add this

Tuesday, February 28, 2023

Phan Bội Châu (tiếp theo)

 

 Phan Bội Châu (1867-1940)

Pháp Việt Đề Huề Chính Kiến Thư

Dù là một tài liệu bất thường và ít ỏi so với thiên thư trường hải của Cụ Phan, luận văn nầy gây cho người đọc một ê ẩm (malaise) chẳng phải tự thân của nó mà vì những cảm tình của người đọc đã đầu tư vào nhân vật danh tiếng nầy. Tiếng Anh có thành ngữ spur of the moment, bị thúc bách vô cớ, có thể áp dụng vào đây chăng.

Phan Bội Châu (PBC) đã xất bất xang bang trong mấy năm trước khi đi Thái Lan; nghe nói có lúc ông như ăn mày không có tiền ăn, sau đó nhờ một mệnh phụ giàu có giúp cho cả bầu đoàn gượng sức mà đi Thái Lan, lập một căn cứ. Rồi nghe tin cách mạng Vũ Xương mà trở lui Hoa Lục và đi tù vô lối.

Những nhà viễn tượng (visionnnaire) sống với viễn tượng (vision) của mình rất mãnh liệt, có khi vision thành illusion (ảo tường) là chuyện khác. Những sự kiện dồn dập và tình hình ĐNA đã làm PBC tin chắc Nhật, dù hiện giờ thân thiện với Pháp, vẫn muốn hất chân Pháp. Ở Nhật hay Tàu, PBC đã thấy tham vọng đế quốc của Nhật và Nhật có đủ phương tiện thực hiện; ông thấy Pháp đã yếu thế, mà chiến tranh đã bùng nổ, không biết phe của Pháp sẽ thắng hay thua.

Lúc Nhật xuất quân, VN chỉ sẽ tôm tép trên địa bàn chính trị ĐNA và sẽ bị dập nát. Đó là mối lo của ông và ông nghĩ người Pháp, nếu có chuẩn bị ngay, sẽ không bị bão kéo sập và nương vào đó VN có thể hưởng nhờ lá chắn; nhưng VN không thể ngồi yên chờ sung rụng mà phải cộng tác với Pháp giúp nhau giữ nhà.

Tinh thần thực tiển (pragmatisme) ấy có thể giúp chúng ta bớt đi rất nhiều phản ứng bất lợi cho PBC. Với ông, nước Pháp là le meilleur des pires, cái khá nhất trong những cái xấu nhất. Cứu cánh biện minh phương tiện.

Tuy vậy, từ khi ra tù, PBC hầu như không có một định hướng nào. Nếu muốn theo Pháp ông đã có những đường dây, là những người xưa kia trong nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục đã hợp tác với Pháp thành ông nầy ông nọ. Tối rượu sâm banh sáng sữa bò. Nhưng ông đã không làm.

Thật ra trước đó ông đã chơ vơ. Không nhờ được Nhật mà còn bị trục xuất. Hoạt động chính trị của ông trên thực tế chỉ ở trên lãnh thổ Tàu. Ông đã tham dự vào kế hoạch hôn nhân Việt Hoa hầu có một số hậu duệ biết hai thứ tiếng có nguồn gốc đôi để được Tàu giúp. Ông đã xem định mệnh của VN dính vào định mệnh của Tàu. Ông đã thành lập Tân Hoa Hưng Á Hội (cải thiện Tàu làm mạnh các quốc gia Á Châu). Ông đã biếu chính quyền Tôn Dật Tiên 500 khẩu súng trường mua cho Đề Thám nhưng không chuyển được. Rồi cũng tay người Tàu đưa ông vô tù mà còn muốn giao Pháp trừng trị.

Lương Khải Siêu khuyên ông nên vận động tâm lý người Việt quốc nội nhưng cố gắng truyền bá tư tưởng của ông không thành công.

Chính vì không chủ định, ông đã hướng về Moscou và đã chứng tỏ nhiệt tình bằng việc dịch ra Hán Văn một cuốn sách về cách mạng Nga. Ông đang muốn đi thêm vào con đường nầy bằng cách chấp nhận thảo luận việc chung với Lý Thụy tại tòa đại sứ Nga, sau khi đã thăm dò đường đi nước bước.

Đai diện chính phủ Đức ở Thái Lan hứa sẽ giúp thêm tiền bạc và quân dụng nếu tổ chức của PBC làm được vài việc gì cụ thể; những cụ thể ấy không thực hiên được và chuyện ngưng ở đấy. Có lẽ Pháp biết sự bất cố định tâm của PBC đã không mời ông hợp tác trong lúc nhiều người xưa kia theo Đông Kinh Nghĩa Thục nay có quyền hành và giàu sang như Nguyễn Bá Trác, chễm chệ ở Huế nơi PBC bị câu lưu.

Hồi ký của Nguyễn Thiệu Lâu không giúp gì thêm. Sử gia nầy đã gặp PBC đôi lần ở dốc Bến Ngự ít lâu trước khi ông chết 1940. PBC luận về thành bại một cách bình thường: "Thất bại là lỗi tại mình. Nhưng cũng tại thời cơ chưa tới. Vã lại người ta quá khôn mà dân mình thì quá dại". Khách nói đã hiểu chủ muốn nói người ta là ai. Nhưng độc giả của khách thì mù mờ, đoán là người Pháp. PBC chỉ vào năm sáu đứa học trò con nít mà nói: "tôi dạy chúng vài chữ Nho để biết khấn vái ông bà, chứ Hán Học thì tàn từ lâu nay rồi". Trước đó dăm ba phút PBC nói giới tân học không thể hiểu chữ Nho thứ ngôn ngữ duy nhất mà ông dùng để viết, không thể hiểu những tác phẩm của ông.

Nói về việc PBC bị bắt ở Quảng Châu, từ 1861 đến 1943 là nhượng địa của Pháp nên cảnh sát ập vào tòa đại sứ Nga bắc PBC. Nói lại, HCM lúc ấy mang tên Lý Thụy làm việc trụ sở ngoại giao nầy như một công dân Nga với chức vụ thư ký, thông ngôn và phiên dịch. Lý Thụy gặp PBC tại Thượng Hải và mời gặp nhau bàn việc chung tại Quảng Đông, nhiều sách cho rằng Lý Thụy bán tin nầy cho Pháp để lấy tiền và PBC xộ khám đem về Hà Nội.

Không rõ các sách nầy có dùng tài liệu của sở mật thám Tây hay không. PBC thế nào cũng biết các tô giới của Pháp ở Hoa Lục như ở Thượng Hải, Hán Khẩu và Quảng Đông, trong lúc ông vẫn mang án tử hình khuyết danh. Điều nầy đáng ngạc nhiên, có thể ông tin đặc miễn ngoại giáo của trụ sở nầy chăng?

Có hai tác giả không đồng ý về việc bán tin cho Pháp và xem đó là tuyên truyền chống cộng. Họ lý luận rằng Lý Thụy tự xem là kẻ kế nhiệm PBC lãnh đạo phong trào chống Pháp và sẽ tôn PBC làm biểu tượng. Thiết nghĩ lý luận nầy rất viễn vông. Khi đến tòa đại sứ nầy PBC xem như đã không còn ảnh hưởng và đã tìm cách đi vào quỹ đạo Liên Xô.

PBC đã gặp những nhân vật cao cấp đại diện Nga ở Bắc Kinh, ở Thượng Hải và Quảng Đông. Tuy không đến đấy để gặp trưởng phái bộ Nga, PBC đến với một uy thế ngầm nói chuyện với thư ký Lý Thụy.

Trong cuốn băng nhựa ghi ký, Kroutchev cho biết HCM muốn được Staline xem ngang với các trưởng phái đoàn đảng từ Âu Châu dự đại hội quốc tế sắp đến. Staline trả lời: có ai biết ông đâu, ông âm thầm đến Moscou. HCM đáp: muốn vậy thì ông hãy đưa tôi lên một chiếc máy bay rồi ông ra phi trường tiếp đón tôi. Rất có thể HCM biết Nga đầu tư vào PBC khá nhiều vì tin rằng PBC sẽ đưa nhiều thanh niên huấn luyện vô sản, họ đã thấy PBC nhiều tác phẩm đã yêu cầu ông viết sách quản bá giúp Nga, như ông đã dịch cuốn sách về cách mạng 1917.

Chuyện chỗ khác, theo sử gia Trần Gia Phụng, Canada, HCM ganh tài với Phạm Quỳnh, HCM gặp PQ trong nhà Nguyễn Thế Truyền và biết Phạm Quỳnh đi diễn thuyết và có nhiều bài trên báo trong lúc HCM phải thuê người viết đơn xin vô học trường bảo hộ, mà đơn có vài chỗ sai văn phạm. Ông Phụng cho rằng vì vậy HCM đã ra lệnh giết PQ.

Chính kiến thư không giúp gì cho tác giả, không một chút đặc ân nào của người Pháp. Toàn quyền Varenne cho ông an trí ở Huế vì áp lực quần chúng. Dân chúng xôn xao, Pháp mới cho biết tên người mới ở Quảng Đông đưa về là PBC. Chính sách Pháp Việt Đề Huề không thể bóp mũi những nhân vật như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, không làm dịu được lòng người. Pháp ân huệ "probation" cho PBC không vì luận văn bất thường nầy, luận văn "spur of the moment", mà sợ chuyện không hay xẩy ra. Varenne xả cái xú bắp nơi PBC.

Xin xem bài trước: Phan Bội Châu chống Pháp?

===========================================================

Vũ Đình Trường,  Trường Bô Binh Thủ Đức

===================================


Phan Bội Châu chống Pháp?

 


Phan Bội Châu chống Pháp?

Tôn Thất Tuệ

May nhờ chữ viết tay ghi ngày nạp bản (dépot légal) “le 2 Janvier 1926” mới biết khá chính xác năm ấn hành 1925 bản dịch tiếng Việt luận án của Phan Bội Châu "Pháp Việt Đề Huề Chính Kiến Thư." Nhà xuất bản Tân Dân Thư Quán, Hà Nội chỉ nêu tên dịch giả Nguyễn Khắc Hanh, không nói dịch từ ngôn ngữ nào vì đinh ninh ai cũng biết Phan Bội Châu chỉ viết chữ Hán, hơn nữa có trang bìa Hán Tự ghi rõ tác giả và dịch giả là ai. Trong ghi chú rất nhỏ, Nguyễn Khắc Hanh cho biết PBC viết xong khi thế chiến thứ nhất chưa kết liễu và PBC bắt đầu như vầy: Năm 1914, sóng chiến-tranh thình lình phát khởi bên Châu Âu. Vậy thì PBC viết một lúc nào đó giữa 1914 và 1918.

Pháp Việt Đề Huề 法越提携 Collaboration franco-annamite là một chính sách của chính quyền Pháp ở Đông Dương bắt đầu vào thập niên 1910 để đối phó với phong trào đối lập của người Việt, như bàn tay nhung che dấu bàn tay sắt. Người Pháp cố tạo ra một khung sườn làm việc gọi là hợp tác Pháp Việt và chỉ có sự cộng tác với Pháp mới có được thịnh vượng và có một Liên Bang Đông Dương giàu mạnh; Liên bang nầy gồm Miên, Lào, Bắc Kỳ, An Nam và Nam Kỳ (chứ không phải ba xứ Việt Miên Lào) và công nhận nền bá quyền của Pháp (hégénomie française) biểu lộ qua bức thư không niêm Phạm Quỳnh gởi Bộ Trưởng Thuộc Địa trong chính phủ Đệ Tam Công Hòa Pháp. Đừng nghĩ tới thống nhất ba kỳ; mỗi vùng sẽ có những cơ cấu lập pháp và hành pháp riêng. Ngay như Phạm Quỳnh chủ xướng quân chủ lập hiến là lập hiến tại An Nam mà thôi. Mỗi nơi đều có quan toàn quyền Pháp.

Qua chính sách nầy, người Pháp khuyến khích phát triển văn hóa, xuất hiện của nhiều tạp chí như Nam Phong, Phụ Nữ Tân Văn, và vô số tạp chí khác, chú ý đến văn học nước nhà và du nhập những kiến thức Tây phương kể cả khuynh hướng CS từ Nga. Nhưng nói chung vẫn ở trong vòng ảnh hưởng của Pháp nếu không muốn nói là mê Pháp (francophilité), ở trong chủ trương chính trị của cộng hòa Pháp, ví dụ đóng khung các lời nói của Thống Chế Pétain.

Riêng về Pháp Việt Đề Huề thì còn được đề cao và đáng ngạc nhiên vấn đề hợp tác chỉ có đối với VN mà không thấy nói hợp tác Pháp Miên hay Pháp Lào. Tuy chia ba nước Việt, người Pháp vẫn xem về tinh thần có một thực tại chung là VN và trọng đãi hơn Miên và Lào.

Nói về người dịch luận văn của PBC, chúng tôi không biết gì hơn ngoài tên Nguyễn Khắc Hanh nhưng giả định là một người ủng hộ chính sách PVĐH. Thật vậy, ông đã vớ được món của quý là chính kiến thư của PBC.

NKH chỉ viết bấy nhiêu chữ sau đây in trong một ô nhỏ:

Cái chủ nghĩa Pháp Việt Đề Huề trên chính phủ dưới quốc dân đều hoan nghênh và muốn thực hành. Xem như cụ Phan Bội Châu trước kia là một nhà phản đối, mà ít lâu nay thẩm thời đạt thế cũng đã khuynh hướng về chủ nghĩa Đề Huề. Thế đủ biết thực là một chủ nghĩa rất hợp thời vậy. Cụ viết tập "Pháp Việt Đề Huề Chính Kiến Thư" nầy vào lúc Âu Chiến chưa liễu kết, tuy so với bây giờ, sự thể đã có khác ít nhiều nhưng cái chủ nghĩa nầy đối với hiện tình nước ta vẫn còn thích hợp. Vậy xin dịch và ấn hành để cống hiến quốc dân cho ai nấy cùng biết cái chính kiến của nhà lĩnh tụ cách mệnh Việt Nam nầy gần đây đã thay đối thế nào. Nguyễn Khắc Hanh.

Sự thay đổi chính kiến nầy có tính cách bất thường trong hình thái: kẻ thù của kẻ thù là bạn ta. Luận văn nầy giả định một cuộc tương tranh sống chết giữa Nhật và Pháp.

Viễn tượng nầy được nêu ra trong lúc Nhật và Pháp đang bắt tay nhau và là đầu mối Nhật đã trục xuất PBC. Dẫu rằng việc trục xuất nầy làm cho PBC nhìn Nhật Bản quay ngược 180 độ, viễn tượng đó đã đúng theo diễn biến lịch sử, Nhật đã chiếm ĐNA và hất chân Pháp ở Đông Dương. Nói khác PBC đã đoán đúng thời cuộc.

Năm 1904 PBC thành lập Việt Nam Duy Tân Hội mời Cường Để làm chủ tịch và giữ chức tổng thư ký. Hai ông vận động Tàu trợ giúp tài chánh nhưng bất thành bèn hướng qua Nhật Bản. Nhật Bản vừa thắng Nga và bắt đầu cuộc canh tân. PBC đến Nhật năm 1905 nhưng không biết tiếng Nhật nên phải nhờ Lương Khải Siêu để giao tiếp với chính giới như cựu thủ tướng Okuma Shogenobu yêu cầu tài trợ các nhà các mạng VN. Thư của PBC gởi chính khách nầy có đoạn nói: Nhật hãy giúp đỡ VN vì “hai nước cùng giống nói, cùng văn hóa và cùng châu lục. Nhật nên chú tâm đặt để quyền lợi ở VN, ngăn chận Pháp và Nga bành trướng qua Tàu”. Chính phủ Nhật không giúp đỡ vì sợ mất lòng Pháp; tuy nhiên các đảng đối lập hứa sẽ giúp đỡ các sinh viên VN du học ở Nhật và chưa thể ủng hộ bất cứ cuộc nổi dậy nào do PBC chủ xướng. Tuy không nhận được viện trợ quân sự và vũ khí, PBC kỳ vọng vào số sinh viên Đông Du trong những hoạt động tương lai. Con số cao nhất là 200 vào năm 1908.

Một năm sau 1909, Pháp nại thỏa ước Pháp Nhật 1907, áp lực Nhật trục xuất PBC. Mối uyên ương với xứ Phù Tang đã gảy đổ và PBC đã gọi Nhật là kẻ giả tâm nhất. PBC đã dùng nửa số trang bài luận thuyết đề nói về Nhật với rất nhiều danh từ hận thù.

Lối hành văn ấy làm cho viễn tượng chính trị ĐNA thành một lời nguyền rủa hơn là một tiên liệu thời cuộc. Phần thứ nhất của luận văn khác hẳn những bài luân lý đạo đức Khổng Mạnh. PBC dự phóng Nhật sẽ là kẻ thù của Pháp. Pháp sẽ là kẻ thù Nhật đã trục xuất ông, cho nên Pháp là bạn ông chứ gì? L’ennemi de mon ennemi est mon ami. Cơn giận thù nầy đã làm tiêu ma lập trường chống Pháp mà ông cho là lẽ sống và dùng để kêu gọi ủng hộ tiền tài và công sức, dùng như tiếng thét thúc quân (a battle cry) từ khi ông tham gia Cần Vương.

Từ chỗ thề đánh đuổi thực dân Pháp, PBC, trước nguy cơ dự phóng, lo cho người Pháp mất đất Viêt-Nam, lo cõi Viễn-Đông mông-mênh này không còn là chỗ đặt chân cho người Pháp nữa (trang 11). “Tôi xin nhắn nhủ với người Nam chớ nên coi người Pháp là kẻ thù vì sợ rằng kẻ thù thứ hai mà đến thì thảm họa có khi gấp mấy trăm ngàn lần người Pháp ngày nay. Thời khắc nạn to sắp tới mà anh em trong nhà vẫn còn trừng trợn, sần sộ cải nhau luôn; ôi để làm chi vậy (trang 12).

Anh em nào đây? PBC đáp nước Pháp là anh, nước Nam là em (trang 15) người Pháp là thầy giỏi, là bạn tốt, cho nên phải đùm bọc lấy nhau (trang 17).

“Tôi mong muốn từ nay về sau người Pháp đừng coi người Nam là nô lệ” nghe thì thấm thiết lắm. Nhưng làm nô lệ thì tận cùng bằng số, ai làm chủ cũng thế thôi, cần gì phải hy sinh tính mệnh để giữ gìn chủ quyền người Pháp trên đất Nam. Cho họ thêm chút nữa thì họ sợ mất mà hy sinh cho nước Pháp (trang 16).

Sự thay đổi lập trường rất rõ rệt:

“Trước đây tôi vẫn giữ thuyết bài Pháp nhưng từ khi Âu Chiến phát sinh, tôi liền ngậm miệng, tắc lưỡi không dám hé răng ra mà nói một lời nào là lời phản đối Pháp nữa” (trang 15).

Có một điểm cần hỏi các sử gia. PBC nói 50 năm trước (tính từ lúc soạn thảo, 1914-1918), người Viêt Nam đã hoan nghênh quân Pháp xâm chiếm. Ông nêu ra để lưu ý người Pháp rằng quan quân VN sẽ vui mừng tiếp đón quân Nhật (trang 13).

Luận văn đang bàn đến là bản dịch mà người dịch rõ là thân Pháp, cho nên cần cẩn thận nhưng không thể làm gì hơn vì không có nguyên bản, mà có cũng không đọc được Hán Tự.

Đến đây quý vị đã thấy người giới thiệu không dành hoàn toàn thiện cảm cho một người xem là cách mạng số một bởi CS hay quốc gia. Chúng tôi vẫn tiếp tục tìm hiểu thêm về sự nghiệp chính trị của PBC nhưng có điều chắc chắn người QG hay CS đều dấu nhẹm chính kiến thư nầy; chỉ có thư viện Pháp lưu giữ nạp bản ở Hà Nội.

Sau khi bị Nhật tống xuất năm 1909, PBC trở lại Tàu tiếp tục cộng tác với Cường Để; chuẩn bị thành lập một căn cứ tại Thái Lan để gom những sinh viên du học Nhật ly tán. 1911, xẩy ra vụ nổi loạn Vũ Xương, Hồ Bắc, tiến đến thành lập Cộng Hòa Trung Hoa; biến cố nầy gây nhiều hứng khởi cho các nhà cách mạng Á Châu. PBC rời Thái và qua Tàu gặp các nhân vật Việt và Hoa; mong ước của thời đại là Tàu thoát khỏi cảnh cũ quân chủ hư nát, tân hóa để cùng Nhật Bản đuổi các thế lực Âu Châu ra khỏi Á Đông.

Riêng về PBC, ông bị chính quyền Tàu bắt giam vì nghi giúp cho nhóm chống đối và giao cho Pháp nhưng Tàu vẫn cầm tù ông cho đến 1917. Thời gian câu lưu nầy, PBC viết rất nhiều trong đó có luận văn Pháp Việt Đề Huề với cái nhìn về Nhật Bản ngược với cái nhìn thời Vũ Xương mấy năm trước.

Gạt bỏ những danh từ thù hận, PBC đã nhìn rõ tiềm năng của Nhật Bổn, phát triển mọi ngành, nhất là quân sự, và cảnh đông dân ít đất sẽ buộc Nhật đi xâm chiếm Á Đông. PBC đúng là một visionnaire, lịch sử đã chứng minh đúng.

Ra khỏi tù chừng một năm thì thế chiến 1 kết thúc; mẫu quốc Pháp trong phe chiến thắng. PBC thấy rất khó mà hất chân người Pháp và ông muốn cộng tác với Pháp trong tay đảng xã hội. Wikidepia nói rằng ông đã bỏ ý định nầy, nhân khi tổ chức của ông đã sát hại một người cộng tác với Pháp.

Lại càng khó hiểu, vài tài liệu cho biết trong thời gian bị cầm tù, là thời gian soan thảo luận văn nầy, PBC đã dàn xếp cho thuộc hạ liên lạc với đại diện Đức ở Bangkok nhận viện trợ và dấy binh chống Pháp nhưng bất thành.

Ngoài luận văn nầy, PBC không có hành động nào khác cộng tác với Pháp. Sau khi khỏi nhà tù Tàu, PBC chu du Hoa Lục không làm việc gì lớn. Từ năm 1921, PBC bắt đầu nghiên cứu lý thuyết CS và Liên Sô hầu mong được trợ giúp bởi Moscou. Ông đã gặp đại diện USSR và được hứa sẽ huấn luyện người PBC giới thiệu với điều kiện sẽ hoạt động cách mạng vô sản và truyền bá lý thuyết CS. PBC đã dịch qua Hán Văn một cuốn sách Nhật nhan đề: Tường trình cuộc cách mạng Nga.

1925, PBC được Hồ Chí Minh mời hội kiến để bàn việc chung ở tòa đại sứ Nga tại Quảng Đông. HCM lúc ấy mang tên Lý Thụy làm việc với tư cách công dân Nga trong nhiệm vụ thư ký, thông ngôn và phiên dịch. PBC vừa đến thì cảnh sát Pháp ập vào bắt đưa về Hà Hội. PBC bị tù, đưa ra tòa xử lại án cũ tử hình khiếm diện thành chung thân khổ sai. Cuối năm toàn quyền Pháp Alexandre Varenne đưa ông an trí tại Huế cho đến khi ông chết năm 1940.

Chúng tôi sơ lược tiểu sử Cụ Phan Bội Châu để chư vị dùng khi thẩm định giá trị của Pháp Việt Đề Huế Chính Kiến Thư. Rất mong quý vị đọc nguyên bản dịch chỉ gồm 12 trang chữ lớn hàng thưa: Pháp Việt Đề Huề Chính Kiến Thư 

Còn tiếp, xin xem Phan Bội Châu (tiếp theo)

============================================================

nữ sinh Đả Lạt ngày xưa

================================


Friday, February 24, 2023

Xá tội sinh linh

 

 Minou Drout và mẹ nuôi

Xá tội sinh linh * Il a pardonné aux hommes * Minou Drouet

Tôn Thất Tuệ

Thật ngỡ ngàng không biết nói làm sao, có thiệt không? , khi God đã tha tội loài người vì nghe tiếng đàn của bạn. Hành động của Ngài, dẫu là của God, cũng tương duyên nhân quả vì những tiếng từ đôi tay ngọc của bạn làm cho đá nở hoa, như mở tấm lòng của God để Ngài tha tội loài người.

Il a pardonné aux hommes.

Chính vì vậy, tôi đã đưa Euterpe vào nhân vật ngôi thứ hai, tổng quát vô danh, trong thơ của Minou Drouet, bài Musique. Euterpe, trong thần thoại Hy Lạp, là một trong bảy nữ thần của nghệ thuật, nàng đảm trách âm nhạc. Có vậy hơi nhạc đâm toạt trời cao xuống tận đáy quả đất, gõ cửa tấm lòng của God (s’il en y a un, nếu có một Dieu).

 

Ôi, Euterpe, n thn âm nhc ca tôi

Minou Drouet * TTT dịch

Trên mặt đất buồn hát lạnh hay vui nhảy lửa nóng,

không còn gì nữa ngoài nỗi bi thương của tôi.

Nhưng may quá, đôi tay ngọc của bạn đã đến,

rung chuyển quả địa cầu nầy, núi non nhảy đựng.

Những ngón tay vàng chạm những hòa âm hãi hùng

và hùng tráng, đâm toạt trời cao, xuyên thủng đất dày,

mở đường rừng thiêng bung tỏa những mảnh màu xanh lục bao la.

Mỗi lần các phiếm ngà phủ phục quỳ gối dưới các ngón tay vàng

là mỗi lần những cánh tay màu lục rừng xanh kia chắp lại

lâm râm nguyện cầu.

Mỗi lời nguyện đắp thành một vòm cầu đá.

Mỗi hòa âm xây thành một cột trụ.

Dấu thăng trầm làm nên đợt mái ngói liên cung.

Đôi tay vàng bóp núi thành đất sét đỏ

nung gạch xây cất ngôi giáo đường đầu tiên.

Những ngón tay linh diệu đã vực lên ngàn khối đá hoa cương

để lại khoảng trống mênh mông như miệng người mở rộng.

Bạn nghiêng mình áp môi vào.

Khi bạn đứng thẳng trở lại, tôi thấy cái hôn của bạn

khiến đá nở hoa muôn sắc như mống cầu vồng.

Và từ điểm đứng ấy, Dieu [God] ra dấu cho biết

Ngài đã tha tội nhân sinh

vì Ngài vừa nghe

đôi tay ngọc tấu nhạc thần tiên linh thiêng.-

 

Musique * Minou Drouet

Sur la terre chantante de froid

sur la terre dansante de feu

il n'y a rien que

ma peine

et vos grandes mains sont venues

et elles ont brassé la terre

et les montagnes ont bondi

et vos doigts ont plaqué des accords

si effrayants qui crevaient si haut le ciel

si profond la terre que les forêts ont jailli

comme d'immenses géants verts

et à chaque fois que les touches s'agenouillaient sous vos doigts

les mains vertes des géants se joignaient pour une prière

et chaque prière naissait une voute de pierre

et chaque accord plantait un pilier

et chaque trille nouait une ogive

vos mains pétrissaient

la forêt

née d'elles

comme une immense glaise rouge

pour en faire la première cathédrale

et vos mains ont écarté les pierres

et au dessus de ce trou vide comme une bouche ouverte

vous vous êtes penché et vous avez appuyé votre bouche

et quand vous vous êtes relevé

j'ai vu que votre baiser

avait fleuri la pierre de l'arc-en-ciel

par où Dieu nous fait signe

qu'il a pardonné aux hommes

parce qu'il vient d'entendre vos mains. –

 

muguet

Tôi biết tên tác giả khi chỉ biết xem hình màu báo Sélection; . Tôi nói xem hình vì có hoa muguet, cái chuông nhà thờ và cô bé tên Minou Drouet. Đến lớp đệ nhị mới nghe tên Chateaubriand và cuốn Génie du Christianisme với những tháp chuông gothique. Tiếng chuông nầy tạo nên bằng quả lắc bên trong, không như chuông chùa đánh bằng chày vồ hay chày kình. Hành động kêu vang của chuông là carillonner (intransitif, không túc từ). Từ xa ở địa đầu chưa vô thành phố, du khách đã nghe tiếng chuông vang. On entend les cloches carillonner de l’autre bout de la ville.

Thầy Ngô Đốc Khánh giảng thêm chữ carillon và nói qua các carillon trong cuốn Kẻ Lưng Gù của Victor Hugo. Rồi thầy nói cô bé Drouet đã làm “giựt chắc” văn học Pháp với câu: les muguets carillonnent dans les sous-bois. Rứa thì đúng như minh họa tôi chỉ xem hình như trên. (Về hình thể, muguet như cái chuông nhỏ, cây sống trong bóng im).

Sinh năm 1947 mồ côi và tật nguyền được cô giáo Claude Drouet nhận làm con, mang tên Marie-Noelle Drouet về sau thành Minou Drouet. Cô bé gần như mù, sống cô lập nhưng có khiếu âm nhạc và được các nhạc sư tài danh chỉ bảo các ngón ngành dương cầm.

Ở điểm nầy, khuyết tật của cô bé gần với bất hạnh của nhân vật tiểu thuyết của André Gide. La Symphonie Pastorale xb 1910 dựng trên nhân vật chính là một bé mồ côi mù được một mục sư nhận làm con nuôi, học nhạc rất nhanh và được dẫn đi nghe giao hưởng số 6 của Beethoven (cùng tên) và bé đã thấy màu sắc qua âm thanh. Về sau bé nhờ phẩu thuật mà dùng được đôi mắt.

Giống như con nuôi của tu sĩ kia, Minou Drouet có ân phước được mổ mắt và có thị lực bình thường. Minou Drouet đã trở thành một danh thủ dương cầm, trình diễn với các bậc thầy như Pablo Casal, đóng phim, diễn kịch...

Về thi ca, Minou Drouet đã lọt mắt xanh của nhà xuất bản Julliard. Réné Julliard trước đó đã đưa lên văn đàn cô sinh viên trẻ Françoise Sagan với Bonjours Tristesse. Nay lại thêm một cô gái nhỏ nữa qua tập thơ Arbre Mon Ami 1956.

Văn đàn Pháp không ngồi yên như khi tiếp nhận Sagan. Sagan chưa đủ tuổi thành niên để ký hợp đồng xuất bản phải nhờ bố mẹ ký nhưng đã gần 18. Còn đây, Minou Drouet mới tám tuổi mới khổ chơ, mà tông tích không rõ, có người còn quả quyết Minou là con đẻ của cô giáo không chồng mà chửa, nói dối là con nuôi.

Phe phản đối nhất quyết là tác phẩm của bà mẹ nuôi; đến mức phải cho Minou ngồi trong phòng riêng và làm thơ theo một đề tài như kiểu các thầy đồ xưa làm thơ theo lệnh vua. Nhiều phương pháp ngữ học đã được dùng tới để nói rằng bà mẹ nuôi, tuy có viết văn, không có những nét chính yếu cần thiết của một thi sĩ, không có những tinh tế trong thơ của Minou.

Nước Pháp chia ra hai phe, gần giống như vụ án Dreyfus tuy tầm mức nhỏ hơn.

Phe chống đã trông nhờ vào Jean Cocteau, đại thi sĩ của thời đại. Thi bá Jean Cocteau nói: Tous les enfants sont les poètes, sauf Minou Drouet (mọi bé gái đều là nữ thi sĩ, ngoại trừ Minou Drouet).

Minou đã đứng vững trong nền văn nghệ Pháp với rất nhiều tác phẩm, xuất bản nhiều bản nhạc, với những lần trình diễn âm nhạc, ngâm thơ (récital), thâu thanh vô dĩa …

Thế đã đủ, Minou từ lâu đã rút lui về quê cũ của những ngày thơ ấu, La Guerche-de-Bretagne, sống âm thầm với gia đình.

Nước Pháp lắm nữ văn hào trẻ thơ. Trước Minou Drouet gần nửa thế kỷ, Sabine Sicaud sinh 1913 chỉ sống 15 năm nhưng làm thơ khi mới biết bò. Tuy không nói đến hoa muguet, Sabine Sicaud đã tưởng tượng những cái chuông nhỏ trong tâm tư con dê cái đang rải khắp không gian những tiếng ngân, những carillons (les clochettes de son rêve éparpillent leurs carillons),  như những hoa muguets của Drouet “carillonnent dans les sous-bois”.

********************

bản tiếng Anh Music, không nhớ tên dịch giả

 

Music * Minou Drouet

On the earth singing with cold

on the earth dansing with fire

there was only my grief

and your big hands came

and they stirred up the earth

and the mountain leapt

and you hand played cords

so frightening piercing the sky so high

the earth so deep

that forest sprang up like huge green giants

and whenever the note knelt down beneath your fingers

the green hands of the giants were clasped in prayer

and from each prayer grew a stone vault

and each cord rooted a pillar and

each trill traced an arch

your hands moulded the forest;

they make like a sea of red clay

to build the first cathedral

and your hands pushed apart the stones

and above the chasm

as empty as an open mouth

you leant down and you set your lips against it

and when you stood up

I saw that your kiss has decked

the stone with the fiery rain bow

of the first rose window in the doorway

to the heaven through which God tells

he has forgiven men

because now he has heard your hand.


[sáu câu cuối tiếng Anh khá xa với nguyên bản: nụ hôn của bạn đã tô màu (dán giấy màu) khối đá như một mống cầu vồng nơi cửa kính tròn trang trí nhiều màu nơi hành lang của Thiên Đường và xuyên qua hành lang nầy God nói đã tha tội cho loài người.

Drouet dùng fleurir như động từ transitif có túc từ: làm cho vật gì nở hoa, và không nói đến rose window (là cửa kính vòng tròn nhiều màu ở các nhà thờ kiểu baroque, cũng như không nói hành lang đi vào thiên đường].

========================================================

Châu Đốc thần tiên ngày nào
===============================



Tuesday, February 21, 2023

quân sự, dân sự, hành chánh

 









Nguyễn Văn Bông (1929-1971)



     

Quân sự dân sự hành chánh

Tôn Thất Tuệ * Feb 21, 2023

Tôi thiệt hấp tấp khi nói với blog Mậu Thân ông Tôn Thất Hùng (TTH) có viết một bài tùm lum tà la về một đề tài rất lớn.* Lối nầy võ biền và chợ búa quá. Cho nên nói lại, bài viết của ông TTH bao gồm rất nhiều chuyện đời, khắp bốn vùng chiến thuật, không tiết kiệm sự việc, trái lại sự việc tuông ra như suối chụp không kịp nên chụp nhanh chụp lẹ. Chính vậy, i tờ rít như tôi đọc không biết ngả mô mà rờ.

Lại xính quýnh bằng cái đầu đề rất to là dân sự hóa hành chánh nhưng bài viết của ông TTH chỉ nói lên cái chua chát của giới dân sự mà ông gọi là giới khoa bản khi làm việc trong nền hành chánh do đảng kaki nắm quyền. Xưa kia, quan văn thất phẩm đã sang, quan võ ngũ phẩm lang thang cầm cờ. Nay thì các quan võ như các ông thần hét ra lửa mửa ra khói.

Nếu kỳ vọng một bài phân tích dân sự hóa trở lại, kèm với cố gắng của ông Nguyễn Văn Bông làm ví dụ, người đọc sẽ thất vọng, và an ủi bằng cái vinh hiển một thời của quan văn, so chiếu những thô bạo của quan võ, kể cả việc NCK về VN phủ phục dưới trướng của CSVN.

Bài có vài điểm nhỏ không quan trọng nhưng chúng tôi thấy cần trình bày ý kiến cá nhân.

1. Ông TTH nói rằng bắt đầu sau Mậu Thân 1968, các chức vụ quận trưởng đều nằm trong tay nhà binh. Tôi không dám tổng quát hóa nhưng 1962, tôi, Tôn Thất Sỹ, Tôn Thất Bảo cùng ba người nữa thực tập tại Mỹ Tho thì đã thấy các quận trưởng là đại úy. Lúc đó tỉnh trưởng Định Tường là Thiếu Tá Lâm Quang Thơ (chuẩn bị đeo lon trung tá); phó hành chánh là ông Liêm thư ký hành chánh thời Tây,  bố vợ của đại tá Tôn Thất Soạn TQLC, tỉnh trưởng Hậu Nghĩa. 1965, tôi làm trưởng ty xã hội Định Tường 90 ngày thì đi học quân sự Thủ Đức. Lúc ấy các quận đều do nhà binh, có người đã lên thiếu tá; phó HC là anh Hội, không biết khóa nào.

Có người khi chỉ trích quân đội làm HC đã khen TT Diệm muốn duy trì nền hành chánh dân sự, như ông đã lập trường QGHC.

Thực tế, các tỉnh trưởng nhà binh do Phủ Đầu Rồng chỉ định trước đảo chánh 1963. Chiến tranh đã chính thức bắt đầu bởi Trận Bà Bèo, Định Tường 1959, nhà binh lên giá. TT Diệm đã đồng hóa trung tá một đốc sự đã từng làm quận trưởng Cai Lậy để giữ chức tỉnh trưởng Vĩnh Long. Sự việc nầy do tôi đọc một hồi ký trên internet của người con vị trung tá ấy nhưng không nêu tên, có hình ông tỉnh trưởng mặc quân phục có cầm “cane”. Nếu TT Diệm muốn dân sự thì sao lại đồng hóa ông tỉnh trưởng nầy thành nhà binh. Trong cố gắng tân tiến hóa nền hành chánh như một khoa quản trị, trường HC Đà Lạt có từ thời Bảo Đại tuyên bố Quốc Gia VN được đưa về Saigon, trực thuộc Phủ Tổng Thống; không phải là sáng kiến thành lập của TT Diệm.

2. Ông TTH có nói sơ dự án dân sự hóa của ông Bông chỉ để thương xót phận nghèo. Thầy ơi, ông Khánh theo lệnh Mỹ hạ bệ Đôn Đính Kim vì thân Pháp, làm răng mà Hoa Thịnh Đốn có thể ủng hộ một người tốt nghiệp bên Pháp là thầy. (Chợ Cầu Ông Lãnh: bỏ qua đi Tám, forget it). Quân phiệt chúng khôn lắm, đã bày mưu dân sự hóa; tỉnh trưởng Quảng Nam là GS Chi và cả một đạo quân QGHC không làm gì được trong sáu tháng điều hành tỉnh Quảng Nam như bằng chứng bất lực của khối dân sự, giới khoa bản. Lại còn nạn đảng phái hoành hành ở miền Trung. Cụ thể là Đại Việt, tạo ra tình trạng “chú thượng sĩ cánh gà điều khiến một đại tá” (cánh gà chiên bơ là trung sĩ, thượng sĩ nút đồng tròn) như thư ký hành chánh làm phó tỉnh Quảng Trị, năm 1967, ngồi trên đầu Hồ Đắc Chương 10 năm công vụ, và các vị trẻ hơn như Nguyễn Vĩnh An, Trần Đình Thương, Trần Ngọc Huỳnh…Về chỗ dân sự hóa, tác giả không nói đến cố gắng thất bại ở đô thành, nhiều quận giao cho QGHC phải rút lui như anh Mạnh, Quận 6, sau Mậu Thân. Anh Dư, quận 8.

Time out: Cũng là dân QGHC cả nhé, ông Trần Bạch Thu, tác giả nhiều sách, viết rằng: Ông Bông bị sát hại đúng một tuần trước khi nhậm chức thủ tướng. Nếu đúng vậy thì ông Thiệu đã ký sắc lệnh bổ nhiệm, đinh đóng cột, không “nghe nói, hình như, rờ mu rùa, suy diễn”. Tang lễ thầy Bông không thiếu một ai đến kính viếng từ tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng, dân biểu thượng hạ, nói chung là cả nước. Ngay cả người giết ông Bông chỉ nói "sắp làm thủ tướng" mà không chắc nịch như ông Trần Bạch Thu.

Phát giác rợn người của ông TTH là ông Thiệu nói “ông Khiêm làm”. Yelsin mở miệng làm quà nói với Clinton: OJ Simpson did it. OJ Simpson giết vợ. Khiêm did it. Khiêm giết ông Bông.

Nếu ông Thiệu nói ông Khiêm chủ mưu thì nào khác tui đây, Thiệu đây, tui làm chuyện ấy. Nói NCK làm cũng không được vì NCK là phó TT. Tổng thống và thủ tướng liên hệ mật thiết hơn giữa hai ông chánh phó. Thiệu Khiêm là một cặp, cùng tháo chạy chung máy bay.

Không hiểu căn cứ vào đâu ông TTH bỏ vào miệng chánh khứa Phan Rang câu nói “hiện ngụy” ấy.

Ai giết NVB thì đã rõ là CS. Nhưng CS làm “good timing”. Lúc ấy ông Kiểu anh ông Thiệu nhiều lần từ Đài Loan về Saigon yêu cầu ông em bớt tính cách quân sự trong ngành hành chánh, có thể vì nhiệm sở đại sứ ở Đài Loan giúp ông thấy lối cai trị tương đối hữu hiệu của Trung Hoa Dân Quốc. Nếu vậy thì ứng viên hàng đầu là ông Bông. VC cho nổ bom để chia rẻ, đổ vào đầu ông Khiêm, tuy ông Bông đã một lần chết hụt vì trái bom đặt ngay ở văn phòng.

Chúng tôi lượm được vài tin tình báo từ một người trước kia đảm trách an ninh quân đội. Một ngày sau, ông nói với tôi rằng báo Saigon “trúng tủ” vụ nầy như trúng mối vũ nữ Cẩm Nhung bị tạt a xít. Chẳng có Khiêm nào, Thiệu nào, Kỳ nào chủ mưu. NCK đã thịt Trần Văn Văn vì dân biểu lập hiến nầy đang cầm đầu đa số chủ trương bốn mươi tuổi mới làm tổng thống hay phó; nếu thành văn thì Kỳ không đủ tuổi để thực hiện tham vọng, bỏ mất cơ hội đầy quyền uy như một thượng đế nhỏ.

Theo vị cao niên trên, các đảng CS liên hệ đến Á Đông, nhất là CS Pháp đưa một số thanh niên VN du học Pháp. Gồm hai thành phần: thứ nhất con của đảng viên hay đã được huấn luyện; nhóm thứ hai những thanh niên tuấn tú có óc phóng khoán sẽ tính sau. NVB thuộc nhóm thứ hai nầy. Ông đã được tuyên truyền chống chính phủ Diệm, nại những tham nhũng áp bức Miền Trung, những lạm quyền tôn giáo. Đến một lúc NVB được tiết lộ chương trình du học, NVB không chịu đi theo chúng và tuyên bố với bạn bè rằng ông sẽ về VN lấy chính quyền trong tay ông Diệm để chống lại CS. Do đó CS để tâm dùng cái chết của NVB vào một mục tiêu tuyên truyền.

NVB có chống ông Diệm không? Chúng tôi nói “có” với bằng chứng cụ thể. Tuyên ngôn sinh viên chống ông Diệm ký tại Y Khoa đường Trần Quý Cáp, dưới sự bảo trợ của GS Phạm Biểu Tâm. Hôm sau tại Luật Khoa, tuyên ngôn nầy mới được công bố, dưới sự chứng giám của GS Nguyễn Văn Bông. Hai sinh viên cầm đầu là Tô Lai Chánh và Nguyễn Trọng Nho lấy thêm chữ ký. Lúc ấy GS Vũ Văn Mẫu đã cạo đầu ủng hộ PG; Tô Lai Chánh làm theo nhưng cạo đầu sau. Cuộc tụ tập nầy tự giải tán, không thấy bóng dáng cảnh sát dã chiến.

Sau đảo chánh, các trường chuyên nghiệp, các phân khoa bầu ban đại diện sinh viên. 14 chủ tịch họp thành Hội Đồng Chủ Tịch Sinh Viên Saigon. HĐCTSV nhóm phiên họp đầu tiên tại một ngôi nhà đường Gia Long (hay Lê Thánh Tôn?) gần bệnh viện Đồn Đất về sau là Bộ Chiêu Hồi của tổng trưởng Hồ Văn Châm.

Các ông chủ trường thảo luận rất náo nhiệt, không ai chịu ai, khi bàn những gì phải làm trong thời cách mạng mới và tiến đến một tổng hội như tổng hội SV quốc tế. Hai thầy Bông và Tâm có đến dự như quan sát viên, không điều khiển phiên họp. Hai thầy ngõ lời chào mừng và chúc thành công trong các sinh hoạt sắp đến để hưởng không khí chính trị mới, không còn Diệm Nhu nữa.

Ngay sau đảo chánh, ông Vũ Quốc Thông đã rời ghế viện trưởng. Ông Nguyễn Văn Bông lên thế, sau khi dược mời vào Hội Đồng Nhân Sĩ  như ban cố vấn của Hội Đồng Cách Mạng, Ông Thông bị mang tiếng thụt lùi chào tổng thống Diệm làm vỡ một bình cổ thời Khang Hy.

3. Trở lại vấn đề dân sự quân sự, ông TTH cho thấy kế hoạch quân sự hóa đến tận xã ấp như chủ tịch hội đồng xã, quân nhân sẽ được bầu đại diện địa phương, ở quốc hội v.v…Thế thì còn chỗ mô cho dân sự chen chân. Có ai ngu dại từ bỏ quyền lực giao cho kẻ khác.

Tác giả tỏ ra chua chát khi nhắc đến mơ ước dân sự hóa từ trung ương đến địa phương. Chính vì vậy ông TTH chỉ lước qua dự án của ông Bông.

4. Chúng tôi không mượn cơ hội nầy để bàn về dân sự quân sự trên tầm mức chiến lược và lý thuyết chiến tranh vì nó quá rộng. Hơn nữa việc làm của ông Bông và cái chết nhằm vào một thời đầy những sóng ngầm mà bên ngoài rất an bình. 

Chừng 1970, một năm trước khi ông Bông chết, một nhân vật tình báo quân sự Mỹ bảo đảm với thế giới rằng ông mặc đồ nhà binh lái xe jeep từ Cà Mâu đến Bến Hải mà không bị chận, bị bắn sẻ, bị đắp mô. Nhưng 1970, Mỹ đã tổ chức mật đàm Kissinger Lê Đức Thọ, cũng là thời Mỹ đang thương thuyết để công nhận Trung Cộng thay thế Đài Loan vào LHQ và đưa đến một nước Tàu như hiện nay.

Cũng là lúc bắt đầu Vietnamization trong đó Nixon chơi trò hàng hai. Một mặt ông nói không gia giảm binh bị nhưng tăng cường cố gắng bình định và đưa dân vận (civilian operation) lên ngang quân vận (military operation), ông sẽ viện trợ thêm. Một mặt ông đã giữ kẻ trước mà nói rằng nếu miền Nam VN rơi vào tay CS thì là việc của người Diệt Lam.

Tôi không nghĩ ông Bông tổ chức một lực lượng nhân sự vì chủ trương mới của Nixon. NVB đã bắt đầu từ khi giữ chức viện trưởng QGHC và đã cho thấy khuynh hướng Nam Kỳ. Nhưng có tin ông Bông được mời thuyết trình ở Mỹ về những ưu điểm cuộc dân sự hóa, xét theo hoàn cảnh mới. Ông đã chết trước chuyến công du dự định.

Tôi có nghe chuyện vũ trang các đoàn viên trong tổ chức của ông Bông nhưng không hiểu họ có được huấn luyện về ý thức chiến lược hay không, có học về cách phối hợp dân sự và quân sự hay không. Nếu giải pháp dân sự được quan niệm như một phương cách lấy lại quyền lực thì bình dân quân sự gọi là tranh ăn và đưa đến những hậu quả vô lường.

Ông Bông chết và những kế hoạch thiên hạ dự tưởng cũng tiêu ma. Người ta không nói đến một nhân vật nào kế vị, ngay như ông Nguyễn Ngọc Huy chỉ là một bóng mờ.

Con cá sẩy bao giờ cũng lớn. Đồ đệ của thầy Bông cho rằng thầy mang theo liều thuốc chữa trị căn bệnh quân phiệt, nhất là bây giờ khi nói đến giới kaki 30.4 tháo chạy trước tiên để lại cái băng nhựa chiến đấu tận giọt máu cuối cùng.

Quân sự hay dân sự là đặt vấn đề sai. Vấn đề là lãnh đạo dù ở cấp nhỏ như một quận hay lớn là cả chính phủ.

Giới dân sự, như tỉnh trưởng, có mặc cảm không biết bắn súng như Obama mặc cảm về hiểu biết quân sự phải đeo mấy ông tướng làm cố vấn. Các nhà lập quốc Mỹ giao cho dân sự nhiệm vụ điều khiền quân sự. Ông bộ trưởng quốc phòng không bắn sùng giỏi như binh nhì. Đình trưởng Lưu Bang điều khiến Hàn Tín, giao cho Hàn Tín mọi quân cơ. Nói vậy thì tầm mức quá lớn so với một tỉnh như tỉnh Phong Dinh. Nhưng tỉnh trưởng dân sự có thể điều hợp kế hoạch an ninh chung gồm quân sự, thông tin tuyên truyền, canh nông, y tế ... mà không chút mặc cảm nào với ông tá hay bác sĩ. Tỉnh trưởng nên theo theo tinh thần của Hán Cao Tổ: mưu lược không bằng Trương Lương, tế thế không bằng Tiêu Hà, binh bị không bằng Hàn Tín nhưng điều khiển cả ba để thành việc lớn, lập nên triều đại mới.

Một trong vài nguyên nhân chính cho CS thành công là biết sự liên hệ quân sự và dân sự, chỉ có người duy nhất chỉ huy là đảng ủy.

Quân sự hóa hành chánh 100% trùng hợp với quân sự hóa hệ thống điều hành phía HK. Chúng tôi muốn nói đến sự thành lập Juspao (The Joint United States Public Affairs Office), gộp chung MACV, USIS, USAID năm 1965 dưới quyền chỉ huy của đại tướng William Westmoreland, aka Westy. Các cuộc tường trình chiến sự nay xẩy ra ở bộ chỉ huy quân sự với một sĩ quan cấp tá thay vì bởi một phát ngôn viên dân sự tại sở thông tin USIS.

NCK chơi trội qua mặt NVT vì sau lưng là Westy. Nhưng Westy đã bị báo chí Mỹ cho là kẻ nói dối về thành quả quân sự. New York Times đã xuất bản các tài liệu chính thức của Pentagone khác với tùy viên báo chí của Westy. Westy không đủ sức lượng định hậu quả của Mậu Thân, ông đang trông chờ một Khe Sanh thành Điện Biên Phủ, trong đó Mỹ sẽ dập nát VC không như Pháp phải thua trận. Westy cho rằng Mậu Thân chỉ làm giảm sút sức tập trung lực lượng ở Khe Sanh, nó không có ý nghĩa chính trị nào. Không có gì sai lầm hơn. Mậu Thân là vết thương tạm băng bó nhưng làm độc đến 1975. Cũng như Thánh Chiến Thứ Tư thay vì đi Jerusalem thì chiếm phá Constantinople; Đế Quốc Miền Đông lấy lại nhưng đó là vết nức cho Ottoman muslim lọt vào, tuy mãi về sau rất lâu. Westy đã phải về nước sau Mậu Thân.

Trở về chuyện dân sự quân sự, tỉnh trưởng dân sự đã một thời điều khiển phó nội an, và điều khiển tiểu khu. Dù tỉnh trưởng quân sự hay dân sự, lực lượng an ninh bố phòng của tỉnh gồm địa phương quân, nghĩa quân và bán quân sự. An ninh lãnh thổ thực sự đảm trách bởi các lực lượng chính quy của quân đoàn và sư đoàn; tỉnh trưởng không điều khiển hành quân những lực lượng chính quy, và không nhất thiết phải là một sĩ quan.

Rất tiếc chúng tôi không biết gì về thầy Bông để biết rõ đường lối của thầy, khi muốn đứng đầu công cuộc chống cộng thay ông Diệm.

Phần thứ tư của bài nầy không liên hệ trực tiếp bài viết của ông TTH tuy được gợi ý từ đó. Ông TTH nêu tệ trạng “đảng” Đại Việt như trung sĩ điều khiển đại tướng. Đại Việt đã đưa người làm tỉnh trưởng; ít nhất tôi biết là đại tá Thìn tức Long ở Đà Lạt và đại tá Cường ở Đà Nẵng; ông Cường xuất thân là cảnh sát cận vệ của trưởng ty CS Huế. Nhưng không biết Đại Việt nói đây có khác hay là một với Đại Việt mà thầy Nguyễn Ngọc Huy thuộc cấp lãnh đạo. Thường nghe cặp bài trùng Huy Bông, nếu đúng thì Đại Việt của thầy Huy sẽ làm nòng cốt cho hệ thống cai trị trong dự phóng của thầy Bông. Thầy Bông có lập ra Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến gồm các thành phần dân cử, chuyên viên, trí thức, tôn giáo, đảng phái. Tập hợp nầy không thể đóng vai âm phù dương trợ; một phong trào thì như gió, như kiểu Mặt Trận Tổ Quốc của Hà Nội hay Phong Trào Cách Mạng Quốc thời ông Diệm. Về chính trị, phong trào chỉ đóng mặt ngoài, khác với cơ cấu tổ chức trung kiên của một đảng chính trị, một hệ thống 'grass root' kiểu Mỹ.

Nếu ông Vũ Quốc Thông được xem như một tuần vũ có bằng tiến sĩ luật thì thầy Bông là nhà cải cách, chuyển cai trị dân thành quản trị khoa học và vận dụng nhân sự uyển chuyển, có mặt trong mặt ngoài. Mặt trong thầy Huy, mặt ngoài thầy Bông, âm phù dương trợ.

Thầy Bông đã bình dân hóa cái tên từ học viện qua trường, khá khiêm tốn và thầy đã mở thêm ngành cao học cho phép cử nhân thi vô dễ dàng, không đòi hỏi một số năm công vụ của cựu sinh viên đốc sự. Thầy nhắm vào các học viên cũ thì đúng quá; những học trò cũ như dân biểu Lê Minh Tiết (?) giúp thầy có tiếng nói trong ngành lập pháp, học viên tốt nghiệp trước khi thầy đến vẫn hãnh diện về lý tưởng của thầy, những thành phần nầy như một bộ dàn sẵn sàng cho hoa thiên lý nở hoa thơm.

Ngày xưa, người Pháp quan niệm học luật là cai trị được cũng như thời quân phiệt bắn súng được là chỉ huy hành quân được và có thể làm quận trưởng và tỉnh trưởng. Một cuộc chiến mang quá nhiều tính cách chính trị và xã hội, tiếp nối một lịch sử phức tạp trên một bán đảo chính địa, geopolitic như yết hầu của khu vực, mà chỉ dùng họng súng thì làm sao thắng được.

Tuy không biết đường lối của thầy Bông, tôi thấy thầy là người duy nhất thời đó có một ý thức về lãnh đạo và chỉ huy. Người ta đinh ninh rằng VNCH sẽ thắng cuộc, và những dự án của thầy Bông sẽ dùng vào thời hậu chiến. Mong cầu ấy không đúng chỗ.

Mong cầu cấp thiết là đường lối của thầy được dùng để thắng cuộc chiến. Hành chánh và quân sự là hai mặt của đồng xu, đâu lưng với nhau. Tham vụ ngoại giao HK Dick Tear khá thân với tôi, trước kia là tùy viên của đại tá “huyền thoại” Landsdale nói rằng không nên lý tưởng hóa chef cũ của ông về thành công dẹp cộng quân Huk ở Phi Luật Tân. Mỗi lần nói chuyện ở tư gia đường Tú Xương, Dick Tear đều lưu ý: Lansdale không làm gì được nếu không có (tổng thống) Magsaysay; ngược lại Magsaysay cũng bó tay nếu không có Landsdale trợ giúp.

Ở VN chúng ta có rất nhiều Landsdale nhưng không có Magsaysay. Những người VN và HK am tường chiến tranh và lịch sử đang mong cầu một Magsaysay cho VNCH. Họ đã nghĩ đến Nguyễn Văn Bông, chứ không phải những lý thuyết gia tự biên tự diễn như Lý Đại Nguyên mặc bà bà đà để làm tổng thống kiểu Lý Công Uẩn nhà Lý.

Nhưng Magsaysay trong tiềm năng ấy đã chết vì bom nổ tại góc đường mà bóng ngôi nhà nội trú của trường có thể phủ tới nếu mặt trời chịu khó hạ thấp chút nữa. Buồn.

nhận đinh về giải pháp dân sự trong thời gian quân đội nắm quyền trong chiến tranh VN

=================================================

==================================


người vợ hiền, Thiếu Sơn 1933

 

Người Vợ Hiền

Thiếu Sơn * Gia Định 1933

Phê bình tiểu thuyết Người Vợ Hiền của Nguyễn Thời Xuyên


Người Vợ Hiền là món quà ra mắt của ông Nguyễn Thời-Xuyên khi ông mới nhập-tịch vào làng văn. Món quà đó đã được nhiều người hoan nghênh thì tác giả của nó cũng đáng cho ta nên chú ý. Chú ý về cái nghệ thuật ông đã dùng để nặn đúc nên một người vợ hiền cho gia đình VN.

Thế nào là một người vợ hiền? Không biết thế gian nầy có được người vợ hiền nào như cô Dung không? Song nếu giả thiết ra một người vợ hiền thì người vợ hiền đó tất phải có tánh cách, phẩm hạnh, giáo dục và thiên chức như cô Dung mới được. Cô Dung là một người thanh-nhã, khiêm-nhường, đoan-trang, hiền thục. Cũng như Tố Tâm, cô là một gái văn minh. Văn minh nghĩa là đã tiến hóa hơn người đương thời, tiến hóa cả thể chất lẫn linh hồn. Cái thể chất của người ta nó tiến hóa từ thô đến thanh, thì cái linh hồn cũng theo đó mà càng thêm trong sạch.

Theo lẽ sanh lý thì đàn bà vẫn nặng về phần hồn hơn phần trí nên hầu hết đều là khách đa cảm đa tình. Những người thanh thì cảm cái thanh, người tục thì cảm cái tục. Mà cái tình của người văn minh tấn hóa nó vẫn vượt lên trên được phần xác thịt mà chung đúc ở chỗ tinh thần.

Cô Dung là người đa tình lắm, đối với cô “chỉ sống trong chữ ‘yêu’, nên đời cô chỉ là “giấc ngủ mà tình là chiêm bao”. Giấc ngủ mà không có chiêm bao là giấc ngủ vô vị, thô tục, chẳng khác gì cái chết vậy. Chồng cô là một người trong chiêm bao của cô, cô tưởng tượng đến trước khi chưa thấy mặt, rồi cô quyến luyến không dời từ sau khi gặp gỡ để gây nên một giấc mộng trường xuân giữa nơi trần gian tục địa nầy. Đã vậy mà cô còn lợi dụng ái tình mà làm điều nghĩa vụ, đem hết tài trí thông minh để cảm hóa người yêu.

“Giúp cho bạn chung thân của mình được yên vui đặng đởm đương những công việc lớn lao, có giỏi nữa là giúp cho chồng vững chí trong đường phải mà làm nên nghiệp cả. Có thể nói rằng người vợ hiền là thuốc tiên để chữa những sự đau khổ của đàn ông, là cái bùa tiên để biến hóa những sự chán ngán làm hy vọng”.

Mấy dòng đó là nói về cái thiên chức của người vợ hiền, mà cái thiên chức đó tuồng như cô Dung đã đầy đủ được một cách êm đềm, đằm thắm. Vậy mà chồng cô còn ngoại tình, chồng cô còn lỗi đạo. Chồng cô ngoại tình để cô tủi, chồng cô lỗi đạo để cô rầu. Chiêm bao tới đó là hết, mà giấc ngủ hãy còn, cái giấc ngủ vô vị, cái giấc ngủ nặng nề, cái giấc ngủ in như cái chết vậy.

Cái tinh thần cô hồi đó muốn chết mà thiếu chút nữa thì cái thân xác cô cũng phải hao mòn tiêu diệt.

Nhưng phần Hữu Chí, có thể tha thứ được vì ngoại tình không cố ý, lỗi đạo mà không phụ lòng.

Cô Josiane hỏi chàng: “Thương tôi không mình?”.

Chàng đáp:

- Thương.

- Nhiều hay ít?

- Nhiều.

- Nhiều có bằng vợ nhà không mình?

- Sao mà khờ đến thế hỡi em! Chẳng nên hỏi những điều mà khó thể cho người ta tỏ thật với minh. Em biết em thương tôi, tôi thương em là đủ. Chớ so sánh làm chi. Em còn nhớ trước kia tôi không dám thương em, vì biết sau nầy có điều ân hận. Nay ta thương nhau rồi. Thương nhau, thương lỡ, thương liều, thương vô mục đích, thương thẹn với lương tâm; thiết tưởng em cũng có lúc bất an trong lòng như tôi vậy. Thẹn với lương tâm nhất là những hồi hoan lạc mà bỗng nhớ đến vợ nhà. Cho nên tôi xin với em bao giờ đôi ta hội ngộ đừng có nói những điều gì cho tôi phải nghĩ đến”.

Lời nói trung hậu làm sao, can đảm làm sao! Giữa hồi hoan lạc với người tình mà lòng còn nhớ đến vợ nhà, trí còn tưởng đến vợ nhà, không muốn cho cái miệng của khách trăng hoa nhắc đến, không chịu cho con người trần cấu được tự đem so sánh với bạn trăm năm. Cái thái độ đó là thái độ của người quân tử, mà đã là người quân tử đến bậc đó thì đều đáng thương, đáng phục, chứ không đáng trách, đáng khinh.

Đã vậy mà cô Josiane là người tình của Hữu Chí, theo tôi, cũng chưa hẳn không có chỗ khả lân, khả ái. Thử nghe mấy lời cô nói với Hữu Chí:

Tôi biết rằng tình thương yêu của tôi có hại cho tôi nhiều lắm. Nhưng đã thấy hại mà tôi dám thương thì mình hãy lượng giùm cái tình của tôi nó nặng là bao nhiêu… Theo ngu ý của tôi, khi nào tôi chỉ được thương ai trong cái thời kỳ ngắn ngủi, thì tôi tăng cái mãnh lực của ái tình lên gấp hai, gấp ba… Tôi chán đời nên tôi kiếm kẻ khác thiên hạ làm bạn tri âm. Tôi là gái lẳng lơ nhưng chẳng hề nhận ai trong biển ái.

Gái trăng hoa như Josiane chẳng phải là hạng gái tầm thường. Gái tầm thường đâu nói ra được những lời như vậy. Nếu không bị tình duyên lỡ dỡ, nếu chẳng gặp cảnh ngộ éo le mà có cùng hạnh phúc như ai, gặp được người xứng đáng với cái ái tình nặng nề của cô thì có lẽ cô cũng thành người khá. Cô đa tình lắm nên khi nào chỉ được thương ai trong cái thời kỳ ngắn ngủi thì cô phải tăng cái mãnh lực của ái tình lên gấp hai gấp ba. Ái tình mà thảm thiết đến thế thì đặng thương ai trong suốt đời thì vị tất cô đã chẳng duy trì được mãi mãi.

Cái đau dớn của cô Dung nay phải trách cứ vào ai mới được? Phàm trong thuật tiểu thuyết vẫn có cái thuật tương đối (art de contraste). Đem cái xấu mà đối với cái tốt, để làm tăng cái tốt. Đáng lẽ tác giả phải tả cho Hữu Chí say mê thêm chút nữa, lầm lỗi thêm chút nữa để ta có chỗ trách cứ về nỗi thống khổ của cô Dung. Lại đáng lẽ tác giả phải tả Josiane hèn hạ đôi chút, bi tiện đôi chút để có thể đem so sánh với cô Dung để thấy ai đáng ghét đáng khinh.

Sự buồn thảm của cô Dung đáng lẽ là chỗ hay nhất. Nhưng độc giả không biết trách cứ vào ai cho xứng đáng với cái đau đớn thâm sâu của cô Dung. Tác giả không tạo ra cái giận cái ghét, cho nên chưa làm ai cảm dộng đúng mức. Đó là một thiếu sót về tiểu thuyết.

Nhưng về luân lý, ông Nguyễn Thời Xuyên đã tạo ra hình ảnh người vợ hiền lý tưởng, đầy phẩm hạnh, làm kiểu mẫu cho nữ giới, và kiểu mẫu ý trung nhân của giới tu mi nam tử.

Tác giả đã mượn sách của Henry Bordeaux mà viết truyện. Đó là cuốn tiểu thuyết Une Honnête Femme. Cô Dung là Germaine; Hữu Chí là Ferrière; Josiane là Madame Berthe, vợ của Chéran. Tuy mượn của kẻ khác, Nguyễn quân đã thay đổi cho hợp sở hiếu độc giả An Nam. Cô Dung đã được truyền thần đầy đủ từ tư cách của Germaine. Hữu Chí không giống hệt Ferrière, khiêm nhường và thuần giản hơn. Josiane không như Mme Berthe; Josiane cao thượng hơn, khả ái hơn, không dâm dục đê hèn như bà vợ của Chécan.

Văn thuyết của hai nhà văn Pháp và An Nam khác nhau.

Ông Henry Bordeaux muốn chưng ra rằng một người chồng hiền có thể vừa thương vợ vừa ngoại tình; trong lúc người vợ hiền chỉ biết có chồng và không biết ai khác nữa. Ông phân biệt cái đẹp kín đáo thần tiên và cái đẹp lõa lồ của người đàn bà; kín đáo thần tiên cảm hóa; lõa lồ làm say mê u muội.

Còn ông Nguyễn Thời Xuyên chỉ muốn vẻ ra một người vợ hiền kiểu mẫu. Người đó khi còn con gái tánh cách ra sao. Khi có chồng cư xử thế nào. Xử lúc thường là vậy; xử lúc biến thì sao?

Sự ngoại tình của Hữu Chí chỉ là một cảnh biến trong cuộc đời của cô Dung.

Hết cảnh biến đến cảnh thường. Giấc mộng thần tiên đã đem đến cho hiền phụ cái hạnh phúc vô tận vô biên của một gia đình lý tưởng.

Tác giả cho người đọc hưởng đầy đủ giấc mộng thần tiên ấy và sinh hoạt chung với gia đình lý tưởng ấy.

Có được như vầy là nhờ ngọn bút tài tình của Nguyễn Quân trong một tác phẩm giá trị hiếm có.-

Trích từ: Phê Bình và Cảo Luận, Thiếu Sơn, Editions Nam Kỳ, Hà Nội 1933

===========================================

Ty Bưu Điện Pleiku

==================================



Wednesday, February 15, 2023

ngưng chiến Ukraine?


            thiết giáp Marder, Đức

Ukraine ngưng bắn kiểu Triều Tiên?

How Might the Violence in Ukraine Come to an End? Rene Pfister, Ann Dorit Boy, Matthias Gebauer  Der Spiegel Feb 10, 2023 Tôn Thất Tuệ dịch

Nga đánh vào Ukraine cả năm rồi; nay làm sao chấm dứt chiến tranh đây? Dường như Nga ngày một xa cách mục tiêu chiến thắng vinh quang nhiều hơn; nhưng chiến thắng dành cho Ukraine vẫn xa mờ, xa xôi, quá xa xôi, khó bề nắm lấy. Tuy vậy, hãy tìm xem cuộc tranh chấp nầy có thể kết thúc theo đường hướng nào.

Khởi đầu một cuộc chiến rất dễ nhưng chấm dứt cuộc chiến muôn bề khó khăn. Cuộc chiến càng lớn càng thêm ảo tưởng đè bẹp đối phương như trở bàn tay.

Tháng 8, 1941 trên đường ra mặt trận Áo, lính Đức đã quẹt viết trên vách toa tàu: “mình đang đi nghỉ mát ở Paris” nhưng Hitler phải mất năm năm đánh đấm cho đến khi tự sát. Cũng vậy, khi xua quân dập nát cỏ Ukraine, Putin tin chắc trong vài ngày là chiếm thủ đô Kyiv và đặt một chính phủ bù nhìn. Nhưng viễn ảnh ấy tiêu ma khi Tây Phương cung cấp hỏa tiển chống thiết giáp; chiến cuộc cho thấy Nga không đủ sức kiềm chế một dân tộc sẵn sàng bảo vệ tự do và chủ quyền. Khi bản ghi chiến công dài thêm, Ukraine đã thay đổi mục tiêu, là chiến thắng toàn vẹn thay vì sống còn qua cơn hoạn nạn.

Chiến tranh là một con quỷ ngồi trên đầu kẻ khởi chiến. Putin hy vọng nhờ cuộc xâm lăng nầy mà phục hồi Liên Xô nhưng nay ông thấy không những phải đương đầu với binh lực can trường của U mà còn lo cho sự sống còn bản thân, sự nghiệp chính trị của mình. Về phía Ukraine, năm 2019, Zelensky tranh cử với khẩu hiệu giải quyết hòa bình cuộc tranh chấp với lân bang Nga; nhưng nay ông chủ trương dùng quân sự giải vây cho toàn xứ sở, lấy lại các vùng bị chiếm, kể cả bán đảo Crimea.

Điều nầy đã làm U trở thành một mấu chốt trong chính trị thế giới thay vì im lìm trong nhiều năm qua. Kết quả cuộc chiến sẽ gây nhiều ảnh hưởng khắp nơi. HK cho rằng nếu Putin nuốt trôi Ukraine thì ai cấm ông nuốt những quốc gia xưa kia trong Liên Xô như Moldova, các xứ quanh biển Baltic. Nếu Putin thắng, Bắc Kinh sẽ làm theo mà chiếm Đài Loan.

Sau một năm giao tranh, câu hỏi hiện đang được nêu lên là: cái cuộc chiến ảnh hưởng sâu xa qua khỏi biên giới Nga và Ukraine sẽ chấm dứt như thế nào? Hỏi thế, nhưng sự kết thúc vẫn còn xa, năm nầy năm nọ, chứ không nhanh đâu, đồng thời không ai dám đoán chắc chung cuộc sẽ như thế nào. Do đó, xin nêu vài đường hướng, vài kịch bản (scenario) làm những khả thể tương lai.

kho lúa mì Ukraine

Kịch bản 1: Ukraine thắng

Chiến thắng của U gồm những gì? Phải chăng là một chiến thắng bao gồm sự mất đất nhưng sống còn như một quốc gia độc lập được Tây Phương trang bị vũ khí đến mức Nga không đám đụng tới nữa? Nhưng với TT Zelensky và đa số dân chúng chỉ có một kết cuộc có thể chấp nhận là Nga rút khỏi U không còn chiếm một tất đất nào. Thực tế hay không, còn tùy nhưng đó vẫn là một mục tiêu rõ ràng. Mùa xuân năm rồi, trước cuộc chiến, Zelensky đã chuẩn bị sẵn sàng để thương lượng với Putin về Donbas và Crimea nhưng nay chuyện nầy không đặt ra nữa. 85% dân chúng phản đối nhượng đất cho một chế độ đã sát hại thường dân. Thảm sát Bucha đã nuôi dưỡng tinh thần chống Nga; cảm tính nầy phải được lưu ý khi quan niệm chiến thắng của Ukraine.

Nga hiện chiếm 1/5 lãnh thổ. Lấy lại đất nhiều chừng nào thì hy vọng chiến thắng tăng chừng ấy và ảnh hưởng tốt đẹp kinh tế và chính trị.

Nhưng Ukraine có thể hạ Nga về quân sự hay không?

Khá nhiều chuyên gia quân sự Tây Phương lạc quan dè dặt về khả thể chiến thắng của Ukraine, đặc biệt vì Nga thường vấp ngã trên chiến trường. Ngược lại, quân lực Ukraine đã cố sức lấy lại được nửa số đất mà Nga chiếm chớp nhoáng khi nổ súng ngày Feb 24, 2022. Ukraine đã chận không để Putin lấy thủ đô Kyiv, tái chiếm Kherson và đuổi quân Nga qua bên kia bờ sông Dniper chia đôi đông tây Ukraine.

Quân lính hai bên phải cầm cự dậm chân tại chỗ theo một chiến tuyến như trong thế chiến thứ nhất. 2.000 làng xã và thị trấn hiện dưới quyền kiểm soát của Nga thì khó mà giải tỏa, không dễ như các phần đất mới tái chiếm nói trên.

Quân Nga đã bám sát và biết rõ địa thế chiến thuật. Putin đã chấn chỉnh nền kinh tế chiến tranh trong vùng và đưa vào một nửa trong số 300 ngàn tân binh quân dịch.

Theo chuyên gia quân sự Mỹ Michael Kofman, Nga thường phủ đầu Ukraine bằng những đợt biển người thu nhỏ với lính chưa được huấn luyện đầy đủ và trang bị kém. Đối đầu chiến thuật nầy, Ukraine cần nhiều vũ khí và đạn dược.

Cuối năm qua, Bộ Chỉ Huy Ukraine cho biết đang cần 300 xe tăng để phản công. Nhưng tiếp viện nầy sẽ không đến chiến trường trong tương lai gần. Đức hứa cuối tháng March sắp đến sẽ chuyển giao 14 xe tăng Leopard, 2 xe tăng hạng nặng và 40 thiết vận xa Marder. Trong khi chờ đợi Đức hiện huấn luyện cách xử dụng tại các căn cứ quân sự Đức.

Nhưng dự án không dễ thi hành theo dự định. Xe tăng Leopard thuộc loại xe cũ thời chiến tranh lạnh, nay đem ra dùng phải tu sửa, dầu mỡ thì hết năm nay 2023 mới hy vọng chuyển giao xong. 31 xe tăng Abram mà HK hứa cho sẽ đến nơi vào cuối năm là thời hạn sớm nhất, sau đó Đức sẽ giao số xe tăng của Đức.

Với yếu tố thời gian như trên, câu hỏi cũ đã sửa thành: Phải chăng những người ủng hộ Ukraine thật tình muốn Ukraine thắng cuộc?

Biden luôn theo đường lối hai mặt: quản đại rộng rãi kèm với dè dặt, rụt rè. Ông đã chấp thuận gởi quân dụng trị giá 30 tỷ, nhưng chuyển giao vũ khí cầm chừng. Đi đầu là súng chống chiến xa, rồi tiếp đến súng cối, rồi đến hỏa tiển vác vai, rồi mới đến xe tăng. Biden hiện không đồng ý chuyển giao phi cơ chiến đấu.

Bộ ngoại giao HK nói Mỹ muốn thỏa mãn nhu cầu của Ukraine trên chiến trường nhưng không muốn đánh nhau với Nga. Đức và Pháp đều theo đường lối ấy và chỉ nhỏ giọt gởi giúp vũ khí làm màu.

Sự kiện lết từng bước nầy đã tạo ra phẩn nộ ở Ukraine, ở những nước Trung Âu như Ba Lan, Tiệp, các nước quanh biển Baltic. Một số ủng hộ viên của Biden cũng bất mãn. Cựu đại sứ HK tại Nga Michael McFaul yêu cầu Nato làm vụ nổ lớn (big bang) ồ ạt cấp cho Ukraine hỏa tiển đường dài, drone có trang bị vũ khí, xe tăng, phóng pháo cơ; ông đề nghị HK cấm vận mọi nhân viên chính phủ Nga. McFaul nói nếu HK tiếp tục viện trợ quân sự và kinh tế từng giọt một, không bao giờ chúng ta có thế giúp Ukraine chấm dứt chiến tranh. Ben Hodges, cựu chỉ huy các lực lượng HK ở Âu Châu cũng đồng ý như vậy và ông đã chỉ cách lấy lại Crimea.

Tóm lại, vẫn có khả thể Ukraine chiến thắng bằng quân sự. Dĩ nhiên với điều kiện HK và các đồng minh Âu Châu xem đó là mục tiêu chính yếu của mình. Để chiến thắng, Ukraine cần nhiều trợ giúp, gấp bội phần, so với những gì đã tiếp nhận.

thủ đô Kyiv

Kịch bản 2: Nga thắng

Không ai có thể biết rõ quan niệm của Putin về chiến thắng ở Ukraine. Putin không bao giờ công khai xác nhận mục tiêu chiếm toàn xứ Ukraine hay chiếm thủ đô Kyiv, mặc dù lính của ông đã uy hiếp muốn chiếm Kyiv trong những ngày đầu chiến cuộc. Lời biện minh tiên khởi là bảo vệ dân chúng Donbas khỏi tay sát hại của bọn Nazi tân thời. Nhưng Putin luôn đặt vấn đề (để phủ nhận) sự hiện diện của Ukraine như một quốc gia độc lập. Mục tiêu chiến tranh của ông không phải là chiếm một vài vùng lãnh thổ của Ukraine mà áp đặt sự kiểm soát toàn diện về chính trị trên toàn cõi Ukraine và biến Ukraine thành một chư hầu như Belarus.

Chiến thắng của Putin rất mong manh. Cho dù Kyiv được đặt dưới một nền hòa bình ép buộc, dân quân và kẻ chuyên phá hoại sẽ không để cho kẻ chiếm cứ Nga sống yên ổn. Khó lòng mà nói đa số dân Ukraine đã biến thành những công dân ngoan ngoãn của Putin.

Nhà độc tài Nga sẽ thu nhỏ quan niệm về chiến thắng. Nếu Putin và thuộc cấp tái lập kiểm soát toàn diện bốn vùng Luhansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia, đồng thời được quốc tế công nhận, nếu được vậy thì Putin còn giữ được mặt, không mất mặt với làng. Nhưng tới đó thật vô cùng khó khăn.

12 tháng can qua đã tạo ra những nhóm nhỏ hiếu chiến và to tiếng. Những nhóm quốc gia cực đoan nầy không thể nào chấp nhận thứ chiến thắng cỏn con và trở thành những mối nguy hiểm nội địa cho Putin. TT Nga sẽ còn rất ít option để biến chiến tranh thành chiến công cá nhân. Tây phương quả thực lo ngại việc Putin dùng vũ khí hạch nhân. Nhưng sử dụng thực sự thì ông lâm vào các mối nguy không lường trước và cũng không giúp gì ông trên chiến trường.

Quân đội Ukraine hiện phân tán mỏng để không bị thiệt hại vì từng cú bom một. Vũ khí hạch nhân chiến thuật có thể đưa đến leo thang hạch nhân, do đó Putin dọa để tây phương ngưng gởi quân viện.

Nếu đúng như vậy, ngưng quân viện thì chỉ trong một tuần, Kyiv sẽ thất thủ và Zelensky sẽ phải nhượng bộ tối đa, nếu không muốn nói đầu hàng.

Hiện nay không có dấu hiệu Âu Mỹ muốn rút lui theo ý của Putin.

Nhưng Putin sẽ dùng kế sách mua thời gian. Dần dà, Tây Phương sẽ mỏi mệt, mất sức. Đó là cách Nga đã đánh bại Napoléon và Hitler.

Quân lính của Putin không được trang bị một lý tưởng nào nhưng ông cai trị một dân tộc gồm 143 triệu người, gồm 25 triệu dưới cờ. Cuộc thăm dò dư luận của tổ chức nghiên cứu độc lập Levada cho biết ¾ dân chúng ủng hộ ”cuộc hành quân đặc biệt”. Trong lúc ấy, thành phần chống đối đã chết, đã lưu vong hay bị câu lưu.

Dư luận quần chúng Tây Phương thay đổi tùy lúc. Khởi đầu chiến tranh, đa số dân Đức ủng hộ gởi quân dụng cho Ukraine, nay chỉ còn chưa được một nửa. Nếu đảng Cộng Hòa thắng cử tổng thống 2024, chính sách HK sẽ thay đổi toàn diện; các đồng minh Âu châu sẽ thiếu phương tiện giúp Ukraine. Dư luận quần chúng Mỹ đã bắt dầu nghiêng về chủ trương ngưng viện trợ.

hoa hướng dương, Ukraine

Kịch bản 3: Bế tắc đẩm máu.

Đó là tình trạng không bên nào thắng. Âu châu phải luôn mang theo bên người một vết thương ngày một rộng hơn tức là người bạn Ukraine ngày ngày dấng thêm sâu vào bế tắc. Nga vẫn hy vọng sẽ kiểm soát toàn cõi Ukraine mà Ukraine không muốn mất một tất đất. Nhưng mỗi bên đều có sở trường sở đoản, khó bề so sánh. Nga và Ukraine trưởng thành khác nhau xuyên lịch sử, hai nước không ngang bằng về hầu hết các phương diện.

Đồng minh Đức ngày một thêm áp lực của dân chúng đòi hỏi một giải pháp ngoại giao cho Ukraine. Các đồng minh khác đang đi theo hướng nầy. Thiên hạ rủ nhau đọc lại lịch sử chiến tranh Triều Tiên như một phóng phát để dựng một giải pháp cho cuộc tranh chấp gọi là đóng băng cứng nầy. Thỏa ước ngưng bắn 1953 đã tạo ra một vùng phi quân sự rộng 4 km cắt ngang bán đảo Liêu Đông giữa Bắc và Nam Hàn. Hai bên quân sĩ cứ việc nhắm súng chỉa vào nhau nhưng không được bước vào; dung đất nầy có hằng triệu địa lôi, mìn chống người (landmine), bước vô mà chết à?

Nhiều nhân vật trong chính quyền HK hiện nay xem đó là giải pháp khả thi; sau đó Ukraine sẽ được trang bị như con nhím, Nga xông vào sẽ ăn lông nhím lũng bụng. Những người nầy cho biết đang giúp Ukraine có được một thời điểm thuận lợi để vào bàn hội nghị.

Những người nầy nói rằng họ chưa biết Ukraine và Âu Mỹ sẽ phải làm gì nếu Nga đưa ra quyết định sẽ tự ý ngưng bắn, đổi lấy việc quốc tế công nhận hai “cộng hòa nhân dân” Luhansk và Donetsk.

Dĩ nhiên không bao giờ Kyiv chấp nhận ngưng bắn kiểu Nga và tiếp tục chiến đấu. Nhưng Ukraine phải toàn thắng (không để dây dưa) trước Nov 2024, mùa bầu cử HK vào lúc Biden phải dùng xe “ngưng chiến” để vào White House lần thứ hai. Nếu được vậy Ukraine mới không mắc vào lưới ngưng chiến của Nga và ngay cả của Âu Mỹ.

Ngưng chiến theo kiểu Triều Tiên không thể tạo nên một nền hòa bình lâu dài vững chắc. Âu Mỹ sẽ hứa hão những vùng đất Nga chiếm vẫn là đất Ukraine,  sẽ tính sau. !!!!!!!!!!!. Giải pháp nầy là miếng mồi ngon của Putin.

Nhưng chẳng may, bất hạnh thay, kịch bản nầy ngày một hấp dẫn. Chủ rạp và đạo diễn bắt đầu tìm diễn viên để đưa lên sân khấu. Zelensky không thể thuyết phục dân chúng đây là một chiến thắng, và Ukraine không còn đủ điều kiện gia nhập Nato và Liên Âu.

Những di lụy lịch sử từ khi có độc lập đến ngày súng nổ Feb 24, 2022, vẫn tồn tại, không mất đi vì chiến tranh hay ngưng bắn. Vẫn còn ảnh hưởng của giáo khu Orthodox Moscou đối với 80% giáo dân, bọn cướp hoành hành (kleptocracy) và những lề thói chính trị ăn sâu từ thời Liên Xô, nay lại thêm cái "chiến thắng" (?) nửa vời, lòng người phân hóa thì Ukraine đáng làm cho các quan sát viên lo ngại.--- Xuất xứ đây

=======================================================


==============================