add this

Wednesday, October 28, 2020

chuối sứ, chuối già, chuối cau ....



chui s, chui già, chui cau ....

Tôn Tht Tu

Lần thứ hai tôi đến, cô ấy bảo tôi ngồi chờ cô đi chợ mua chuối về làm chuối chưng cho ăn. Nhà sít ngay chợ Vườn Chuối đường Phan Đình Phùng Saigon. Cô ấy đi, tôi thấy buồn cười, chuối chưng thì có quái gì quí; chuối gần chín chưa ăn được đem hấp chưng hơi, hông, là ăn, thế thôi. Cô đi về và cùng đứa em trai nạo dừa khô. Tôi tiếp tục đọc nốt cuốn sách và đốt luôn năm hay bảy điếu Bastos xanh. Tôi sực nhớ một lần được người quen mời đi tiệm sang ăn cơm tấm, tưởng bị chơi khăm mời ăn cái thứ cơm nghèo nhất, tấm vụn mà nhiều sạn cát; nhưng cơm tấm Saigon sau mới biết có bì chả, một miếng sườn chiên, dưa leo, nước mắm ngọt như ăn bánh bèo Huế. (Tấm hai đầu hạt gao dòn hơn phần giữa; sừng sựt nhai vui vui, có thì giờ ngẫm nghĩ sự đời). tấm bằng giá gạo vì dùng để làm bún hay bánh ướt, dòn hơn dai hơn). Nên cứ chờ vì Nam Kỳ rất “kỳ” không như Trung Kỳ.

Cô ấy sau nầy là vợ “bé” của tôi; bé trong ngoặc kép, là bé bỏng nhỏ hơn 10 tuổi, bây giờ là “má non” của tôi, sếp của tôi, my boss.

Thì ra chuối chưng là chuối chín mụp, nấu như nấu chè, có hột bột bán, nước cốt dừa, có cả táo tàu, và nhiều thứ khác. Trái chuối nhờ nóng mà có độ đường tăng, và có mùi thơm như mấy năm trước có bán dầu chuối, hình người Ấn Độ khuâng một vai đầy chuối, làm tại Singapour; về sau va ni thay vào. Cái đó Nam Kỳ gọi là chuối chưng mà không có chưng hấp bằng hơi nước nóng.

Chuối nầy muốn “chưng” phải chuối sứ trong hình chính đầu trang, chín, vỏ gần đen và mỏng. Nhưng tôi ở Huế gọi chuối nầy là chuối mật mốc.

Cậu tôi là trưởng họ trông coi nhà thờ (từ đường); chi thì chi, đến tết ông phải có một buồng chuối mật mốc xanh để mỗi bàn thờ có một nải chuối cúng, chuối xanh lâu chín, qua đến mùng sáu mùng bảy chỉ ướm hườm mà không rụng rã.

Chuối hột; hột chín ngâm rượu thơm ngon

Ra Huế mà muốn mua chuối sứ, bạn sẽ có trái chuối hột, chuối chát, chuối xanh ăn sống hay bóp thấu, gần như trái plantain của Nam Mỹ. Nhiều nhà không muốn trồng chuối sứ hay chuối đá vì “có ma” đêm đêm ma kêu rẹo rẹo, rắn rắc; kỳ thật, thân chuối cao to gồm nhiều bẹ khi gió thì chuối vặn mình sinh tiếng ma trêu.

Không như khi ra nước ngoài, bà con trồng cây chuối như cây chưng trước nhà, ở Huế trồng chuối sau nhà. Chuối sau cau trước.

Gió đưa cây chuối sau hè /Anh theo vợ bé bỏ bè con thơ.

Trong Nam lẫn ngoài Trung, thân chuối non ăn gõi (nộm) gà xé hay tôm thì số dách. Nhưng từ chiến tranh 1945 cho đến gần 1954, chúng tôi ăn dưa chuối, là thân cây chuối thái mỏng ướp dưa muối qua đêm và chấm nước ruốt kho và cơm gạo đỏ, là nhất rồi. Xắt chuối heo ăn thì dễ, cây chuối nào cũng được, lát dày chả sao vì sẽ vằm nát trộn cám. Nhưng cho mình ăn làm dưa thì khổ lắm; cây chuối cũng hiếm; cây chuối đã có buồng thì tách từng bẹ, lấy bẹ non trong cùng quanh cái cồi (lõi), cuốn lại với nhau thành khúc tre rồi xắt ngang như xắt thuốc cẩm lệ; bẹ nào vừa thì tướt bỏ bên ngoài giữ phần mền rồi làm như trên.

Tôi chỉ nghe nói chưa thấy ăn củ chuối vì đói; chỉ biết củ chuối nấu canh cá nhám (shark) với măng chua thì thầy tu, chân tu nhé, bỏ chùa ăn mặng. Huế chưa biết nấu ốc với củ chuổi kiểu Bắc.

Vì sợ ma nên chỉ trồng chuối mật mốc; lá chuối loại nầy và chuối sứ có thể dùng để gói bánh nậm bánh tét mới thơm. Còn thứ chuối cau trái nhỏ và không ngon, lá hay bắp chuối đắng nghét. Chúng tôi ít trồng chuối ba lùn trong Nam gọi là chuối già cui, loại chuối quốc tế như chuối Cavendish.

Lại quên nói về bắp chuối ăn sống, ăn ghém với bún bò, cơm hến; bắp chuối luột xé bóp với rau quế như thịt gà. Huế không nhiều món như trong Nam, nào là chuối xào dừa, chuối nướng, chuối chiên.

Nói dùng lá chuối để gói mắm nêm, nước mắm, dầu phụng ai mà tin. Xưa kia không có bịch nylon, mà nước mắm, dầu … chỉ có tiền mua từng chụt, chỉ bằng ba bốn muỗng canh. Vì vậy lá chuối đem hơ nóng thì mềm để “đùm” mắm nêm, nước nắm, dầu phụng. Đùm là danh từ; có tiếng lóng: bể đùm mắm nêm là hỏng việc, vấy thối vì không có tài nghệ, đụng trận mới biết. Lá chuối khô có thể gói ruốt.

Xưa kia, tre sống với mình từ khi mẹ sinh dùng dao tre cắt rốn, đến chết dùng tre làm chốt nêm đóng hòm. Giữa sống và chết còn vô số chuyện khác như đũa, thúng, mũng, vũ khí… kể mệt nghỉ. Nhưng nay có lẽ cây chuối sẽ in nếp trên tâm hồn người mình.

Tự nhiên một điều rất hiếm đến trong đầu tôi, qua gần 80 năm để có một hình thái sầu tư khó tả. 1945, 1946…chị ruột mẹ tôi (mẹ nuôi của tôi) tách những bẹ chuối già từ thân cây chuối sứ, lạng lớp mềm bên trong đem phơi, cuốn thành những cuộn băng cứu thương (compresse) cho các anh tôi đem theo khi lên đường. Chút đó mà liên quan đến hai thế hệ. Vào thời ấy, họ đang làm ra những bong bóng nhiều màu sắc như thổi xà bong hay những bong bóng nước ở các phông tên hòn non bộ. Những xinh tươi ấy rồi một ngày vỡ tung và thành những cơn bão tan nát sự đời, người và vật đều bay theo.

Hóa ra không thể ra khỏi không gian và thời gian, không thể giải thoát cho dù đã giác ngộ. Những tấm băng bẹ chuối của dì tôi không thể băng kín vết thương lòng của nhân thế, người ơi!

===============================================================

Du Tình Su

Ngô Thy Miên * Ngc Lan

===============================================



 

Sunday, October 25, 2020

nhà Nguyễn thờ phụng tổ tiên thế nào?

 

Thái Miếu, đã bị Việt Minh phá sập 1945






Vua Nguyễn thờ tổ tiên thế nào?

Honoring the Nguyn Ancestors in early-nineteenth century

Lê Minh Khai * Tôn Tht Tu dịch

Tháng thứ tư năm 1804 được đánh dấu bởi việc khởi công xây cất Thái Miếu 太廟, Triệu Tổ Miếu 肇祖廟, Hoàng Khảo Miếu皇考廟. Trước đó nhà Nguyễn vẫn giữ truyền thống thờ tổ tiên trong từ đường (miếu) theo vết chân của vô số nhà cai trị trong vùng, tuy có phần sáng tạo riêng, vẫn theo những nguyên tắc ghi rõ trong sách Lễ Ký 禮記.

Sách Lễ Ký đưa ra các khuôn mẫu thờ kính tổ tiên, khác biệt nhau tùy theo đẳng cấp xã hội. Thiên tử được quyền thờ tổ tiên nhiều nhất, tổng số là bảy vị. Bắt đầu là thái tổ 太祖, rồi đến sáu vị tiếp theo chia chèn nhau thành ba chiêu và 3 mục”. Hai danh từ sau chưa có định nghĩa rõ vì đang bàn thảo, nhưng tạm nói thứ tự trên dưới là theo thế hệ, ví dụ cha là chiêu con là mục; theo Lễ Ký 禮記 và Vương Chế 王制.

Để giữ con số luôn là bảy vị, tổ phụ mới chỉ có thể ghi tên vào miếu thờ chính thống nhất, sau khi một vị tổ tiên khác phải mất tên, thường là vị kế cận thái tổ; tên vị ra đi sẽ được thờ ở nơi ít quan trọng hơn gọi là tẩm , nơi nghỉ .

Qua bao thế kỷ, hệ thống thờ phụng nầy nhiều lần được sửa đổi. Nhưng cuộc canh cải danh tiếng và gây xáo trộn nhiều nhất do Vương Mãn nêu ra. Người tiếm quyền nhà Hán nầy cho phép thiên tử thờ thêm hai vị nữa, nghĩa là thành chín thay vì bảy. Nhiều ông vua bày thêm tên tổ tiên để tự cho mình đúng dòng chính, có vua nại lý nầy lý kia để bỏ tên người cũ thêm tên mới.

Nhà Nguyễn có cách sáng tạo riêng trước và sau khi thành lập vương triều. Năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát bắt đầu đưa ra các cải cách nhằm tạo ra một đế đô trong Nam; chúa ra lệnh xây cất đền thờ gọi là tông miếu 宗廟 chứ không phải thái miếu 太廟, vì cho đến lúc ấy, Nguyễn tộc vẫn phục tùng vua Lê, các chúa chưa phải là hoàng đế.

Trong miếu nầy thái tổ là Nguyễn Kim, thành viên họ Nguyễn cuối cùng làm việc ở phương Bắc. Ở các vị trí mục và chiêu, chúa cho ghi bảy thế hệ trước, tất cả đều ở trong Nam.

Miếu đền nầy được xây ở Huế. Nhà Nguyễn phải bỏ khu vực nầy khi Tây Sơn đánh chiếm. Tuy nhiên, sau khi lấy lại Gia Định, Nguyễn Ánh đã ra lệnh xây một đền miếu ở đấy, đầu năm 1790. Miếu thờ nầy vẫn theo sự phân biệt chiêu mục như xưa, nhưng không theo đường lối đương thời tại Đông Á.

Linh vị thờ ở Gia Định 
"Nguyễn Hoàng" trùng dụng ở cột phải vào ô của Nguyễn Phúc Nguyên (Chúa Sãi)

Biểu đồ đính kèm cho thấy tên những vị được thờ tại Gia Định. Nguyễn Kim tiếp tục giữ vị trí thái tổ, đứng đầu con cháu, theo sau là Nguyễn Hoàng, thành viên Nguyễn tộc đầu tiên cai trị miền Nam.

Đi tiếp xuống dưới còn có hai người chưa bao giờ làm chúa. Thứ nhất, Nguyễn Hạo, con của chúa thứ bảy Nguyễn Phúc Chú; thứ hai là Nguyễn Phúc Luân, bố của Gia Long. Nguyễn Phúc Luân thừa kế chính thức của cha là Nguyễn Phúc Khoát nhưng không được lên ngôi vì Trương Phúc Loan lộng quyền.

Sau khi Gia Long tái chiếm Huế năm 1802, từ đường nguyên thủy được trùng tu. Tuy nhiên hai năm sau, vua cho xây miếu thờ mới. Sử liệu cho thấy vua quan đều cố sức bảo đảm đền mới sẽ trung thành đi theo những tiền lệ ở Á Đông.

Đặc biệt, vua thảo luận với quần thần trước khi quyết định Nguyễn Hoàng sẽ giữ địa vị thái tổ, vì là người đầu tiên trong Nguyễn tộc tạo ra nền móng của việc bình định phương nam, triệu cơ nam phục 肇基南服. Nguyễn Kim sẽ được con thay thế. Tiếp đến Nguyễn Hạo và cha của Gia Long cũng bị lấy tên ra vì chưa bao giờ làm chúa. Cuối cùng là chúa thứ mười Nguyễn Phúc Dương.

Không có lời giải thích về quyết định cuối cùng nầy. Chúa thứ mười cai trị trong thời gian ngắn có cuộc nổi loạn Tây Sơn và đã bị Tây Sơn bắt. Những yếu tố nầy có thể là lý do vua quan cho rằng chúa không đáng được ở trong thái miếu.

Sử ký triều Nguyễn cho thấy thứ tự thờ phụng nhằm mục đích theo đúng các tiền lệ và để cho có đúng chín vị quy định trong sách Lễ Ký.

Trong lúc ấy Nguyễn Kim được phong Triệu Tổ 肇祖 và được thờ riêng ở Triệu Miếu 肇廟, ngõ hầu chỉ quê quán, điểm xuất phát của thế tổ. Đồng thời, thân phụ của Gia Long được thờ riêng ở Hoàng Khảo Miếu 皇考廟 ngõ hầu cho thấy quốc sự xuất phát từ đâu. Sau cùng Nguyễn Hạo và Nguyễn Phúc Dương được đưa vào một “tẩm” riêng trong miếu chung với các vị không còn ở thái miếu.

Thế Miếu
Khi ra lệnh xây các nơi thờ phụng, Gia Long đã tự lên ngôi hoàng đế. Ngay sau đó nhà vua đã thăng chức các chúa từ vương lên đế với lý do đế mới đủ điều kiện được thờ ở thái miếu.

Khi đặt cách thức thiết lập danh sách thờ theo lối chính thống đồng thời giải quyết toàn vẹn không ai thiếu ai mất, Gia Long để lại cho người kế vị một vấn nạn. Không có nơi nào trong hệ thống các miếu một chỗ dành cho chính vua, các chỗ đã có kẻ đứng.

Minh Mạng biết rõ hơn ai hết nên đã có biện pháp. Dĩ nhiên Minh Mạng không sướng thích gì khi phải bỏ tên một tiền nhân để chỗ cho cha mình thế vào. Vị vua thứ hai bèn ra lệnh xây một đền thờ người sáng lập vương triều gọi là Thế Miếu 世廟. Miếu mới nầy vẫn theo hệ thống chín linh vị như tại Thái Miếu. Trong trường hợp nầy Gia Long chiếm vị trí thượng thủ trong lúc tám vị trí khác để thờ các hoàng đế tương lai, bắt đầu từ Minh Mạng.

Như vậy từ nay chính yếu có hai miếu: một dành cho các Nguyễn nhân đã trị vì trước khi chính thức thành lập vương triều, và một cho các hoàng đế chính thống gồm cả người sáng lập và kế vị.-

Ghi chú của người dịch

Tài liệu trên đây được tác giả Lê Minh Khai biên soạn để chứng minh ngược với quan điểm của vài sử gia cho rằng Đàng Trong hầu như không còn ảnh hưởng của Tàu. Lý luận phức tạp nên chúng tôi chỉ dùng phần sử liệu. Đây là vấn đề khá rõ ràng tác giả dùng sử liệu chính là Đại Nam Thực Lục Chánh Biên. Bên cạnh Anh ngữ, LMK kê thêm tiếng Việt có dấu và chữ Hán, cho nên việc dịch bớt khó khăn, ví dụ: Royal Father Shrine (Hoàng Khảo Miếu 皇考廟).

Cá nhân chúng tôi không rõ các linh vị nào hiện được thờ tại thế miếu. Theo tài liệu nầy thì sau Gia Long chỉ có tám chỗ, đúng con số 9 nói trong sách Lễ Ký. Không kể ba vua "tứ nguyệt" và Bảo Đại thì đúng tám chỗ: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân, Đồng Khánh và Khải Định. Coi bộ khít khao; nhất là Bảo Đại thì không cần thiết vì cựu hoàng đã di chiếu tang lễ theo nghi thức Vatican.

Chuyện Hường Ưng Bữu Vĩnh, nếu xài hết 20 chữ thì thế hệ 21 tính ra răng. Hôm tôi ngồi ở Hồ Tây Hà Nội 2005, có người kỳ kèo mua sách, tôi mua cuốn sách về các vua Nguyễn, tàm tạm ba xí ba tú nhưng không nói bậy. Đến đoạn Hường Ưng Bửu Vĩnh, tác giả nói có người hỏi vua Minh Mạng. Vua nói: lo chi chuyện nớ, có triều đại mô truyền nhau đến 20 đời. Nay ngài tính tám chỗ, thiệt là hay.

Gia Đinh, Lăng Ông Bà Chiểu trước 1975



Tuesday, October 20, 2020

lịch sử tái diễn


white White House





chuẩn bị lịch sử tái diễn

Tôn Tht Tu

Thiên hạ đều sợ năm 2000, thiên niên mới trời sẽ sập, hoảng lên vì mấy ông tôn giáo dọa người ta, nào là thiên chúa bất mãn nhị thiên, ngày phán quyết cuối cùng v.v…Nhưng năm nào trong lịch sử lại không có chuyện mà nói. 20 năm qua nhanh như chớp cho nên những diễn biến chính trị năm ấy còn nguyên để có thể hoành hành, nói theo kiểu cũ là lịch sử tái diễn. Câu chuyện bắt đầu với Al Gore (AG).

Chàng đẹp trai to con nầy thừa hưởng gia tài chính trị của cha. AG senior làm mưa làm gió trên chính trường Tennessee, với chức vụ thượng nghị sĩ. Cậu con về sau cũng là TNS ở đấy nhưng trên thực tế là dân Washington. AG ứng cử và đắc cử phó TT cùng Bill Clinton 1992 và tiếp tục một nhiệm kỳ nữa. Sau đó AG được chọn đại diện DC chạy đua vào White House cùng thống đốc Texas, George Bush Junior, con cựu TT George Bush Senior và anh ruột Jeff Bush đương kim thống đốc Florida, tiểu bang gắn liền với cuộc tranh tài nầy.

Al Gore, ký giả chiến trường, Biên Hòa VN
Thất bại của AG là một chuổi sự việc mới trông không dính nhau nhưng thật sự kết nối khắng khít, trùng trùng duyên khởi.

AG vào đấu trường lúc đảng DC thừa hào khí, đến độ người ta cho rằng nếu luật cho phép thì Clinton tranh cử còn thắng, hay Hillary Clinton tranh cử TT thay vì TNS New York; lúc ấy bộ trưởng tài chánh Cohen sửa cách kế toán và cho biết USA thặng dư ngân quỹ chưa bao giờ có trong lịch sử. Nhưng AG không chịu “ăn có” hay “ăn thật” việc nầy và cố tránh xa Clinton vì AG tin rằng vụ Monica sẽ làm ông mất phiếu.

Để giải quyết điểm nầy, AG đưa ra khẩu hiệu: giá trị gia đình, và người giới thiệu AG tại đại hội DC là ái nữ, thay vì thông lệ là một thống đốc; AG chọn Joe Lieberman, TNS Connecticutt, làm phó; Joe đã chỉ trích Clinton và theo phe truất phế Clinton (indictment). Joe không tự tin nên vừa tranh cử với AG vừa tranh cử vào thượng viện vì lúc ấy ông mãn nhiệm kỳ 6 năm. AG tránh không gặp Clinton trong dịp hai người đến dự tang lễ một thượng nghị sĩ tử nạn máy bay.

[chức vụ tổng thống đã thay đổi từ địa vị thần thánh hay một good daddy đến thành một job, một position trong nền quản trị công cộng. Từ quan niệm xây White House thế nào cho dân đi ngoài đường thấy TT làm việc bên trong đến TT phải ngồi trong xe kính chống đạn. Dân chúng đã mặc thị chấp nhận lời quảng cáo của New York Times: hãy bỏ phiếu cho Bill Clinton và đồng thời không cho vợ và con gái đến gần để tránh sự sờ mó (to avoid any unwanted pass). AG không có gì để thương hay để ghét; đối thủ Bush không khệ nệ, nếu cần bạn nhậu chung hay xem thể thao chung, ấy là Bush. [He was very personable]. Tuy chủ trương giá trị gia đình, sau bầu cử vài tháng Tipper Gore đã bỏ chồng (hay bị chồng bỏ?)]

công lực Mỹ vào nhà bắt bé Elian để đưa về Cuba

Chuyện trời ơi mà AG phải gánh là vụ bé Elian Gonzalez vượt biên từ Cuba với mẹ và dượng ghẻ trên chiếc thuyền phao bơm hơi; một mình Elian sống sót và được thân nhân đến trước nuôi dưỡng ở Miami. Cha đẻ của Elian viện cớ dượng ghẻ chưa chính thức là chồng của mẹ và không có khai sanh thừa nhận nên vô thẩm quyền quyết định sự ra đi, và chính ông là cha, muốn USA giao trả bé Elian về.

Giữa lúc chưa ngả ngũ, Garcia Marquez nhảy vào bằng một bài bình luận trên New York Times. Nhà văn trúng giải Nobel Nam Mỹ và là bạn và thụ ân Fidel Castro, ông đưa ra bức hình sinh nhật bé. Elian đội nón cao bồi, hai súng lục hai bên, ngực đeo hai băng đạn chéo. Marquez viết: Elian không chết trên biển mà chết trên khô với lối giáo dục bạo động kinh hồn. Dư luận trong và ngoài nước muốn Elian về xứ; sau mấy lần kiện thưa, tòa tối cao Mỹ trả bé về. [Elian đã thành con cưng của Fidel Castro. Bé tránh cái bạo động “nylon plastic, súng giả” mà Marquez đã kết án, để chơi cái bạo động súng thiệt trong đoàn khăn đỏ, ủy viên chính trị].

Clinton giao việc nầy cho Al Gore thi hành. Dĩ nhiên cộng đồng Cuba lưu vọng ở Florida phản đối và đã không bỏ phiếu cho Al Gore, mà Bush chỉ hơn 537 phiếu thấm chi, nếu người Cuba ủng hộ. Cảm thấy sự chống đối nầy, AG đã vận động với thị trưởng Miami gốc Cuba Alex Penelas và hứa chọn làm ứng cử phó tổng thống. Nhưng khi AG chọn Joe Lieberman, người nầy không vận động và đi du lịch xa những ngày gần bầu cử; sau đó lánh mặt và mong cầu CH giúp cho giữ ghế thị trưởng.

Florida là tiểu bang con ruồi đậu nặng đòn cân, với 25 phiếu cử tri đoàn. Thống đốc là anh ruột của Bush, đứng đầu văn phòng tiểu bang (secretary of state) Katherine Harris là phó chủ tịch uỷ ban bầu cử của Bush, rất đắc lực trong việc tái kiểm phiếu (nói sau). Mà Florida có hình thái địa dư nhân chủng đặc biệt, mỗi đơn vị bầu cử có chung khuynh hướng chính trị khá rõ ràng; vùng nào thay đổi ý kiến, vùng nào là đất cắm dùi của DC, CH. Như vậy chính trị thẳng thớm và chính  trị ma đầu dễ bề hoạt động. Florida có lịch sử bầu cử “khó nói”, đầu tiên là ứng cử viên Haye bị tố cáo gian lận và sau đó thương lượng không ứng cử kỳ hai. Nhiều lần ứng viên khác đảng với thống đốc đều lảnh búa. Thống đốc DC đã cho Bob Dole đi đong cũng như Jeff Bush với AG.


Florida cho phép các county in lá phiếu riêng. Palm Beach County đã design mẫu phiếu hổn danh là butterfly ballot như bướm bay; design như thế nào ai cũng có thể lầm lẫn “chọt” vào ô bầu cho Buchanan, hay vừa có kết quả đôi vừa Gore và Buchanan (bất hợp lệ). Vụ tái kiểm cho thấy một điều kỳ lạ. Khi cử tri “chọt” thì vảy lõi (chad) sẽ rơi và để lại khoảng trống và máy sẽ đọc và ghi một yes; nếu còn lưng lửng thì máy từ chối, nếu kiểm bởi người thì được là phiếu thuận. Khi kiểm tay thì phát giác nơi chỗ của Gore nhiều “chad” còn đeo lưng lửng, chuyện nầy không xẩy ra với Bush. Florida không thể rửa sạch vụ gian lận nầy vì các chứng cớ và những diễn biến khác.

Nov 07, 2000, Florida tuyên bố Bush hơn Gore 1784 phiếu; Gore không để ý con số thực nên đã gọi Bush công nhận thua cuộc. Sau đó AG rút lại lời nói viện dẫn sự sai biệt quá nhỏ cần đếm lại. Luật tiểu bang đòi hỏi đếm lại trong các cuộc bầu cử nếu sai biệt chưa được 1%. Tiểu bang tự động đếm lại. Kết quả ngày đầu số phiếu của Bush giảm xuống dưới một ngàn.

Katherine Harris cho dùng hai cách đếm: bằng máy những vùng trong ảnh hưởng của AG; đếm tay vùng ảnh hưởng của Bush. Đếm máy không chính xác vì những vảy vụng “chad” còn đeo và máy từ chối. Kết quả đếm máy vẫn cho Bush số phiếu dẫn đầu nhưng rút lại còn 527 phiếu.

George Bush Jr
Hai bên kiện nhau và đấu trường pháp lý kịch liệt. AG yêu cầu đếm tay vì có lợi. Bush đã kiện đến Tòa Tối Cao và Tòa quyết định ra lệnh ngưng đếm và Katherine tuyên bố Bush thắng ở Florida với 537 dân phiếu và có 25 phiếu cử tri đoàn đủ đề làm tổng thống. Hôm sau AG công nhận thua.

Jeff Bush đã đứng ngoài rút lui (recuse) nhưng ai cấm hành động hậu trường. Nếu recuse theo đúng nghĩa Katherine Harris phải làm như vậy. KH là đồng chủ tịch ủy ban vận động của Bush; bà không dấu diếm nói rõ Bush sẽ cử bà làm bộ trưởng ngoại giao hay ít nhất đại sứ tại LHQ. (Thực tế không có gì KH phải chật vật mới vô được hạ viện và thất cử thượng viện) KH đã dùng gần 5 triệu trong ngân sách thuê một công ty điện tử xét lại danh sách cứ tri và đưa tên 57 ngàn người đi bầu thành tội phạm không được đầu phiếu; nhiều người trùng tên cũng thành tội phạm; nhiều county không chịu dùng kết quả nầy để gạch tên. Đảng DC cho biết đa số những người nầy có cảm tình với DC.

Trở lại phán quyết của tòa trên, chúng tôi chỉ nói kết cuộc vì câu chuyện quá nhiều danh từ pháp lý khó hiểu. Phán quyết 5/4 chấm dứt hoàn toàn việc tái kiểm phiếu và Bush thắng ở Floriada với 537 phiếu thường dân, trở thành tổng thống với tỷ số 271/266 electoral votes. Quyết định nầy đã chia đôi tối cao pháp viện và cả nước và tình trạng lưỡng phân xã hội bắt đầu. Lần đầu tiên tòa trên phủ quyết một điều thuộc thẩm quyền của tiểu bang. Dư luận chống đối nhiều hơn ủng hộ; mấy trăm luật gia đã ký tờ phản đối. Tòa đã đi nước đôi, nói rằng phán quyết nầy sẽ không tạo ra một tiền lệ, một án lệ, mà chỉ giới hạn trong hoàn cảnh hiện tại (limited to the present circumstances); nhưng có phán quyết nào của tòa lớn nhỏ mà không thành án lệ.

William Rehnquist
Dẫu vậy, những quan tòa hiện tại chức đã cho đó là án lệ theo bình luận mới nhất của thông tấn CBS. Quyết định nầy của tòa bắt nguồn từ một câu chuyện cá nhân khá rườm rà. Lúc ấy Rehnquist (1924-2005) là chánh án bảo thủ nhất, được Nixon chọn; suốt đời ông luôn cộng tác với đảng CH.

Trong trong nhiệm kỳ thứ nhất của Bush senior, Rehnquist cho biết sẽ về hưu trong nhiệm kỳ thứ hai nhưng chẳng may Bill Clinton thắng cử ngoài dự đoán của nhiều người. Vì không muốn thấy người kế nhiệm không bảo thủ như mình, ông quyết định ở lại. Cho đến năm 2000, cậu Bush con đang tranh ăn tranh thua với AG; đó là cơ hội tốt nhất cho Rehnquist thỏa lòng có người bảo thủ ngồi ghế của mình. Ông đã làm cho Bush thành tổng thống, một cách chắc chắn vì tái kiểm coi bộ giúp cho AG nhiều hơn.

Như nói trên, tòa đi hàng hai, nói chỉ là một phán quyết đơn độc. Trong 20 năm qua, giới luật gia cho rằng mọi phán quyết đều là án lệ. Ngay trong tuần nầy (Oct 14, 2020) tòa trên muốn có một quyết định gần giống vậy ở Pennsylvania; tiểu bang ra quyết định phiếu bầu bằng thư vẫn có giá trị nếu đến trong vòng ba ngày sau bầu cử. Kết quả tại tòa là 4/4, đang chờ Amy Barrett.

Donald Trump rất thực tế. Kết quả bầu cử vừa rồi giống như trường hợp Bush, thua dân phiếu, thắng tại cử tri đoàn; sẽ có những tiểu bang số phiếu chênh lệch quá nhỏ, những “Florida” sẽ xuất hiện, kiện tụng v.v… Ông nói rất có thể kết quả hai bên sẽ kéo nhau ra tối cao pháp viện. Những “projection” Trump thắng nức vách đổ thành không làm Trump khinh địch. Vả lại vụ corona làm thay đổi cách bầu cử, ví dụ cử tri đi bầu sớm chưa biết những chuyện động trời như email của Hunter Biden; TNS Cruz Texas tỏ ra nghi ngờ sự thành công của CH phe mình trong cuộc bầu cử sắp đến.


từ trái: Barreet, Kavanaugh, Robert
Nếu tuồng tích (scenario) tranh tụng tại tòa cao xẩy ra thì nói chung 6 thẩm phán bảo thủ sẽ nghiêng về Trump. Nhưng chắc chắn nhất là Robert, Kavanaugh và Barrett. Ba vị nầy thời 2000 đã đến Florida làm việc cho Bush trong chuyện tái kiểm phiếu. Thẩm phán Thomas còn sống, đã bỏ phiếu thuận ủng hộ Bush.

CH gấp rút đưa Barrett vào tối cao pháp viện. Hy vọng sau khi được chấp thuận, bà sẽ tuyên thệ nhậm chức ngay trong tháng mười. Các TNS thuộc DC đã hỏi bà có rút lui (recuse) nếu Trump tranh tụng, bà trả lời thẩm phán không có quyền nói trước về những vụ án chưa có. Barrett recuse khác với Jeff Bush recuse vì Barrett là người bỏ phiếu.

Lắm khi chính trị cũng như thể thao, hay không bằng may, trong nghệ thuật theo gái, đẹp trai không bằng chai mặt. Trà dư tửu hậu bàn rằng trời cho Trump hai việc: Barrett và computer của Hunter Biden; về Barrett nhiều kẻ cho rằng việc chống phá thai của bà sẽ giúp Trump thêm phiếu. Nhưng Trump dụng nhân như dụng mộc, chuẩn bị đáp ứng tình thế, “just in case…” Tây phương có câu: chính trị là khoa học về các khả thể. (Politique c’est la science de possibilités). Trump thấy khả thể tối cao pháp viện đóng vai trò quyết định, lịch sử tái diễn, rắc rối nhưng rồi cũng như Bush thuê bao từng bốn năm ngôi nhà màu trắng, được gọi theo lối kính trọng là Bạch Cung hay Bạch Ốc.-

=================================================================================

Huế, Mậu Thân
============================================




Sunday, October 18, 2020

Ôi buồn mà chi, Chopin

 

Ôi buồn mà chi, Chopin

Tôn Tht Tu

Chopin, trong Nam đọc gần tiếng Tây là “sô panh”, ngoài Bắc đọc là Chô bin; không biết người Ba Lan đọc ra làm sao. Chopin của chúng ta, Chopin của Tristesse, ôi buồn mà chi, thắc mắc mà chi, cho đau lỗ rún, xức thêm cù là, sinh ở Ba Lan, Pologne (March 1, 1810 - Oct 17, 1849). Thiên hạ biết nhiều qua tên Tây là Frédéric François Chopin. Thần đồng dương cầm Chopin lúc 7 tuổi đã viết một bài Polonaise.

Chàng ở thủ đô Varsovie 20 năm rồi qua Pháp, không bao giờ trở lui. Trên xứ Lục Giác nầy trong thời gian ngắn chàng có ân tình nặng với nữ văn sĩ George Sand chung sống trên một hòn đảo giữa Pháp và Spain, và là thời gian nhiều sáng tác nhất.

Sau đó cơm cháo, tương chao mỗi thứ đi một đường. Chopin vừa bệnh ho lao, vừa mắc nợ. Nhưng có người mắc nợ Chopin từ thuở nào, nhảy vô gánh. Jane Stirling, học trò lớn tuổi hơn, đã giúp Chopin thêm danh vọng trên xứ Scottland và trên đảo quốc Anh. Họ là những người bạn đúng nghĩa nhất. Chopin đã kém sức khỏe vì thời tiết trên hòn đảo Địa Trung Hải với George Sand, ông đã bị ám ảnh bởi thần chết và ông đã trở về Pháp để chết sau 18 năm sống xa quê.

Jane Stirling đã âm thầm trả hết các món nợ, lo ma chay cho Chopin, giúp tiền cho thân nhân từ Ba Lan qua dự đám ma. Jane mua mọi thứ Chopin để lại như dương cầm, bàn ghế đưa về Ba Lan làm bảo tàng viện. Jane lo sắp xếp các bản thảo. Nói chung Jane lo mọi di lụy của Chopin. Người ta thấy vậy bèn gọi Jane là quá phụ Chopin.

Chopin tuy nhập dân Pháp, dùng tên Pháp, không bao giờ tự cho mình là dân Gaulois, tuy cha ông là người Pháp qua Ba Lan sinh sống. George Sand vẫn còn chút máu Ba Lan, có lẽ tiền kiếp đã đưa nữ sĩ nầy đến với danh cầm cô đơn. Chopin vẫn cho mình là người Ba Lan.

Tinh thần quốc gia của ông được biểu hiện qua hai loạt bài polonaise và mazurka có nhịp quân hành, quen thuộc trong dân nhạc Ba Lan. Có người không cho Chopin là ái quốc vì âm nhạc của ông đi theo truyền thống từ Bach, Haydn, Beethoven để đến thời lãng mạng, đồng hội đồng thuyền với Brahms, Liszt, Schumann. Nhận xét dễ được chấp nhận ở đâu đó phía giữa.

Mazurka, polonaise không do Chopin đẻ ra, đã có từ lâu trong lịch sử âm nhạc Âu Châu. Sebastian Bach đã dùng. Nhưng ông đã viết theo đường lối bác học, rất khó, chỉ những danh thủ mới xoay xở được; đến độ người ta nghĩ chỉ có Chopin mới làm được như vậy. Chopin đồng thời tinh luyện những gia điệu luân vũ (valse) đưa từ đồng quê đến những thính phòng vương giả, ông vẫn giữ nét duyên dáng âm thầm không hào nhoáng như valse viennoise của Strauss (Dòng Sông Xanh). “Ái quốc” vì nhạc Chopin làm ấm lòng vô số người Ba Lan lưu vong sống ở Âu Châu sau các cuộc nổi dậy chống đế quốc Nga thất bại. Polonaise Opus 40, theo ý kiến của danh cầm Rubinstein gồm phần 1 là vinh quang lịch sử của Ba Lan trong lúc phần 2 là bi thảm tăm tối của quê nhà.

Chopin không thích trình diễn ở các hý viện lớn, ông thích khung cảnh đầm ấm của thính phòng. Do đó, không gian nội tâm (scope) của nhạc Chopin không bao la như của Mozart hay của các người đồng thời, Liszt, Brahms.
Vì vậy những sáng tác cho dàn nhạc lớn của Chopin không có tính cách vang vọng như Brahms; không "dậy, không bồng" như Mendelsohn. Nhạc Chopin lúc nào cũng có một giai điệu dễ và phần khai triễn rất khó. Do đó, hầu hết các buổi trình diễn hiện nay rất ít tính chất “Chopin”. Lý do thứ nhất là không khí trình diễn quá rộng lớn ảnh hưởng bầu máu nóng người trình tấu, không như các thính phòng ấm cúng mà Chopin hướng đến. Thứ hai thời nay thích nhịp nhanh và “đấm” nhiều quá (too much pounding)); thay đổi nhịp phách (tempo) thay đổi tính chất của tác phẩm. Những đĩa cũ của Horovitz, Rubinstein và trẻ hơn như Kissin cho thính giả thời gian và phương tiện nuốt niềm đau thương của Chopin trong polonaise opus 53.

[Bài nầy viết bổ túc bài trước của Nguyễn Tuấn Ba Lan]

=======================================================

PolonaiseOpus 53

PolonaiseOpus 40.1

PolonaiseOpus 40.2

Fantaisie impromptu

=======================================================

thuở xưa Gia Định

Saturday, October 10, 2020

văn chương chứng nhân

 

một làng quê Ba Lan















** hôm chú vác va-li đi vào nhà, ai cũng tưởng chú còn ở 
Pháp, mẹ chú đang ngồi têm trầu ở cái sập gụ, ngã xuống 
bất tỉnh, không phải vì mừng! (Hà Nội 1957)

Bạn tôi, Ba Lan 

và những ngày khốn nạn

Nguyn Tun

Thời còn nhỏ tôi cứ nhớ hoài câu nói của nhân vật chính Pavel trong Thép đã tôi thế ấy:Mỗi người chỉ có một cuộc đời, hãy sống sao cho xứng đáng…”. Thế hệ chúng tôi, nói theo ngôn từ bây giờ là thế hệ 6X, bây giờ đa số đã trên 40, 45 tuổi, cũng đã có một thời trôi nổi và đủ kỷ niệm để nhìn lại, để ngậm ngùi cho những thăng trầm chẳng chừa một ai.

Tôi có ông chú họ, năm 1957, bằng đủ mọi cách, trở về Hà Nội từ Pháp, với cái bằng đại học còn mới toanh và một va-li sách. Đến năm 1977, 1978, sau khi đi làm về, chiều nào ông cũng ngồi đọc kinh Phật trước bàn thờ, chuyện cơm áo (và tem phiếu) xem như không màng. Thỉnh thoảng tới nhà chơi, tôi hay lục lọi trong đống sách vở, nhiều khi một vài bức ảnh đen trắng đã úa màu của chú chụp ở Paris, Rome rơi ra. Chú đẹp trai, tóc chải dầu bóng vắt ra sau, thật khác với hình ảnh bây giờ. Tôi nghe kể hôm chú vác va-li đi vào nhà, ai cũng tưởng chú còn ở Pháp, mẹ chú đang ngồi têm trầu ở cái sập gụ, ngã xuống bất tỉnh, không phải vì mừng!

Đến thế hệ tôi thì khác… Thời đó người ta vẫn dùng hai chữ “đi Tây” để chỉ học sinh được cử đi học nước ngoài ở Liên Xô hay các nước trong khối xã hội chủ nghĩa. Tôi may mắn ở trong số đó (ít ra là nhà đỡ lo một miệng ăn!). Lê lết mãi đến năm 1986 tôi cũng tốt nghiệp được ở một trường đại học 'danh tiếng' ở Đông Âu. Nói là lê lết cũng không sai, nói là đậu vớt lại càng đúng. Hôm thi tốt nghiệp, ông giáo sư nói với tôi: “Tôi cho cậu qua được là vì chiếu cố năm thứ nhất xuất sắc của cậu, bây giờ cậu tệ quá, nếu là sinh viên bản xứ thì cậu hỏng rồi”. “Em cám ơn thầy hết sức, thế là quý rồi.” Tôi đáp lại, trong bụng nghĩ thầm: “Em đậu vớt với mấy thằng bản xứ, còn thầy là giáo sư vớt của thế giới, mấy cái máy trong phòng thí nghiệm của thầy có cái từ năm 1950, 1960 thì làm ăn cái gì, cả đời thầy chưa gặp ai là đồng nghiệp ngoài trừ mấy bác Liên Xô, chúng mình cùng hạng vớt với nhau cả thôi!”.


Thời đó đa số sinh viên du học chúng tôi không ai học cả, sự nghèo đói ở Việt Nam, sự bế tắc của xã hội dẫn đến sự cùng quẫn trong học hành. Từ chỗ là những sinh viên giỏi nhất trong năm đầu, chúng tôi trở thành chót lớp trong năm cuối.

Tháng 8 lãnh bằng, tháng 11 về nước, nhưng tôi không muốn về. Nếu không muốn về thì trốn đi đâu đó một thời gian cho ban quản lý sứ quán quên đi, khỏi gọi công an trục xuất. Gần đến ngày về thì tôi nhận được thư của H. ở Ba Lan: "Mày qua đây chơi cho vui rồi tính gì rồi tính”. Thế là trên lưng một ba lô, vượt biên giới của Ba Lan, mua cái vé tàu đến Wroclaw, H. đón tôi ở Bydgosczc.

H., rất thân với tôi từ ngày nó từ Thanh Hóa ra học lớp chuyên môn. Nó ốm nhom và cao nghều với một đặc tính là cứ mở miệng nói thì thế nào cũng có câu đệm rất tục “Địt mẹ!”. Không ai biết nhiều về gia đình nó ngoại trừ tôi. Ba nó mất sớm, mẹ nó nuôi nó và đứa em bằng nghề nấu rượu (dĩ nhiên là rượu lậu vì thời đó không có gạo ăn thì lấy gạo đâu mà nấu rượu).

H. thẳng tính, thấy không đúng là chưởi thẳng tay, nhưng nó học rất giỏi và sống hết mình vì bạn bè nên ai cũng nể. Tôi còn nhớ như in hôm học chính trị về chủ nghĩa cộng sản, thầy giảng: “Liên Xô đang tiến lên chủ nghĩa cộng sản, còn ta sẽ tiến lên sau này, lúc đó chúng ta làm theo năng lực mà hưởng theo nhu cầu”. H. ngồi ở cuối lớp phang ngay một câu đủ để mấy thằng tôi nghe: "Địt mẹ, ở Thanh Hóa quê tao, xây cái cống thoát nước 3 năm chưa xong, chủ nghĩa cộng sản thế đéo nào được!”.

Mấy năm cấp 3 trôi qua, hồn nhiên như mây trời, chúng tôi mắt sáng, thông minh, lòng với bao ước muốn được bay nhảy học hành. Thế giới như trong tầm tay với những đêm thức trắng vật lộn với những con số, những bài toán khó. Thi đại học, bọn chúng tôi dĩ nhiên là đủ điểm đi Tây. H. và tôi lại đi cùng một nước và cùng trượt dài trên con đường từ học giỏi cho đến học dốt và rất dốt. Chúng tôi nhiều khi bỏ học cả tháng trời, chỉ để về trường học một hai ngày rồi đi thi, để được vớt lên lớp.

H. chẳng bao giờ kể với tôi về mẹ nó. Chỉ có một hôm khi say nó mới lộ ra: “Địt mẹ, mày biết không, sau khi bố tao đi bộ đội chết, mẹ tao làm rượu lậu, bán rượu lậu, lại hơ hớ thế thì mấy thằng chó ở huyện ở xã thế nào chẳng mò đến. Địt mẹ, không bán rượu thì làm hợp tác xã có mà đói nhăn răng!”. Tôi biết nó giận mẹ điều gì và chẳng bao giờ thấy nó thư từ về nhà.

Cuộc sống của chúng tôi cứ thế trôi qua, chẳng có một mục đích gì cho đến một ngày H. bảo tôi rằng nó muốn qua Ba Lan sống bằng cách làm một em Ba Lan nào đó có bầu! Chỗ bọn tôi ở có con gái Ba Lan qua làm việc. Cũng như Việt Nam, dân Ba Lan lang bạt kiếm việc làm ở mấy nước khá hơn là Đông Đức, Tiệp Khắc và Hung, ngoại trừ ai may mắn hơn đã qua được Tây Âu. H. cao ráo nên dễ dàng thôi, nó lại chọn một cô Ba Lan dưới trung bình về hình thức, được cái tốt bụng, hay cười toe toét. Kể như kế hoạch của H. tiến triển tốt đẹp, M. có bầu sau vài tháng. H. bảo tôi: “Ba Lan nghèo nhất, vợ tao lại xấu nên ở được!”. H. và M. dẫn nhau lên sứ quán Việt Nam ở Ba Lan làm giấy tờ, may cho nó là sứ quán ở đây còn đàng hoàng, can thiệp để nó có giấy tờ vào Ba Lan. Xong việc, H. mua mấy chai rượu và một thùng bia uống qua đêm với anh em, xem như đám cưới. Sáng hôm sau tôi đưa hai vợ chồng ra ga, M. đã nặng nề với cái bụng bầu.

thiếu nữ Ba Lan, y phục cổ truyền

Nhìn bạn tôi đau lòng, lẽ nào số phận của chúng tôi lại như vậy, trước đó chưa đến 5 năm, chúng tôi còn là những học sinh rất giỏi, ước mơ đi vào những giảng đường cao rộng vẫn như còn đó, muốn bay đến những vì sao, trở thành những kỹ sư, những chuyên viên ưu tú. Giờ đây H. qua Ba Lan mà không biết cái gì chờ đợi mình, với một đứa con sắp chào đời. Có cái gì đó hơn cả sự nghèo khổ ở quê nhà làm chúng tôi sợ mà không dám trở về? Có cái gì hơn là sự ngột ngạt của mùi xì dầu, nước mắm lẫn thuốc lào ở những cơ quan ngoại giao Việt Nam làm chúng tôi tránh xa. H. đã nhiều lần chửi: “Địt mẹ, chúng nó nói láo!”. Thế hệ chúng tôi hoặc một số ít chúng tôi không còn phương hướng, nhưng có một ít nhận thức về sự đúng sai, về sự thật và dối trá, bắt đầu nổi loạn với chính bản thân mình: bỏ học, uống rượu bia như nước lã, tự hỏi mình là ai mà bị dân bản xứ khinh như chó ở những nước được xem là anh em đồng chí.

Quá trình học làm người của tôi và H. là như thế. Sau này nhìn lại, chúng tôi vẫn nghĩ những ngày đó là những ngày khốn nạn nhưng đẹp nhất trong cuộc đời.

Từ Bydgocszc, tôi gặp lại thằng bạn sau gần một năm. Thêm một chuyến xe bus gần một tiếng và sau đó lội bộ hơn 3 cây số thì chúng tôi đến nhà cha mẹ M., giữa một làng quê ngay giữa lòng Ba Lan. Vào những năm đó Ba Lan nghèo xơ xác: tháng Mười Một, những thành phố một màu xám xịt, những làng xóm tiêu điều. Chiến tranh Thế giới thứ hai tàn phá quốc gia này quá nặng nề và hơn 40 năm kinh tế quốc doanh làm Ba Lan chìm trong khủng hoảng triền miên. Người Ba Lan bỏ nước tha phương cầu thực khắp nơi, cửa hàng nhà nước hầu như không có gì, cả quốc gia hầu như nhờ vào kinh tế chợ trời và tiền của người Ba Lan ở nước ngoài. Những ngôi chợ tự mọc ra, bán tất cả mọi thứ nhu yếu phẩm do người Ba Lan tự làm, vào Ba Lan bằng mọi đường. H. đúng, khi nó nói với tôi rằng người nghèo dễ thông cảm cho nhau. Dân Ba Lan nhìn chúng tôi một cách thiện cảm, có lẽ thời đó, số người Việt ở đây có thể đếm trên đầu ngón tay. Của ít thì quý.

nông trại gia đinh Ba Lan

Tôi phục H. nghiên cứu kế hoạch ở lại một cách chu đáo, cha mẹ M. là nông dân vẫn còn giữ làm của tư được mấy mẫu đất. May cho Ba Lan là hợp tác hóa nông nghiệp sau khi Đảng Cộng sản Ba Lan lên nắm quyền không triệt để, nên một số nông dân vẫn còn ở ngoài nông trường quốc doanh. Họ là thành phần cứu Ba Lan khỏi lâm vào nạn đói với lượng lương thực sản xuất trên những mảnh đất nhỏ bé đó. Cha mẹ M. rất bình dân và ngôi nhà của họ tuy rất cũ nhưng gọn gàng. Ông bà hết sức mừng rỡ khi chúng tôi bước vào và hơn ai hết tôi muốn xem mặt thằng cháu của mình như thế nào. Tôi mừng cho bạn mình, M. quá hiền lành, thằng bé kháu khỉnh và nhất là cuộc đời của nó hy vọng sẽ khá hơn. Đêm đầu tiên chúng tôi ngồi uống rượu, bao nhiêu chuyện để kể, M. cũng nhập cuộc, có lẽ M. cũng rất vui vì chúng tôi nói đủ thứ chuyện trên đời, mặc dù cô chẳng hiểu gì cả.

Những ngày sau đó tôi sống cùng gia đình H. và giúp nó làm đủ thứ, H. biến ngôi nhà kho thành một trại nuôi gà để đến mỗi tuần đem ra chợ trời bán. H. cày như điên và biến cơ sở của gia đình M. trở nên khang trang nên nó rất được họ hàng bên vợ yêu thích (có bác còn đề nghị tôi lấy vợ và ở lại luôn). Cái thú của tôi là đi bán chợ trời vào những ngày thứ Bảy. Chúng tôi dậy sớm, H. thịt gần cả 50 con gà, nhổ lông bằng cái máy quay mà nó tự chế. Chợ họp cách nhà khoảng 10 cây số, trên một mảnh đất gần một ga xép cho người mua dễ dàng đi lại. Đúng là chợ trời vì họp hoàn toàn ngoài trời dưới mấy cái dù đơn giản. Mỗi người mỗi sạp hàng. Cha của M. có môt cái sạp chỉ để bán những thứ lặt vặt như khoai tây, hành, su hào…, những thứ mà mấy mẫu đất của ông làm ra trong mùa hè.

Vào tay H., món làm ra tiền chính là thịt gà. Mỗi con gà giá chỉ khoảng mấy ngàn Zloty, bằng 50 xu Mỹ, bán nguyên con hay chặt nửa. Thỉnh thoảng có người trả bằng đô-la Mỹ, nhiều nhất là tờ một đô, thỉnh thoảng có tờ 5 đô (lương công nhân ở Ba Lan khoảng 15 đô thời đó). Cả bữa chợ, tiền thu được khoảng trên dưới 50 đô, nhưng đó là một món tiền lớn đối với dân Ba Lan và gia đình M.

Có cái lạ là bọn con nít Ba Lan theo mẹ đi mua gà hay hỏi chúng tôi có biết Kungfu không. Ba Lan dạo đó, phim của Lý Tiểu Long được đem qua chiếu, từ Đường Sơn Đại Huynh cho đến Mãnh Long Quá Giang, nên mấy thằng da vàng được thơm lây. H. thỉnh thoảng cũng múa con dao bầu chặt gà, phạt một mảng vào thành sạp khiến bọn con nít phục quá xá. Trời lạnh, chúng tôi lúc nào cũng thủ một chai rượu, chén qua chén về, hết chai thì cũng xong bữa chợ.

Thứ Bảy trước Giáng sinh là bữa chợ lớn nhất nên mấy ngày trước đó chúng tôi phạt hết mấy trăm con gà, chỉ để lại gà con. Gà làm xong chỉ bỏ ở ngoài trời là tươi nguyên vì tuyết đã lất phất rơi. Tôi nhớ rất rõ là bữa chợ đó họp cả ngày, đến chiều, tuyết đổ mù mịt, tôi và H. nhìn những bông tuyết đã phủ kín những con gà cuối cùng nằm chỏng trơ trên sạp, cạnh mấy củ hành, tâm trạng lúc đó thật khó tả. Chỉ biết nốc thêm mấy ngụm rượu, bạn tôi lại buộc miệng: “Không biết tương lai sẽ như thế nào!”. Nhìn những người Ba Lan lầm lũi qua lại, không lẽ họ lại chịu sống như vậy hoài hay sao… Tôi chỉ nhớ là tiếng chuông nhà thờ khắp nơi đổ dồn như thúc giục mọi người đi lễ chiều, tuyết rơi dày và hai thằng Việt Nam đứng uống vodka trong ánh sáng chập choạng của một ngày mùa đông sắp qua. Cũng là đáng nhớ hoài…

Mấy mươi năm sau, tôi có dịp trở lại Ba Lan, H. và gia đình đã di dân qua nước khác, ngôi nhà và mấy mẫu đất của gia đình M. đã bán. Viện trợ của Khối thị trường chung châu Âu cho nông nghiệp Ba Lan đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, khang trang lên hẳn. Lái xe qua khu đất trước kia là ngôi chợ, lòng tôi như muốn khóc, không còn những sạp hàng nữa, chỉ còn một bãi cỏ tươm tất của một sân vận động. Đứng ở chỗ sạp hàng của H., trong tâm trí nhớ lại những bữa chợ như mới hôm qua. Đối diện là sạp của ông già bán xúc xích kiolbassa, nướng với than, ăn với mù tạt, nhậu với vodka, một con gà đổi được 7, 8 khúc. Xa hơn nữa là sạp của một bà chuyên bán mứt dâu, mứt nho và pho mát tự làm, một con gà là 4 hũ mứt to, rồi sạp áo quần, bán quần bò mác Levi’s, may ở Gdansk…

Ôi, những ngày không thể nào quên ở Ba Lan, chữ nghĩa không mấy trong đầu nhưng tự do, những người tình Ba Lan nhà quê ngọt ngào, hồn nhiên nghĩ rằng hễ là da vàng thì phải giỏi võ như Lý Tiểu Long, phải giàu như Nhật Bản. “Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ", tâm trạng của tôi như thế đó trong lần dừng lại trên mảnh chợ xưa. Có một phần tuổi trẻ của H., của tôi ở đó, tất cả đã như gió bay đi, chỉ như còn vương vấn đâu mùi hương cũ…

===============================================================================






Wednesday, October 7, 2020

một bài thơ muslim

 

mandala Mật tông








bài thơ muslim

Mathnawi Rumi

Je ne suis de l‘Est ni de l”Ouest
ni de la mer ni de la terre
je ne suis materiel ni éthéré
ni composé d’elements.

Je n’existe pas.
je ne suis une part ni de ce monde ni d’autre
je ne descends ni d’Adame ni d’Eve
ni d’aucune origine.

Ma place n’a pas de place
une trace de ce qui n’a pas de trace
ni corps ni âme.
J’appartiens au Bien Aimé
j’ai vu les deux mondes réunis en une seul
le premier, le dernier, celui du dehors celui de dedans,
simples comme le souffle d’un homme qui respire.

Rumi, Mathnawi, Book One


Tôi chẳng từ phương đông mà đến,
chẳng từ phương tây mà đến.
Chẳng từ biển hay đất liền.
Tôi không phải chất đặc hay chất hơi
Chẳng phải do nhiều thứ ghép lại mà thành.

Tôi không hiện hữu
Tôi không thuộc thế giới nầy hay thế giới khác.
Tôi không phải là hậu sinh của Adam và Eva,
Cũng không thuộc một nguồn gốc chủng tộc nào.

Chốn tôi ở không có gì là nơi chốn
Mà chỉ là một dấu tích của một thứ gì không dấu tích
Không thể xác, không linh hồn.
Tôi thuộc về Đấng Thương Quí
Tôi đã thấy hai thế giới hợp nhất là một,
cái đầu, cái cuối; cái trong, cái ngoài
đơn giản như hơi thở của một người đang thở.

Đây là một bài thơ của một người muslim, rất đơn giản không có chữ nào khó, ngoại trừ chữ “le Bien Aimé” có thể là Thượng Đế, là pháp thân, đại hồn, Atman, là Allah. Tôi đã mất bản tiếng Anh. Tuy nhiên danh từ nầy dịch thành “the Beloved”. Nguyên ngữ của Rumi là “tawhid”. Nó có tính chất vô hình tướng. Rumi cho đó là nơi mình phải trở về. Phải chăng có thể dùng “bản lai diện mục” mà hiểu thêm.


Đây là một bài thơ khác chưa dịch 

I died to the mineral state and became a plant,
I died to the vegetal state and reached animality,
I died to the animal state and became a man,
Then what should I fear? I have never become less from dying.
At the next charge (forward) I will die to human nature,
So that I may lift up (my) head and wings (and soar) among the angels,
And I must (also) jump from the river of (the state of) the angel,
Everything perishes except His Face,
Once again, I will become sacrificed from (the state of) the angel,
I will become that which cannot come into the imagination,
Then I will become non-existent; non-existence says t
o me (in tones) like an organ,
Truly to Him is our return.


Rumi (1207–1273) gốc Ba Tư (Persan) sinh tại nơi bây giờ Afghanistan và chết tại nơi bây giờ là Turkey. Tư tưởng của ông nằm trong trường phái học thuật gọi là Sufism, huyền nhiệm, chắc chắn xuất phát từ Indus Valley. Phật giáo cũng từ đây mà ra. Dễ hiểu nhưng khó hiểu khi nói nhạc Flamenco, Spain cũng từ trứng nòng nọc trong sông Ấn Hà.

Rumi không phải là triết gia với cái nhìn tuyệt đối về "không" gần đến chỗ nihilism (thuyết hư vô). Ông vẫn thấy cái gần giống chân không diệu hữu. Phải có cái có chứ; vì theo biện chứng, không bao hàm cái có; nếu không có cái có thì không thể có cái không.Thực thể huyền nhiệm ấy mang nhiều danh từ của nhiều khu vực, nhiều thời đại mượn tạm để gọi. Những người "tuyệt đối không" sẽ cười khỉn chữ "lai" trong khuôn mẫu "bản lai diện mục" vì "bồ đề vô thụ”, lấy chi mà trở về. Họ sẽ cười khỉn khi Xá Lợi Phất trình trong Pháp Hoa Hội câu chuyện gã cùng tử giang hồ trở về.

Sau khi phủ nhận tất cả những thứ làm nặng nề con thuyền, Rumi không "đi tìm con ngựa mình đang cởi", để cùng nhau đến nơi mà trực giác thấy và phải mượn danh từ mà gọi "le Bien Aimé", tôi nghĩ đó là Allad, một Allad của Rumi, của thi ca.

Bài thơ tiếng Anh kết thúc với câu: "Truly to Him is our return". Câu nầy và "J'appartiens au Bien Aimé" không khác một đoạn trong Koran: Inna lillahi wa inna ilayhi raji'un "Verily we belong to Allah, and verily to Him do we return."

Nhưng Rumi không hiểu như người muslim bình thường, đọc câu nầy khi nghe tin có người chết, và đọc trong tang lễ, như người PG hộ niệm về Tịnh Độ, người TCG cầu cho chúng tôi khi vào giờ lâm tử.

Rumi đã trở về khi ý thức phận người của mình; không cần đến chết.

Nếu không sợ politically incorrect (khen muslim) và không lấn cấn tôn giáo mình tôn giáo người, độc giả sẽ không thấy chơ vơ trong nihilism. Vẫn thấy có chỗ làm quê quán. Kinh Niết Bàn nói Phật như con bò con trâu thuộc loài bào sinh (trong bọc) nhưng có ý thức thuộc về Như Lai (pháp thân tường tồn trong thường lạc ngã tịnh). Jesus: ta là con của người (trong bào thai) và con của Thượng Đế.

Rumi viết:  "hai thế giới hợp nhất là một, /cái đầu, cái cuối; cái trong, cái ngoài /đơn giản như hơi thở của một người đang thở".

Những chữ đơn giản nầy nằm trong câu chuyện khoa học hiện kim và triết học Đông Phương. Vật lý hiện đại đã chứng minh mối tương hệ trong mạn lưới vũ trụ (cực đại) và trong hạ nguyên tử (cực tiểu).

Sự thống nhất tương hệ (interconectedness) trong thế giới vật lý đã có công thức toán học mô tả (mathematic interpretation).

Phương pháp luận tây phương luôn có và cần có một cơ sở siêu hình, như cơ sở Newton là sự hằng cửu phát sinh từ sự Sáng Tạo, như thời gian tuyệt đối. Tây phương đang tìm cơ sở siêu hình cho thế giới hạ nguyên tử, quantum, cho cả vũ trụ cực đại; họ đã gặp trong nền tư tưởng Đông Phương, đặc biệt là PG. Capra viết trong "The Tao of Physic":

The picture of an interconnected cosmic web which emerges from modern atomic physics has been used extensively in the East to convey the mystical experience of nature. In Buddhism, the image of the cosmic web plays an even greater role. The core of the Avatamsaka Sutra is the description of the world as a perfect network of mutual relations where all things and events interact with each other in an infinitely complicated way. The cosmic web, finally, plays a central role in Tantric Buddhism.

The Buddhist does not believe in an independent or separately existing external world, into whose dynamic forces he could insert himself. The external world and his inner world are for him only two sides of the same fabric, in which the threads of all forces and of all events, of all forms of consciousness and of their objects, are woven into an inseparable net of endless, mutually conditioned relations.

[Trong Phật giáo, hình ảnh của một tấm lưới vũ trụ đóng một vai trò quan trọng. Nội dung chánh yếu của Kinh Hoa Nghiêm xem thế giới là một tấm lưới toàn hảo về mối tương quan, trong đó mọi sự vật và biến cố tác động lên nhau, trùng trùng duyên khởi vô tận.

Quan điểm mạng lưới vũ trụ cũng đóng vai trò trọng yếu không kém trong Phật giáo Tantra (Mật giáo). Kinh sách trường phái này được gọi là “Tantra”, một danh từ gốc Sanskrit mang nghĩa “lưới dệt” và ám chỉ sự liên hệ và tương tác của mọi sự vật và biến cố. Lama Anagarika Govinda tóm tắt rất hay như sau: Người Phật tử không tin có sẵn một thế giới bên ngoài độc lập và hiện hữu tách biệt mà anh ta tự gắn mình vào những năng lực của thế giới đó. Đối với anh ta, thế giới bên ngoài và thế giới bên trong chỉ là hai mặt của một mạng lưới duy nhất, trong đó những sợi chỉ của các năng lực, của các biến cố, của các dạng tâm thức, của các dạng vật thể, chúng được dệt chằng chịt thành một mạng lưới không sao gỡ nổi, gồm vô số những mối liên hệ tác động lẫn nhau].

đường Phan Đình Phùng Saigon 1965