add this

Friday, September 29, 2017

một linh hồn lưu vong, Solzhenitsyn






Solzhenitzyn, Một Linh Hồn Lưu Vong
Jennifer Tran


 Alexander Solzhenitsyn ăn mừng 81 tuổi vào ngày 11 tháng Chạp, năm 1999. Ông sống sót Cuộc Nội Chiến, Cuộc Chiến Lớn, và Cuộc Chiến Lạnh; kinh qua trại tù Stalin, gọng kìm Brezhnev; chiến đấu với ung thư khi lưu đầy nội xứ, như một người được lệnh trình diện học tập cải tạo tại vùng đất Kazakhtan xa xôi; cưỡng lại mọi mùi vị của chủ nghĩa duy vật Tây Phương; xoáy hết đời mình vào công việc viết lách, như là tay lưu vong giầu có, tại một tư thất được bảo vệ bằng camera, hàng rào điện tử, tại vùng Vermont, Mỹ; Như ông đã tiên đoán sống, như chính mình đã tiên đoán, cho tới ngày chứng kiến sự sụp đổ của C Sô Viết. Và sau đó, trở về quê hương trong chiến thắng.
Nhưng chiến thắng nào thì cũng có mùi vị cay đắng của nó! Những tác phẩm của ông đã một thời mang Tin Mừng: Hãy Hy Vọng Dù Không Còn Hy Vọng (Hope Against Hope), nay nằm nhấm bụi bặm, nhường giá sách cho những "mầm non văn nghệ" chẳng có một cơ may sống dai hơn, ngay cả cuộc đời của chính họ. Những tân lãnh tụ của một nước Nga mới, chính họ thúc giục Solzhenitsyn hãy mau mau trở về với đất mẹ, đã mau chóng thay đổi thái độ, sau khi nghe những lời chỉ trích khó nuốt của ông trên màn ảnh TV, đa số khán thính giả khác đã vội vàng đổi đài, khi vừa mới thấy bóng dáng của ông ló ra. Ông hiện sống lặng lẽ kế bên bà vợ Natalya trong một căn nhà gần Moscow, yên trí một điều: ta sẽ có chỗ đứng, ở trên đỉnh, trong lịch sử đất nước của ta, trong thế kỷ 20.

aleksandr solzhenitsyn archipelago gulag  Con người này đã từng phát điên lên, khi nghe triết gia người Pháp, Jean-Paul Sartre, sau một lần viếng thăm ngắn ngủi cái nôi của cách mạng thế giới, đã tuyên bố: "tha hồ phê bình ở Xô Viết" (there is total freedom of criticism in the USSR); rằng những công dân Xô Viết không có ý định đi du lịch ở hải ngoại, bởi vì họ quá yêu thương quê hương, làng mạc, bà con lối xóm, đến nỗi không thể rời bỏ, dù chỉ dăm ba ngày!
Solzhenitsyn hiểu rằng đồng bào của ông, đâu phải ai cũng có cơ may, hoặc có đủ can đảm, cầm trong tay một ấn bản in lén lút tác phẩm của ông. Họ biết những sự thực nóng bỏng ở trong những tác phẩm của ông, những cuốn tiểu thuyết, và nhất là tác phẩm mang tính cách tài liệu lớn lao của ông, Quần Đảo Gulag: họ biết chúng, qua những tiếng còn tiếng mất, của những làn sóng ngắn các đài phát thanh Tây Phương.
Tuy gần như phát điên vì những nhận xét của Sartre, ông vẫn biết, ở Tây Phương, ít nhất cũng có hai người đã thực sự hiểu rõ yếu tính của Chủ Nghĩa Cộng sản Xô Viết; một là George Orwell (tác giả những cuốn sách như là Trại Loài Vật, 1984…); người kia là Robert Conquest, một sử gia về (thời kỳ) khủng bố của Stalin. Ông này còn là một thi sĩ. Solzhenitsyn đã từng nhờ Conquest chuyển thành thơ vần (verse), tác phẩm đầu tay của ông, Những Đêm Phổ (the Prussian Nights), một bài hùng ca được làm trong tù, và chỉ được ký ức ghi nhớ.
Solzhenitsyn: Một Linh hồn Lưu vong, là một tiểu sử mới nhất về ông, của Joseph Pearse. Theo người điểm sách trên tờ TLS December 10, 1999, có một điều thật là ngạc nhiên: cuộc đời của Solzhenitsyn, đầy bão tố, đầy biến động như thế, trải dài suốt thế kỷ… vậy mà không được mấy tay chuyên môn viết tiểu sử quan tâm. Trước đây đã có cuốn Alexander Solzhenitsyn: A Century in His Life, của một nhà văn người Anh D. M. Thomas, (583 trang, nhà xb St. Martin’s Press, NY, 1998). George Steiner, khi điểm cuốn này (NY Times Book Review March 1, 1998), đã cho rằng, do thiếu tính cách khách quan của một sử gia, và thiếu khả năng sàng lọc dữ kiện, những trở ngại này đã khiến Solzhenitsyn không thể miêu tả đất nước của ông, trong cơn đọa đầy sa xuống tình trạng dã man… nhưng ông đã thành công trong việc lật tẩy, cái gọi là đạo đức Cộng sản, và từ đó, nhìn ra sự sụp đổ của nó. Cuộc đời của ông cho thấy, ngay cả ở trong thế kỷ hung bạo, là thế kỷ của chúng ta, sự can đảm của một cá nhân không thôi, đã làm nên điều phi thường. "Một linh hồn lưu vong" chấm dứt bằng bản dịch một số thơ xuôi của Alexander Solzhenitsyn. Đoạn thơ xuôi sau đây được ông viết, sau khi nhìn sét đánh, chẻ đôi một thân cây cổ thụ:
Khi lương tâm vùng vẫy [mong] thoát khỏi kiếp xiềng, nó lay động hết một cõi người của chúng ta. Sau một cú khủng khiếp như thế, chẳng có thể nói được, ai là người trong số chúng ta sẽ thoát ra khỏi cơn bão tố, mà còn giữ được tâm hồn phẳng lặng.
Nước Nga cần những con người như thế này, hơn bao giờ hết!
(trích từ FB Nguyễn Quốc Trụ).


                                  Hover to preview or click to install two fireflies


Ghi chú: Mặc dù, khác với những phần trước cùng đề tài, Jennifer Tran quên nói đã dựa trên một bài điểm sách, thiết nghĩ  tài liệu in kế tiếp sẽ giúp ích bổ túc nhiều điều cho bài viết Việt ngữ.

Forgotten Voice
Iain Elliot
SOLZHENITSYN. A soul in exile. By Joseph Pearce. 334pp. HarperCollins. Pounds

On December 11, [1999] Alexander Solzhenitsyn will be eighty-one. He survived Civil War, World War and Cold War; he suffered Stalin’s camps and Brezhnev’s repressions; he fought cancer when exiled without possessions in remote Kazakhstan, and resisted Western materialism to concentrate on his writing as a rich exile in his Vermont estate. As he himself had predicted, he lived to see the sorry collapse of Soviet Communism, and returned to his homeland in triumph.
As a youth, he believed in the promises of Marxism-Leninism, but was brutally disillusioned when arrested as a young officer fighting Nazi Germany, turned to Christianity, and roundly defeated the legions of Soviet stool pigeons, security police and censors who tried to suppress the revelations which poured from his acerbic pen.
Yet now his books, once sold in millions throughout the Western world and secretly passed as samizdat typescripts from one avid Soviet reader to another, lie disregarded in corners of Russian bookshops, while younger, less serious writers have pride of place. Having urged him to return from America to raise their own political status, the new Russian leaders found his regular television criticisms irritating, while many bored viewers simply changed channels in search of lighter fare. He now lives quietly with his wife Natalya in his country retreat near Moscow, secure in the knowledge that he will rank in his country’s history as one of the towering figures of the twentieth century.
It may seem surprising that a life of such significance has attracted so few biographers. Yet the scholars best qualified to interview those who know him, and to analyse the mass of relevant Russian-language primary sources, are reluctant to tackle the task when earlier biographers have found their subject less than grateful for their attentions.
Joseph Pearce is not a Russianist, and his claim to original biographical material seems to be based largely on one discussion with Solzhenitsyn, with his Eton-educated son Yermolai acting as interpreter. Ignat, another of the three sons, helped with advice and information, and Natalya provided further material in response to his letters.
Serious students of Solzhenitsyn’s life and work will find Pearce’s book disappointing, but others will be pleased to have a biography of manageable length. It draws heavily on three main sources: the massive and painstaking research of Michael Scammell for the biography published in 1985, the flawed auto-biography of Solzhenitsyn’s first wife Natalya Reshetovskaya (doctored by the KGB), and the published works of Solzhenitsyn himself. There are some minor but revealing slips, such as saying that Tashkent (the capital of Uzbekistan) is in Kazakhstan or confusing monthly and annual salaries. More recent sources, in which Solzhenitsyn pays tribute to the many supporters who supplied him with information or smuggled his manuscripts to his Western publishers, are not used.
Sometimes Pearce, in understandable awe of his subject, takes what he says too uncritically. He describes for instance how Solzhenitsyn, like most Russian intellectuals, spent hours every week desperately trying to listen through jamming to the uncensored information of Western radio stations “but heard little to inspire him”. In fact, Solzhenitsyn understood very well that only these broadcasts allowed millions of Russians without access to the few samizdat copies of his works in circulation to hear the burning truths of both his fiction and his great documentary work The Gulag Archipelago.
True, the “alien voices” brought the full range of Western opinion about the Soviet regime to Russians. At a time when Soviet tanks were literally crushing rebellious political prisoners in the Kengir camp, Western intellectuals such as Jean-Paul Sartre enraged Solzhenitsyn by alleging after a brief visit that “there is total freedom of criticism in the USSR” and that Soviet citizens tended not to travel abroad because they loved their country too much to want to leave it. But when I visited Solzhenitsyn in Zurich in 1974, shortly after he was forced into exile, he told me that there were at least two Westerners who really understood the essence of Soviet Communism: George Orwell and Robert Conquest, the historian of the Stalinist terror.
He said that he was fascinated by a series on Orwell on the BBC Russian Service, and when I proudly informed him that my wife Elisabeth Robson had written and produced it, he immediately appointed her the English translator of his first work, the epic poem Prussian Nights, composed in the camps and retained by memory. He asked Conquest, a poet as well as historian, to set it to verse, and it was a measure of the respect in which we all held Solzhenitsyn that no one would have dreamed of refusing.
Solzhenitsyn is a man of such outstanding importance in Russian history that he will shine through even the most critical but objective biography. Pearce portrays very well the lesser-known side of Solzhenitsyn: the unexpected sparkle of humour, the loving family man, the philosopher who, having revealed the full horror of the Soviet regime and the pusillanimity of its apologists, is trying to find in himself some Christian forgiveness.
Pearce provides English readers with a useful account of recent years not covered by the 1985 Scammell biography. He devotes particular attention to the spiritual and philosophical truths which have always concerned his subject.
Without individual conscience, argues Solzhenitsyn, both Communist and capitalist societies have repulsive aspects. Human rights are meaningless without obligations. He is not the primitive Russian nationalist portrayed by some journalists who have not taken the time to read his works properly. Russia covers vast territories with many different peoples who are Russian by spirit and loyalties, rather than blood. Despite his reported support for the war in Chechnya, the bombing of Chechen civilians is clearly far from Solzhenitsyn’s political philosophy. He is resigning himself to the limitations on his influence, having suffered recently from heart problems. He insists that he has always remained an optimist, despite the tragic content of his life and work.
Solzhenitsyn: A soul in exile ends with translations of recent prose poems.
This passage was written after he saw a tree split by lightning: “When conscience hurls its chastening bolt, it strikes through our inmost being and down the length of our days. And after such a blow there is no telling who of us will emerge tempered from the storm.” Russia needs such people more than ever.
December 10, 1999


Friday, September 22, 2017

tấm giấy khen đầu đời


Image result for Bantam Chickens

tấm giấy khen đầu đời
T Sâm

Phần nhiều, ai cũng thích danh hiệu như gấy khen, bằng khen, có người bỏ tiền ..mua.
Với tôi, tấm giấy khen đầu đời thấm đẫm nước mắt và như một vết thương đau đớn…
Tôi viết truyện này dựa trên những tình tiết có thực, những kỷ niệm về bố tôi.
Nhân ngày giỗ bố 24.7 âm lịch, lần theo khói hương về cõi Niết Bàn gặp Người. Đã 49 năm, như mới hôm qua, thời gian còn tươi mới...

Năm 1966 -1967, tôi lớp bốn, lớp học trong khuôn viên nhà thờ họ Từ Công làng Nguyệt. Thời kỳ ác liệt của chiến tranh, bộ đội đóng quân trong làng, một đợt họ ghé qua năm bữa, nửa tháng, chuẩn bị vào Nam.

Phong trào “Kế hoạch nhỏ” đang nở rộ. Trường phát động mỗi em góp một con gà tặng chú bộ đội. Lớp tôi, chỉ đếm trên đầu ngón tay là con “nhà khá giả” nhưng cơm chỉ hai bữa, cháo một bữa. Nhà tôi cơm một bữa, cháo hai bữa. Áo ướt thì cởi trần chờ khô. Nhà sáu người. Mẹ mất khi tôi lên tám, em út chưa được bốn tuổi.

Bố tôi như gà trống nuôi đàn con chưa tẻ bầy. Ông gầy rộc, cằn cỗi như rễ tre, lúc nào cũng lo mùa giáp hạt.
Tài sản lúc đó là đàn gà. Con mái già nua sống sót sau những mùa dịch bệnh. Một năm hai lứa, mỗi lứa gần chục con, chúng sinh sôi nảy nở. Chiều xuống, đàn gà ríu rít như bầy chim về tổ.

Khi bình minh chưa rạng, tiếng kẻng bộ đội báo thức, gà mẹ tục tác gọi bọn trẻ đang ngái ngủ dậy kiếm ăn. Biết ông chủ nghèo nên nó nghĩ về thân phận mình để chăm sóc đàn con. Gà mẹ như xe tăng dẫn đầu, đàn con như bầy lính trẻ hăng hái tiến về phía cào cào, châu chấu, cào bới giun đất. Chiếc xe tăng cổ dài như tháp pháo hướng về phía diều hâu từ trời phóng hỏa xuống, chuột cống, mèo hoang từ bụi rậm xông ra. Sau mỗi trận đánh, chiến trường sót lại những cụm lông tơi bời trước gió, nhưng số lính trẻ lúc nào cũng bảo toàn.

Sáng thứ hai có giờ chào cờ, học trò thường đến sớm hơn mọi ngày.
Tiếng gáy của gã trống choai đang vỡ giọng, tiếng cục cạc gọi con trong khoảng không của ả mái bước đầu làm mẹ. Tiếng ồ ồ của bác chọi đầu đàn. Cả lớp, đứa nào cũng cặp một con gà bên nách. Có đứa bỏ vào giỏ xách bằng cót khoét lỗ để cái đầu lòi ra chiêm ngưỡng đất trời lần cuối.

Thằng Ngon ôm con gà có mào đỏ như giọt máu. Hàng ngày nó bớt phần ăn cho người bạn có tiếng gáy dài đến cuối thôn. Nó vuốt lông, xoa móng và đút vào cổ họng vài hột bắp như ban cho kẻ tử tù đặc ân trước khi ra pháp trường. Con Hòe không rời chị hoa mơ đang tuổi ăn tuổi ngủ, nó chấp nhận một cách đau đớn cuộc chia ly không bao giờ gặp lại.
Chỉ mình tôi không có gà. Ai có gà là có giấy khen vì thành tích “Kế hoạch nhỏ”. Tôi ra về trong buồn tủi và ấm ức.

Đó là một ngày nặng nề nhất. Tôi bỏ cơm. Bố tôi nói “chờ tháng nữa gà tách bầy được không”. Tôi nấc lên “cả lớp chỉ còn một chắc (một mình) tui, thứ bảy là hết rồi, chỉ còn hai ngày nữa.
Tôi nói: “hay là bọ mua một con ca (gà) khác. Mạ thằng Hoan cũng mua chợ Cổ Hiền đó tề”. Ông quay mặt nói: “có tiền thì nói mần chi”.

Bữa tối muộn màng. Ông húp qua loa vài miếng cháo loãng rồi đi nằm sớm. Khoảng hai ba giờ sáng. Tôi nằm mơ tè ướt quần, thấy lành lạnh. Tỉnh dậy, thấy ông ngồi bên thềm lặng im như bức tượng.
Trăng suông cuối tháng mờ ảo trong khuya vắng. Bóng ông cong vênh như lưỡi hái móc trên vách sau vụ mùa thất bát.

Tôi đến cạnh, lặng im. Ông kéo tôi vào lòng và hôn lên tóc. Giọt nước mắt của ông làm tôi tỉnh lại. Ông ngồi đó tự khi nào tôi không biết. Nhìn hốc mắt trũng sâu và ngấn lệ tôi biết ông đã trải qua một đêm dằn vặt.
“Ngày mai mi đưa hắn đi, chỉ tội mấy đứa con hắn ”, ông nói, tôi “dạ” và đi ngủ.

Dậy sớm hơn mọi ngày với nụ cười tung tẩy đến trường. Thầy giáo và cán bộ lớp đón tôi. Họ đưa con mái già lên bàn cân và ghi vào sổ “3 ký”. Thầy giáo khen tôi trước lớp và trao cho tôi tấm giấy khen viết bằng tay có chữ ký của thầy bằng mực tím.

Thầy nói, “lớp ta hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thầy đang đề nghị nhà trường khen thưởng“. Tiếng vỗ tay rào rào. Đại diện đơn vị bộ đội phát biểu, “chúc các em học giỏi, nhất định chúng ta đánh thắng giặc Mỹ xâm lược“.

Hoàng hôn nặng trĩu sập xuống. Đám gà con như con trẻ không mẹ mất phương hướng. Chúng nháo nhác hỏi nhau về nhà bằng lối nào. Mười con chỉ còn tám, những thiên thần chưa đủ lông đủ cánh đi lạc nơi đâu.
Cả nhà tôi túa đi tìm. Trong vườn nhà, ngoài bãi, tìm mãi cũng thấy. Đây rồi, hai chú nằm phơi bụng, chân ngược lên trời. Lũ kiến lửa đang dùng lưỡi gươm khoét vào từng thớ thịt. Những đôi mắt tròn xoe ngầu đục, bất lực trừng trừng oán trách tôi. Tôi ôm nó vào lòng và nghe “chiếp .. chiếp”, hai tiếng cuối cùng của cuộc đời bạc mệnh như lời trăng trối. “Nó nhỏ quá chưa ăn được, tanh lắm“, chị tôi nói. Tôi chôn nó trong vườn và đắp ngôi mộ nhỏ xíu, nấm mồ bằng hòn sỏi nhỏ.

Mỗi ngày, khi bình minh thức giấc, chúng sợ hãi không dám ra chuồng. Nhưng cái đói bắt đôi chân yếu mềm phải bước, phải lê lết đi. Bỗng ré lên tiếng kêu thảm thiết. Bóng diều hâu sà xuống nhanh như rốc két. Con lông vàng bé bỏng bị đâm thủng ngực và xé nát từng mảnh bởi móng vuốt sắc nhọn.

Chiều đến, chúng tôi lại đi tìm. Trên chiến trường mỗi cái chết không bao giờ lặp lại. Con đốm nâu bị chuột cắt ngang đùi. Con rằn bông bị rắn cạp mất một chân. May mắn chúng tôi tìm được mấy thương binh nhỏ đưa về hậu cứ. Nhưng bệnh viện chưa có bác sĩ, không có máu tiếp tế và mất đi bàn tay chăm sóc của mẹ, những thương binh ấy chỉ tồn tại trên đời vài ngày ngắn ngủi.

Khoảng tuần sau, tiếng “chiếp ..chiếp” im hẳn. Những ngôi mộ có hòn sỏi bị san bằng. Khu vườn trống rỗng hoang vắng, xác xơ như trải qua đại dịch. Trước đây cũng vậy, phải mất mấy năm mới gầy lại được. Bố tôi nghĩ về mùa giáp hạt gần kề. Ông biết trước điều gì sẽ xảy ra lúc tôi nở nụ cười mãn nguyện ôm con mái ra đường.

Khi tôi áp tấm giấy khen và niềm vui vào ngực rồi trao cho ông. Ông lẵng lặng cất vào tủ.

Đó là tấm giấy khen đầu tiên trong đời.

Tối hôm đó, chị tôi lường hai lon gạo từ thùng pháo sáng đổ vào nồi. Bố tôi vục một nắm bỏ lại vào thùng và múc nước cho đầy thêm. Cháo loãng, tôi đái một lần là hết. Đêm lạnh mới thấm cái đói giày vò. Tôi không ngủ được, càng thức, càng đói, luân hồi ngày này sang tháng khác như số mệnh của kiếp người.

Vài năm sau, trước khi mất, bố tôi chỉ nói trong hơi thở một câu ngắn ngủi với tôi “ các con như.. những ..con.. gà”.

Khi đã trưởng thành, lúc dọn dẹp tôi gặp lại tấm giấy khen ngày trước. Tôi đặt lên bàn thờ, khấn và bật lửa đốt như tạ tôi với đấng vĩnh hằng.

Mỗi lần giỗ bố, tôi lại nghĩ đến đàn gà, như vết thương thời gian càng ngày càng đau đớn...

Nha trang, cuối tháng 7 năm 2011


 (trích từ Facebook của Từ Sâm)

Friday, September 15, 2017

dê húc càn, nếu trương chi đẹp trai




nếu anh trương chi đẹp trai, DHC

hoàng hi thy

 Năm 1981 tôi – Công Tử Hà Đông Hoàng Hải Thủy – được biết Dương Hùng Cường (DHC) viết, gửi sang Paris cho Trần Tam Tiệp bài Nếu anh Trương Chi đẹp trai. Tôi không được Cường cho đọc bài đó trước khi anh gửi đi, anh viết tay nên không có bản thảo giữ lại.
Một trong những “tội phản động“ làm cho DHC bị bắt tù và chết thảm trong tù là bài Nếu anh Trương Chi đẹp trai. Hai mươi năm sau khi đến Paris tôi có ý tìm đọc bài viết của DHC; nhưng người tôi có thể hỏi về bài đó là anh Trần Tam Tiệp thì khi ấy anh đã bị tai biến bệnh não trở thành gần như phế nhân. Anh sống trong một căn phòng nhỏ, nói khó và ngọng, anh ngồi xe lăn, bao nhiêu sách, văn liệu của anh mất hết. Anh quên gần hết chuyện cũ. Tôi thất vọng vì không được đọc bài Nếu anh Trương Chi đẹp trai. Trong nhiều năm tôi nghĩ tôi sẽ không bao giờ được đọc bài viết cuối cùng của Lão Dương Dê Húc Càn Dương Hùng Cường.
Lại 20 năm sống ở Kỳ Hoa vèo qua. Đêm khuya đầu Tháng Tư 2014, lang bang trên Internet tôi tình cờ tìm được bài Nếu anh Trương Chi đẹp trai của DHC. Tình cờ, vì tôi không cố ý tìm, bài viết hiện lên trên màn hình computer trong đêm khuya xứ người, phòng ấm, đèn vàng, ngoài trời đêm tuyết rơi. Tôi ngậm ngùi đọc

Nếu anh Trương Chi đp trai
và bài gii thitrên báo Nht Vit:

“Nếu anh Trương Chi đẹp trai”  của Dương Hùng Cường, viết ở Sài Gòn năm 1981, gửi lén ra ngoại quốc, đăng trong báo Nhất Việt ở Paris số Tháng 4-1982. Chủ đề của bài là“Mối tình Truơng Chi– cộng sản miền Bắc – và Mị Nương– tư sản Miền Nam.” Mị Nương nghe tiếng hát của Trương Chi, chưa gặp mặt đã thầm yêu trộm nhớ, đến khi gặp mặt Ngày 30 Tháng Tư 1975, thì cuộc gặp là một sự thật phũ phàng, thất vọng đau đớn ê chề cho Mị Nương.
Nhà văn Dương Hùng Cường sau khi học tập cải tạo sĩ quan về, lại bị Cộng sản bắt giam cùng với các văn nghệ sĩ Khuất Duy Trác, Doãn Quốc Sỹ, Hoàng Hải Thủy, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Trần ngọc Tư, Lý Thụy Ý … Công An Hà Nội gán cho những văn nghệ sĩ này là “Những tên Biệt Kích Cầm Bút.”.
Dương Hùng Cường chết trong sà-lim Trung Tâm Thẩm Vấn Số 4 Phan Đăng Lưu, Gia Định, ngày 22 tháng 1-1988. Ông là một nhà văn quân đội, binh chủng Không quân, viết với những bút hiệu Dê Húc Càn, Lão Húc, Lão Dương.
Bài “Nếu Anh Trương Chi đẹp trai” được viết như một bức thư gửi cho người bạn ở Paris.


Anh thân
Trong những cái lo hàng ngày như chuyện cơm áo, chuyện thường trú, tạm trú, chuyện hộ khẩu, chuyện hồi hương lập nghiệp, đi xây dựng vùng kinh tế mới, tôi lại thêm một cái lo nữa. Nhưng không sao, tôi sẽ viết, vì từ lâu tôi cũng muốn viết. Có nhiều thứ chất chứa trong đầu quá!

Tôi bắt đầu bằng một truyện ký.
Khi anh biết tôi viết “Nếu chàng Trương Chi đẹp trai” anh đã gửi trong thư vài hàng góp ý. Cảm ơn anh nhiều lắm. Tôi cũng định hạn chế cho mình là cái truyện ký này, chỉ nên viết từ hai trăm tới ba trăm trang. Kéo dài, dài mãi thì cũng được đấy, vì tới bây giờ chàng vô sản Trương Chi vẫn còn quản lý cái tài sản của nàng “tư sản phong kiến” Mị Nương, và cứ mỗi ngày lại lòi ra một cái xấu mới. Thành ra khó lòng mà làm một phát chấm hết truyện ký “Nếu chàng Trương Chi đẹp trai”.
Khi bắt đầu vào truyện tôi nghĩ ngay tới ngày đầu mà ông thừa tướng cho gọi Trương Chi vào phủ để gặp Mị Nương. Tôi dám chắc rằng ông thừa tướng không để cho chàng kịp sửa sang lại nhan sắc. Có thể lúc đó chàng đang mặc một bộ quần áo bẩn nhất, rách nhất. Có thể lúc đó, chàng vừa chèo xong một chuyến đò dọc đưa “khứa” vất vả, chưa kịp tắm rửa nên đen đủi hôi hám.
Ông Thưà tướng cáo già phải lựa lúc nào chàng bẩn nhất, xấu nhất, hôi nhất, tuy rằng lúc bình thường chàng đã bẩn, đã xấu, đã hôi. Đúng cái lúc đó cho chàng gặp Mị Nương. Người viết truyện là tôi thì cho cái ngày mà chàng vô sản Trương Chi gặp nàng tiểu thư tư sản phong kiến Mị Nương là ngày 30 tháng Tư năm 1975.
Bắt đầu câu chuyện là thế đấy, anh ạ.

Vậy tại sao ta lại gọi Ngày 30 Tháng Tư 1975 là Ngày Bại?
Ngày thưà tướng cho Mị Nương gặp Trương Chi để cho cô thấy hết cái xấu của chàng vô sản để rồi chê anh chàng hơi kỹ, là ngày thua của ông thừa tướng cáo già hay sao? Không, ngày đó ông ta thắng chứ, mà lại thắng lớn. Tiếng hát của chàng vô sản Trương Chi, từ đây không còn “ép phê” với cô tiểu thư Mị Nương nữa rồi.
Tôi đã được nghe một bà già ở Bến Tre nói những câu làm mình mát long, mát dạ. Bến Tre, quê hương Đồng Khởi đấy nhé. Bà ta nói oang oang không một chút sợ sệt tránh né:

Các ông có biết không, ngày xưa tôi nuôi nhiều đứa lắm. Tôi rút nõ trái mít, khoét hết ruột rồi đổ gạo vô cho đầy, đậy cái nõ lại mang gạo đi nuôi chúng nó. Tôi dấu chúng nó dưới hầm kín. Nếu mà biết như thế này thì hồi trước gạo có dư tôi nuôi thêm vài ba con chó. Bây giờ có chuyện gì chúng nó trốn vào trong quần tôi, tôi cũng vén cái quần lên cho nó lòi cái mặt chó nó ra !”
Ấy đấy, cái ngày 30-4-1975 đã làm thay đổi cả một hệ thống tư tưởng, suy nghĩ, hành động của một giai cấp được đặt lên đỉnh cao trung kiên, thì dù ai muốn nói thế nào cũng mặc, tôi vẫn cho Ngày 30-4-1975 là ngày chúng ta đại thắng.

Chàng vô sản Trương Chi mọi người đều biết là giỏi về nghề hót. Chàng đã hót rất kỹ về ba cái chiến thắng. Chiến thắng Điện Biên. Chiến thắng Tết Mậu Thân. Chiến tháng 30-4-1975. Một cái thực và hai cái hư, tạo nên cái hư hư thực thực để người ta dễ lầm, thật giả khó phân. Chiến thắng Điện Biên là thực, vì dù sao, chín năm kháng chiến đánh Tây chưa lòi cái bộ mặt quốc tế vô sản ra, chúng nó còn có được chính nghĩa. Như vậy thì chiến thắng Điện Biên của 1954 không phải là của riêng giai cấp vô sản mà của toàn dân. Ai là người Việt Nam cũng có quyền chia phần hãnh diện. Nhưng hai cái chiến thắng giả tạo là chiến thắng Tết Mậu Thân và chiến thăn 30-4-1975.
Ôi cái Tết Mậu thân bỉ ổi đê hèn mà chúng mình đã chứng kiến, cái chiến thắng ấy mới thê thảm làm sao. Chúng nó đã lùa vào thành phố một đám con nít ngớ ngẩn, đường lối trong thành phố còn mù tịt, dù có cho phép đi thong thả dạo chơi thì cũng lạc đường như một lũ mán về thành, còn đánh đấm cái gì? Ông Tướng Trưởng đã gọi là nhử cọp vào nhà, đóng cửa lại mà thọi. Ấy thế mà cũng huyênh hoang là chiến thắng! Tôi nhớ là phải ngoảnh mặt đi, ói mửa khi thấy xe xúc đất, xúc từng tảng xác chết đó đổ xuống một cái hố chôn tập thể ở đầu đường bay Tân Sơn Nhất. Vài ba tháng sau còn có những xác chết thối rữa trên trần nhà. Cứ nghĩ tới là nguyền ruả. Thế mà là chiến thắng đấy. Anh Trương Chi đã hát sai điệu.

Rồi tới chiến thắng 30-4-1975. Đến bài hát này anh Trương Chi đã trình bày giọng ca vô sản lên tới cái mức trơ trẽn và trưng tráo nhất. Trong một bài hồi ký kềnh càng của tên đại úy Bùi Đức Nhung, tả chiến công tiến chiếm Dinh Độc Lập, đã kể rằng trên đường đi hắn đã mấy lần nhảy từ xe thiết giáp xuống hỏi thăm dân Sài Gòn đường đi tới dinh Độc Lập. Mẹ kiếp, đường đi còn chưa rõ thế mà vẫn khoác lác là sửa soạn kỹ, nào là tập lâu ngày bằng bản đồ với sa bàn. Chưa thấy đứa nào dối trá, láo xược bằng cái thằng vô sản Trương Chi.
Có chiến thắng là phải có xác chết. Bài ca mà chàng vô sản Trương Chi coi là sở trường của chàng “nghề của chàng” là bài ca Buôn Xác Chết. Cái gì chứ xác chết mang đi buôn lời là cái chắc. Người ta đi buôn chỉ mong một vốn bốn lời, nhưng đi buôn xác chết thì chẳng mất vốn, mà lời lại quá kỹ, vậy thì muôn năm Bài Ca Xác Chết.
Chiến thắng Điện Biên… Ôi nhiều xác chết quá, tha hồ mà buôn. Kéo pháo qua núi qua đèo, một xu cơ giới không có thì ta ca lên “Dốc núi cao nhưng lòng người quyết tâm của ta còn cao hơn núỉ”. Một đám kéo pháo, một đám đun đít pháo một kéo một đẩy. Cứ thế mà nhúc nhích. Nhưng đến lưng chừng dốc thì phựt một phát, dây kéo pháo đứt. Chết mẹ mấy thằng đun đít pháo. Pháo thụt lùi. Mấy thằng ở hai bên, trong lúc phản ứng cấp thời, nhảy vội sang bên cạnh để cứu lấy mạng. Những thằng đứng giữa, nhảy về bên nào cũng kẹt, lại vướng mấy thằng đứng ngoài. Lúc nhảy được thì lại đụng vào bánh xe pháo nên bị cán lòi phèo, chì còn ngáp vài cái là thành ngay cái xác chết. A, có xác chết rồi! Phải ca lên bản “Bài ca buôn xác chết”. Đồng chí nào đấy? A, đồng chí Tô Vĩnh Điện. Mấy anh nhà báo, nhà văn đâu ? Làm ngay bài ca tụng người anh hùng “lấy thân chèn pháo”. Phổ biến ngay tới các đơn vị, hành động anh hùng lấy thân chèn pháo, các đơn vị đang làm nhiệm vụ kéo pháo phải học tập ngay buổi tối hôm nay. Đồng chí Tô Vĩnh Điện, nhờ thành xác chết mà được bốc thơm hơi kỹ. Xong một Bài Ca Buôn Xác Chết.
Ô hô, bài ca buôn xác chết ấy, một phát tên mà bắn trúng tới vài ba con chim. Đồng chí Tô Vĩnh Điện có thành xác chết thì cũng khoái đến phải gật gù cái đầu. Các đồng chí lãnh tụ cũng khoái, vì đã che lấp được cái bất cẩn của mình. Chỉ cần một khúc gỗ chèn, nhích được tới đâu chèn ngay tới đó, thì dù cho dây có đứt cũng chẳng đến nỗi. Hơn nữa, dây dợ ra sao phải kiểm soát chứ, để cho nửa chừng đứt gánh, trách nhiệm đó về ai?
Xác chết mà buôn được thì một phần thân thể mà chết đi cũng có thể mà buôn được. Đồng chí La Văn Cầu trong lúc xung phong, bị đạn, gãy một cánh tay, thấy cánh tay gãy lủng lẳng vướng víu, đồng chí vừa rút mã tấu, chặt phăng cái tay gẫy rồi tiếp tục xung phong. Bài ca Buôn Cánh Tay Chết ca lên nghe cũng hay hay. Đồng chí La Văn Cầu được yết kiến Hồ Chủ Tịch và được Bác tặng thưởng huân chương kháng chiến hạng nhì. Bài ca này khi được mang ra học tập tại lớp Học Tập Ba Ngày, mở ra sau này, đã được một anh đội Ngụy bổ túc thêm cho một đoạn.
Khi đưọc yết kiến Bác, đồng chí La Văn Cầu cứ thắc mắc về cái huân chương Kháng chiến hạng nhì. Đồng chí nói với Bác là nếu đồng chí chặt cả hai cánh tay thì đồng chí có bắt được cái hạng nhất không? Bác gật đầu. Ấy thế là đồng chí đã dũng cảm xuống ngay dưới bếp của Bác, vớ con dao phay chặt phăng cánh tay còn lại. Cả lớp học tập ấy đã vỗ tay hoan hô đồng chí La Văn Cầu quá xá cỡ. Nhưng khi ra khỏi lớp học anh Cai Dù Ngụy hỏi anh Đội Ngụy rằng làm sao mà đồng chí La Văn Cầu lại tự chặt được cánh tay còn lại, thì được trả lời bằng những tiếng cười hì hì xỏ lá….

Chiến thắng Tết Mậu Thân…. Cái chiến thắng này thì nhiều xác chết thật đấy nhưng vì nó gấp quá, quen thuộc quá với dân thành phố Miền Nam, nên chàng vô sản Trương Chi không đủ can đảm trâng tráo trơ trẽn để mà ngồi xổm bài tiết ra những bài ca Buôn Xác Chết. Đành phải nhai lại cái xác chết Nguyễn văn Trỗi. Nhưng cái xác chết này đã từng ngâm mình ở con sông dưới cầu Công Lý, tục gọi là Bến Tắm Ngựa, nên có vẻ hơi nặng mùi. Chiến thắng Tết Mậu Thân thành ra vắng Bài Ca Buôn Xác Chết.
Rồi tới chiến thắng 30-4-1975. Cái chiến thắng này thì lại khác hẳn, vì không có xác chết. Thì nào có đánh đấm cái mẹ gì đâu mà có xác chết? Ở cái chỗ nào cũng vậy, thường là sau khi kết thúc một trận chiến, lại bày ra một cảnh đổ vỡ tan hoang, nhiều khi không còn viên gạch nào nguyên vẹn. Nhưng mà ở đây không sứt mẻ, không sây sứt môt tí tẹo nào. Như vậy thì sao gọi là cuộc chiến đã kết thúc? Đường số 1 không gãy một cây cầu! Mấy con đường xe cộ vẫn chạy phom phom, không môt khúc nào bị cắt đứt. Cả một thành phố Sài Gòn chỉ đổ có cái cổng Dinh Độc lập vì cái thằng lái xe thiết giáp loạng quạng, ra cái điều hách dịch phách lối, húc đánh rầm một phát. Nếu nó ngừng tại chỗ cho người ta mở cổng, rồi đi vào thơ thới hân hoan, thì Sài  Gòn sẽ được tiếng là còn nguyên xi, chưa rụng một cái sợi lông sợi tóc.
Ấy cũng chỉ vì không có xác chết mà đại thắng mùa Xuân đâm ra táo bón bài ca Buôn Xác Chết. Nhưng chàng vô sản Trương Chi nổi danh về tài hót, đâu có chịu ? Thì vẫn có cái xác chết nằm chình ình ra đấy thôi? Không còn xác chết nào để buôn, thì chúng buôn xác ông già. Nào, một, hai, ba, ta đồng ca:
Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng,
Lời Bác nay  thành chiến thắng huy hoàng (…)


Ngày chiến thắng ấy có huy hoàng hay không, thỉ tôi sẽ viết trong truyện ký Nếu chàng Trương Chi đẹp trai. Tôi viết đã được một trăm trang. Có một điều lạ là càng viết thì đầu óc lại càng sáng tỏ ra nhiều vấn đề. Những ngày đầu tháng 5 của năm 1975, tôi cực kỳ oán hận những kẻ đã để tôi ở lại đây. Phương tiện của Cờ Hoa năm 1975, có thể nói gấp ngàn lần phương tiện của Tây năm 1954. Năm 1954, Tây còn mang đi được môt triệu người. Ấy vậy mà năm 1975 … đạp lên nhau mà đi, bước lên xác nhau mà đi, con số chắc cũng chỉ tới trăm ngàn. Trong một lúc quá chán nản, tôi làm một bài thơ tự vịnh thân phận:

Ba chìm bảy nổi chín lênh đênh
Một ván cờ thua ngã chổng kềnh
Bạn đỏ thiết tha mà dứt bạn
Tình vàng phụ bạc vẫn theo tình.
Tương lai trước mặt sao mù mịt
Dĩ vãng sau lưng lại bấp bênh
Trở giấc sao mình thao thức mãi
Quanh mình bóng tối cứ mông mênh.

Rồi tiếp theo là mấy năm đi học cải tạo. Trong nhiều lúc chán đời tôi chỉ muốn chết. Nhìn gần thì nhìn thấy mình và người chung quanh cứ mòn mỏi, cùn rỉ để rồi dần dần gục xuống. Nhìn xa thì thấy tương lai Miền Nam đi tới chỗ diệt chủng. Những thằng đàn ông có khả năng đẻ đái thì bị nhốt hết trong trại học tập cải tạo, còn sót lại thằng nào ở bên ngoài, thì lại được khuyến khích bằng sự hạn chế sinh đẻ. Hơn nữa cái chính sách lương bổng thật tồi tệ. Cha mẹ không nuôi nổi con cái, con cái không nuôi nổi cha mẹ, anh em không nâng đỡ nổi nhau thì đẻ thêm làm cái gì ?… (…)
Khi ra khỏi trại học tập cải tạo, gặp thằng Công Tử Con Bà Cả Đọi. Hắn tả cảnh sống của hắn và đọc cho tôi nghe bài thơ Cực Tả

Cửa đóng màn che đã mấy thu
Đời tàn ngõ hẹp sống như tù
Quẩn quanh học lại Thiền Đông Độ
Vào ra luyện mãi Pháp Tây Du
Rầu rĩ Giáng Tiên ngồi gãi háng
Nẫu nà Từ Thức đúng xoa khu
Ăn chỉ tương cà, chê thịt cá
Sống chẳng tu hành cũng quá tu.

Tôi lại càng buồn, mẹ kiếp ! Đông độ với Tây du. Nước Mỹ với nước Tây thì cũng chán mớ đời. Tôi hoạ lại bài thơ ấy bằng bài Quân Tán, nghĩa là Tan Hàn:

Quân tán còn chi xuất với thu
Sống thừa thì cũng xác thân tù
Hữu tật cam đành câu bất dụng
Vô tài nên chịu tiếng nan du.
Những tuởng khoan hồng anh hạ bộ
Nào ngờ mắc bẫy chú Xuân Khu
Chung cuộc vài năm cầm cán cuốc.
Tu đọi, tu huyền ấy cũng tu.

Anh cứ nhớ rằng lúc nào anh em chúng mình làm thơ Đường, ấy là lúc chúng ta buồn và rất chán đời.
Nhưng từ lúc viết Nếu chàng Trương Chi đẹp trai thì tôi hăng hái hẳn lên. Nghĩ tới ngày đầu tiên Mị Nương gặp Trương Chi là tôi nhớ tới cả một cuốn phim dĩ vãng của những ngày đầu Tháng Năm lịch sử. Nàng Mị Nương và chàng Truơng Chi hẳn cũng đã xảy ra chuyện “ngôn ngữ bất đồng. Tôi cười một mình, nhớ tới mẩu đối thoại giữa cô bán thuốc lá ở trước cửa nhà và một anh bộ đội
– Bán cho tôi bao thuốc ná…
– Dạ anh mua thuốc?
– Không bán cho tôi bao thuốc ná?
– Dạ anh mua thuốc nào?
Tiếng gắt gỏng:
– Cái cô này nạ chửa. Người ta mua thuốc ná mà nại cứ hỏi người ta mua thuốc nào.
Giọng trả lời vẫn dịu dàng :
– Dạ thì tôi hỏi anh mua thuốc nào ? Thuốc Ru by, thuốc Cáp tăng hay thuốc Bát?

Ngôn ngữ bất đồng là thế đấy. Khu nhà tôi ở bên kia cầu chữ Y, nên sau ngày 30-4-1975, quanh nhà thật đông bộ đội. Con nhỏ người làm nhà tôi đã biểu diễn một bộ mặt ngớ ngẩn khi một anh bộ đội tới hỏi mượn “một cái bàn nà” hay mượn một cái phễu. Tôi phải nhắc nó đua anh ta mượn cái bàn ủi hay cái quặng, lúc đó nó mới à lên một tiếng tự nhiên.
Buổi sáng buổi chiều là những lúc nhàn rỗi của mấy anh bộ đội. Những anh chàng này ít đi chơi vì Sài Gờn đối với mấy chàng chẳng có gì hấp dẫn. Đường phố thì dài dằng dặc. Đi bộ thì mỏi chân. Vượt Trường Sơn thi được nhưng đi bộ trên đường phố Sài Gòn thì các chàng lại chê. Vài chàng may mắn gặp được gặp người quen hay bà con họ hàng di cư vào đây năm 1954 nhưng họ cũng chỉ cho ăn vài bữa cơm rồi cũng lơ là. Bởi vậy các chàng không còn thú vui gì chỉ ngổi xúm lại với nhau tán gẫu. Cái lối ngồi của mấy chàng cũng lạ. Chúng mình thì ngồi bệt xuống, đặt cái mông xuống hè cho nó thoải máì, thằng nào muốn sạch thì lót cái khăn mùi xoa hay tờ giấy báo. Nhưng mấy chàng thì ngồi ở cái thế mà chúng ta hay biểu diễn ở những lúc ta ở trong cầu tiêu. Cứ ngồi xổm như thế mà nói chuyện râm ran, cả mấy giờ đồng hồ. Sáng, trưa chiếu lúc nào cũng có vài ba chàng hay đông hơn nữa ngồi ở đầu hè nói chuyện với nhau. Cứ ở tư thế “ngồi nước lụt”. Đứa cháu gái lớn một hôm ngồi ngắm các anh chàng rồi bảo tôi:
– Sấm, sấm rồi bố ạ!
Tôi ngạc nhiên hỏi lại:
– Thế nào mà lại là sấm?
– Thì bố vẫn giảng cho con nghe những bài thơ, những câu phong dao tục ngữ không có tác giả đọc lên tối nghĩa một chút, không chừng là sấm. Như câu “hết quan tàn dân, thu quân bán ruộng”. Như câu …
– Rồi, rồi, nhưng cô định cho câu nào là sấm đây?
Con bé ra mặt nghiêm trang:
– Con nghĩ tới bài thơ con cóc” Con cóc trong hang, con cóc nhảy ra. Con cóc nhảy ra, con cóc ngồi đó. Con cóc ngồi đó, con cóc nhảy đi”. Mới đầu con cứ thắc mắc mãi về con cóc, không hiểu rằng con cóc ám chỉ cái gì. Bây giờ nhìn mấy đứa kia nó ngồi chồm hổm, mới thấy y như hệt con cóc. Bố thấy chúng nó có giống con cóc hay không?
Tôi không trả lời đứa con gái nhưng trong lòng như ngầm đồng ý. Cũng như tôi đã mắng chúng nó khi chúng nó trả lời nhửng câu trêu chọc mấy chàng bộ đội bằng câu ca dao:
     Khoai lang chấm muối ăn bùi
Lấy chồng bộ đội lấy cùi sướng hơn.
Tôi mắng nhưng trong lòng hả hê. Ừ, có thể là sấm thật đấy. Và bây giờ khi viết Nếu chàng Trương chi đẹp trai tôi đã gọi Ngày 30-4-1975 là ngày VNCH đại thắng.
Đã là ngày đại thắng thì chỉ nên luận công mà không luận tội. Người Mỹ đã tạo nên ngày 30-4-1975, cũng như ông thừa tướng đã tạo nên ngày Mị Nương gặp Trương Chi. Ôi, cả công lao tuyên truyền, cả một hệ thống tư tưởng từ Nam chí Băc sụp đổ thảm thương. Đi xe đò từ Bắc vào Nam, cứ tới Quảng Trị người dân miền Bắc yên trí là cái mông đít không còn bị hành hạ. Vào tới trong Sài Gòn nhiều kẻ đã ở lại, không muốn về, đấy là bây giờ Sài Gòn kém trước quá xa.
Công của ông Thiệu sửa soạn cho Ngày 30-4-1975 cũng quá lớn. Nhất là cái chương trình “Người cày có ruộng”. Mua lại ruộng đất của điền chủ, rồi phát không cho nông dân mỗi người ba mẫu với bằng khoán cẩn thận, ông Thiệu đã bẻ gãy cái liềm trên lá cờ có cái liềm cây buá. Lại còn ngân hàng quốc gia Nông tín Cuộc cho nông dân vay tiền mua máy cày, máy bơm nước tới muà thì trả. Không trả được thì khất lại. Cả một chính sách cải cách ruộng đất mà những anh chàng vô sản rất lấy làm hãnh diện, ấy thế là…đi đoong.Thâm độc hơn nữa là cái vụ cấy luá Thần Nông. Cái thứ lúa ngắn ngày này phải cần bón phân cho nhiều. Mà lại phải là phân hoá học nhập cảng. Thì có chi lạ. Muốn chóng lớn thì phải ăn nhiều. Thấy lúa ngắn ngày, mấy chàng “cứ tưởng bở ” mang ngay về Bắc làm giống, huyênh hoang khoác lác quá xá, để rồi mấy năm mất mùa và cho tới nay phải trở lại cày cấy hai vụ chiêm mùa…. Thật là thâm quá thâm mà độc quá là độc.

Lại sắp tới Ngày 30 Tháng Tư.
Từ 1975 đến 1982, đối với mọi người kể cả tôi, cũng đã gọi là quá dài.
Mấy thằng Tây thất bại vì đã trở lại sớm quá. Chín năm kháng chiến chống Tây, chúng nó đã có thật đông chính nghĩa. Nhưng rồi sau chín năm? Và tới bây giờ Trương Chi đã lộ mặt thật xấu bẩn. Mặt nạ chính nghĩa rơi rớt tơi tả.
Anh nói với bằng hữu: làm gì đi chứ? Chia rẽ làm chi, tội nghiệp quá đi thôi! Đoàn kết không phải là tôi đi theo anh hay là anh đi theo tôi. Đoàn kết là dẹp bỏ hết mọi tị hiềm, xung khắc để cùng chung lo việc cấp bách trước mặt là … Phục Quốc.
Rất thân chào Anh, Lão Húc
CTHĐ Sao Y Bản chính.

Thảm cảnh 30 Tháng Tư 1975.
thảm cành 30.4

Một buổi sáng Tháng Tư năm 1984 Dương Hùng Cường và tôi cùng vào Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu.
Một buổi trưa Tháng Tư năm 1985 Dương Hùng Cường và tôi cùng vào Nhà Tù Chí Hòa.
Một buổi sáng Tháng Giêng năm 1989 từ Nhà Tù Chí Hòa một mình tôi lên Trại Tù Khổ Sai Z 30 A. Một buổi sáng năm 1988 từ Nhà Xác Nhà Tù Chí Hòa Dương Hùng Cường lên Nghĩa Trang Lái Thiêu.
Đầu năm 1987 bọn Cộng Hà Nội định đưa nhóm văn nghệ sĩ bị gọi là bọn Biệt Kích Cầm Bút ra tòa. Nhóm văn nghệ sĩ này 8 người: Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Doãn Quốc Sĩ, Khuất Duy Trác, Dương Hùng Cường, Trần Ngọc Tự, Lý Thụy Ý, Nguyễn Thị Nhạn, Hoàng Hải Thủy. Họ bị khép tội gián điệp. Án phạt tội gián điệp cao nhất là tử hình, thấp nhất là tù khổ sai 12 năm. Bọn ký giả bị rọ mõm trong hai tờ báo Công An, Tuổi Trẻ reo hò: “Bọn gián điệp sẽ phải cúi đầu nhận tội trước nhân dân..” Để chuẩn bị cho phiên xử bọn công an đưa Doãn Quốc Sĩ, Dương Hùng Cường, Lý Thụy Ý, Nguyễn Thị Nhạn từ Nhà Tù Chí Hòa về giam ở Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu. Dương Hùng Cường chết trong đêm trong một sà-lim. Xác anh được đưa về Nhà Xác Nhà Tù Chí Hòa. Vợ con DH Cường được gọi tới nhìn mặt người tù lần cuối. Bọn cai tù Chí Hòa cho xác người tù chết vào áo quan, cho xe nhà tù đưa lên chôn ở Nghĩa Trang Lái Thiêu.
Anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt chết trong Nhà Tù Chí Hòa.
Phiên xử bọn Biệt Kích Cầm Bút bị hoãn cho đến đầu năm 1988 mới được đưa ra tòa. Lần này tội gián điệp trong cáo trạng bị bỏ, thay vào đó là tội tuyên truyền phản cách mạng: án tù tối đa 12 năm tù khổ sai, án tù tối thấp tù khổ sai 2 năm. Nhóm văn nghệ sĩ vào tù 8 người, còn 6 người ra tòa.
Dương Hùng Cường viết bài Nếu anh Trương Chi đẹp trai ở Sài Gòn năm 1981. Ba mươi năm sau – 2014 – Kỳ Hoa Đất Trích, đêm khuya tôi đọc Nếu anh Trương Chi đẹp trai.
Cảm khái cách gì!

Friday, September 8, 2017

đạp xích lô




chuyn ca mt thi
Vũ Thế Thành

Thằng bạn Việt kiều mới đây gửi mail cho tôi: "…Sài Gòn dạo này còn nhiều xích lô không? Cứ đến những ngày tháng Tư này, tao lại nhớ đến xích lô. Bây giờ, mày chạy hai bánh nổi không?…"
Chạy hai bánh ở đây là nghiêng xe, giữ thăng bằng, thì xích lô ba bánh có thể chạy bằng hai bánh.
Tên Việt kiều này có thời là đồng nghiệp xích lô của tôi. Nó đang theo học ban triết (Tây) thì đứt phim. Sau 75, mọi ngành học bên văn khoa (trừ ngoại ngữ) đều có “vấn đề”, môn triết lại càng có “vấn đề” hơn nữa. Nó phải bỏ học, sống lông bông đủ kiểu. Tôi theo ngành khoa học nên được chiếu cố cho học nốt những môn còn thiếu, ra trường và làm việc tại một trung tâm nghiên cứu.

Một buổi chiều cũng dạo tháng Tư thế này, lang thang ngoài phố, tình cờ gặp nó đang đạp xích lô. Tay bắt mặt mừng. Y ra hiệu cho tôi bước lên xe, chở thẳng ra quán nhậu lề đường. Chén thù chén tạc, đời xích lô lắm chuyện ly kỳ bụi bặm. Y nói:
-Tao mướn xe tháng, xài không hết công suất, chiều tối hay sáng sớm gì đó, khi nào rảnh, mày lấy xe tao chạy kiếm thêm tiền.
- Tao chưa thử xích lô lần nào. Có dễ chạy không?, tôi hỏi.- Không khó lắm.
Nói vậy cũng hơi ngần ngừ, ngoài giờ làm việc cho cơ quan nghiên cứu, tôi còn dạy kèm luyện thi đại học cũng kiếm thêm được chút đỉnh, đủ nhậu lai rai. Một bà bước đến bên bàn nhậu hỏi:
- Xích lô! Có đi không?
- Nghỉ rồi dì, thằng bạn lắc đầu.
Vài ly rượu đủ làm tôi bốc lên:
- Để tao! Ngồi đó chờ một chút.
Tôi quay qua bà khách:
- Dì đi đâu?
Hình như tôi có khiếu… đạp xích lô. Chẳng cần tập tành gì cả, mọi thứ đều an toàn, trót lọt. Nửa tiếng sau, tôi trở lại quán rượu, đặt số tiền cuốc xe đầu tiên lên bàn, cười sảng khoái:
- Năm giờ rưỡi chiều mai, tao ghé nhà mày lấy xe.

Những năm sau 75 mọi thứ đều đổi đời. Leo lên chiếc xích lô, tôi cũng phải ăn mặc và bộ tịch như một người đạp xích lô thứ thiệt. Xắn cao ống quần chân phải để khỏi bị xích xe nghiến nát, kẻo tai nạn dập mặt cũng không chừng. Nhưng điều quan trọng là phải đội nón, tránh nắng là chuyện nhỏ, tránh gặp người quen mới là chuyện lớn. Thành phố Sài Gòn đông người mà ngõ hẹp, không ít lần tôi đã “đụng” phải học trò, đồng nghiệp, thậm chí cả bạn (gái) ngoắc xe. Đời lắm nỗi oái oăm!
Có lần tôi chở hai bà khách, mà trọng lượng của cả hai chắc cũng trên tạ rưỡi. Trưa nắng, dốc cầu Thị Nghè dài như vô tận. Tôi chợt thấm thía câu thơ của Cao Bá Quát: Trời nắng chang chang người trói người… Trời ơi! Hai bà khách vẫn vô tư cười nói, sao họ không xuống xe đi bộ một quãng cho mình đỡ khổ! Cho dù thế nào, có Chúa làm chứng, tôi đã tận lực làm tròn nhiệm vụ của thằng đạp xích lô. Dốc mỗi lúc mỗi cao, lực bất tòng tâm, tôi không còn ghì nổi tay lái, chiếc xe đổ nhào về phía trước… Đôi khi con người cũng nên biết lắng nghe những lời chửi rủa mà tưởng như đang nghe nhạc trữ tình. Cuộc đời nhờ đó sẽ đỡ khổ hơn chăng?

Một trường hợp khác, tôi chở một bà khách ăn mặc quý phái, túi da, vòng vàng, son phấn sáng rực. Thỏa thuận địa điểm và giá cả xong, tôi khởi hành, dù giá hơi hẻo, nhưng chở một người thì xe cân bằng, dễ chịu hơn đi xe trống. Khi tới nơi, bà khách nói đi xích tới nữa, sắp tới, và tới nữa… cũng cả hơn hai cây số. Đến đây thì tôi hiểu mình bị lừa vặt. Tôi dừng xe lại, và lịch sự mời bà khách xuống. Bả sừng sộ: Mày là thằng đạp xích lô, chứ là cái thá gì mà đòi nói bà xuống… Tôi nổi nóng, nhảy xuống xe, định ăn thua đủ, nhưng thoáng thấy quần mình đang mặc ống thấp ống cao… Trong nháy mắt, tôi chợt nhận ra đúng thân phận, mình chỉ là thằng đạp xích lô. Tôi xua tay: Tặng bà cuốc xe đó, rồi lên xe đạp thẳng, còn kịp nghe tiếng nguýt đuổi theo: Xí…! Nghèo mà còn làm phách…

Những năm cuối thập niên 70, đầu 80 chẳng ai sống bằng lương nhà nước nổi. Lương kỹ sư khoảng 73 đồng. Nhu yếu phẩm gạo (13kg), đường (0,5kg), thịt mỡ (0,6kg)… được mua theo giá chính thức. Cũng phải kể, đàn ông được mua thêm 3 gói thuốc đen, phụ nữ vài thước vải mùng. Mấy thứ này ngốn hơn nửa tiền lương rồi. Còn giá thị trường đại khái thế này: 3đồng/tô phở bình dân, 3đồng/xị rượu hạng bét, 0,5đồng/ly cà phê bắp… Mức sống tiêu chuẩn cán bộ (kỹ thuật) là thế. Còn dân thường hầu như phải vật lộn theo giá thị trường. Sổ gạo khi có khi không, chen lấn, khoai mì, bo bo, hàng độn đủ thứ… Vậy mà thiên hạ vẫn sống, vẫn loay hoay kiếm cái gì đó để ăn, để tồn tại. Sức đề kháng của con người để sinh tồn trong nhiều trường hợp thật không tưởng tượng nổi. Sau này tôi mới hiểu vì sao mấy ông tù cải tạo, phải chờ thả về nhà mới chịu… đổ bệnh.

La cà trong giới xích lô tôi mới biết ra rằng, không ít người là trí thức (cũ) đã chọn con đường mưu sinh này. Khá bộn cái gọi là “ngụy quân, ngụy quyền” cũng tham gia vào nghề này. Họ khó có chọn lựa nào khác. Ai cũng tìm cách che giấu thân phận, nhưng “phát hiện” ra nhau không phải là điều khó. Lúc ế độ, không có khách, tấp vào bóng mát nào đó, nằm khểnh trên xe đọc sách. Tri thức vẫn là một nhu cầu, ngoài chuyện ăn uống.

Tôi biết có nhiều nhà giáo sau 75 bỏ nghề để đi hớt tóc dạo, bán thuốc lá lẻ, sửa giày dép… Tôi hỏi một vị: Bộ không được lưu dụng hay sao mà bỏ nghề giáo? Làm nghề này chi cho cực?–Không, tôi tự nguyện “mất dạy”. Tôi thà mất dạy…, ông cựu giáo chức cười méo miệng. Tôi không hỏi thêm nữa, sợ ông buồn.

  Có một nghề mà mấy ông cựu thầy giáo rất thích, nghề bơm mực, bởi nó dính dáng tới văn phòng tứ bảo, cũng gần gần với cái “nghiệp” năm xưa của mấy ổng. Tôi xin mở ngoặc một chút để các bạn trẻ có thể hình dung về cái nghề lỗi thời này. Bút bi mà các bạn đang dùng, xài hết mực thì vất đi. Sau 75, bút bi thuộc loại “quý giá” và là hàng dễ hỏng. Bút nào mà xài được tới hết mực, được xem là hàng… phẩm chất cao. Xài hết thì mang ra ngoài đường bơm mực, xài tiếp. Nói tới bút dỏm, mà không nói tới giấy dỏm thì có vẻ hơi thiếu. Giấy vàng khè, còn lộm cộm những bã rơm rạ nghiền chưa kỹ, đè bút mạnh tay một chút để ra chữ, có khi văng cả bi ra ngoài. Tôi còn lưu giữ khoảng vài trăm trang giấy như thế, là các báo cáo và bản dịch tài liệu kỹ thuật. Đôi lúc ngậm ngùi, nhìn lại bút tích của chính mình. Quả là một thời kiên nhẫn không cần thiết.


Không phải khách đi xích lô nào cũng hãm tài như tôi vừa kể ở trên. Khách đàn ông dễ chịu hơn, ít kì kèo. Khách nhi đồng thì miễn trả giá, cỡ nào tôi cũng chạy. Khách hào phóng nhất, mà đôi khi cũng xù tỉnh queo nhất là mấy em đi… khách. Sập tối sáu, bảy giờ là ra quân, hôm nào trúng mánh thì trả đậm, trật mánh thì hẹn… kiếp sau. Có khách lên xe, buông một câu: Anh chở tôi đi đâu loanh quanh cũng được, đi đủ hai tiếng đồng hồ. Thời buổi đó, lên voi xuống chó, tình người đẩy đưa, tình đời đen bạc, tâm tư chất chứa đủ chuyện. Người khách im lặng suốt cuốc xe. Tôi chở khách, chở luôn nỗi buồn thời cuộc của họ.

Một buổi sáng chủ nhật, tôi chở bà khách từ chợ An Đông. Bà bao xe nguyên ngày, đi nhiều nơi trong Sài Gòn, mỗi nơi bà đi vào khoảng nửa tiếng, rồi trở ra đi tiếp. Đi kiểu này thì khỏe, tôi khỏi tốn công cảo xe lòng vòng kiếm khách. Tới nơi, khách đi công chuyện của khách, tôi ngả người lên xe nằm chờ, và lấy sách ra đọc. Chặng cuối cùng, bà yêu cầu đi ra Bến xe Miền Tây để đón xe đò về Rạch Giá. Có vẻ như đã xong công việc, bà khách ngồi trên xe vui vẻ bắt chuyện:
- Anh đạp xích lô lâu chưa?
- Chừng vài tháng.
- Tôi thấy anh đâu có dáng đạp xích lô, mặt mũi như thế phải là người có ăn học.
- Tôi đang kiếm sống bằng nghề đạp xích lô mà.
- Ban nãy tôi thoáng thấy anh đọc truyện tiếng Anh, quyển gì, à… 16 skeletons from my closet.
Bà khách này đáo để quá… Tôi im lặng hồi lâu.
- Sao anh không đi?
- Đi đâu?, tôi vờ ngớ ngẩn
- Ở đây khó sống. Bên kia còn thấy tương lai…
Tới bến xe, bà trả tôi gấp đôi số tiền thỏa thuận.
- Anh không muốn đi thật sao?
Tôi lờ mờ hiểu ra công việc của bà sáng nay.
- Tôi có hoàn cảnh riêng. Chúc chị đi bằng an.
Đi vài bước, bà khách chợt quay lại, rút ra trong túi xách một quyển sách:
- Anh cầm cuốn này mà đọc.
Tôi chưa kịp cám ơn bà đã quầy quả đi ngay vào bến. Đó là tiểu thuyết Nhịp cầu trên sông Drina của Ivo Andric.

Sáu tháng đạp xích lô, tôi hiểu ra được nhiều mảng đời, nhiều số phận. Cuộc sống đảo điên và kỳ lạ, một chút tàn nhẫn, một chút thánh thiện, không đơn giản như những gì tôi chúi mũi trong phòng lab.

Trong những ngày gian khổ đó, bên cạnh những mảng tối, vẫn còn đâu đó vài điểm coi được. Thèm miếng thịt, thèm lắm, vậy mà dĩa thịt trong mâm cơm nhiều khi còn đầy, người này nhường người nọ, không ai nỡ gắp. Tuổi trẻ thời nay không hình dung nổi chuyện lẻ tẻ đó. Thế hệ ngày naylà phải nhanh như điện xẹt, yêu cuồng sống vội. Đối với họ, cuộc sống là hưởng thụ, là đề cao cá nhân, là sống theo bầy đàn. Chia sẻ cái gu ăn chơi thì được, chứ chia sẻ tấm lòng thì hơi khó. Thanh niên thiếu nữ giành giựt ở hội chợ hoa Hà Nội năm nào chẳng phải là điều đáng suy nghĩ hay sao? Hay chỉ cách đây vài hôm, báo chí đưa tin, cả ngàn fan nữ thảng thốt vì vẻ đẹp của một ngôi sao Hàn Quốc. Cũng chả trách bọn trẻ được, một khi triết lý giáo dục đã không xem con người là cứu cánh, mà chỉ xem con người là phương tiện cho mục tiêu nào đó.
Còn biết bao chuyện để nói. Tóc bạc rồi, không nói bây giờ thì lúc nào sẽ nói đây? Và nói để ai nghe? Bọn trẻ không chừng vừa nghe vừa bấm facebook, twitter, hờ hững với quá khứ. Nói ra không phải để than vãn một thời khổ cực, mà đâu chỉ có chuyện cơm áo gạo tiền mới làm mình khổ cực. Còn nhiều thứ khổ khác nữa, khổ tinh thần thì đến giờ vẫn còn phải chịu đựng. Tôi nhớ câu nói của một người bạn đã khuất núi: Nghèo thì ăn bắp ăn khoai cũng chịu được, nhưng chịu nhục thì không. Có cách nào khác không?

The Bridge on the Drina by Ivo Andric Trong quyển tiểu thuyết để lại, chiếc cầu trên sông Drina được xây từ thế kỷ 16, nối liền Bosnie và Serbie, khi đó Nam Tư còn thuộc đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ. Viên tể tướng của đế quốc lại mang dòng máu Nam Tư, đã cho xây chiếc cầu bắc ngang dòng sông ngăn cách đó. Máu và nước mắt, thù hận và nhẫn tâm. Biết bao biến cố xảy ra chung quanh cây cầu trải dài suốt bốn trăm năm, từ chiến tranh, bệnh dịch cho đến cái chết của một thiếu nữ lao mình xuống sông Drina vào ngày hôn lễ, hay tâm tư của cô chủ quán già Lotika ê chề vì tình đời bạc bẽo. Rồi chiếc cầu cũng đến ngày kết thúc số phận của nó khi Thế chiến thứ Nhất bùng nổ. Số phận của chiếc cầu và thân phận của con người. Bốn trăm năm có là giấc mộng?

Thằng bạn xích lô bỏ đi từ giữa thập niên 80, từ đó chưa một lần trở về Việt Nam. Ra nước ngoài, nó đi học lại và trở thành chuyên viên máy tính, bỏ lại sau lưng một thời mưa gió và lý sự cùn về triết học hiện sinh, nhưng một thời xích lô chắc chưa đến nỗi quên, mặc dù có thể nó không hình dung nổi xích lô ở Sài Gòn lúc này được trang hoàng lộng lẫy như xe hoa để chở khách du lịch Tây.

Người Đà Lạt nói: “ba chiều, chín chiều”, nghĩa là ba chiều mưa, qua đến chiều thứ tư vẫn còn mưa, thì sẽ mưa thêm năm buổi chiều nữa. Đà Lạt lúc này đang mưa đến chiều thứ ba rồi, và có lẽ trong những ngày cuối tháng Tư này, mai sẽ còn mưa nữa, mưa cho đủ chín chiều, có khác gì “cửu hồi trường”, chín chiều quặn đau?

Tôi nhìn ra sân vườn, mưa vẫn rơi rả rích. Mưa rơi trên khóm trúc sát bên cửa sổ, rơi từng giọt một, chẳng vội vàng gì. Vậy là 38 năm đã trôi qua, rồi câu chuyện bốn trăm năm chiếc cầu trên sông Drina, và còn biết bao chuyện của một thời chưa nói hết. Buồn! 
Đà Lạt 28.04.2013           
xuất xứ đây

hoài niệm, tranh ký ức về Saigon