add this

Saturday, May 15, 2021

uống cà phê tháng tư

Trần Mông Tú







Uống Cà Phê Tháng Tư

Trn Mng Tú

Ta ngồi một mình
ly cà phê cạn
lòng như tháng tư
đứt ra từng đoạn

 

Tháng tư, tôi ngồi trong quán cà phê Starbucks trên đường 20th của thành phố tôi cư trú. Tôi cúi xuống nhìn mầu cà phê đen đặc, sóng sánh sót lại một ngụm trong chiếc ly giấy. Tôi cầm chiếc ly chao nhẹ đi một chút, do dự chưa muốn ngửa cổ uống nốt ngụm cuối cùng. Ngụm cà phê trông như ngụm nước mắt đen. Chao ôi nước mắt đã có một lúc nào đó, ta ngửa cổ uống được cả ngụm hay sao!

Tháng tư, tháng tư, tháng tư năm đó! Đứt ra từng đoạn: đoạn cha, đoạn mẹ, đoạn vợ, đoạn chồng, đoạn con, đoạn anh, chị, em, đoạn bạn hữu. Mỗi đoạn đứt một chỗ, rơi một nơi, đoạn mất đi ngút ngàn biệt tích, không để lại dấu vết, đoạn còn sót lại ngơ ngẩn, mù lòa.

Tháng tư của bốn mươi sáu năm sau, ngụm nước mắt không bao giờ cạn được

Tôi ngồi trong quán một mình. Ngó những khuôn mặt lạ, họ không phải bạn bè, nhưng vẫn thấy thân thuộc, vì đó là những khuôn mặt của dân bản xứ tôi gặp thường ngày. Cách ăn mặc và lối cư xử của họ na ná giống nhau. Mình nhìn mấy chục năm, mình quen với cách kéo ghế, cách chụm đầu vào nhau nói khe khẽ, cách nghiêng mình xin lỗi của họ khi phải đi qua mặt ai, nên bỗng trở thành gần gũi.

Tự ngậm ngùi tưởng tượng, nếu bây giờ mình ngồi ở trong một quán cà phê ở Việt Nam, ngắm những người ngồi chung quanh, chắc chắn mình sẽ thấy lạc lõng lắm, vì cách ăn mặc và cư xử rất khác mình. Họ cũng sẽ chẳng để mắt nhìn đến mình, một kẻ thường thường trên mọi phương diện. Mình lạc lõng ngay chính trên quê mình.

Ngồi một mình với ly cà phê Starbucks trong một ngày của tháng tư, quê người; tôi chỉ nhìn ra mình là người lạ với chính mình. Cúi nhìn mấy ngón tay đang cầm ly, những ngón tay gầy đã bắt đầu xanh xao gân lá, biết mình ở đây lâu lắm rồi. Đôi vai bỗng trĩu nặng như có bàn tay ai vô hình ấn xuống ghế. Thôi, đã đến đây rồi, thì ngồi xuống đây, còn đi đâu được nữa. Ngồi đây mà hồn như thác đổ, tiếng nước ầm ầm vọng tới từ một ký ức xa xôi, rồi bỗng òa ra khi chạm vào tảng đá cuối cùng, tảng đá tháng tư.

Tháng tư ở đây là mùa xuân, chim chóc rủ nhau bay vào thành phố, hoa đào nở hồng trên mỗi con đường, nắng mới lách mình vào những khung cửa mở, trong vườn nhà ai hoa táo, hoa lê trắng xóa. Những người Việt di tản như tôi, tháng tư không ít thì nhiều quay đầu nhìn lại quá khứ, nhớ lại những giọt nắng quê nhà năm đó hòa vào máu và nước mắt. Hoa nắng quê người chỉ làm gợi thêm nỗi xót xa.

Anh ạ tháng tư mềm nắng lụa
hoa táo hoa lê nở trắng vườn
quê nhà thăm thẳm sau trùng núi
em mở lòng xem lại vết thương.

Chung quanh tôi, một vài bàn nhỏ có người ngồi trước tách cà phê và cái laptop. Họ im lặng làm việc, học hay sáng tác. Có người với một tờ báo mở trước mặt, hay hai người bạn thì thào nho nhỏ. Quán tĩnh mịch, nghe được cả tiếng gõ khe khẻ của những ngón tay chạm trên bàn phím, thậm chí cả tiếng thở của người ngồi ở bàn gần mình. 

Vũng Tàu 1966
Tôi ngồi với ly cà phê cạn. Tôi biết trang mạng của người Việt khắp nơi trên thế giới, vào mỗi tháng tư họ cũng trao đổi cho nhau trên khung hình nhỏ: những tấm hình đang bốc lửa, những khẩu súng đang nhả đạn. Tiếng người đang khóc, đang la vang, đang chạy hoảng loạn, đang giẫm lên nhau. Tiếng súng nổ, tiếng kêu thất thanh… Tất cả hiện ra trên khung hình nhỏ.

Trong một tiệm cà phê ở Mỹ, tôi ngồi đó, ngửa mặt uống ngụm cà phê đen cuối cùng. Bỗng dưng má tôi ươn ướt. Nước mắt ứa ra từ hai con mắt, bờ mi đã bắt đầu sụp xuống như hai chiếc lá cuốn khô. Nước mắt của một người di tản vì chiến tranh lâu quá rồi, xót xa cho phận mình, phận người, phận quê hương đất nước.

Bốn mươi sáu năm rồi, mà thỉnh thoảng vẫn đọc được ở trên mạng, lẫn vào những bài vở giải trí, kiến thức hay nghệ thuật, những lời nhắn với nội dung thật buồn:

Một hài cốt với tên họ, ngày sinh và số quân đầy đủ của một quân nhân VNCH, ai đó vừa tìm được bên đường. Mong có thân nhân đến nhận. Nào ai biết thân nhân của bộ xương đó còn sống hay đã chết? Tin đó đến từ Việt Nam và đã chuyển đi nhiều lần.

Tin những người ở Mỹ về bốc mộ, một hố chôn tập thể của binh sĩ VNCH trong một sân trường hay bên cạnh một con mương.
Tin cả trăm bộ xương tìm thấy ở ven biển miền Trung không biết của bên này hay bên kia.
Rồi còn cả những tin như sĩ quan H.O qua đời ở Mỹ không có thân nhân, được những người trong cộng đồng phụ nhau mai táng.

Lời nhắn về một vị tá Hải Quân, có con ở Cali. Xác nằm trong bệnh viện Texas hai tuần rồi. Cha qua đời, con ở đâu chưa đến nhận.

Những dòng chữ như thế, thực sự là một “Tin Buồn” với ý nghĩa đúng nhất của nó.

Hà Nội 1954
Tháng Tư là tháng tôi sợ đọc, sợ xem hình trên mạng. Sợ nhìn lại những hình ảnh và đọc lại những bài viết kinh hoàng của những nạn nhân vượt biển; hình ảnh nghĩa trang quân đội bị đập phá trong tủi nhục; những câu chuyện thương tâm của tù nhân và nhà tù cải tạo; sợ phải xem lại những hình ảnh của một thành phố mình đã sống và lớn lên bị tàn phá bởi chiến tranh; sợ những bức hình và tên tuổi, binh nghiệp của các tướng lãnh tự sát vào ngày cuối cùng, tôi sợ mỗi khi đọc thêm một danh sách tự vận của các cấp tá, cấp úy, các hạ sĩ quan. Họ tự sát riêng lẻ hay có khi cùng với vợ con. Những bức hình im lìm đó là những tiếng gào thét phẫn nộ của những anh hùng VNCH. Tôi không nhớ là mình đã đọc được câu này ở đâu: “Thật đáng thương cho một đất nước nào có quá nhiều anh hùng” vì anh hùng đồng nghĩa với hy sinh và cái chết.

Đau đớn nhất là bao giờ khi xem hình, khi đọc những bài viết xong, cuối cùng mình nhận thức rất rõ rệt: đó là một cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Người giết và người bị giết đều mang họ Nguyễn, họ Lê, họ Trần...

Bốn mươi sáu năm rồi, người ta nói là Việt Nam đã hết chiến tranh, người dân đã có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, nhưng trên mạng, người Việt trong và ngoài nước vẫn có những dòng chữ gửi đến cho nhau mang theo những thông điệp thật buồn: Việt Nam tôi đâu? Người dân mất nhà, mất đất. Gái Việt bán sang Đài Loan. Gái Việt xếp hàng lấy chồng Đại Hàn. Không có tự do cho Việt Nam. Ngư dân Việt bị tàu Trung Công bắt ngay trên biển của mình. Nước Việt âm thầm mất dần từng mảnh cho Trung Cộng

Tháng tư, cà phê đắng, đắng thêm khi pha vào những giọt nước mắt vì nước mắt bao giờ cũng có muối ở trong. Nỗi đau tháng tư với một số đông người Việt ở thế hệ bạn hữu tôi, là một vết thương không thành sẹo được, nó lên da non, rồi ngưng lại ở đó. Nhìn xuống vẫn thấy màu hồng, vẫn thấy như còn rơm rớm máu.


Tôi cúi xuống nhìn chiếc ly không, tự lấy tay áo lau thầm những giọt nước mắt mình. Đứng dậy, trở về một nơi tôi gọi là nhà, tiếp tục sống với trái tim di tản. Vạt nắng tháng tư chỉ bay xiên vào trong quán này một năm một lần, nhưng khi tôi đến đây, dù bất cứ tháng nào trong năm, hồn tôi, tháng tư có thể đến bất chợt ghé xuống và rơi cùng những giọt cà phê.

Anh ạ! Tháng Tư sương mỏng lắm
sao em nhìn mãi chẳng thấy quê
hay sương thành lệ tra vào mắt
mờ khuất trong em mọi nẻo về.

======================================================

Hà Nội 1954: Partir c'est pour choisir la liberté: ra đi chọn tư do

=========================================

Thursday, May 13, 2021

Bà Tôn-Lò

 

Nha Địa Dư

Bà Tôn-Lò Nguyn Hoàng Sơn

Sau Tết Mậu Thân, xóm Thi Sách Đà Lạt bỗng có đông người đến ở. Phía gần đầu dốc nhà mình thì có bà Hành, giận chồng có vợ bé nên cắm dùi miếng đất hoang bên đường, phác mấy bụi hoa quỳ, xây cái nhà gỗ, mở quán bán tạp hoá, kiếm sống nuôi con. Sau 75, nghe kể con Xuân, con bà Hành về Sàigòn, làm ăn giàu lắm. Thằng Nhân, học Văn Học, đi lính tử trận ở Cai Lậy. Cạnh đó là gia đình ông bà Phúc, lính thổi kèn trumpet của đội kèn đồng Võ Bị, cắm dùi một căn nhà gỗ với một lố con. Ngày ngày cứ nghe ông ta tập thổi kèn tò tí te khiến dân xóm chán mớ đời.

Thằng con đầu tên Khánh Ù, chơi thân với mình, đi ăn cắp buồng chuối của bà bắc kỳ, dú không chín, đem trả lại, bị chửi hai lần. Lần đầu ăn cắp rồi trả lại vẫn bị chửi. Bà con đông nên mượn tiền bà Vinh, đi bán bún bò, bị bà này hoạch hoẹ, thấy thương. Sáng là gánh ngang nhà bà Vinh cho gia đình bà này làm một chầu trừ tiền lời 2 phân, rồi gánh qua Chợ Nhỏ ở đường Phan Đình Phùng, ngồi bán trước tiệm của bà Phú, chị của bà, cạnh tiệm thuốc tây Lâm Viên. Gia đình bà Phú khi xưa ở cạnh nhà mình, rồi dọn qua bên đường Phan đình Phùng, nay ở Seattle.

Kế đó là bà Thới cắm dùi, mẹ của Minh tây lai, học Thái Cực Đạo với mình, học Văn Học trên mình 2 lớp. Nghe kể bà Thới sau 75, dựa hơi bà Thủ, mẹ thằng Vui, theo Việt Cộng làm cm30 (cách mạng ba mươi), hành gia đình mình như điên, khi con chó nhà mình, thuộc loại chó phản động, ngửi thấy mùi cm30 là cắn.

Đi xuống một chút, phía hướng xóm ông Ba Tây, ở cuối xóm mình thì anh Bình, sau khi trả nhà lại cho gia đình ông Tước đến ở, cắm dùi mảnh đất sau cầu tiêu công cộng của xóm, làm nhà ngay sát bên chuồng heo của nhà bà làm vườn bắc kỳ, chửi mình và thằng Khánh Ù, ăn cắp buồng chuối La-ba của bà. Sau này có chút tiền, khi bố mẹ bà Bình chết, xây cái nhà bằng gạch, nay vẫn ở đó với con Thu-em. Gia đình ông V cũng cắm dùi xây căn nhà hai tầng thêm cái nhà xe, để cái bàn bóng bàn cho cả xóm đến chơi. Sau này, có tiền chạy xuống Chi Lăng xây căn nhà to đùng rồi đi tù vì bị tố tham những.

Dạo ấy, Đà Lạt thêm dân cư, sau Mậu Thân chạy loạn VC vào thị xã, cắm dùi, xây nhà, khắp nơi. Ngay đường Hai Bà Trưng, đối diện cư xá Pasteur, có vạc đất của ai, cày lên để xây nhà chi đó, bị thiên hạ cắm dùi chiếm đất, không biết chính quyền có đền chi không. Như báo hiệu VC vào sẽ mất hết của cải. Mình có tên bạn, sau hiệp định Paris, ông bố bỏ tiền đi mua mấy chục mẫu đất ở Cam Ly, hy vọng thắng lớn khi hoà bình đến. Ai ngờ 75, VC vô, không dám hé miệng tự xưng là chủ. Hát bài đừng nhìn đất nữa anh ơi.

Mình hay xuống sân này đá banh với đám con nít của xóm Địa Dư, mà mình có kể về thằng Hùng, anh của thần tượng một thời của Huỳnh Kim Sang. Trước Mậu Thân, Đà Lạt chỉ có độ 40.000 người mà 6 năm sau khi mình đi tây thì dân số thị xã lên đến 100.000 người.

Xuống khúc nhà ông Ba Tây thì có gia đình bà Tôn, người Huế, không biết từ đâu đến. Con đông lóc nhóc, lúc nhúc, không có quần áo, năm đứa. Thấy tội lắm. Họ xây tạm cái nhà bằng gỗ nhỏ rồi cả gia đình chung sống trong một cái phòng, có cái phảng, vừa làm chỗ ngủ chỗ ăn. Họ có nuôi con gà mệ và con gà trống, thấy chúng vào nhà, nhảy lên cái phảng, cứt gà đầy nhà.

Sau 75, ông Tôn Lò được Việt Cộng trọng dụng, nghe nói nay lãnh hưu của nhà nước, có công với cách mạng. Nghe nói chạy chọt với các đồng chí nên lãnh được lương cách mạng.

Một hôm, đang ngồi ở phòng, đọc truyện vớ vẩn, mướn từ tiệm sách Mình Thu, đường Phan Đình Phùng. Phòng mình có cửa sổ mở ra đường Thi Sách nên hơn chuyện hay xem thiên hạ đi qua phòng mình. Bỗng nhiên mình nghe tiếng la ó xa xa nên tò mò, chạy lên đường Thi Sách. Gặp thằng Khánh Ù, kêu đi, đi, bà Tôn Lò đang chửi ai.

Xóm mình khi xưa, ít người lắm, yên tĩnh không như ngày nay là khu phố Văn Hoá, với mấy biểu ngữ “cương quyết xây dựng khu phố Văn Hoá,...”. Khi nào mà có chuyện là con nít chạy đi xem như ngày hội. Người lớn kêu con nít chạy đi xem chuyện gì, về báo cáo.

Đài truyền hình ít ai có mà chỉ mở vào buổi chiều. Trong xóm chỉ có độc nhất nhà ông Vinh là có máy truyền hình. Do đó các chuyện xe cán chó bên đường là trọng tâm của xóm Thi Sách. Đánh ghen, hàng xóm chửi lộn là chương trình thực tế, mục thị, hiển thị của dân trong xóm.

Mình và thằng Khánh vừa chạy đến khúc nhà Đinh Gia Lành, là đã thấy xa xa, bà Tôn Lò đang cầm cái chổi, quơ quơ, chửi đổng:

Bơ....kỳ thằng ăn trộm, ăn cướp

Bơ....mấy kỳ đứa rình đớp của tau

Mi nghe được thì đến trả đây mau

Không tau xưởi cho trúc mồ, trúc mả.

Mình nghe tới đây là quýnh lên liền vì bà này chửi giọng Trung khá nặng, nhất là tâm lý đang hừng hực nổi máu nên cố vểnh tai ra nghe. Mà lạ, khi người ta chửi, họ đều chờ tới giờ ăn trưa mới đem cái loa cá nhân ra đường để báo cáo cho láng giềng, tình hình chiến sự của họ. Có lẽ đó là thời gian linh thiêng nhất, khi cha con, vợ chồng sum họp, quây quần bên mâm cơm, để chào đón, tiếp nhận những lời khuôn vàng thước ngọc của bà Tôn Lò. Giọng bà chửi vi vu như tiếng dương cầm trong các tiệm ăn sang trọng mà mình có dịp thấy trong xi-nê ở Âu châu.

Bà Tôn Lò, tên này do đám con nít trong xóm đặt. Họ kêu mồm bà này to nên thêm chữ lò sau chữ Tôn cho hợp tính nhân văn của bà ấy. Bà Tôn lò bận áo dài, đi chân đất, cầm cái nón lá bài thơ, quạt quạt, miệng ngậm điếu thuốc Cẩm Lệ, [Cẩm lệ được ông Võ Quang Tiềm, khởi xướng khi xưa, mua sĩ về Đàlạt để bán lại. Các người cháu của ông như cậu Liễu, dì Tân, phụ giúp rồi sau ra chợ bán, lấy hàng từ ông Tiềm, kiểu franchise như ngày nay].

Bà ta vừa chửi vừa nhai trầu, lâu lâu quay qua bên trái, nhổ phẹt một bãi trầu xuống bụi cỏ, lấy cái tay áo, quẹt một đường để chùi cái loa cá nhân, rồi tiếp tục cất tiếng chửi độ 120 decibel.

Hồi nhỏ, mình không rành mấy vụ nói lái, đến khi chơi với anh Toàn, con ông Tô và Đinh Gia Lành thì mới nghe hai ông thần này, nói lái trước mặt bố mẹ chúng để mấy ông bà không hiểu. Từ đó, mình nhận thằng Bi, con đại uý Hải làm thầy, dạy nói lái. Nay hắn ở tiểu bang Washington, cách Seattle đâu 3 tiếng lái xe. Mình có gặp hắn hai lần ở Cali.

cine Đà Lạt xưa
Bà Tôn Lò đang rống mấy tiếng để chửi tên nào trộm gà nhà ba ta thì thằng Rị, chạy ra nói gì với bà Tôn-Lò nên bà ta phải ngưng bắn đơn phương, hỏi thằng Rị chi rứa, rồi đuổi thằng con và mấy đứa em vào nhà, một mình bà ta ở lại ngoài đường như Quan Công, trấn giữ cầu. Bà tiếp tục khúc dạ hành.

Bà con ơi rứa cò tức khung nạ

Lo dịn ăn nuôi được mấy con ga

Túi bựa qua đạ dốt vô troong già

Rứa mà hần lẻn vô bắt chò được.

Bà quơ quơ cái nón lá bài thơ trước đám con nít như phân trần, kể nỗi khổ của bà, dành dụm, lo nuôi con gà, bắt thằng Rị, đi bắt giun về cho gà ăn hàng ngày để có protein mà tên nào ghé nhà vớt mất.

[Gà nhà mình cũng hay bị một tên trong xóm, nghiện thuốc phiện, hay ghé lại ăn cắp, đồ phơi trước nhà phải canh chừng vì hắn đi ngang là chôm ngay. Có lần hắn vớt cái áo blouson của ông cụ khiến ông cụ chửi mình quá cỡ thợ mộc, kêu chơi ngoài sân mà không xem chừng. Sau này, cứ thấy tên này là mình đem đồ vào nhà ngay. Mình trả thù bằng cách dụ chim bồ câu của hắn lại chuồng chim bồ câu nhà mình, bắt chúng đem ra tiệm Chic Shanghai bán kiếm tiền].

Rồi bà Tôn Lò tiếp tục. Bà đưa cái chổi lên trời như để mắng vốn ông trời không có mắt, khiến thằng nào chôm con gà của bà.

Bơ....mấy kỳ thằng đầu trộm đuôi cướp

Ăn ga tau bây mắc cổ cho coai

Cố tổ, cao tằng mi răng đẻ ra kỳ nòi

Dác mần, siêng ăn vô già tau ăn trộm.

Hu...ba hồn bảy vía mấy kỳ thằng mặt lợn

Nỏ chộ đàng...đi ăn cắp của mụ tra

Bây dem lả...lả hần cháy mất già

Bây ra đàng xe hần tôông loại cẳng.

Chửi đến đây thì thằng cu Rị, con bà ta bế đứa em đang khóc vì đang ngủ, bà mẹ ngứa mồm lại lên cơn chửi, khiến nó thức giấc, khóc đòi sữa hay sợ quá tè trong tả chi đó. Bà Tôn Lò đưa cái nón lá cho thằng Cu Tị cầm, rồi bế đứa con đang khóc, rồi vạch áo ra, cho con bé bú. Rồi bà tiếp tục ru con với giọng chửi qua dòng sữa tươi của người mẹ kinh thiên.

Bơ.......mấy thằng trộm, chừ tau mì nói thẳng

Bây ở mô? xóm đưới hay xóm trên

Trộm ga tau bây mần thịt ăn liền

Hay đang dốt thì mau đem trả lại.

Có lẻ hăng tiết lên bà Tôn Lò múa tay múa chân khiến cái vòi sữa bật ra, đứa bé lại ré lên khóc, bà lấy cái vòi vú mớm cho con bé bú rồi tiếp tục đọc diễn văn của người mất gà.

Bây khun trả thì tau đây xưởi mại

Đến khi mô bây cảy cổ thì thôi

Tau xưởi cho già mi tiệt hết kỳ nòi

Dác mần ăn chỉ đi rình trộm cắp.

Bà bắc kỳ Nam Định chửi thì mình nghe được, còn mệ Tôn Lò thì khó nghe, không biết giọng xứ nào. Dân vùng Sịa thì phải. Xóm mình có nhà ông Hoà, hình như dân xứ Nghệ hay Hà Tỉnh chi đó, nói cũng khó nghe lắm. Không biết sao bà ta biết là thằng nào ăn trộm, mà kêu ba hồn bảy vía của hắn ra để trù ẻo. Con gái thì họ réo chín vía.

Hu...ba hồn bảy vía kỳ thằng chết rấp

Đêm bựa qua bắt trộm ga của tau

Lo liệu hồn đem mà trả chò mau...

yên bình Đà Lạt thuở xa xưa
Hình như chửi nhiều quá nên bà ta mất sức hay con bé đói quá, bú hết sữa nên ré lên, bà đưa tay thổ thổ con bé nhưng có lẻ có giọng chửi của bà hơi cao, hơi trật hợp âm Fa Chửi nên con bé càng ré to hơn tiếng mụ chửi. Hổ cái sinh hổ tử. Mình không biết mấy đứa con bà ta sau này có tiếp tục nghề gia truyền, gia phong hay không.

Xưởi mệt rồi bựa chừ nghỉ cấy đạ.

Nói xong bà ta bế con bé vào nhà, khiến cuốn phim đang đến độ gây cấn, vì đám con nít như mình muốn biết thằng nào ăn trộm gà của bà ta vì bà réo 7 vía, bị đứt dây giữa chừng, khiến đám con nít hàng xóm đang tụ năm tụ bảy như mình bàn tán, ai hè ai hè, rồi từ từ rả đám, không ai nói, tự động rã đám, đi về. Thằng Khánh Ù kêu chắc thằng Bi, con bà Chi ăn cắp.

Bà này cũng thuộc loại còn sân si, còn cay đắng, tiếp tục chửi đến cả tuần nên trưa nào ăn cơm xong, đám con nít không ngủ, được đi xem xi-nê miễn phí, vừa trau dồi, “bồi dưỡng văn hoá nhân bản chửi” nhưng không thấy ai đem trả con gà nên tự đình chiến.

Phải chi bà ta học chửi như mẹ tên nào đoạt giải thi chửi, mong gà bị ăn cắp to béo, giúp dòng họ của chúng giàu có lên, biểu thị tính nhân văn của giới lao động. Sau 75, bà Tôn-lò nhờ kinh nghiệm chửi nên được làm lớn trong tổ dân phố, đi từng nhà khuyến khích toàn dân, xây dựng một tổ dân phố văn hoá phường 6, bật nhất Đà Lạt.

Mình về đi thăm hàng xóm, đều thấy ghi bằng khen thưởng là gia đình văn hoá do chồng bà ta ký. Nghe nói phải chung tiền mới được bằng khen. Nhà nào không có bằng khen thì họ đến bồi dưỡng tinh thần, củng cố tư tưởng, bắt phải học tập tư tưởng bác Hồ, bú xấu la mua nên cúng tiền cho khoẻ. Kinh quá!

Có lần điện thoại về nhà, nói chuyện với ông cụ. Ông cụ rên là con gà trống nuôi để làm giỗ, bị thằng nào ăn cắp mất. Mình nói sao không nhờ bà Tôn Lò. Bố mình kêu “con mẹ đó”. Chán mớ đời!

**********************************

 

Wednesday, May 5, 2021

ngừng tay ám sát

 

bánh mì bến xe Saigon Miền Tây


ngừng tay ám sát

Hai Le

Ba Lé uống một ly, rượu cay làm mắt ông đỏ ngầu, rồi có lẽ men cay làm ông nhăn mặt. Cả bản mặt rúm ró lại như con khỉ ăn ớt. Tôi còn chưa kịp hiểu tại sao ông có phản ứng như vậy khi nghe tôi hỏi về thời trai trẻ của ông có từng ám sát ai không. Ba Lé là một Việt cộng có tiếng, đắp mô đường tỉnh lộ và giựt mìn cầu. Cây cầu Đúc Sập có tên đó là do ông giật sập để làm cho xe nhà binh không qua được. Nhưng nhà Ba Lé bây giờ nghèo xơ xác như cái giẻ rách. Chỉ có cái tủ thờ của ba má ông là gọn gàng sạch sẽ, còn lại thì trống hoác như cái chuồng gà mục nát. Tôi thường tới thăm để đem cho ông mấy thứ linh tinh và nghe ông kể chuyện.

Nếu ông như mấy tay cựu chiến binh khác, chắc là cũng được cái nhà cấp bốn tí tí hoặc một giò trong huyện đội này nọ. Nhưng không, Ba Lé sống như trời đày, hay nói đúng hơn ông tự đày đoạ mình, không khác gì một tù nhân khổ sai trong chính căn nhà mình.

Ba Lé không có vợ con, ông tự xây kim tĩnh và xẻ ván đóng sẵn một cái hòm nho nhỏ nằm vừa, trả sẵn tiền cát đá xi-măng cho đại lý, để dành sau này làm mả cho chính ông. Mối cơ duyên của tôi và ông cũng khá kỳ lạ, bởi thường không ai dám tới gần vì ông cục súc như “con chó già điên” - cách mà ông tự mô tả về mình rồi ngửa cổ cười khanh khách.

Tôi nghĩ ông bất đắc chí chuyện gì đó, và thấy tính ông khá là bạo lực, mỗi lần nghe tôi kể có quan chức nào bị bắt là ông luôn hỏi khi nào xử bắn. Nhưng hôm nay khi hỏi ông có từng ám sát ai chưa, thì ông chùng xuống và dịu lại, lẽ ra phải ngược lại mới phải. Thời gian như im lặng ít lâu, rồi ông trầm ngâm:

- Tui thiệt với chú em, đời tui hại người ta chết oan ngoài ý muốn chắc cũng có, nhưng cố tình đi giết người thì có một lần một, mà lần đó về tui bỏ nghề Việt cộng!

- Ủa sao vậy bác Ba? Kể con nghe đi bác Ba!

- Lần đó tui được giao một trái lựu đạn, để ám sát quận trưởng. Ông đó mà không đi đâu xa nhiệm sở thì sáng nào cũng ghé chợ chỗ sạp trái cây của anh ổng nói mấy câu rồi mới đi. Tui chỉ cần canh me dục trái lựu đạn tới chỗ ổng rồi chạy thẳng ngả sau chợ phóng xuống sông là thoát.

chợ Đông Ba Huế (1930-1940)
- Trời đất, vậy rồi mấy bà bán cá chị bán rau ngồi gần đó chết chùm hết rồi sao bác Ba?

- Thì tui cũng hỏi thằng Nguyễn Văn Long y như chú, cái nó nói mấy người không liên can có chết là hy sinh cho cách mạng, nợ máu thì đổ lên đầu thằng quận trưởng, còn phần tui thì phải thi hành bản án tử mà toà cách mạng đã ký. Tui đi mà trong bụng rối beng. Mấy người mua gánh bán bưng cả đời có nợ máu gì mà làm người ta chết cho đặng? Hồi xưa má tui cũng đi bán gánh như vậy nuôi tui lớn. Lỡ tui làm chết mấy người đó thì ai nuôi con họ? Trong bụng tui tan nát hết, bây giờ không thối thác cho đặng, nếu tui mà không làm thì cỡ nào tui cũng bị thằng Long nó thủ tiêu, mà làm thì tui thấy mình không ra con người nữa.

- Trời, ác quá, rồi bác làm sao?

- Thì tui cũng đi sớm từ hừng đông, tới chợ TT giả đò ngồi ăn bún, chờ cơ ra tay. Thì cỡ nửa tiếng xe ríp của ông quận trưởng cũng trờ tới. Tui thò tay vô túi áo, rờ trái lựu đạn cho yên tâm. Nhốm đít lên chờ cơ là rút chốt dục liền, rồi sẽ bỏ giò chạy xuống sông. Tui vừa tính làm, thì ngó kỹ thì thấy ổng đứng ngay ngắn khoanh tay trước mặt anh ổng, khoanh tay ngay ngắn rồi nói “Thưa anh hai em đi làm!”. Tự nhiên giờ đó trống ngực tui đập liên hồi muốn xỉu. Ông anh hai của ổng chỉ ừa một tiếng rồi lo dọn hàng, còn ổng thì ngoan như thằng con nít cúi đầu cái nữa rồi mới lên xe đi. Giờ đó tui biết tui quá sai khi theo đám thằng Long rồi, mà có muốn thay đổi chiêu hồi cũng không còn kịp nữa...

- Thôi chuyện qua rồi mà bác, rồi sau đó sao nữa bác?

- Thì ổng bình an không bị quăng lựu đạn. Tui thì mới mệt, rút êm rồi tui đi trốn biệt xứ chớ có dám về đâu. Kiểu gì cũng bị thủ tiêu. Đi mười mấy năm, rồi hoà bình lập lại lâu lắm tui về xứ thì ba má tui chết hết trơn rồi, nhờ lối xóm chôn giùm...

Ông nói tới đó thì tự nhiên mếu máo rồi khóc, tôi tự nhiên thấy ông Ba Lé hiền khô, tôi tin sự thiện còn sót lại ở ông và ông đang tự trừng phạt mình bằng cách sống “trời đày” bao nhiêu năm nay. Có lẽ ông muốn tôi ghi chép lại những điều này như một lời thú tội trước những linh hồn uổng tử vì ông. Tôi cũng chợt nghĩ lối giáo dục hiếu thuận của nhà ông quận trưởng đã cứu sống ông ấy mà chính ông không hề hay biết. Tự nhiên thấy thương thương những nhà mà anh em thuận hoà hiếu đễ đến già, có lẽ sự nhu thuận và thương yêu nhau có công năng cảm hoá chính mình và cả tha nhân.

Những người của năm xưa có lẽ bây giờ đã qua đời hết, ông Ba Lé khi tôi viết lại những dòng này cũng đã xanh cỏ ít năm. Trong cõi thiên niên vĩnh cửu, chẳng biết người ta có gặp lại nhau?

(Hồi Úc về Một Vụ Ám Sát Hai Le Facebook)

========================================================================

Chợ Bà Chiểu Gia Đinh trước 1975
===========================================