba má ngồi 3 góc trong phòng, đóng làm 3 nhân vật… nói chuyện, rồi đánh máy luôn, đó là ”làm thoại” để Nguyễn Phương “lấy câu trẻ con” soạn tuồng cải lương… Đó là cách Nguyễn Phương đang soạn tuồng và… bị bắt tại trận… hì hì… Nguyễn Phương là đạo diễn cho đoàn Thanh Minh Thanh Nga và mỗi tuồng cải lương được đánh máy sáu bảy bản để cho anh em “nhắc tuồng” đứng sau màn nhung hay cánh gà… đọc câu cho đào kép đứng ở ngoài sân khấu… nói hay ca!!! (cứ tưởng đào kép học thuộc lòng hết vở tuồng, hỏng có đâu nhen!!!) Nguyễn Phương là trưởng ban kịch Tân Dân Nam, chuyên kịch trên đài truyền hình Sàigòn chiều thứ bảy hàng tuần, gồm có hề TV, TT, NĐT.vv… và bà vợ của Nguyễn Phương là chị của phu nhân tướng CVV… Bởi vậy, Nguyễn Phương… mới “tó” được cái giấy phép ngon lành… là mượn tàu hải quân để đóng phim xi-la-ma!!! Đó là phim “Hải Vụ 709” định quay ở Rạch Giá… Nhưng vì tình hình chiến sự ác liệt ở đó, nên phim Hải Vụ 709 bị đình chỉ… kéo dài và sau cùng phải bãi bỏ, nếu không, thì anh chàng Thủ Đức sẽ làm… tài tử xi-nê mà lại đóng vai trung úy hải-quân… nhảy xuồng đổ bộ rồi! Uổng thiệt nhen…

Cũng thời gian đó, ban Tân Dân Nam đang “dợt tuồng” kịch truyền hình, đó là vở “Ai Là Thủ Phạm” tại nhà anh Nguyễn Phương… Lúc đó chàng (vì là lính) được Nguyễn Phương giao đóng vai cảnh sát Trưởng… Úi chà chà… Nguyễn Phương biểu chàng ta phải “tập” trước… cách còng tay thủ phạm ăn trộm kim cương, em NĐT đóng vai thủ phạm… còng tay… mà phải “tập” ý là… để chàng… còng… mà hỏng đau tay NĐT!!! Tới khi lên sân quay tại đài Truyền Hình Sàigòn… ngài cảnh sát trưởng, bước vô, làm mặt ngầu, liền móc còng (hân hạnh) còng tay NĐT… ngay tức khắc nhen!!! Bàn tay NĐT đẹp như chính NĐT, chàng lính cầm hai tay người đẹp, tra vô còng số 8… mà chàng ta thấy… quá đau lòng!!! Hì hì… Trên truyền hình, anh chàng lính, chỉ… lộ diện trên màn ảnh nhỏ của Đài Truyền Hình Sàigòn chỉ được có… 30 giây cuối cùng của vở kịch… thôi hà! Soạn giả Nguyễn Phương chuyên môn hút Thuốc Gò khi soạn tuồng và điếu nào cũng bự tổ nái, đốt cháy liên tục, khói bay mờ mịt như đống un buổi chiều tà! Và trên bàn viết thường có… rờ vẹt…(rề dẹt, réserve?) ba bốn khúc Thuốc Gò loại “nặng” đô, đó là… phòng khi, nửa đêm soạn tuồng… mà hết thuốc hút!

đường rầy gân bùng binh Lê Văn Duyệt, Yên Đỗ
Từ ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt chạy lên tí nữa là Ngã Sáu Sàigon, ngay “bùng binh” ngã sáu này, có xe lửa chạy qua và là chỗ bắt đầu của đường Yên Đổ, ở đây, trên đầu đường Yên Đổ, có khu Kiều Lộ (sửa, tráng dầu đường hư… ). Nằm chung trong khuôn viên khu Kiều Lộ… là Sở Phú De đó đa!!! Phú De là chỗ… nhốt chó chạy rong, bị “xe bắt chó” bắt được trong đường phố! Ai mất chó, cứ vô Phú De tìm là y như rằng… nó ngự ở đó và bỏ tiền chuộc chó về! Bởi đó, hồi xưa, Duyên Anh trong báo Con Ong có viết bài Phú De Giao Chỉ, đọc nghe nhức xương. Trong khu Kiều Lộ nầy có cái… cưa tay, bự chà bá, dùng xẻ gỗ lóng… Ở đây có kỹ sư Bê và Hồ Lợi và Hồ Lợi là dân chơi tài tử… chánh cống bà lang trọc.

Trong văn phòng khu Kiều Lộ của Hồ Lợi… có tùm lum… đờn cò, gáo, xến, ghi ta thùng, ghi ta phím lỏm… treo tá lả trên tường, để nhân viên nào… quởn mà khoái đờn vọng cổ thì cứ vô… tập vợt thả giàn và… Hề Minh và danh cầm Thanh Kim, Tạo Minh Đời… vv… xuất thân từ đây! Hề Minh là danh hề diễu có tiếng trên bầu trời cải lương một thời… Tạo Minh Đời cười được 18 giọng riêng biệt và còn có khiếu một mình vừa nói giọng ông nội, giọng cháu nội trai, gái, giọng con gái… rất hay, giống y giọng… như trong “gia đình bác tám”… nhất là giọng chó mèo cắn lộn… là nghe hay hết phản luôn! Nhứt là… mở đầu câu… a… bê… cê… ca… nháy giọng xe lửa đề pa… của bản Chuyến Xe Lửa Mồng Năm của Trần văn Trạch… y chang Trần văn Trạch!… nhưng “hỏng có thời” nên anh Đời không nổi tiếng như anh Minh và anh Kim… Thanh Kim là Đệ Nhất Hạ Uy Di Cầm chuyên đờn sáu câu vọng cổ… nhưng né… ló mặt trước bàn dân thiên hạ truyền hình, Thanh Kim chỉ đờn cho gánh hát và chơi tân nhạc cho quán Bar và phòng trà và học trò Thanh Kim là TKH… – Anh Kim, sao anh chỉ “thâu dĩa” mà hỏng thấy anh lên sân khấu hay truyền hình ? – Tao… xí-giai thấy bà… miệng rộng tàn hoạt, cười hô hố, tướng tá như đấu bò! – Thì… có sao đâu… – Tao… trốn… để khán thính giả tưởng tao… đẹp trai đó mầy… hỏi hoài!!! – Ờ ờ… hehehe…

Năm 1965 đường Xa Lộ Saigon – Biên Hòa làm xong và dọc bên đường xa lộ đang đào để xuống ống cống vuông vuông lọt lòng trên hai mét của Sàigòn Thủy Cục… Lúc đó, chạy xe gắn máy ở Xa Lộ thiệt… là êm, êm như mơ… Do đó, mấy tay anh chị… mới dám đi Gobel, Sachs, Rummi… chui lòn qua bụng xe be trên có 3 lóng gỗ… dài thòn bự tổ kền, đó là… chọt lét tử thần!!! Cũng thời… xa xưa ấy, khi chở “người đẹp” ngồi đằng sau xe gắn máy thì hai chân người đẹp để về một bên, không cô nào… dám gác cẳng hai bên! Nếu xe chở là chiếc Vespa Spring… thì thấy “nàng” ngồi sau… ôm eo ếch bác tài… thì… thì… ngó, thấy… đẹp như mơ luôn!!! Còn nói gì “mấy nhỏ áo dài trắng” đi Vélo Solex… thì dòm… hết phản nghen! Gỗ rừng đem về đổ đống ở chỗ ngã ba xa lộ đi Vũng Tàu, nên ngã ba nầy có tên Ngã Ba Bến Gỗ… Từ ngã ba Bến Gỗ tới một xí là Căn Cứ Long Bình của quân đội Mỹ…

Chỉ mỗi con đường Phan Đình Phùng mà có… quá xá chuyện xưa tích cũ…*

Chàng Hiu 374

==================================================================================== 

câu xa lộ Biên Hòa thởi trước

=========================================

Sunday, July 25, 2021

Thực Thể Đông Dương và Việt Nam


Thực Thể Đông Dương  và Việt Nam

Dẫn nhập: Gần 200 năm định mệnh đã tròng tréo ba nước Việt Miên Lào trên một bán đảo mang cái tên đầy định mệnh. Indochine, đáng lý phải dịch là Ấn Hoa thay vì Đông Dương. Phạm Quỳnh, đầy chữ nghĩa, đã phân tích thành hai vùng ảnh hưởng Ấn Độ (Indo) là Phật Giáo Nguyên Thủy ở Cambodge và Lào và Chine vùng kia của Khổng Mạnh, Tàu. Lối nhìn nầy được ghi nhận như một chi tiết nhỏ nhoi trong một cuốn khảo luận về Đông Dương của Christopher E. Goscha nhan đề Vietnam or Indochina? được dịch qua tiếng Pháp Indochine ou Vietnam? Một nữ sinh viên đại học Lyon đã viết bài điểm sách bằng tiếng Pháp. Chúng tôi xin lược dịch bài nhận xét của Aranone Zarkan Al Farekh.

Những chữ trình quý vị có giá trị giới hạn. Thứ nhất, bài nhận xét đặt trên một bản dịch, thứ hai, không thể xác định nhiều danh từ là nguyên gốc hay là dịch thuật, thứ đến khả năng hạn hẹp của chúng tôi về lịch sử và ngôn ngữ, cũng như không biết khả năng của người điểm sách có tường tận về một vùng đất đầy tính chất chính địa (geopolitic) hay không.

Về phần chúng tôi, chúng tôi thấy rằng lịch sử nó như một mớ tương hợp đúng như phương pháp luận duyên khởi, và nó còn dài, còn dài, em ơi mưa nắng còn dài.

Phương pháp của Goscha là đặt vấn đề trên một không gian (espace) vừa địa lý, vừa văn hóa, vừa chính trị vừa tư tưởng, tức là đặt vấn đề trong một viễn tượng. Sân khấu chính trị quân sự chính yếu là VN thế mà Việt Minh không chiếm nhiều đất, lại chiếm rất nhiều đất của Miên và Lào. Vùng biên giới Lào Thái là một khu kinh tế, và cũng nhờ đó mới có thể chuyển vận quân đội ở Điện Biên Phủ 1954. Nhưng nguồn sinh lực vẫn phải có từ biên giới Hoa Việt nhờ Mao Trạch Đông đã chiếm Hoa Lục.

Tác giả chỉ phê bình sự bất công của Pháp dành cho VN như một lý do chính của sự tan vỡ Đông Dương nhưng đó chỉ là một yếu tố trung bình. Tác giả muốn nhìn theo một viễn tượng rộng rãi mà quên rằng ĐD nằm vào một thời đại kỳ quái với đủ thứ ảnh hưởng, như phong trào giải thực, chiến tranh lạnh và nhất là vai trò mới của Trung Cộng.

Ông cũng không nói đến đặc quyền Pháp dành cho người Tàu để biến người VN là một loại công dân thứ ba. Người Tàu, kẻ phục vụ trung thành và hữu dụng được hưởng quyền tài phán phân biệt (jurisdiction privilégiée), tranh chấp thì người Tàu được xử theo luật của Pháp, người Việt tùy từng vùng.

Chúng tôi xin có mấy chữ vào thời sau khi cuốn sách đã dứt. Kinh nghiệm nhìn chiến lược trên không gian rộng lớn trước 1954 được áp dụng trở lại trong chiến tranh VN. Nếu Lào cưu mang đường bộ thì Cambodge là một mật khu, hậu cần và hướng tiến chiến lược. Miền Nam, Nixon thì đúng hơn, cũng quan niệm rộng rãi, đánh qua Miên và hứa sẽ bắt hết đầu não VC, diệt mật khu như CS Hy Lạp ngưng hoạt động khi Albany không cho làm hậu cần. Không bắt được chính ủy nhưng sang bằng mật khu.Tuy vậy chỉ trong hai năm nó được thay thế bằng một mật khu kiên cố to lớn hơn để đánh đòn cuối 1975. Cambodge “tự do” của Lon Nol đã làm cuộc cáp duồng đẹp mắt.

Khmer Rouge không theo lệnh của Hà Nội nhưng theo lệnh của Bắc Kinh, có nghĩa Miên vẫn nằm trong cùng chiến lược.

Ông Đỗ Mậu đã nói với chúng tôi rằng ông Ngô Đình Diệm tiếp Sihanouk mà không cười, nên chỉ vài ngày sau ông hoàng Chùa Tháp đi Bắc Kinh ký thỏa ước cho TC và BV xử dụng đất Miên trong chiến tranh. Nhận xét nầy quá đáng vì không thể trong ba ngày mà thay đổi, có thể cuộc viếng thăm nầy nhằm che dấu âm mưu quỷ quyệt. Nhưng dẫu sao câu chuyện cho thấy Miền Nam không có một chiến lược rộng rãi, cứ tưởng vũ khí sẽ quyết định chiến tranh. Ông NĐD có chiến lược rộng rãi về hướng đông, y chừng muốn thành lập một Holly Alliance, liên minh thần thánh với Tưởng Giới Thạch, Đài Loan, và Lý Thừa Vãng, Đại Hàn.

Đông Dương sau sự ra đi của Pháp thành một Đông Dương mang một hình dáng khác nhưng vẫn là địa bàn để cho ba nước Việt Miên Lào tiếp tục tròng tréo vào nhau. Như vụ Hà Nội xua quân qua Miên 1979 giao tranh với Khmer Rouge. Qua đến thiên niên hai ngàn mà vẫn còn tròng tréo không thôi.


Thực Thể Đông Dương và Việt Nam

Aranone Zarkan Al Farekh *** Christopher Goscha

Tôn Thất Tuệ dịch

Trước khi người Pháp đến, dân tộc VN đã đồng nhất về ngôn ngữ và đã kiểm soát vùng đất từ châu thổ Hồng Hà đến đồng bằng Cửu Long. Năm 1834 hoàng đế Minh Mạng tuyên bố bảo hộ Cambodge; biên giới lãnh địa rộng hơn biên giới ngôn ngữ. Cương thổ đó được duy trì dưới uy quyền nhà vua nhờ một hệ thống nha lại gồm các công chức VN và thuộc cấp địa phương nói được tiếng Việt. Tuy nhà Nguyễn đã bỏ Phnom Penh năm 1841, Cambodge vẫn là một chư hầu cho đến 1863, ngày người Pháp đặt quyền bảo hộ riêng của họ.

Danh hiệu Việt-Nam (越南) chỉ mới xuất hiện đầu thế kỷ 19, năm 1838 vua chọn tên Đại Nam 大南 bởi vì đế quốc nới rộng về hướng Nam. Danh hiệu nầy trội yếu trong giới quan lại Nam Triều cho đến 1940. Nhưng trong Hòa Ước Nhâm Tuất 1862 (Traité de Saigon) người Pháp chọn tên Annam (安南). Sau đó họ chia đế quốc VN thành ba miền Bắc Kỳ (Tonkin), An Nam (danh hiệu không chính xác vì nó còn nghĩa toàn đế quốc VN, từ nay gọi là Trung Kỳ) và Nam Kỳ (Cochinchine không rõ nguồn gốc). Năm 1863 nền bảo hộ nới rộng qua Cambodge và Lào; như vậy từ nay chúng ta có năm vùng lập thành Đông Dương thuộc Pháp (l’Indochine Française).

Năm 1887, tháng 10, Pháp thành lập Union Indochinoise, động tác đầu tiên trong chiều hướng hình thành một lãnh thổ thống nhất.

Phải chăng Đông Dương (ĐD) là hậu thân của đế quốc An nam, hay là người An nam chỉ là một phần trong dân số ĐD. Nói khác là tìm hiểu đến mức độ nào người Pháp đã thành công thành lập ĐD như một thực thể vừa về lãnh địa vừa bản tính; và vừa địa dư cùng tâm thức.

Luận án nầy chọn hai định mốc thời gian là 1887 như trên đã nói ngày thành lập Union Indochinoise và 1954, ngày mở hòa đàm Genève để chấm dứt chiến tranh VN, tuy không bỏ qua những biến chuyển khác ở giữa nhưng ít quan trọng hơn.

1887 -1920 thời gian thai nghén

Từ năm 1887, Pháp mưu toan tạo lập một cương thổ thống nhất về địa lý, ước muốn ĐD thành một nước duy nhất theo những chính sách sau đây:

Trung ương hóa

Tức là cho ĐD một trung tâm năng động để dễ kiểm soát. Union Indochinoise được thành lập 1887 nhằm thuyết phục giới ưu tú VN đầu tư trí tuệ vào việc canh tân ĐD. Lúc ấy giới nầy vẫn tin tưởng rằng tương lai chỉ hình thành với sự hiện diện của Pháp, mãi cho đến thập niên 1930, họ vẫn quan niệm canh tân hóa và ĐD trong khuôn khổ cộng tác với Pháp.

Đến 1911, toàn quyền trở thành người quản nhiệm toàn lãnh thổ (administrateur du territoire) đảm nhiệm ngoại giao, hành chánh, quốc phòng và ngân sách. Rõ là một chính phủ. Trong lúc ấy triều đình VN, Cambodge và Lào đứng riêng rẻ.

Đào tạo lớp người ưu tú.

Ngay từ đầu, người VN đã liên hệ với Pháp và dĩ nhiên hưởng những ân huệ lợi lộc. Quy chế đặc quyền làm họ nhớ đến thời xưa hoàng triều sáng rực. Tuy nhiên họ không tự xem là người ĐD; sự phân biệt giữa người VN và các dân tộc khác sống ở ĐD không những có trong người VN mà trong đầu óc người Tây cũng có.

Việc đào tạo giới ưu tú bắt đầu từ việc học hành. Pháp đã bắt đầu đào tạo công chức riêng của họ. Năm 1911, Albert Sarraut, lúc ấy là khâm sứ, thành lập Université Indochinoise ở Hà Nội. Sarraut rất nồng nhiệt ủng hộ một ĐD thống nhất, ông muốn tạo ra một nền văn hóa mới cho ĐD, tránh xa ảnh hưởng của Khổng Mạnh. Ý hướng nầy biểu lộ qua một bản đồ thống nhất; bản đồ nầy theo lệnh của Sarraut treo tại các công sở của thuộc địa. Pháp đã dần dần thay thế hệ thống thi cử xưa theo lối Tàu bằng hệ thống giáo dục Pháp.

Ở một điểm khác, chính quyền Pháp đẩy mạnh thông tin tuyên truyền qua các nhật báo và các truyện bình dân dễ đọc (les romans de gare) làm thành tiếng nói duy nhất ca ngợi sự to lớn của ĐD thời mới, y như thể muốn nói sự canh tân chỉ có thể thực hiện nhờ một Union Indochinoise. Trong một mức độ nào đó, dự án nầy của Pháp đạt một số thành quả vì cương thổ nới rộng và giáo dục đã tạo ra thế hệ trẻ VN thập niên 1930 tự cho mình là người ĐD.

Tuy vậy các kết quả ấy bị giới hạn vì chính người Pháp áp dụng hệ thống giáo dục khác biệt (différencié) giữa thành phần ưu tú VN và những thành phần thiểu số khác. Lào và Cambodge chỉ được theo học các trường cải biến (les pagodes réformées) từ các trường học xưa, đồng thời giới hạng sự giao tiếp giữa nhóm thiểu số và người VN.

Về cương thổ

Pháp cố công đem lại cho ĐD một sự sống bằng những công trình công chánh, đầu tư kỹ nghệ (cao su) và giao thông vận tải. Tiếp đến là sự canh cải hệ thống nha lại, rải công chức khắp cả cương thổ, móc nối giữa địa phương và chính quyền thuộc địa. Cũng là mục đích duy trì sự thống nhất lãnh thổ qua các hạ tầng cơ sở, mở đường cho một sự thống nhất tư tưởng và văn hóa.

Trở ngại chính yếu là sự thiên vị đặc lợi cho người VN, lớp người thực sự thể hiện sự thống nhất bề ngoài nầy, giữ các chức vụ hành chánh ngay cả tại Cambodge và Lào; họ đã thành lập một giai cấp công chức riêng rẻ. Tiếng Pháp và tiếng Việt là hai ngôn ngữ thành văn. Giới trí thức ưu tú Cambodge và Lào đã nhìn thấy qua nền cai trị Pháp một sự bành trướng của người VN.

Pháp đã thực hiện nhiều điều: thủy lộ giữa Saigon và Hongkong, Bangkok, Singapour, Marseille (chính yếu để xuất cảng mủ cao su). Trên bộ, nhiều con đường xuất hiện, quốc lộ 13 chạy theo sông Mekong hoàn tất giữa thập niên 1930; đường sắt chạy từ Saigon lên tận biên giới Việt Hoa và sau cùng là điện tín. Những cơ sở nầy tạo nên mối tương hệ giữa không gian và thời gian, xa gần, nhanh chậm. Nhưng các chính trị gia quan niệm sự thể trong một cương lãnh, một không gian gọi là Union Indochinoise.

Những thành quả trên đặt một nền tảng vững chắc cho sự di dân (chưa phải thực dân) của người VN sang Cambodge và Lào. Một số đông người VN tự xem mình là người thực dân (colon). Đến như Pham Le Bong, chủ bút La Patrie Annamite chủ trương người Việt hãy thuộc địa hóa Lào, ngõ hầu Bắc Kỳ và Trung Kỳ thoát khỏi miệng của Bắc Phương. Người Việt đã lập kiến nghị hủy bỏ điều khoản đặt người Việt nằm dưới chính quyền Lào, người Việt đã xem lãnh thổ nầy của họ.

Phạm Quỳnh chủ bút Nam Phong trong thập niên 1920 đã du hành khắp ĐD đã nêu lên sự cắt đứt văn hóa tại “biên giới Lào”, ông nhấn mạnh chữ biên giới (la frontière) có một ý nghĩa (đặc sắc), nó phá hủy quan niệm một cương thổ, một không gian tư tưởng chung cho cả ĐD. Theo ông, danh hiệu Indochine / Indo-Chine cho thấy hình đồ văn hóa: một bên chịu ảnh hưởng của Ấn Độ (Phật Giáo Theravada), một bên dưới ảnh hưởng của Tàu (Khổng giáo). Phạm Quỳnh quan niệm rằng ĐD ở trong sự liên tục của (chính sách) Đại Nam; theo ông, những phương tiện Pháp đã xây dựng mở đường cho sự thực dân hóa (của người VN) trên đất Lào, Cambodge.

Sự thể nầy đã khơi mào những bất hòa tương lai; và chính người Pháp đã tạo ra số người thực dân tại chỗ, để làm một cuộc thực dân hóa trong một cuộc thực dân khác của Pháp. Người Việt trên hai xứ nầy đã có những danh từ phân biệt văn hóa của họ và văn hóa người bản xứ.

1920 – 1945 chủ nghĩa quốc gia VN hay ĐD?

Quan điểm bảo thủ-

Thập niên 1930, Pham Van Bong, nhà báo bảo thủ đề cập ĐD như một sự cần thiết sống còn của người VN. Những kẻ theo chủ nghĩa quốc gia trẻ được huấn luyện trong các trường thuộc địa không còn theo đường lối Khổng Mạnh, họ xem sự đồng nhất và thống nhất Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ là điều cấp thiết, bởi lẽ sự phân chia nầy là do người Pháp tự ý làm ra. Họ không nói đến Lào và Cambogde nhưng phân vân giữa giấc mơ một ĐD do Pháp đưa vào đầu và hoài niệm một đế quốc Đại Nam thống nhất.

Giới bảo thủ và người Cộng Sản (mỗi bên một kiểu) đã hòa lẫn Đế Quốc Đại Nam và ĐD. Có giả thuyết cho rằng đó là ý nguyện quyết tâm của người VN làm sống dậy hướng tiến có trước khi Pháp đến là Nam Tiến, nay dùng ĐD làm phương tiện mới cho mục đích cũ. Do đó người VN quan niệm thực thể ĐD trong khung sườn Viêt Pháp và không để ý đến Cambodge và Lào.

Cường Để, trái  Phan Bội Châu
Ý niệm về một liên bang xuất hiện năm 1911 song hành với ý kiến thành lập một quốc gia VN phía Nam nước Tàu (Phan Bội Châu và Cường Để chủ trương một quốc gia độc lập). Để bảo vệ quyền lợi của mình, Pháp phải tìm một cấu trúc khác thay thế cho Union Indochinoise. Fédération Française ra đời 1941.

Sáng lập viên Đảng Lập Hiến Bùi Quang Chiêu đồng thuận những ý niệm của Sarraut, nhất là ở điểm tự trị của người VN, tảng quyền từ trung ương đến địa phương và tự do hành động. Đó là mốc dấu đầu tiên của chủ nghĩa quốc gia VN và làm nổi bậc khả năng trí tuệ của người Việt đã diễn dịch cụ thể các giá trị và ý niệm của Pháp.

Năm 1931, người chủ trương quốc gia VN xúc tiến chương trình phát triển kinh tế Phía Tây, lập đồn điền, khai mỏ ở Lào và Cambodge trong kế hoạch sáp nhập lãnh thổ.

Về phía Lào hoàng thân Phetsarath (1890-1959) tuyên bố cần phải có thể lệ điều chế việc nhập cư của người Việt hầu tránh việc thành lập một quốc gia trong một quốc gia; ông chỉ trích người Việt Nam chỉ nói tiếng Việt và làm mọi việc theo ý riêng. Tuy vậy, theo ông, ĐD không có thật, không có cái gọi là ĐD, ông đòi hỏi xét lại việc thực dân Pháp ủng hộ việc người VN cai trị đô hộ Lào.

Người VN rất đổi ngạc nhiên và bất mãn vì từ trước đến nay có người Lào nào dám nói như vậy. Từ đấy xuất hiện những phản ứng liên hệ đến Đế Quốc VN. Giới trí thức Cambodge chấp nhận rằng ĐD chỉ hiện hữu về phương diện hành chánh, nhưng phủ nhận tính chất đồng nhất về lịch sử, ngôn ngữ và địa dư của toàn vùng. Những lời bát khước nầy mở đầu sự xác lập “căn cước quốc gia” của Lào và Cambodge; và là vật xúc tác cho các cuộc nổi dậy 1930 và 1931 chống người VN.

Người Pháp ý thức rằng họ đóng vai vôi hồ, keo sơn, gìn giữ ĐD không để cho các phong trào quốc gia tương tranh gây bất ổn.

Về phía người CS, từ 1920, họ đã nghĩ đến cách mạng và quan niệm một quốc gia hậu cách mạng theo kiểu Xô viết, tức là hợp chủng. Họ đồng ý hy sinh những đặc thù lịch sử để chấp nhận quan niệm mới về quốc gia-liên hiệp. Đảng CSĐD chủ trương như vậy theo yêu cầu của Komintern (Đệ Tam QT). Người ta không hiểu thắc mắc của HCM ông nói ĐD gồm cả Thái Lan và Miến Điện; phải chăng ông muốn nói gồm hai xứ nầy thì quá rộng không kham với tình hình; hay ông muốn nói Komintern cần tóm luôn hai xứ nầy cho xong.

Những giao động 1940-1945

Giữa 1940 và 1945, ĐD chịu ảnh hưởng của những cuộc tranh chấp thế giới: Nga, Pháp, Nhật. Tình trạng nầy làm cho người quốc gia khó biết cách nào mà lựa chọn.

Các đại biểu người Việt tại Chambre Consultative Indigène de Tonkin (hội đồng tư vấn địa phương Bắc Kỳ) yêu cầu ban bố hiến pháp cho một liên bang ĐD gồm năm xứ, tại mỗi xứ có nghị viện gồm số nghị viên bằng nhau của người Pháp và Việt; liên bang nầy có quân đội riêng. Nói bình đẳng giữa các vùng là vậy, tuy nhiên chính quyền không chú tâm đến nguyện vọng Cambodge, Lào và các dân thiểu số khác. Thực tế bất công còn sâu sắc hơn; các bộ dân luật phân biệt rõ ràng Việt, Lào, Cambodge.

Hoàng cung Luang Pravang, Lào


Theo chủ trương của chính phủ Vichy, người Pháp muốn phục hồi những phong trào chủ trương quốc gia. Chính quyền bảo hộ đề cao những nét độc đáo của từng bộ tộc nhằm đẩy lui ảnh hưởng của Nhật. Nhu cầu phục sinh quốc tính của những vương quốc Cambodge, Lào và Việt Nam – nghịch thường thay – là nhờ người Pháp vô tình hay cố ý ngăn chận phát triển một thực thể gọi là ĐD bao trùm cả bán đảo nầy.

Bắt đầu 1942, người Pháp khởi sự dùng danh hiệu Việt Nam ngõ hầu đạt sự hậu thuẩn của giới ưu việt, xưa nay là một chỗ dựa chính của ĐD. Pháp chơi trò nước đôi, một mặt xác nhận sự liên kết với giới ưu tú VN và một mặt tăng cường sự giúp đỡ dành cho các dân thiểu số khác. Pháp đã bỏ hết công sức ngăn chận ĐD phân hóa tanh bành; nhưng ĐD không đáp ứng canh bài mong muốn khi ba xứ Trung Nam Bắc trở thành một nước VN.

Ngày 12 thg 6 năm 1945 (ba tháng sau khi Nhật chiếm toàn lãnh thổ), hoàng đế Bảo Đại chính thức công bố quốc danh là Viêt Nam.

HCM thay chữ “kỳ” thành “bộ”, Nam Bộ …để lên tiếng có mặt trên bản đồ mới. Sau khi Nhật đầu hàng, HCM thành lập VNDCCH. Sự thành lập VNDCCH xem như tiếng chuông báo tử của ĐD. Tuy vậy trong hàng ngũ CS vẫn còn nhiều người còn mang ý niệm ĐD, và chính nhờ vậy ĐD vẫn còn phần nào là một thực thể chính trị. ĐD vẫn còn mang hình ảnh lịch sử năm xưa người Việt giữ ưu thế; nay người Pháp sẽ ra đi thì người Việt thay vào làm kẻ bảo hộ và là những người lính canh giữ liên bang. Chứ còn ai vô đây!?

Sau thế chiến 2, người Pháp cố gắng bất thành gộp chung các chính phủ dân cử sau khi độc lập (Nhật khuyến khích Cambodge và Lào tuyên bố độc lập tháng ba và tháng tư 1945) trong cơ cấu liên bang ĐD. Người Pháp thất vọng vì ba xứ thành độc lập một cách dễ dàng. Việc ấn định các biên giới cẩn mật đã thể hiện sự giải tán ĐD. Từ 1945, người VN không được phép đi lại, định cư dễ dàng khắp nơi ở ĐD. Những biên giới nội địa trở thành biên giới quốc gia. Lào và Cambodge đặt các đồn trạm địa phương kiểm soát việc nhập cư và an ninh để xóa bỏ việc Việt Nam hóa lãnh thổ. Người Pháp thay đổi chiến thuật chơi lá bài thiểu số chống lại chủ trương quốc gia của người Việt, tức là số người không còn trong tầm kiểm soát của Pháp và đe dọa quyền uy của Pháp.

Từ 1951, đảng CS VN quyết định giúp các chính phủ mặt trận Lào và Cambodge giành độc lập và giành lại ĐD. Sự thể giống như sự lai tạo giữa hai môi trường khác biệt, giữa chủ nghĩa quốc gia (độc lập) và chủ trương quốc tế (liên bang). Người CS biết rằng ba nước phải tương lập, và thành lập mặt trận chung. CSVN đã trợ giúp Lao Issara va Khmer Issarak thành lập một liên minh quân sự.

1949 Mao Trạch Đông đã chiếm toàn Hoa Lục, dễ dàng vận chuyển quân dụng mọi thứ một cách dễ dàng. Chiến lược của CSVN đặt trên địa bàn rộng lớn, toàn thể lãnh thổ ĐD. Khu biên giới Lào Thái trở thành những đơn vị hành chánh quân sự, có hệ thống thâu thuế riêng, buôn bán bất hợp pháp kiếm lời nuôi chiến tranh.

Hai xứ Lào và Cambodge đều có nét chung: phe kháng chiến lệ thuộc hoàn toàn vào CSVN; phe chính phủ lệ thuộc hoàn toàn vào người Pháp. CSVN đã vận dụng thành công số người Việt trước đây đã nhập cư Cambodge và Lào, giúp mọi thứ, nhất là kinh tế chiến tranh.

Tại hòa hội Genève 1954, CSVN vẫn muốn duy trì một liên bang ĐD, nếu thành công họ sẽ kiểm soát tất cả vì ngay lúc đó họ đã chiếm 43% lãnh thổ hai nước Lào và Cambodge.

Người CS đã thực tế dung hợp giữa hai ý niệm không gian, một là VN và một là ĐD. ĐD thực sự chỉ hiện hữu trong đầu óc người Việt và người Pháp. Với người Việt ĐD hiện thân một quá khứ vương triều đã mất, với người Pháp ĐD là một vùng đất đầy tài nguyên cần được canh tân và sẽ được kiểm soát dễ dàng qua trung gian một chủng tộc. Nhưng sự trông cậy vào nhóm thiểu số nầy đã phá hỏng sự đồng nhất và an lành của một ĐD liên hiệp. Người VN, qua đặc quyền đặc lợi, đã thúc đẩy hình thành chủ trương quốc gia của Cambodge và Lào./  nguyên bản tiếng Pháp đây


=============================================================================

 

Vua Bảo Đại tuyên bố quốc danh Việt Nam
ngày 12 tháng 6 năm 1945

 ==================================================================


Friday, July 2, 2021

chuyện vặt trên tàu lửa

 


chuyện vặt trên tàu lửa

Như Qunh

1. Ga lẻ nên ít khách. Chỉ trên dưới ba mươi người đi. Hàng quán trong sân ga chỉ bán bánh mì nguội, bánh bao hấp chưa kịp nóng. Chiếc chiếu nhỏ có giá mười ngàn đồng cũng được khách mua vội để lên tàu ngả lưng. Số phận nó sẽ được vứt lại sàn tàu ở ga mà khách đến. Tất nhiên, không ai muốn ôm chiếc chiếu kè kè bên mình!
Đối diện đôi vợ chồng trung niên là một em gái nửa như sinh viên, nửa như tiếp viên quán nhậu, nửa như nhân viên ở quán gội đầu, mát-xa. Không ai biết nàng là ai; những người được nhắc tới trên đây chỉ thấy nàng có kiểu ăn mặc quá kỳ cục; theo cách nói của chị vợ anh trung niên, đó là cái quần què! chị ghé tai anh nói nhỏ. Và, khi cô gái quay lưng lại để treo giỏ đồ lên cái móc nhôm trên thân tàu, nửa chiếc mông của cô theo đó mà lộ thiên. Chị vợ trung niên đuổi chồng (đang dán mắt vào cái quần què đó): “Anh đi chỗ khác tìm ghế trống mà ngồi. Không có chỗ thì ghé căng tin uống bia đi, nhậu đi. Đến ga em gọi xuống”. Anh chồng đứng lên bỏ ghế đi. Mặt buồn xo.

2. Một người đàn bà còn quá trẻ, ốm tong teo đang lột đậu phụng luộc cho con ăn. Chị nói đang trên đường đưa con về gửi ông bà ngoại ở một tỉnh nào đó của đất nước này. Chị kể nghe xa xôi mơ hồ như chuyện của ai, như chuyện của trăm ngàn người là một!

“Công nhân tụi em như nhau cả. Vào Nam khi độc thân, gặp, yêu rồi cưới. Có người khỏi cưới luôn, tốn kém! Đẻ con ra gửi về ông bà nuôi giùm. Tiền trọ, tiền gửi con, tiền sữa, tiền gạo cơm, cá khô, trứng vịt… cộng lại luôn nhiều hơn tiền lương thì biết làm sao được? Thương con đứt ruột, cũng đành…
Con bé chưa nói được nhưng tự cảm điều gì đó từ giọng kể của mẹ nó, không ăn đậu phụng luộc mẹ đút cho nữa. Con bé phun phì phì ra ngoài, bắn trúng vào người ngồi ghế đối diện. Nó khóc gắt, tay ôm bấu lấy mẹ, tức tưởi. Dù vị khách ấy tự lấy khăn lau, nói không sao hết chị à nhưng người mẹ trẻ vẫn đánh đen đét vào mông con bé! Nó càng khóc dữ dằn hơn. Có cái gì đó như sự phẫn uất chất chứa trong lòng người đàn bà trẻ. Chị bất giác đẩy cửa sổ toa tàu lên, đưa con bé thò đầu ra ngoài. “Sợ chưa? Mày sợ chưa? Đời tao khổ lắm rồi”… Trong một chốc lát thôi, mẹ hiền trở thành mẹ mìn! Những người ngồi gần đó chứng kiến, can ngăn người mẹ trẻ đang hành hạ con bé. Người đàn bà trung niên mới đuổi chồng đi chỗ khác ngồi đứng dậy bồng con bé dỗ dành.

“Tội con mà em! Vợ chồng chị cưới nhau gần hai mươi năm nay không có con, chạy chữa suốt. Lần này cũng đi điều trị về”. Người mẹ trẻ tu tu khóc còn hơn đứa con gái nhỏ. “Chị ơi, em sẽ nhớ con lắm, nhớ con lắm”.

3. Tiếng tàu vẫn xình xịch, xình xịch lướt qua đồng hoang. Mới màu xanh của cây trái đó, giờ là hoang tàn, cỏ cháy. Vài cây bằng lăng cằn cỗi nở hoa tím lịm, đơn lẻ, buồn bã không ai ngắm. Nếu ở thành phố, gốc bằng lăng như thế trong chậu kiểng, biết bao kẻ trầm trồ, ngắm nhìn!
“Chôm chôm đây, chôm chôm vườn đầu mùa đây. Một ký ba mươi ngàn, hai ký năm mươi ngàn”. Ông già ngồi ghế sau chồm người lên, ghé đầu qua cửa sổ khi tàu dừng ở một ga xép. Ông bảo mua hai ký để mời mọi người cùng ăn cho vui. Bà vợ nói mua một ký thôi, quen biết gì mà mời? Ông liếc vợ một cái bằng con mắt không chút cảm tình. Dường như sự keo kiệt của bà vợ lộ ra hết trong câu nói làm ông tức giận. ”Ừ thì một ký”, ông nói nửa như hờn, nửa như… tuân lệnh. Ký chôm chôm đưa lên. Tờ năm mươi ngàn đưa xuống, tàu chạy. Chới với, chéo véo, cằn nhằn là những thanh âm của hai vợ chồng bị người bán chôm chôm lừa mất hai mươi ngàn đồng không trả lại trước khi tàu chuyển bánh.

4. Và cảnh đôi vợ chồng già hơn đôi vợ chồng cãi nhau vì trót mua chôm chôm. Ông đang nhấp từng ngụm rượu mà ông cho biết là ngâm từ ba mươi hai con cá ngựa tức mười sáu cặp! Hỏi vì sao phải mười sáu cặp, ông chỉ cười. Mồi nhắm là lọn chả gói lá chuối mua vội ở ga xép (ông không bị lừa tiền như ông đã mua chôm chôm). Bà vợ ông nói “tui mệt quá, hình như là say tàu’’. Ông đùa: “bà… say tình chứ say tàu gì, ngã đầu xuống đây nhé nàng?”.  “Nàng” của ông liếc mắt tình tứ rồi ngả mái đầu nửa bạc, nửa đen xuống đùi ông. Ông già kể đây là mối tình đầu của tui. Thất lạc nhau hơn bốn chục năm. Giờ hai bên đều chỉ còn… một nửa! Con cái trưởng thành hết nên… tác hợp cho đôi uyên ương già. Giọng ông kể tưng tửng khiến ai cũng phì cười. Ông nói họ đang đi thăm đất nước mình trước khi không đi được vì già nua hơn…

5. Cô gái mặc quần què nhìn cặp đôi hạnh phúc xuýt xoa. “Bà sung sướng quá! Đùi cháu toàn để đàn ông gối không à, chứ chưa có cảnh ngược lại. Cháu làm nghề… ‘’. Chị vợ trung niên háy mắt, ngắt lời. “Biết rồi đó. Tốt đẹp chi mà khoe ra đây’’. Cô gái im bặt mắt nhìn ra cửa sổ toa tàu… Ngoài đó một màu xanh xanh ngút ngát tầm mắt. Nhìn xa không biết là lúa hay cỏ. Tàu dừng ở một ga (cũng nhỏ) của miền Trung. Mẹ con cô công nhân chuẩn bị hành lý xuống ga. Người chồng trung niên khật khưỡng trở về chỗ ngồi lấy giỏ hành lý, không đợi vợ gọi xuống như lời chị đã dặn. Đó không biết là kết thúc hành trình lần thứ mấy họ vào Sài Gòn chữa bệnh vô sinh…

Họ xuống ga. Cô gái quần què liếc nhanh chị vợ trung niên “đồ vô duyên, chuyện mình không lo, xía vô chuyện thiên hạ”. May, tiếng huyên náo của những người rao bán hàng vặt giúp chị vợ vô sinh không nghe được lời dễ tổn thương.
Tàu lại chuyển bánh…

============================================================================

tám giờ tàu đi Katerini

Dà Lạt xưa kia

Xin xem thêm về bài hát ở đây




rest area








viết vội sáng July 4, 2017
Tôn Tht Tu

Tôi cũng như nhiều người trong thế hệ thất thập, hay quá độ bát thập, rất français, nghĩa là được huấn luyện trong tinh thần français, từ dictée cho đến chiếc xe đạp dò dĩa đuya ra nhôm của tây là số một.  Nói qua nói về, dư luận không mấy thiện cảm với Mỹ. Cuối thập niên 1950, sự hiện diện của Mỹ cũng khá rõ. Nhiều kẻ phiền trách mấy ông Hoa Kỳ thuê villa kiểu Pháp rồi sơn tường trắng thay cho màu vàng thổ huỳnh quen mắt, cửa thì sơn xanh lục thay vì màu rượu chát đậm. Mỹ, chúng rất tồi, uống chai bia còn một nửa đem cất tủ lạnh không dám đổ xuống đất. Tụi nớ tồi, mời tiếp tân mà chỉ cho ăn bắp rang (thật sự mời ăn "pop corn" khi đang quạt lò nướng thịt). Thằng cha Hitcock, trưởng phòng thông tin ở Chaffenjon cũ, không dám sai ai, lại đi lấy khăn chùi nước đổ giữa khu trưng bày hình ảnh, mất phẩm cách giới thượng lưu.

Về học thuật, chỉ có Pháp mới nêu ra sự phân quyền với luật gia Montesquieu. Nhưng nào biết trước Montesquieu, người Hồng Mao John Locke đã nói rồi và không những thế, đảo quốc nầy đã đặt những nền móng căn bản cho các định chế dân chủ, Voltaire đã học đem về cho Thế Kỷ Ánh Sáng. Thầy dạy luật và chính trị chỉ dùng sách Pháp.
Dẫn nhập cuốn sách mình viết về nước Mỹ, một tác giả Pháp, không nhớ tên, đại khái viết rằng dân Mỹ là dân ít biết và ít lo về triết học nhất thế giới (le seul peuple qui s'interesse le moindre - ou presque non - à la philosophie).

Đúng quá rồi chứ gì. USA không có những vĩ nhân như Jean Paul Sartre - Wikidepia gọi là a determined communist - ngồi giữa Paris cùng sư bà Simone de Beauvoir ca tụng Staline, ca tụng công thức communisme = humanisme. Đúng quá bà con ơi, humasime là một chữ đánh lừa theo một trong nhiều nghĩa là nhân đạo, nhân bản nhưng đã bỏ quên nghĩa rất tầm thường là bởi con người. [Đánh lừa như dịch chữ 'dictature du prolétariat' thành vô sản chuyên chính, sao không dịch quách là độc tài cho dễ hiểu. Công thức của Staline: socialisme = dictature du prolétariat + électricité)].
Humanisme, người cày thay trâu cũng là humanisme vậy. Tay người đập đầu người ở Sibérie, ở Suối Đá Mài cũng là humanisme. Với sức người sỏi đá cũng thành cơm, cấy ni còn humanisme hơn. Humanisme là nhân đạo như ri: ba người dẫn trâu ra đồng, trời mưa; nếu chỉ có một chỗ che thì dành cho con vật, ba "human" nầy chịu ướt lạnh.

USA không có những triết gia ba xu nói phét phố chợ Saigon trong túi lận con dao giết người. Nước Pháp đã tạo nên một Trần Đức Thảo không giống ai (xin xem Chuyện Vui về TĐT). Nước có hình lục giác nầy cưu mang một thứ triết lý mà GS Nguyễn Đăng Thục nói phải vất bỏ trước khi ra phố, đi chợ, không khéo thì cầm nhầm đủ thứ.
Cứ theo sử mà nói, những người Âu lập nghiệp đầu tiên đã chán ngấy triết học của lục địa cũ đã cùng các thế lực đời và đạo đày ải con người tuy không đến như nông nô Trung Cổ. Họ muốn đi nơi khác để sống cùng trực giác tiếp xúc với Linh Thiêng. Dĩ nhiên họ cũng là người, lầm lẫn, gây thương tổn cho người bản xứ, phá hoại thiên nhiên.

Nói cho cùng có dân tộc nào lại không có một triết lý. Tác giả Mỹ Richard Hertz viết: Mỗi sáng khi lên núi hái chè, nông dân Tàu hát một khúc nhạc để ca ngợi công việc làm ăn, họ xem việc xuất hành nầy như cuộc hành hương vào Tây Phương Thế Giới. Những người chèo thuyền trên sông Volga chấp nhận (sự hiện hữu của) vũ trụ. Phụ nữ Madagascar làm việc ngoài đồng, cuốc cào nhịp nhàng như các vũ công hát múa trong đền làm đẹp lòng thần linh.

Những triết lý nầy đâu phải kiểu Descartes của ông tây bà đầm.
                                                                
Nói lung tung vung vít như trên là sau nầy, chứ khi đọc thì tin như bắp. Nhờ bức mành tre, tôi mới có cái nhìn khác. Số là lúc ấy đất Thần Kinh lậm phong trào làm mành tre giả; những ống trúc được thay bằng giấy cuốn tròn. Nguồn giấy cứng, dày có thêm màu mè là tạp chí Thế Giới Tự Do do Mỹ phát hành. Chút ít nói về Mỹ, tờ báo tường trình nhiều về sự định cư của gần triệu người Bắc, những cuộc kinh lý của Ngô Tổng Thống, nhà cửa giàu sang, bàn tủ cẩm lai ở Hố Nai Biên Hòa, những nhà thờ to lớn mới xây v.v… Tôi đi qua xin một cuốn, đi về một cuốn, góp thành đống. Đến khi muốn ra tay thì phong trào đã xẹp. Tuy còn đang lúc hy vọng vô Nam học, tôi bắt đầu thu dọn sách báo. 
Tôi tìm được vài số Informations et Documents. Tạp chí nầy không phân phát như Thế Giới Tự Do; một người nào ở phòng thông tin Mỹ cho.
Vì chỉ biết hai động từ être và avoir, tôi cố đọc thêm bất cứ thứ gì có trước mắt, để học thêm. Ngoài lý do đó, tôi chú ý nhiều hơn, các tài liệu của I&D giúp ích trong công việc chuẩn bị thi vào một trường chuyên nghiệp; tôi phải tìm hiểu các thể chế chính trị, nhân quyền và dân quyền; thực tế chính trị các nước độc tài đối với tự do.

Có một bài trông không liên hệ đến những chuyện nầy. Bài đề cập đến đô thị hóa, có một câu làm tôi giật mình: tiếng động, ồn ào náo nhiệt là kẻ thù của tự do tư tưởng.
Lạ quá xưa nay chỉ nghe kẻ thù tự do tư tưởng là Staline, Castro, Mao, Honecker, Franco ...
Câu nói nầy lại được thốt ra từ một quốc gia tự do. Có nghĩa tự do tư tưởng cần được bảo vệ trước sự xâm lấn từ mọi hướng.
khu tập thể Văn Chương 
Những kiến trúc cũ kỹ này vẫn tồn tại theo năm tháng gắn liền với cuộc sống của hàng trăm hộ dân nơi đây.
Oang oang khoe tự do tư tưởng của nhà ta, từ những loa sắt khắp nơi, nhất là các khu tập thể, là lối tiêu diệt tự do nầy mà thầy chú nhân quyền Liên Hiệp Quốc, mấy bố dân chủ giả hiệu làm sao mà thấy.

Sự bảo vệ tự do tư tưởng tinh tế nầy trong khoa đô thị hóa chỉ được quan niệm trong những đầu óc lấy nhân sinh, lấy đời người làm quý. Từ những đầu óc không lởn quởn với những thứ như biện chứng, đạo đức cách mạng, không lởn quởn với những huyễn hoặc như đảng là mẹ bác là cha.

“Tiếng động, ồn ào giết tự do tư tưởng”, lời xác quyết nầy không phải là triết lý hay sao? Triết gia trừu tượng xa vời, vẽ vời không đồng ý. Triết lý Âu Châu trống kèn ca hát chân thiện mỹ. Chân thiện mỹ đều là hư vọng nếu không dựa trên chỗ dụng. Triết lý Bát Nhã sẽ là hư vọng nếu không có chỗ dụng là độ nhất thiết khổ ách. Vì chân thiện mỹ, một thực khách đứng lên bục tiệc cưới nói: “Vì chân trong bộ ba chân thiện mỹ, tôi xin nói cho quý vị rõ cô dâu đã bị hải tặc hảm hiếp, tôi và cả tàu đều biết rõ”. Vì chân mà người nầy tồi tệ hơn thằng hải tặc trên biển. Ôi cái chân của chợ Bolsa, cái chân dài thòng lòi ra đủ thứ.

Nhận thấy sự nguy hại của ồn ào náo nhiệt, chính phủ các cấp đã làm các bức tường ngăn tiếng động để dân chúng gần các xa lộ sống an lành. Triết lý nhân sinh nầy đã thẩm nhập mọi kế hoạch đô thị hóa với mục tiêu làm cho cuộc sống chung êm đẹp hơn.

Image result for Sound Wall ConstructionNhiều bức tường chấn âm thanh là những điêu khắc (bar relief) nghệ thuật. Cỏ hai bên đường đều được cắt sạch; nhiều khúc là những vườn cây xinh đẹp như ở Florida với những cây palm xếp lối. South Carolina không kém chi. Georgia đang gia tăng những đoạn đường có hoa thường niên (annual); trồng nhiều hoa tử vi (myrtle), lily có hoa vào tháng tám nóng nhất trong năm; California có bông lau (protected grass) hay hoa trúc đào.

http://www.advancedetiquette.com/wp-content/uploads/2010/08/1-Exit-1-Mile1.jpgĐặc biệt, ít ai chú ý hằng vạn bảng chỉ dẫn to nhỏ đều viền trắng quanh có bốn góc bo tròn để khỏi nhức mắt, dù là hình mũi tên vẫn có chỗ tròn ở đầu mút.

Triết lý nầy còn đòi hỏi sự bình đẳng giữa người lái xe du lịch và nông cơ, cả hai cần có sự che chở chống nóng và lạnh, nông cơ phải có cabine và điều hòa không khí; các người chủ trương yêu cầu chính phủ giúp nhà sản xuất đến chỗ nầy.
Cũng giúp cho tự do tư tưởng, US đã ấn định một tỷ số giữa diện tích công viên và dân số tiểu bang, để công chúng có thể thư thả, thảnh thơi ngẫm nghĩ chuyện đời; công viên là phổi của thành phố.
Để bớt bực dọc cho người xê dịch đi lại, California buộc các trạm xăng phải có nhà vệ sinh, miễn phí hay thu tiền tùy chủ.

tiểu bang Connecticutt
ImageLâu nay, tiểu đệ chỉ nói chuyện trên trời như “tiếng thanh la bừng dội sóng Ngân Hà” nay xin nói chuyện dưới đất.

Ngày lễ độc lập nầy và những lễ kế tiếp, nếu sống trên xứ Cờ Hoa, các thân hữu có thể đánh ngựa sắt thăm bà con, du lịch trong sự thoải mái do mình đóng thuế xây lên mà không lo thiếu nơi tránh Tào Tháo rượt, không lo thiếu nơi chống chế áp lực của thủy thần. Hãy ngừng ở các rest area, chỗ chèn không thơm như Hotel Shearaton, Hillton nhưng sạch sẽ, không hạ phẩm cách của người dùng.--