add this

Sunday, April 30, 2023

Nhỡ Trump thắng 2024


Đức lo nhỡ Trump thắng

Der Spiegel 28.4.2023 . TTT lược dịch

Trông ra hình như vị tổng thống thứ 45 của Mỹ bị ám ảnh bởi nước Đức, quê xưa của nội tổ, nhưng không theo lối tích cực. Ông thường xem Đức là kẻ thù lớn nhất của Mỹ. Trong phiên họp với lãnh tụ Liên Âu tại Brussel 2017 về thặng dư mậu dịch, ông không ngần ngại bày tỏ ý kiến: “Đức quốc tệ, tệ, tệ lắm. Đức đổ dồn vào Mỹ hằng triệu chiếc xe hơi. Phải chấm dứt”. Lần nầy qua lần nọ, ông nói với thế giới rằng Đức bám gấu váy của Mỹ, là một nước không tin được, hoàn toàn do Nga kiểm soát. Ông nói: chúng tôi lo bảo vệ Đức khỏi nguy cơ của Nga để Đức chuyển qua Nga tỷ nầy qua tỷ nọ.

Berlin và Brussel thấy nhẹ người khi Joe Biden hất Trump khỏi cuộc chạy đua năm 2020 vì đang lo mối liên hệ Âu Mỹ (liên Đại Tây Dương) sẽ tiêu ma trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump.

Nhưng nay nguy cơ ấy có thể xẩy ra.

Theo dự đoán khá tin được, chỉ có hai đối thủ xưa là Biden và Trump trong cuộc tỷ thí sắp đến. Trump trẻ hơn và năng động hơn. Cơ may thắng cử không xê dịch nhiều. Các nhà chính trị trông xa đã khuyến cáo Nato, Liên Âu và Đức chuẫn bị nhỡ khi Trump chiếm White Houe lần thứ hai, vì Trump không mấy thiện cảm với Nato, Liên Âu và Đức Quốc. Michael Link, phối hợp viên hợp tác Âu Mỹ trong chính phủ Đức cho rằng Trump trong nhiệm kỳ hai sẽ hung hãn hơn, khó đoán hơn so với nhiệm kỳ trước. Ông đã bắt đầu qua Mỹ nhiều lần hơn để vận động với các nhà lập pháp.

Agnieszka Brugger, đại diện Đảng Xanh trong quốc hội hoan nghênh sự chuẩn bị nầy vì Âu Châu cần hợp tác với cả Bắc và Nam Mỹ để cải tiến kỹ thuật, kỹ nghệ và an ninh. Nữ dân biểu nầy ngại chính sách mới của Mỹ sẽ nới lõng hợp tác liên Đại Tây Dương.

Đức tin rằng nhiệm kỳ thứ hai của Trump sẽ là một kịch bản hãi hùng cho đường lối bảo vệ khí hậu. Trump đã kéo HK ra khỏi thỏa ước khí hậu Paris, hủy bỏ nhiều chính sách bảo vệ môi sinh, cho phép các công ty khoan dầu và khí đốt ngoài khơi. Trump đã giảm thiểu quyền hạn của cơ quan bảo vệ môi sinh, EPA.

Tuy vậy, đối với Đức, mâu thuẫn nguy hại nằm trong mậu dịch. Vào năm thứ hai tại White House, Trump đã mở cuộc chiến; ông nói: nhập cảng thép và nhôm của Liên Âu là đe dọa an ninh quốc phòng HK và ông đã áp đặt 25% thuế nhập cảng hai sản phẩm nầy. Liên Âu đáp lễ bằng cách tăng thuế áo quần, whisky, xe bình bịch và bơ đậu phụng.

Lời lẽ đôi bên đã khá êm dịu trở lại khi Joe Biden cầm quyền. Nhưng thực chất không được bao nhiêu vì Joe Biden cũng chủ trương “American First”.

Biden đã dùng 370 tỷ phụ trợ các công ty sản xuất lợi cho môi sinh như xe chạy bằng điện, sản xuất điện lực bằng quạt gió v.v…nhưng hưởng lợi là các công ty nội địa của Mỹ. Trợ cấp tài chánh nầy đã khuyến dụ các công ty kỹ thuật xanh Âu châu dọn nhà qua Mỹ làm ăn. Nay nếu Trump trúng cử, ông sẽ đẩy mạnh chính sách bảo vệ hàng nội địa của HK.

Thị trường tài chánh quốc tế, trái lại, rất điềm nhiên, vì họ đã quen hưởng lợi những chính sách gọi là vụng về của Trump như ép buộc cơ quan độc lập là US Federal Reserve hạ lãi suất.

Nhiều chuyên gia ngoại giao kêu gọi dân chúng không nên quá lo nghĩ về cuộc bầu cử Mỹ sắp tới. Trái lại là một điềm lành. Sergey Lagodinsky, ủy viên trong Hội Đồng Liên Âu nói rằng "Nhiệm kỳ thứ hai của Trump sẽ thúc dục chúng ta củng cố nền tự trị chính trị của Liên Âu”.

Michael Roth, chủ tịch ủy ban đối ngoại quốc hội Đức kêu gọi nước của ông phải làm sao tự giữ vững an ninh của Âu Châu dù tổng thống Mỹ là Biden, là Trump là ông nầy ông kia. Đức phải tiếp tục cố gắng nầy như đã dành 2% tổng sản lượng quốc gia để củng cố kỹ nghệ quốc phòng và gia tăng khả năng chiến lược của Âu Châu.

Marie-Agnes Strack, chủ tịch ủy ban quốc phòng quốc hội tự hỏi vì sao phải điên rồ quýnh quáng trước sự thay đổi nhân sự White House.

Thực tế thì Âu Châu đã không làm gì nhiều cho sự tự túc vừa nêu. Các quốc gia Âu Châu đồng thanh ủng hộ mục tiêu toàn diện về nền tự túc tự trị chiến lược mà TT Pháp Macron nhiều lần nhấn mạnh. Nhưng các hội viên Liên Âu không hiểu chung một nghĩa.

Các quốc gia Đông Âu, trên hết là Ba Lan và ba xứ Baltic, phản đối vai trò quân sự của Liên Âu ngày một mạnh thêm. Những nước nầy muốn kéo HK dính líu vào lục địa nầy để nhẹ bớt gánh nặng cho địa phương. Ngược lại Macron muốn Âu Châu đóng vai độc lập trên sân khấu thế giới về quân sự. Berlin thì đứng ở giữa. Mâu thuẫn nầy sẽ bùng nổ một khi Trump thành tổng thống lần thứ hai.

Việc Trump trở lui White House sẽ bất lợi cho Ukraine.

Trong các lần phỏng vấn mấy tuần qua, Trump đã tỏ ra bất động đối với việc Nga vi phạm luật quốc tế và không một chút thiện cảm với dân tộc thống khổ Ukraine. Ông nói rằng nếu tái cử, ông sẽ giải quyết vụ Ukraine trong vòng 24 giờ. Nếu ông có quyền quyết định như vậy thì Putin sẽ được phép chiếm giữ nhiều phần đất của Ukraine. Trump không một lời tốt đẹp ngắn nào cho Zelensky, có lẽ vì tổng thống Ukraine không thỏa mãn yêu cầu của Trump điều tra công ty nhiên liệu Burisma nơi Hunter Biden làm việc và đầu tư.

Hiện nay Liên Âu tiếp tục quân viện Ukraine và đã hứa cung cấp một triệu quả đạn đại bác và các quân dụng khác. Nhưng tuần qua (giữa tháng 04, 2023), bộ trưởng ngoại giao U vẫn than phiền Liên Âu không viện trợ đủ làm cho nhiều người thiệt mạng”.

Nếu Trump loại Biden khỏi cuộc đua, lời kêu gọi của bà ngoại trưởng sẽ thống thiết hơn. Trump theo chủ trương cô lập, HK sẽ tách khỏi các tương tranh giữa các quốc gia bên ngoài và đầu tư vào nền kinh tế nội địa. Đây chỉ là vấn đề kinh tế, không lý thuyết ý thực hệ v.v…Các dân biểu thân Trump đã thông qua nghị quyết yêu cầu chấm dứt viện trợ tài chánh và quân sự cho Ukraine. Nghị quyết nầy mở đầu một con đường mới trong chính sách Ukraine của HK.

Trở về bộ ngoại giao Đức, chiến thắng của Trump sẽ gây nhiều biến động cho sự nghiệp  của Annalena Baerbock. Bà ngoại trưởng sẽ không còn đồng nghiệp Mỹ thân ái Antony Blinken cùng chia sẻ những chính sách vì tư tưởng hơn là kinh tế, khác với tỷ phú Donald. Bà đã bắt đầu kế hoạch thích ứng hóa, đã yêu cầu đại sứ Đức ở Mỹ và một số chuyên gia khác tiếp xúc với các nhà lập pháp và các chính trị gia bảo thủ ủng hộ đảng Cộng Hòa.

Năm 2016, chính phủ Đức tin chắc Hillary Clinton sẽ làm TT nên không thèm liên lạc với ban tham mưu của Trump; sau đó quá trễ, không thể tạo dựng mối liên hệ tốt đẹp.

Với kinh nghiệm ấy, bà Baerbock đã chỉ thị thuộc cấp khai thác những điểm tương đồng với đảng CH như chủ trương xe hơi chạy điện. Từ khi Elon Musk làm ra xe Tesla, vấn đề không chỉ ở bên tả phái, đối nghịch với đảng CH. Phương pháp của Baerbock là vây quanh Trump bằng những cận thần thân Đức.-

==============================================

Chợ xưa

==============================



Friday, April 28, 2023

 

căn nhà định chuẩn
Tôn Tht Tuệ

{ 2013 sau đúng 35 năm, tôi vui mừng gặp lại trên internet vị chỉ huy cũ và các đồng nghiệp trong Viện Quốc Gia Định Chuẩn, (VQGĐC, VĐC, ĐC). VĐC, cái tên khá lạ, vì chuẩn là chuyện khá lạ ở VN. Chuẩn lớn lên cùng, và hổ trợ, nền kỹ nghệ, kể cả sản xuất nông nghiệp. Ông Phí Minh Tâm tiến sĩ hóa học tốt nghiệp M.I.T. Mỹ, đã đưa đơn vị nhỏ nầy trong Bộ Kinh Tế thành một cơ quan khoa học độc lập. VĐC có phòng thí nghiệm trong khu kỹ nghệ Biên Hòa và văn phòng gần Phủ Tổng Thống. Viện thuê dụng nhiều chuyên viên tốt nghiệp Âu Châu Mỹ Châu và Úc Châu hoặc các người có bằng cao học (sau cử nhân) trừ ra tôi, biết đọc biết viết. VĐC đang trên đà phát triền thì chung với cả nước hạ màn và chưa biết bao giờ làm lại. Bài viết dưới đây là một ghi ký, không hư cấu và là một email gởi anh Tâm cùng gia đình ĐC]. 

Hôm tôi đứng trên lầu của Định Chuẩn (ĐC), bên dưới người ta kéo nhau đến gốc những cây sao. Họ đổ cát ra khỏi bao để lấy những bao nylon xanh rêu.  Chiến tranh hết rồi, lấy chi những bao ấy, phòng thủ cho ai. Mà hỏi các anh vì sao có những bao cát ấy, rất nhiều.

Thì ra khán đài giữa đại lộ Thống Nhất và Pasteur, ở trên đó có ‘bác’ Tôn vừa đọc diễn văn vừa xịt thuốc suyển vào cổ họng, khán đài ấy là một hầm trú ẩn lộ thiên, phòng khi hữu sự, just in case. Người CS không mộng mơ như Karl Marx mơ một xã hội vô tưởng. Mấy hôm trước đó, nhiều chú lính dùng máy dò mìn, và cúi xuống đào những cây đinh sét khi có tiếng o o. Cẩn tất vô ưu. Mặt khác người CS cũng không mơ mộng khi họ cho kéo những nhà vệ sinh lưu động gần khán đài đó với những ghi chú như: nhà đái gái.

Chừng hai tuần sau, tôi giao chìa khóa tủ hồ sơ cho anh Nỡ quân quản để đi cải tạo.

Nghĩ lại bên cạnh những ưu ái của con người như các anh dành cho tôi, thiên nhiên cũng ưu ái cho tôi. Tôi bắt đầu sống ở Saigon và hết ở Saigon với những hàng cây me xanh, cây sao im mát. 1962 tôi từ Huế vào Saigon học bên đường Alexandre de Rhodes, cạnh Bộ Ngoại Giao, mỗi chiều nghe tiếng quân hành của Đại Đội Danh Dự đi từ phía sở thú vào dinh Độc Lập làm lễ hạ cờ. Và tôi cũng lìa Saigon từ những cây me che mát Viện Quốc Gia Định Chuẩn trên con đường Hàn Thuyên. Và nghiệp văn chương cũng vương vấn từ ngàn kiếp trước nơi hai con đường mang tên hai con người của văn học, Đắc Lộ và Hàn Thuyên, cả hai đối xứng qua đại lộ Thống Nhất và gần phủ đầu rồng. Từ khi đến và khi đi nằm trong con số kỳ dị mười ba năm.

Từ văn phòng Viện, tôi lửng thửng ra phía Tự Do nơi Bộ Xã Hội; tựa lưng vách tường nhìn ra công viên quanh nhà thờ. Quả là một chợ người. Tôi nói chợ người, không phải chợ bán đồng hồ không người lái. Ở đó có những người cai như cai mộ phu làm đồn điền. Họ đứng ra nhận ghi danh những nhóm như viết phim, viết báo, ca sĩ trình diễn, hoạt động đoàn thể. Nói mộ phu cũng không quá vì những danh sách ấy dùng cho các lớp cải tạo, cải huấn. Vui nhất tôi thấy bà Nguyễn Phước Đại, tròn mập như đòn bánh tét, cắt đầu cắt đuôi. Nữ luật sư ấy chơi một bộ bà ba màu nâu, trông chẳng giống ai. Một cô gái quê vừa ra khỏi đồng lầy chơi cái mini jupe sẽ đi đứng không tự nhiên như bà Đại mặc áo quần quê vẫn lộng cộng khôi hài. Quả tình là một thứ hành hạ bản thân, trước một thần linh không hồn.

Thế rồi tôi không còn nơi hàng cây xanh, nơi trước kia có những chiếc xe đẩy bán dừa xiêm hay những ly chanh đường. Đến với ĐC sau chín năm vô bổ trong ngành hành chánh, tôi còn thích những hàng cây xanh mát ấy. Sau nầy chúng gây cho tôi nét nửa chua cay, nửa nên thơ dành cho cô vợ:
              này cô bé ngày xưa em đi học,
              áo em xanh em trả hàng me xanh lá,
              ly mía ngọt ngày xưa em uống
              nay đắng nhiều với những ngày còn sót lại với đời ta.
                                                                     

Thật vậy, tôi ngồi sau thùng xe như chở heo, bên cạnh những thứ gì còn lại. Vâng, tôi ngồi như ngày ngồi trên xe đi tù, không biết xe chạy đi đâu ban đêm nhưng qua khe hở cũng biết cách mạng cho "đi xem" Bến Bạch Đằng, khu Nguyễn Huệ đến mấy vòng mà mồ hôi và hơi người đã xông lên. Anh tài xế lần nầy chạy qua đường Tự Do và tôi cố gắng nhìn lại con đường đến VĐC, à, tôi thấy một người quen, e rằng đó là chàng Ninh. Nhà tôi ngồi phía trước trên ghế danh dự. Chúng tôi từ giả căn nhà gần Chợ Cá Trần Quốc Toản để hồi hương tại Long Thành.

Tôi muốn vong ân như một thứ thời thượng của lòng người đảo điên nên nói một cách xách mé rằng ông giám đốc Kiệt trả ơn tôi mang giúp cây Garand nặng nề qua bãi cát trưa nóng tại Vũng Tàu khi đi học làm cách mạng hành chánh. Ông trả ơn bằng cách giúp tôi về VĐC. Nói chơi, nói láo chơi.

Nếu anh Kiệt sợ bãi cát nắng ấy một, tôi còn sợ gấp ngàn lần. Tướng Khánh đã vỗ vai tôi nói thân mật, tôi không hiểu ý định của ông; ông nói ông sẽ bỏ ra hằng tỷ đô la để xây dựng nông thôn. Sau đó có chuyện xây dựng nông thôn và áo đen và Phạm Duy cũng mặc bà ba đen, trong chuổi dài những lần thay áo của nhạc sĩ tài ba nầy như con tắc kè đổi màu. Và chính sách ấy đã tạo nên trung tâm nầy. Khi tôi đến, chỗ nầy không còn sung mãn một thời vì viện trợ Mỹ không còn nữa và chuyển qua hệ thống hành chánh VN.

Vài nhân vật khi nhận bộ đồng phục đen, phải đem ngâm đủ thứ cho nó cũ, cho nó phai màu cho có vẽ cách mạng. Rất tiếc họ quên ghi bản quyền nên các hãng áo quần Mỹ bắt chước làm phai màu và xé rách các ống quần jean với giá cao hơn cái mới. Trung tâm giữ thẻ căn cước của cán bộ và cho mượn lại để đi phép với đơn xin. Phép thường niên phải có lý do như cha chết v.v... Khi một cán bộ bị sa thải, người ấy được chở giao cho tiểu khu Vũng Tàu để nhập ngũ. Những khắc nghiệt không áp dụng cho tôi, nhưng bầu không khí ngột ngạt. Lại xuất hiện ban văn công mà nhạc sáng tác không khác gì đài Hà Nội. Bây giờ web Nhạc Của Tui xếp những bản của Viết Chung và Nguyễn Tùng vào loại nhạc cách mạng của CS; cháy nhà mới ra mặt ai là ai.

Về ĐC thì không có nha lại, cạo giấy. Tôi biết là tôi đã đi lầm đường vào hành chánh nhưng ở thế bắt buộc còn hơn suốt ngày lên mặt dạy đời của trường sư phạm. Tôi hy vọng còn một năm nữa với ĐC để đủ mười năm đáp lễ quỷ thần sau cái hợp đồng nhận học bỗng của trường. Điều tôi vui đầu tiên là không có cảnh: bản sao kính gởi ông Tỉnh Trưởng "để kính tường" và bản sao gởi Trưởng Ty  "để tường" vì thằng trưởng ty địa phương thấp hơn mình không đáng dành cho chữ kính. Tôi không gặp cảnh phải cho nhân viên đánh máy lại vì: tham chiếu qúi văn thư thiếu lễ độ cho nên phải viết: tham chiếu văn thư của Qúi Bộ. Tôi thừa biết bên ngoài chiến tranh gia tăng thay vì phi mã mà là phi tiển cho nên người ta lấy những văn thư bằng giấy để chống đạn. Tôi đã bị báo cáo nặng nề khi thay đổi dấu phết trên một khẩu hiệu. Làm hết việc, không làm hết giờ thành làm hết việc không / làm hết giờ.


Image result for displaced persons
rời bỏ xóm làng vì chiến tranh

Tôi đã bị đuổi khỏi bộ Xã Hội vì sự khám phá của người khác là tôi đã làm thơ. Trong một tờ trình công tác tại Quảng Tín, tôi viết một cách rất tự nhiên những khốn khổ của đồng bào phải rời làng mạc mà Bộ phải cứu trợ. Tôi không nhớ đã viết thế nào. Còn nhớ vài đoạn: Khi trực thăng thả tôi xuống trên thửa ruộng sau mấy ngôi nhà gạch, một thanh niên đón tôi và đưa vào bằng ngã sau. Tiếng rồ của con chuồn chuồn sắt thay thế bằng tiếng của một bà lão và ba đứa cháu đi xin, họ không biết đây là ty của chính phủ. Ông trưởng ty nói: "thưa ông thanh tra, đừng lo, họ ở trên trại và tụi tui lo đủ hết rồi". Trời lạnh mưa phùn miền Trung. Tôi hỏi áo quần cứu trợ gởi cho ông đâu hết mà thế nầy? Trả lời: mấy chục bành nằm trong kho tỉnh để bà tỉnh trưởng đi ủy lạo, thăm cô nhi viện, thăm chùa, nhà thờ...Thưa ông Bộ Trưởng, tôi bó tay không thể nói lúc nào bà tỉnh đi phát, hơn nữa áo quần nầy không phải để cho cô nhi viện, chùa, nhà thờ; thưa ông Bộ Trưởng, tôi về Saigon mang cho Bộ lời nhắn của ông trưởng ty rằng nơi quận ấy, xã ấy có mấy chục ngôi nhà xây bằng vật liệu bộ gởi; ông tỉnh trưởng cho biết địch tập trung trong khu vực, tiểu khu không thể bảo đảm an ninh cho tôi đi xem thực hư. Tôi mang thông điệp nầy như người đưa thư, và ai cũng biết người đưa thư không trách nhiệm về nội dung của phong thư, có khi là bức thư tình, có khi là lời hăm dọa tống tiền...

Ông bộ trưởng nói ai đọc tờ trình đều nói là thơ. Thì ra tôi đã là thi sĩ chứ gì; poète malgré lui, poet against one's will. Về ĐC, tôi không làm thơ tuy ở trong vùng cây mát, trong Viện lại có rất nhiều giai nhân tuyệt sắc. Khung cảnh thì gentleman hơn, lúc nào tôi cũng có cái khô mực màu mè, có cây kim hột trai giữ cho nó không lắc lư. Không hiểu có phải vì ảnh hưởng nghề nghiệp hay không, mà tôi nghĩ, ai ai cũng có một chuẩn mức trong giao tiếp; không quá tân thời mang về cùng bằng cấp Âu Mỹ; không quá câu nệ của một nền hành chánh quan cách.

Chỗ làm thì yên ổn như vậy, bên ngoài cũng yên ổn. Ấy cũng là lúc tôi về Saigon từ Vũng Tàu, và thường nghe Radio Catinat. Thực có giả có. Lúc ấy đã có tin tướng Đồng Văn Khuyên cố vấn cho tướng Cao Văn Viên về một mô hình rút quân. Chỉ một tin như vậy đủ thấy sự thay đổi trầm trọng. Ông Viên, sinh ở Vạn Tượng, Lào, trước khi có sự oanh tạc thật sự bắc vĩ tuyến 17, chủ trương như Lý Thường Kiệt, lấy công làm thủ bằng cách đánh qua Tàu, tức là tấn công Bắc Việt ít nhất bằng máy bay. Nay thì ông tướng nghĩ khác. Ở một mức độ nhỏ hơn, nhiều người đã bán đồ đạt, và ngủ trên sàn nhà. Trong thời gian trên, tình cờ tôi gặp Robert Shaplen tại một tư gia người bạn cao niên. Nhà báo Mỹ nầy mời tôi một điếu xì gà nhỏ của Cuba. Ôi thật là ngon, tự nhiên có cảm tình với anh Râu Fidel, cảm tình chốc lác, xin nói rõ.

Robert Shaplen rất khôn ngoan. Ông nói rất gần đây, người Mỹ sẽ rời VN. Ông giải thích rất chi là khoa học. Ông chỉ vào bà chủ nhà đã hơn 50 và nói các bà nội trợ Mỹ đã quyết định như vậy; họ bỏ phiếu cho những người muốn rút lui và không viện trợ. Vì sao? Vì các ông chửi Mỹ quá; chính trị gia và đàn ông như tôi không hề hấn, nhưng các bà thì rất sensitive. Tôi làm ra như thích thú với lời giải thích bằng cách không nói đến chuyện Mỹ Tàu đã sắp xếp. Chủ nhà rất muốn tôi nói chuyện để mong ông ấy tiết lộ thêm. Phần tôi, tôi cũng háu thắng và nói 1964, tôi đã nói việc Mỹ bỏ VN trên tuần báo sinh viên. Tôi minh xác đây không phải là tiên tri thời cuộc mà đáp lời tuyên bố ở phi trường của luật sư Trần Văn Tuyên rằng thế giới Tự Do không bao giờ bỏ tiền đồn VN, tôi chỉ nói một khả thể (possibility) tự nhiên của chiến lược. (Mỉa mai thay, trước 30.4.75 không lâu, LS Tuyên cầm đầu một số dân biểu đòi Mỹ rút quân và ngưng viện trợ cho VNCH). Jay Hendon, trưởng phòng UPI, có vợ VN, đã công khai nghi tôi có ý gì khác; dễ hiểu vì lúc ấy đang có vụ Maddox. Robert Shaplen  mời tôi điếu xì gà thứ hai với câu khen ngợi (!?): ông là một viễn tượng gia (visionary).

A Di Đà Phật, ra đi mẹ có dặn lòng, chanh chua mua lấy, ngọt bòng chớ mua. Lời của Robert Shaplen quả là ngọt bòng, xin không dám nhận.
Tôi không có một viễn tượng nào mà chỉ có nỗi buồn hơi khó chịu, tôi không để ý vì cứ nghĩ nó tiếp tục những nỗi buồn từ nhỏ vào thời chiến tranh. Tôi không bán đồ đạt, vì chẳng có gì mà bán ngoài gần trăm cuốn sách cũ mua gần cái nhà tiêu, đối diện với Khai Trí trên đường Bonard. Lạm phát phi tiển đi lên cùng nhịp độ của chiến tranh vây hãm đời người; thời ấy ai cũng nhớ đến nhát dao nhập cảng bởi các học vị kinh tế tốt nghiệp Âu Mỹ: tội về ai, TVA, taxe de valeur augmentée, cho nên chẳng có tiền mua cái gì. Dân tiếp vụ nơi đường Nguyễn Du bán rất nhiều mì ăn liền nikka ramen mối mọt. Tiếc quá lúc ấy chưa có thi sĩ Nguyễn Đức Sơn dạy cho cái khôn ngoan của loài người: dòi một bên còn ta một bên khi ông ăn trái mận rụng cuối mùa.


Image result for bastos cigarette

Hương vị của điếu xì gà thoáng qua, nhường chỗ cho những điếu Bastos xanh, người anh em của những điếu Gaulois hay Gital tabac noir đem từ bên Maroc hai trăm năm nay. Anh Cảnh đánh máy cũng chơi thứ hạng nặng nầy nên trở thành đồng minh của tôi, phòng khi môi hở răng lạnh. Anh Cảnh cũng như bác Tường thỉnh thoảng hé mở vài ý nghĩ chính trị, nhưng cũng rất chuẩn mức, đúng là trong nhà định chuẩn.

Về ĐC tôi không còn cảnh chiều thứ bảy không tiền xe về thăm gia đình. Tôi đứng ở Rạch Dừa bên dãy quán bán thịt chó, nhìn những chiếc xe quay về Saigon mang theo những khuôn mặt nắng rám. Tôi cố nhìn thử có ai quen trên những xế hộp ấy, không phải để xin đi một đoạn đường mà thử biết mình nằm đâu trong cái danh giá xã hội. Chẳng một ma nào quen. Tốt nhất là vào ngân hàng Bà Sương đầu ngõ vào trung tâm, quẹt cái credit card vô hình mua lửa bao thuốc lá. Đại Tá Quách Huỳnh Hà, vừa quá vãng giữa 2010 để lại bài viết huynh đệ chi binh, ra Vũng Tàu thực hiện cuộc cách mạng hành chánh, đã lấy căn nhà gỗ ngoài thị xã, cho nên nhà tôi và các cháu phải về nhà ngoại ở Phú Lâm.

Cuộc cách mạng hành chánh ấy gồm những bài lý thuyết chính trị, những phương thức giản dị hóa hành chánh dành cho tất cả nhân viên cao cấp mà giảng viên là những cán bộ vừa được học hôm trước thế nào là một bưu điệp, một điện tín. Các ông thầy cách mạng nầy đã vào trung tâm theo thể thức tuyển mộ của Mỹ, nay qui vào thể lệ VNCH thì không cần một điều kiện bằng cấp. Một thông dịch viên nhìn vào nét chữ đánh máy không dấu "danh ca", nói với Mỹ người kia trước khi vào trung tâm là một famous singer; đương sự không nhận mình là famous singer mà là đánh cá đánh tôm. Một cuộc cách mạng trong chuổi dài cách mạng của nước mình.

Các vị như anh Kiệt của chúng ta phải mang theo mình cây Garand. Trong lúc ấy, cây súng nầy đã được thay thế trên chiến trường bằng cây M16. Garand chỉ dùng cho đội cơ bản thao diễn, trong lễ chào cờ hay đám ma. Còn mấy ông phó tỉnh học sau tôi thì đem cả samsonite bạc để xài ở Saigon sau khóa học. Trong dịp này tôi được giới thiệu với anh Kiệt. Và do đó có sự can thiệp của anh Tâm với tổng nha công vụ và bộ quốc phòng đưa tôi về VQGĐC. Và từ đó tôi có một khung cảnh làm việc khác hẳn từ nội dung đến hình thức với các nét sơ phát nói trên.

Thực tế nhất là lương bỗng rất hậu, tôi không bị giới hạn trong chỉ số đốc sự mà theo cơ quan tự trị. Xem lúa mới cho mượn tiền. Với "bồ lúa" kha khá, tôi mua được bát hụi và sang căn nhà xập xệ thuộc khu gia binh gần chợ cá Trần Quốc Toản. Mỗi khi mưa to thì ngập lụt đôi chút nhưng không quá tệ như những con đường Saigon của thời cách mạng đỏ. Tuy đóng khung trong 4 mét ngang 15 mét dọc, với cái nóng xế chiều thiêu đốt từ hướng tây, nó cũng đủ sức dung chứa một gia đình 5 người lớn nhỏ. Ông hàng xóm của tôi là Trịnh Cung, người gây ồn ào lời qua tiếng lại về Trịnh Công Sơn và là người bây giờ có cô hầu non ngang tuổi cháu ngoại. Cứ nhìn chuyện của ông họa sĩ nầy, ta có quyền nói đây là dương cơ đại địa, theo danh từ phong thủy.

Nhưng
"Thưa ông, đây là chồng tôi, mới được về hôm nay, xin ông vui lòng cho chồng tôi ở lại vài ngày". Tôi đi theo nhà tôi như đứa tớ dưới làng lên tỉnh giúp việc, qua nhà ông công an khu vực. Ông bất động như một thiền sư chìm sâu trong tam muội. Tôi nghĩ thầm nếu ông không gật đầu, thế nào tôi cũng phải ra chợ Nguyễn Tri Phương ngủ, chứ ở trong nhà thì trăm điều khốn khổ xẩy ra. Nhà tôi nhanh trí nói: Xin ông cho ở chừng ba ngày để sắp xếp đưa mẹ con tôi hồi hương, giao nhà cho chính quyền. Ông ta bật dậy như ai lấy kim chích đít: 'Được, lo sắp xếp mà đi đi nhe' ".
Căn nhà xập xệ nầy cũng giống như con trâu của một nông dân ngoài Bắc. Con trâu phải dâng hiến cho hợp tác xã, mong họ lấy cho mà đừng đấu tố chủ nhân, đừng xếp vào hàng địa chủ.

Vâng, tôi xin được an toàn, bỏ của lấy người như nông dân kia. Nhà tôi hứa giao cho chính quyền địa phương để cho tôi ra khỏi cải tạo. Người em sầu mộng của muôn đời, kẻ có đến Viện hai lần lãnh lương, cho nó cái tên căn nhà định chuẩn. Vâng, phụ nữ nhiều nhân tính hơn đám đàn ông ồn ào chúng tôi. Cánh cửa Hòn Ngọc Viễn Đông đã khép lại, "mãnh quần hồng hoen ố rượu rơi". Và trái mận của thi sĩ Nguyễn Đức Sơn, sâu đã ăn hết từ đầu chí cuối, ăn hết cả gốc cây.


Lương tâm nào?


Lương tâm và Lương tâm 

Tôn Thất Tuệ

Ngày Sept 9, 2020 thân hữu Vĩnh Ngạn chuyển tiếp email nguyên văn như sau và kèm theo bức ảnh nói trong bài thơ.

Vấn Đề Lương Tâm  

Bên nước Sudan có vùng nghèo đói,

Nhiều chuyện xảy ra, quá đỗi  kinh hoàng!

Một ngày kia, nơi bãi rác, gò hoang,

Có em bé, bị bỏ rơi khốn khổ, 

Đói khát gục đầu, em thoi thóp thở,

Sự sống còn, sắp tan biến như sương!

Ác nghiệt thay! Trong giây phút thảm thương,

Có con kên kên, từ đâu đáp tới. 

Đậu ngay sau lưng, hau hau chờ đợi,

Em ngã ra, nó rỉa thịt ngon lành!

Cùng lúc ấy, nhà nhiếp ảnh trứ danh,

Kevin Carter bất ngờ có mặt 

Anh thấy ngay, cảnh vô cùng bắt mắt

Ngàn năm một thuở, bố cục tuyệt vời!

Đưa máy ảnh lên, anh bấm liên hồi

Tay nghề cao, thu tấm hình tuyệt tác! 

Ý nghĩa bức tranh cực kỳ tàn ác,

Song nhờ nó, anh đoạt giải Pulitzer.

 “Kên kên rình mồi...” nổi tiếng bất ngờ,

Tên tuổi Kevin, lên đỉnh cao vinh dự! 

Nhưng... khách ngắm tranh nhiều người giận dữ,

Nguyền rủa Kevin, đã hành động sai lầm!...

Qúa tàn nhẫn, khi thấy cảnh thương tâm,

Mê chụp ảnh, không cứu nguy em bé!

Nghe phiền trách, anh âm thầm lặng lẽ,

Không thanh minh, chẳng tỏ thái độ nào.

Lời thế nhân... những tưởng sẽ quên mau,

Nào ai biết, lương tâm anh ân hận!


Kết quả bất ngờ, là... anh tự vẫn!

Chỉ ba tháng, sau khi lãnh giải Pulitzer!

33 tuổi đời, với di bút đơn sơ:

“Chuyện thật buồn, tôi vô cùng hối tiếc!”                               -

“Lương tâm phán xét” nào ai hay biết!

Nhiều khi khủng khiếp hơn án lịnh Tòa!

Trần Quốc Bảo. Richmond, Virginia

 quocbao_30@yahoo.com   Ngưng email

 

Mọi chi tiết trong bài của Trần Quốc Bảo đều không đúng sự thật tuy bức ảnh có thật. Chúng tôi vội vã mà nói rằng tác giả không có lương tâm khi dùng lương tâm dạy đời và phán xét người đời.

Quan trọng nhất TQB viết: Em ngã ra, nó rỉa thịt ngon lành! Sự thật em bé nầy đã được cứu trợ và sống khá lâu rất bình thường.



Điểm thứ hai: nhiếp ảnh gia tự tử không phải vì bức ảnh mà vì những bức bách trong đời sống và vì anh chứng kiến quá nhiều nỗi khổ đau, anh không thể chịu đưng được. Tương tự, Đặng Văn Âu kể chuyện người trong họ không bị liệt kê là địa chủ chứng kiến cảnh đấu tố ở Thanh Hóa quá khiếp sợ mà nhảy xuống giếng tự tử.

Bức hình nầy The New York Times đưa lên; NYT là một hãng thông tấn rộng lớn nhất, cho nên rất nhiều báo đăng cùng thời hay gần kề. Hằng vạn lá thư hỏi con bé (the girl) bây giờ ở đâu. Như vậy, ai cũng thấy con bé còn sống không như TQB nói chết. Độc giả hỏi con bé hiện ở đâu. NYT không trả lời. Sau đó nhiều ý kiến kết tội nhiếp ảnh gia không cứu bé. Lời buộc tôi vô căn cứ.

Vì chuổi hột quanh cổ ai cũng tưởng là con gái. Thật ra là con trai tên Kong Nyong. Năm 2011 người cha cho biết con trai của ông trong bức hình đã chết năm 2007 vì sốt thương hàn; như vậy tính từ 1993 là 14 năm. Người cha nói bé đã được cứu trợ bởi LHQ. Các nhiếp ảnh gia cho biết các bà mẹ đem con đến trạm thực phẩm và bỏ chúng tự do ngoài trời, các bà phải đi kiếm ăn thêm chỗ khác. Bức ảnh chụp rất gần trạm LHQ.

Một số ít độc giả và TQB cứ tưởng nhiếp ảnh gia chỉ lo chụp hình không để ý nguy cơ con kên kên giết đứa bé.

“Nhưng... khách ngắm tranh nhiều người giận dữ,

Nguyền rủa Kevin, đã hành động sai lầm!...

Quá tàn nhẫn, khi thấy cảnh thương tâm,

Mê chụp ảnh, không cứu nguy em bé!”


Kên kên không ăn con vật hay con người còn sống, không như diều hâu bắt gà sống, chuột sống, chim ưng bắt rắn trên sa mạc, cú bắt chuột. Kên kên thuộc loại ăn thịt thối (scavenger) phân biệt với loài bắt sống (predator).

Kên kên từng bầy ở Ấn Độ chờ bò chết, không bao giờ tấn công bò già yếu. Con kên kên sau đứa bé không tạo ra một nguy hiểm nào. Ấn rất cần kên kên để giải quyết bò linh thiên và xác người theo Zoroaster.

Nhiếp ảnh gia Kevin Carter người Nam Phi, con một gia đình (Roman) Catholic nhưng ông phản đối gia đình đã theo nhóm kỳ thị chủng tộc. Nhóm phản loạn Sudan đã không cho LHQ và các nước đến cứu đói để cho dân chết, bưng bít không cho báo chí vào. Kevin Carter cùng một người khác từ các quốc gia tương đối xa với cuộc tranh chấp tìm cách vào khu cấm. Những bức hình của hai người nầy đã cho thế giới thấy nguy cơ của nạn đói.

Những tấm ảnh chụp trong mạo hiểm với nguy cơ bị Sudan giết đã làm cho Kevin trúng giải; bức ảnh chú bé và con kên kên đang có ý kiến qua lại không thể dùng để quyết định giải.

Bối cảnh bức hình là nội chiến Sudan từ 1983 đến 2005. Cuộc xung đột giữa chính phủ trung ương và mặt trận giải phóng mang tính chất chính trị tôn giáo. Đến 1993 thì nạn đói trở nên trầm trọng cũng là năm có thêm nhiều phe phái nhảy vào và các nước xung quanh cố tìm giải pháp hầu tránh bị vạ lây. Đứa bé trong hình không bị bỏ hoang trong đống rác mà ở trong vùng tương tranh có sự hiện diện của LHQ.

Tác giả đã tách câu nói thường tình trong các lời tuyệt mệnh, xin lỗi người đời về nhiều thứ hay ít nhất vì nhìn cái xác chết kinh tởn. I’m sorry. Dalida để lại mầy chữ cuối đời: Pardonnez moi; mais la vie est insupportable. Kevin cũng làm như vậy và cho biết các khổ đau vật chất tinh thần không chịu được chỉ phải chết thôi.

I'm really, really sorry. The pain of life overrides the joy to the point that joy does not exist. ...depressed ... without phone ... money for rent ... money for child support ... money for debts ... money!!! ... I am haunted by the vivid memories of killings & corpses & anger & pain ... of starving or wounded children, of trigger-happy madmen, often police, of killer executioners. (Thành thật xin lỗi. Những khổ đau của đời tôi đã lấn lướt chèn ép mọi điều vui sướng; đến nỗi không có sự vui sướng nào trong đời tôi… suy sụp tinh thần …không điện thoại …không tiền thuê nhà …không tiền phu nuôi con và trả nợ. Tôi luôn bị ám ảnh bởi những ký ức giết chóc, những xác người, những cơn thịnh nộ, những đau khổ, trẻ em bị thương đói khát, cảnh giết người vì thích thú điên loạn của cảnh sát, của các sát thủ chuyên nghiệp.

Kevin không chút mặc cảm tội lỗi về bức hình nầy.

Bài thơ của nhà luân lý Trần Quốc Bảo đáng làm người đời suy nghĩ. Lấy chuyện lương tâm che dậy cái vô lương tâm của mình thất nguy hiểm. Thời đại internet giúp chúng ta biết thêm nhiều điều trước khi quyết định lên án người khác. Rất nhiều tài liệu về bức tranh nầy. Đồng thời cần có sự hiểu biết tối thiểu về vật ăn thịt thối và thịt tươi; công cuộc cứu trợ quốc tế. Có ông thi sĩ kết án hai con kên kên vui sống trên đống xác ở trại sát sinh của Đức. Đức giết người đâu phải kên kên.

Chúng tôi nghĩ đến một bài luân lý khác kiểu TQB. Đó là phim Amadeus về cuộc đời của Mozart. Phim dựa vào cốt truyện một vở kịch của Bernard Shaw theo đó nhạc sĩ quốc doanh Salieri vì ganh tài đã bỏ thuốc độc Mozart chết lúc 35 tuổi. Cuốn phim tuyệt vời về nghệ thuật điện ảnh và âm nhạc nhưng tròng vào bài luân lý vô luân lý nên mất hết giá trị. Salieri là nhạc trưởng của triều đình, là người bạn quý của Mozart. Salieri là thầy dạy nhạc của Beethoven; một nhân vật khả kính của thời đại, là một giáo sư âm nhạc. Chuyện đánh độc không bao giờ xẩy ra. Ngày nay người ta còn tìm thấy nguyên nhân làm cho Mozart yểu mệnh là chứng bệnh bẩm sinh.

Gandhi đòi hỏi các chính trị gia dùng phương tiện tốt đẹp, đừng chơi lối bá đạo, cứu cánh biện minh phương tiện. Sự trong sáng của phương tiện phải ngang đồng với sự trong sáng của cứu cánh. Lời khuyến cáo nầy cần được các nhà luân lý chú ý thực hiện.

Chúng tôi rất kinh hãi khi đọc bài Lương Tâm của Trần Quốc Bảo. Các xôn xao đầy cảm tính của độc giả đã được giải quyết minh bạch, bé không chết mà đã được cứu trợ và sống đến 14 tuổi chết vì bệnh. Khi tìm tài liệu để có bức ảnh, tác giả thừa biết điều nầy nhưng vẫn gán cho kẻ khác tội làm chết người, đâu phải chuyện đùa. Thâm ý của tác giả là để chứng tỏ mình là một nhà luân lý và thi sĩ. Có câu nói hình như của Rabelais, tuy chưa có giá trị tổng quát, có thể đem ra dùng. Văn chương có thể làm một trong hai việc: hoặc rất cao thượng hoặc rất đồi bại.

======================================================== 

Biên Hòa, lương tâm miền Nam
================================

 


Wednesday, April 26, 2023

Put Putin in the Trash

 

    Bích chương 'Put in the trash' của Don Fontjin

Cú điện thoại của Putin

A Phone-Call from Putin

Flash Fiction by San Cassimally * TTT dịch

Pavel Pavlovich Bovrogodin không thể làm gì khác hơn. Hắn thừa nhận đã nhờ Vladimir Vladimirovic mà có tỷ nầy tỷ kia. Tuy là một nhân viên hạng thấp của (tình báo) FSB thích phim James Bond, hắn không những có giấy phép giết người mà còn mang nhiệm vụ thanh toán kẻ thù của tổng thống. Hắn được trả công bằng đặc quyền khai thác nhôm ở Sayonogorsk và đã thành công rực rỡ. Chỉ trong ba năm, hắn đã nhét túi ba tỷ đô.

Dấu hiệu đầu tiên keo sơn đổ vỡ giữa hai người hiện rõ khi Vladimir Vladimirovich ra lệnh hắn chia 33% sản nghiệp cho Leonid Kachanov, anh của nàng Valentina, người cùng quan ngài tổng thống đặt vào đời đứa con trẻ nhất. Hắn thừa biết đấy chỉ là một đòi hỏi đầu tiên của một loạt yêu sách. Từ hôm ấy, Bovrogodin đã soạn dựng các kế sách rút lui.

Trước đó không lâu, hắn trả lời ký giả Steven Sackur của đài BBC rằng trong cuộc xâm chiếm Ukraine, Vladimir Vladimirovich không nắm được mấu chốt, như viết tuồng tích không có chỗ đóng mở, lang thang vô định. Cuộc phỏng vấn cho thấy phải hắn hủy bỏ mọi dự định trở về Nga.

Hắn bí mật mua một dinh thự trong rừng Ashridge, có tên là Vườn Đào. Hắn đã bỏ ra hai chục triệu, biến dinh thự nầy thành một pháo đài kiên cố với hệ thống an ninh hoàn toàn kiểm soát bằng điện tử.

Putin đã thề sẽ không bao giờ ngủ yên cho đến khi vụ Pavel Pavlovich giải quyết xong. Ông muốn nói rằng kẻ mà ông đã làm đưa lên địa vị đại gia thứ 113 sẽ chết cóng ở 50 độ âm trong vùng Sibérie. Trong lúc ấy cựu nhân viên FSB kia cũng thề sẽ phải chết nếu không dập nát đầu Vladimir Vladimirovich.

Bước ra khỏi hồ tắm nước nóng, Pavel Pavlovich nghe điện thoại reo.

Hắn biết đấy có tính toán thời điểm chứ không phải tình cờ. Người bên đầu dây kia đã theo sát mọi cử động của hắn trên màn hình khi ngồi trong văn phòng Kremlin.

Giọng nói mà hắn biết ngay của ai bắt đầu trước rất nhẹ nhàng:

- Pavel Pavlovich, tôi muốn bạn hưởng thụ đầy đủ lần tắm cuối cùng nầy.

- Vâng, Vladimir Vladimirovich! Tôi đang bơi lội trong muôn thứ xa hoa, cách xa lũ lâu la đầu trâu mặt ngựa của bạn cả triệu cây số.

- Tôi nói lại, đấy là lần tắm cuối cùng của bạn. Tôi đã biến Vườn Đào của bạn thành một gulag băng giá, để đưa bạn từng bước một đi vào địa ngục. Khi chúng ta đang nói chuyện đây, hệ thống sưởi của ban đã bị phá hư. Bạn nào có nước ấm mà nhảy xuống tắm lần nữa

- Vladimir Vladimirovich, bạn đâu phải God.

- Pavel Pavlovich, tôi không cần làm God để thực hiện lời hứa với bạn. Chỉ cần vài thằng hacker trong (tổ chức phá hoại) Sandworm là đủ kiểm soát điều khiển thế giới. Này bạn, khi chúng ta đang nói chuyện đây, thủ hạ trung tín nhất của bạn, thằng Giupseepe, được lệnh của bạn đáp chuyến bay Aeroflot 552 đến Moscow, nó đã tiêu ma trong sương khói.

- Nhưng này Vlad_....

- Coi nè, đường cung cấp thực phẩm cho bạn đã bị gián đoạn. Bạn phải ăn cơm nguội mì cũ trong cụi, garde manger. Ba tuần là hết? hệ thống sưởi của bạn đã tê liệt. Bạn hoàn toàn cô lập trong cái lồng bằng vàng của bạn. Mấy cây súng Glocks, AK, súng Colt cũng ngậm câm. Bạn có nhiều thời giờ ngắm tranh Picasso, tranh Matisse. Các cổng ra vào không thể mở bằng tay; tường không leo được. Bạn dính trong bẩy sập; ở tù trong nhà tù do bạn xây lên.

Bạn đã dùng ba tỷ để đổi lấy một chỗ ở trong một gulag Sibérie. Bạn sẽ chết đói, chết lạnh. Cô đơn, không bạn bè. Trong kiếp tới, cố sức mà nhớ nhé, chớ dại mó dài ngựa, đừng bao giờ làm nổi dóa người bạn cũ Vlad nầy.-



Saturday, April 22, 2023

kế vị Đạt Lai Lạt Ma

 

 
    Lhamo Dhondup trở thành Đạt Lai hiện nay

kế nhiệm Đạt Lai

Brooke Schedneck . Tôn Thất Tuệ dịch

[The Conversation March 30, 2023] 

Hơn 5.600 người tham dự buổi lễ trong tháng 3, 2023 tại Ấn Độ nhân khi Đạt Lai Lạt Ma (ĐL) giới thiệu một chú bé mà Ngài nói là hậu thân của lãnh tụ Phật Giáo Mông Cổ thứ 9 đã viên tịch năm 2012.

Vì mâu thuẫn giữa Đạt Lai Lạt Ma (ĐL) và chính quyền Trung Cộng, việc thừa nhận thoái thân của bất cứ lãnh tụ PG là một đề tài chính trị trội yếu. Sau khi sáp nhập Tây Tạng 1950, Trung Cộng (TC) lo kiểm soát truyền thừa giáo lãnh PG, đặc biệt là ngôi vị Đạt Lai. Năm 2011, bộ ngoại giao TC tuyên bố chính phủ Bắc Kinh mới có quyền chỉ định vị Đạt Lai kế tiếp; và không bao giờ thừa nhận một ứng viên nào khác.

Vị Đạt Lai hiện thời là thứ 14, đạo hiệu là Tenzin Gyatso, tháng 7 năm 2023 sẽ đúng 88 tuổi và theo truyền thống thì tăng thống tối cao PG Mông Cổ chính thức công nhận người kế vị Đạt Lai của Tây Tạng.

Mọi Đạt Lai đều được tin là hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát. PG đại thừa Á Châu lấy giác ngộ làm mục đích tối thượng, đạt cảnh giới Niết Bàn ra khỏi vòng sinh tử luân hồi. Nhiều bồ tát đã đạt mức giác ngộ ấy nhưng muốn tái sinh để chịu khổ đau ở cõi Ta Bà nhằm giúp kẻ khác giác ngộ.

PG Tây Tạng khai triển bồ tát đạo nầy qua lối kế truyền bằng tái sinh gọi là “tulkus”. Người nào được tin là tái sinh để làm thầy (giáo thụ) hay lãnh đạo tinh thần đều là tulkus. PG Tây Tạng có ngàn vạn tulkus. Nhưng được tôn kính nhất là đạt lai.

Đến nay đã có 14 thế hệ Đạt Lai xuyên qua sáu thế kỷ nối truyền nhau để thực hiện từ bi và phúc lợi cho quần sinh.

Vị Đạt Lai đương kim thứ 14 an vị lúc 4 tuổi, mang tên mới là Tenzin Gyatso. Cuộc tìm kiếm bắt đầu ngay sau khi ĐL thứ 13 viên tịch.

Nhục thể của Ngài được đặt nằm nhìn về phía nam nhưng hai hôm sau thì đầu chệch qua hướng đông. Lại có đám rêu xanh bất thường xuất hiện ở hông đông bắc kim tĩnh (tháp chôn) của Ngài. Từ hai dấu hiệu nầy có thể đoán rằng vị thứ 14 sẽ được tìm thấy trong vùng Đông Bắc Tây Tạng.

Theo truyền thống, các môn đệ của Ngài quá vãng đến hồ Lhamoi Latso tìm trong ánh nước phương hướng đến nơi khả dĩ tìm được thoái thân Đạt Lai. Theo sự hiển hiện của hồ, chúng tăng đến quận hạt Dokham, đông bắc Tây Tạng và đã tìm thấy một đứa bé hai tuổi tên Lhamo Dhondup, đúng là hậu thân của vị thứ 13, căn cứ theo giờ chết của Ngài.

Vị thứ 14 tương lai nhận biết một nhà sư trong đoàn tìm kiếm tuy ông ngụy trang là một kẻ theo hầu. Cậu bé đòi lại tràng hạt đang đeo trong cổ một vị khác vì tràng hạt nầy của Ngài thứ 13. Phái bộ trở lui với nhiều đồ vật và yêu cầu cậu bé chọn thứ nào xưa kia của Ngài thứ 13. Cậu bé đều chọn đúng, nhất là cái trống nhỏ dùng trong các nghi lễ và tích trượng (cây gậy).

Ngày nay diễn trình chọn vị kế tục không có gì rõ ràng. Năm 1950, TC chiếm Tây Tạng, nại rằng quốc gia nầy luôn luôn thuộc về Tàu. 1959, ĐL trốn thoát qua Ấn Độ và thành lập chính phủ lưu vong. ĐL vẫn được dân chúng tôn thờ trong suốt 70 năm đô hộ của Bắc Kinh.

Năm 1995, TC bắt giữ người mà ĐL chọn là kế vị của Ngài Panchem Lama thứ 10, là cậu bé sáu tuổi tên Gendun Choeki Nyima. Từ đó đến nay, TC không cho biết bé nầy hiện ở đâu, sống chết thế nào. Panchen Lama là chức chưởng quan trọng chỉ đứng sau Đạt Lai Lạt Ma trong hệ thống truyền thừa PG Tây Tạng.

Dân chúng nổi loạn khi TC bắt giữ vị thứ 11 mới được chọn. Để bù vào, TC đưa ra một Panchen Lama của mình, là con của một sĩ quan an ninh. Panchen Lama và Dalai Lama trong lịch sử tác động qua lại, nhìn nhận nhau là tái sinh của các vị tiền nhiệm. TC muốn chỉ định một Đạt Lai Lạt Ma của riêng mình mà người Tây Tạng không tham dự trong diễn trình chọn lựa.

Trước đe dọa của TC, đương kim ĐL thứ 14 đưa ra nhiều lời tuyên bố làm cho vị đạt lai do TC chọn khó trở thành hợp thức chính thống.

ĐL nói rằng định chế đạt lai có thể không cần thiết nữa; tuy nhiên tùy dân chúng Tây Tạng quyết định có nên giữ hình thái nầy trong PG Tây Tạng hay không và có nên tiếp tục hệ thống kế vị xưa nay hay không.

ĐL nói thêm rằng trong vòng bốn năm kể từ khi đến 90 tuổi Ngài sẽ quyết định tái sinh hay không. Trước khi chết, Ngài sẽ truyền hết các chứng quả tinh thần cho người kế nhiệm.

ĐL Tenzin Gyatso minh thị nói rằng: nếu Ngài chết ngoài Tây Tạng và nếu vị Panchen Lama vẫn còn mất tích, thì việc tái sinh của Ngài sẽ xẩy ra ở quốc ngoại, rất có thể là Ấn Độ.

Các chuyên gia tin rằng TC sẽ tìm người trong xứ, việc tìm kiếm nầy sẽ được thực hiện bởi vị Panchen Lama hiện do Bắc Kinh chỉ định.

1959, DL đến Ấn sau khi trốn thoát Tây Tạng

Sau cùng, ĐL còn nêu khả thể Ngài sẽ tái sinh thành một phụ nữ. Ít năm sau Ngài nói thêm là một phụ nữ đẹp lộng lẫy. Trước sự phản đối của nhiều người, web chính thức của Ngài đưa ra lời xin lỗi.

ĐL đoan quyết rằng không ai tin tưởng vào sự lựa chọn của TC; dân chúng Tây Tạng không bao giờ chấp nhận đạt lai của Tàu.

Chính phủ HK bày tỏ sự hậu thuẩn ĐL.  Dec 2020, thượng viện HK thông qua đạo luật ủng hộ và công nhận quyền tự trị của Tây Tạng. Chính phủ Biden năm 2021 khuyến cáo TC sẽ không được làm gì trong việc kế vị ĐL.

Nhiều người tin tưởng sự tìm kiếm sẽ khác lối xưa, và xẩy ra ngoài Tây Tạng với sự quan sát của truyền thông quốc tế và cộng đồng Tây Tạng lưu vong.-

Ghi thêm của người dịch:

Theo tập san The New York Review of Books, Obama đã tiếp Đạt Lai Lạt Ma ở White House và cho Ngài tự ra về bằng cửa bếp, ngang qua các thùng rác. Buổi hội kiến chỉ có một tách trà cho khách, nghĩa là "mời Ngài uống cho khỏi khát, còn tôi không uống chung với Ngài". Obama khi nói chuyện thì vung tay, đưa lên cao ngang mặt; trong giáo huấn Tây Tạng, chỉ có thầy mới có cử chỉ nầy khi dạy môn đệ.

Obama không có noblesse oblige vì dẫu sao ĐL đã là một quốc trưởng. Theo nghi lễ ngoại giao quốc tế, vua một nước nhỏ vẫn ngồi trên tổng thống đại cường quốc. ĐL không bị sỉ nhục, Ngài mất nước và làm bất cứ việc gì để phục quốc như Việt Câu Tiển.

Chỉ có Obama không thấy sỉ nhục khi Tàu không cho ông xuống máy bay cửa chính và thảm đỏ, mà đi của hậu, chen lấn với hành khách. Obama không phải là du khách mà đến Bắc Kinh kết ước nhiều việc.

Để làm vừa lòng Trung Cộng, Obama đã tìm mọi cách ngăng ĐL dự đám tang của Nelson Mandela. Obama không đem theo vợ mà đem theo Hillary Clinton để giới thiệu như tổng thống tương lai.

Năm 1972, để chuẩn bị chuyến đi Bắc Kinh của Nixon, HK hủy bỏ chương trình viện trợ phục quốc Tây Tạng. Xin tham khảo ở đây: Bỏ rơi Tây Tạng

=========================================================

An Cựu, Huế 1965
======================================



Thursday, April 20, 2023

Gia Địch, Zadig, conte de Voltaire

 


Gia Địch, chuyện định mệnh

Zadig ou la Destinée, Voltaire

Tôn Thất Tuệ

Tụ tập hai bên một thánh điện lớn là hai đám đông đã từng đánh nhau vì chủ trương dùng chân trái hay chân phải bước vô mà không vi phạm giáo chỉ. Họ đến chờ lãnh tụ quốc gia bước vô bằng chân nào để xem ai trúng ai trật. Nếu bạn là đấng anh minh nầy thì bạn chụm hai chân và nhảy cóc vô chứ gì. Đúng vậy, Gia Địch đã làm không khác để hóa giải tương tranh vô lối nầy.

Gia Địch (không phải già dịch, già dê) là diễn âm tên nhân vật chính của một tập truyện của Phúc Lộc Đắc Nhĩ.

Vâng, cấy ôn ni người Tây, nói tên Tây thì ai nghe cũng biết như nuốt nước đường cái ót gọn trơn. Voltaire (1694-1778) ấy mà. Gia Địch là Zadig trong Zadig ou la Destinée, conte de Voltaire.

Voltaire (1694-1778)

Năm 1957, thầy Cao Hữu Hoành dạy Pháp văn tam C; đệ tam học thế kỷ 18 của văn chương Pháp. Do đó thầy Hoành đem cuốn Zadig bảo chúng tôi đọc và thầy hướng dẫn. Nhưng gió thổi hết. Tuy vậy, cả cuộc đời, tôi vẫn thích Voltaire. Tôi cứ tự hỏi câu nói triết lý: il faut cultiver notre jardin  (hãy trồng xới mảnh vườn của chúng ta) là từ cuốn Zadig hay Candide. Nói thiệt, có lẽ học tiếng Pháp e không chí căn chí cốt như thế hệ ông già, nên chỉ lớn phớn cho xong chuyện. Tôi đã làm hết hồn một bà người Pháp khi nói đã học ba thế kỷ văn học Pháp 17, 18 và 19. Hù dọa bằng thích, tuy còn thua giở lật xem tranh.

Nhưng không trách, việc học trong trường chỉ gợi ý. Vì lương tâm, qua năm hai ngàn, tôi mới đọc hết cuốn Candide khi giới thiệu bài Thằng Khùng của Phùng Quán, Thằng Khùng trong trại tù chính trị đã thuộc lòng Candide đọc cho bạn tù nghe.

Cũng vậy, nay đọc Zadig nhớ tới thầy Cao Hữu Hoành mà thương. Thầy không xuống phòng giáo sư để nghỉ, chỉ đứng ngoài lớp nhìn xuống sân, hút đều đều nối đuôi Melia vàng.

Những ai vào đệ thất trước và sau 1952 đều nhận thấy Pháp văn được chú trọng hơn Anh văn. Pháp văn nhiều giờ hơn. Trong khi đi thi diplome, Pháp văn phải làm luận và dịch, Anh văn chỉ có hai bài dịch. Và trong ba năm đệ nhị cấp, không thấy văn học sử Anh Mỹ, học sinh hầu như không biết tên các văn nhân Anh. Đại học sư phạm thì khác .

Hôm tôi ngồi ở Ngân Đình, Aux Coins des Blagueurs, thấy tôi lạnh vì gió sông mùa hè, ông bạn Mỹ lấy cái khăn ăn phủ lên vai tôi thì ông quản lý hay chủ nổi sùng, nói to: “Moi je suis français”. Tuy không hiểu ông muốn nó gì, tôi xoay qua giúp vui: Moi, je suis français aussi, j’ai froid. Rứa thì tui cũng là français nói tiếng bồi, nhưng không nói ‘je suis chaud’! Et bon, pas mal.

Nếu contes của Perrault là chuyện thần tiên như La Belle au bois dormant, Cendrillon thì contes của Voltaire nặng nề, không bay bỗng, rất trần gian, đầy khổ lụy và rất hài hước, đầy châm biếm đau như bị chó cắn (sarcasme mordant), và dĩ nhiên rất chi là triết lý. Của cả hai tác giả đều là chuyện đời xưa. Đời xửa đời xưa, có bà bán dưa. Il était, (il y avait) une fois une vendeuse de melon; Once upon a time, there was a melon merchant. Không phải là những truyện ngắn, những đoản thiên, nouvelle (novellas, short story) mà đúng như tiếng Anh là tale, chuyện kể.

Thật vậy, chúng tôi muốn giới thiệu Zadig là chuyện nghe răng kể rứa mà Voltaire cho là câu chuyện định mệnh, trình bày song ngữ Việt Pháp đối chiếu, xuất bản đã lâu, ở Hà Nội 1928. Việt ngữ không khác gì bây giờ cho lắm về ngôn tự và chính tả.

Zadig là chuyện có hậu, chuyện của một chàng trẻ thông minh dĩnh ngộ, ba chìm bảy nổi, vào tù ra khám, đã lên đoạn đầu đài v.v… rồi được lên làm vua. Những chặng đường nầy thường được trình bày với các chi tiết hài hước. Một đại danh y không thể làm cho Zadig khỏi cảnh chột vì con mắt bị thương bên trái, giá như bên phải thì danh y đã trị lành. Voltaire dùng chuyện “cầm vồ bửa săn”, lấy quả tim chồng chưa chôn chữa bệnh cho tình quân mới gặp. Voltaire đã thay quả tim bằng cái mũi.

Chuyện vui nhất mà ai mó đến văn chương Pháp đều biết là Hành Lang Cám Dỗ. Le Corridor de temptation là đầu đề đoạn văn tập đọc đã có trong sách. Zadig cam kết với vua sẽ có một người thanh liêm nhất để giữ ngân khố, người trúng giải nhảy đầm đẹp nhất; thí sinh phải từng người một đi qua hành lang tối mờ đầy vàng bạc, kim cương … trước khi vào đại sảnh. Các ông quý tộc nhảy như mang gánh nặng, chân cứng như củi vì sợ các thứ đã lấy rơi xuống sàn nhà. Chỉ có một gã thanh niên nhảy như bướm bay vì không có gì sợ rơi. Người ấy được chọn, không chắc là một nhà kinh tế giỏi nhưng hết sức thanh liêm.

Chương cuối giúp chúng ta hiểu vì sao các cuộc thi hoa hậu hiện nay kèm theo những câu hỏi “thông minh” (hoặc mang tính chất chính trị). Sau khi đã thắng các cuộc tỷ thí võ công, Zadig phải giải đáp câu hỏi: Trong thế gian thì cái gì vừa dài nhất vừa ngắn nhất, vừa nhanh nhất vừa chậm nhất, vừa có thể phân nhỏ ra vừa bao la rộng rãi nhất; vừa bỏ phí nhất vừa được tiếc nhất, không có nó thì không làm gì được, vừa làm cho những việc nhỏ mọn tiêu diệt, vừa làm cho những việc lớn sống bền.

Zadig trả lời: thời gian: không có cái gì dài hơn thời gian vô tận; không có gì ngắn hơn vì khi ta định làm việc gì thì không đủ; chờ đợi làm thời gian chậm nhất, sung sướng làm thời gian nhanh nhất. Ai cũng bỏ phí thì giờ, mất rồi lại tiếc. Không thì giờ thì chẳng làm được gì. Cái gì không đáng truyền cho hậu thế thì cho quên đi, sự nghiệp to tát thì giữ muôn đời.

Kỳ thật, thí sinh phải trả lời những câu hỏi về cách trị dân, về tư cách cao quý ... Zadig đều trả lời thông suốt và được hội đồng kỳ mục cho làm vua.

Đoạn kết rất vui, đúng là chuyện đời xưa đời xửa, nhưng Voltaire đã dẫn lối một nền cộng hòa; các vua chúa đều do thi tuyển mà ra. Nhiều ứng viên nói với hội đồng rằng những câu hỏi không cần thiết, chỉ cần võ công thượng thừa là đủ để trị nước, giữ nước. Voltaire đã đi trước dẫn trước quan niệm tiến bộ quân sự và chính trị tương hợp.

Voltaire, với sarcasme mordant không tha một ai, từ Giáo Hoàng cho đến anh tú lờ khờ bằng giả. Giáo hội đã khai trừ Voltaire. Khi Voltaire chết gia đình xin Giáo hội làm phép lúc an táng nhưng bị từ chối.

Mãi cho đến rất gần đây, “athéiste” không mang nghĩa vô thần mà là bất cứ ai chống giáo hội như một trong những tổ chức tôn giáo. Nhiều phê bình gia cho rằng Voltaire là một théiste, hữu thần, tin có đấng huyền nhiệm. Điểm nầy hiện rõ trong Zadig tuy đầy rẫy châm biếm dành cho các lãnh tụ tinh thần tôn giáo nói chung. Không biết Voltaire sẽ nói gì nếu sống hôm nay (tháng 4.2023) khi mục sư John Blanchard, đứng đầu một mega church ở Virginia, bị bắt vì điều hành một ổ mãi dâm và dẫn gái 17 tuổi (cảnh sát chìm) đến phòng ngủ khách sạn.

Zadig cho thấy một Voltaire có tầm nhìn vô cùng rộng rãi. Không ngạc nhiên vì ông đã soạn một cuốn bách khoa từ điển về triết học và lịch sử.

Thế kỷ 18 được gọi là thế kỷ ánh sáng xuất hiện như con cá nhảy ra khỏi nước, khác biệt với hai thế kỷ trước và sau. Thế kỷ nầy đã tạo cuộc cách mạng Pháp, ảnh hưởng đến hiến pháp HK và ngay cả về sau hiến pháp Trung Hoa Dân Quốc của Tôn Dật Tiên. Nói rằng tách biệt với thế kỷ sau không hoàn toàn đúng vì Rousseau đã mở đường cho phong trào lãng mạn có Chateaubriand, Hugo v.v…Nhưng là một thế kỷ nhiều lý luận; nhiều tác giả khó tính đã kết án mạnh mẽ thế kỷ nầy đã nẩy sinh chủ thuyết duy vật, kể cả duy vật sử quan của thế kỷ 20 gây bao nhiêu đổ máu. Các vị nầy có thể căn cứ vào quan niệm phi thần của Diderot khi ông hoàn tất bộ bách khoa từ điển.

Lời quy trách nầy không thể dựa vào tư tưởng của Voltaire. Contes de Voltaire (Candide, Zadig. Micromega v.v…) mang rất nhiều tư tưởng Đông phương, không thuần túy chuyện trên trời hay thuần túy dưới đất. Nếu thế kỷ 18 đưa đến duy vật thì nó cũng tạo nên căn cứ cho chủ trương nhân bản, trong đó con người làm trung tâm của mọi sinh hoạt, vừa tác động và thụ nhận. Il faut cultiver notre jardin. Jardin của Voltaire vừa là xã hội, vừa là cuộc sống cá nhân, cuộc sống tâm linh, là “tâm điền, tâm địa” của Khổng Lão Thích.

Về phần Voltaire, vinh dự của ông là tên ông được dùng đặt tên cho một thế kỷ văn học vô cùng đặc biệt: Le Siècle de Voltaire; giống như Gia Địch lên ngôi vua.

Chuyện chàng Gia Địch, (xin down load dễ đọc) **

============================================

*Phúc Lộc Đắc Nhĩ viết theo cách đọc xưa của Tàu (fou lou de el). Ngày nay Voltaire chính thức phiên âm gần giống là 伏爾泰 phục nhĩ thái. Phạm Quỳnh ngạc nhiên trí thức VN đọc trực tiếp sách Pháp mà gọi tên tác giả theo kiểu Tàu không ai hiểu: Montesqieu, Mạnh Đức Tư Cưu. Thiết nghĩ các nho sĩ làm quen với tư tưởng Âu Tây qua sách của Tàu và Nhật; hai tiếng nầy không có mẫu tự La tinh phải viết theo Hán Tự. Nho sĩ VN chưa chắc đã thấy Montesqieu, Rousseau…

** Gallica in thiếu trang đầu, xin điền thế và dịch

Chapitre I:  Le borgne

Du temps du roi Moabdar il y avait à Babylone un jeune homme nommé Zadig, né avec un beau naturel fortifié par l'éducation. Quoique riche et jeune, il savait modérer ses passions; il n'affectait rien; il ne voulait point toujours avoir raison, et savait respecter la faiblesse des hommes. On était étonné de voir qu'avec beaucoup d'esprit il n'insultât jamais par des railleries à ces propos si vagues, si rompus, si tumultueux, à ces médisances téméraires, à ces décisions ignorantes, à ces turlupinades grossières, à ce vain bruit de paroles, qu'on appelait conversation dans Babylone. Il avait appris, dans le premier livre de Zoroastre, que l'amour-propre est un ballon gonflé de vent, dont il sort des tempêtes quand on lui a fait une piqûre. Zadig surtout ne se vantait pas de mépriser les femmes et de les subjuguer. Il était généreux; il ne craignait point d'obliger des ingrats, suivant ce grand précepte de Zoroastre ….

Chương I: Kẻ chột mắt

Vào thời vua Moabdar, ở thành Ba By Luân có thanh niên tên Gia Địch sinh ra với tư chất thiện hảo và nhờ giáo dục mà tốt thêm. Mặc dù giàu và trẻ, chàng biết tiết chế các tham vọng, chẳng tha thiết gì; chẳng bao giờ tự phụ có lý hoàn toàn, chàng biết tôn trọng các yếu hèn của con người. Đáng ngạc nhiên, tuy với đầu óc đầy trí thức, chàng không bao giờ chế nhạo chỉ trích các lời qua tiếng lại ở thành Ba By Luân, mơ hồ, nhai lui nhai tới, hổn tạp, bạo miệng, ngu dốt, khôi hài thô tục, rỗng tếch. (Bởi lẽ), chảng đã học trong cuốn sách đầu tiên của Dô Lộ Át rằng tự ái là quả bong bóng căng đầy hơi, kim chích lỗ nhỏ đủ làm bung ra một trận cuồng phong. Chàng không bao giờ vênh vang đã khinh thị đàn bà, đã đè bẹp, dìm đàn bà. Chàng rộng lượng, không ngại giúp kẻ vô ân bội nghĩa vì chàng theo lời chỉ dạy của Do Lộ Át:  Khi ăn, ngươi hãy cho chó ăn cùng, dù chó cắn ngươi đi chăng”. …..