add this

Monday, April 22, 2024

Ukraine tới lúc ngưng bắn

Quân đội Ukraine 2022, mặt trận miền đông

Ukraine: tới lúc ngưng chiến
Coming to Terms . Harper's.org May 2024
George Beebe, Anatol Lieven

Đã hơn hai năm từ lúc Nga xâm chiếm Ukraine và cũng đã rõ rằng U không thể lấy lại những phần lãnh thổ lọt vào tay Nga. Không có quân viện của Tây Phương, U đã phải thua trận từ lâu. Viện trợ nầy không thể kéo dài mãi mãi, trong lúc ấy Nga vẫn giữ uy thế nhờ vào kinh tế và dân số. Cấm vận, tẩy chay không gây thiệt hại nào cho nền kinh tế Nga và không giảm khả năng quân sự của Nga.
Nga đã điều chỉnh các sai lầm mắc phải trong năm đầu và tiếp tục chiến lược tiêu hao làm cho U thiếu quân, đánh rỗng kho vũ khí Tây phương viện trợ và hao mòn sức kiên nhẫn của Âu Mỹ.

HK đang tìm cách thương thuyết. Những chỉnh lý nội bộ của U cho thấy những sở đoản và những khó khăn quân sự về nhân lực và tiếp vận đối diện với dự trữ không giới hạn của Nga. Quân viện sẽ được tiếp tục nhưng chỉ là những đòn dọa trong nghệ thuật thương thuyết.
Một trong những tương nhượng là Nga bỏ kỳ vọng chiếm toàn lãnh thổ U và biến xứ nầy thành một quốc gia chư hầu và đổi lại Tây Phương giải trừ các mối lo của Nga về an ninh và mở đường bình thường hóa quan hệ kinh tế.

Chính phủ Biden vẫn muốn giúp U chống lại chiến tranh hao mòn của Nga và không muốn thương thuyết nghiêm chỉnh và tạm giữ nguyên trạng tình thế cho đến khi Biden ngồi vững trong Bạch Cung, có tư thế mạnh trong nội tình HK và lúc ấy đủ uy thế hòa đàm với Putin.
Chiến lược nầy của HK rất nguy hiểm. Trong cuộc chiến hao mòn nầy, phần thắng nằm trong tay Putin. Sau thời gian chao đảo, Putin đã nắm được tình thế, nắm vững quyền hành. Lợi điểm mới của Putin là đại đa số người Nga trước đây chống chiến tranh, ngày nay không muốn Nga thua trận. Dân số Nga gấp bốn dân số U. Nga có tổng sản lượng quốc gia 14 lần gấp bội U. Cấm vận của Tây Phương không làm cho Nga mất khả năng duy trì chiến tranh.
Do đó, Nga đã qua mặt tây phương trong việc sản xuất đạn cà nông, vũ khí quan trọng trong chiến tranh hao mòn, Nga bắn cà nông nhiều gấp ba lần U. Nga có thể mua đạn của Bắc Hàn, mua drone của Iran. Tây Phương không thể đưa lính đến thế chỗ lính U đã chết hay số lính mà lệnh tổng động viên không thể tuyển mộ. (cập nhật: đầu tháng 4.2024, Pháp đã gởi đến U lính biệt kích).
Biden nhiều lần cho biết HK muốn U có thế mạnh ở bàn hội nghị nhưng thực tế chiến tranh càng kéo dài U càng yếu thế ngoại giao.

Tuy có lợi thế chiến tranh, Nga vẫn cần nhượng bộ thương thuyết vì chiếm thêm đất U không đủ bảo đảm nền an ninh quốc gia của Nga trên bình diện thế giới. Nội tình Nga thúc đẩy Putin thương nghị với Tây Phương. Putin vững thế hơn trước nhờ đã diệt kiêu binh Wagner và vừa bầu cử xong. Tuy vậy, những sai lầm năm đầu chiến tranh làm cho mọi thành phần quốc gia hoài nghi chiến thắng mà Putin hứa hẹn, đồng thời không mấy ai vui thích thấy Nga đoạn tuyệt với Âu Mỹ.
Báo chí hy vọng Âu Mỹ sẽ giúp Putin tương nhượng bằng cách bảo đảm tính chất trung lập quân sự của U trong một cuộc dàn xếp rộng lớn hơn. Khi gặp một chi tiết nhỏ nào cản đường thì mở ra một cuộc nghị luận rộng hơn là cho nó bớt lấn cấn.
Trong các cuộc nghị hòa, lãnh thổ là điểm khó giải quyết nhất. Nhưng với U thì không khó gì. U đã không thể lấy lại các vùng đất đã mất. Từ khi U xúc tiến phản công đầu năm 2023, người ta đã chuẩn bị tư tưởng rằng nếu công cuộc nầy thất bại thì U sẽ phải mất đứt các vùng lãnh thổ ấy.
Tuy vậy, không chính phủ U nào đồng ý, không một công dân U nào bỏ phiếu trưng cầu dân ý đồng thuận như trên. Thế thì kinh nghiệm đảo Chypre (Cyprus) hơn nửa thế kỷ qua sẽ được đem ra dùng. Chuyện lãnh thổ sẽ tính sau; bây giờ thì ai ở nhà nấy, tôn trọng mức ranh ngưng chiến.

Công nhận U trung lập là một nhượng bộ quan trọng của Tây Phương. Một tháng sau khi súng nỗ, TT Zelensky tuyên bố công khai rằng ông chủ trương trung lập vì trước đó ông đã yêu cầu Nato và HK trong vòng 5 năm phải làm cho U trở thành hội viên của Nato. Vậy sau khi tuyên bố chủ trương trung lập mà đòi gia nhập Nato là lời nói dối không đủ sức biện minh dù cho một cái chết của một thường dân nào.
Đáp lại việc phi quân sự hóa và giới hạn lực lượng Nato theo biên giới cũ của Liên Sô, thỏa ước hòa bình sẽ minh định giới hạn quân số Nga và hỏa tiển Nga trong vùng Kaliningrad thuộc Belarus giáp giới U và trong vùng Nga chiếm đóng.
Không cho U làm hội viên Nato, Tây Phương lấy gì bảo vệ khỏi bị xâm lăng trong tương lai. Xưa nay, không thể tìm ra các sự bảo đảm an ninh tuyệt đối trong các hiệp ước quốc tế. Con đường sắp tới là tạo ra một bối cảnh trong đó Nga chịu ở yên và làm cho Nga biết rằng vi phạm hòa ước sẽ đưa đến tái vũ trang tối đa U và sẽ tẩy chay có phương pháp có hệ thống hơn, quyết liệt hơn.

Nga cần bộ mặt mới hòa bình hơn để ve vảng Tàu và khối Global South (các nước đang phát triển). Tây Phương sẽ yêu cầu Nga không phản đối U gia nhập khối Liên Âu. Việc nầy trông mâu thuẩn nhưng Nga có thể tương nhượng để giải quyết các vấn để văn hóa tròng tréo hai nước từ khi Liên Xô giải thể.
Muốn gia nhập Liên Âu, U không được làm khó giáo hội Orthodox Nga hiện lãnh đạo 80% tin đồ Orthodox ở U. U sẽ phải hủy bỏ các luật lệ giới hạn việc sử dụng tiếng Nga của thiểu số gốc Nga. Putin sẽ chấp thuận không Nga hóa các vùng đất đã chiếm. Bởi lẽ Putin không cần làm việc nầy, đại đa số dân trong vùng nói tiếng Nga và là người Nga tuy có quốc tịch U trước chiến tranh.
Ngưng chiến rất có lợi cho Nga. Những chiến thắng chiếm lãnh thỗ Nga trả giá quá cao. Ba tháng bao vây Mariupol đem lại chiến thắng cho Nga nhưng làm chủ một thị xã hoàn toàn đổ nát; dân chúng còn sống sót đều hận thù Nga.
Chiến tranh càng kéo dài Nga càng lệ thuộc Tàu. Tàu đã mua nửa số dầu do Nga sản xuất; Nga phải nhập cảng hàng kỹ thuật của Tàu những thứ trước đây mua của Ấu Châu. Giới ưu việt trong xã hội Nga tỏ ra quan ngại bàn tay của Tàu ngày một siết mạnh hơn trên lưng Nga.
Những gay cấn quân sự đều bất lợi cho Nga; hậu quả đầu tiên là thủy vận bị phong tỏa không thể để Nga xuất cảng nhiên liệu. Tây Phương lo ngại vũ khí hạch nhân của Nga chỉ xẩy ra vì tai nạn ngoài ý muốn, và chính Nga thấy chạy đua vũ khí đã không quan trọng như thời Liên Xô còn là một đế quốc và Nga đã thấy hậu quả kinh tế suy sụp vì tiêu xài quá mức cho quốc phòng.

Về
 phần U, TT Zelensky phải công nhận thực trạng mà cựu tham mưu trưởng Valery Zaluzhny đã tường trình rằng vì cuộc phản công 2023 thất bại, U phải trở về thế thủ, và chiến tranh kéo dài chỉ đem thất bại cho U.
Cân đo thắng bại, các sử gia có thể ghi nhận rằng giải pháp tương nhượng nêu trên tuy hết sức đau lòng vẫn là một thành quả tương đối có giá trị, đã ngăn chận 80% tham vọng của Putin là chiếm toàn cõi U và biến U thành thuộc địa. Thành quả nầy trị giá hơn một nước U tan nát, hoang vu không người, một chính quyền phân tán và không có cơ hội gia nhập Liên Âu.
Chính phủ Biden thường nói rằng chiến thắng của U liên hệ mật thiết với sự sống còn của Tây Phương nhưng không nói rõ chiến thắng nầy sẽ phải như thế nào. Tuy vậy, Biden hiểu ngầm rằng chiến thắng nầy ngăn chận một cuộc thảm bại toàn diện nếu chiến tranh kéo dài.

Phát họa đường hướng là như vậy nhưng cần tránh hiệu ứng ngược. HK phải chủ động chuyển hướng lịch sử, vượt qua sóng gió U, thiết lập quân bình lực lượng ở Âu Châu, mở đầu một giai đoạn hòa bình ổn cố. Nếu không, U sẽ trở thành chiếc tàu đắm, Tây phương yếu hèn và chia rẻ trước sức mạnh hạch nhân của Nga. Nếu không, HK sẽ què chân đi khập khuyểnh trước một đối lực đoàn kết và hiếu chiến gồm Nga, Tàu, Iran và Bắc Hàn. Mong rằng giới hữu trách thấy trước sự thách thức nầy để đề phòng.

Tham luận của người dich
Nghe thì rất buồn và thương quá. Nghe rằng con heo rừng bị mắc bẩy tự cắn để lại cái chân mà thoát thân, đau nhức nhưng nhờ thần rừng che chở mà sống tiếp. Chính phủ và toàn dân Ukraine sẽ phải đau đớn bỏ cái chân mắc vào bẩy của Putin để giữ 80% đất còn lại. Có lẽ tình thế sẽ phải làm như vậy, không tuốt luốt da me kiểu bốn không của ông Thiệu. Bình luận gia của Harper's cho đó là một chiến thắng có giá trị (a qualified victory). Putin là anh hùng thấm mệt, nhưng nên nhớ con lạc đà ốm (gầy) vẫn to hơn con heo mập. Nga có tổng sản lượng gấp 14 lần Ukraine.
Hôm qua 22/4, Hạ Viện Mỹ đã chấp thuận 61 tỷ viện trợ Ukraine và sẽ gây xáo trộn trong hạ viện, với khả thể chủ tịch Johnson sẽ phải mất chức. Thứ trưởng ngoại giao Mỹ trước đây giải thích quốc hội rằng số tiền nầy rồi cũng sẽ trở lui Mỹ không mất đi mô. Thật vậy, U sẽ nhận viện trợ dưới hình thức hiện vật (commodity), vũ khí quân dụng do Mỹ sản xuất và tự ấn định giá thành, trừ vào ngân khoản viện trợ. Một hỏa tiển gần một triệu đồng; hỏa tiển sẽ bắn như đốt pháo tết, ai kiểm chứng số lượng. Một video của Ukraine trong 43 giây đã bắn 29 hỏa tiển. Cho đến nay U sống nhờ vũ khí mà kinh nghiệm lịch sử +99% cho biết vũ khí không quyết định chiến trường.
Kiều của Nguyên Du có câu: bắt phong trần phải phong trần; cho thanh cao mới được thanh cao. Ông Thiệu nói cho nhiều tiền giữ nhiều đất, cho ít tiển thì bỏ cao nguyên. HCM tưởng thế giới trao cho cả Đông Dương 1954, nhưng bác Mao bảo phải lấy từ vĩ tuyến 17 mà lên.
Sau một tháng chịu bom đạn của Nga, Zelensky tuyên bố chấp nhận trung lập U, bỏ ý định xin gia nhập Nato đúng như Putin mong muốn. Nhưng Biden thay đổi vai trò làm tài xế taxi chở Zelensky đi trốn như chở ông Thiệu đi Đài Loan. Biden bảo cứ đánh, ta cho tiền. Ta sẽ làm tài khôn như Mỹ cho Churchill đạn bắn Hitler (nhưng Hitler không đầu hàng nếu Mỹ không đổ bộ Normandy, Biden không biết lịch sử).
Lúc ấy nếu Zelensky chấp thuận trung lập thì vẫn không lấy lại Donbas và Crimea nhưng không mất thêm đất như bây giờ. Sau hai năm chinh chiến bao nhiêu người chết bao đổ nát, Zelensky sẽ phải chấp nhận một kết quả tồi tệ hơn, mất thêm đất, một đất nước hư hao.
Lý thuyết nationalisme của phe ủng hộ Z đứng bên ngoài chỉ làm trò chiến tranh chính trị. Lý thuyết nầy không đặt Ukraine vào thực trạng chính trị để dung hòa với lịch sử, họ chỉ hô hào một U độc lập, chỉ có gốc Rus xa xưa.
U. có khuôn mặt hiện nay là nhờ Bolchevisme Nga, tuy Bolchevisme nầy rất ác ôn, đã tạo ra nạn đói và diệt chủng. Zelensky chưa chắc đã nắm vững lòng dân. Ngay như chính ông ta, tiếng Nga là tiếng mẹ đẻ. U có một số đông người không khác gì người Nga chỉ khác là quốc tịch U. Chính phủ phải kêu gọi dân U nói tiếng U. 80% giáo dân Orthodox ở U thuộc quyền truyền thừa của giáo khu Moscou, truyền thống tây phương dạy họ nếu cần chọn giữa giáo hội và quốc gia, giáo hội sẽ được chọn, đúng theo tinh thần giáo hội miền Tây hay miền Đông, chọn giáo hội để đi về nước Chúa. U có lãnh thổ rộng như bây giờ vì đã được Nga Hoàng và Staline cấp các phần đất lấy của các quốc gia khác như Ba Lan.
Giáo hoàng Francis xem U là cánh cửa của Nga mở ra Tây Phương, mà Nato đến sủa (bark) thì Putin dùng gậy đánh chó (đả cẩu bỗng) đập cho là đúng rồi. Sau đó Ngài kết tội Nga diệt chủng và bây giờ Ngài bảo U hãy treo cờ trắng đầu hàng; thực tế sẽ không thô bạo như thế nhưng cũng gần gần.
Tò vò mà nuôi con nhện, đến khi nhện lớn nhện bỏ nhện đi, tò vò ngồi khóc tỉ ti.
Nga tự cho mình đã nuôi con nhện U nay U lớn mạnh và bỏ mà đi. Vì U là một thành phần của Liên Xô, Nga trao cho U vũ khí hạch nhân và đảo Crimea. Donald Trumps xem việc lấy lại đảo nầy là tự nhiên vì đảo nầy rất Nga.
Chiến tranh rất dễ khơi mào nhưng chấm dứt khó vô cùng. Lính Đức của Hitler trên đường ra mặt trận viết trên thành toa xe lửa: chúng ta đang đi nghỉ mát ở Paris.
Bình luận gia Đức chê Netanyahu không thể trả lời bao lâu sẽ chấm dứt chiến tranh Gaza, sau đó ông giải thích vì Netanyahu không biết mình đi đâu thì làm sao biết đường dài bao nhiêu mà lo xăng nhớt. Cứ ra đi như Dũng trong Đôi Bạn của Nhất Linh, không biết đi đâu. Nhưng lời chi trích Netanyahu đúng hơn là dành cho Biden. Biden không biết sẽ đưa U đến đâu. Vì vậy, bình luận gia của Harper's lo ngại, không khéo Mỹ sẽ có thể lép vế trước liên minh Nga Tàu Iran và Bắc Hàn nếu không biết lèo lái thế sự sau khi tiếng súng tạm ngưng ở Ukraine.


======================================================

thiếu nữ Saigon 1966
=====================================







Sunday, April 21, 2024

nước mắm tĩn





Saigon xưa

Người Sài Gòn xưa ăn nước mắm tĩn
Nhà văn Lê Văn Nghĩa

Dù nước mắm Phan Thiết cũng được đựng trong chai để bán cho khách hàng, người Sài Gòn xưa vẫn thường mua nước mắm đựng trong tĩn.
Ít khi má tôi mua nguyên tĩn nước mắm. Thời xưa nhà nghèo, không đủ tiền mua nguyên tĩn nên mỗi lần nhà hết nước mắm má thường sai tôi đi mua nước mắm lẻ tại quán bà người tàu mà tụi con nít hay gọi là Xẩm tiệm.
Khi biết tôi mua nước mắm bà liền mở nắp tĩn, dùng một cái gáo làm bằng tre múc nước mắm từ trong lòng tĩn. Cái gáo này (còn gọi là cóng) làm bằng ống tre vạt 1/3 làm cán, 2/3 còn lại được cưa ngang dùng đưa vào tĩn theo chiều thẳng đứng, có nhiều cỡ gáo và các tiệm tạp hóa dùng các cỡ gáo làm đơn vị tính khi bán. Giấm, rượu cũng đong bằng cái gáo tre này.
Nhưng thích nhất là mỗi khi có tiền, má kêu tôi cùng đi chợ để phụ bà xách tĩn nước mắm về vì tĩn cũng khá nặng. Bà thường mua nước mắm tĩn từ những chiếc ghe nhỏ cắm sào ở con rạch Hàng Bàng, phía sau chợ Bình Tây. Đây là những chiếc ghe chở mối nước mắm tĩn từ xóm Tĩn - nằm ở cuối đường Đề Thám đoạn từ Cô Giang đến Bến Chương Dương, gần sông Bến Nghé để ghe thương hồ thuận tiện lên xuống lấy hàng. Nước mắm đựng trong tĩn có thể chở đầy ghe, đầy toa xe lửa, đầy xe vận tải mà vẫn không lo sợ hư bể. Hơn nữa tĩn không cần phải có thùng gỗ để bảo vệ như chai.
Lúc ấy, đã có nước mắm đựng trong chai thủy tinh nhưng không được người tiêu dùng ưa chuộng. Má tôi thường tính toán là mua một tĩn nước mắm giá chỉ có 5 đồng, được 3 lít rưỡi. Sau khi dùng hết nước mắm, còn bán lại cái tĩn cũ với giá 1 đồng rưỡi, như thế một lít nước mắm người tiêu dùng chỉ tốn khoảng 1 đồng. Trong khi đó, nếu mua chai nước mắm 1 lít mà theo giá (năm 1961) của Hãng thủy tinh Việt Nam là 6 đồng mỗi chai, sau khi dùng hết nước mắm bán lại chai chỉ được 2 đồng thì người tiêu dùng phải trả 4 đồng cho 1 lít. Sở dĩ giá nước mắm chai cao như vậy vì kỹ nghệ làm thủy tinh lúc ấy vẫn chưa phát triển nên giá thành còn cao.
Đã có nhiều cuộc tranh luận chính thức hay không chính thức trong các nhà làm nước mắm về việc sử dụng tĩn hay chai. Ngày 14.4.1961 tại Phòng Thương mại Sài Gòn đã có một buổi họp chính thức để thảo luận về vấn đề nước mắm nên vô tĩn hay vô chai. Phái đề nghị nước mắm phải vô chai đưa những lý do: chai thủy tinh luôn sạch sẽ, dễ súc rửa, dễ sát trùng, vệ sinh được bảo đảm. Chai đẹp mắt hơn tĩn và còn giúp được ngành thủy tinh nước nhà phát triển.
Trong khi đó phái chủ trương nước mắm phải vô tĩn thì lập luận: Tĩn rất hạp với hương vị nước mắm. Nếu là nước mắm ngon đựng trong tĩn càng để lâu thì càng ngon, lâu ngày nước mắm sẽ keo lại và xuống màu thành một thứ nước mắm đặc biệt tức là nước mắm lú. Nước mắm lú này có thể để lâu hàng mấy chục năm, có khi cả 100 năm sau trở thành một vị thuốc để người đau phổi cũng có thể dùng trị bệnh được, người mạnh dùng rất bổ và có khi còn trị chứng đau bụng các loại gia súc nữa (?). Nếu nước mắm không vô tĩn thì công nhân làm tĩn sẽ thất nghiệp. 2,4 triệu cái tĩn sẽ trở thành phế vật. Hơn nữa tĩn không cần phải có thùng gỗ để bảo vệ như chai. Còn về mặt kinh tế thì các nhà làm nước mắm không đủ vốn để mua chai thay tĩn và chai đựng nước mắm mắc hơn làm thiệt hại cho người tiêu dùng. Tĩn còn có hình thể rộng miệng hơn chai, dễ đổ nước mắm vào hơn, trong lúc kỹ nghệ nước mắm của ta chưa có những máy móc tối tân để vô chai như các hãng la-ve, nước ngọt...
Sau cuộc họp này, Phòng Thương mại đưa đến kết luận hàng hai là xí nghiệp nào sản xuất nước mắm đóng chai thì cứ... đóng chai. Nhà nào làm nước mắm vô tĩn cứ tiếp tục đến khi nào người mua tẩy chay thì... dẹp.

Kỹ nghệ làm nước mắm của tỉnh Bình Thuận đã nắm giữ vai trò độc tôn ngót một thế kỷ nay, khiến cho nghề làm tĩn tại đây ngày càng gia tăng số lượng sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nước mắm ở khắp thị trường.
Vào khoảng những năm 1960, trên quốc lộ 1 về phía tây - nam thuộc xã Phú Lâm, Bình Thuận có 5 lò tĩn của tư nhân là: Minh Thành, Công Minh, Mỹ Lợi, Hiệp Nghĩa và Hiệp Thành.
Muốn xây cất một lò tĩn, tùy theo lớn nhỏ ít nhất người ta cũng phải tốn khoảng 300.000 đồng theo giá thị trường lúc ấy (1 dollar đổi 73 đồng, một lượng vàng giá 5.300 đồng). Mỗi cơ sở phải cần đến khoảng 100 lao động lấy đất sét, đạp đất sét, nắn tĩn cho đến phơi, thử, lăn da và chùi tĩn. Số nhân công này được trả công hằng ngày.
Thường thường người ta chọn lựa địa điểm sẵn có đất sét để xây cất lò tĩn vì thuận tiện  lấy đất gần đó, khỏi phải tốn hao sở phí chuyên chở đất về lò. Do đó, các lò tĩn ở Phan Thiết rất thích hợp với địa thế vì ở đấy đã có sẵn đất sét ở ruộng lại gần con sông chảy qua cầu Ông Nhiểu (tục gọi là cầu Bốn Mươi) nằm trên quốc lộ 1 ở cách các lò tĩn này độ vài trăm thước có loại bùn non nhuyễn và đen để làm nước men thoa tĩn.
Má tôi hay mua nước mắm tĩn hiệu Ba Con Cua (loại ngon hơn một và hai con cuaua). Bây giờ, khi ngồi viết lại bài này, tôi vẫn nhớ hình ảnh người đàn bà nghèo xách tĩn nước mắm về nhà, để cái tĩn vào cái thau lớn, lấy đầu sống dao khẽ nạy cái nắp tĩn để đổ nước mắm ra cái thau rồi dùng vải thưa lót trên miệng cái quặng lượt nước mắm vào từng chai lít cho hết cặn... Còn thằng nhỏ - là tôi - vừa ngửi mùi nước mắm thơm sau khi mẹ chắt nước mắm xong là xách cái tĩn dông tuốt ra đầu ngõ chờ chú chệt ve chai, bán kiếm một đồng rưỡi ăn cà lem cây.
Một vài cụ ông từng sống về nghề làm tĩn đã kể lại các giai đoạn làm tĩn như sau. Thợ nắn đất sét thành hình cái tĩn liền đem phơi khô trong vòng 48 tiếng đồng hồ rồi cho vô lò nung. Khi tĩn đã chín, người ta để nguội mới đem ra khỏi lò và giao cho một số nhân công trông coi từ việc chùi tĩn cho sạch bên trong, quét da tĩn ở bên ngoài (phết lớp xi măng pha nước) rồi giao cho người chí tĩn trong một thùng cây có nước lạnh (chí tĩn tức là thử hay thổ tĩn) để xem có nứt nẻ hay lủng bể thì người ta phải sửa chữa bằng cách trám lại với xi măng, vôi bột và dầu cá trộn lẫn. Chí tĩn xong, tĩn còn được quét 2 lần nước da trắng (một loại vôi trắng pha với xi măng). Sau khi dán nhãn, họ dùng dây chuối phơi khô cột chằng thành 2 cái quai như quai giỏ, rất khéo, cho người mua tiện xách về và có dán nhãn phía trên nắp tĩn.

=================================================================

Pleiku 1968
==============================================




Thư nhà Gaza


Chôn chung một chỗ
The Same Grave
by Muhammad Sultan . Harper's.org

[Dây thép Muhammad Sultan từ Gaza tháng Giêng 2024 gởi em gái Enas Sultan sống ở Na Uy. Dalia Taha dịch từ Arab qua tiếng Anh)

Enas, đây Muhammad, anh của em đây. Mọi người trong nhà bình an. Nhớ trả lời anh nhé. Chỉ có dây thép mới viết cho em được. Internet trong vùng tiêu ma. Gia đình mình sống qua những ngày khổ ải nhất, trốn núp bất cứ chỗ nào mà em có thể tưởng ra. Cảm ơn God, tất cả đều còn sống.
Thật ra, phe mình đang chịu một thảm cảnh. Aya bệnh suốt hai tuần rồi phải sinh nở. Không nhà thương, không có lồng kính sưởi ấm, vì đẻ non mới bảy tháng. Mấy hài nhi được đem tới bệnh viện Adwan năm hôm rồi. Anh trở lại thăm thì các cháu đã chết; anh quên nói hai đứa gái sinh đôi.
Mẹ chúng, đáng thương quá, vẫn tin hai con bé mới sinh vẫn còn sống trong lồng kính. Không biết làm sao nói cho chị ấy biết. Nhưng cảm ơn God, cả nhà tạm yên tìm cách cho xuôi êm.
Ai cũng nhớ thương em.
Anh hiện ở Jabalia. Anh đi lãnh lương, nhưng tên anh không có trên sổ lương, Enas, bây giờ anh không có một xu, túi rỗng.
Mỗi người trong gia đình mất 10 ki lô. Mẹ gầy ốm lắm. Dima thì tệ hơn, sụt cân giữ lắm. Ngôi nhà của chúng ta hư hại nhiều lắm.
Sahaid hiện đau buồn vì hai đứa con gái mới sinh chết, suy sụp tinh thần. Anh cũng đau buồn cho Sahaid nhưng không biết làm chi.
Hai hôm trước, gia đình mình moi trong đống gạch vụn thi thể hai bà con Muhammad và Ibrahim đem chôn trong khuôn viên bệnh viện Al-Shifa; sau đó lại đi chôn hai bé song sinh nói trên. Tất cả già trẻ chôn chung một chỗ.
Không biết bao điều khủng khiếp xẩy ra. Em gái của Hala là Tohany tử đạo chung với mấy đứa con gái. Làm sao tả hết nỗi đau của Hala. Chúng đã giết Kame Nofal. Nhiều người trong nhà Ghabun chết vì đạn hay bom. Chỗ nào cũng có thả bom.
Anh không còn tha thiết tìm xem ai chết ai sống. Nghe tin gì thì chỉ hy vọng cái nầy cái kia, rồi đi ngủ, thức dậy, kiếm những thứ gì cần thiết để sống còn.
Ai ai cũng sống trong sợ hãi.
Salaam.
cảnh cũ Saigon



Sunday, April 14, 2024

 


bánh vẽ

Chế Lan Viên

Chưa cn cm lên nếm, anh đã biết là bánh v
Th
ế nhưng anh vn ngi vào bàn cùng bè bn
C
m lên nhm nháp.
Ch
 là nếu anh t chi
Chúng s
 bo anh phá ri
Ðêm vui
B
o anh không còn có kh năng nhai
Và đ
ưa anh t nay ra khi tic...


Th
ế thì đâu còn dp nhai th thit?
R
t cuc anh li ngi vào bàn
Nh
ư không có gì xy ra hết
Và nh
ng người khác thy anh ngi,
H
 cũng ngi thôi
Nhai ng
m ngoàm... (8-1991)


Fictive Cake

By Chế Lan Viên

Translated by TTT

 

Even before taking it up to taste,

he did know it was a fictive cake

but he still sat down to the table among comrades

then picked it up to savour.

The main reason has it that: if he declined to join,

they would condemn him for spoiling the enjoying evening,

they would falsely claim he had lost the capacity of chewing

to eject him from the feast;

this expulsion would deprive him

of any eventual chance of eating real ones.

At the very end, he kept taking firmly the seat at the table

as if nothing happened around.

Other folks, following his acting, settled down,

muttering indecently, full mouths. ---

 

Gâteau fictif

par Chế Lan Viên

traduit par TTT

Avant même de le prendre pour gouter

il a connu bien c’était un gâteau fictif.

Pourtant, il s’attabla parmi les camarades,

puis il le saisit pour savourer.

(La raison en est que) s’il refusait de participer

ils le taxeraient de saboter la soirée de jouissance et,

citant faussement l’incapacité de sa part de mâcher,

l’éjecteraient du festin.

Cette élimination allait lui couter désormais

toute chance d’en manger de vrais.

Enfin, il se noua fermement à son assise tabulaire

comme si rien ne survint aux alentours.

Et les autres, en le voyant bien siégé, s’installaient

mâchant indécemment, bouche pleine.


Monday, April 8, 2024

Tại sao phải chết?



Chợ chuối, tranh xưa Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định

Tại sao phải chết?
Pourquoi faut-il mourir?
JePense.org Aug 2020

Vì sao phải chết? Vì sao cái sống đi đến cái chết? Có chăng một thế giới vắng bóng cái chết?
Marcel Aym nói: cuộc sống chấm dứt một cách xấu xa.
Khi nói tới cái sống, người ta phải nói ngay đến cái chết. Sống không lìa chết. Đó là hai ý niệm bổ túc cho nhau.
Sống có nghĩa là sẽ chết lúc nầy hay lúc kia. Ý niệm nầy tạo nên buồn nãn, sợ hãi, khổ đau. Là một ý niệm tiêu cực xấu xa, như một sự xé nát, mất biệt bi đát, hủy diệt.

Sống là một hiện tượng trong đó thể nhân chuyển dụng năng lực và vật lực lấy từ môi sinh. Sự sống được duy trì nuôi dưỡng bởi những chất liệu bất hoạt (inerte) nay được làm sinh động và khả dụng.

Thế kỷ 18, Bichat viết rằng sự sống được định nghĩa là tổng hợp các chức năng chống lại cái chết. Nhưng những sự phân tích đầy đủ cho thấy sự sống trên hết đặt trên nền móng là chính cái chết của nó.

Thật vậy, luật tiến hóa - có nghĩa là thích ứng và tự tồn - đòi hỏi các cá nhân biến mất, ngõ hầu nhường chỗ cho các cá nhân có nhiều khả năng hơn trong việc thực thi hai điều vừa nêu. Vã lại, các tế bào cơ thể có khả năng chương hóa (programmer) cái chết tự thân, sự tự tử tế bào, cụ thể hơn là sự lão hóa.
Như vậy, cái sống biết dùng cái chết mà tiến tới. Sự thường tồn của thế giới được duy trì bởi quân bình sống chết, giữa sự tự hủy và sự tự tân tạo.
Henri Atlan cho sự sống một định nghĩa khoa học hơn: ''tổng hợp những chức năng biết sử dụng cái chết".

Trên bình diện siêu hình, khó lòng quan niệm một sự sống không có sự chết kèm theo. Vì sao? vì dựa vào thực trạng vũ trụ thay đổi, vô thường và tương lập. Vật chất biến hóa; đá mòn núi sập, xuất hiện các mối xúc tác mới, những vì sao nầy vỡ tung sẽ được thế chỗ bởi những vì sao mới, những mặt trời mới. Thời gian sẽ sắp xếp, và tra hỏi sự hiện diện của từng chi tiết một.
Trong một thế giới mà mọi sự móc nối vào nhau và cùng chuyển hóa thì làm sao có một cá nhân nào có thể sống còn vĩnh viễn và duy trì các tính chất riêng biệt của mình? Một cá nhân sống mãi mà không chết sẽ tạo ra một vấn đề khác: người ấy sẽ là toàn năng, bất tử và tuyệt đối như God như Dieu.!!!! Thế giới chỉ có những God, những Dieu, tự lực tự chủ, tranh nhau đánh nhau suốt đời.

Nhận xét trên đưa đến câu hỏi về hiện hữu. Sự kiện hiện diện là một thực trạng hay một ảo giác? Chưa biết trả lời sao nhưng cầm chắc sự thể như thế nầy. Chúng ta không thể hiện hữu một cách tuyệt đối, tự chủ và vĩnh viễn. Thân xác chúng ta chứng kiến sự thay đổi liên hồi: tất cả tế bào cơ thể đều tự đổi mới vài tháng hay vài năm. Trí óc và lương tâm của chúng ta cũng thay đổi theo thời gian. 15 tuổi suy nghĩ khác; 50 tuổi suy nghĩ khác.
Thực tế, con người giờ trước khác với giờ sau. Sự bền vững đứng yên là một ảo giác. Nhưng áo giác ấy, ảo tưởng ấy giúp chúng ta hiện diện, tạo ra một cái ngã để phân biệt với các ngã khác. Như vậy trong thế giới hiện tượng tương đối, ảo tưởng ấy có chỗ dùng, ít nhất vào lúc nầy, for the time being, pour le moment. Sẽ tính sau.

Vũ trụ được đánh dấu bởi sự thay đổi liên hồi, và cá nhân trong vũ trụ cũng không khác chi, mang theo sự chuyển hóa liên miên. Mỗi phút sống là một sự tiễn biệt phút trước. Do đó sự sống, cuộc đời là một sinh thành.
Cái chết có khắp nơi. Tuy nhiên cái chết giúp cho cái sống hiện tồn và tiến tới.
Cái chết là sự ngưng đọng của các chức năng sống. Nhưng sự can thiệp của cái chết không bao hàm hủy diệt. Những thành phần thể xác sẽ chuyển thành những thành tố mới dưới hình thức khác. Những ý nghĩ hành động vẫn còn trong sự liên tục nhân duyên của vũ trụ (continuum causal). 
Do đó thay vì một sự hủy diệt (néant), cái chết có nghĩa là sự trở lại của "tất cả" tái phối trí vật chất và tinh thần, báo hiệu sự hồi sinh.
Cái chết không nên được đề cập một cách bi thảm; vì nó không phải là sự hủy diệt chung cuộc, mà trái lại là cơ hội cho cái sống tốt đẹp hơn.
Chấp nhận cái chết là công nhận sự cần thiết phải nhường chỗ, trong ý thức thiết tha sự trở lui toàn diện, như những vùng đất mới, vận hội mới tươi vui hơn.

Chiêm nghiệm tạm ghi của người dịch
Cả gia đình bà ta chỉ có một việc là canh chừng và tìm mọi cách không cho ai mua đám đất có con suối nhỏ mà ai uống nước sẽ thành bất tử, sống mãi. Lúc đang nói câu chuyện nầy, cả nhà đã ba trăm tuổi hơn. Con chó cũng già đến thế ấy, để lại con mèo đã chết 300 năm trước vì mèo không uống nước suối nầy.
Mở đầu một truyện trẻ em là thế, làm người đọc nghĩ rằng gia đình nầy ích kỷ nhưng là một ý hướng vị tha. Họ không muốn kẻ khác sống mãi để thấy những đoạn trường của cuộc đời. Đoạn trường chưa hẵn đã là chiến tranh, đói khổ, chỉ thấy những gì quá mới, kỳ dị, trái với những gì đã hấp thụ ở tuổi mười mươi, trong vòng 100 năm. Chừng đó đã đủ chết rồi. Ví như cái váy bây giờ lên thấu háng, trong lúc bà mẹ thì kéo lê cái váy tận đất như các diệu thủ độc tấu âm nhạc. Giọng nói bây giờ khô, lời nói đốp chát nghe mà kinh, thế nhưng không thể chết đi cho xong. Thôi thôi, đừng để ai uống nước suối nầy mà bất tử trường sanh.
Thấy có lý chứ. Như ông già tôi sinh sau khi thế kỷ 20 bắt đầu 1900s mà còn sống cho đến 1980 thì không chịu cảnh "live in lover'' sống chung như vợ chồng một cách công khai. Cô dâu mang cái bụng thề lê từ từ đi vào nhà thờ nhận phép hôn phối.

Tác giả chủ nhà JePense.org nói có khác: trường sinh bất tử tạo ra những con người tuyệt đối và toàn năng; thế giới sẽ gồm những ông thần, những Dieu đánh nhau như các ông thần trong thần thoại Hy Lạp. Tác giả nhìn theo thuyết tiến hóa, lớp trước chết nhường chỗ cho lớp sau tiến bộ hơn.
Độc giả rất dễ đồng tình về sự sống chết trên quan điểm xã hội học hay nhân chủng học. Nhưng độc giả biết rõ không ai có kinh nghiệm chết hai lần; hôn mê dài hạn chưa phải là một lần chết. Vì vậy những gì nói về sau cái chết chỉ là những suy diễn, spéculation, những postulat tôn giáo.
Tác giả rất lạc quan, cái chết chính nó là một cơ hội trở nên tốt đẹp hơn, một sự trở về như áo gấm về làng. Cũng là thái độ của Trang Tử gõ chuông ca hát khi vợ chết. Trong lúc ấy PG thì dè dặt hơn, nhìn cuộc đời nầy sẽ thấy cuộc đời sau, thiện ác đáo đầu chung hữu báo.
Tính theo những gì con người biết được từ tiền sử, PG đầu tiên nói về cái chết trong một hệ thống ăn khớp nhau gồm vô thường, tương duyên nhân quả. Phật Thích Ca nói ngài chỉ làm như tam thế chư Phật đã làm, như vậy chuyện chết và sống đã đặt ra từ lâu.
Kiếp sau đã được đề cập trong mọi tôn giáo hay tín ngưỡng bình dân. Có thể là một trực giác, có thể là một an ủi mong đền bù với thực trạng tranh đấu sống còn.
Sự giải quyết kiếp sau là nguồn khác biệt giữa các tôn giáo. Muslim khuyến khích ôm bom tự sát sẽ được Allah cho bảy người vợ đẹp, nhưng không nói nữ tín đồ có được bảy đức ông chồng hay không. Luật Sharia cho nam tín đồ được phép có đồng thời bốn bà vợ. Đức tin Christian nói rằng sau khi chết, tín hữu sẽ được phán quyết theo ý nguyện của God hoặc sẽ đời đời ở trong địa ngục hoặc đời đời ở thiên đàn. Đó là cao điểm của quan niệm thời gian bình cát, thời gian xuất phát từ God và sẽ chấm dứt ở thiên đàn hay địa ngục. 
PG không phủ nhận những cảnh giới khác nhau từ khổ đau cho đến an lạc nhưng dù ở đâu vẫn có luật nhân quả và duyên khởi làm cho các cảnh giới không ở trong tình trạng ngưng nghỉ, vẫn có sự đi lên hay đi xuống.
Nhiều tôn giáo hoặc không đề cập hoặc phủ nhận kiếp trước mà chỉ lấy kiếp sau làm mục tiêu và điều khiển tin đồ trong ước nguyện tương lai. Nhưng Edgar Cayce (1877-1945) nhà tôn giáo HK, cho rằng hoặc phủ nhận cả trước sau; hoặc nếu công nhận kiếp tới thì phải có tiền kiếp.

=================================================

Saigon thập niên 1960
===================================


Sunday, April 7, 2024


trà my, camellia

Trà My . Mi Tau
Tôn Thất Tuệ
Hôm qua có người chơi khó hỏi chữ "mi" trong câu: mi một trang báo người giỏi phải mất nửa ngày. Mi là gì. Tôi bỗng nhớ Nga My mấy năm trước chết một mình ở Bolsa mà người em ở San Diego cách 2 giờ xe không biết, đến năm ngày sau mới đem đi thiêu. Hồng nhan! Chị cả Trà My rồi đến Kiều My rồi đến Nga My. Kiều My học chung lớp với tôi. Nga My quen ở Graden Grove HK

1. - Mi là chữ của người Huế, mi tau. Con nớ là cái thứ: chửi cha mắng mẹ kêu chồng mi tau. Mi tau chỉ dùng cho hai người bạn thân. Nhiều nhà Tây học đã đồng hóa mi tau như tuy toa dê (tutoyer) của Pháp. Người Phu Lăng Xa toa moa (toi, moi) cả với cha mẹ, với Chúa, với God; hơn nữa dùng vous với cha mẹ còn sai vì cách biệt. Nhưng chớ dại dùng vào xã hội VN một cách máy móc như vậy. Không lẽ nói: God, mày hay quá, tau cảm ơn mày: Oh, Dieu tu es tout puissant, je te remercie bien. Học mà không tới, nguy hại như bài ... phục sâm tất tử.

2.- Mi trang báo thì ai có ở trong nghề ấn loát thì hiểu là sắp xếp lên khuôn, chỗ nào tin lớn, chỗ nào tin nhỏ. "Mi" là động từ xuất phát từ một danh từ của Tây. Mise sự đặt để theo động từ mettre. Cho đầy đủ là mise en page, tương đương page layout.

Chúng tôi đã nhờ thầy Võ Hương An mise en page tập thơ Huyễn Hoặc tử word thành pdf.

Còn chỗ tồn nghi khác. Saigon hay nói: cho tui mi một cấy, nghĩa là cho tui hôn một cấy. Tây đi hết rồi không biết hỏi ai. Phải chăng mettre un baiser; to put a kiss? để, đặt một cái hôn trên môi em?

Chữ mise của Pháp ở chỗ khác không biến qua tiếng Việt. Mise en scène: đạo diễn một cuốn phim hay dựng vở kịch. Nhà đạo diễn không phải là nhà mi, có thể ông đã mi mấy cô đào nhưng được gọi là metteur en scène.

3.- Từ tiếng Tây, mi ở trong khung ''đô rê mi fa sol la si...'' cứ rứa mà lên mà xuống, biến hóa vô lường.

4.- Toa moa (toi, moi) thì đã có từ lâu; hiện nay vài vị bát thập vẫn xưng hô như vậy. Nhưng dự phóng Việt ngữ sẽ có ''mi'' mới do tiếng Anh (I, me). Từ chỗ tên một đại học in trên áo thun đủ cho bạn gặp khó khẳn phải ở trần mà về để cái áo lại; từ đó đến ngày nay quán thịt chó, chỗ xem tướng bói bài cũng ăng lê bậy bạ.  Lời bình trên FB cờ tường viết nhiều chữ "him" (nó), win (thắng), canon (pháo) ... tất sẽ thấy hay d5ã có: mi, moi.

5.- Hết Tây lại qua Tàu. Thím Xẩm có chữ mi 眉 nhưng là lông mày trong lúc người mình lông mi khác với lông mày; lông mày phía trên con mắt, lông mi ở mí mắt. Thành ngữ Tàu: tu my nam tử dịch là đấng mày râu. Diện vô tu mi gọi là vô tướng. Tuân Tử : Diện vô tu mi (Phi tướng ). Lông mày quan trọng chừng nào không biết, chứ râu quan trọng lắm. Phải có cho các ngài vuốt: Vuốt râu ra a a a không sợ vợ; vuốt râu lại sợ ợ ợ vợ như xưa.

Thần lông mày trắng là thánh tổ của nghề mãi dâm. 白眉神 bạch mi thần.

6. Chữ Tàu kép khá thông dụng là họa my, chim hót rất hay. Theo Vdict.com, họa mi cũng là sơn ca. Nightingale --> sơn ca; họa mi --> nightingale.

7.  Huế muốn giữ những huyền thoại của một xứ hư ảo huyền bí. Trong đó có đường Hàng Me với hàng My. Về ngữ học, chúng tôi ức đoán bốn chữ my của bốn chị em không cùng một nghĩa, chỉ đồng âm theo tiếng Việt.

Tiếng Tàu nga mi râu con ngài nhỏ rộng và cong, có nghĩa là bộ lông mày kẻ rất đẹp làm cho phụ nữ đẹp thêm lên. Thật tình không biết chữ Hán tên quý cô nương viết thế nào.
Nhưng Trà My đã đi từ động vật đến thực vật, là một loài hoa. Sách báo tân thời về thực vật, trà my là hoa camellia. Từ điển Anh Hoa dịch thành sơn trà hoa 山茶花 và yêu cầu người đọc góp ý kiến hiệu đính chứ chưa đoan chắc. Tuy vậy từ điển Hán Việt Thiều Chửu đã nói rõ sơn trà hoa là hoa họ trà, 'theaceae'.

Camellia là tên kế tiếp của hoa trà (tea flower). Camellia hoàn toàn giống cây chè xanh của VN. Trà Tàu đúng là trà Tàu từ bên Tàu đưa qua Âu Châu, một sản phẩm rất quý. Theo huyền thuyết, có người Âu Châu trộm đem từ Tàu về cây trà trồng kiếm lời, nhưng cây trà nầy phát triển nhanh mà không có mùi vị gì. Thua me thì gỡ bài cào. Tuy không mùi vị gì, cây trà nầy có hoa rất đẹp, màu trắng, hồng, đỏ nên họ trồng thêm, làm marketing thành công. Khí hậu biển Địa Trung Hải làm cho loài hoa nầy phát triển nhanh màu thắm tươi hơn. Hoa trà trở thành dấu hiệu quý phái, nhà nhà ưa thích.

Các nhà thực vật bèn liệt các tính chất thực vật để cho vào danh bộ (catalogue) dưới tên Camellia, vinh doanh nhà thực vật danh tiếng Đan Mạch Kamel.

Thế rồi một cuốn tiểu thuyết xuất hiện 1848 ''La Dame aux Camellias'' của Alexandre Dumas fils. Câu chuyện về một cô gái lầu xanh phục vụ giới thượng lưu. Cô luôn mặc áo có hoa camellias. Lúc cô mặc áo có hoa đỏ là lúc trời hành cơn lụt đỏ mỗi tháng, xin đừng ai đến má mắc lửa nạn. Khi nàng mặc áo camellia trắng là lúc nàng vui như ong bay bướm bay. Xin mời, xin mời nhập thất, tu dưỡng.

Xã hội quý tộc đạo đức giả đem nhổ hết vất bỏ những bụi camellia mơn mởn thắm tươi. Vì thấy hoa là thấy con Đắc Kỷ ấy??!!!

Nửa thế kỷ sau, Hoa Kỳ mới trồng lại, lai tạo nhiều giống hoa và đưa qua Âu Châu .

Cuốn tiểu thuyết có dịch ra tiếng Việt thành Trà Hoa Nữ.





Saturday, April 6, 2024

cây ngô đồng

    ngô đồng nở hoa ở Huế

Ngô Đồng . Tơ Đồng....
Tôn Thất Tuệ

Nói thì không ai tin, chứ tui ở Huế xa Huế lúc 23 tuổi nhưng chưa đến Mang Cá, chưa thấy Ngự Hà, chưa đến Bao Vinh, chưa đến Chợ Cống ... và chưa thấy cây ngô đồng, bông ngô đồng. Vì răng? chỉ có trời mới biết, tui không biết. Dieu seul le sait! Only God can He tell.
Có hai cây ngô đồng mà tôi nói như con vẹt. Thứ nhất: Ngô đồng nhất diệp lạc, thiên hạ cộng tri thu. Một ngọn lá ngô đồng thay màu nhạt đi đủ làm cho cả xóm làng ai nấy đều biết thu về, không cần đến hoa thu cúc hay trời thu đạm. Và cây ngô đồng trong chương hay nhất của cuốn Trà Thư nói về âm nhạc. Ngoài ra còn ''ngô đồng'' trong thành ngữ: ngô đồng không trồng cũng mọc, có thể là bắp hoang ngoài đồng chăng?
 
T
ruyền hình xưa ở Saigon, giới thưởng thức có chút ít bềsâu thì thích nhất là Ban Nhạc Tiếng Tơ Đồng của Hoàng Trọng. Gồm hết các danh ca từ Thái Thanh cho đến Mai Hương, Quỳnh Giao, Kim Tước. Nình ông thì từ Anh Ngọc cho đến Duy Trác. Dàn nhạc coi bộ cổ điển rậm đám có thầy giáo Trần Thanh Tùng cò cưa cây violoncelle, trung hồ cầm. Hoàng Trọng nổi tiếng phổ thơ hay nhờ người khác viết lời. Tuy chưa đến độ Đoàn Chuẩn và Từ Linh, một thi sĩ Huế đã viết lời khá nhiều cho Hoàng Trọng. Đó là Hồ Đình Phương. một nhân viên y tế của bệnh viện Huế. Người Huế mình còn có Hồng Dũ Trân vừa ca vừa chỉ cho kẻ khác ca.

Trở về cây ngô đồng, thì đồng ni của Hoàng Trọng là gì. Mà tơ là cái chi chi. Xin nói lung tung để các học giả phải mở miệng chỉ bảo.
Những nhạc cụ bình dân như măng đô lin, ghi ta hay phức tạp như piano, harpe, đều có dây bằng kim loại, cho nên chúng tôi đã nghĩ đồng là đồng chì sắt. Té ra không phải, đồng là cây ngô đồng, gỗ đồng làm đàn kêu thanh. Hay cây vông đồng gỗ xốp? Không phải, vì cây vông gai ở Huế quá xốp chằng làm nên tích sự gì, lá vông non ăn trị mất ngủ, lá vông già gói nem; thỉnh thoảng có bông đỏ như môi son giữa những tái tê gai nhọn, trên khuôn mặt ó đâm của nàng.

Bọng đàn mà không có dây đàn chỉ vỗ bông bông, chưa đủ thành một nhạc cụ tiêu chuẩn. Các loại đàn xưa đều dùng dây bằng tơ, khác với dây đàn tây phương xưa dùng ruột cừu gọi là boyau.
Nhưng tơ không phải là chữ Hán. Tránh trời không khỏi nắng, đi mô cũng gặp Chú Xìn, Thím Xẩm, cơm gà Xiu Xiu, hủ tiếu Tiều Châu. Tiếng nị, tơ là ty 絲. Chữ nầy là một nốt nhạc trong âm giai cổ điển có từ thời Khổng Tử, cũng là sợi dây đàn. Ty rộng hơn chỉ loại nhạc cụ có dây bên cạnh các loại bằng kim loại, bằng đá và ống tre. Kim thạch ti trúc.

Theo Thím Xẩm phải nói ban nhạc ''ty đồng'' đúng điệu vua tôi; Trung Quốc là anh còn mình là em theo lời của Thích Chơn Quang cháu bác. Nhưng cái lỗ tai nó nói ẹ lắm.

T
ơ Đồng của Hoàng Trọng nghe nó xa xăm thi vị nàm thao. Thiều Chửu có cho thêm hai chữ 情絲 tình ti rồi dịch thành "tơ tình" nghe như ông Tơ bà Nguyệt xe duyên chỉ thắm đôi ta vợ chồng.
Ban nhạc Tiếng Tơ Đồng nó còn mãi là vậy đó. Chúng tôi nói phách nhưng không làm dư luận viên 'thoát Trung' rất chi tào lao xịt bộp.
Nhưng mà nầy thưa bà con, Nguyễn Thiện Tơ là một nhạc sĩ sâu sắc. Tơ như tơ lòng đấy, có mấy câu trong Nhắn Gió Chiều của ông:
Còn đâu nhũng phút tơ lòng hòa chung
còn đâu những phút êm đềm nhớ nhau
mà nay đến đây tơ đồng phím chùng
nào ai biết cõi lòng sâu thương.

Rứa thì tơ đồng kiếp trước có căn tu.
***
Dạ thưa, hai ba bữa nay nơi bề tui ở, trời như trở lại thu, làm cho những cây anh đào đang bớt hoa, với những hoa chưa tàn lung linh như anh đào mới, kỳ hoa mới khi thu sang. Và thu lắm vì mưa và gió chưa đem đi hết những ngọn lá khô rơi từ năm qua. Bỗng dưng muốn làm thi sĩ nửa mùa lớ xơ quanh xó chợ. Thơ rằng:
Thu ở mùa hè thu quay quắt,
như con vụ xoay xoáy cả hồn ta. 
Thu hãy ở đây thu mùa nắng,
ta sẽ cho thu tắm chục trộ mưa dông.
Chớ ở truồng coi dị lắm nghe thu.

Dạ thưa, tai bị vì bởi thu đi sai hướng, thu vô lộn buồng, tại bị vì bởi ông Nguyễn Thiện Tơ mà bề tui không tiếp tục với cây ngô đồng trong Trà Thư, hẹn kỳ sau giới thiệu đầy đủ ''The Book of Tea''. Mời bà con hai họ đàng trai đàng gái, ông mai, bà mối thưởng thức cấy ni nghe được lắm.

Nhắn Gió Chiều.Nguyễn Thiện Tơ 
Chiều nay sớm về với sắc thu đắm u buồn 
Cùng gió ngàn với sương thu mờ buông. 
Ai có về nẻo xưa cho nhắn cùng người xa. 
Nhớ khi hoàng hôn cùng ai dưới màn sương 
Bước đều trên đường lòng réo rắt yêu thương. 
Mây cùng với gió, lòng ta muốn nhắn đôi câu 
Tới phương trời vắng cho lòng nhớ nhau. 
Lòng sao vẫn còn mang mối sầu mỗi thu về 
Khi bóng ác tà khuất dưới làn sương chiều buông. 
Còn đây núi kia đây dòng sông này 
Nào ai biết chăng cõi lòng nát tan. 
Còn đâu những phút tơ lòng hòa chung 
Còn đâu những phút êm đềm nhớ nhung 
Mà nay đến đây tơ đồng phím chùng 
Nào ai biết cùng cõi lòng sầu thương.

Wednesday, April 3, 2024

Tạ Thu Thâu bị giết 1945

   
Tạ Thu Thâu, hình cảnh sát chụp 1930
Tạ Thu Thâu bị sát hại 1945
Nguyễn Văn Thiệt, Rassemblement des travailleurs Vietnamiens, Paris 1949 *

Ai đi ngang Quảng Ngãi vào khoảng tháng 9/1945 cũng biết đến không khí hãi hùng của cái thành phố tự cho mình có tinh thần cách mạng cao ấy. Các tín đồ Cao Đài, các nhà trí thức, các nhà phú hộ, các nhà cách mạng quốc gia, tất cả những hạng người ấy cùng với vợ, con, anh em họ đều bị chém giết mỗi ngày. Người chết nhiều đến nỗi độ ấy ở Hà Nội, tờ báo “Gió Mới” của Tổng hội sinh viên, một tờ báo rất thiên Việt Minh đã phải lên tiếng rằng ở Quảng Ngãi, ngày ngày đầu người rụng như sung.
Anh Lê Xán, bạn tôi, một đồ đệ của cụ Phan Bội Châu, bị Pháp đày ra Lao Bảo, vừa được thả ra thì bị Việt Minh ở Quảng Ngãi bắt lại. Vì sự tình cờ của chiếc xe lửa ngừng lại nghỉ đêm ở Quảng Ngãi (độ ấy đường xe lửa Sài Gòn - Hà Nội bị hư nhiều nơi, xe lửa chạy rất chậm và hay nghỉ dọc đường) nên bắt buộc tôi phải xuống xe định kiếm một quán trọ ở cạnh ga mà nghỉ đêm. Trong lúc ngồi uống nước, sực nhớ đến Lê Xán, tôi tò mò hỏi bà chủ quán tin tức về bạn. Lập tức tôi bị một trinh sát viên mặc áo nâu, đi chân không, đang đứng ở cửa tóm lấy buộc tôi là đồng lõa với tội nhân Lê Xán và điệu tôi về Sở Công An.
Ngày hôm ấy tôi bị mang đi giam ở một nơi xa... Tôi đang lo sợ một nơi xa ấy là cõi âm ti thì chiếc xe ngựa chở tôi và một người lính gác, tay cầm một con dao dài, một quả lựu đạn buộc tòng teng vào giây nịt bằng một sợi lạt, từ từ rẽ vào con đường đi về Phú Thọ. Tôi hết lo bị chém liền vì tôi biết rằng ở làng Phú Thọ, Ủy Ban vừa dựng một nhà lao to để chứa cho đủ tội nhân xa thành phố.
Một buổi sáng, tôi đang đứng dựa vào cửa, cố thiu thiu ngủ thì bỗng giật mình vì những tiếng các bạn tôi kêu lên: Tạ Thu Thâu! Tạ Thu Thâu! Tôi tĩnh hẳn người. Tạ Thu Thâu?
Các bạn tù của tôi tranh nhau nhìn qua cửa. Từ một phòng giam phía bên kia sân, độ bảy, tám người dân quân mang súng, gươm, lựu đạn và ông chủ tịch làng – vừa là sếp nhà lao thì phải – kéo ra một người đàn ông ốm lỏng khỏng mà tôi nhìn ra ngay là ông Tạ Thu Thâu. Ông mặc một sơ-mi cụt tay có hai túi trên ngực, một cái quần Tây dài, chân đi giày vàng. Áo quần trắng đã bàu nhàu và bẩn thỉu, dây do những vết đen đỏ còn đọng, dấu tích của những sự tra tấn vừa qua.
Râu tóc của ông Thâu rối beng, mặt mày hốc hác, nhưng cặp mắt vẫn bình tĩnh nhìn mọi người, mọi vật, miệng ông hơi nhếch một nụ cười.
Các bạn tôi lao xao:
– Lần này thì Tạ Thu Thâu phải chết.
Một người nào đó nói nhỏ:
– Quân khốn nạn!
Tôi gián một con mắt vào khoảng hở giữa hai song cửa, hai tay muốn tét ra cho rộng để nhìn cho rõ đám người hùng hổ đi với ông chủ tịch luôn mồm la hét, nạt người này, cho lệnh kẻ kia và ở giữa, một bóng trắng chập choạng, khập khiễng đi đi… để biến sau mộr rặng cây mà ở đó tôi biết có một khoảnh đất trống gọi là pháp trường.
Tôi biết Tạ Thu Thâu bị Pháp bắt vừa mới ở tù ra, thân thể bị tiêm thuốc cho chết xuội đi một bên, nếu không có Chánh Phủ Trần Trọng Kim thì ông đã chết trong khám rồi.
Các bạn tôi nói là Tạ Thu Thâu bị buộc về tội phản cách mạng và âm mưu lật đổ chánh quyền. Bùi Trọng Lệ, đứng cạnh tôi, nói một cách nghiêm nghị quá đến nỗi tôi không cho là một lời mỉa mai:
– Tội Tạ Thu Thâu nặng nhiều hơn nữa. Ông phạm cái tội rất lớn là được dân chúng thương yêu.
Nhưng anh lính gác trước cửa phòng chúng tôi (không hiểu vì sao anh ta lại có cảm tình với tôi và thường hay nói chuyện cùng tôi) anh ta lại nói khác. Theo anh ta thì Ủy ban tỉnh Quảng Ngãi cũng không biết ông Tạ Thu Thâu bị bắt vì tội gì. Chỉ được điện tín của Trần Văn Giàu đánh ra cho các tỉnh, ra lệnh hễ ai gặp Tạ Thu Thâu thì bắt lại. Sau khi Ủy ban tỉnh đánh điện cho Sài Gòn biết là mình đã bắt và giam Tạ Thu Thâu thì liền được lệnh trả lời là phải giết ngay lập tức.
Nhưng khi đem ra pháp trường thì ông Tạ Thu Thâu diễn thuyết cho mấy người lính, ông nói hay quá với lại đúng quá nên ai nấy đều bỏ súng buông lơ, có anh khóc, không ai dám bắn. Nên lại đem ông về lao và Ủy ban lại đánh giây thép vào Sài Gòn hỏi nữa, sợ có giết lầm chăng. Và đã hai lần như thế rồi, Trần Văn Giàu đánh dây thép ra biểu phải giết, Tạ Thu Thâu đứng trước mũi súng lại diễn thuyết kêu gọi một mảy may lương tâm còn sót lại của đám người chỉ biết có vâng lệnh trên, rồi không ai nỡ bắn. Không dám bắn thì đúng hơn, rồi lại mang về, rồi lại đem đi.
Hôm nay thì chắc Tạ Thu Thâu phải chết! Các bạn tôi và cả anh lính cũng bảo thế, vì vừa được lệnh riêng của ông cụ ở Hà Nội điện vô khiển trách Ủy ban bất tuân thượng lệnh.
Tôi bàng hoàng lo sợ, ngồi bệt xuống đất, hồi hộp đợi chờ, trong cái im lặng rợn người, một tiếng đoành.
Bỗng người lính gác kêu lên:
– Chu choa! Tạ Thu Thâu lại về!
Tất cả đều nhao nhao. Quả Tạ Thu Thâu về thiệt. Đám người đi qua rặng cây và đang tiến về phía trái. Nước mắt tôi trào lên, sung sướng khi thấy cái bóng trắng khấp khểnh kia có vẻ vững chắc hơn và trên môi lạt tôi tưởng tượng thoáng thấy một nụ cười ngạo mạn.
Sự sung sướng của tôi không được lâu. Đám người đi vừa đến gần cổng lao thì một người trai trẻ mặc áo nâu quần sọc trắng ra vẻ học trò, tuổi lối mười bảy, mười tám đang đứng ở cạnh cổng, hung hăng nhảy ra, rút cây dao găm dắt ở lưng đâm vào vai Tạ Thu Thâu, miệng vừa hét:
– Đồ Việt gian phản động!
Rồi đạp Tạ Thu Thâu vào bụng cho ngã quay ra đất, đoạn đấm, đá túi bụi. Câu chuyện xảy ra rất mau, kể lại thì xem ra lâu quá. Thêm chỗ tôi đứng và chỗ tấn kịch rùng rợn đang diễn ra hơi xa nhau, mắt tôi lại đẫm lệ nên không thấy được tường tận. Tôi chỉ còn nhớ hình ảnh của một đám người bao quanh một bóng trắng đang quằn quại giữa vũng máu. Và từ đó, một giọng the thé rất trong của người thiếu niên kia vang lên:
– Các đồng chí hèn quá, một thằng Việt gian cũng không dám giết!
Đến nay, bao nhiêu ngày tháng đã trôi qua rồi mà không mấy đêm nằm ngủ tôi không thấy trước mắt cái bóng người quằn quại kia và nghe cái giọng nói the thé ấy.-----------

Đôi lời của người trích đăng
Tạ Thu Thâu là một trong những thủ lãnh Đệ Tứ Quốc tế Cộng Sản hay Trotskisme thì bị VM giết là đúng sách vở vì Trotsky là kẻ thù chính của Staline. Trotsky đã bị giết khi lưu trú tại Mexico. Thương cha thương một thương ông gấp ngàn thì phải giết bọn tờ rố kít. Vô tay Tố Hữu thì phải biết. Lệnh từ Moscou, một thứ Vatican duy vật. Trần Văn Giàu đã bị trách cứ không nhiệt tình diệt Đệ Tứ mà dùng quyền lực thanh toán nội bộ để giữ vị trí lãnh đạo trong Nam. Có thể lơ là mà Tạ Thu Thâu chạy ra Trung, ra Bắc để phải Hồ Chí Minh ra lệnh giết.
Trần Văn Giàu bị hạ bệ nhưng còn may để trở thành vô danh, người không có mặt (a faceless person theo báo Times) nhưng còn cái đầu để đội nón, không bị chẹt đào. Trần Văn Giàu trong đảng sử chỉ là một giáo sư giỏi của Trường Đảng. Một thời Wikidepia theo lệnh Hà Nội không dám kê chức vụ và việc làm của Trần Văn Giàu. Với Tạ Thu Thâu, Wiki làm không khác, chỉ nói ông ra Bắc có tham gia đình công của thợ mõ nhưng không nói phải trở vô Nam và bị giết ở Quảng Ngãi 1945.
Nguyễn Văn Thiệt nói Quảng Ngãi giết người hằng ngày. "Ngày ngày đầu người rụng như sung". Điều nầy, tôi đã nghe họa sĩ Nghiêu Đề nói, vì 1945, ông và gia đình không ra được Quảng Nam nên ở lại Khu Ngãi Bình Phú; nhưng chi tiết ông kể sau đây có gia trị hơn vì nó phản ảnh thực trạng nầy.
Khắp xứ Quảng Ngãi, ngày ngày trẻ con chơi trò giết người. Chúng bắt một con châu chấu lớn, con nhái, con tắc kè, chuột nhắc... đè trên phiến đá. Chúng diễn lại buổi chặt đầu, đứa nào chặt đầu, đứa nào làm đội trưởng, đứa nào đọc bản án, đứa nào hoang hô cách mạng; sau rốt chúng chặt đầu con vật nhỏ xíu ấy. Nghiêu Đề cho biết thủ tục theo mấy đứa bé nầy rườm rà, thực tế đơn giản hơn, kéo nạn nhân ra ruộng, chặt đầu là xong.
Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích trong truyện "Chị Hồng Lưu" thì tả cuộc hành hình phụ nữ nầy một cách rất Tây, rất kiểu cách: một dàn xạ thủ cùng bắn, có một linh mục làm lễ bí tích, có đội trưởng cho phát ân huệ, có cái hòm để sẵn. Theo lối tây, trong những cây súng của tiểu đội chỉ có một cây có đạn thật, các cây kia chỉ đạn mã tử; xạ thủ không biết mình bắn đạn nào để tránh mặc cảm giết người. Ở bên Tàu, cha mẹ của tử tù phải trả tiền viên đạn giết con mình, vậy làm chi có đến một dàn xạ thủ và viên đạn ân huệ. Ông nầy viết nhiều truyện liên quan VC rất buồn cười ngớ ngẫn nếu không muốn nói bênh vực lối trẻ con.
Sau các vụ giết người theo lệnh, HCM thường vuốt đuôi làm như không biết, tay không dính máu. Người lính đã nói cho tác giả biết HCM đã quở tỉnh Quảng Ngãi không chịu ra tay theo lệnh của Trần Văn Giàu. Một năm sau, HCM nói: "Tạ Thu Thâu là một nhà ái quốc, chúng tôi buồn khi hay tin ông mất”.
Tạ Thu Thâu sinh 1906 tại Long Xuyên có bằng tú tài dạy học trước khi qua Pháp học tiếp. Ở đây, ông hoạt động trong khối Trotskiste chống lại khối Staliniste. Ông trở về nước cộng tác với các báo Saigon có khuynh hướng quốc gia và ông hoạt động trong các phong trào cách mạng không CS. Ông bị chính quyền thuộc địa bắt giam nhiều lần. Lần cuối ông được tha năm 1944. Thời gian nầy Trần Văn Giàu là sếp chúa CS thanh trừng Đệ Tứ và các đối thủ nội bộ.
Tạ Tu Thâu cùng vài cộng sự viên âm thầm kín đáo ra Bắc Việt. Trần Văn Giàu đã ra lệnh các đảng bộ địa phương bắt giữ Tạ Thu Thâu nếu gặp. Nhưng ở Bắc Việt, HCM đã củng cố lưới CS vững chắc hơn trong Nam. Tạ Thu Thâu đành trở lui, bị bắt ở Quảng Ngãi và bị hạ sát trước mắt mọi người.
Saigon xưa có tên đường Tạ Thu Thâu bên hông Chợ Bến Thành.

** Bài của Nguyễn Văn Thiệt được share qua share lại trên internet, không ghi rõ xuất xứ chính xác. Tổ chức của tác giả là Rassemblement des Travailleurs Vietnamiens (Tập đoàn thợ thuyền VN) không rõ khuynh hướng chính trị.

================================================




Tuesday, March 26, 2024

Mỹ cứu đói Nga 1921

 

    Herbert Hoover (1874-1964) Tổng Thống HK thứ 31

Mỹ bới gạo cho Nga 1921

American Relief to Russia in 1921 by Bertrand M. Patenaude

Orlando Figes The NY Review Mar.2003

Ngày July 31, 1921, The New York Times công bố lời kêu gọi của Maxim Gorky ”gởi mọi người lương thiện’’. Quê hương của Tolstoy đang gặp đại nạn; mấy triệu người đang bị đe dọa bởi tử thần trong nạn đói xấu xa nhất thế giới từ xưa đến nay. Nhưng bất hạnh nầy của Nga là cơ hội làm sống dậy lý tưởng nhân bản đã bị lung lay sau thế chiến thứ nhất. Văn nhân Gorky yêu cầu mọi người tử tế Âu và Mỹ "không chần chừ cứu giúp dân tộc Nga. Hãy gởi thực phẩm và thuốc men’’.

Cho đến khi có lời kêu gọi nầy, Tây Phương không có một ý niệm gì về cuộc khủng hoãng ấy (chung cuộc 5 triệu người chết đói). Chính quyền Xô Viết là thủ phạm đã vơ vét hết sạch lúa gạo của nông dân nhưng không bao giờ dùng hai chữ nạn đói (golod) mà chỉ nói thiếu hụt và các mỹ từ khác.

Vào mùa hè 1921, ¼ tổng số dân quê đang bị nạn đói hoành hành. Bóng đen bắt đầu từ Ukraine, Donbas, Volga rồi đến Ural… mãi tận Sibérie. Nặng nề nhất là vùng truông cỏ Volga. Tính đến tháng 7, 1921, riêng tỉnh Samara, gần 2 triệu người (3/4 dân số) thiếu ăn và bệnh tật; chung cuộc 700 ngàn người chết thực sự vì thổ tả và thương hàn. Nông dân đói phải ăn cỏ, lá, vỏ cây, rêu, tranh lợp nhà, bánh mì bằng hột oak, mạc cưa, đất sét và phân ngựa. Họ giết hết gia súc. Người già, trẻ con nằm la liệt chờ chết. Từng đoàn người ra sân ga mong nhảy tàu hỏa đi Moscow hay bất cứ chỗ nào nghe nói có thực phẩm. Có nơi đã ăn thịt người vừa chết. Nạn đào mồ xẩy ra khắp nơi. Các nghĩa địa canh phòng cẩn mật. Văn khố Nga còn giữ các lệnh đóng cửa quán ăn vì nấu thịt người. Gia đình giữ xác thân nhân làm thực phẩm, không chịu giao cho chính quyền.

Hàng triệu người Tây Phương đã nghe lời kêu gọi của Gorky; nhưng chỉ có một người có thế đáp ứng tình trạng khẩn cấp nguy nan nầy. Đó là Herbert Hoover, đứng đầu Cơ Quan Cứu Trợ HK (American Relief Administration ARA), tổng thống tương lai thứ 31. Mới trông, hình như HH không phải là người ra tay cứu giúp Liên Xô. HH chống cộng kịch liệt, ông còn bị kết tội không chịu giúp người nghèo HK trong thời Suy Thoái 1929-1933. Nhưng cuốn sách chúng ta đang đọc cho thấy cuộc Suy Thoái nầy quá lớn và che mất công trạng cứu trợ nhân đạo của HH trong thời gian 1917-1923.

trẻ em đói ở Nga 1921

Tự mình trở thành phú ông trong kỹ nghệ hầm mỏ, HH nổi tiếng về  kinh danh và óc tổ chức. Khi thế chiến thứ nhất bùng nổ năm 1914, ông đang ở Luân Đôn. Ông đã giúp 200 ngàn người Mỹ trở về nước; số nầy là những người đang du lịch hay sống vô tổ quốc ở Âu Châu. Ông đã thành lập ủy hội cứu trợ, nuôi ăn thường dân bị kẹt ở Bỉ. Năm 1917, ông trở về Washington và được TT Wilson ủy nhiệm thành lập Cơ Quan Quản Trị Thực Phẩm nhằm tiếp tế các quốc gia đồng minh Âu Châu. Sau chiến tranh, tổ chức nầy giải tán. HH thành lập ARA để trợ cấp thực phẩm cho các quốc gia bị tàn phá bởi chiến tranh. Nhưng ARA còn có mục đích ngăn chận khủng hoãng kinh tế Mỹ bằng cách giúp nông dân giải tỏa tồn kho thực phẩm ứ đọng đã sản xuất theo nhu cầu chiến tranh. HH còn nghĩ rằng đem biếu Âu Châu thực phẩm sẽ tạo nên thiện cảm quốc tế và làm cho các sản phẩm của Mỹ được chú ý và mua dùng.

Năm 1920, ARA đã cung cấp thực phẩm cho hơn 20 quốc gia Âu Châu. Tại mỗi nơi, ARA chỉ thuê dụng một số ít người Mỹ điều khiển một số đông người địa phương làm việc như hành chánh, vận tải, phân phát các gói thực phẩm và hạt giống. HH cho rằng đây là dịp phát triển sinh hoạt công dân nhen nhúm các lực lượng dân chủ đối đầu với ảnh hưởng của Bôn sê vit khắp Âu Châu. Như vậy, chính trị, doanh nghiệp và cứu trợ đi chung với nhau.

Kinh nghiệm ba ngành hợp nhất được dùng tới khi ARA quyết định nới rộng tầm tay cứu trợ đến Liên Xô năm 1921. Theo Patenaude, tác giả cuốn sách chúng ta đang đọc, Wilson lẫn HH cho rằng chủ nghĩa Bôn sê vít là một căn bệnh của dân chúng mà thuốc trị là cứu trợ thực phẩm. Bệnh nầy không thể ngăn chận bằng võ lực mà phải dùng thực phẩm. Khi ăn no đủ, người Nga sẽ nổ lực về chính trị và sẽ lật đổ chế độ bôn sê vít.

Suy nghĩ của HH đã được chú ý để thực hiện vì vào lúc ấy Nga mới đưa ra Chính Sách Kinh Tế Mới năm 1921 sau hằng loạt nổi dậy của nông dân, thợ thuyền và nhất là thủy thủ trong kỹ nghệ hàng hải tại tỉnh Kronstads mà Trotsky xem là các viên ngọc của chế độ CS. Kinh tế mới ngưng tịch thu lúa gạo (tuy thực tế vẫn còn cho đến 1923), đưa ra một hình thức kinh tế hổn hợp cho phép các công ty tư và nhỏ sản xuất thực phẩm và hàng tiêu dùng. Để được công nhận bởi các cường quốc Tây phương, Lenine đã ký các thỏa hiệp thương mãi với Anh, Đức, Na Uy, Ý và Áo. Theo nhãn quan của các cố vấn Mỹ tại Nga trong tổ chức ARA, kinh tế mới là một bước thối lui của chế độ độc tài CS. HK không muốn giao thương với Nga nhưng Quốc hội xem công việc của ARA là cơ hội phát triển dân chủ nên đã cấp 20 triệu. Tài liệu giải mật năm 1940 ghi tường trình của Hoover cho biết viện trợ thực phẩm gây ảnh hưởng và chú tâm đến Mỹ trong thị trường Nga, lấp lổ trống kinh tế xuất hiện từ khi có cách mạng và giúp các công dân tích cực giảm thiểu sự kiểm soát của nhà nước xô viết.

Mùa hè 1922 vào lúc cao điểm hoạt động, ARA đã cung cấp thực phẩm dưới nhiều hình thức (bột mì, ngũ cốc đã xay, các gói thực phẩm, các bữa ăn nóng trong các quán ăn xã hội hay các phạn điếm công cộng lớn). Số người thụ hưởng lên đến 10,5 triệu người lớn và trẻ con trên một diện tích gần bằng nửa lãnh thổ HK.

Công cuộc được thực hiện bởi 199 người Mỹ và 120 ngàn công dân Nga. Đó là cuộc cứu trợ lớn nhất trong lịch sử.

Trọng tâm của nạn đói là vùng truông cỏ Volga. Vùng nầy đã có thời tiết khắc nghiệt. Hạn hán khô ráo mùa hè, tuyết lạnh mùa đông; đã có những vụ mất mùa nghiêm trọng 1891, 1906 và 1911, chỉ kể số ít. Nông dân Volga đã quen thất thu mất mùa nên luôn luôn giữ một số thóc lúa để dùng khi cần.

Nhưng những dự trữ lương thực nầy đã bị tịch thu vơ vét trong trận nội chiến 1918-1920. Trong cuộc chiến nầy, Volga nằm ngay sau hai chiến tuyến chính của Hồng Quân chống Bạch Nga phía nam và phía đông. Các đoàn công nhân vũ trang dưới quyền Hồng Quân vào các làng xã xúc hết các vựa thóc, ai chống sẽ bị bắn ngay. Do đó nông dân chỉ trồng đủ ăn và làm hạt giống; chứ không trồng thêm dự trữ khi lâm nguy, vì có trữ thêm thì Hồng quân sẽ đến thâu hết. Thế rồi, chúng cũng đến lấy luôn hạt giống mùa sau.

Giống như vụ đói thập niên 1930 tại Ukraine, nạn đói Volga 1921 do chính quyền Xô viết tạo ra. Chính quyền ra lệnh trưng thu suốt mùa lạnh tuy đã yêu cầu dân chúng cảnh giác tình trạng thiếu ăn và ra lệnh xuất cảng lúa gạo qua Nga. Trong cuốn The Education of a True Believer nhà văn Nga Lev Kopelev đã tường trình việc làm của chính ông trong Trung Đoàn Komsomol có nhiệm thu vét nông sản của dân chúng. Ông và lính cùng đơn vị tịch thu cho đến mẩu bánh mì trên tay trẻ con. Dân chúng kêu khóc thảm thương suốt kế hoạch ngũ niên. Việc làm nầy của Kopelev và trung đoàn đỏ rập khuôn đã làm ở Volga mấy năm trước.

Tác giả Patenaude nói đến các khó khăn của phái đoàn cứu trợ Mỹ như thiếu phương tiện chuyển vận. Nhưng trở ngại lớn nhất là chính quyền Nga cản trở; nhân viên ARA luôn bị công an Cheka làm khó dễ, có khi bắt giam với tội tuyên truyền chống cách mạng và gián điệp.

Chính quyền Nga nghi kỵ ARA cũng phải. Đảng CS Nga thành hình xuyên qua nội chiến, trong đó HK và 16 quốc gia khác đứng về phe Bạch Nga. 1918-1919, theo lệnh của chính phủ HK, ARA đã chuyển thực phẩm và vũ khí cho lộ quân Tây Bắc của tướng Nikolai Yudenitch đủ sức từ vùng Baltic tiến về Peterbourg.

nạn nhân của bôn sê vít, đói 1921

Năm 1921, thành phần trung cấp đảng đông thêm nhiều với thành phần ít học, con cháu nông dân đã ở trong Hồng Quân vẫn còn tin tưởng cách mạng đang tiếp diễn chống tư bản, không thích kế hoạch kinh tế mới của Lenine và không cảm tình với ARA. Lenine gọi thành phần nầy là tả khuynh.

Công dân Nga được ARA tuyển dụng phần lớn thuộc thành phần trí thức cũ, bác sĩ, giáo sư, chuyên viên canh nông, hay các cựu dân cử trong các hội đồng hàng tỉnh tự trị mà cách mạng đã giải tán. Nhiều người đã từng làm việc trong ủy hội cứu đói của Nga (Pomgol), tổ chức duy nhất và cuối cùng trong chế độ mới có nhiệm vụ gây quỹ cứu trợ.

Gorky thuộc cấp lãnh đạo Pomgol nên tin tưởng Pomgol sẽ là hạt giống của nền dân chủ tương lai. Lenine thành lập ủy hội nầy, một phần vì nhượng bộ Gorky và một phần để tiếp nhận cứu trợ từ nước ngoài. Nhưng khi ARA hoạt động ở Nga Lenine bèn giải tán Pomgol và tống giam hay lưu đày thành phần chủ chốt, ngoại trừ Gorky.

Lenine và mật vụ Cheka theo sát các hoạt động của ARA. Lenine bất mãn khi ARA muốn hoạt động độc lập, không có sự can thiệp của đảng CS. Lenine cho đó là âm mưu thành lập một quốc gia Tây Phương bên trong Nga.

Lenine có thủ thuật riêng. Năm 1922, bộ chính trị ra quyết nghị tịch thu các tài sản quý báu của giáo hội để lo cứu đói. Trong khi Hồng Quân lục lọi các nhà thờ, theo lệnh của Lenine, báo chí ởm ờ nói lấy của giáo hội trả cho ARA. Bôn sê vít nấu chảy vàng bạc, thánh giá, chén dĩa… bằng vàng, bạc đúc thành khối bỏ vào ngân khố. Vài nhân viên ARA lúc về nước bị bắt đem theo những của quý ấy mà họ mua ở chợ trời. Lenine lấy đó làm bằng để phỉ báng ARA.

Tuy vậy, dân chúng tỏ ra biết ơn. Hàng trăm người đã quỳ bên ngoài giáo đường, cảm ơn God đã đem HK đến Nga mang theo thực phẩm cứu đói.

Đại Tá Walter Lincoln Bell đã được tôn vinh như thánh sống. Năm 1922 ông điều khiển một ủy ban tám người nuôi ăn 1,6 triệu người lớn và trẻ em tại 2.750 quán ăn ở vùng truông cỏ xa xôi Ufa and Bashkiria, rộng bằng diện tích nước Pháp.

ARA đã tạo dựng sự tôn quý ở Nga dành cho HK. ARA tượng trưng hiệu năng cao của doanh nghiệp tự do, cũng là tinh thần cũ của Nga trước cách mạng 1917, nối kết Nga và Mỹ.

Tuy nghi ngờ vì lý do chính trị, Bôn sê vít thích tính chất năng động của ARA, cũng là tính chất của xã hội Mỹ để bù vào sự lười biếng ù ly trong xã hội Nga. Năm 1923, Bukharin phải nói: Nga cần Marx và HK. Lenine khuyến khích đảng viên tìm hiểu và sùng thượng Henry Ford. Dân quê trong vùng hẻo lánh tưởng Henry Ford là một vị thần đang điều hành chính sự ở Nga.

Hoover kỳ vọng rằng ARA kích động tinh thần công dân của người Nga, cho họ nghị lực và phương pháp để lật đổ chính quyền Xô viết, kỳ vọng nông dân sẽ vùng lên khắp nơi. Thực tế không có vậy.

ARA mở đầu truyền thống ngoại viện của HK đi kèm với chính trị tư bản. Thành quả nhân đạo của ARA không thể phủ nhận. Không có sự can thiệp của Mỹ ở Nga năm 1921 thì Nga không có vụ mùa năm tới là 1922 và có thể 10 triệu người chết đói. Sau khi ARA chấm dứt sứ mệnh cứu trợ, chính quyền Bôn sê vít có gởi một lời cảm ơn ngắn đến dân chúng HK.

Maxim Gorky
Nhưng Gorky đã bày tỏ đúng cảm nghĩ của người Nga trong bức thư gởi Hoover:

Trong lịch sử khổ đau của loài người, tôi không thấy có cái gì đánh mạnh vào linh hồn lương tri con người bằng những gì dân chúng Nga đã chịu đựng. Trong lịch sử của hành động nhân đạo thực tiển, tôi chưa thấy thành quả duy nhất nào to lớn và đầy lòng quảng đại bằng công cuộc cứu trợ mà ông đã thực hiện. Sự giúp đỡ của ông sẽ đi vào lịch sử như một thành quả to lớn và duy nhất, đầy đủ vinh quang và sẽ mãi mãi còn trong ký ức của hằng triệu người dân Nga mà ông đã cứu thoát chết. Tinh thần quảng đại của dân chúng Mỹ sẽ làm sống dậy ước mơ tình huynh đệ giữa các dân tộc vào lúc nhân loại đang cần bác ái và từ bi.-

CHIÊM NGHIỆM của người dịch TTT

Đương khi dịch thuật bài nầy, chúng tôi gặp bức phát họa một tù nhân thò tay qua song sắt vớ ổ bánh mì bên cạnh chìa khóa phòng giam. Nhiều ý kiến độc giả trái ngược kèm theo những phán định giá trị, những triết lý. Chúng tôi ức đoán những vị nầy chưa bao giờ ở tù mà đói, không ở tù kiểu Mỹ đòi ăn cho đúng với đức tin. Chúng tôi có lần nói chuyện với một văn hữu nay đã quá vãng. Ông chê trách Tạ Tỵ chỉ viết có một điều là đói trong trại tù cải tạo trong tác phẩm Đáy Địa Ngục. Chúng tôi chưa đọc cuốn sách của nhà văn kiêm họa sĩ nầy. Đồng thời chúng tôi biết người cầm bút kia, thời VNCH được miễn dịch vĩnh viễn vì lý do sức khỏe nên không đi lính và không đi tù trong rừng sâu. 99% chắc chắn văn nhân nầy không có dịp trải qua những ngày giờ đói thần sầu quỷ khóc; đến độ phải than rằng trong bao tử có linh hồn.
Thực phẩm đã được dùng để trừng phạt trong phạm vi tương đối giới hạn là nhà tù cho đến mức độ rộng lớn là cả một dân tộc như Ukraine bị Staline trừng phạt trong thập niên 1930. Cũng như Mao Trạch Đông với nạn đói kinh niên mỗi dịp phát động cách mạng nầy nọ.
Với trường hợp Nga trong bài nầy, Bôn sê vít không trừng phạt dân Nga nhưng đã trút hết nông phẩm kể cả lúa giống. Đây là ví dụ quý báu minh chứng lý thuyết cho rằng đói là do chính trị ác độc mà ra chứ mẹ thiên nhiên có đủ tài nguyên nuôi sống loài người. Ngân Hàng Thế Giới đã xuất bản tập sách nhỏ về việc nầy. Chứng minh thực tế hơn, một giáo sư UCSanDiego đã trình bày qua một cuộc điều nghiên xã hội học ở Phi Châu.
Sudan không cho các hội từ thiện quốc tế đưa thực phẩm đến dân chúng thiếu ăn vì nội chiến. Biafra cũng không khác chi. Palestine hiện nay đói khổ vì Do Thái gây khó khăn cho các nước chúng quanh trong việc chuyên chở vật phẩm cứu trợ. VC ngăn sông cách chợ 1975, dân Saigon không mua được gạo trong lúc heo ở Cà Mâu ăn cháo gạo trắng.
Chúng tôi phải khen Franklin Roosevelt đã đưa vào lý thuyết và thực tế chính trị thêm một thứ tự do khác: tự do đối với nghèo túng, tự do không bị bức bách bởi khốn cùng. Freedom from want. Sử gia đã khen ông tổng thống nầy thi hành chương trình New Deal, tái phân lợi tức, phát triển kinh tế song song với sự gia tăng phúc lợi của người dân. Gorbachev lên cầm quyền để thấy Nga với các kế hoạch thập niên ngũ niên đã không chạy kịp New Deal.
Roosevelt đã cưỡng bách điện khí hóa nông thôn như cưỡng bách giáo dục. Ông đã đưa ra đường lối phụ trợ nông gia (agriculture subsidy). Vì vậy mãi cho đến 2015, 12 quả trứng chỉ mất 99 cent. (nay 2023 thì tăng gấp ba hay gấp bốn). Ấy là một nét vĩ đại ít ai biết bên cạnh những thành công kỹ thuật.
Tinh thần thực tế nhân bản nầy có thể tìm thấy trong hạnh nguyện của Lưu Ly Quang Vương Phật: khi một người làm việc ác vì đói khổ thì Ngài cầu mong có khả năng cho người ấy ăn đủ no, mặc đủ ấm trước khi chỉ dạy giáo lý đạo lý, gọi là pháp thực.- 03.2023


=============================================================


==========================================