add this

Wednesday, August 26, 2020

sơn nữ Cà Pha


















Út Bach Lan (1935-2016)
sơn nữ phà ca
thuongcangthuquan * 2017

Hồi còn nhỏ ở quê, bà vú của tôi ưa nằm võng tòn ten ca vọng cổ bắt chước Út Bạch Lan. Mấy câu vọng cổ gọi trai buồn rười rượi nhất là vào lúc trời đêm. Rồi bà vú có thai bỏ thị xã Tuy Hòa theo trai về phía bên kia đèo Cù Mông để đẻ con. Bà vú bỏ thằng nhỏ là tôi ở lại thị xã một mình. Chiều chiều, tôi ưa đứng sân nhà sau ngóng nhìn cái đường rầy tàu lửa đi tít về một phương xa. Một anh lính đa tình đã mang bà vú của tôi đi xe lửa hút qua đèo.
Nghĩ lại… Số tôi ưa bị đàn bà bỏ, hồi đó mới có ba tuổi tôi đã bị đàn bà bỏ rơi rồi. Nhưng tôi chưa hề than khóc khi bị bỏ rơi, tôi chỉ biết ôm vết thương của mình cào cào cho đã ngứa rồi cười cười.

Bà vú đi rồi, mẹ tôi thế chỗ, lại nghêu ngao nằm trên võng tòn ten mà hát: Ngày mai đám cưới người ta, tại sao sơn nữ Phà Ca lại buồn? Thú thật, mẹ tôi ca vọng cổ bằng giọng Quảng Nam không hay cũng không buồn, chẳng hút đàn ông con trai được như giọng bà vú của tôi, chắc vì mẹ tôi đã có hai con, đã hết “quota” xin đám cưới. Còn bà vú của tôi hồi đó là gái chưa chồng, gái chưa chồng hễ cất giọng ca vọng cổ gọi trai là trai tới…
Chuyện đó thấm thoát đã năm mươi mấy năm rồi. Nếu bà vú còn sống tới giờ này chắc đã quá bảy mươi, trời mà cho trẻ cũng hết dám làm sơn nữ nằm võng tòn ten ca vọng cổ… Nếu còn sống, bà vú của tôi nay đã thành lão bà bà.

Tôi nghe hai người đàn bà trong cuộc đời của tôi hát câu Ngày mai đám cưới người ta, tại sao sơn nữ Phà Ca lại buồn? từ thuở còn rất nhỏ. Hai câu vọng cổ đó khi tôi về Sài Gòn sống và đi học, ít khi nào tôi nghe được lần nữa, tưởng chừng như nàng sơn nữ Phà Ca biến mất luôn rồi.

Thế nhưng, một đêm cách đây hai mươi năm đi thuyền buôn dừng ngang ở mũi Lazoret Nhà Bè chờ nước thuận, trong buổi tối chập chùng tôi lại nghe từ xóm vắng bên sông vọng ra tiếng hát của một người đàn ông chắc đang thất tình nên giọng nghe buồn thấy mẹ: Ngày mai đám cưới người ta, tại sao sơn nữ Phà Ca lại buồn?
Tôi nói với thằng thủy thủ phụ việc trên tàu, nó là người địa phương Phú Xuân sống gần khu này từ nhỏ:
- Mày cho tao lên bờ một lát, gần bốn tiếng nữa mới có nước mà đi, nằm hoài trên xà-lan buồn quá.
Nó hỏi:
- Anh đi xuống bờ làm chi vậy? Sóng nước mênh mông nguy hiểm lắm, khúc sông này có nhiều người chết trôi lắm đó, coi chừng mada kéo cẳng sẩy chưn.
Tôi cương quyết:
- Phải đi vô xóm thôi, tao vô kiếm coi thằng cha nào ca vọng cổ mà buồn thê thảm quá vậy. Tao nằm đây nghe giọng nó ca văng vẳng buồn chịu không nổi, phải kiếm ra nó để hỏi buồn cái con mẹ gì mà buồn dữ vậy?

Thằng nhỏ lầm bầm khó chịu rồi cũng phải cầm cây đèn sạc bước xuống bờ chung với tôi. Nó cầm cái đèn sạc bình lò dò đi trong đêm, tôi đi theo sau bước thấp bước cao trên con đường sình lầy dẫn từ bến đò Bà Chúa Xứ vô xóm trong để tìm cho ra cái chòi có thằng đàn ông đang ca bài sơn nữ Phà Ca. Thằng cha nào không biết mà dỗ con dở ẹc để con khóc rân trời, chắc đứa nhỏ nghe đi nghe lại hoài hai câu vọng cổ Phà Ca nên phát chán mà khóc như chó tru. Hay là đứa nhỏ bú vú cha mà cha nó không có sữa nên nó đói? Đi gần tới chòi, tôi nghe tiếng người đàn ông thở dài trong đêm:
- Ngủ đi con, ngủ đi con. Để ba ca cho con ngủ ngon nè. Ù ơ… Ngày mai đám cưới người ta…
Thằng thủy thủ dẫn tôi tới trước căn chòi lá rồi hỏi:
- Người ta đang cố ru con ngủ, anh đòi vô nhà nói chuyện tào lao quấy rầy làm con người ta khóc nữa thì sao?
Tôi tần ngần:
- Mày nói cũng phải, chắc tụi mình đứng đây nghỉ chân một lát rồi quay về lại xà-lan. Từ ngoài vô tới đây cũng trăm thước rồi, cho tao nghỉ một lát rồi về.

Nghe tiếng chúng tôi nói chuyện phía bên ngoài, từ phía trong chòi người đàn ông hỏi vọng ra:
- Ai đó? Ai kiếm tôi đó?
Tôi trả lời:
- Không phải kiếm, tình cờ đi ngang nghe ông ca vọng cổ buồn quá, hay quá nên đứng lại nghe ké chút thôi.
Tiếng người đàn ông:  
-Tôi hát ru con ngủ đó mà, tối nay thấy coi bộ nó phát ban khó ngủ nên khóc hoài. Ngày thường tôi ca hai lần sơn nữ Phà Ca là nó ngủ mất đất rồi. Nãy giờ ca gần tiếng đồng hồ nó cứ khóc hoài. Chắc nó nhớ má nó.

Lại nghe tiếng con nít cất giọng tru não nùng. Người đàn ông dỗ dành:
- Ngủ đi con, ráng ngủ ngon đi con ba thương con nhiều. Ba xin lỗi con nha, đừng giận ba nha. Thương nhất đời là con đó mà, ba thương con mãi mãi nghe. Được chưa?
Tôi phì cười nói vọng vào:
See the source image-Trời, cha nội nói chuyện với con nít mà sao giống nói chuyện với bồ bịch người yêu quá vậy?
Người đàn ông:
- Đời tôi buồn lắm anh ơi, tôi là gà trống nuôi con một mình.
Tôi rất vô duyên to tiếng hỏi vọng vào:
- Sao là gà trống nuôi con? Má nó đi bán muối hả?
Không nghe người đàn ông trả lời, chỉ nghe tiếng con nít khóc tru càng lúc càng gay. Thằng thủy thủ nắm lấy tay tôi giục:
- Đi về thôi anh. Anh làm người ta khó xử rồi. Anh hỏi gì đâu không hà. Anh thì không biết ông Hai Nhẫn này chớ tôi thì biết rành tại tôi người ở đây. Vợ ổng đi qua xứ khác bỏ con lại cho ổng nuôi.
Tôi chửi thề:
- Đụ bà con mẹ nào mà ác vậy?
Thằng nhỏ lại giục:
- Thôi đi đi, chuyện nhà của người ta anh xía vô làm gì. Kệ mẹ người ta…

Hai giờ sáng xà-lan nhổ neo đi về hướng kinh Nước Mặn. Đứng bên cạnh tôi thằng nhỏ thủy thủ lầu bầu:
- Đàn bà xứ này đẹp đẹp chút là bỏ nhà đi Đài Loan. Đàn ông xứ này hễ có vợ đẹp là phải biết chuẩn bị làm gà trống. Gà trống thiến mới ác chớ, gáy to không được chỉ ca vọng cổ e-e.
Tôi cười:
- Mày mới mười tám mà sao nói chuyện như ông già. Hay mày là gà trống thiến?
Nó cười:
- Tôi thà không có vợ còn hơn. Có vợ rồi vì nghèo vợ nó bắt mình nuôi con cho nó đi xứ khác làm ăn hay lấy chồng thì mình rầu biết mấy. Như ông Hai Nhẫn ru con anh thấy chưa. Mấy đứa con nít thích bú vú đàn bà chớ có đứa nào chịu bú vú đàn ông. Như ông Hai Nhẫn tôi đoán chắc ổng dúi mặt con ổng vô ngực để ru mà nó cũng không thèm. Chắc đàn ông hôi nách bất nhơn con nít không chịu nổi.
Tôi hỏi thằng nhỏ: -
Bộ vợ Hai Nhẫn đẹp lắm hả?
Thằng nhỏ cười:
- Ừ, bả đẹp lắm. Hồi đó bả từ Sài Gòn về dưới Lazoret này dạy tiểu học, Hai Nhẫn cũng đẹp trai nên hai người thương nhau lấy nhau. Họ hiếm con, khổ nỗi sống chung được bốn năm năm vừa sanh được đứa con đầu là bả bỏ nhà đi rồi. Nghe nói qua Đài Loan lấy chồng giống y như mấy người đàn bà đẹp trong xóm Bà Chúa Xứ vậy.

Chờ nước được hai ba lần nữa thì tôi tự mình quyết làm quen với Hai Nhẫn, và khi con Hai Nhẫn được ba bốn tuổi thì Hai Nhẫn không còn hát ru con nữa vì đứa trẻ lớn lên sẽ thôi không còn nhỏng nhẻo khi nó biết rõ nó mồ côi. Khi nào nhớ vợ, thì anh chồng gà trống nuôi con nằm mình ên trên chiếc võng tòn ten ca sơn nữ Phà Ca hay Tình anh bán chiếu. Tôi nói với Hai Nhẫn:
-Tôi viết một câu chuyện về người mẹ bỏ con cho chồng nuôi đi lấy Đài Loan, chuyện giống chuyện của nhà ông, ông có giận không?
Hai Nhẫn:
- Giận hờn gì. Ở đây đàn ông nào có vợ đẹp một chút cũng giống tôi, cũng một mình cho con bú. Con nít mọc răng nghiến vú đàn ông của mình đau thấy mẹ. Mình ca sơn nữ Phà Ca để tưởng tượng mình là một người đàn bà thứ thiệt, mà hễ làm đàn bà thì phải cho con bú, con bú nó lỡ cắn vú mình đau thì phải chịu thôi. Có tưởng tượng được mình là một người mẹ thứ thiệt thì mình mới có can đảm nuôi con. Nếu con mình có hỏi “Má con đâu?” thì mình phải biết hãnh diện trả lời: Ta vừa là cha vừa là mẹ của con. Khi con khóc ta ru con ngủ, khi con đòi bú ta trật vú tẹt lét ra cho con bú liền. Mẹ con có cho con bú thì cũng giống như ta thôi, có khi không điệu nghệ bằng ta đâu. Bởi vì ngoài kỹ thuật cho con nít bú ta còn có một tấm lòng với đứa con tội nghiệp bị mẹ nó bỏ rơi.

Nói thiệt, nghe chuyện đàn ông chìa vú cho con bú tôi không thấy hấp dẫn chút nào. Trái lại, tự nhiên cảm thấy nhột nhột kỳ kỳ.
Nhân duyên của tôi với mũi Lazoret bắt đầu từ hai câu vọng cổ vang lên trong đêm buồn của Hai Nhẫn. Sau này có lần tôi nói với Hai Nhẫn:
- Đàn ông buồn vì thất tình thấy dáng vẻ đã hết sức kỳ cục, đàn ông ru con rên khóc vì bị vợ bỏ coi còn kỳ cục hơn.
Hai Nhẫn mặt buồn nói:
- Ngày nào anh rớt vô hoàn cảnh như tôi anh mới biết kỳ cục hay không kỳ cục. Tới hồi buồn tình thì ai cũng hèn yếu cũng rên khóc như ai chớ có ai cười hahaha được hả anh?

Năm sáu mươi tuổi… không biết sao tôi ưa nghĩ về những chuyện rất cũ. Hôm nay, không biết ai nhắc mà tôi ca một mình trong bóng đêm cô tịch: Ngày mai đám cưới người ta, tại sao sơn nữ Phà Ca lại buồn? 
05/04/2017.

==========================================



Friday, August 21, 2020

em Dìn, con Dìn, Hồ Dzếnh


See the source image
Hà Trung, Thanh Hóa, chánh quán Nguyễn Phước Tộc
Em Dìn
H Dzếnh * 1942


T
rong số những người đọc tôi hôm nay, ít nhất cũng có đến một trăm người quen em gái tôi. Tôi nói một trăm, vì muốn để cho em tôi đỡ tủi, khi mưa xuân lướt về trên những mái nhà đầm ấm, và nắng xuân chợt bừng qua kẽ lá như ánh sáng chiếu lại từ những tấm lòng của các thiếu nữ đương tơ. Ngót bảy năm nay, chúng tôi xa nhau, ai biết em tôi đã qua bao nhiêu cuộc thử thách, người con gái vốn đã gầy yếu sẵn khi còn ở chung với chúng tôi? Và cả em nữa, em anh ạ, biết đâu em sẽ lại chẳng đọc anh, đọc chính em, ngạc nhiên thấy đời em giống in như thiên truyện anh viết, và hết cả hồ nghi khi nhìn đến cái tên ký thân thiết dưới này. Nhưng em sẽ ở đâu đọc anh, gần anh, xa anh, hay không còn gần và xa anh nữa, trên đời này? Xuân đến! Mưa bay! Người ta bảo nhỏ anh rằng trong tháng Giêng tốt lành sẽ có nhiều đám cưới. Anh không tin, mà tin làm sao, vì qua ánh sáng ngày xuân, anh vẫn thấy lòng buồn vô hạn.

* * *
Sau bốn năm ba tôi mất, trước hai năm tôi lên tỉnh học, em gái tôi, tôi nhớ đúng thế, vào đời. Cuộc đón rước đầu tiên ở ngưỡng cửa đời sống là một cuộc hò hẹn giữa em tôi và người bạn trai của em. Năm đó, em tôi mười lăm tuổi. Như thế em tôi còn là chậm biết đời nếu so sánh với những thiếu nữ bây giờ mới mười ba tuổi đã tỏ ra lịch lãm. Những khách nợ lâu đời nhất của dì ghẻ tôi - em tôi và tôi là đôi con cùng cha khác mẹ - được em tôi lục ra và đi đòi hết. Em tôi trang điểm cẩn thận trước khi đi, và đi thật lâu. Tôi còn nhớ mùi nước hoa lần đầu em xịt lên tóc, một thứ hương vị ảo não đặc biệt cho mũi tôi lúc bấy giờ. Dì tôi nhìn em trang điểm thì gắt nhưng không phải là đe nẹt, mà lại ngụ ý khen. Riêng tôi, tôi nhận thấy em tôi đã đổi khác. Người con gái họ Hồ đó có lẽ sắp làm nên chuyện gì phi thường đây. Thành thử, hễ em tôi đi đòi nợ, là tôi trốn học đi theo. Chúng tôi “đuổi” nhau qua nhiều phố, cuối cùng, em tôi đến “đòi nợ” một người con trai nhỏ nhắn, xinh đẹp, đứng đợi em ở một phố vắng vẻ vùng ngoại ô. Ai đã từng có một người em gái tự do, tất hiểu lòng tôi lúc đó, một nửa căm giận, một nửa e thẹn, chỉ sợ em biết được anh tò mò dò theo.


Sự bắt được tang chứng kia càng làm tôi phục ba tôi là thông minh, khi một hôm, no thuốc phiện rồi, người nhắm mắt lại, rồi lại mở mắt ra, bảo với tôi đương loay hoay định ăn cắp một cái bánh ngọt trên khay:
- Ba biết con thèm ăn bánh lắm, nhưng sao con không xin ba? Ba đương mải nghĩ về em Dìn của con. Ba chỉ sợ sau này nó hư. Tướng nó không được tốt lắm. Chỉ có anh Hai con là tử tế thôi.
Tôi nũng nịu bảo ba tôi:
- Thế con không tử tế à ba? Lúc nào ba hút thuốc phiện chẳng có con ở ngay bên là gì. Còn anh Hai thì chỉ biết chạy đi chơi.
- Phải, con tử tế với mấy cái bánh. Nhưng thôi, các con nhờ trời cũng khá cả, cái đứa hư nhất ba sợ là con Dìn.

Và ba tôi đã nói đúng. Tôi cũng nghĩ đúng. Một dịp cho tôi khoe cái tài trinh thám với anh tôi:
- Đố anh biết đi đòi nợ là gì?
- Là đi bắt nợ, là đi thúc nợ.
- Là...
Tôi vít cổ anh tôi xuống, nói khẽ:
- Là đi với trai, em Dìn nó đi với trai đấy.
Anh tôi còn trẻ, nên cũng hăng hái hỏi tôi:
-Thật à? Bé thấy con Dìn ở đâu? Hay ai bảo? Nói mau lên, anh sốt ruột nghe lắm rồi đây!
Tôi kỹ càng thuật lại chuyện và cười bảo anh tôi:
- Anh em mình được như cái thằng cu ấy, cũng thích đấy nhỉ.
Ngày hôm sau, chúng tôi lại đi rình, và lại bắt gặp em gái tôi. Nhưng chúng tôi chỉ trông nhau mà không ai dám ra đánh mắng người con trai như ở nhà đã định. Mãi đến sau này, tôi mới kịp nhận thấy chúng tôi nhát gan và vô lý, nhưng lúc tỉnh ngộ như thế, thì em gái tôi đã vào đời!

Gia đình tôi là cuộc phân tranh ngấm ngầm và ra mặt giữa hai phe. Mẹ tôi và dì ghẻ tôi đánh nhau luôn, nhất là từ ngày ba tôi mất. Dì ghẻ tôi đã nhanh nhẹn chiếm được hết của cải của ba tôi, và khôn khéo sang tên dì ngay từ hồi ba tôi còn sống. Mẹ tôi không có cái gì cả, ngoài ba thằng con trai phải nuôi, và cái bàn thờ của ba tôi phải dọn sửa. Mẹ tôi bảo dì tôi là con một đứa hái củ nâu. Dì tôi chối phắt cái gốc tích ấy đi, và trả lại cho mẹ tôi hai tiếng “lái đò”. Rồi hai người đánh nhau. Anh Cả tôi chạy can hai người ra, anh Hai tôi đóng cửa cho hàng phố khỏi thấy, còn em tôi và tôi thì khóc. Chúng tôi không biết ai phải, ai trái, nhưng chúng tôi người nào bênh mẹ người ấy. Em gái tôi phân bua với tôi:
- Mẹ anh tồi quá, cứ đánh mẹ em luôn.
- Mẹ em tồi ấy. Cậy có của lộng quyền.

Giữa hai chúng tôi có một cái gì ngăn trở. Chúng tôi tuy cùng ở chung một nhà, ăn cùng mâm, nhưng thực ra thì xa cách. Mẹ tôi tìm đủ cơ hội để dìm dì tôi xuống, và cố nhiên, như bắt được một thứ khí giới độc ác và mầu nhiệm, người vin ngay lấy câu chuyện theo trai của em tôi để nói bóng gió. Hôm hai người cãi nhau, tôi được gọi ra làm chứng. Tôi thấy dì tôi ngồi trên sập, trước mặt một cái tráp trầu không vỡ đổ, nghiến răng hỏi tôi:
- Có thực chính mắt anh trông thấy con tôi theo trai không?

   nxb Nguyễn Hà, Hà Nội 1942

Tôi không đáp và đưa mắt nhìn em gái tôi đứng thút thít khóc ở xó nhà vì vừa bị mấy cái tát. Tiếng dì tôi vẫn dằn mạnh:
- Anh cứ nói đi để tôi đánh tan xác nó ra, đồ không có người dạy!
Mẹ tôi xen vào:
- Đừng có nỏ mồm. Bảo ai không có người dạy? Không được chạm đến con tôi!
Giữa lúc tôi chưa biết nói làm sao cả, thì em gái tôi chắp tay đưa lên bụng, kín đáo lạy tôi mấy cái. Lòng thương một người con gái yếu ớt làm tôi quên hẳn sự hiềm khích giữa người trong nhà. Tôi đáp rất gọn:
- Không, con nói dối đấy chứ!
Tức thì dì tôi vênh mặt lên:
- Nghe nữa đi, nghe cái đồ nói dối nữa đi!
Và tức thì hai cái tát của mẹ tôi cháy bỏng trên má tôi:
- Ai dạy mày nói điêu, mày hai lưỡi!
Nhưng tôi lại chỉ còn có một lưỡi, khi ngồi ăn cơm với mẹ tôi:
- Đúng là con Dìn đi với trai, mẹ ạ. Ban nãy nó lạy con đừng nói.
Mẹ tôi lườm tôi và im lặng. 

Một chiều kia, đi học về, tôi ngạc nhiên thấy em gái tôi bị trói chặt như con lợn nằm ngoài sân, nhăn mặt dưới những vụt roi mây chập ba lại. Bên cạnh em, những tờ thư vất bừa bãi, cái xanh, cái tím, cái vàng, cái lá mạ. Dì tôi sai anh Hai tôi đọc to lên từng cái một. Mỗi lần một bức thư đọc dứt, là một lần roi mây vụt xuống đít em tôi. Tôi ngẩn người nghe cái giọng nói khôn khéo ngọt ngào mà tôi được biết lần thứ nhất. Nó lọt tai và mát lòng quá. Đôi khi người con trai gọi em tôi là “quý nương” và tự xưng là “kẻ này”. Tôi giấu một bức thư vào túi rồi đem ra học thuộc lòng. Em tôi chắc không muốn nghe lắm, nên nhắm mắt lại. Thực không gì đẹp bằng yêu nhau, xấu bằng yêu nhau!
- Đấy, em anh, anh xử lấy. Bây giờ ba nó đã chết rồi, tùy anh định liệu.
Anh Cả tôi vốn hùng hổ nên đáp:
- Gọt gáy bôi vôi, đem trôi sông nó đi!
Em tôi nghe hai tiếng “trôi sông” thì nức nở khóc. Dì tôi nóng mắt, cúi xuống, giật từng cái áo của em mặc ra. Đột nhiên không ai bảo ai, ba anh em chúng tôi cùng quay mặt đi. Riêng tôi, tôi thấy nổi dậy trong lòng nỗi công phẫn đối với cách giáo dục tàn nhẫn kia. Và suốt đời, tôi không quên được cái thảm cảnh của một người con gái bị xử ngược chỉ vì phạm một tội rất thông thường là yêu vì nhẹ dạ. Sự đó rất có ảnh hưởng đến đời tình ái của tôi, một cuộc đời chỉ toàn thấy những dang dở vì lẽ tôi không biết giữ trong tay những hạnh phúc mau biến.

Sau trận đòn hôm ấy, em tôi trở nên buồn bã. Cuối cùng, dì tôi nhốt em tôi vào một cái buồng tối, khóa kỹ, chỉ cho giao tiếp với bên ngoài qua cái cửa sổ nhỏ. Tôi linh cảm rằng, tuy chúng tôi đã được yên lòng về cách nhốt em tôi như thế, một sự gì nghiêm trọng vẫn lảng vảng quanh nhà chúng tôi. Quả nhiên, một đêm kia thức dậy, tôi đứng ở trên gác nhìn xuống đường phố, chợt thấy một bóng người động đậy trong bóng cây. Ngay lúc đó, cánh cửa dưới nhà kêu lên, và người vú già tay cầm một tờ giấy trắng tiến lại phía cái bóng. Tôi ngẫm nghĩ và hiểu biết. Sáng mai, tôi chạy xuống nhà, lại căn buồng nhốt em gái tôi, bảo em:
- Sao em dám đưa thư cho vú già đem cho cái thằng nào đấy?
Em tôi đáp lại bằng một giọng cương quyết, rắn rỏi, một giọng nói làm tôi rùng mình, không ngờ có thể có được ở trên môi người con gái mới mười lăm tuổi:
- Tại vì... em nhớ người ta quá!
- Thế em không sợ người nhà đánh à?
- Trừ phi anh nói. Nhưng em biết anh tử tế, chắc chẳng bao giờ anh muốn em khổ hết; anh còn nhớ ngày nào chúng ta giữ trâu và ăn ổi với nhau không?

Cầu Hàm Rồng xưa, Thanh Hóa


See the source imageTôi không quên được ngày đó. Nó là cái kỷ niệm đẹp đẽ của đời tôi mà em tôi vừa nhắc lại. Một cánh đồng cỏ xanh mượt nằm ngủ dưới chân đồi, mới ba giờ chiều đã mờ, vì bóng núi che khuất mặt trời đổ lên đó. Chúng tôi thả trâu cho tự do ăn cỏ, lòng thanh thản dưới một bầu trời sáng đẹp. Đôi lúc tiếng sáo của dân Mường từ xa vẳng lại, là những thanh âm độc nhất hiu hắt trong cái rộng rãi, cô quạnh của linh hồn. Chúng tôi đánh trâu bò lên đồi vào lúc mờ sáng, và trở về nhà khi nắng vàng chỉ còn nửa đốt ngón tay trên đầu bụi trúc.
Đàn vật nối nhau theo hàng một, từ trên đồi uể oải xuống, làm thành một cái dòng màu xám chảy chầm chậm trong ánh mờ nhạt của hoàng hôn.

Ngoài mấy người con gái mà tôi mến rất nhẹ nhàng và rất kỳ dị, em tôi là người bạn nhỏ hiền hậu của tôi ngày ấy. Chúng tôi cùng để lòng ước mong những chuyện không thể có, em tôi mơ được một căn nhà ngói dựng trên đồi, và tôi khờ khạo hơn, giản dị hơn, được bình yên chăn trâu trọn kiếp. Hai tôi lấy hoa sim cài lên đầu, lên áo, và cùng cho rằng hương hoa sim thơm, tuy thực ra nó vô cùng nhạt nhẽo. Chính ở cái chốn mà mây gió còn giữ nguyên màu dĩ vãng đó, chúng tôi lớn lên hồn nhiên giữa bài thơ tưng bừng của sự sống, hồn nhiên nhận biết cái tang máu mủ lần thứ nhất xảy ra trong cuộc đời chúng tôi: ba tôi mất. Cái chết lặng lẽ của người trái hẳn với tháng ngày sôi nổi người sống, làm nhiều khi tôi sinh lòng ngơ ngẩn trước thiên luật không thể cưỡng lại gieo xuống muôn loài. Đời sống lôi cuốn chúng tôi về những hoàn cảnh khác. Chúng tôi đau đớn thấy mây gió ngày xưa dần dần xa vắng bên những giấc mộng chỉ còn là nỗi thương tiếc nức nở giữa cuộc đời.

Người con gái ngây thơ, vô tội là em tôi ngày xưa, bây giờ đang yêu thắm thiết, yêu mê say và đang phác họa trong óc những bước đường liều lĩnh sau này. Một sáng, giấc mơ của tôi bị cắt đứt vì mấy tiếng kêu hốt hoảng của dì ghẻ tôi:
- Trời ơi, con Dìn nó trốn mất rồi!
Tất cả mọi người cùng chạy vội lại bên dì. Gian buồng nhốt em tôi đã từ bao giờ bật khóa. Rương của em tôi bị nậy nắp, bao nhiêu áo quần cũ, mới đều mất hết. Tôi chợt nhận thấy, trước quang cảnh đó, một sự gì hoang vắng lạ lùng, một nỗi gì lạnh lẽo không hẳn buồn rầu, nhưng kinh ngạc. Dì tôi lăn mình vật vã khắp nhà. Anh Cả tôi suy nghĩ về cách trốn đó. Anh Hai tôi thông minh hơn, chạy tìm em ở khắp các xó giường giăng đầy mạng nhện. Tôi thì chỉ biết yên lặng. Bỗng tôi để ý đến đôi mắt của ba tôi trong bức ảnh đặt trên bàn thờ, đôi mắt như quắc nhìn tôi. Nét mặt người buồn vì sám. Tôi ngờ như có sự trách cứ huyền bí nào đó, sự trách cứ chính đáng gieo xuống tôi, vì tôi là một kẻ phạm tội: tôi đã quá dung thứ sự thầm lén của em gái tôi.

Cuộc trốn đi được ngót ba tháng, thì một hôm, chúng tôi nghe tin em Dìn bị người con trai từ bỏ. Sự đoạn tuyệt đột ngột đó rất phiền phức và khó hiểu với tôi. Nhưng anh Hai tôi lại tỏ ra rất tường tận, kinh nghiệm. Anh giảng cho tôi biết:
- Đại phàm yêu nhau mà lấy nhau là hỏng.
- Thế yêu nhau mà không lấy nhau là không hỏng à anh?
- Cái đó còn tùy mỗi người một duyên số!
Câu triết lý vu vơ của anh tôi thế mà đúng. Người ta yêu nhau chỉ để yêu nhau. Lấy nhau tức là tham lam, ích kỷ. Mà đã yêu nhau, sao lại không thể can đảm xa nhau, không thể cao thượng chịu dứt cái tình đau đớn được? Ái tình, mà cái tên thứ hai ở thế gian này là đau khổ, không bao giờ cho phép người ta được thỏa nguyện. Chỉ có cha mẹ mới có quyền định đoạt được cuộc đời của con, và “Trời” muốn thế, vì các bậc đã phải mang nặng đẻ đau, ắt được đền bằng một bài tính đố chính họ tìm lấy con số đáp! Xa nhau là yêu nhau thêm lên, vì hai trái tim vẫn tưởng nhau đẹp đẽ, nghĩa là vẫn sung sướng đánh lừa được nhau, vẫn mơ hồ và... tưởng tượng! Em gái tôi không hiểu thế sự, dám liều lĩnh đem cái tuổi mười lăm của mình ra thử thách một chuyện vượt lên trí óc, dại dột đem mình làm gương cho người sau, cho tôi.

Em tôi đi được ba tháng thì dì ghẻ tôi cũng đi theo. Người đàn bà này đường hoàng đi ra bằng lối cửa chính, đem theo tất cả những của cải mồ hôi, nước mắt của ba tôi. Người khách thương ba mươi năm trời lăn lộn để gây chút sự nghiệp mong manh, không biết lúc này, ở thế giới bên kia, có thấy rằng, chỉ những cuộc hôn nhân chính đáng mới tạo được nên những người vợ hiền và con chính đáng? Còn những sự lấy nhau vì nhục dục, vì tham vọng, chỉ là cách tự thỏa mãn và không có nghĩa gì?

Từ bao lâu nay, tôi vẫn tin rằng mẹ tôi sung sướng. Nhiệm vụ một người vợ hiền, mẹ đảm Việt Nam đã được làm trọn vẹn, và danh vọng xứng đáng ấy được lấp lánh ở một chỗ cao quý nhất trong trái tim người. Cái phần thưởng đến với người tuy quá chậm và khó, nhưng chính sự khó và chậm ấy đã khiến tôi yêu mến nước Nam của tôi bằng một tấm lòng trọng đại, một mối tình vô song, nhất là quê hương thứ hai của tôi lại không được huy hoàng rực rỡ!

Một năm trôi qua. Mùa xuân đến. Chúng tôi đón Tết trong nhà nhỏ, ba anh em cùng ngồi quây quần bên mẹ, quanh một nồi bánh chưng sôi. Gió bên ngoài rét lắm, lật trái những tấm lá thấp thoáng trong ánh lửa từ bếp chiếu ra. Mưa rơi ngoài cửa. Bàn thờ ba tôi sáng trưng lên dưới một hàng nến đỏ nghiêm chỉnh như một toán quân đi chào cờ. Mắt mẹ tôi long lanh ướt. Người nhìn vào bếp lửa, đầu gối giơ cao để che lấp đôi mắt, chăm chú giở củi, nhưng thực ra là để che sự cảm động. Giữa lúc đó, người vú già ghé vào tai tôi:
- Cậu ra cho cô Dìn hỏi. Cậu ra một mình thôi!

Tôi ngạc nhiên đứng dậy, nói thác với mẹ tôi là đi tiểu rồi mở cửa bên chạy ra đường. Tôi thấy em tôi đứng nép dưới hiên một nhà người hàng xóm, rét run cầm cập. Tuy không trông rõ mặt và người em, nhưng tôi cũng biết được em gầy và yếu đi nhiều lắm. Em tôi nhìn tôi rồi hỏi:
- Anh ra có ai biết không? Mẹ em làm gì đấy?
Tôi giấu chuyện dì tôi bỏ nhà đi, và đáp:
- Không ai biết cả, vì anh nói dối anh đi tiểu. Cả nhà đang nhớ em, sao em không vào?
- Anh đừng nói cho ai biết em về nhé! Em van anh đó. Em xấu hổ lắm. Em lại đây thăm nhà vì em nhớ mẹ, nhớ các anh.
Tôi nghẹn ngào bảo em:
- Thôi em cứ về. Mẹ em năm nay ăn Tết ở nhà ông ngoại. Chả ai đánh em nữa đâu.
Nước mắt em tôi trào ra, em nức giọng:
- Không, em không vào. Em đến chúc Tết anh là đủ. Xong, em đi...
Tôi hốt hoảng:
- Em đi đâu?
- Em vào Sài Gòn. Mười giờ tối hôm nay có tàu. Em chỉ còn ở đây được hai giờ nữa thôi. Năm nay anh có được nhiều tiền phong bao không? Chắc bánh chưng ở nhà ngon lắm nhỉ?
- Ừ ngon lắm, em vào mà ăn!
- Em đã bảo em không vào mà lại! Em lại đây cốt được trông thấy anh, và xin anh... mấy xu mừng tuổi gọi là nhớ lại ngày nào anh mừng tuổi em!

Tôi sờ vào túi, móc ra được năm đồng xu, ngần ngại đưa cho em tôi.
- Anh nghèo lắm em ạ.
Em tôi đón lấy số tiền, và cười đau đớn:
- Thế là nhiều rồi anh ạ. Thôi em đi nhé!
Nói dứt, em tôi lủi vào bóng tối, trong lúc tôi chợt nhớ ra, hỏi với:
- Em... em vào Sài Gòn với ai?

Tôi bước vào nhà buồn bã, sau khi đưa ống tay áo lên quệt nước mắt, giữa lúc mẹ tôi đã đứng dậy thắp hương trên bàn thờ ba tôi, vì tiếng pháo giao thừa bắt đầu nổ. Xuân về!
Mẹ tôi yên lặng khấn khứa, đoạn quay lại phía chúng tôi, giọng nói của người như nhắc lại cả một dĩ vãng thiếu tươi đẹp:
- Không biết con Dìn năm nay bao nhiêu tuổi nhỉ?



Viết về Hồ Dzếnh
Thái Tú Hp  ***Nhà thơ tài danh Hồ Dzếnh đã nằm xuống vĩnh viễn ngày 13-8-1991, khi tuổi thọ vừa 75. Sau khi được tin ông ra đi, Hà Nội đã rầm rộ mang đầy hoa đến phúng điếu, đăng tin trên khắp nhật báo, tạp san văn học, cùng với những bài viết ca ngợi Hồ Dzếnh như một thiên tài của Đất Nước. Trong lúc ông còn sống, chỉ là một công nhân thợ đúc thép Gia Lâm tầm thường, nghèo khổ, ngày ngày đi về căn gác nhỏ, thầm lặng như một tội đồ, không một ai thương tiếc.*
Mai Tho  ***Trong cái thế giới ngột ngạt bít bưng tức thở của những tháp ngà tiền chiến như những phần mộ lạnh buốt, thơ Hồ Dzếnh hơn cả Xuân Diệu và theo tôi, hơn cả Nguyễn Bính đầu mùa, là những xâu chuỗi lanh lảnh nhạc vàng gõ vui từng nhịp nắng trên mênh mông đài trán thiên nhiên. Tôi nhớ mãi cái cảm giác của tôi, 20 tuổi, tiếp nhận một tập thơ còn trẻ hơn hồn mình phơi phới, một tập thơ cỏ non lả lả, một tập thơ cốm mới đậm đà, một tập thơ mười tám cái xuân đầy, đọc mỗi câu tưởng như có mật, có đường ngọt trong cổ. Thơ Hồ Dzếnh là cái trạng thái ngu ngơ mà chủ đề là tình yêu và ánh sáng. Ngó thật kỹ, Quê Ngoại không hằn một nếp nhăn. Với tôi, một tập thơ đầu tay phải như thế. Phải có cái khí thế vạm vỡ của sức sống như một vươn tới, cái vóc dáng của tình yêu như một kín trùm dào dạt. Dẫu cho lỡ cả thiên đường, thì xin một nửa tấc vườn vắng hoa. Hồ Dzếnh không làm thơ đâu. Thơ đã có, đâu đó, trên mây, trên cành, trong nước chảy dưới chân cầu,trong không khí, thơ một thuyền đầy, thơ một chuyến lớn chở Hồ Dzếnh đi vào thênh thang tiếng nói…” *

A-Celebration-of-Women-Feature-Banner-e1352628808407 (1) 512

Chiều* H Dzếnh * Dương Thiu Tước * Mai Hương



Saigon năm xưa

Sunday, August 16, 2020

nhân cách Bình Nguyên Lộc, Mai Thảo



nhân cách Bình Nguyên Lộc
Mai Tho

Thời gian đầu, sau khi cộng sản đã lấy nốt được miền Nam là thời gian còn được để yên, chưa bị kết tội, chưa bị lùng bắt, tôi thường sáng sáng một mình đạp xe đạp qua một Sài Gòn tan nát tới thăm một nhà thơ và một nhà văn, người trước Bắc, người sau Nam, cả hai đều thuộc thế hệ trước tôi, cả hai đều đã tên tuổi lẫy lừng từ thời tiền chiến. Những thăm viếng thường xuyên này của tôi, giữa Sài Gòn và trong đổi đời lúc đó được đọc bởi hai điều. Một, hai khuôn mặt lớn ấy của văn học Miền Nam, từ quốc nạn 1975, đã đóng kín địa chỉ, dựng cao lũy hoa, cắt đứt với đời, không ra khỏi nhà, muốn gặp họ tôi phải tìm tới. Hai, giữa cái thể chế chuyên chính đã trùm kín, chưa bao giờ trong đời tôi lại cảm thấy sự cần thiết lớn lao phải giữ chặt lấy một số thân tình bền vững tôi hằng mến yêu và kính trọng. Và hai đối tượng của thăm viếng thường xuyên thì với tôi lại là hai niềm mến yêu và kính trọng vô cùng. Nhà thơ miền Bắc tôi vừa nói tới là Vũ Hoàng Chương. Và nhà văn miền Nam, Bình Nguyên Lộc.

Vũ Hoàng Chương thời gian đó ở khá xa, mãi bên vùng Khánh Hội, trong một ngõ hẻm khuất khúc giữa phường Cây Bàng, trên căn Gác Bút lừng tiếng, nơi thi sĩ bị công an cộng sản tới bắt đem giam nhốt vào khám Chí Hòa rồi trở về trong hấp hối lâm chung và lìa đời ở đó. Bình Nguyên Lộc ở gần hơn.
Thăm viếng do vậy cũng ngắn đường hơn, trong cuối đáy một con ngõ yên tĩnh một thời Vũ Hoàng Chương đã ở, khu Cô Giang Cô Bắc, đầu ngõ là con đường Huỳnh Quang Tiên, khúc từ con ngõ nhìn ra có những vì tường xám của hãng thuốc lá MIC chạy dài trước mặt.

Vũ Hoàng Chương
See the source imageTới ngõ, tôi xuống xe dắt bộ đi vào, và ngừng lại trước một căn nhà một tầng cổ cũ, căn nhà này là của gia đình Bình Nguyên Lộc, nhà văn chỉ mới dọn về ở một thời gian từ sau cái chết của người con trai lớn là Bác sĩ Giám Đốc Dưỡng Trí Viện Biên Hòa, để sống gần với người chị ruột ở căn nhà kế cận.

Mở cánh cổng thấp, dựa xe vào thành tường, bên cạnh hai chậu vạn niên thanh trấn môn xanh ngắt, một màu xanh muôn thuở, tôi gõ nhẹ tay vào thành cửa đóng kín. Nhớ lần nào tôi cũng phải đứng chờ ít phút, nhưng không lần nào phải trở về. Căn nhà yên lặng hoàn toàn. Tiếng gõ cửa ngân vào thật sâu thật xa ở bên trong, rồi là tiếng chân người đi ra. Rồi là cánh cửa hé mở từ từ và cái thân hình nhỏ bé, bộ đồ ngủ lùng thùng và cái mái tóc rẽ giữa duy nhất của văn học miền Nam, cái mái tóc rẽ giữa của Bình Nguyên Lộc.
Bao nhiêu lần như bao nhiêu lần, và cảm giác này càng rõ rệt những buổi sáng tới bạn sau vực thẳm 1975, lần nào nhìn thấy Bình Nguyên Lộc, tao nhã, gầy guộc, trên cái nền mờ tối của căn nhà đóng kín, tôi cũng có được tức khắc, ở trong tôi, như một mầu nhiệm êm đềm, một ấm áp và một yên tâm không thể nào tả được. Ấm áp như thế giới tiểu thuyết Bình Nguyên Lộc, không siêu hình, không gió bão, thế giới đã bốn mươi năm văn học ở trong đời sống và làm cho đời sống muôn vàn tươi thắm. Yên tâm như văn phong, nhân cách Bình Nguyên Lộc, dung dị mà bác học, đơn giản mà trí thức, Bình Nguyên Lộc con người và Bình Nguyên Lộc tác phẩm chính là niềm yên tâm lớn nhất một thời của văn học chúng ta.

Mai Thảo
 
Thấy anh, lần nào tôi cũng nói, cảm động thành thực:
– Còn được tới thăm anh.
Lần nào anh cũng cười:
– Còn được gặp anh. Vào đây.
Anh bảo tôi đưa xe vào nhà, kẻo xe mất “hết đường tới thăm bạn”. Đoạn đóng cửa lại, bật ngọn đèn đầu giường và đi về phía sau đun một ấm nước.
Giữa đám sách vở, tài liệu bề bộn, cạnh một chỗ nằm cũng là chỗ ngồi làm việc của ông, trước một khay trà, thật bình dân, không cầu kỳ như khay trà Vũ Hoàng Chương và những điếu thuốc đen ông đốt theo một nhịp điệu đều đặn, tôi thường ở rất lâu với Bình Nguyên Lộc. Tới trưa. Tới sau trưa. Tới cái gạt tàn có ngọn. Tới bình trà nguội tiếp thêm một bình trà. Một vài lần còn tới giữa bữa cơm ông ấy lấy thêm bát đĩa ép tôi cùng ăn, bữa ăn cực kỳ thanh đạm, chỉ một soong cơm và một con cá khô hấp nóng. Phải, nhớ lần nào tôi cũng ở lại thật lâu. Với cái mái tóc rẽ giữa. Với những cử chỉ chậm rãi. Với cặp mắt thông minh sau làn khói. Với những đứng ngồi lên xuống từ tốn. Trong cái thế giới rất riêng tây, cách biệt của Bình Nguyên Lộc, càng riêng tây, càng cách biệt từ cộng sản đã vào tới Sài Gòn.

Những lần tới thăm Bình Nguyên Lộc như vậy, ông thường nói ít lời như một tạ lỗi, nhờ tôi nói lại với anh em, với mọi người. Rằng từ ngày người con trai lớn mất, ông đã chẳng muốn đi đâu. Rằng chứng áp huyết nặng tối kỵ những di chuyển, những họp mặt. Rằng “họ” đã vào tới rồi, thành phố là của “họ”, đời sống chẳng còn gì đáng thấy, đóng cửa trong nhà thôi.
Lập luận về một thái độ sống thu vào im lặng và ẩn dật, thoạt nghe ở Bình Nguyên Lộc tưởng thật dễ dàng. Sự thật, nó chẳng dễ dàng chút nào, với Bình Nguyên Lộc, với chế độ mới và Bình Nguyên Lộc, suốt thời gian ở đó. Và lý do giản dị chỉ là ông chẳng phải là một người viết văn như bất cứ một người viết văn nào mà là nhà văn hàng đầu, nhà văn lớn nhất miền Nam.
Bây giờ, đó là thời gian từ 30 tháng tư 75, tới đầu 76, Trung Ương Đảng Cộng Sản ở Hà Nội, tuy chưa phát động đàn áp và cầm tù văn nghệ sĩ, đã cho thi hành ở Sài Gòn một chính sách lũng đoạn hàng ngũ văn nghệ cực kỳ hiểm độc. Chính sách đó nhằm tạo kỳ thị, gây chia rẽ, giữa những nhà văn miền Bắc vào Nam trong đợt di cư 1954 với những nhà văn sinh trưởng ở Nam Phần. Suốt ba mươi năm văn học, Nam Bắc đã một nhà, Bắc Nam đã bằng hữu. Cộng sản muốn chấm dứt tình trạng hòa đồng tốt đẹp đó. Và người chúng đã dành hết mọi nỗ lực khuynh đảo là Bình Nguyên Lộc. Thoạt đầu là đám văn nghệ nằm vùng. Như Sơn Nam, Vũ Hạnh. Kế đó, đến nhóm văn nghệ của Mặt Trận Giải Phóng về thành, tạm thời được nắm giữ những địa vị quan trọng như Trần Bạch Đằng, Giang Nam, Anh Đức, nhiều kẻ đã quen biết Bình Nguyên Lộc từ xưa. Cuối cùng là đám nhà văn, nhà thơ công thần của chế độ và vào từ Hà Nội như Nguyễn Công Hoan, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Huy Cận. Tất cả, trên từng địa vị khác biệt, đã viết thư, điện thoại ân cần thăm hỏi tác giả Đò Dọc, về sức khỏe, về đời sống của ông, nói thân thế ông mãi an toàn, sinh kế vẫn bảo đảm, sự nghiệp không chôn vùi, ông vẫn nhà văn lớn. Tất cả đã lần lượt đến khu Cô Giang Cô Bắc, tươi cười, nhã nhặn gõ cửa xin gặp người trong ngôi nhà có hai chậu vạn niên thanh. Bình Nguyên Lộc tiếp hết, từ tốn, chững chạc vậy thôi. Duy có một lần, không sao được, ông phải tới dự đại hội văn nghệ thống nhất lần thứ nhất ở Bộ Thông Tin cũ đường Phan Đình Phùng. Kỳ họp này, Vũ Hạnh, Thanh Nghị báo cáo kể công, Sơn Nam đóng trò nhiệt tình khóc lóc, riêng Bình Nguyên Lộc ngồi im lặng từ đầu đến cuối, không chịu phát biểu một lời nào.

Đó là lần đầu tiên, cũng là lần cuối cùng của tiếp xúc Bình Nguyên Lộc với chế độ mới. Cố nhân quen biết tương đối thân thiết nhất với anh là Giang Nam, được Thế Lữ ca ngợi là tiếng thơ cách mạng lớn nhất miền Nam, về Sài Gòn giữ chức vụ Chủ Tịch Hội Văn Nghệ Giải Phóng, mặc dù đã viết cho Bình Nguyên Lộc một lá thư thật dài, thật tình cảm, cũng thất bại. Thư mời Bình Nguyên Lộc tới trụ sở Hội. Mời sinh hoạt. Mời hội họp. Mời viết lại. Và Bình Nguyên Lộc đã nhã nhặn viết một lá thư trả lời. Nói ông rất đau yếu. Nói bị chứng áp huyết. Nói chẳng còn làm được gì. Nói chẳng thể đi đâu. Nói xin được yên thân. Cuối cùng rồi mọi ve vuốt, mọi khuynh loát đều chịu thua, đều lùi bước trước sự nhã nhặn khước từ, trước cái nhân cách và sự tự trọng chói lọi của Bình Nguyên Lộc. Họ đành để cho Bình Nguyên Lộc được cách biệt, được một mình, được vẫn mãi mãi là Bình Nguyên Lộc trong căn nhà đóng kín.

Nhân cách trí thức độc lập ấy của Bình Nguyên Lộc, thái độ tuyệt vời của người nhà văn miền Nam ở Bình Nguyên Lộc, không một lần nào, ông phô trương mà chúng tôi đều biết, cả miền Nam đều biết và sung sướng vô cùng và quý mến rất mực.

Nhớ Bình Nguyên Lộc ở xa, tin tức quê nhà đã lâu không nhận được, chẳng biết vẫn còn hay đã mất, những lần sau cùng tới khu Cô Giang Cô Bắc, hình ảnh hai chậu vạn niên đại xanh ngắt một màu xanh muôn thuở trước ngôi nhà văn học đóng kín, lại trở về, xanh ngắt trong tôi.
Bình Nguyên Lộc. Cái mái tóc rẽ giữa, hai miền trung dung phân định như tấm lòng người quân tử một đường ngôi đời thẳng tắp. Bình Nguyên Lộc, bộ đồ lụa trắng, rất thông phán tòa sứ, rất trăng nước miền Nam, trên chiếc cyclo đạp chậm đưa ông tới gặp các tòa soạn Nghệ Thuật, Văn, Vấn Đề chúng tôi làm, phần lớn là anh em nhà văn miền Bắc. Không có Nam Bắc với Bình Nguyên Lộc, chỉ có văn chương, chỉ có hợp tác, chỉ có bằng hữu. Tôi làm biếng lắm, ít khi đi đâu, đến chơi tôi nhé. Thân tình, hòa nhã. Cái truyện ngắn này dục tôi viết gấp, thì phải viết gấp, không được tốt lắm, thôi dùng tạm vậy. Nhũn nhặn, bình dị. Một năm trong bốn năm liền cùng ở chung trong Hội Đồng Giám Khảo giải thưởng Văn Chương toàn quốc, ông từ chối nói chứng áp huyết không còn leo nổi những bực thềm cao của Dinh Độc Lập, cặp mắt đã yếu chẳng thể nào đọc hết được những tác phẩm dự thi. Nài mãi mới nhận. Nhưng cười, giao hẹn: “Vậy phải đọc hết giùm tôi, rồi đưa cho tôi đọc mười cuốn khá nhất.” Nghiêm chỉnh. Ngay thẳng.
Rồi là cái công trình Văn Học cuối đời của Bình Nguyên Lộc. Cuốn Nguồn Gốc Mã Lai Của Dân Tộc Việt Nam đã phác thảo, đã in thành sách, trọn năm năm trời, tìm kiếm, sưu tập, thu thập thêm một kho tàng tài liệu mới, đã hoàn tất thành một biên khảo vĩ đại hơn một ngàn trang. Cộng Sản vào Nam. Thiên biên khảo kỳ công vẫn còn là bản thảo. Một lần tới thăm, tôi hỏi Bình Nguyên Lộc về công trình văn học đó. Và đó cũng là lần thứ nhất tôi thấy Bình Nguyên Lộc buồn phiền và thất vọng. Trèo qua cái giường ngủ, ông lấy từ một giá sách cao xuống một tập bản thảo nặng chĩu, trao nó cho tôi.
Giọng ông trào lộng mà nụ cười thật buồn:
– Nó đây.
Và chỉ tay lên cái giá sách bụi bậm:
– Kia là mồ chôn nó.

Kế đó, ông thuật cho tôi hay về số phận của thiên biên khảo lịch sử, mà nguồn gốc dân tộc Việt, theo sử quan và chứng minh Bình Nguyên Lộc, không từ miền Bắc xuống mà từ biển ngoài vào. Một nhóm những người cao cấp về biên khảo lịch sử của nhà nước CS từ Hà Nội vào, được nghe nói về công trình biên khảo này của Bình Nguyên Lộc. Họ tới. Tỏ lòng ngưỡng mộ, rồi xin được mượn tập bản thảo về đọc, nói sẽ có nhận xét, sẽ có thảo luận. Mấy tuần sau, tập bản thảo được gửi trả lại với một lá thư ngắn nói quan điểm lịch sử nói chung và nguồn gốc dân tộc nói riêng của Bình Nguyên Lộc hoàn toàn thoái hóa và sai lầm đối với quan điểm biện chứng duy vật lịch sử cách mạng, khoa học và tiến bộ.
Thuật lại xong, ông lắc đầu, sự thất vọng hiện rõ nhưng giọng nói vẫn từ tốn:
– Thế là gạt bỏ, thế là phủ nhận. Nói là để đối chiếu, để thảo luận, mà không có gì ráo trọi. Tôi buồn vì cái công trình của mình, nhưng buồn hơn cả là cái sự gạt bỏ của miền Bắc đồi với sách tôi không phải là một thái độ văn học, không hề được đặt trên căn bản văn học. Nói đến văn học, tuyệt đối không thể nói đến một lập luận, một giá trị độc tôn nào. Phải nhiều lập luận khác biệt, phải nhiều khái niệm đối nghịch, một vấn đề văn học, một nghi vấn lịch sử mới được chiếu sáng. Khoa học lịch sử thiết yếu phải có được yếu tính và tinh thần đó. Tôi buồn nhất là ở cái sự không có tranh luận, không có đối thoại ấy mà thôi. Chứ không hoàn toàn vì sách tôi không bao giờ còn hy vọng được in ra.
Tập bản thảo nghìn trang, mồ chôn là cái giá sách bụi bậm. Hai chậu vạn niên thanh xanh ngắt một màu xanh muôn thuở. Trí thức dựng cao lũy hoa. Một nhân cách chói lòa trong tự trọng một đời, đã tám năm im lặng trong ngôi nhà đóng kín. Chẳng bao giờ tôi còn được sáng sáng tới thăm Bình Nguyên Lộc nữa và Vũ Hoàng Chương đã mất. Nhưng ở thật xa và cách thật lâu rồi mà rõ thì vẫn thật rõ. Về Bình Nguyên Lộc, nhà văn miền Nam hàng đầu của văn học ta rõ bởi cái ánh sáng ấy, cái ánh sáng của một nhân cách rực rỡ, tôi đã nhìn thấy không ngừng, sau đổi đời và giữa cộng sản, sáng sáng đạp xe qua một Sài Gòn đổi chủ ngừng xe lại trước nhà có hai chậu vạn niên thanh.
======================================================

See the source image
Biên Hòa; xe  gắn máy Bridgestone (bản hiệu đỏ) xuất hiện khoảng 1970

Saturday, August 15, 2020

Ăn cơm chưa? Bình Nguyên Lộc



ăn cơm chưa? 
Bình Nguyên Lộc   
Bà xơ rút nhiệt kế ra khỏi nách tôi, chăm chú đọc nhiệt độ, mặt lộ vẻ ngạc nhiên như không tin ở điều mà bà đọc thấy. Bà dòm mặt tôi, đoạn đọc lại một lần nữa.

Tôi đang hồi hộp vì đoán rằng có chuyện không hay thì bà đã nhảy ra khỏi phòng, làm cho tôi hốt hoảng đến cực điểm.Tôi mắc chứng thương hàn, sốt mê man mấy tuần nay, vừa tỉnh lại chứng kiến sự bối rối của con người áo đen bé loắt choắt ấy, làm tôi ngỡ, tôi chết đến nơi.

Nhưng gương mặt tươi của bác sĩ Chaput hiện ra nơi khung cửa, giúp tôi an lòng lại ngay. Giờ ấy còn sớm quá, bác sĩ, chắc mới đến nhà thương, chưa kịp mặc áo choàng, còn vận thường phục.
Bà xơ theo sau nói:
– Hắn không còn nhiệt độ nữa, chắc hắn phải lạnh lắm, vì sự thay đổi đột ngột nầy, tôi cho hắn uống Potion de Todd, bác sĩ nhé!
– Phải đấy.
Đoạn bác sĩ hỏi tôi:
– Ông nghe thế nào?
– Như vừa tái sanh, thưa bác sĩ.
– Tốt! Mới nghe, tôi hoảng lắm, vì nhiệt độ xuống thình lình, có thể là triệu chứng của sự chảy máu ruột… nếu ông lén ăn gì.
Tôi cười, một cái cười héo hon của con người sốt liên miên hăm tám ngày, mà không ăn uống gì cả trong thời gian đó. Bác sĩ dặn thêm, trước khi rời buồng tôi:
– Vài hôm nữa là thèm ăn, nhưng phải nhịn, ăn là lủng ruột ngay. Ngoan lên nhé!

Bình Dương trước 1975
Quên nói rõ, là tôi mắc bịnh nầy trước chiến tranh, vào thuở mà loài người chưa tìm ra thuốc trị thương hàn. Nhà thương cứ để vậy, tiêm thuốc nâng đỡ cho trái tim khỏi lụy, rồi ai kháng chết được, thì sống, ai yếu lắm, là đi.
Như vừa được tái sanh! Tôi nói không quá lố lắm đâu. Vi trùng thương hàn phá rối sinh lý con người một cách kỳ lạ lắm. Tôi nghe yêu đời ghê hồn và dòm ra sân nhà thương tỉnh Bình Dương (bấy giờ là Thủ Dầu Một), tôi thấy khóm bông gừa, thứ bông hèn ấy, sao mà hôm nay lại đẹp lạ lùng.

Trưa hôm đó, bác sĩ Chaput khoe với tôi rằng, ở trại bố thí III, một con đồng bịnh với tôi cũng vừa khỏi. Ông ta sung sướng về chuyện ấy lắm,vì con bịnh các trại bố thí chết nhiều quá, khiến dân chúng hiểu lầm, nhà thương bỏ bê người nghèo khó.
Sự thật, thì sở dĩ số tử ở đó lên cao theo tỷ lệ, vì các con bịnh nghèo, thường để thật nguy kịch mới vào nhà thương và khi vào điều trị, không có người nhà theo để săn sóc, nhà thương chỉ vừa đủ người lo thuốc men thôi. Còn những sự săn sóc (rất cần) phải được người nhà lo lấy mới mong lành bịnh.

Tôi yêu đời, và cố nhiên, yêu kẻ đồng bịnh vừa khỏi cùng một lượt với tôi. Ba hôm sau, được nuôi dưỡng bằng nước xúp và bột Ý, tôi đã chống gậy đi được, và mục tiêu phiếm du đầu tiên của tôi là trại III.

Kẻ đồng bịnh với tôi là một cô gái Trung Hoa, hai mươi tuổi, con gái đang thì, cái ngực tất phải to, thế mà tôi trông cô ta xẹp lép như con khô hố. Cái mền cô ta đắp, như dán sát vào chiếu nhà thương.

Người bạn đồng bịnh với tôi, đi không được như tôi. Trong cơn nóng sốt không ăn, người nhà tôi có mua Sérum Glucosé cho bác sĩ bơm vào tôi, nhờ thế mà tôi không suy lắm. Con bịnh nghèo nầy, thì khỏi hưởng món xa xí phẩm ấy, mà nhà thương không sắm được, vì kém tài chánh.
Tuy nhiên, nhìn sơ cô gái, tôi cũng thấy là cô ta đẹp lắm. Hoa tàn kia mà còn mang dấu vết thời tươi thắm thay, huống chi đây chỉ là một đóa hoa thiếu nước lọ trong chốc lát thôi…

Cứ theo người cùng trại với Á Lìl, thì cô ta là một đứa bé “mua”. Chú Xừng Hinh, chủ tiệm chạp phô ngoài chợ, năm xưa về thăm quê quán bên Tàu, gặp mùa lụt lội, đói kém, đã mua đứa bé ấy ba mươi đồng bạc.
Bạc Trung Hoa với bạc Đông Dương thuở ấy tương đương giá với nhau, thì các bạn biết, con bé ấy rẻ là dường nào.
See the source imageChú Xứng Hinh cũng khá, xem Á Lìl như con chú, chớ nhiều thằng khác, nó nuôi những con bé “nước lụt” ấy cho đến thời trổ mã, bắt làm lụng cho bù với số tiền mua, rồi lại hưởng luôn chúng là khác. Như chủ nó, Á Lìl là người Triều Châu. Phụ nữ Triều Châu để rìa tóc phủ lên trán, xem rất ngây thơ và có duyên. Họ lại đẹp người hơn tất cả các thứ người Trung Hoa khác.

Á Lìl lại là gái dung nhan có hạng trong thứ người đẹp nầy, nên tình thương kẻ đồng bịnh của tôi, bỗng nhiên, tăng lên gấp bội, vì tôi mới có hăm ba tuổi. Nếu như ở ngoài, chắc không bao giờ tôi nghĩ đến chuyện yêu một ả nô tỳ, cho dẫu là nó đang đẹp lộng lẫy. Nhưng ở đây, nó là con bịnh, đồng hạng với tất cả con bịnh khác.

Một ngày, tôi chống gậy xuống trại III đến hai lần, lần nào tới nơi, tôi cũng đứng lại nơi cửa trại, để thở dốc một hơi, rồi mới vào được. Á Lìl đoán biết tình cảm của tôi đối với nó, nên lần nào, mắt nó cũng sáng lên, khi nghe tiếng gậy của tôi nện cồm cộp trên gạch.
Từ năm lên chín, mãi đến bây giờ, nghĩa là từ năm bị bán và đưa sang nước An Nam, con nô tỳ nầy chưa được ai nói ngọt với nó lời nào cả.
Bây giờ, bỗng nhiên có một dân mặc bi-da-ma riêng, lân la thăm hỏi nó, thì làm sao nó không rưng rưng lệ sung sướng được.

Mặc dầu chỉ được uống nước cháo với đường hạ, con ở Á Lìl cứ càng ngày càng hồng hào ra. Con gái, dường như, có dự trữ trong người những sức mạnh gì như cứ chực vùng lên, không cần ăn gì cho bổ lắm, họ cũng cứ béo tốt ra. Má Á Lìl đầy đặn dần lên, trông ngon như hai trái đào ở bảy phủ Triều Châu mà Á Lìl thường ca tụng với tôi.

Trông Á Lìl, tôi nghĩ ngay đến những phi tần bên Tàu ngày xưa, cũng tuyển lựa trong đám dân “nước lụt” như vầy. Thì ra, con gái Trung Hoa, ngàn đời, vẫn đẹp và vẫn để mà tiếp tế cho các cung tần. Á Lìl sẽ làm bé chú chệt già đại phú nào đây, một ngày kia.

Hôm ấy, Á Lìl ngồi dậy được, nhưng còn phải ăn cháo hoa với hàm-yũu. Cháo với vị mặn giúp Á Lìl tươi tỉnh hẳn ra. Nó tiếp tôi bằng một bài hát gì đó, tôi không hiểu, nhưng rất thích nghe. Cái giọng mũi của người Triều Châu, khi hát lên, nghe líu lo rất dễ yêu, nhứt là dễ thương, nghe như là họ khóc cảnh sống lầm than của họ.

Á Lìl cắt nghĩa cho tôi biết rằng, bài hát ấy nói đến mặt trăng nho nhỏ và tròn tròn. Nó mới giải thích tới đó, thì người nhà chú Xừng Hinh mang cho nó một gàu-mên cơm. Mắt con Lìl sáng hơn là khi tôi mới vào thăm nó nữa.
Tôi hỏi:
– Nhà đem cơm từ bao lâu rồi?
– Ngóa thèm quá, chỉ mới nhắn đem vô lần đầu thôi.
– Lìl không nên ăn cơm vội. Bác sĩ không có dặn gì sao?
– Bác sĩ nói tiếng Tây, ngóa đâu có hiểu. Bà xơ biết chút ít tiếng An Nam, dặn đừng cho ăn đồ cứng, ăn thì lủng ruột chết liền.

Á Lìl nói xong cười ngặt nghẹo, một hơi, rồi tiếp:
– Đời thuở nào, ăn cơm lại chết. Chỉ có không ăn cơm mới chết thôi.
– Lìl không hiểu, chớ ruột Lìl đã bị vi trùng làm cho mỏng lắm rồi đó.
Á Lìl lại cười một giây nữa, mà rằng:
– Bị thuốc của thằng Tây làm cho mỏng thì có. Thầy biết sao không? Hổm nay ông Tây chích cho ngóa chết mà ngóa không chết, nên ổng bỏ đói cho ngóa chết đó.
Á Lìl nói rồi vừa kéo gàu-mên cơm lại, vừa nói:
– Ăn cơn với ngừng (gừng) nấu dấm thì tốt lắm, như người An Nam ăn với muối tiêu vậy mà, chết sao được.

Tôi bối rối quá. Hôm ấy có Má Mẹ, người cai quản các bà xơ, từ Sài Gòn lên Bình Dương thanh tra, nên bà Louise bận tiếp đón bà Mẹ Bề Trên ấy, không còn ai cho tôi cầu cứu để thuyết lý Á Lìl.
Các thầy khán hộ thì đã dặn con bịnh cữ kiêng xong là nghe tròn bổn phận, không theo dõi họ để ngăn cản gì nữa.
Còn tôi, tôi ngại một điều, mà cũng chẳng khỏi.
Khi tôi giựt lấy gàu-mêm cơm, thì Á Lìl giận dỗi trách:
– Cố lứ nói thương ngóa, sao không cho ngóa ăn cơm?
– Vì thương mới không cho ăn.

Thật thế. Nếu Á Lìl chỉ là một cô gái xấu xí, tôi cũng không nỡ để cho nó tự tử một cách gián tiếp như vậy. Huống chi trong mấy ngày vui mừng tái sanh ấy, tôi lại điên dại mà yêu đứa nô tỳ nầy. Lìl cười gằn hỏi:
– Thương gì lại bỏ đói?
– Vì ăn thì chết ngay.
– Đời thuở nào, ăn cơm lại chết. Chỉ có không ăn cơm mới chết thôi.
Á Lìl lập lại câu hồi nãy, rồi khóc mùi mẫn.

Thật là em nhỏ, mất miếng ăn một cái là khóc bù lu, bù loa. Nhưng không sao, tôi sẽ dỗ em nhỏ, thì em nhỏ nín chớ gì.
Tôi định bụng như thế, nhưng tôi lầm.
Lần đầu tiên, tôi rờ đến Á Lìl. Tôi vuốt tóc trán nó và nói rằng:
– Lìl nín đi, rán nhịn, rồi vài bữa khỏi hẳn, tôi sẽ đưa Lìl đi ăn tửu lâu Triều Châu Đại La Thiên ở Chợ Lớn, có nhiều món ngon bằng một vạn thứ cơm gừng dấm nầy. Ở Đại La Thiên có chè thịt heo nè, có cù lao nè.

Nhưng Á Lìl cứ khóc, khóc như mẹ chết không bằng, lâu lắm nó mới nói được trong tấm tức, tấm tưởi:
– Ngóa nhớ tía má của ngóa quá. Tía má ngóa vì không có cơm ăn nên chết. Tía ngóa chết đi được một tháng, thì má ngóa bán ngóa cho Xừng Hinh lấy tiền mua gạo cho mấy em của ngóa ăn. Nhưng cả nhà ăn giỏi lắm được mười ngày, chắc rồi cũng chết hết. Cơm sao lại giết người? Không cơm mới nguy chớ!

Nghe Á Lìl nhắc tới nguồn gốc nó, tôi đau xót vô cùng. Cơm là giấc ác mộng của người Trung Hoa từ mấy ngàn thế hệ nay, cho đến đỗi họ gặp nhau, chào nhau bằng câu: “Ăn cơm chưa?” Nhưng làm thế nào cho con bé dại dột nầy hiểu rằng, không cơm thì chết đã đành, mà có cơm, lắm khi cũng chết. Vả, Á Lìl không cả quyết ăn vì thèm nữa, mà ăn để trả thù sự chết đói của cả nhà nó, thì làm sao mà thuyết phục nó được. Có lẽ nó đang nhìn cơm, mà nói thầm: “Ừ, ngày xưa, cha mẹ tao không có mầy nên chết, bây giờ gặp mầy đây, tao có dung tha đâu! Tao ăn cho sống dai, mặc kệ lũ nó bày điều, đặt chuyện”.

Biết nói làm sao cũng không xong, tôi xách gàu-mên mà đi; sau lưng tôi, Á Lìl chửi rủa om sòm bằng tiếng Tàu. Nếu nó mà rượt theo được, chắc nó một mất, một còn với tôi, để cướp cơm lại.

Chiều hôm ấy, tôi trốn luôn, đến sáng ngày hôm sau mới dám chống gậy qua trại III. Á Lìl vắng mặt trên giường. Thấy tôi ngơ ngác tìm quanh, một bà lão vừa ho sù sụ, vừa nói:
– Nó chết đêm rồi thầy à, hồi năm giờ sáng, người ta đã khiêng nó xuống nhà xác.
– Trời ơi! Sao lại chết? Tôi giậm chân mà hỏi câu ngớ ngẩn ấy.
Người khán hộ ở đâu sau lưng tôi đáp hộ bà lão:
– Chảy máu ruột!
– Sao lại chảy máu ruột?
– Vì ăn!
– Trời ơi!

Bà lão ho, rồi lại nói:
– Thầy giựt cơm của nó mà trốn đi, thì chiều lại, người nhà nó đem cơm vô nữa. Nó ăn xong, tối lại kêu đau bụng, vằn vật tới khuya mới chết.
– Sao bà không mời bác sĩ dùm nó?
– Có, tôi có cho bà xơ hay, bả có kêu thầy đây.
Bà chỉ vào thầy khán hộ, thầy ta lắc đầu thở ra và giải thích:
– Tôi có tiêm thuốc cho nó, nhưng không gọi bác sĩ…
– Sao vậy?
– Vô ích. Chỉ có sang máu mới có một chút xíu hy vọng cứu nó. Nhưng ai sẽ cho máu nó? Còn thuê người để lấy máu thì tiền đâu?

Là con trai, tôi không khóc được. Nhưng lòng tôi đã tơi bời như áo mục phơi dưới gió to. Đứng tần ngần giây lâu, tôi hỏi bà lão:
– Nó có nói gì hay không bà, lúc nó hấp hối?
– Có. Nó có kêu thầy…
– Kêu tôi? Có nhắn gì hay không?
- Nó kêu khóc rằng: “Thầy hai ơi, té ra, quả thật không cơm cũng chết, mà ăn cơm cũng chết. Ngóa nghèo dốt, biết đâu. Trước kia tía má của ngóa nghèo nên không ăn cơm, ngày nay ngóa nghèo nên không biết, hai lần đều chết. Thầy hai ơi, ở lại mạnh giỏi nhá!”

Tôi không còn là con trai nữa, nhưng tôi không khóc tiếc thương một cô gái đẹp. Tôi chỉ khóc vì một gia đình sống không tên, không tuổi bị thảm kịch cơm làm tuyệt nòi, chỉ còn một mống thôi.
Mống ấy trôi dạt đi xa ngàn dặm, qua cái xứ có cơm nhiều nầy, mà lại cũng không thoát khỏi thảm kịch cơm.
Ngày nay, mỗi khi nghe một người Trung Hoa chào ai: “Ăn cơm chưa?”, tôi bâng khuâng nhớ lại mối tình yêu đầu và nao nao buồn thương mối tình đầu của tôi.-
======================================

Vài ghi chú ngn

Lời trối của A Lil (Ái Liên, Einlyn) về lối hành văn, có chút không tự nhiên nhưng cần thiết để tháo cái gút của câu chuyện. Ăn cháo trắng trước bữa cơm hoặc điểm của người Tàu có lẽ là nét "tiến hóa" để lại cho thấy một thời chỉ ăn cháo, sự khổ đã thành nét uy phong, giàu có không quên thuở hàn vi. Quảng Đông thì xực chúc; Tiều thì chiệt pôi để chỉ việc ăn cháo.
A Lil chết sớm không có dịp biết rằng đói vì thiên tai có thể cứu, nhưng đói vì chính trị thì vô phương cứu chữa. Như Ukraine kéo dài đến mấy năm, 4 triệu người chết từ 1936 khi Nga hủy sản xuất nông phẩm để trồng cây kỹ nghệ mà mẫu quốc đang cần; cách mạng văn hóa Tàu cũng đến mức ấy về thời gian và số người chết.
Ăn cơm chưa? (xực phàn mậy) tuơng đương với: How are you?, How do you do? Comment allez-vous? Comment ça-a? Bây giờ có lẽ thay bằng nị hảo ma? Nhưng dẫu sao câu hỏi thăm ấy là chứng tích một nước Tàu luôn bị ám ảnh bởi lương thực. VN không chào nhau như thế nhưng trong lối nói thông thường, món ăn cũng không thiếu vắng. Vừa đi vừa nói lầm thầm / bữa ni mười bốn mai rằm chè xôi. Xăn tay áo cuốn sáo dàn thờ, hai mắt ngó ôn mệ tay rờ dĩa xôi. Mày ăn cái gì mà ngu thế? Nhưng dùng ngôn ngữ để nói có và nhiều hay không và ít không rất tương đối. Trái với thiếu, nhiều sinh nhiều danh tự bao quanh. Vì thiếu nên không có danh từ liên hệ. Kinh Di Đà: Cực Lạc thế giới vô tam ác đạo chi danh, hà huống hữu thiệt. Không danh tự về ba đường dữ chứ đừng nói có thiệt; nhưng thật ra vì không có tội ác nên không có danh tự. Trong thời thượng hiện tại phải có chút sex, một nhà ngữ học nói xứ nào không có danh từ chỉ orgasme (thỏa mãn tuyệt đĩnh) thì phụ nữ xứ ấy không có orgasme.

VN nhiều lúa, cơm là món ăn chính thì vô số danh từ trực tiếp hay gián tiếp về việc nầy. Cơm khác gạo cho nên cơm tiếng tây riz cuit (gạo chín); nếp khác gạo; xôi (hông) còn khác với cơm nếp; thóc, lúa, tấm, cám, trấu; cái dần khác với cái sàn; chày vồ, chày đạp, cốm dẹp; rơm khác rạ; cả một cuốn từ điển, có thêm thời tiết liên hệ, cách canh tác, gào sòng, hò giã gạo, những thức ăn biến chế từ gạo. VN không có pomme nên phải dùng chữ bom cho apple; mà bom cũng từ chữ bombe nổ; không có beurre (butter) phải nói bơ, rồi dùng chữ nầy cho trái avocado. Vì vậy không thể nói ngôn ngữ nầy giàu hơn ngôn ngữ khác; chỉ giàu hơn nghèo hơn trong từng khía cạnh.

Thương hàn phần lớn do nước thiếu vệ sinh gây nhiễm trùng ruột non. Nước "máy" có pha chlorine đã giúp nhiều trong việc chống thương hàn. Ngày nay nó không hoành hành kinh khủng nhưng vẫn ngóc đầu đánh lén; đã có thuốc ngừa thuốc trị. Nhưng thức phẩm "bẩn" nhiều chất độc, nguy hại không kém, đâm lủng ruột không hay.
Tác giả nói mắc bệnh trước chiến tranh, có lẽ thế chiến hai. Chứ VN mình quá nhiều nên phải xác định. Lớp tám bó thì hay nói chiến tranh 1945, tản cư, không còn nhớ thất thủ kinh đô. Nhiều người lấy Mậu Thân làm mốc, người thì mùa hẻ đỏ lửa 1972, và đa số dùng chiến cuộc 1975. Bên trời tây, khi nói post war phải hiểu là sau thế chiến hai. Nhiều đấu (láo) sĩ ở Miền Nam đã vẽ một số đồ hình kinh tế, xã hội... cho thời "hậu chiến" nghĩa là khi chiến tranh quốc cộng chấm dứt. Người phía trên vĩ tuyến 17 không cần, vì đồ hình đã có sẵn 70 hay 80 năm, có khuôn in.
Sau chiến tranh 1945, anh chị em tôi tạm sống nhiều. Một hôm chừng 1948, dì tôi hớt hả lên Bến Ngự kéo tôi xuống nhà thương Huế để anh tôi thấy trước khi chết vì thương hàn, hiện nằm trong khu thí dãy Nguyễn Thiện Thuật. Anh tôi, như trong bài, đã thắng và sống đến 87 tuổi mới qua đời gần hai năm nay.
Qua đầu thập niên 1950, trong làn sóng trụ sinh, người ta thấy rộn rã tifomycine với công dụng trước tiên là thương hàn, tuy thuốc mới tinh luyện từ thuốc cũ từ một vị thuốc đã dùng là chlocamphenicol. BS Lê Tập, hiện ở San Jose, cho biết bệnh nầy vô cùng phức tạp, khi ruột đã thủng thì phải giải phẩu khâu vá; việc nhịn ăn gây nhiều biến chứng.
Thương hàn là vậy nhưng thương yêu có giết người hay không? Ai có kinh nghiệm xin đứa tay nói cho bà con nghe.

Bênh viện Trung Ương Huế những năm mới thành lập




Monday, August 10, 2020

xây dựng tương lai

giao thông tương lai tranh 1956 Klaus Burgel
ý thức xây dựng tương lai
Nick Montford The Questionable History of the Future  TTT dịch


Suốt bao nhiêu thế kỷ qua, song song với lịch sử diễn biến và trước khi có ý niệm về tiền sử, xã hội loài người, nói tổng quát, cứ tưởng mình có nguồn gốc linh thiêng, và tin tưởng rằng xưa nay con người vẫn sống như trong tình trạng hiện có. Chẳng mấy ai lo nghĩ về các sáng chế, phát minh, mậu dịch… Tất cả đều ưu lo, nghĩ đến các sức mạnh thiên nhiên chi phối cuộc sống như đe dọa tính mạng hay đem lại những vụ mùa tốt đẹp. Tuy xuất hiện dưới những hình thức khác nhau, thiên nhiên cùng các sức lực đi kèm được xem là thường hằng, vậy không có lý do gì tương lai lại khác với bây giờ.

Tiếp đến khi bản chất của con người – chứ không phải là thiên nhiên ngoại vật – trở thành đối tượng suy tư thì mọi người tin tưởng xã hội mang tính chất tĩnh, bất biến nhưng có khác là bản chất thường hằng của con người thay cho bản chất thường hằng của thiên nhiên.
Sử gia kiêm kinh tế gia Robert Heilbroner trích lời Machievel, thế kỷ 16 như sau: “Bất cứ ai muốn biết trước tương lai phải học hỏi nghiên cứu quá khứ, bởi vì những biến cố do người tạo giống như các biến cố trong quá khứ. Lý nguyên khởi là các việc nầy được tạo ra bởi những con người đã hay sẽ bị điều hướng bởi những đam mê giống nhau, cho nên nhất thiết phải có kết quả giống nhau”. Diễn dịch ý nghĩa nầy, kẻ nào muốn thấy trước tương lai phải nhìn vào lịch sử; nhưng lối xưa khác với ngày nay chúng ta nhìn quá khứ. Nay tìm trong quá khứ hạt giống nào đã đưa đến hiện tại và nhờ đó xem chừng tương lai. Xưa thì chỉ dùng để chứng minh người trước người sau đều giống nhau trong mọi cách về khía cạnh lịch sử.

Hiện nay chúng ta vẫn còn quan niệm rằng các nhà tiên tri đã thấy trước, người xưa chẳng quan tâm đến việc tìm hiểu hay xây dựng tương lai. Hiện nay, phim ảnh, sách báo khai thác mọi thứ tiên tri nhưng kỳ thực quý vị “thấy trước” nầy không đưa ra một viễn tượng, phát họa xã hội tương lai.
Do đó, trước khi đưa ra cái nhìn tiên liệu về tương lai, trước khi “làm tương lai”, chúng ta phải xem hai chữ tương lai ngày nay được quan niệm thế nào.

Image result for Plato vs AristotleĐể có quan niệm về tương lai trên phương diện văn hóa, chúng ta hãy đối chiếu tương phản một bên là sự bất biến ứ đọng và một bên là tiến hóa luân lưu. Thi sĩ cổ đại Hy Lạp Hesiod, đi từ quan niệm ứ đọng thường hằng, đã mô tả dân chúng cùng thời nằm trong giai đoạn cuối của sự suy bại, là giống người “sắt”, một chủng loại thấp nhất của loài người. Trong lúc ấy, vẫn có những cái nhìn chu kỳ liên quan đến thịnh suy, nhưng trong trường hạn vẫn nằm trong quan niệm ứ đọng bất biến. Bước nhảy từ tĩnh qua động đã tạo cơ hội phát triển quan niệm mọi thành viên trong một xã hội có thể chung sức tạo ra một tương lai cho cộng đồng tương sinh.

Thời cổ điển đã ghi nhận bốn mùa thay đổi hằng năm; năm nầy mùa đông lạnh hơn, năm kia ấm hơn; năm nầy được mùa, năm kia thất mùa. Tuy vậy, ai cũng tin rằng thế giới, tổng quát, ở trong thể tĩnh, đôi khi xáo trộn chút ít vì các cuộc tương tranh hay thiên tai. Không có một ý niệm văn hóa cho rằng xã hội đang được cải thiện triệt để hay suy bại hoàn toàn, không có một ý niệm về tiến bộ.

Có thể vì đã thấy bốn mùa thay đổi và thiên tai mà hai cột trụ triết học Hy Lạp nói rằng xã hội có tính cách chu kỳ. Trong cuốn Luật Pháp của Platon và cuốn Chính Trị của Aristote, xã hội loài người tiến từ đơn vị gia đình theo những dạng thức khác nhau đến chánh quyền-thị xã (city-state), một sự thể hiện chính trị giúp con người phát triển đến mức tốt đẹp. Tuy vậy, thực trạng nầy không ươm một chút giống tiến bộ, vì lý thuyết của nhị vị cho rằng hình thức chính quyền đương thời là hệ thống tốt đẹp nhất.

Platon có chỗ mâu thuẩn, vì trong tuyển tập Nền Cộng Hòa ông theo lối viết vô tưởng đã phát họa một xã hội vô vàng tốt đẹp hơn xã hội trước mắt. Platon đã không biết, không ngờ rằng không có một xã hội nào “miễn nhiễm” bệnh suy sụp và tiếp tục thường xuyên cố sức bình phục.

See the source imageTriết gia chính yếu xưa cổ đầu tiên bát bỏ quan niệm chu kỳ và thay thế bằng quan niệm đường thẳng là Saint Augustine. Quan niệm chu kỳ khó lòng dung hợp với Thiên Chúa Giáo. Theo ông thánh nầy, Jesus xuống trần và phục sinh là những biến cố hiếm hoi, có một không hai. Nhiều nhà tư tưởng TCG thời ấy chủ trương rằng hai biến cố nầy nằm trong một chu kỳ xẩy ra bất tận. Nhưng sau rốt, tín lý ấy bị kết án là tà thuyết, để quan điểm của Saint Augustine thắng thế.
Mặc dù hai biến cố nầy là duy nhất theo quan điểm TCG đưa đến sự chuộc tội và cải thiện (cá nhân tín đồ), chúng ta không tìm thấy một quan niệm nào về sự tiến bộ trần gian địa giới đi chung với quan niệm thiện hóa tinh thần của Saint Augustine.

Khái niệm cho rằng các điều kiện xã hội của chúng ta được cải thiện xuất phát từ trào lưu tư tưởng “Ánh Sáng” thế kỷ 18.
Các quan niệm của thời Ánh Sáng được phát triển trong thể ký nầy song hành với các thành quả khoa học “khó tin”, bắt đầu với Copernic trong thiên văn học. Những khám phá của ông, của Galilee và Kepler, nêu lên một tương quan mới đối với vũ trụ. Trong mối tương quan nầy, trái đất cũng như loài người không phải là trung tâm, trọng điểm.

Image result for copernicusCông trình của các nhà khoa học nầy và của Newton đồng thời chứng minh rằng các cố gắng của nhiều người sẽ quy tụ vào nhau để tạo ra những mô thức mới và mạnh mẽ hữu ích áp dụng cho cả thế giới, cũng như cùng nhau suy nghiệm cách thức thế giới sinh hoạt. Rõ ràng phương pháp khoa học trở thành một phương tiện thiết yếu để tìm hiểu thế giới. Ngày nay có thêm nhiều phát minh nữa, nhiều tiến bộ mới càng làm cho chúng ta thấy rằng thế kỷ Ánh Sáng không giống như những thế kỷ trước.

Nhiều tác giả Ánh Sáng bắt đầu khai triển những ý niệm riêng biệt về tiến bộ. Ví dụ, kinh tế gia Adam Smith. Mặc dầu chưa thấy rõ con đường tiến bộ chính xác, ông đã mô tả cách thức các nền kinh tế cải thiện tốt đẹp, dưới sự hướng dẫn của “bàn tay vô hình” của thị trường tự do. Thế kỷ 19 cung cấp thêm hai nhà tư tưởng xem lịch sử như một tiến trình đến chỗ tốt đẹp nhờ sức đối khán. Georg Hegel đưa ra ý niệm phát triển ý thức hệ xuyên qua xung đột giữa các quốc gia. Người thứ hai là Karl Marx tiên liệu sự hưng phát của chủ nghĩa tư bản và tiên liệu chủ nghĩa cộng sản ra đời xuyên qua xung đột lịch sử. Smith và Marx không đồng ý với nhau cách thức tiến bộ xã hội và lịch sử xẩy ra cũng như nội dung của vấn đề cải thiện xã hội. Những phân tích tư tưởng thế kỷ 18 cho thấy quan niệm ứ đọng xã hội bất biến qua thời gian đã được thay bằng quan niệm tiến bộ tương lai.
Image result for adam smith economist
Vẫn còn thấy trong hào quan của hai thế kỷ 18 và 19, nhiều trào lưu tư tưởng không chấp nhận lời xác định rằng xã hội đã tiến bộ thực sự. Một mặt đem lại những tiện ích y tế, đời sống sung mãn, thế kỷ 20 đã chứng kiến quá nhiều những vụ diệt chủng và chiến tranh ở mức độ chưa từng có trong lịch sử nhân loại.

Ngày nay thế kỷ 21, dân số quả đất đông, nhiều hơn bao giờ hết; con người sống trên hành tinh nầy ngày ngày trực diện các tai ương mà người có trí khôn đều thấy do con người thúc đẩy tạo nên. Những ai suy nghĩ sâu sắc không còn ôm giữ trong lòng sự lạc quan của thế kỷ Ánh Sáng.

Chúng ta có tự do đặt các câu hỏi. Phải chăng xã hội nằm trong tình trạng ứ đọng thường tồn, chúng ta là con cái hậu duệ của các thần linh được đặt trong một thế giới bất di bất dịch, trong lồng vàng? Có thể chăng sự thể thay đổi trong niềm hy vọng tốt đẹp hơn?

Chúng ta xin được phép từ bỏ óc lạc quan triết lý của thời quá khứ như là: *các khám phá khoa học sẽ tự động đưa đến tiến bộ như ý * kinh tế thị trường tự do sẽ tự thân cải thiện * các xung đột ý thức hệ và giai cấp sẽ đưa đến các xã hội tốt đẹp.
Một khi nhận thấy tương lai có thể khác như thế kỷ Ánh Sáng đã sơ phát, chúng ta có thể suy nghĩ cách thức xây dựng tương lai và nghĩ về các mô thức sẽ áp dụng. Chúng ta có thể khởi sự từ nền móng tin tưởng rằng cải thiện xã hội tương lai là một khả thể không xa vời. (Paris Review 2018 Jan 25)


Ghi chú ca người dch
Plato / Platon. Hai ngôn ngữ tôi có dịp mò quanh bìa mép rìa, Anh và Pháp, có cách viết riêng cho các tên ngoại quốc. Không biết mẫu tự Hy Lạp ra mần răng mà ông Tây thì viết Platon / ông Anh viết Plato. Ai cũng biết VN đi vào văn học thế giới qua cánh cửa có cờ tam tài xanh trắng đỏ (ngoài ngã Tàu) cho nên lối gọi tên theo Pháp vẫn thịnh hành, đã quen dễ hiểu. Những vị biết hai nền văn học nầy ở VN vẫn giảng dạy các danh từ riêng theo lối xưa; ít nhất cho đến ngày cuối VNCH. Do đó kẻ lạc hậu là tôi vẫn đi con đường ấy. Copernic / Copernicus - Varsovie / Warsaw. 

Renault Floride 1961
Annonce RENAULT FLORIDE d'occasionThật tình con đường xưa "em đi" có chút thay đổi. Đã lâu miền Nam không nói Floride, Californie như Tây mà dùng đúng theo gốc. Người Tây đã làm kỹ nghệ xe hơi lên cơn sốt với chiếc xe Renault kiểu Floride, mui trần như đi tắm biển Florida. Lâu lắm không nghe ai nói Ba Lê thay Paris; Hương Cảng / Hongkong; Hoa Lệ Ước / Hollywood; lại không nghe những tên phiên âm Tàu khá kỳ dị Mạnh Đức Tư Cưu, Montesqieu, Lỗ Bật Kiến Nhi Đề, Robert Kennedy. Ngôn ngữ là quy ước nhưng cũng mang dấu tích thời đại; ngôn ngữ có thể dùng như sử liệu.
.
City-state, chúng tôi dịch ý là chánh quyền-thành phố không chính xác vì danh từ nầy rất đặc biệt. Người Tàu dịch là thành-quốc, có dấu ngang. Cité-État. Cho dông dài thì hiểu là các thành phố có uy quyền cai trị như một quốc gia. Cho rõ hơn, state hay état chưa hẳn là một quốc gia (nation) nó mang nghĩa chính quyền, "nhà nước" trong XHCN. Vào thời Platon, city-state là một khu vực có thẩm quyền tự quyết, là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế. Athens là một ví dụ. Thời ấy Hy Lạp về hình thức giống như các tiểu quốc của Tàu nhưng không có ông vua trung ương làm vì, họ không mắc bệnh đánh nhau như thời Chiến Quốc Xuân Thu. Nhiều hình thức city-state xuất hiện ở Âu Châu thời Phục Hưng. Các tiểu bang tự trị ở các liên bang Mỹ, Đức... hiện nay không được rộng tay như thời xưa vì bên trên có hiến pháp với những điều địa phương phải tôn trọng như cấm đa thê, không có quyền ngoại giao. Biểu lộ tính cách độc lập nhiều nhất của thời Hy Lạp là các city-state hiện nay như Monaco và Vatican, những ốc đảo trên một lãnh thổ khác. Trước kia, Singapour là một colony người Tàu sống riêng trên bán đảo Mã Lai như một city-state. Sau đó Singapour, Mã Lai, Borneo và Sarawak 1963 thành lập Federation of Malaysia chết yểu, chết non khi hai tuổi. 1965 Singapour thành một quốc gia như các nước khác ở Á Châu.

===========================================

Image may contain: one or more people, people standing, sky and outdoor
nữ sinh Đồng Khánh Huế, trước 1975

=====================================