add this

Saturday, December 28, 2019

Kinh tế ngoài trường quy



Against economics
David Graeber *** ttt dịch

Giới trách nhiệm quản trị các nền kinh tế rộng lớn mang cảm nghĩ rằng khoa kinh tế không còn giữ đúng mục đích nguyên khởi; nói khác, khoa nầy đã được hình thành để giải quyết những vấn đề nay không còn nữa. Một ví dụ đáng chú ý là ám ảnh của sự lạm phát.

Khoa nầy dạy sinh viên rằng mục đích kinh tế tối yếu của chính phủ là bảo đảm sự ổn định giá cả, phải canh chừng nguy cơ của lạm phát. In tiền vô tội vạ tự nó mang tính chất của một tội trọng. Nếu lạm phát được cầm chân qua sự phối hợp hành động của chính phủ và ngân hàng trung ương, thì thị trường duy trì một mức khiếm dụng hữu lý và kinh tế phát triển vững chắc. Chính phủ phải tự giới hạn trong phạm vi quản lý nguồn tiền tệ.

Xuyên qua chủ trương tiền tệ làm gốc (monetarism) thập niên 1980 và 1990, những ý niệm trên đây là tri thức căn bản trong mọi cuộc thảo luận về nguy hại của sự tiêu dùng công quỹ. Giới học thuật vẫn nói năng như vậy, tuy sự thật bên ngoài không như vậy. Sau vụ ngưng trệ thụt lùi 2008 (Great Regression), các ngân hàng trung ương in tiền táo bạo để tạo ra lạm phát và ép người giàu dùng tiền của vào việc hữu ích. Nhưng kết quả không thành công cả trong hai điều mong muốn.

Nay chúng ta sống trong một thế giới kinh tế khác với thời trước cuộc khủng hoãng nầy. Thất nghiệp trầm trọng không làm gia tăng mức lương. In bạc không tạo ra lạm phát. Tuy nhiên ngôn ngữ trong các cuộc luận bàn công khai, “trí khôn trong sách vở” vẫn giữ nguyên không si sích.

Kinh tế không được dạy như một bản lược trình các lý luận, các lý thuyết trái ngược như ở mọi khoa học xã hội khác; trái lại ngày nay làm như một môn học giống như vật lý, tiến gần đến chân lý phổ quát của toán học. Dĩ nhiên vẫn có những lý thuyết kinh tế “ngoài trường quy” (như nữ quyền, Austrian …) nhưng đều không được đưa vô chương trình học. Kinh tế gia thuộc nhóm nầy được xem là lập dị, tuy họ đã nhiều lần đoán đúng những biến cố trong đời sống kinh tế thực sự.

Nước Anh là quốc gia chứng kiến nhiều nhất sự khác biệt giữa đàm luận công cộng và thực tế kinh tế; không nơi nào nặng nề bằng, có lẽ Anh là nước đầu tiên có rạn nức. Đảng Lao Động (trung tả, center left) cầm quyền trước khi có vụ sụp nát năm 2008 (Great Regression), phản ứng của cử tri với khẩu hiệu “đuổi bọn vô lại” đã đưa đến một loạt chính phủ Bảo Thủ. Từ đó, quốc gia nầy đã nhận ra rằng bài học khắc khổ được tiếp nhận êm xuôi bởi quần chúng Anh, qua sự đồng thuận về những quyết định nhằm xóa bỏ chính sách bảo trợ (welfare state) và tái phân lợi tức theo hướng đi lên, nghĩa là vô tay người giàu.
“Không có cây tiền bạc thần diệu”, câu nói của nữ thủ tướng Theresa May được nhắc nhở nhiều nhất, tuy nó được thốt ra trong một cuộc bầu cử buồn nãn nhất của lịch sử đảo quốc; khi có người hỏi tại sao Anh là nước Tây Âu duy nhất đòi đóng học phí đại học hay khi hỏi phải chăng quốc gia cần có rất nhiều người ngủ ngoài hè phố.

Giá trị đặc biệt của lời nói nầy là ở chỗ nó không đúng. Có vô số cây tiền bạc thần diệu ở nước Anh và các nước phát triển khác. Đó là những ngân hàng. Vì tiền trong thời hiện kim chỉ đơn giản là tín dụng, ngân hàng có thể tạo ra tiền theo nghĩa đen từ chỗ không có gì, bằng cách đơn giản là cho vay. Hầu hết tiền bạc luân lưu hiện nay ở Anh là do ngân hàng tạo ra theo cách nầy. Không những quần chúng không biết điều nầy, mà đa số dân biểu nghị sĩ cũng không biết tiền đâu ra, cứ tưởng là do Xưởng In Hoàng Gia ấn hành.
Vì nhiều lý do, các kinh tế gia không biết hết vai trò của ngân hàng. Nhưng họ đã dùng khá nhiều ngày tháng của thế kỷ 20 để thảo luận tìm tòi những điều gì thực sự đã xẩy ra khi có người nạp đơn vay tiền. Một trường phái nhấn mạnh rằng ngân hàng đã chuyển trữ ngân hiện có; trường phái khác cho rằng ngân hàng làm ra tiền mới; nhưng cả hai đều dựa vào căn bản “hiệu ứng bội nhân”.
Chỉ có một nhóm nhỏ kinh tế gia ngoài trường quy đưa ra “lý thuyết điều hoạt ngân hàng là sự tác tạo tín dụng” (credit creation theory of banking): ngân hàng chỉ vung chiếc đủa thần làm cho tiền xuất hiện, hoàn toàn tin chắc khi được cấp một tín khoản (dù cả triệu MK) thân chủ sẽ ký thác trở lại vào ngân hàng; như vậy xuyên qua toàn thể hệ thống, tín dụng và món nợ trung hòa nhau. Thay vì tiền vay dựa vào sự ký thác, ở đây ký thác là kết quả của vay mượn.

Năm 2014, kinh tế gia Đức, Richard Werner, phát hiện rằng nhân viên cho vay không cần biết trữ lượng là bao, tiền đọng là bao, không cần biết gì hết. Người ấy chỉ đơn giản tạo ra tiền từ thinh không, như trong cõi tiên.
Trước đây khá lâu, ngân hàng trung ương Bank of England đã phổ biến bản phúc trình tường tận Money Creation in the Modern Economy với ý chính như trên: sách vở hiện có - đặc biệt những tài liệu dựa theo quan điểm chính thống của chủ thuyết tiền tệ - đều sai lạc, khi cho rằng các ngân hàng trung ương mang sứ mệnh chính yếu là kiểm soát lượng cung ứng tiền bạc. Các ngân hàng nầy không kiểm soát nguồn tiền tệ mà chỉ ấn định lãi suất khi cho vay những món tiền đã tạo ra. Bank of England cũng vậy; khi chính phủ muốn vay thì không gom góp tiền từ khu vực tư mà tự tạo ra số tiền mới từ trước đến nay chưa có.

Phúc trình nầy không được các hệ thống thông tin nói tới. Các bài bình luận vẫn tiếp tục xuất hiện làm như thuyết tiền tệ vẫn có giá trị. Các chính trị gia quay quắt không hiểu tiền tài trợ các chương trình xã hội từ đâu mà ra. Hình như hai bên mặc thị thân ái hiểu nhau. Một bên là các nhà chuyên môn một bên là chính trị gia cùng ký giả sống trong hai thế giới tách lìa nhau.
Robert Skidelsky, 2013

Các học giả bắt đầu nhìn lại quá khứ với nhãn quan mới. Trong số đó có Robert Skidelsky với tác phẩm Money and Government: The Past and Future of Economics. Mặc dù bên ngoài có mục đích trả lời câu hỏi tại sao kinh tế học chánh hệ tỏ ra vô dụng trong thời gian trước và sau khủng hoãng 2008, cuốn sách kể lại lịch sử bộ môn nầy xuyên qua hai khía cạnh ít được bàn tới. Đó là chính phủ và tiền bạc.

Vấn nạn nằm ở bản chất của tiền bạc. Phải chẳng tiền bạc là một hiện vật cụ thể, một vật thể có giá trị làm cho việc giao hoán dễ dàng hay là một tín dụng, một phương thức kế toán, một sự tương thuận xã hội? Hai quan niệm nầy có khi dùng chung; có khi dùng một thời rồi bỏ mất rồi trở lại v.v… Thời Trung Cổ, giao thương hằng ngày trong vùng Á Tiểu Á (Eurasia) theo quan niệm tín dụng, tiền bạc là một sự trừu tượng hóa. Nhưng đến các thế kỷ 16 và 17, các đế quốc Âu Châu xuất hiện tạo nên một đợt sóng vàng bạc lấy từ Mỹ Châu, và quan niệm tiền bạc thay đổi.
Lịch sử cho thấy rằng quan niệm vàng khối là tiền bạc thực sự đã đánh dấu các giai đoạn có bạo động gia tăng toàn diện, nô lệ, có quân đội thường trực cướp bóc mà các đế quốc Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hòa Lan, Pháp và Anh đã biết rõ. Trong lãnh vực học thuật, lý thuyết về tiền bạc dựa trên vàng khối đã nầy sinh ra lý thuyết định lượng tiền bạc (quantity theory of money QTM).

QTM được đề xướng bởi Jean Bodin trong cuộc luận bàn về nguyên do tại sao lạm phát gây xáo trộn, đảo lộn giá cả ngay sau khi Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha chiếm Mỹ Châu. Theo luật sư người Pháp nầy, lạm phát chỉ là vấn đề cung cầu. Lưu lượng khổng lồ vàng và bạc từ các thuộc địa Tây Ban Nha đã làm hạ giá đồng bạc Âu Châu. Thương gia thời ấy cho rằng lẽ thường là như vậy. Tuy nhiên luận cứ nầy dựa trên những giả định sai lạc.
Một điều là phần lớn vàng và bạc khai thác ở Mexico và Peru không đem về Âu Châu, và do đó không được đúc thành đồng tiền. Hai quý kim nầy được trực tiếp chuyển qua Tàu và Ấn để mua gia vị, tơ lụa và các hàng xa xỉ Đông Phương. Nhưng lạm phát bắt nguồn từ việc đầu cơ các trái phiếu dưới nhiều dạng khác nhau. Do đó QTM không thể đem ra áp dụng giải thích.
Về trường hợp lạm phát thế kỷ 17 nầy, cần để ý đến các khía cạnh: tín dụng, tích rữ, đầu cơ, gia tăng nhịp độ sinh hoạt kinh tế, đầu tư vào kỹ thuật mới …nhưng không thể nói yếu tố nào quyết định, phải chăng nguồn tiếp liệu tiền bạc ảnh hưởng giá cả hay giá cả ảnh hưởng nguồn tiếp liệu tiền bạc. Về mặt chuyên môn, có thể chọn lý thuyết nội sinh hay ngoại sinh (endogenous, exogenous theory). Tăng gấp đôi số vàng trong một xứ không ảnh hưởng đến giá thịt cá rau quả nếu số quý kim mới nầy bán cho người giàu đem chôn hay thay gỗ làm ghe thuyền đi dạo. Chính sự tiêu dùng mới gây ảnh hưởng kinh tế.

Tuy nhiên từ thời Bodin đến nay, QTM vẫn thắng trong các cuộc tranh luận và ấn định chính sách tài chánh. Tại Anh năm 1696, ngay sau khi Bank of England được thành lập, xẩy ra vụ tranh luận, một bên gồm bộ trưởng ngân khố William Lowndes cùng giám đốc xưởng đúc tiền Isaac Newton và bên kia là triết gia John Locke. Newton đồng ý với Ngân Khố rằng đồng tiền bằng bạc (silver coin) phải được hạ giá để chận đứng suy sụp vì thiếu tiền luân lưu (deflation). Locke theo thuyết tiền tệ đến cùng tột, cho rằng chính phủ phải tự giới hạn trong nhiệm vụ bảo đảm giá trị của tài sản (gồm cả đồng bạc nầy); sụt giá làm cho giới đầu tư mất định hướng và thiệt hại kẻ cho vay. Locke đã thắng cuộc.

Image result for fiat moneyKết cuộc là sự thảm bại vì thiếu tiền luân lưu; tài chánh bị siết chặc đã làm nền kinh tế co rút; hàng trăm ngàn người thất nghiệp, thiếu hụt sản phẩm, biểu tình, và nạn đói. Chính phủ phải đưa ra các chính sách ôn hòa (trước tiên là cho phép ngân hàng giải quyết nợ chiến tranh của chính phủ bằng những giấy nợ và tiếp theo là bỏ hẳn ngân bản vị). Tuy vậy trong thời gian kế tiếp, các cuộc tranh luận vẫn dành phần thắng cho quan điểm của Locke chủ trương chính phủ giới hạn, ủng hộ người cho vay và đồng bạc “cứng”.


Tác giả Skidelsky cho biết khuôn mẫu nầy được lập lại nhiều lần, năm 1797, thập niên 1840, 1890 và thập niên 1970 với nữ thủ tướng Anh Thatcher và tổng thống Mỹ Reagan.
Những biến chuyển nầy cho thấy trình tự kinh tế như sau:
1.  Chính phủ theo chính sách tiền cứng.
2. Thảm nạn kinh tế xẩy ra.
3. Chính phủ âm thầm bỏ chính sách tiền cứng
4. Kinh tế phục hồi
5. Triết thuyết tiền cứng trở lại đàm trường đóng vai trò nhận thức bằng “lẽ thường”.

See the source image

Phần nào để giải thích lý do cả một chuổi thất bại liền nhau, tác giả nại ý kiến của David Hume. Triết gia Scottland nầy đưa ra quan niệm rằng các chấn động bất lợi ngắn hạn có thể đem đến những mối lợi dài hạn nếu chúng đủ sức khai mở sức mạnh tự điều chỉnh của thị trường. Từ đó, các kinh tế gia phân biệt các hiệu ứng ngắn hạn và dài hạn của các sự thay đổi kinh tế, gồm cả các thể lệ can thiệp của chính phủ.

Sự phân biệt nầy nhằm bảo vệ lý thuyết quân bình. Ngắn hạn ở đây tiêu biểu một giai đoạn trong đó thị trường (hay kinh tế thị trường) tạm thời tách khỏi vị trí quân bình dài hạn vì tác lực của những chấn động ví như quả lắc rời khỏi vị thế ngưng nghỉ. Do đó chính phủ hãy để thị trường tự tìm vị trí quân bình. Sự can thiệp của chính phủ để sửa các lệch lạc chỉ làm vấn để phức tạp hơn.
Lập luận nầy không tránh vài sơ sót có tính cách duy lý. Tiền đề rằng thị trường luôn luôn có lý, đúng, vào chung cuộc chỉ đứng vững khi có sự đồng thuận của mọi giới xác định lúc nào là chung cuộc.  Kinh tế gia cho rằng ấy là lúc quân bình nhưng vẫn rất mơ hồ.
Các chính sách siết chặc tiền tệ (có lợi cho chủ nợ và người giàu) được biện minh như thuốc đắng chận đứng vật giá leo thang, ngõ hầu thị trường có thể trở về trạng thái cân bẳng cũ trong dài hạn.

Cuộc canh tân trọng yếu là thuế lợi tức thâu đầu tiên năm 1814, và tái tục năm 1842 dưới trào thủ tướng Robert Peel. Cho đến 1914, thuế nầy là nguồn lợi tức chính yếu của công quyền. Chính quyền tân thời không chỉ có một phương cách nầy mà thôi, vì còn nhiều thứ thuế như địa ốc, thuế thương vụ, thuế tiêu thụ …Thuế lợi tức nhìn theo chủ thuyết tự do xâm nhập đời tư và gây khó chịu cho người dân.
v

Khoản giữa thế kỷ 20 gọi là thời đại Keynes, các nước dân chủ tư bản – vì lo sợ cách mạng Nga và viễn ảnh quần chúng thợ thuyền nổi loạn – đã thực hiện cuộc tái phân lợi tức chưa từng có trong lịch sử nhân loại, đưa đến sự sung mãn vật chất trong mọi lãnh vực của xã hội.

John Maynard Keynes chống CS nhưng ông lo ngại chủ thuyết tư bản sẽ thúc đẩy nhanh tiến bộ kỹ thuật làm mất nhu cầu nhân lực. Ông chủ trương toàn dụng để giữ giá trị và sự cần thiết của nhân công. Keynes nhìn sự việc trong thế động, của biến hóa không ngừng của xã hội loài người. Cùng cách thức ấy, Max Weber cho rằng các nhà khoa học xã hội không làm việc như các nhà vật lý nghiên cứu những sự kiện gần như thường tồn ví dụ trọng lực; trái lại, đối tượng nghiên cứu của khoa học xã hội tự thân không đứng yên một chỗ.

See the source image

Lý thuyết kinh tế hiện hữu ngày một tiến gần đến tình trạng như một kho chứa những dụng cụ gảy nát gỉ sét. Nó nhằm giải quyết vấn đề của mấy thế kỷ trước: phân phối một cách tối hảo việc làm và lợi tức để phát triển kinh tế ở mức tối đa. Vấn đề của chúng ta ngày nay không đơn thuần như vậy nữa. Phải nghĩ đến cách trị các biến chứng của sự sản xuất về kỹ thuật và bằng kỹ thuật; duy trì nhu cầu nhân lực thực sự; quản trị hữu hiệu, và nhất là tránh sự tàn phá quả đất, của môi sinh.
Kinh tế gia không thể chỉ sống với các con số thống kê, trong vùng nhỏ hẹp gọi là cơ sở vi tế, microfoundation.

Kinh tế học phải dùng những kiến thức ngày một tích lũy thêm trong các lãnh vực khác như phong trào nữ quyền, tâm lý học, nhân chủng học, (nghiên cứu) lề thói sinh hoạt kinh tế… Phức tạp đến như vậy vì khuôn dạng thế giới thay đổi, những sáng kiến mới đều có lợi và có hại. Kinh tế tất phải là môn học có mục đích tối thượng nhân bản, nếu con người còn được và cần được tôn trọng.
Thay đổi lề lối suy nghĩ không đơn giản. Tác phẩm của Skidelsky giới thiệu ở đây, nếu không được toàn bích vẫn có công đặt vấn đề, mà là một vấn đề vô cùng quan trọng, liên quan toàn diện cuộc sống nhiều người trên một quả đất thu hẹp, động dao động thớt trong bếp cả làng nghe. Against Economics


  

Friday, December 20, 2019

Xổ số kiến thiết quốc gia



Xổ số kiến thiết quốc gia 
Hoàng Hi Thy

Kiến thiết quốc gia
Giúp đồng bào ta
Xây đắp muôn người
Ðược nên cửa nhà
Tô điểm giang san
Qua bao lầm than
Ta thề kiến thiết
Trong giấc mộng vàng
Triệu phú đến nơi
Năm, muời đồng thôi
Mua lấy xe nhà
Giàu sang mấy hồi
Kiến thiết quốc gia
Giúp đồng bào ta
Ấy là thiên chức
của người Việt Nam
Mua số mau lên
Xổ số gần đến
Mua số mau lên
Xổ số gần đến.
Kiến thiết quốc gia.
Giúp đồng bào ta…

Tiếng ca quen thuộc tôi nghe mỗi tuần từ năm 1952 cho đến Tháng Tư năm 1975. Vang tiếng một thời. 60 mùa lá vàng bay qua đời tôi, tôi vẫn nhớ tiếng ca Xổ Số Kiến Thiết Quốc Gia của Trần Văn Trạch.

See the source image

Tôi không biết người Pháp đem trò chơi Xổ Số vào nước ta năm nào, chắc vào khoảng năm 1935, 1938. Những năm 1940 tôi mười tuổi, ở tỉnh lỵ Hà Ðông bên hông Hà Nội, tôi nghe người lớn nói đến chuyện xổ sổ.
Xổ số thời xưa ấy tên tiếng Pháp là Lotterie, bán trên toàn cõi Ðông Pháp, tức bán trên cả ba nước Việt, Miên, Lào, 1 đồng bạc Ðông Dương một vé số, mỗi năm – 12 tháng – xổ số một kỳ, vé số trúng độc đắc 10.000 đồng bạc Ðông Dương, tiếng Nam là Mười Ngàn đồng, tiếng Bắc là Một Vạn đồng.
Chiến tranh bùng nổ trên khắp nước năm 1946, Xổ Số bị dẹp. Năm 1952 tôi thấy xổ số sống lại ở Sài Gòn. Giá mỗi vé là 10 đồng. Số tiền khá lớn thời đó. Năm ấy Sài Gòn có hai sòng bạc mở cửa hành nghề suốt ngày đêm, quanh năm không đóng cửa nghỉ một ngày, là Kim Chung và Ðại Thế Giới.
Đó là hai sòng bạc có trò Sổ Ðề mỗi chiều. Dân nghèo chỉ có hai, ba đồng cũng đánh đề được, biết được mất, tức trúng đề – đề xổ đúng con số mình mua, hay không trúng – biết ngay trong ngày. Dân Sài Gòn mê chơi số đề phần đông là dân nghèo. Như đã nói chỉ hai, ba đồng cũng chơi số đề được. Lại có những người gọi là huyện đề nhận bán số đề ở ngay trong xóm, chi tiền đàng hoàng, việc mua số chỉ bằng miệng.
Vì vậy ít người mua sổ xố do chính quyền bán. Xổ số những năm đầu bị ế. Cảnh sát Sài Gòn phạt người đi xe vi phạm luật giao thông bằng cách bắt mua vé số Kiến Thiết. Tôi không nhớ trong những năm 1952, 1953, xổ số xổ mỗi tuần hay xổ mỗi tháng. Dường như thời xưa đó mỗi tháng Xổ Số một kỳ.
Tôi cũng không biết chắc những năm đó xổ số đã có tên là Xổ Số Kiến Thiết Quốc Gia hay chưa. Căn cứ trên bài ca Kiến Thiết Quốc Gia của Trần Văn Trạch làm năm 1952, tôi chắc tên Xổ Số Kiến Thiết Quốc Gia đã có từ năm 1952.
Năm 1955 hai sòng bạc Kim Chung, Ðại Thế Giới bị chính phủ – Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm – đóng cửa. Hết trò số đề. Xổ số bắt đầu được dân mua. Ðến năm 1960 tình trạng Xổ Số Kiến Thiết Quốc Gia, vì bán chạy, nên có trò tăng giá. Giá một vé xổ số chính thức là 10 đồng, người mua phải mua với giá 14, 15 đồng. Rồi có tin tổ chức Chợ Ðen Xổ Số KTQG bị bắt, người thầu vé số và bán vé số tăng giá là bà Ðức Lợi. Bà này bị bắt. Tên bà Ðức Lợi Chợ Ðen Vé Số Kiến Thiết được nhiều người Sài Gòn biết.

 ========================================
========================================================================================

 
 See the source image Image result for xổ số kiến thiết quốc gia

Thursday, December 12, 2019

bố tôi, người lính miền Nam












Bố tôi, người lính miền Nam
Hai Le *** 21 thg 06, 2017

Tôi có một người cha già, tàn tật, cụt một chân. Khi tôi sinh ra đời bố tôi cũng đã gần 50 tuổi. Trong một thời gian dài, bố tôi đóng vai trò của một người mẹ, tuy di chuyển khó khăn, nhưng ông lo lắng cho tôi không còn thiếu một thứ gì. Bạn bè thường gọi là “ông nội trợ” và khen là đàn ông mà bố tôi có đầy đủ các đức tính của người phụ nữ Á Đông “công, dung, ngôn, hạnh”, nuôi con khéo léo không ai bằng.
Hồi còn bé, tôi không hiểu được, vì sao không phải mẹ tôi, mà lại là bố tôi luôn luôn ở nhà chăm sóc cho tôi? Từ từ tôi mới nhận ra, trong đám bạn bè, tôi là người duy nhất luôn luôn có người bố bên cạnh. Thiếu tình mẹ, tuy nhiên, tôi cũng cảm thấy an ủi, mình là người rất may mắn, còn hơn nhiều đứa trẻ thiếu cả tình thương của cha lẫn mẹ.
Sau này tìm hiểu thì tôi biết, bố tôi từng là một người lính miền Nam, bị thương trên chiến trường, được mẹ tôi bảo lãnh theo diện đoàn tụ, bà lo cho ông hưởng tiền trợ cấp tàn phế. Lúc tôi được hơn 3 tuổi, bố tôi và mẹ tôi ly dị, bà đã lập gia đình với một người đàn ông khác, nhường tôi lại cho bố tôi nuôi. Trong ký ức trẻ thơ, tôi có hình dung được hình ảnh của mẹ tôi một vài lần, khi bà đến thăm, nhưng rất xa lạ, vì luôn luôn bà đi với một người đàn ông nhìn tôi với ánh mắt lạnh lùng.
Tôi có tí mặc cảm về địa vị bố tôi ngoài xã hội, so với bố của những đứa trẻ khác, tuy nhiên việc chăm sóc tôi thì hoàn hảo, ông chăm lo cho tôi từ việc lớn đến việc nhỏ, không phải đụng tay vào bất cứ thứ gì. Trong suốt thời gian tôi học tiểu học, ông còn thuyết phục tài xế xe bus đón tôi đi học ngay tại cửa nhà, thay vì ở trạm xe, cách xa nhà tôi bốn dãy phố. Khi tôi bước vào nhà, lúc nào bố tôi cũng chuẩn bị sẵn thức ăn trưa, nào cá kho, thịt kho, rau xào và có cả canh nữa. Lâu lâu cũng có thức ăn Mỹ, sandwich, hamburger, bơ đậu phộng, và còn thay đổi theo mùa. Giáng Sinh bánh có viền xanh hình cây thông, Valentine có hình trái tim…
Khi tôi lớn hơn một chút, vào năm đầu tiên trung học, tôi lại thích sống độc lập, tôi muốn thoát ra những cử chỉ yêu thương dành cho con nít của bố, vì sợ chúng bạn trêu chọc. Nhưng chẳng bao giờ bố buông tha tôi cả, một đôi khi tôi rất bực mình.
Cấp trung học, tôi không thể về nhà ăn cơm được nữa, phải bắt đầu tập tự lo cho mình. Nhưng bố tôi lại thức dậy sớm hơn thường lệ để chuẩn bị bữa ăn trưa cho tôi. Ông cẩn thận ghi cả tên tôi bên ngoài túi giấy đựng đồ ăn. Lật dưới đít bao giấy, luôn luôn có một vài hình vẽ nhỏ, khi thì căn nhà, khi thì dòng suối, ngọn núi, chim cá và hình trái tim với dòng chữ I love you Tammy! Nào hết đâu, bên trong những chiếc khăn giấy cũng có những dòng chữ trìu mến “Bố thương con nhiều”. Ông luôn viết, hay có những câu nói bông đùa như thế để nhắc nhở là ông yêu thương tôi nhiều, và muốn làm cho tôi vui.
Tôi thường lén ăn trưa một mình để không ai thấy được cái túi giấy và khăn ăn. Nhưng cũng chẳng giấu được lâu. Một hôm, một đứa bạn tình cờ thấy khăn ăn của tôi, nó chộp lấy la lên và chuyền đi khắp căn phòng cho mọi người xem. Mặt tôi nóng bừng, bối rối, mắc cỡ muốn chui đầu xuống đất.
Bữa hôm đó tôi về, đã làm mặt giận với bố tôi và “cấm” ông ấy không được viết, vẽ “bậy bạ” trên khăn giấy nữa, để bạn bè không coi tôi như đứa con nít lúc nào cũng cần người lớn chăm sóc. Lần đầu tiên tôi thấy bố tôi buồn, lặng lẽ vào phòng đóng cửa.

Ngày hôm sau, tôi vô cùng ngạc nhiên vì tất cả bạn bè bu chung quanh tôi, chờ để được xem chiếc khăn ăn, nhưng lần này thì trống trơn, không có dòng chữ hay hình vẽ gì cả. Nhìn mặt bọn chúng thất vọng, tôi mới hiểu ra, tất cả chúng nó đều mong ước có một ai đó biểu lộ tình thương yêu ngọt ngào giống vậy đối với chúng. Lúc đó lòng tôi len lén cảm thấy vui vui, dâng lên niềm tự hào về bố. Tôi vội về làm lành với bố, và những dòng chữ, những hình vẽ yêu thương lại tiếp tục.
Những năm còn lại trong trường trung học, tôi vẫn đều đều có những chiếc khăn đặc biệt ấy. Và từ đó, tôi giữ lại, chứa trong một cái hộp riêng, giấu kín.
Chưa hết, khi vào đại học, tôi phải rời xa bố, tôi nghĩ thông điệp xưa kia của bố sẽ phải chấm dứt. Nhưng tôi và bạn bè rất vui sướng vì những cử chỉ biểu lộ tình cảm của bố tôi vẫn tiếp tục qua hình thức khác.
Ở bậc đại học, dĩ nhiên không còn thấy bố tôi đứng chờ khi tan học, vì thế, tôi hay gọi điện thoại cho ông, chi phí điện thoại khá cao, nhưng không sao, tôi chỉ muốn nghe được giọng nói của ông mà thôi.

Suốt năm học đầu tiên, chúng tôi quen lối nói chuyện như thế và sau đó kéo dài một năm. Thường thì sau khi tôi nói lời tạm biệt, câu cuối cùng không bao giờ thiếu.
– Này Tammy
Tôi thường trả lời: – Dạ, gì thế bố?
– Bố thương con nhiều.
– Con cũng thế. I love you!


Hình như bố tôi nhận ra chi phí mắc mỏ cho những cuộc điện đàm, từ đó, tôi bắt đầu nhận thư mỗi thứ sáu. Ban thường trực phát thư của trường đều biết ai là người thường gửi lá thư này, mặc dù địa chỉ hồi âm luôn luôn ghi là
KBC 1678. (Sau này tôi khám phá ra, KBC viết tắt là Khu Bưu Chính, địa chỉ trong quân đội ngày trước nơi bố tôi phục vụ. Còn số 1678 dễ quá, là số nhà tôi hiện tại).
Nhiều lúc bên ngoài bì thư, địa chỉ được viết bằng bút chì và tiếp theo đó là những lá thư có hình con mèo và con chó của gia đình tôi, có vẽ những hình tháp nhiều từng, hình cây cầu nhiều nhịp in trên sóng nước. Hè năm đó, bố tôi và tôi du lịch về Việt Nam, lúc đó tôi mới biết là
Chùa Thiên M, Cu Tràng Tin…
Sau chuyến du lịch ấy, tôi tìm hiểu về Việt Nam nhiều hơn, nhất là cuộc chiến tranh trước 1975, tôi bắt đầu thấy thương bố nhiều.
Thư đến và được phát mỗi ngày sau buổi ăn trưa. Tôi thường đi nhận thư và mang theo mỗi khi đi uống cà phê. Tôi nhận thấy chẳng cần phải giấu giếm làm gì nữa, bởi bạn cùng phòng tôi là những đứa bạn hồi còn trung học, chúng nó biết rất rõ về những chiếc bao giấy, khăn ăn. Và rồi trở thành như một tập tục, tôi đọc thư, còn bì thư và hình vẽ thì được chuyển khắp bạn bè, thư từ bố tôi thành niềm vui của cả phòng.

Trong năm cuối cùng đại học, bố tôi bị ung thư hành hạ. Mỗi khi tôi không nhận được thư vào ngày thứ sáu, tôi biết ông ốm nặng, không thể viết được. Ông thường thức dậy lúc 4 giờ sáng để có thể ngồi trong nhà yên tĩnh nắn nót viết những lá thư. Nếu không kịp cho đợt phát thư vào thứ sáu, thì chỉ sau đó, một hai ngày, thế nào rồi thư cũng đến. Bạn bè tôi bầu ông là
Người cha thương con nht thế gii!.
Ngày lễ cha, Father’s Day, chúng nó gởi một tấm thiệp phong tặng ông danh hiệu đó và tất cả đều ký tên trên tấm thiệp. Tôi tin rằng ông đã dạy cho tất cả chúng tôi về tình phụ tử, bạn bè tôi bắt đầu nhận những tấm khăn ăn giống như tôi từ gia đình chúng nó, với những lời để lại ấn tượng mà sẽ thôi thúc họ hãy biểu hiện tình thương của họ với con cái sau này.
Suốt thời gian đại học, những lá thư và những cú điện thoại như một chu kỳ đều đặn.
Ngày ra trường, tôi quyết định chọn công việc làm gần nhà, để được ở cạnh bố tôi, vì căn bệnh bố càng ngày càng nặng. Thời gian được ở gần bố không còn bao nhiêu lâu nữa.
Đó là những giây phút khó khăn, đau khổ nhất cuộc đời tôi phải trải qua.
Tôi ở bên cạnh bố tôi một vài ngày trong bệnh viện trước khi ông mất. Vài giờ trước khi hấp hối, ông nắm tay tôi bảo: “Bố nhờ con một điều, con về nhà lấy cho bố cái hộp gỗ mà bố để trên đầu tủ, đây là hộp chứa đựng những kỷ niệm đời lính mà bố yêu thương nhất. Bố muốn nhìn nó lại một lần”.
Tôi lái xe về nhà, và cũng tìm ra ngay chiếc hộp phủ đầy bụi thời gian. Có gì bên trong? Tôi tò mò mở nắp hộp. Mắt tôi bắt đầu cay cay nhòa lệ, khi nhìn thấy những tấm hình của bố tôi còn trẻ, trong những bộ quân phục thật oai phong. Có những tấm cầm súng đằng sau chiến trường còn bốc lửa khói. Lật ra đằng sau, những ngày tháng cũ, 1968, 1970, 1971, 1972… với những địa danh xa lạ: An Lộc, Bình Long, Đồng Xoài, Khe Sanh… Dưới đáy hộp là căn cước quân nhân, giấy giải ngũ và những tấm huy chương, bộ lon gắn trên cổ áo khi ông mặc áo quần lính.

Bây giờ thì tôi mới hiểu hết, không còn mặc cảm hình ảnh có ông bố tàn tật chỉ biết lo việc “nội trợ”, ngược lại là đàng khác, bố tôi đã một thời là một người lính chiến oai hùng, đổ máu hy sinh một phần thân thể mình cho cuộc chiến bảo vệ quê hương.
Rõ ràng bố tôi chăm sóc tôi, vui vẻ làm những việc của người phụ nữ bao nhiêu năm nay, chỉ vì tình thương con mà thôi. Ông thật là người cha tuyệt vời.
Tôi ôm cái hộp, chạy gấp lại bệnh viện, định nói lời xin lỗi với người cha thân yêu của mình, nhưng đã quá muộn! Người y tá trực cho biết, bố tôi vừa trút hơi thở cuối cùng. Rồi người y tá trao cho tôi chiếc khăn giấy nhà thương, với dòng chữ cuối cùng run rẩy của một người cha dành cho con “Tammy, bố thương con nhiều! Vĩnh biệt!”.
Nước mắt tôi trào ra như suối, cầm tấm khăn giấy trong tay áp vào ngực, tấm khăn giấy cuối cùng, mà cả cuộc đời này mãi mãi tôi sẽ không bao giờ còn nhận được nữa.
Lúc liệm xác bố, tôi bỏ theo khăn giấy đã đổi màu vàng khè, nhưng tình tôi dành cho người bố càng ngày càng thắm thiết, bất diệt, muôn đời không thay đổi…



xin xem  hình dáng xưa

                       Phụ bản 

khởi sinh
tôn thất tuệ

Năm qua ta gặp em trên nạng gỗ
một chân thôi trên mãnh đất hận thù
quả bóng nhựa em vẫn đùa
như kẻ có đủ chân tay
ở một trại ta đi qua người lấm bụi.

Dưới chân em quả đất tròn như quả bóng
ta xin em dẫm nát vỡ tung ra
nhào nắn lại với vôi hồ đau khổ
em khởi sinh một loài người mới lạ
loài một chân
không giống những kẻ có hai chân.

Em chứng kiến vùng lương tri hủy hoại
ta tôn em làm thánh tổ
đại triết gia nhân loại tin em.

Chút triết lý ta đem khoe bè bạn
ta viết bằng cây bút mua nơi quày siêu thị
trả tiền xong ta đi xem hát
uống chén trà ta nhìn người đẹp công viên.
Ta nào biết mực em làm bằng máu
(chưa đền ơn cho những yếu tố sinh thành
cha mẹ em, hàng cây lối xóm
những dòng sông cho em uống nước mỗi ngày)
viết đau khổ bằng cánh chân lìa thân xác
trên mãnh đất vô tri thù hận
thấm máu em cho bụi cát thêm rêu.

Nhưng tác phẩm em viết ra trên đất
không ai biết vì người thích Jean-Paul Sartre
ta lập dị ta tôn em làm thánh tổ
đại triết gia nhân loại tin em.

Này cô bé trên cây nạng gỗ
chớ say sưa với danh từ ta mới tặng
một danh xưng chẳng nghĩa lý gì.

Hãy dập tan quả đất nầy tung vỡ
nhào nắn lại với vô hồ đau khổ
em khởi sinh một loài người mới lạ
loài một chân
không giống những kẻ có hai chân.
Em sẽ phán loài người nầy không khát máu
thở yêu thương
như em uống nước của dòng sông.-

                           ================================================

                       Schubert: nhạc quân hành

                                                                                                     ========================