add this

Tuesday, July 25, 2023

Pascal 400 tuổi


             Blaise Pascal (1623-1662)

400 năm Blaise Pascal

cá cuộc đức tin và God

David Hoinski . ttt dịch

Khi Pascal còn sống, nhiều tiến bộ xẩy ra rất nhanh trong các lãnh vực khoa học vì lúc ấy là cao điểm của cách mạng khoa học thế kỷ 17. Phần đóng góp của Pascal (sinh ngày 19.06.1623), chỉ lấy một ít mà kể, là: phát minh máy tính đầu tiên, hệ thống giao thông công cộng đầu tiên và nhiều mô thức toán học. Ảnh hưởng của Pascal đối với thế giới tân thời rất rộng lớn. Sử gia James A. Conor đã viết: Trong thế kỷ 21, cứ đi mươi bước thì đụng với một thứ gì liên quan đến Pascal cách nầy cách khác.

Điều đáng chú ý Pascal nằm trong số người đầu tiên truy cứu những hệ lụy của khoa học mới đối với đức tin tôn giáo. Sự hiểu biết và thực nghiệm khoa học không đánh mất nơi Pascal một người có tín ngưỡng thuần thục.

Pascal dùng ba phương pháp: toán học, thực nghiệm và lý trí.

Nhờ những chiêm nghiệm triết lý, điều tra nội tâm, Pascal đã tìm ra những giới hạn về những gì mà chúng ta, với tư cách những thế nhân trần tục, có thể biết được. Theo ông, phương pháp khoa học lẫn lý trí không có cái nào đủ sức dạy cho các cá nhân ý nghĩa của cuộc đời và cách sống tốt đẹp nhất.

Pascal viết những điều thế nhân đã làm để tránh suy nghĩ về cái chết, mức độ ngu si và sai lạc. Nào ai biết rằng không có gì quan trọng hơn là xem xét bản chất con người, không biết mình là ai, là gì, thì làm sao biết cách sống ra sao cho tốt đẹp.

Sự hiểu biết về chính mình là giai đoạn cần thiết giúp con người thấy nhu cầu tâm linh, thấy sự cần thiết một đức tin và tìm một ý nghĩa cao quý hơn.

Pascal lập luận rằng tin tưởng sự hiện hữu của Dieu / God là một điều tối thiết cho hạnh phúc con người.

Theo Pascal, thế nhân phải đánh cá về hiện hữu của God. Ông viết: “nếu bạn đánh thắng thì bạn thắng (được) mọi thứ; nếu bạn thua, bạn chẳng thua (mất) cái gì cả”. Nói khác, mặc dù không thể biết chắc God hiện hữu hay không hiện hữu, tốt nhất vẫn là nên tin God hiện hữu hơn là không tin God hiện hữu.

Không kể theo tôn giáo nào, mọi cá nhân phải lựa chọn @ đức tin vào một thực tại siêu nhiên hoặc @ cuộc đời không có đức tin nào cả. Nhưng sống không đức tin cũng là một sự lựa chọn nhưng là một sự đánh cuộc sai.

Thế nhân phải cá cuộc và phải có một vũ trụ quan để căn cứ vào đó mà đánh cá đời mình. Thật vậy, thế nhân không thể tách khỏi hy vọng và sợ hãi; hy vọng sẽ đánh trúng và sợ sẽ đánh trật. Có rất nhiều sự đánh cá trong đời sống hằng ngày: đi chợ, lái xe, đi tàu hỏa, đi máy bay nhưng không bao giờ xem đó là những việc đầy nguy hiểm. Theo Pascal, tổng thể đời người được xem là một chuỗi cá cuộc nối nhau, và không thiếu những nguy cơ khổ lụy. Ví dụ chọn ngành học, chọn nghề, và chọn người phối ngẫu. Thế nhân chọn lối sống và chọn đối tượng tin tưởng mà không biết những quyết định ấy đúng hay sai. Chúng ta không thể sống mà không cần cá cuộc.

Pascal trình bày luận thuyết cá cuộc trong cuốn Pensées. Ông nhấn mạnh nhu cầu đức tin, trong khi suy xét cuộc đời muôn mặt, suy xét những giới hạn của lý trí của khoa học và của triết học. [xin search 'le pari de Pascal / Pascal's wager')

Pascal không biện luận dựa trên bằng chứng hiện hữu của God. Sự hiện hữu của God không thể minh chứng vì God ở trong thế ẩn tàng (deus absconditus). Vẫn có đủ ánh sáng cho những ai muốn thấy, vẫn còn đủ bóng đen cho những kẻ không muốn thấy. Tuy vậy cái chắc chắn tuyệt đối không có được. Do đó con người phải chọn lựa. Pascal tin rằng đức tin giúp các cá nhân tìm được hạnh phúc thay vì khổ lụy.- 

Xut x: 400 years ago, philosopher Blaise Pascal was one of the first to grapple with the role of faith in an age of science and reason. David Hoinski, West Virginia University. The Conversation July 3, 2023

========================================================

chợ chuối miền Tây xưa
=====================================



Saturday, July 22, 2023

bảy năm không biển động


    nữ trung học đệ nhất cấp miền Trung xưa, mùa lạnh

Bảy năm không biển động

Vũ Thị Gio Linh . Tôn Thất Tuệ

-------------------------

thưa thầy con đi
Vũ Thị Gio Linh . Giai Phẩm Xuân Gia Long 1974


Thôi, thưa Thầy con đi
Năm cuối cùng đã hết
Chưa qua một mùa thi
Đã nghe đầy thương tiếc
.
Nhìn xuân về lộc biếc
Chim én liệng thầm thì
Những giọt buồn thế hệ
Đưa tiển những người đi.
.
Vở chưa phai mực Thầy
Những lời phê nho nhỏ
Sáng lên màu tươi đỏ
Thâm trầm nỗi tin yêu
Bên màu xanh biển chiều
Của những dòng nước lặng.
.
Thầy bảo đời rất đẹp
Nhưng cũng lắm gian nan
Bao ô đời còn khép
Chưa rộng mở thênh thang
Như những ô tập vở
Cần những kẻ khai hoang .
.
Áo cơm là hơi thở
Mơ mộng là son vàng .
Con lúc nào cũng nhớ
Con lúc nào cũng biết
.
Áo trắng có thể nhoà
Những bụi đường cơ khổ.
Mai con đi Thầy ở
Những lớp học lại đầy
Có những cánh chim bay
Và những chồi non chớm .
.
Con chưa là người lớn
Con muốn ở lại trường
Như ở lại quê hương
Đầy hoa thơm trái ngọt
.
Có con chim nào hót
Ngoài cửa sổ chiều nay
Hỏi rằng chim có hay
Phấn buồn trên bảng trống
.
Ta sắp vào cuộc sống
Chào bảy năm mây trôi
Không một ngày biển động..
.
Mai giữa trời cao rộng
Phải tìm thấy bình minh
Phải lo cuộc mưu sinh
Không còn Thầy vẽ lối
.
Bây giờ là xuân cuối
Thôi, thưa Thầy con đi.

===========================================

Chào bảy năm mây trôi
Không một ngày biển động

Tôn Thất Tuệ đáp lễ

Mừng cho em "bảy năm mây trôi không một ngày biển động".

không theo biểu tình bị bắn chết nơi công viên

không tố cáo mẹ cha phản động, đổi lấy khăn quàng đỏ

không vu oan bị giáo sư tuột quần trong góc lớp để có điểm cao.

Mừng cho em không một giờ biển động trong lòng

em chỉ học cách ươm tình thương đồng loại,

yêu quê nhà cho đến luống khoai lang,

cất nón chào khi một linh cửu ngang qua.

Em ra đi; thầy ở lại.

Em vào đời, đường nhẹ thơm như bóng mát sân trường.

Mong mãi mãi không một ngày biển động.-


Friday, July 21, 2023

Phật giáo Tây Tạng

 

 

mandala Quán Thế Âm, Tây Tạng

Hình thành Phật Giáo Tây Tạng

Réné Grousset Histoire de l’Extrême Orient Paris 1929

Tôn Thất Tuệ trích dịch

Cho đến thế kỷ 6, Tây Tạng (TT) không có tín ngưỡng nào ngoài đạo Bon, một hình thái chamanisme, như lên đồng, nhập cốt. Việc chuyển hướng qua Phật Giáo (PG) là công trạng của vương triều TT. Vua Sron-bcan sgam-po (630-650), sáng lập đế quốc TT, muốn văn minh hóa dân chúng dưới tay bằng cách nhờ PG để phổ biến văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa. Năm 632, vua đưa bộ trưởng Thon-Ni đến Magadha (Ma Kiệt Đà) để học giáo lý PG và văn chương Ấn Độ. Học xong trở về nước, Thon-ni sáng chế hai bản mẫu tự TT (về sau Mông Cổ dùng)

bổn đạo TT lạy Phật trong sân chùa 

Sron-bcan kết hôn với con gái vua Népal năm 639 và năm 641 cưới công chúa Văn Thành của Đường Thái Tông. Hai cha con hoàng gia nầy là những Phật tử nhiệt thành muốn đế quốc Trung Hoa theo PG. Nếu Népal đã ảnh hưởng sâu đậm đến nghệ thuật PG TT thì công chúa Văn Thành – trong thời gian nhiếp chánh thay chồng từ trần – đã giúp cho những người hành hương Trung Hoa đến Ấn Độ dễ dàng bằng đường TT.

Dưới triều Knri-sron-lde-bcan (755-788), viện sĩ Mật Tông Padmasambhava từ đại học Nalanda đến TT năm 749 để trừ khử phù thủy và đưa TT vào đường Mật tông. Môn đệ của ông mặc áo đỏ và mũ đỏ, bát bỏ lối tu của tiểu thừa là thoát tục và độc thân. Thay vào đó hãy tin tưởng hoàn toàn vào sức mạnh phép lạ của các câu chú (mantra) và các biểu thờ (mandala), và tin vào sự can thiệp phi thường của các vị bồ tát như Phổ Hiền. Các vua chúa đều giúp các tu viện PG đầy đủ.

Giới quí tộc và những người còn theo đạo Bon đã phản đối kịch liệt. Vua GLan-dar-ma (chừng 840), theo đạo Bon đã đuổi khỏi xứ các tu sĩ PG. Vua nầy bị ám sát và con lên thay thế; tân vương tiếp tục chính sách của vua cha. Nhưng sau ông, vương triều lụn bại, xứ sở tanh bành vì nội chiến giữa các tiểu quốc mới chiếm từng vùng.

TT không còn được xem là một yếu tố chính trị trong vùng, khác xưa đã từng làm nhiều người run sợ như Tàu, Ả rập và Thổ (Turc). TT không còn giữ vai trò quân sự nào. Nhưng lại đóng vai trò quan trọng về tôn giáo. Sư sải trước kia bị vua gLan-dar-ma truy lùng phải trốn tránh ở miền đông nay trở lui thủ đô hành sự.

Nền quân chủ đã bị hủy bỏ và được thay thế bằng một nền giáo quyền vạn năng. Đó là một biến cố tốt đẹp, may cho nhiều người; trong lúc muslim chiếm Ấn Độ đuổi PG ra khỏi biên cương, trong lúc Trung Hoa chống PG để phục hưng Khổng Giáo thì TT thành nơi ‘’tỵ nạn” của nền văn học Phạn ngữ PG.

Tuy vậy PG TT dưới ảnh hưởng của môn phái Padmasambhava đã rơi vào một thứ mật tông thô bạo nhất. PG cần được canh cải. Một trong những người khởi xướng tân hóa là nhà sư địa phương Lha-bla-ma-yeses-'od, con vua Byan-chub-'od. Sư hoàng tử nầy đã mời trí giả Atîça từ Bengal về TT để thực hiện thành công việc cải cách. Atîça đã đi Sumatra, Nam Dương, học đủ kinh và luật tiểu thừa chính thống; năm 1042 ông đến TT ngụ tại tu viện ở xứ mT'o-glin. Năm 1050, tại thủ đô Lha-sa, ông mở một hội luận, bát bỏ chủ trương ma quỉ của mật tông và truyền giảng đại thừa, nhất là lý thuyết trung đạo của Long Thụ. Ông tái lập kỷ luật tu viện, độc thân và thoát tục. Đệ tử người TT của ông là Brom-ston tiếp tục công việc của sư phụ. Chương trình cải cách tuy thành công vẫn không thể loại bỏ hoàn toàn phái áo mũ đỏ.

Chừng 1080, tăng sĩ Mar-pa – trước kia có đi Ấn Độ học Phật – thành lập một trường phái mới dung hòa mật tông và các pháp môn cũ và đại thừa của Atîça, quán niệm bản chất của chư Phật và tôn thờ Phật Di Đà. Trong số người theo, có thi sĩ Mi-la-ras-pa, nổi danh vì ca ngợi sự tịch nhiên của Hy Mã Lạp Sơn và đời sống nội tâm.

Nhân đợt cải cách nầy, nhiều tông phái nhỏ dung hòa các lề lối để tạo bản sắc riêng. Vì dụ phái Sa-skya vẫn mặc áo đỏ mũ đỏ, tăng sĩ có gia đình cha con tiếp nối nhau gìn giữ sự nghiệp nhưng theo giáo lý mới. Trí giả Kungra sau thời gian học Phật ở Ấn Độ từ 1219 đã lưu lại Mông Cổ nhiều năm chốn cung đình để truyền bá PG; người cháu của ông tên Phag Spa luôn ở bên cạnh Hốt Tất Liệt để làm cố vấn trong suốt thời gian Hốt Tất Liệt điều khiển Mông Cổ và thành lập, trị vì nhà Nguyên của Trung Hoa. Hốt Tất Liệt không ngăn cấm các tôn giáo nhưng chuộng và giúp phát triển PG.

Khoảng đầu thế kỷ 14 xuất hiện hai tuyển tập kinh điển PG TT là Kanjur (bKa-'gyur) và Tanjur (bsTan- gyur).

ĐLLM đương kim thứ 14, lưu vong

Dưới triều Minh, nền thần quyền PG thống trị TT từ thế kỷ thứ 10 đã được cải tổ bởi bCon-kha-pa (Tson-pa / Tống Bá), sáng lập viên giáo phái dGe-lugs-pa (nghĩa đen là ‘đạo đức’) thường được gọi nôm na là phái áo mũ vàng. Tson-pa đã dùng đủ mọi cách để loại trừ khỏi PG TT ảnh hưởng của Mật tông bằng cách chống đối phù thủy và hủy bỏ nghi lễ çaiva của Ấn giáo; ông củng cố lối tu học của tăng già, thoát tục và độc thân. Ông đã làm sống lại nền văn chương cổ, khuyến khích tăng sĩ đọc các tài liệu chính gốc của Ấn Độ. Ông lấy từ bi làm đường hướng chính yếu của sự hành đạo, điều ông đã tìm thấy trong giáo lý nguyên thủy. Ông cũng đưa ra những luận điểm về luân hồi, tái sinh của chư bồ tát, duyên giác và a la hán.

Mỗi sắc dân thiểu số, mỗi khu vực địa phương (theo phái nầy) có vị tái sinh riêng. TT có hơn 60 vị tái sinh như thế nầy. Riêng Tson-pas, ông tự cho là tái sinh hiện thân của Phật Di Đà hay bồ tát Văn Thù Sư Lợi. Những vị tái sinh nầy tạo nên trung tâm quyền lực giúp phái áo mũ vàng nắm giữ quốc sự miền trung và miền đông TT. Người cháu của ông lên thay và mang danh hiệu rGyal-dban, trưởng phái áo mũ vàng, mệnh danh là ‘đại la ma’. Giáo quyền của rGyal đã hoàn tất hệ thống tái sinh; từ nay ông và các người kế vị là hậu thân, tái sinh của bồ tát Quán Thế Âm. Phái Vàng đã thắng thế và Phái Đỏ phải rút vào Hy Mã Lạp Sơn. Từ nay Mông Cổ đều theo hệ thống vàng. Đến thời lama thứ ba, bSod-nams rgya-mcho (1543-1588), vua Mông Cổ Altan Khan, hậu duệ của Hốt Tất Liệt, tuyên bố PG Lama Vàng là quốc giáo và cấp danh hiệu mới là đạt lai lạc ma (ĐLLM) cho bSod-nam, thống lãnh PG TT, và từ nay các vị kế tục đều được gọi như thế.

Liên minh giữa giáo hội Vàng và Mông Cổ rất mật thiết đến mức vị lama thứ tư được ghi vào danh sách  kế vị Altan Khan. Nhiều tiểu vương Tây Mông Cổ đã theo PG.

1630, một hoàng tử TT thế tục, nhiếp chánh gTsali, xưa nay bảo trợ phái áo mũ đỏ, đã chiếm thủ đô Lha-sa. ĐLLM Nag-dban kêu cứu Mông Cổ. Lúc nầy Mông Cổ trung ương đã xuống dốc từ khi Altan chết nên chẳng làm gì. Tuy vậy, bộ tộc Mông Cổ phía tây, Kalmouk, còn hào khí. Gusi Khan tụ tập đủ quân lực lấy lại thủ đô năm 1642. Gusi Khan cất cử ĐLLM Nag-dban làm lãnh chúa Miền Trung TT và đối lại Gusi Khan được PG Vàng thừa nhận lãnh chúa miền Bắc, và là “hộ pháp” của PG TT. Để xác lập địa vị của mình Nag đã cho xây cung điện Potola làm nơi cư trú. Nag còn được hậu thuẩn của triều Mãn Thanh; năm 1652 ông được mời thuyết pháp ở Bắc Kinh.

Nag-dban có thầy trợ giáo là một lama lớn tuổi và hiểu rộng tên Chos-gyi-rgyal-mchan. Sau chiến thắng 1642, Nag đã đưa Chos lên địa vị mới trong giáo hội gọi là pan-chen rin-po-che và từ đấy TT có thêm một danh vị mới là rinpochet, theo sau ĐLLM. ĐLLM là hậu thân tái sinh của Quán Thế Âm, nắm giữ quyền lực thế tục và tôn giáo, trong lúc rinpochet hậu thân của Phật Di Đà chỉ lo công việc đạo.

=====================================

lớp học xưa ở miền Nam
====================================


 


Monday, July 17, 2023

tiếng Việt-Pháp

 

  xe đạp xưa phanh đũa

BA BỒ TIẾNG TÂY

Tôn Thất Tuệ

Rhum Deoda . Rua lon . Bà đầm . Nhà hai xuyệt . Mụ Đăng . Congaï...         

Tiếng tây tui để ba mo, đến khi tây hỏi tui mò không ra. Ăng lê chất đủ ba kho, đến khi Mỹ nói co dò bái bai. Nhà em muốn nói hưu nói nai lung tung nhưng thay đổi ý kiến là nêu một số tiếng Pháp mà một vài người quên viết ra sao. Chúng tôi thường để trong ngoặc đơn sau khi phiên âm. Một số nay không được dùng nữa nhưng dùng khi đọc người xưa.

Chiếc xe đạp ngoài cách dùng như xe thồ là hình ảnh dễ thương nhất ở Huế, khi hai người “đạp” (không phải đạp mái nhé) song song lên Tra Am và Ngự Bình, xuống Bao Vinh, ghé qua Sình... Hơn phân nửa các bộ phận của xe đạp được gọi bằng tiếng Tây.

Quan trọng nhất là ru líp (roue libre), bánh vòng tự do, mượn từ thành ngữ “roue libre” chạy tự do như xuống dốc. Khi không đạp, xe vẫn chạy theo trớn. Bên trong có con cóc, croquet, luôn ngóc lên nhờ một lò xo bên dưới để móc ru líp vào sên khi đạp tới; khi đạp lui thì con cóc bị đè xuống, và đạp lui xe vẫn không lui (antiretour). Khi con cóc liệt âm liệt dương liệt giường liệt chiếu - để thành liệt sĩ -  thì đạp lui cũng như tới xe đứng yên; hãy đem ra Bác Xoáy, Bác Hòa nhờ lấy dây cước thép làm cái lò xo cho nó ngóc lên với đời. Khác với roue libre, pi nhông (pignon) không có con cóc, đạp lui thì nó lui như xe đua và xe xiệc. Dân chơi xài pignon không cần phanh, ngưng đạp là phanh.

sơ đồ bên trong roue libre

Hai chữ ‘xe cuộc’ thông dụng hơn xe đua (bicyclette de course). Xin phân biệt với “cuốc xe”. Con trai thì thích sắm xe “demi-course”, cái yên nhỏ như trái bắp, bánh xe nhỏ, trơn tru chỉ cần những thứ không có không được, tuy nhiên vẫn dùng roue libre.

Ghi đông - guidon *** Phanh – frein *** Gạt đờ bu - garde-boue *** Sên – chaine *** Gạt đờ sên (garde-chaine) *** Bót ba ga - porte-bagages *** Pê đan – pédale *** Đề ray đơ – dérailleur *** Moi dơ – moyeu, trục bánh xe.

Đuya ra – Duraluminum, nhôm. Duraluminum là một thương hiệu Đức chế biến nhôm aluminium nhưng được hiểu là nhôm, nhất là trong ngành xe đạp. Chiếc xe toàn nhôm rất quý. Thứ đến dò dĩa đuya ra. Từ thập niên 1950, nhôm được dùng chế biến nhiều bộ phận xe đạp như ghi đông, garde boue, garde chaine, tay phanh; dò dĩa (manivelle et plateau) không hoàn toàn sắt như xe quý Alcyon xưa.

Một số danh tự đã phiên âm chưa hẳn là Việt hóa

Tờ re di – treillis (áo quần nhà binh nhưng được hiểu là áo quần trận)

Bốt đờ xô – botte de saut (giày cổ cao nhảy dù)

Xắc ma ranh – sac de marin (nghĩa đen: túi xách của thủy thủ) ai đi lính VNCH cũng biết.

Cạc bin – carabine [E. Carbine]

Ga răng – Garand, súng trường Garand

Cà nông – canon

Lon – gallon, cấp bậc. Mỗi khi lên lon đều có nhậu nhẹt, “toi ni rua lon”

Xia ra – cirage, đánh giày cho bóng mới đi phép được.

Mề đay – Médaille, huy chương

Lính Lê Dương – Légionnaire lính trong đoàn viễn chinh (La Légion Étrangère)

Kê pi – képi, nón nồi của quân đội Pháp.

Săn đá (đồn săn đá, giày săn đá) đọc trại chữ soldat, người lính.

Mìn – mine

Hoa lai nhơn - glaïeul

Hoa tuy lip - tulipe

Măng cụt – mangoustan, trái giáng châu

Mac ga rít – marguerite

Đầm – dame [nhảy đầm, ông tây, bà đầm]. Bà đầm là hình nữ thần Marianne, tượng trưng cách mạng cộng hòa Pháp, đúc trên đồng tiền gọi là bạc bà đầm. Sử gia Nguyễn Thiệu Lâu nói chính phủ thuộc địa Pháp đã dùng bạc bà đầm khiêu dụ đi lính đánh người Việt kháng cự như Phan Đình Phùng. Nhưng nằm với bà đầm thì ấm, tiền nhân đã nói trước: đầm ấm như sấm Trạng Trình.

Bi đông (bình ton) – bidon

Sen đầm - gendarme

Xơ, bà - sœur , nữ tu, ngày xưa là 'nonne' gần với tiếng Anh ‘nun’. Bà con Huế, có anh Thuận, mê bà xơ Monique gần chết.

Cơ – queue de billard, gậy đánh bi da như đuôi bò. Bây giờ có hai chữ "cơ thủ". Cơ đờ sơ van (queue de cheval) tóc búi như đuôi ngựa. Hắn trên cơ nên tui mất bồ. “Trên cơ” thành ngữ mới, nhớ đến “cao cờ”. Piano à queue: dương cầm lớn nằm ngang; dương cầm nhỏ đứng gọi là piano droit.

Cơ - Coeur (tim). Hình trái tim trên con bài cơ.

Rô – carreau. Hình con bài rô. Cơ rô chuồng bích. Bích / pique, mũi nhọn đầu kiếm.

Ca rô – carreau, gạch men vuông. Vải ca rô: vải in những lằn màu tạo ra những hình có góc như hình vuông, chữ nhật.

Cúp – coupe; thợ cúp, thợ hớt tóc. Coiffeur: chỗ hớt tóc đàn ông, không thấy hiệu coupe de cheveux. Cúp ca rê: carré, tóc cắt kiểu nhà binh, bàn chải.

Bi da – billard, xin đừng nhầm với pizza

Bi – bille như đánh bi – viết bi nguyên tử / stylo à bille / ballpen

Bi hoặc ống buy - ống xi măng lớn hạ dần làm thành giếng, từ “puits”.

Bơ – beurre. Trái bơ: avocado

Bồi – boy, Pháp hóa, kẻ phục dịch thuộc dân xứ thuộc địa. Làm bồi cho tây: bầy tôi / bồi tây. Con bài bồi, ấn bản Pháp là V, valet, Anh là J, janitor; là người bồi. Bồi bút, bồi bếp.

Phó mát – fromage

Da ua - yaourt

Sâm banh – champagne

Cô nhác – cognac như Martell. Remy Martin

Rum – Rhum nấu bằng đường mía, Saigon một thời khoái tỷ “rum đéo đã”, Rhum Déoda.

Bit tết – bifteck

Van – vin (rouge, blanc)- vũ điệu valse. Tango, calypso….

Ga – gare ; khác với gaz, khí đốt…

Pin - pile

Mô tô – moto, xe bình bịch; ô tô – auto

Cà rốt- carotte

Cà rem - crème

Xì gà - cigare, cigarette

Rô ti, gà - poulet rôti

La cót, trứng gà – oeuf à la coque. Coque là vỏ trứng, đừng nhầm coq gà trống. Trứng gà luộc, lòng đỏ còn tươi, chỉ lòng trắng đông. Dọn ra còn nguyên vỏ.

Xi vê – món nấu civet, giống như ragout và rượu chát đỏ.

Gát, nhà thuốc gát – pharmacie de garde

Sô cô la – chocolat

Xà lang – chaland, phà. Guốc xà lang, hình bầu như chiếc chaland của nam giới, lắm khi không sơn làm bằng gỗ mứt lâu mòn.

Xà phòng – savon

Dét – phụ tùng, hàng thay thế. Pièce de rechange

Bia – bière

Cà phê – café. Café còn nghĩa là quán cà phê. Xin đừng nhầm với cafeteria, nghĩa đầu tiên là chỗ ăn trưa của công nhân. Một thời Saigon có nhiều cafeteria thay tên cũ như Cafeteria Hân ở Dakao.

Xi nê – ciné, cinema

Phớt – feutre, nỉ. Mũ phớt, mũ dạ, nón hướng đạo, GĐPT, mũ phở

Rê em xê – không do tiếng Pháp mà người mình đọc ba chữ GMC (General Motor Company) trước xe 10 bánh Mỹ viện trợ Pháp từ 1949. Rê em xê có nghĩa là chiếc xe lớn. Nghĩa bóng: số lượng lớn. Anh ấy có một rê em xê bồ đẹp nhưng quyết định lấy cô vợ xấu hoắc. Một rê em xê khoai sắn…

Cùi dìa – cuillière, cái thìa

Xe tăng – tank

A xit – acide

ốc xi – oxigène / hít ro: hydrogène / ni tơ : nitrogène

banh – balle, ballon; ping pong / volley

xẹc - Cercle Sportif

xẹc – nỉ, serge. Bộ côm lê xẹc / complet en serge.

tem – timbre / tem thơ, timbre de poste / con niêm timbre de taxe

ác quy – accu (rút gọn từ accumulateur, bình tích trữ)

xuyệt – sur, trên . Nhà tôi hai xuyệt nhưng dễ tìm. Một xuyệt: 57/3; hai xuyệt là 57 / 3 /24. Đọc: năm bảy xuyệt (sur) ba…. xuyệt 24

Manh – (faute de) main, lỗi bóng chạm vào tay, gọi chung các lỗi trên sân cỏ.

Ba lua – poids lourd, xe hạng nặng.

Ki lô – kilo rút ngắn từ kilogramme

Mét – mètre. Kilomètre (một ngàn mét, cây số, cư la mật) centimètre (một phân 1/100 của mét; millimètre (1/1,000m). Bê ca đít sết: BK17, trụ cây số 17 Borne de kilomètre 17 gần An Lỗ. BK17 được hiểu rộng là quốc lộ Huế Quảng Trị mà Bernard Fall gọi là La Rue sans Joie (Street without Joy) làm tên sách về chiến tranh VN trước 1954.

Lít – litre, đơn vị thể tích, lít nước mắm, lít dầu, lít gạo.

Gam – Gramme, tem phiếu 5 gam mì chính, bột ngọt

Gam – gamme, thang âm thứ, trưởng, gamme majeure / mineure. Luận điệu tuyên truyền: đổi gam

Num mê ro – numéro, biến nghĩa là số phận.

Cà mèn – gamelle

Bê on – vitamine B1

Vê đơ – V deux / vợ hai (flanco-annamito)

I cà rết – i grec, y, i dài

Gạt xông – garçon, con trai; tóc con gái cắt ngắn như con trai.

Sọt – short, Pháp hóa, quần ngắn, không phải quần lót, quần xà lỏn culotte

noeud de papillon

Cà vạt – cravate, khô mực. Nơ ngang: noeud de papillon

Nơ – noeud. Nơ ngang thay cà vạt noeud de papillon. Noeud, nơ, nút hoa bằng dây vải màu, ruy băng – ruban.

Ét ô ét – S.O.S. kêu cứu.

Ngó quanh còn nhiều lắm. Xa lông, xốp pha, xia rô, bê tông, lò xo (ressort) trên cái giường lò xo, hai ông bà nằm co, bốn cái chân thò lò, ông đưa tay qua mò, mụ thất kinh không cho, ông bảo đứng 'no' đã có nhà nước no.

Với hơn 100 chữ nầy, tui đủ sức đi làm bồi cho tây. Tôi còn biết thêm một chữ tây nữa là Congaï, số nhiều Congaïs, mẫu tự i có hai chấm trémas. Hai chữ “con gái” đã Pháp hóa (franciser) từ lâu và vô tự vị. Danh tự nầy mang một ý nghĩa không đơn giản như người gái trinh kia đã chết rồi, hai con ngựa trắng chạy làm đôi. Tuy được thích nghĩa là fille annamite, sách báo mẫu quốc dùng để gọi một số phụ nữ lấy tây chính thức và bán chính thức, hoặc giao du với quân viễn chính. Có cuốn sách nói rằng Congaï thích qua Pháp sống và thích trở về quê mà chết và đem theo ông chồng về đó mà chết luôn. Sách cũng nói mấy bà nầy bỏ thuốc độc cho chồng chết khi đã tiêu xài hết của.

Ở Bến Ngự nhiều lần tôi ra quán của anh Ngạc mua cà phê đen đem về cho người lớn uống trừ đau bụng, tôi nghe mấy cô hầu bàn nói: “pa mỏi nháng” cho đến qúa 80 tôi mới hiểu là: ”pas de moyen”, không cách gì, ‘’no way’’.

Trước 1945, vài lần trăng sáng, tôi theo mấy chị lớn ra “phá nhà” Mụ Đăng trong dãy liên kế cho thuê của ông Tùng, gần nhà cũ của Bạch Yến, bà Tập; trây bùn vào tay nắm hột xoài bằng sành để Mụ Đăng về mở cửa bẩn tay. Tôi chưa bao giờ thấy Mụ Đăng. Sau mới biết Mụ Đăng ‘’đăng xê’’ trong quán rượu Morin, buổi tối không có nhà. Té ra lúc đó mình đã học Pháp văn từ lúc còn nhỏ, chưa biết chữ Staline. Nghe nói Mụ Đăng người làng Chuồn. Hy vọng Mụ Đăng sống đời êm thấm, có những lúc ngồi gốc cây me mà hát ‘La Cumparsita’ điệu tango, không như vũ nữ Cẩm Nhung bị tạt a xít.

========================================================

Huế 1961
================================




Monday, July 3, 2023

VC và Khmers Rouges

 

mỏ vẹt chỉa vào Saigon

mắm tôm . mắm bò hóc 

Tôn Tht Tu

1983, tôi theo Patty Dotzenrod từ Bangkok đi Aranyaprathet để làm thông ngôn nhưng đến nơi thì không có đồng bào tỵ nạn để phỏng vấn; có lẽ cô ấy biết vì sao. Cả phái đoàn lửng thửng quanh phố nghèo, lai rai cà phê cà pháo thì có lệnh phải ra khỏi khu vực trước ba giờ chiều. Tôi về Bangkok ngủ qua đêm, sáng mai ra đọc tờ Bangkok Post thì biết chỗ hôm qua mình đến có đánh nhau giữa Khmers Rouges và nhóm Xom Xản, có hình chụp Xom Xản ngồi ghế sau Honda 75 đang di chuyển.

Chuyện nầy tôi kể làm quà khai vị vì kỹ thuật làm báo, chứ thật ra nó ở vào một chi tiết rất nhỏ trong bài trích dịch về sự xung đột giữa VC và Khmers Rouges (KR) 1979. Sau khi VN chiếm hoàn toàn Cambodia, KR lập những căn cứ trên đất Thái, đánh đá lung tung, nào đánh đá với VC, nhóm Sihanouk, nhóm Xom Xản, đánh đá nội bộ. Thay vì tự giải tán, KR được Bắc Kinh và Bangkok hổ trợ lập mật khu trên đất Thái dưới danh nghĩa tỵ nạn. Tôi quen một người Mỹ lúc ấy đứng đầu Frontier Operation chuyên chở gạo lên biên giới cho từng đoàn dân Khmers qua đất Thái rồi trở về; hết gạo lại qua. Đó là các gia đình của kháng quân KR, họ không xin đi định cư như rất nhiều người Miên khác, vượt biên đường bộ rất dễ dàng.

Chúng tôi trích dịch chừng 1/5 một bài rất dài về VNCS và Cambodia của Yves Lacoste xuất bản tại Pháp năm 1989 trong tập san tam cá nguyệt Hérodote mà ông làm chủ bút. Bài quá dài đúng theo chủ trương nghiên cứu chính địa, gồm những phần như Châu Á gió mùa, hệ thống đê điều, so sánh các cách canh tác ở ĐNÁ, lịch sử Tàu Việt, Miên Việt. Nếu muốn ”enjoy” xin mở link nầy.

Trở về bài lược dịch, xin nêu ý chính: căn cứ vào phương pháp văn hóa chính địa và lịch sử, học thuật đi đến giả thuyết rằng VNCS chỉ có một lý do duy nhất để tấn công ở mức độ vô cùng rộng lớn Cambodia là không để cho Khmers Rouges tấn công từ khu mỏ vẹt cách Saigon dưới 50 km như ngòi nổ làm nổ thùng thuốc súng Saigon vì thế lực chính trị kinh tế của Hoa kiều Chợ Lớn, các giáo phái, dân chúng bất mãn.

Nói một cách bình dân là cẩn tất vô ưu, thà bắt lầm không thà bỏ sót. Chúng tôi e rằng lập luận ấy đơn giản quá độ (simpliste / simplistic).

Dễ người dễ ta. Nếu đầu chóp mỏ con vịt gần Saigon dưới 50 km (35 miles) thì nó chỉa vào đất địch như một cul de sac; đối phương ở hai bên bắn vào hay thắt miệng túi càn khôn thì vịt chỉ làm tiết canh mà thôi.

Ngạc nhiên Yves Lacoste có nói toàn vùng Đông Dương thuộc Pháp mà không đặt vấn đề Miên Việt hiện đại trong khung cảnh Đông Dương. Thực tế, VN dù quốc gia hay CS, không thể ở yên nếu Cambodia là một đối thủ tiếp tay cho các thế lực muốn nhai nuốt VN. Miền Nam mất là vì từ 1954, Cambodia đã theo phe trung lập thân cộng. Sihanouk ký mật ước cho VC dùng hải cảng duy nhất Kompon Som bốc dỡ vũ khí tiếp liệu chuyển đến biên giới, quân đội Miên bao thầu để ăn công; mật ước nầy cho dùng lãnh thổ Miên làm đường chuyển quân và tiếp liệu. Nhờ đường nầy mà VC chiếm cao nguyên Boloven. (Qui tient Boloven tiendra l’Indochine - ai chiếm Boloven sẽ chiếm Đong Dương). Nixon đã cho dội bom triệt hạ mật khu trên đất Miên nhưng sau đó hậu cần nầy được xây dựng tối tân hơn để đánh đòn quyết liệt vào Bình Long, Phước Long, Xuân Lộc. Xe tăng vào Saigon qua đường của ông hoàng cho mượn. Tuy chú trọng chính địa, tác giả chỉ nói KR chống Sihanouk mà Sihanouk đang cho VC mượn đường, ông không quảng diễn về quân sự ở điểm nầy.

Trước 1954, sân khấu chính trị quân sự chính yếu là VN thế mà Việt Minh không chiếm nhiều đất, lại chiếm rất nhiều đất của Miên và Lào. Vùng biên giới Lào Thái là một khu kinh tế, và cũng nhờ đó mới có thể chuyển vận quân đội ở Điện Biên Phủ 1953. Mặc dù Trung Cộng giúp nhiều vũ khí cho Pathet Lào, Việt Minh hoàn toàn chi phối phong trào CS Lào. Theo mệnh lệnh của VM, hoàng thân Souvanouvong lập đảng CS Lào, lấy vợ VN. VM muốn “thực dân” (coloniser) nhiều hơn xưa, khi thúc đẩy phong trào Tây Tiến. Như vậy, Lào đã giúp rất nhiều để VM chiếm giữ phía bắc vỹ tuyến 17 năm 1954; Lào tiếp tục cho mượn đường xâm nhâp theo đường Trường Sơn. Cuối đường này là lãnh thổ Cambodia. Lãnh thổ của Sihanouk là – không phải duy nhất – một trong những điều kiện tiên quyết đế chiếm miền Nam, như dàn phóng hỏa tiển vào Saigon.

CSVN không đủ phương tiện để có một nhánh CS thân thiện chiếm Phnom Penh, cho nên KR làm việc nầy; rất sớm KR đưa ra chủ trương quốc gia Miên quá khích chống Hà Nội. Hà Nội không muốn VN thành VNCH xưa với khung cảnh mới KR là Sihanouk.

Cuốn sách Les Miracles françaises en Indochine xb 1930 ca ngợi những phép lạ của người Pháp có kể phép lạ hòa bình Đông Dương nhờ chính sách cai trị của các quan toàn quyền, giữ cho các xứ không đánh nhau hay bị ngoại xâm. Pháp muốn Union Indochinoise thành một quốc gia xây dựng trên nền văn hóa Pháp; dân chúng ba miền đi lại tự do không phải trình giấy tờ ở biên giới.

Người VN không đồng ý và muốn có một quốc gia thống nhất ba miền, khác biệt với Miên Lào. Phạm Quỳnh đã dùng chữ nghĩa để phân biệt. Ông nói Indochine gồm “Indo” và Chine. Indo là Lào và Miên trong ảnh hưởng Phật Giáo Theravada, Pali và Sanscrit; Chine là VN với văn hóa Trung Hoa và Hán tự như Đại Hàn và Nhật Bổn. Cuộc vận động nầy gián tiếp làm nẩy sinh các hình thức quốc gia của Miên và Lào nhưng ba xứ sẽ hòa hợp trong một khối thịnh vượng chung (a commonwealth) chứ không phải liên bang, sống riêng hay sống chung chẳng sao, miễn là hòa bình với nhau.

Lào và Miên cũng bắt đầu xác lập tư cách quốc gia, và chống đối việc “thực dân trong thực dân” của người Việt và đã có các cuộc nổi loạn chống VN trong những năm 1930 và 1931. Nhưng người Pháp đã tìm mọi cách không để Đông Dương thành một chiến trường; xứ quan trọng nhất là VN không bị hai xứ kia quấy nhiễu.

Một cách tổng quát, ổn định của VN chỉ có thể duy trì khi ổn định toàn Đông Dương được duy trì dù với phương tiện nào.

Không như Yves Lacoste nhận xét, Cam bốt đã tấn công và chiếm nhiều nơi khác như Phú Quốc, Thổ Châu, sát hại người Việt đến số ngàn (sau đó bị đẩy lui). Chưa có đụng độ trong khu mỏ vẹt thuộc Vùng 3 Chiến Thuật xưa.

Như trên đã nói, khu mỏ vẹt như cái túi, cul de sac dễ bị túm đầu. KR đã đánh trận lớn ở Tây Ninh nhưng không ở trong vùng nầy. Nhiễu loạn từ KR xẩy ra ở biên giới vùng châu thổ, dễ bề tiến thoái. Ngày 18.04.1978, KR đã chiếm xã Ba Chức, quận Tri Tôn Châu Đốc, cách biên giới 7 km và đã giết sạch dân chúng, chỉ có HAI người sống sót, với 3.157 tử vong, tương đương số nạn nhân Mậu Thân Huế do tay VC làm ra.

Hà Nội cho biết từ lúc ấy Pol Pot đã chuẩn bị 10 sư đoàn đột nhập VN và Hà Nội xuất quân ngày 07 thg 12.1978 để chiếm cả nước Cam bốt trong vòng một tháng, trong chiến lược lấy công làm thủ.

Nhưng về chính địa (geopolitic) chóng hay chầy, Hà Nội, bằng mọi phương tiện, không để yên cho KR làm chủ Phnom Penh, ăn rồi chỉ mài gươm mài dao chỉa vào nhà hàng xóm. Hy vọng lối nhìn của chúng tôi thực tế hơn Yves Lacoste.

 

VC  Khmers Rouges

Yves Lacoste

Từ khi Khmers Rouges (KR) chiếm quyền, bang giao Việt Miên trở nên xấu xa nhất. Mới trông rất nghịch thường vì cả hai xứ vừa chuyển qua giai đoạn CS và hai đảng CS Miên Việt theo nguyên tắc là đồng minh, là anh em. Học thuật có thể làm sáng tỏ những nguyên nhân sâu xa của cuộc tương tranh nầy qua sử ký và địa dư và qua các dạng thức kinh tế và hành chánh Đông Dương thời thuộc địa.

Pháp đã nhập chung vào khuôn khổ một Liên Quốc Đông Dương các lãnh thổ chiếm đoạt là Miên, Lào và Việt (Pháp chia VN thành Bắc Kỳ, An Nam và Nam Kỳ). Tuy vậy đặc biệt ở VN, việc thuộc địa mới thiết yếu, đem lại nhiều hậu quả quan trọng, chứ còn hai xứ kia không làm gì nhiều cho đại cuộc. Vì vậy, những phong trào chống đô hộ thực dân mang nhiều tính chất VN hơn cả. Khi phong trào CS xuất hiện giữa hai thế chiến, đảng CS Đông Dương được thành lập nhưng cốt lỏi đảng viên đều là người Việt. Năm 1945, HCM giải tán đảng nầy và lập ra một đảng CS VN và một đảng CS Miên nhỏ hơn mà đa số đảng viên là người Việt qua Miên làm việc cho các công ty thương mãi thuộc địa.

Một đảng CS thực sự của Miên được phát triển chậm hơn, từ thập niên 1960, vào thời kỳ Trung Cộng đóng vai trò quan trọng trong phong trào CS quốc tế và bắt đầu đối kháng Liên Xô. Do đó, khác với trường hợp VN có nhiều liên hệ bền vững và lâu năm với Nga, nhóm CS mới người Miên, Khmers Rouges, chỉ giữ mối quan hệ với Trung Cộng. Đấy cũng là phương tiện để thoát cảnh đàn anh VN đè đầu và khai thác các bất đồng.

Trong thập niên 1960, KR bắt đầu một loạt chiến dịch chống Sihanouk đang trị vì ở Phnom Pench. Lúc ấy CS VN ủng hộ mạnh mẽ ông hoàng vì được phép mượn vùng đất phía đông Miên làm đường xâm nhập Miền Nam VN, là vùng tiếp giáp với đường Trường Sơn.

Những móc nối bên trong nầy, tuy ít được biết đến, đã gây nhiều hậu quả bền dai và được che dấu để tránh phương hại liên hệ Hoa Việt. Nhưng từ chiến thắng chung 1975, tức thì trổi dậy những mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa hai đảng CS Miên Việt, đồng thời có bất hòa Hoa Việt.

Đối với Tàu, việc triệt thoái của quân Mỹ (mà Tàu đã giúp thành tựu từ 1972) có nghĩa là Tàu sẽ tái lập vai trò lịch sử và quyền uy ở ĐNÁ.

Tại Cam bốt, KR vì lý do ý thức hệ và chính địa, thích Bắc Kinh không thích Hà Nội. Theo KR, chủ trương quốc gia quá khích chống VN sẽ có số đông dân chúng Miên hưởng ứng. Dân Miên lúc ấy buộc thi hành đường lối tập thể hóa bắt chước khuôn mẫu Tàu nhưng được đẩy mạnh quá xa và bạo động tối đa.

Tuy nhiên, KR không đồng tình chống VN, hơn nữa, trong nội bộ nhiều nhóm chống nhau giành quyền điều khiển quốc gia, thậm chí có nhóm còn nhờ VN giúp sức hạ bệ Pol Pot. Nhưng Pol Pot nhanh tay hạ sát hết các đối thủ. Pol Pot cũng ra lệnh tàn sát bất cứ ai có liên hệ với người Việt, bà con thân thuộc với người Khmer Knom, tức là nửa triệu người Miên tiếp tục sống trên đất Việt theo biên giới người Pháp ấn định. Năm 1977, Hà Nội đã dùng thành phần Knom nầy và những người KR bỏ ngũ thành lập phong trào nhằm lật đổ Pol Pot và tách Cam bốt khỏi bạo tàn KR.

Cuối năm 1978, VN hành quân tấn công và chiếm toàn lãnh thổ Cam bốt. Hành động quân sự với tầm mức như thế không thể làm dư luận thế giới khỏi sửng sốt; hơn nữa là chiến tranh giữa hai quốc gia XHCN. Trung Cộng phải kết án chủ nghĩa bá quyền của VN do Liên Xô xúi dục. Ngạc nhiên ở điểm sự đe dọa của KR chưa đến mức thậm nguy phải hành động triệt để thế ấy, không kể nguy cơ Trung Cộng có thể viện binh ồ ạt đến Cam bốt và VN đối đầu hai phía địch.

Tuy vậy, Hà Nội vẫn quyết định chiếm toàn cõi Cam bốt. Hẳn rõ Hà Nội có những lý do khác.

Giới quan sát có thể nhận ra sau khi phân tích tình hình chính địa của vùng đất xưa kia là VNCH. Trước tiên hãy biết rõ về lằn ranh giới giữa hai quốc gia, đặc biệt trong lưu vực Cửu Long. Lãnh thổ Miên có chỗ dôi ra hết sức đáng chú ý, mệnh danh là khu mỏ vẹt (bec de canard, mỏ vịt). Xuất phát từ vùng nầy, các cuộc tấn công hay xâm nhập xẩy ra cách Saigon dưới 50 km. Khu dân cư đông đảo thị tứ nầy nầy có 3 triệu người mà một phần rất lớn là người Tàu Chợ Lớn. Người Tàu đã đặt chân từ thế kỷ 17 gồm những thành phần không chịu thần phục nhà Mãn Thanh.

Người Tàu Chợ Lớn và lục tỉnh vẫn thường xuyên liên lạc với Hoa Lục cộng sản và các cộng đồng Tàu khác ở ĐNÁ. 1975 trong khi miền Nam rụng rã, người Tàu Saigon Chợ Lớn vẫn nuôi ý nghĩ rằng HK sẽ can thiệp trở lại và để tránh đổ nát cho đô thành nầy, các phe phái sẽ đồng ý cho Saigon trở thành một thành phố tự do, một Hongkong mới, một Singapour mới. Thực tế không thế. Tuy vậy, một số Hoa nhân tin rằng những biến cố mới có thể làm sống dậy viễn tượng nầy.

Người Tàu, (trước 1975 nắm giữ hầu hết các sinh hoạt thương mãi, tài chánh và kỹ nghệ) nay hết sức bất mãn vì chính quyền CS đã tịch thu gia sản và cơ nghiệp. Tập thể Hoa kiều nầy còn hốt hoãng thêm với tin đồn tuyên truyền của Trung Cộng rằng VC sẽ ra lệnh tàn sát hằng loạt như các pogrom dành cho người Do Thái. Tình hình sẽ đưa đến nguy cơ nổi loạn.

Chiến thắng 1975 là chiến thắng quân sự, không phải là chiến thắng chính trị. Từ khi HK chấm dứt viện trợ, dân chúng thiếu kém mọi bề và sống trong sự bức bách của công an. Chính quyền mới không nhân nhượng những người đã làm việc cho chính quyền cũ và phái bộ HK.

Saigon là một kho thuốc súng có thể bùng nổ bất cứ lúc nào mà ngòi nổ chính là các cuộc tấn công của KR từ vùng mỏ vẹt kế cận. Thêm nữa, giữa Saigon và biên giới là vùng đất sống của đại đa số dân chúng miền Nam; nổi loạn có thể xuất phát từ đây. Thành phần dân số ở đây về văn hóa khác biệt với các nơi khác. Vùng nầy có người Khmers, có người TCG di cư và các giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo. Các giáo phái nầy thành lập từ đầu thế kỷ 20 bắt đầu dung nạp những dân quê từ miền Bắc vào, vì nghèo bị bỏ rơi, và khốn khổ vì nạn cho vay cắt cổ. Đến giữa thế kỷ 20, vì ý thức hệ và chính trị, các giáo phái trở nên chống cộng từ tâm thức và đã truy nã VC giữa hai cuộc chiến Đông Dương, 1945 đến 1975. Các vùng thuộc quyền kiểm soát của hai nhóm nầy không bị tàn phá vì oanh tạc không quân.

Ở Miền Nam, địa dư văn hóa không xa lìa địa dư chính địa. Thật vậy, sau thảm bại bất ngờ của VNCH 1975, các giáo phái phải từ bỏ chiến tranh công khai. Nhưng năm 1978, lãnh đạo CS lo sợ rằng Cao Đài và Hòa Hảo sẽ cầm súng trở lại, hòa điệu với cuộc tấn công rộng lớn của KR từ biên giới.

Nhận xét trên đây về tình hình miền Nam 1978 có tính cách chính địa cho phép các quan sát viên đưa ra giả thuyết rằng chính quyền đương cuộc Hà Nội quyết định tấn công toàn diện Cam bốt là vì muốn ngăn chận cuộc nổi loạn trong Nam, hơn là vì mối đe dọa biểu kiến của KR.

Trong ba thành tố (Hoa kiều Chợ Lớn, các giáo phái, KR) yếu tố áp lực quân sự của KR dễ giải quyết nhất, chỉ cần một cuộc hành quân có chuẩn bị đầy đủ.

(Nguy hiểm KR đã dẹp yên), cuộc nổi loạn không xẩy ra. Sau đó, hàng ngàn hằng vạn người phải ra đi trong những điều kiện xấu xa nhất. Vụ Cam bốt chưa xong, tiếp tục làm tâm điểm chính địa ĐNÁ.

(Tính đến số báo nầy) nay đã 10 năm từ khi quân VN chiếm đóng Cam bốt. Sự hiện diện nầy không cần thiết nếu KR tự giải tán và không rút lui vào các mật khu biên giới Thái Miên. Thật vậy, mặc dù thế giới đã tìm thấy bằng chứng tàn ác vô biên của tay chân của Pol Pot, chính phủ Bắc Kinh vẫn ủng hộ KR với sự đồng lõa của Thái Lan. Bangkok cho phép KR thành lập các căn cứ dọc theo biên giới, dưới danh nghĩa trại tỵ nạn. Đối với người Thái, đấy là cơ hội để một lần nữa can thiệp vào nội tình Miên, tiếp tục từ mấy thế kỷ trước cho đến cuối thế chiến 2 đã sáp nhập nhiều tỉnh của người Miên.

Đáng ngạc nhiên thêm nữa là HK – liên hệ mật thiết với Thái Lan và biết rõ hành động của KR – vẫn ủng hộ chính sách biên giới của Thái Lan và duy trì ghế đại diện của Pol Pot tại Liên Hiệp Quốc.----

============================================== 

Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Saigon

====================================