add this

Friday, June 30, 2023

suy cảm ngày thu sớm

 


suy cảm ngày thu sớm

Tôn Thất Tuệ

Nơi tôi ở, năm nay mát hơn, lá vàng đợt nhất đã rụng làm cho những ngọn trên cao xanh hơn và đất vàng hơn. Thu sớm và thu không muộn như mấy năm trước, năm ấy hơi nóng chận cửa thu sang. Quanh quẩn trong tâm hồn, không còn gì để vẽ voi khi thừa giấy. Rứa mới là hay chứ, mình sẽ trở nên như cây cỏ. Chẳng vui chẳng buồn, chẳng nợ gì ai. Nhưng đó là một thứ hòa bình tạm bợ, giống như các hệ thống hòa bình chính trị không thể kéo dài, ngay cả trật tự La Mã Pax Romana. Sau hòa bình là tiềm thức sống dậy, bão táp giữa ngày, là một thứ hổn độn của những gì đã thấy, đã sống, với thực tế “một lần vui vạn lần buồn”.

Suy cảm hôm nay không vô hình như đã viết về một thiếu nữ không quen ở Canada. Suy cảm hôm nay hướng về một bà

“Mẹ tần tảo một mình nuôi các con khôn lớn. Vất vả làm lụng cộng với ăn uống kham khổ mẹ cũng chết trẻ. Đêm ấy mẹ cảm thấy mệt, đi ngủ sớm. Mẹ ngủ một giấc ngủ thiên thu không bao giờ thức dậy nữa. Rốt cuộc đời mẹ chưa có một tấm áo đẹp, một bữa ăn ngon”.

Không kể câu thơ hờ của Nguyễn Trải, Xanh Đoàn đã dùng lời nầy kết thúc đoản văn Đêm nghe mưa rả rích trên tàu lá chuối.  

Trước đó ba bốn hôm, Xanh Đoàn đã phóng một hoài niệm về bến đò sông cạn, không cạn nước nhưng cạn cơ duyên hiện tồn mang theo rất nhiều hình bóng nhân thể. Vợ chồng anh Lé đưa đò, cô hàng nón đội cả cây nón sang sông, bà già bán bánh kẹo… Những nhân thể ấy nay được thay thế bằng những ‘’người’’ đất nung ngủ yên dưới gốc cây sung; những ông, những mè xừ, những mit tơ: ông Táo đen sì, Mr Địa sứt mép, Monsieur Thần Tài rỗng túi …

Những con người sống ấy quý thật, nhưng vẫn còn xa, mà Xanh Đoàn dùng để chuẩn bị để nói về một người sống ngay bên hông mình, bất khả ly, nhưng phải xa lìa vì ngoại cảnh. Đó là thân mẫu của Xanh Đoàn. Xanh Đoàn không lê thê lướt thướt khi nói về “biến cố” nầy vì có nói cũng không cùng, có nói cũng không cùng.

Sức mạnh của người đàn bà là quyết sống trong trách nhiệm làm mẹ. Gà mẹ bảo vệ vịt con do mình ấp ngang bằng với gà con của chính mình. Ý lực ấy đã duy trì loài người từ thuở chưa có thời gian. Ý lực đã được chứng minh bằng những hành động phi thường như một bà mẹ ốm yếu ở Florida đã nâng chiếc xe jeep để cứu con. Nhẹ hơn là buồng chuối sẽ đè nặng trên đôi tay của một cựu đả tự viên (đánh máy chữ). Trong vùng chuyên nghiệp chuối, thanh niên lực lưỡng đưa lưng dưới buồng chuối và người thứ hai dùng dao liềm cắt cuống cuối. Nhưng hãy xem thân mẫu của Xanh Đoàn một mình xoay xở ra sao:

Trước khi cắt buồng chuối mẹ lấy dây cột cây dao sắc vào đầu ngọn sào tre. Rồi mẹ bắc thang trèo lên lấy dây thừng cột buồng chuối vào một nhánh cây. Không làm như vậy khi đốn buồng chuối sẽ rớt xuống đất hư. Xong rồi mẹ dùng cây sào tre cắm cây dao cắt cuống buồng chuối để nó treo lủng lẳng. Từ từ mẹ mới nới dây cho buồng chuối hạ nhẹ nhàng xuống đất.

Xanh Đoàn đã để phần lớn diện tích bài cho cây chuối, hữu lý vì chính nó là nguồn sống như ánh đèn yếu ớt mà cần thiết. Về xã hội và địa dư, cây chuối, thiết nghĩ, nay đã thay cho cây tre. Cây tre xưa theo ta lúc chào đời vì mẹ dùng dao tre cắt rún rất vệ sinh, đến khi chết, tre làm mộng đóng hòm. Nhưng cây chuối được dùng 100% kể cả củ chuối như nấu canh cá nhám và nấu ốc. Người Tây phương chỉ biết chuối già cui, ăn ngọt nhưng không biết những món ăn khác như chuối chiên, chuối nướng, chúa nấu, canh chuối, và dĩ nhiên chưa biết dưa chuối và chuối chát ăn sống với các thứ rau khác.

Những món ăn của Xanh Đoàn không chiếm hết ý tưởng của người đọc, khác với lần trước món sung ngâm mắm đã làm bà con thưởng lãm tận tình mà quên cả trời đất cổ kim. Độc chiêu, đòn độc, tạo nên một nguồn thương yêu tình người. Cá nhân chúng tôi không khác gì hơn.

Tôi thật ngậm ngùi nhưng không muốn dùng những từ ngữ ước lệ để chia sẻ với Xanh Đoàn. Cũng như thâm mẫu anh, vợ tôi ôm một đàn con, đi lượm ve chai. Nhưng vợ tôi còn sống đến bây giờ. Trích dẫn nầy làm tôi nhớ một thắc mắc miên viễn về một câu nói có lẽ của Lão Tử, có lẽ trong Thánh Kinh Do Thái: muốn đến trước thì phải đi sau.

Tôi chỉ tìm ra được một lối giải thích cá nhân: người nghèo đi sau sẽ tới nghĩa địa trước. Thật vậy, người nghèo thiếu ăn làm cơ thể yếu, cơ thể yếu không làm việc được nhiều nên thiếu ăn thêm, không tiền thuốc làm cơ thể yếu hơn, áo quần không đủ ấm... ..những nguyên nhân sinh kết quả, kết quả là nguyên nhân trong vòng lẩn quẩn (vicious circle / cercle vicieux), thì chết sớm là dĩ nhiên. Trên bình diện lớn hơn, các khoa học xã hội đến kết luận sự nghèo đói là hậu quả lề lối điều hành quốc sự; mẹ thiên nhiên không thiếu thức ăn cho đàn con.

Thân cây chuối gồm những bẹ chuối kết tập không như cây mít cây ổi, cho nên khi gió nhiều, các bẹ chuối trở mình, tạo nên những tiếng rít, những tiếng nầy chung với tiếng mưa rơi trên lá chuối... là những âm thanh thiên nhiên đồng thời là khúc nhạc buồn nhớ đến buồng chuối nặng đè lên lưng mẹ. Tâm và cảnh nào có xa nhau. Ta và người nào có xa nhau. Tôi nói ngậm ngùi anh có tin không?

Mẹ tôi trong một hoàn cảnh khác, chừng 1945, đã bào lấy vỏ lụa bên trong những bẹ chuối sứ phơi khô làm băng cứu thương cho hai anh tôi mang theo ra chiến trường. Cả hai đều chết vùng Cổ Bi, Suối Nước Nóng; một người chết vì không cầm máu. Những băng vỏ chuối đã không bít kín cả những vết thương lịch sử. Nó cứ dây dưa dài dài, trong đó anh được cứu sống bằng canh chuối và tài ‘’kinh bang tế thế” của người mẹ yểu mệnh.

Tôi đã xin phép thêm một chữ vào câu nói của Xanh Đoàn để có: Rốt cuộc ĐỔI đời mẹ chưa có một tấm áo đẹp, một bữa ăn ngon”. Chức vụ thư ký đánh máy chữ, tuy không đủ mua gấm lụa nhung sa, không làm cho mẹ phải mặc áo rách vá vai; tuy không rượu chất đỏ, bít tết vẫn cho mẹ những bữa cơm tàm tạm không làm nhục danh vị người.

Vì cốt để làm nổi bật hình ảnh người mẹ, chúng tôi đã không trích câu ngắn ngay phía trước: -- Ba tôi chết trên trại cải tạo --. Đó là một sai lầm tuy thuộc về kỹ thuật. Sự kiện nầy đóng góp một phần rất, rất lớn cho khổ nhọc của bà mẹ đưa đến cái chết non. Trong lý duyên khởi của Á Đông, các sự việc nhỏ to không xẩy ra đơn độc mà là kết tụ từ nhiều nguyên nhân.

Cũng như thân phụ của anh, tôi đã nhiều ngày “trưa nằm rừng tội gà hoang gáy, thương con nhớ vợ ruột đức ngang” nhưng tôi đã trở về thấy vợ con, đã “tự khắc phục” cơn kiết lỵ, khỏi tay tử thần.

Trong một trường hợp khác, 1945, cha tôi cũng ra đi không trở lại. Tuy khác nhau trong khung cảnh, phóng từ nội quan mà nói, Xanh Đoàn và chúng tôi đã xa lìa thân phụ vì cuộc đời đã chia cắt cha con hết sức vô lý và bất công - la vie nous a séparés, injustement séparés, trong thơ của Flavien Sundhauser.

 

Thư gởi bố

Flavien Sundhauser

Con chạy quanh, rong theo những kỷ niệm bố để lại cho con

thời thơ ấu, cái thời chưa sống hết trong tình thương của bố.

Khi bố đi thì con lớn nhanh.

Thằng bé năm xưa cũng theo bố đi luôn.

Con không bày ra những ảo tưởng,

vì con thích kể bố nghe những giấc mơ tiếp theo những giờ cầu nguyện

và con hy vọng thư đến đúng nơi nhận là bố.

Con không chờ mong bố trở về, con biết không có được.

Nhưng con tin, tin riêng cho con, bố không xa.

Con không bù đắp sự vắng mặt của bố bằng một sự hiện diện tưởng tượng

Nhưng sắp xếp các thứ làm sao chúng không khác xưa.

Con còn khóc, những giọt nước mắt không quên bố;

Hay quá, chúng nói chuyện với bố giỏi hơn con.

Hôm nay nước mắt không xa con vì hôm nay là

ngày cuộc đời đã chia cắt xa lìa chúng ta,

chia cắt bất công, phi lý.

Bố ạ, lần đầu tiên con viết thư cho bố;

không gì mới, ngoài những gì đã kể bố nghe;

để làm gì con cũng không biết nữa:

mà như thể để ruột gan không nặng một món sợ hãi chưa nói ra,

sợ hải cho ngày mai, sợ hãi vì ngày mai.

Thêm việc nữa con không biết làm sao, nhưng con cần,

cho bố thấy cuộc đời của con.

Cũng không biết cách gì chia sẻ được

Trước thực tế duy nhất, chân lý duy nhất:

(ấy là) đời chỉ gồm thiếu vắng

và nhớ thương bố biết mấy cho vừa. (ttt dịch).


Lettre à mon Papa

Flavien Sundhauser

Je me balade dans les souvenirs que tu m’as laissés,

Dans une enfance qui reste inachevée…

Quand tu es parti j’ai si vite grandi

L’enfant que j’étais, est avec toi, lui aussi parti…

Je m’invente pas des chimères,

Préférant te raconter mes songes, dans mes prières,

J’espère juste qu’elles arrivent jusqu’à ta destination,

Je n’attends pas que tu reviennes, je le sais bien,

Mais j’aime à croire, que de moi, tu n’es jamais loin

Je ne remplace pas ton absence, par une imaginaire présence,

Je remplace juste les choses pour qu’il n’y ait pas trop de différence…

Je pleure encore, mes larmes ne t’oublieront pas,

Et il me plait de te dire, qu’elles te parlent mieux que moi…

Aujourd’hui, elles ne m’ont presque pas quitté,

Puisque c’est le jour, où la vie nous a séparés, injustement séparés.

Alors, papa, et pour la première fois,

Je t’écris, je t’écris tout ce que je t’ai déjà dit,

Pourquoi, je ne sais pas, soulager peut-être mon cœur,

Une inavouée pour demain, peur…

Non, je ne sais pas, mais j’en ai besoin aussi,

Et peu importe comment, partager encore avec toi, ma vie…

Je sais papa, mais je ne sais pas comment faire,

Oui, la vérité, la seule c’est que me manque, tant mon père…


Letter to Daddy

Flavien Sundhauser

I’m wandering in the reminiscences you left to me

during my childhood not yet finished under your care.

Once you gone, I grew up so fast,

the lad I was was gone with you too.

I don’t make up any chimera;

I prefer to narrate my dreams mixed up in prayers.

I only expect these would reach the right destination, you.

I don’t long your coming back; I know the impossible

But I believe, secretly in me, that you are not far.

I don’t replace your absence with any fancy presence;

I only straighten up things to keep them unchanged.

I’m still crying, my tears won’t ignore you;

so glad to say they talk to you better than I do.

Today, these tears don’t leave me, they stay with me

Because today is

The day when the life separated us,

Split us wrongfully, unfairly.

Well, Daddy, for the first time, I write to you

I write what I’ve told you up, nothing else.

For what, I fail to realize what for,

but partly as if faintly unburdening my heart

from an undisclosed specteur,

a fear of, and for, the tomorrow.

And this, neither did I recognize why but I need

To share with you my life.

Again, I don’t know to get it done.

Meanwhile, is self-offered to me the bare reality, the unique verity:

the vacuum in mind, populated by my intensely missing you.

(translated by ttt)

Ref: Đêm nghe mưa ra rả ríc trên tàu lá chuối

=================================================

Đập Đá Huế xưa
=====================





Tuesday, June 20, 2023

nhạc cổ Hy Lạp


Lão nhân và thủy thần 

 Le Vieillard et les nymphes 

 Bilitis

Un vieillard aveugle habite la montagne pour avoir regardé les nymphes. Ses yeux sont morts, voilà longtemps et depuis son bonheur est un souvenir lointain...

"Oui, je les ai vues, m'a dit-t- il.. Helopsy, Chria, Limmathis... Elles étaient debout près du bord dans l'étang vert de physos. L'eau brillait plus haut que leurs genoux.

Leurs nuques se penchaient sous les cheveux longs, leurs ongles étaient minces comme les ailes de cigale. Leurs mamelons étaient creux comme les calices de jacinthes.

Elles promenaient leurs doigts sur l'eau et tiraient de la vase invisible les nufars à long tige. Autours de leurs cuisses séparées les cerles lents s'élargissaient.

Lão phu và các thủy thần

Một ông lão mù lên ở núi cao để nhìn những thủy thần. Đôi mắt của ông chết cứng đã lâu. Từ ngày ấy, ông chỉ còn niềm hạnh phúc nuôi trong một hoài niệm xa xưa.

Ông nói với tôi:

Vâng, tôi đã thấy các nàng mà! nào là Helopsy, Chria, Limmathis... Huệ, Điệp, Xuân... Các thủy thần nầy đứng gần mé bờ hồ những xanh lục lá bèo. Nước óng ánh cao hơn đầu gối.

Cổ gáy các nàng dài, chảy dài theo tóc dài; móng tay mỏng như cánh ve. Ngực sâu rỗng giữa hai chũm cau như đáy hoa hương huệ, hoa jacinthe.

Các nàng đưa các ngón tay lướt qua mặt nước, rồi kéo lên không những hoa súng dài cọng như lấy hoa từ một bình hoa vô hình rộng lớn. Quanh những bắp vế non chản rộng, những vòng sóng nước chầm chậm lớn dần rộng thêm.

****************************

Đây là một bài hát xưa của Hy Lạp 6 thế kỷ trước Jesus, trong tập thơ nhạc của nữ sĩ Bilitis. Năm 1922, Pierre Louys dịch và xuất bản ở Paris thành tác phẩm: Les Chansons de Bilitis thêm minh họa bằng bản gỗ.

Cũng gần vào thời đại của Bilitis, bên Tàu sáu bảy trăm năm trước Jesus, có chuyện gần giống như người mù và thủy nữ được Đào Trinh Nhất chọn đem vô Chu Tần Tinh Hoa xuất bản 1944 Hà Nội.

Vua nước Lỗ nghe rằng Can Thương Tử có thể nghe bằng mắt, trông thấy bằng tai, bèn mời vào cung tương kiến. Can Thương Tử nói tin đồn nầy sai, và giải thích khả năng nhận biết như sau: Thân thể của tôi hợp nhất với tâm; tâm hợp nhất với khí; khí hợp nhất với thần, thần hợp nhất với hư vô. Có một vật gì nhỏ nhít, một tiếng gì lẻ loi phát ra xa tận tám cõi hay ở gần ngay nơi mí mắt, dính dáng đến tôi, tất là tôi biết mà tôi không biết là do giác quan hay tâm linh.

Lão nhân của Bilitis thấy những thủy thần như bé mù trong La Symphonie Pastorale của André Gide nhờ tác phẩm của Beethoven mà thấy màu sắc, thấy được những bờ suối, cảnh trời thôn quê.

Nhạc cảnh La Moldau

Saturday, June 10, 2023

Đàn ông có bầu đẻ con

 

Monsieur Brown

Tân Cổ Giao Duyên

Tôn Thất Tuệ

XLHL 


#Xuân Lan (number XL)

Ngày 29 tháng 5 năm 1453, quân muslim của đế quốc Ottoman, sau 53 ngày bao vây, đã hạ thành Constantinople (Istanbul bây giờ). Nói chuyện chơi, chuyện thiệt, xưa nay, quay ngược quay xuôi, bắt râu con nọ đặt cằm mẹ kia, biến hóa vô lường, tùy nghi sở thích.

Chuyện thiệt:  Đế quốc La Mã thành lập trước Jesus chừng ba trăm năm nói là thành lập chuẩn bị vùng đất tốt đẹp cho vị cứu tinh nhân loại hành nghề. Nhưng ít nhất 80% vua chúa lên ngôi bằng sự sát hại tiền nhiệm. Tính theo thước vuông, đất đai La Mã không bằng đất ngựa Mông Cổ đạp qua, nhưng kéo dài, ảnh hưởng cho đến ngày nay. Greco-roman civilization còn thấy rất nhiều nơi ông Putin và ông Biden, cả ông Tập Tàu. Củ khoai chia bốn, “của nợ hay của quý” chia hai. La Mã của tui lớn quá chia bốn rồi chia hai. Vua Diocletian chia một nửa cho bạn mình, thành đế quốc miền Đông và Miền Tây. Eastern / Western Empire.

Rất tình cờ (không có tình cờ chỉ có nguyên nhân và kết quả) có hai giáo hội không đội trời chung cũng gọi là Eastern / Western Church dứt phép thông công nhau, nhân chuyện bột làm bánh thánh có lên men hay không.

Trước khi có đoạn tuyệt cay đắng nầy, hai phần đế quốc chia nhau không rõ rệt. Constantine như Đinh Bộ Lĩnh phất ngọn cờ lau dẹp yên các sứ quân thì dời kinh đô từ Rome xây thành mới mang danh nghĩa của chung cả đế quốc duy nhất, lấy tên mình đặt cho chỗ mới là Constantinople. Thực tế chỉ có một vị vua duy nhất thống lãnh toàn vùng là Theodosus nhưng vua nầy chia hai cho hai đứa con trai. Từ đó hai phần đế quốc sống riêng với hai giáo hội.

Đế quốc Miền Tây bị các ‘’rợ” Âu Châu xâm chiếm và chấm dứt năm 554. Đế quốc Miền Đông sống thêm gần ngàn năm cho đến 1453. Đế quốc miền Tây hủy diệt không mang theo Western Church mà trái lại giúp cho giáo hoàng ngày một thêm quyền lực. Theo luật xưa, hoàng đế La Mã là giáo lãnh tối cao; nay đế quốc tan thì vai trò nầy chuyển qua giáo hoàng. Ngài cộng tác với các thủ lãnh rợ, và tự cho quyền phong vương, đội vương miện cho Charlemagne v.v…như vua Charles mới được xức dầu. Trong lúc ấy Ottoman chiếm đế quốc Miền Đông thì Eastern Church chấm dứt, chuyển lên Moscow và phân tán mỏng.

Chuyện thiệt thiệt

Vua Constantine là một nhà chiến lược, cho rằng Rome dễ bị chiếm, thật vậy Rome đã thất thủ. Ông chọn Istanbul là vị trí chiến lược, án ngữ Hắc Hải ngó qua Crimea hiện nay của Nga, chiếm giữ eo biển Bosphorus. Bosporus có quy chế quốc tế đặc biệt cho phép Thổ Nhĩ Kỳ chận các tàu chiến đi qua khi có chiến tranh. Constantinople là một pháo đài kiên cố, một đô thị chính trị (như New York, như Thượng Hải…), đồng thời là kinh đô tôn giáo như Vatican ở Ý.

Trước lần bị chiếm vĩnh viễn nêu trên, thành đô nầy chỉ có một lần bị chiếm. Đó là việc anh em trong nhà. 1095, giáo hoàng Urban 2 ủng hộ lời kêu gọi của hoàng đế La Mã Miền Đông đã gom đủ quân đưa qua Jerusalem chiếm lại đất thánh do Muslim thôn tính. Tái chiếm thành, La Mã đã lập một chính quyền tại chỗ trái với tuyên ngôn lúc đầu. Muslim đã lấy lại và thánh chiến kéo dài mấy trăm năm, có đến chục cái thánh chiến tiếp theo nhau nhưng không đi đến đâu. Thánh chiến thứ tư thì không đi Do Thái mà qua Constantinople làm một cuộc chiến như mọi cuộc chiến khác, chết chóc hãm hiếp, bắt người làm nô lệ. La Mã đã hủy diệt đế quốc Đông và lập cơ cấu hành chánh. Nhưng miền đông phục quốc, để có một đế quốc rách nát mở đường cho Ottoman chiếm năm 1453. Nên nhớ thánh chiến có được là nhờ vua Miền Đông, nay thánh chiến vô đánh miền đông thì là nghiệp báo đó mà.

Về quân sự, Constaninople thất thủ đánh mất giá trị lý thuyết thành cao hào sâu; thành cao hào sâu không còn ý nghĩa với đại bác cầu vồng. Ottomam đã bắn vào thành những quả đạn nặng 500 kg, nếu tin vào sử liệu. Nhưng thành cao hào sâu cho đến thế kỷ 19, Gia Long vẫn dùng để xây thành Huế.

Chuyện thiệt, nếu tin là thiệt: Trong thời gian Ottoman gây áp lực chiếm dần dần và thời gian bao vây thủ đô, Eastern Church vẫn say sưa trong cuộc thảo luận: thiên thần giống đực hay giống cái, đàn ông hay đàn bà. Sách sử gọi là “angel quarrel / les querelles de Constantinople’.

Mấy cú querelle giống như mấy cú ù (tới hoa) mạc chược của giới chức quân sự và hành chánh Huế, trong đó có đại tá Khoa tỉnh trưởng, ngồi xoa túi bụi bù đầu. Trong lúc ấy, truyền hình và báo chí Mỹ đã cho người ra sẵn để quay phim làm tin, trong lúc tin ở Saigon VC đã đánh Chợ Lớn. Đại Tá Khoa trốn lên máng xối.

Huế đã được miền Nam tái chiếm như vua quan Eastern Roman Empire (cũng gọi là Byzantine) lấy lại Constantinople. Byzantine đã đuổi ngụy quyền như Hòa Thượng Đôn Hậu phải lên ngồi võng có người gánh ra Bắc theo đường Trường Sơn. Nhưng Byzantine không thể khâu vá những vết nứt vật thể, tinh thần, xã hội…chỉ chờ ngày Ottoman tới lấy. Mậu Thân làm cho Miền Nam như Eastern Empire bị thánh chiến đánh vào yếu huyệt như chiến lược Mậu Thân của HCM đánh “vào hang ổ của ngụy” mà giới hữu trách như Westmoreland, ông Thiệu cho là trò đùa, nhữ VC vô mà thịt, điểu hổ ly sơn. Cờ bay, cờ bay trên thành phố thân yêu, còn chi mà lo, lo con bò trắng răng hay sao?!

Chính trị quân sự đã rõ như vậy. Nhưng thiên thần cái hay đực Eastern Church và thần quyến TCG chưa trả lời thỏa đáng. Tuy vậy, người ”dưới thế” giải quyết vấn đề đực cái một cách thực tế: đàn ông có thai, có bầu, có chữa và đẻ ra con.

New York Post tường trình: Logan Brown đẻ ra là con gái. Nhà văn 27 tuổi nầy đã tự đổi thành đàn ông. Ông Brown sống chung với một người đàn ông thứ thiệt tên là Baley Mills. Sau đó ông Brown có bầu và đẻ con. Tờ báo thời trang Anh Quốc Glamour UK đã đăng hình ông Brown khi gần đẻ ở trang bìa. Ref: https://nypost.com/.../fashion-magazine-cover-featuring.../

Đứa mô noái ông Brown là đàn bà thì vi phạm nhân vị tuyệt đối thần thánh của đương sự sẽ bị phạt tù và đền tiền. Mặt khác, may cho Eastern Church chưa quyết định vì loài người tiến bộ khoa học hiện nay không những chỉ có nam nữ mà còn nhiều thứ khác nữa.

Cũng tại nước Ăng Lê, tại một trường nữ tư thục TCG, một cô giáo tạm biệt lớp với câu “Goodbye girls” đã bị phản đối và bỏ việc vì toàn thể học sinh không phải con mô cũng 'girl'; có đứa chưa chắc đã là 'boy' chỉ biết tạm thời không phải là 'girl'.

Đến đây là dứt mục số#Xuân Lan để chuyển qua #Hoàng Lan

#Hoàng Lan (number HL)

Chuyện nay

Hội phụ nữ liên đái Ukraine hiện đang huấn luyện quân sự phụ nữ, và hiện có 60 ngàn hội viên. Chị chủ tịch nói với báo chí rằng chị em chúng tôi ngoài khả năng quân sự tối thiểu còn có thể giết lính Nga bằng dụng cụ văn phòng, cụ thể là cây viết nguyên tử. Viết nguyên tử là tiếng Việt mình, chẳng có gì là nuclear, atomic, là cây viết chảy mực hư áo, cấm viết làm bài và đi thi. Cây viết giết Nga là viết “bi”, ball pen. Ref: https://www.businessinsider.com/ukrainian-women-training...

Được hỏi giết bằng cách nào thì chị chủ tịch “bảo mật” thiên cơ bất khả lậu, noái ra thì tụi Nga nó biết cách tránh. Bí mật không bao giờ bật mí. Chính quyền CS ở Cao Nguyên mấy tháng trước đã chở về trụ sở cái cây khá to trốc gốc đè bị thương một phụ nữ để điều tra. Không công bố kết quả, nhất là về câu hỏi tại sao cây không đè nình ông mà đè nình bà. Có thể giảo nghiệm đang thảo luận cây nầy giống đực hay giống cái như Eastern Church đau đầu về các angels.

Tổ chức liên đái nầy trên danh nghĩa là ngo (NGO, non-government organization) nhưng có quyền dạy quân sự, bò lết, băng bó, ủng hộ tinh thần chiến sĩ. Tổ chức thượng tôn da trắng chị được mang súng và tập bắn tại sân bắn trong nhà (gun range) và võ trang tuyên truyền ủng hộ Trump như chúng tôi 1954 gậy đùi lựu đạn súng trường đi biểu tình, chuẫn bị theo Gô Ganh phòng khi VC đến làng.

Ngo, ngo nào không bịp bợm về tiền bạc như Summer Program của Sweet Phùng Cát đào tiền chỗ mô nếu không có giáo sư Brown (?) ở đường Duy Tân ngó qua trường luật.

E rằng tổ chức liên đái nầy bắt chước các ngo fasciste hiện nay của Nga mà báo Đức đã nói Putin đã thành công biến cả một thế hệ trẻ thành những Putinist cực đoan, nhờ internet nhanh hơn giáo dục nhà trường với chương trình như khi Staline khỉ sự cơ nghiệp nhà rồng. Một ngo nầy đã được tài trợ 200 triệu đô.

Nhưng làm sao một cô gái Ukraine có thể dùng cây bút nhỏ để giết một thanh niên có cây đại bút khi cứng khi mềm hay đáo để? Tuy không tiết lộ bí mật, tổ chức như muốn nói cây viết sẽ được dùng như vũ khí vật chất, đâm vào các yếu huyệt, hạ địch thủ. “Stylo” gốc La Tinh chỉ cây viết, đã biến đến stylet là cây kiếm mũi nhọn và dài bốn năm lần hơn cây viết Bic. Có một chữ Pháp với ngữ căn stylo không nhớ, nó dài như cây gậy hướng đạo có mũi nhọn phía dưới thời xa xưa các vua chúa dùng để vạch ranh giới vườn đất tranh chấp hay biên giới cương lãnh phong kiến (fief). Cây viết dài có lần dùng làm vũ khí đâm chết người.

Cứ tưởng tượng, một cô rất đẹp dùng bút viết thư cho một Ivan yêu dấu, một Vlad ngàn thương (Ukraine song ngữ) dụ chàng trai vô ngõ hẽm rồi hạ thịt nhưng việc nầy chỉ có thể xẩy ra ở vùng Nga chiếm, sống chung giữa kẻ thống trị và bị trị. Hoặc tổ chức đã dạy các phép võ công của Kim Dung biến các cây viết thành những mũi tên bay như dùng miệng thổi như thổi cá ở các hồ sen Huế, hay búng ngón tay. Rồi ra sẽ tới chỗ cao hơn nữa là thổi tăm xỉa răng; mà chẳng cần tăm nữa, các nàng dùng sức muốn là chúng chết thôi, muốn chúng chết là chúng chết, vouloir c’est pouvoir.

Tuy vậy các võ công nầy cũng ở trong một khoảng cách ngắn. Theo thuật ngữ võ thuật là ôm sát mà bóp cổ (embrasser pour étouffer). Nhưng hội có dạy cách tránh xa lính Nga dễ không bị làm khó về sex. Đừng cho bộ an ninh Mỹ biết; nếu biết bút chì bút mực sẽ bị cấm đem lên máy bay.

Cây viết thần tình của Ukraine không bằng sức chịu đựng của Trò Tám tẩm xăng tự đốt chạy từ ngoài đường vô kho xăng. May cho ông Phạm Duy không bị nhà nước đánh rơi vì có người nói ông chọc quê Trò Tám khi viết Buồn ơi, bỏ qua đi Tám; để rồi Saigon vui thích với “bỏ qua đi Tám” (giống như tận cùng bằng số).

Ukraine nay ra khỏi Liên Xô nhưng cái máu phách tấu nhiễm từ 1917 khó mà tẩy trừ. Tuy nằm trong lý thuyết vô tưởng của chiến tranh toàn diện (dùng con ong, con kiến, ông táo, ông địa…), chủ trương cây viết trái với lập trường chính thức của Ukraine, hai ông bà Zelensky mở miệng ra là đòi có thêm vũ khí, nhiều thêm. Mau lên, nhanh lên như Trần Văn Trạch: xổ số mau lên, xổ số mau lên. Vũ khí mau lên, vũ khí mau lên.

Chuyện xưa thời 1945.

*Một số trẻ con được cung cấp thuốc độc trong những hộp dẹp như hộp diêm; các em tự kiếm một cây kim cúc (kim găm bạc) hay mẻ chai, chấm độc đến gần tây quẹt vào tay chúng thì chúng chết ngay. Hộp diêm nầy xài có đến ngàn lần chưa hết. – Chi thì chị, tới gần, chúng đá cho một phát, chúng đi giày “săn đá” có đinh.

* Tây nuôi chó bẹt rê (berger) tìm người trốn dưới hầm. Nhưng trừ chúng rất dễ. Hái một trái khế, nung thật nóng thật chín, đến gần hàng rào nhà tây quẳng vô, chó berger cắn trái khế nóng quá rụng răng và làm độc sẽ chết trong vài ngày. – Chó berger ăn thịt bò, chó không ăn rau quả, chó Tây không đói như con Vá con Vện của mình. Tới gần nhà chó sửa, chủ tây xách súng bắn chính xác hơn bà ba bán bún bò bị bò bạn bể bụng.

Ôi chà, chuyện xưa còn diều, chuyện nay không ít mà Lan có cả ngàn thứ để làm số không ngạ; nhưng danh mục Lan không có  Lan Lủng, Lan Rỗ, vẫn còn cả ngàn Lan.

Sẽ tiếp tục: #Như Lan, #Thanh Lan …..Danh mục Lan không có  Lan Lủng, Lan Rỗ mà vẫn còn cả ngàn Lan. Tuy vậy, kỳ tới sẽ không có Lan nầy làm number:

Trong vài người con gái mà tôi thấy biết khi mở mắt nhìn ra khỏi bếp, cô bé Lan tý teo bên kia bờ sông Bến Ngự qua bên ni giặt áo quần bến Viễn Đệ có bệ đá. Năm sáu năm sau Lan ngày ngày đi học Đồng Khánh, khoảng đệ ngũ thì không thấy nữa; tôi không quen, không biết chính xác Lan ở đâu, nhưng mất Lan trên đường Phan Bội Châu như buồn mất mặt trăng, tuy chị Hằng rất xa, quá xa. Một chiều thu, vào thời gian có quyền (sic) vểnh cái mặt mo tú kép lên trời, tôi ghé tiệm bánh mì Chaffanjon đã chuyển nhượng cho người Việt mua cái bánh sừng trâu có lạp xưởng; lui chừng mươi bước vô trong, (bà chủ, con bà chủ?) Lan nhìn ra; đến đường Lý Thường Kiệt tôi mới nhận biết điều đó; cảm ơn Lan, không còn thấy Lan một lần nào khác nữa, nhưng từ hôm ấy mãi cho đến suốt đời, tôi đã biết nhìn xuống và thấy những vô định, những mong manh của cuộc đời.- ((https://tonthattue.blogspot.com/2018/07/))


===============================


Friday, June 2, 2023


Tiếng Việt tiếng Tàu

Tôn Thất Tuệ

Ref:Les Origines et le Caractère de la Langue Annamite, par Abel des Michels, Paris 1887

Trang 70 của Hàn Lâm Thiếu Vi Thông Giám có ghi rằng: “Thời Thành Vương, người Việt Thường ở phía Nam Giao Chỉ đem theo nhiều thông ngôn trong phái phái bộ nạp triều cống. Đoàn người Việt Thường vô thành yêu cầu gặp Thành Vương nhưng Châu Công ra tiếp. Hoàng thúc nói quý vị đâu có mệnh trời để đủ tư cách triều cống. Ba thông ngôn cùng nhau thông biện lời của sứ thần Giao Chỉ: nước của chúng tôi đã nhận thiên mệnh từ các hoàng cẩu (các vua xưa).

Sự việc nêu trên xẩy ra 11 thế kỷ trước JC theo sách của Tàu được Abel Des Michels (ADM) dùng làm bằng chứng VN có ngôn ngữ riêng khác với tiếng Tàu nên cần thông ngôn. Trong cuốn Les Origines et le Caractère de la Langue Annamites, xb Paris 1987 ADM xem đây là bằng chứng lịch sử bên cạnh bằng chứng ngữ pháp. ADM dùng hai bằng chứng nầy để mở mắt số đông người cho rằng Việt ngữ chỉ là một phương ngữ của Hoa văn. Nếu ý kiến nầy xác thực, thứ tự các chữ, cách sắp đặt ngôn từ phải giống nhau. Nhưng Việt ngữ và Hoa ngữ đều có ngón nghề tinh anh riêng về ngữ văn và cách xếp đặt từ ngữ đối nghịch nhau.

ADM cho rằng Giao Chỉ không phải là sắc dân duy nhất không thuộc chủng tộc Tàu; ít nhất còn Phúc Kiến có tiếng nói hoàn toàn khác tiếng Tàu. Phúc Kiến và Giao Chỉ ở gần nhau và được lợi thế địa dư giữ được tối đa độc lập văn hóa. ADM nêu gọn ý của Bouillevaux rằng Việt Thường là một sắc dân từ Mã Lai tiến lên hướng Bắc và phát triển cách riêng so với các xứ bà con Mã Lai khác. ADM không dùng ý nầy công khai để hậu thuẫn sự khác biệt ngôn ngữ Hoa Việt.

Mà Phúc Kiến khác tiếng Tàu, phải chăng Phúc Kiến cũng từ phía nam mà lên? Chúng tôi nhớ Đào Duy Anh đã cho rằng Lạc Việt từ vùng Phúc Kiến đi xuống Châu Thổ Hồng Hà. Lạc Việt và Phúc Kiến có liên hệ gia đình, bộ tộc.

Sau bằng chứng lịch sử là bằng chứng ngữ học. Tóm lược, cách lập tự Việt tương phản hoàn toàn lối Tàu. Bắc Kinh thành / thành Saigon. Nhân thư / cuốn sách người. Hảo nhân / người tốt.

ADM tìm thấy trong địa hình địa vật Tàu một ân sủng trời cho Phúc Kiến và Giao Chỉ sống tương đối độc lập với Trung Hoa để có một ngôn ngữ riêng khác với Hoa Văn. Nhưng Giao Chỉ hưởng lợi nhiều hơn.

Bắt đầu từ cao nguyên Đông Nam Tây Tạng, Hy Mã Lạp Sơn tách ra hai cánh tay nối dài. Cánh tay thứ nhất gọi là Nam Lĩnh chạy từ tây sang đông, đi được 2/3 đoạn đường tới biển thì đổi hướng đông bắc, gần như song song với Hoàng Hà. Cánh tay thứ hai thì đi xuống hướng Nam cho đến biên giới VN thì ngừng. Từ đĩnh là Tây Tạng, hai dãy núi nầy đã cùng bờ biển tạo ra một tam giác mà một phần quan trọng của cạnh đáy là bờ biển vịnh Bắc Việt. Phần còn lại phía bắc của bờ biển nằm trong vùng đất Phúc Kiến.

Tam giác nầy lại được chia ra làm hai bởi một dãy núi khác. Nửa thứ nhất phía Bắc là lưu vực sông Tây Giang gồm Vân Nam, Lưỡng Quảng và Phúc Kiến. Nửa phía Nam là lưu vực sông Hồng Hà tức là nước Nam. Dãy núi nầy không quan trọng về địa dư bằng Nam Lĩnh nhưng cần chú ý vì đó là hàng rào chia cách An Nam khỏi nước Tàu. Giao Chỉ bớt sợ xâm chiếm của Bắc Phương, nhưng họ vượt qua các khe núi buộc các bộ lạc công nhận vương quyền của mình, và thống lãnh Quảng Đông nhưng chưa “thực dân” Phúc Kiến. Có thể dự đoán đấy là lúc mở đầu Trăm Nhà (Bách Việt).

Trong lưu vực rộng lớn của Tây Giang, hãy chú ý đến khu vực Hạ Môn (mà sử sách thường gọi là Amoy). Người Amoy đọc Hán Tự gần giống với cách người Việt đọc Hán tự qua âm Việt. ADM cho đó là bằng chứng ảnh hưởng của An Nam áp đặt trên các bộ lạc địa phương văn minh của mình và cách dùng ký tự âm ngữ học của An Nam. Người An Nam cổ đại đã có hệ thống ký âm tự (écriture phonétique). Có bằng chứng rõ ràng tìm ra trong các phế tích; đặc biệt là Núi Đá Bia.

Nhưng một ông tướng Tàu sau khi xâm chiếm Nam Việt đã du nhập chữ Tàu và văn chương mẫu quốc và được tặng danh hiệu Vua Chữ, Sĩ Vương. Từ đó ngôn ngữ cố hữu của Nam Việt có thêm một số danh tự Tàu tuy người dân vẫn khác biệt với kẻ xâm chiếm, dùng tiếng nói riêng. Những chữ mới nầy được dùng vì nhu cầu mới như để chỉ các vật mới lạ hay để giao tiếp với chính quyền mới, dùng Hán tự là ngôn ngữ hành chánh công quyền; tiếng địa phương không còn giữ nguyên như xưa. Tuy vậy cho đến ngày nay, không thể nói chữ nào gốc Tàu, chữ nào gốc Việt một cách chính xác.

Việc ghép thêm danh tự của Thiên Quốc không đơn thuần chỉ là bài toán cộng. Một mặt Hán Tự được truyền bá để hiểu các luật lệ, văn chương, tri thức của phương bắc. Một mặt người Nam Việt muốn phát triển tài năng văn học riêng của mình, dùng những chữ mới theo cách riêng, không hoàn toàn lệ thuộc vào ngoại xâm. Văn chương Nam Việt lèo lách giữa hai hệ thống ngữ văn Hoa Việt. Những tài liệu sách tập viết bằng Hán Tự dù để phục vụ lợi ích của người Nam Việt vẫn không được xem là văn chương quốc gia, quá lắm là các tác phẩm Hoa Việt vì có nội dung là Nam Việt.

Ở điểm nầy ADM cương quyết hơn so với vấn đề đang thảo luận gay cấn là tác phẩm chữ Hán của người Việt có được xem là văn chương VN hay không.

ADM đi khá nhanh từ Sĩ Nhiếp đến Gia Long. Nguyễn Ánh khi lên ngôi đã ra lệnh phục hồi chữ Nôm, luật lệ, văn thư triều đình phải dùng chữ Nôm. Nhưng vua con là Minh Mạng theo các sĩ tử trong triều không theo đường lối của phụ vương.

ADM chứng minh sự độc lập hay tính cách tân kỳ của người Việt bằng một bản lược kê văn học cho đến thời người Pháp đến cai trị. Ông thán phục người Việt viết các đề tài của Tàu một cách rất VN ví như Kiều, mà ông là người dịch ra Pháp Văn đầu tiên. Ông nói với người Pháp thuộc địa và mẫu quốc rằng dân tộc Việt từ thượng cổ thời đại đã là một dân tộc văn minh, đầu óc thi ca và thẩm mỹ. Họ có một xã hội trọng luân lý như chuyện Thạch Sanh; các tập thơ như Gia Huấn Ca, Thơ mẹ dạy con; Thơ dạy làm dâu. Ông đã phải lắc đầu ngớ ngẫn khi đọc Hàn Nho Phong Vị Phú, VN quốc sử diễn ca.

Chúng tôi muốn dành phần cuối bài cho phần đầu của ADM thuộc về ngữ học nhiều hơn. ADM viết: le chinois écrit; l’annamite parlé (Tàu viết, Việt nói). Chuyên môn hơn thì gọi là văn (viết) và ngôn (nói). Ngay trên xứ Tàu vẫn có phân biệt kỳ thị nầy. Học giả xưa nói rằng Khổng Tử chỉ có văn mà không có ngôn tuy Khổng Tử giảng dạy không mỏi miệng.

Écrit hay văn là ngôn ngữ chính thức, như tiếng Pháp là ‘’langue officielle’’ của Congo, tuy xứ nầy hiện có hơn 200 thổ ngữ và 5% dân chúng nói và hiểu tiếng Pháp. Ngôn ngữ ”nói” ADM hiểu là tiếng phát ra từ miệng người hoàn toàn không biết chữ hay có trình độ hiểu biết rất hạn hẹp. Trong lúc ấy giới có học, các sĩ tử vẫn nói như đồng hương nhưng thêm vào những danh từ đã học trong trường Tàu. Tuy vậy giới bình dân chẳng tha thiết gì, nào khác tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Tư so với Arab của người muslim thống trị. “Loài người ta” được thay thế bởi nhân loại; “giữ miệng bởi thận ngôn”. Không thể vì vậy mà nghĩ rằng người Nam Việt nói tiếng Tàu. Tương tự, người Pháp nói railway thay vì chemin de fer, tùy hứng. Những danh tự Hán ngữ nầy du nhập dễ dàng vì hai thứ tiếng đều là độc âm monosyllabe. Những danh tự đó đã được Việt hóa về cách đọc và mang nhiều ý nghĩa gần với cuộc sống thực tế, khác với ý nghĩa dùng trong các văn kiện chính thức. ‘’Hạ” không những đọc khác Tàu mà còn được hiểu là (mùa) hè. Sáng kiến nầy giống như La Tinh trong tiếng Pháp. Homos -> homme. Người Nam tiếp nhận những châm ngôn tục ngữ của Tàu và Việt hóa một cách êm xuôi tự nhiên, không khó khăn như các ngôn ngữ Âu Châu với cổ học La Hy.

Một đoạn văn ngắn nói về những công việc tầm thường theo lối đàm thoại gồm 167 chữ thuần túy gốc Việt; 39 chữ gốc Tàu và 2 chữ không rõ nguồn gốc. Một đoạn khác dài giống nhau nhưng nội dung cao một chút gồm 135 Việt, 55 Tàu và 5 không rõ từ đâu. Chỉ dùng hai tiếng Việt Hoa, chúng ta có tỷ số trung bình là 3, 15 / 1. Nói khác, trong ngôn ngữ bình thường, trong mười chữ có 3 chữ Hán. Thống kê nầy có giá trị vô cùng giới hạn vì các ký tự và phát âm thay đổi tùy vùng, nhất là không thể nói một chữ nào đó chính xác do ngôn ngữ nào mà ra.

Ý kiến của ADM rất đúng về phương pháp luận, lấy hoài nghi mở đầu, chứ không như người VN nhất nhất do Tàu mà ra. Cái chi cũng phải Tàu. Rau tập tàng nấu canh phải do hai chữ thập toàn. May xưa phải do mai sơ trong lúc mai là tiếng Việt tương đương với triêu của Tàu chỉ buổi sáng. Tết phải do tiết của Tàu mà ra, điều nầy gây khổ tâm cho BS Nguyễn Hy Vọng viết bài rất dài về chữ Tết.

Theo ADM, cần hiểu biết sau đậm Hán Tự mới hiểu những những ý nghĩa tinh tế người Việt muốn nói khi dùng chữ Tàu. Chúng tôi hy vọng tác giả ở trong vị trí nầy. ADM đã viết nhiều tác phẩm bằng Hán Văn, đã phiên âm và dịch Tam Tự Kinh, dịch Tam Thiên Tự (sách học ba ngàn chữ) và nhiều tác phẩm về văn chương VN. Nhưng ở một khía cạnh khác, ông tạm xem như thuộc đạo quân “biệt kích văn nghệ”, nghiên cứu cho chính quyền thuộc địa cai trị hữu hiệu. Ông trình bày cho người Pháp biết văn học VN liên hệ với Trung Hoa thế nào và ảnh hưởng Tàu đang xuống dốc trong nền học thuật Cochinchine, chuẩn bị xoay hướng về văn minh mẫu quốc. Ông xem trường hợp VN độc lập với Tàu là một điểm son của phần đất sở hữu Pháp (notre possession).

Câu chuyện thông dịch viên đi sứ không phải là bằng chứng duy nhất cho biết Việt Thường là một sắc dân độc lập. Sách Lã Thị Xuân Thu (300 năm trước Jesus) đã dùng chữ Lạc Việt để chỉ mấy trăm năm trước một số sắc dân ngoài Hán Tộc sống phía nam Nam Lĩnh. Một chi tiết nhỏ chỉ nhắc qua là khả thể dân tộc Việt từ phía Nam tiến lên và có huyết hệ với các giống Mã Lai. Nguồn gốc Mã Lai đã được nêu lên đối đầu với nguồn gốc Tàu do Đào Duy Anh đề xướng được Hà Nội xem là lý thuyết chính thức về nguồn gốc dân Việt. Môn ngữ học cho thấy ngôn ngữ Bách Việt đã vượt qua Trường Sơn để đến Lào, Thái và Miến Điện, tiếng Việt cũng ở trong hệ thống Thái nầy. Ngữ tộc nầy hoàn toàn khác với Tàu.

Rất tiếc ADM không nói gì về cổ ngữ của Giao Chỉ trước khi Sĩ Nhiếp áp đặt tiếng Tàu làm ngôn ngữ chính thức. Rất có thể cổ ngữ nầy mang dấu tích ảnh hưởng Ấn Độ như các sử liệu khảo cổ ở Nam Dương. Nếu đúng thì điều nầy giúp ích lập luận gốc Mã Lai.

Luận văn của ”biệt kích văn nghệ” ADM ca ngợi dân tộc VN bác học đầy óc sáng tạo xuất hiện bên cạnh nhiều tác phẩm xem người Việt là mọi, đàn bà VN lấy Tây khi Tây hết tiền thì bỏ thuốc độc cho chết. Nhưng bù qua sớt lại, người Tây chưa bắt người Việt bỏ vào lồng sắt để quảng cáo kêu gọi tư bản bỏ vốn đầu tư như Bỉ đã nhốt người Congo da đen trong lồng sắt để giới thiệu nhân công rẻ mạt ở Phi Châu.

Xem xét mọi bề, luận văn của Abel des Michels đáng được lưu ý làm các đề tài nghiên cứu, gây thiện cảm và quý trọng tác giả hiểu biết rất nhiều văn chương và học thuật VN. Chỉ có một điều là viết khó quá, cô đọng quá.

Xin download để đọc nguyên văn Origines de la langue annamite


============================================================