add this

Friday, October 27, 2023

Chúa không gian mẹ thời gian








Picasso, nội tâm


Chúa không gian m ca thi gian

Tôn Thất Tuệ

Mỗi lần ra con đường lẻ loi Lê Lợi ấy

Tôi thường thấy một người con gái

đi một mình đang trì kinh Mật Nhiệt

kinh của tôi cầu xin no ấm cho loài người.

Người con gái ấy trong tôi đang trì kinh Mật Nhiệt.

Người ta nói nàng em thầy hiệu trưởng

Huế nhiều trường, hiệu trưởng rất nhiều biết thầy mô.

Không quan trọng, nhưng quan trọng là nét bi huyền, tôn giáo nơi người con gái ấy.

Ôi nàng ơi đừng đi tu nhé, áo dòng đen hay áo xám đà, đừng đi tu nhé nàng ơi.

Tu ích kỷ, để lại sầu thương cho vạn loại.

Những hàng cây trên những con đường nầy

Cần một linh hồn sống để tập sống theo.

Không gian nầy cần có một người làm chủ

Thời gian nầy cần một người mẹ thời gian.

Nàng đi tu thì không gian vỡ nát và thời gian bấn loạn như tương. Hỗn mang sẽ trở lại. Biết bao giờ mới có ông Bàn Cổ* phân rõ bên nầy bên kia trật tự cho người.

Cứ mỗi lần tôi ra con đường lẻ loi ấy, tôi thấy một người con gái chìm trong huyền nhiệm, chúa không gian và mẹ của thời gian.

Georgia Oct 26, 2023

*Hỗn mang chi sơ, Bàn Cổ thủy xuất, vị phán âm dương.


Thursday, October 26, 2023

Phật giáo ra khỏi Ấn Độ

 

        Pháp luân (dharma Wheel)

Phật Giáo Ra Khỏi Ấn Độ

Vương quốc gốc Hy Lạp Bactriane, sau những năm tháng rực rỡ ngự trị đến bờ sông Hằng, đã bắt đầu tàn lụi từ thế kỷ thứ nhất trước JC, nội bộ xâu xé, mở đường cho các bộ tộc Saka, Kouchana xâm chiếm. Nhưng Phật giáo trông cậy vào sắc dân phần nào bán khai nầy để phát triển. Công cuộc ấy đồng thời làm bung nở những nền văn minh sáng chói của Hy Lạp, của Ba Tư và của Ấn Độ, cùng chung sống, tạo nên sự hòa hợp hiếm có trong lịch sử nhân loại.

Một trong những vị vua triều Kouchan đóng vai trò quyết định trong việc phát triển PG là Kanishka. Vương quốc của ông phía Đông giáp Tàu, phía Tây giáp Ba Tư, chiếm toàn vùng Bắc Ấn. Hình như ông muốn theo gương của Asoka hay làm hơn.

cột trụ Asoka

Nhưng Asoka mới nầy xa lạ với Ấn Độ. Về hình dáng, ông mặc áo dài vải dày bó sát người, đi ủng cao, quyết tâm quảng bá PG ở bên ngoài Ấn. Ông đề xướng hội nghị kết tập kinh điển để chuyển kinh điển qua tiếng Phạn. Với ngôn ngữ bác học nầy, PG đã tách khỏi quần chúng không biết ngôn ngữ nầy. PG mất quần chúng nhưng được giới quí phái, học thức trong xã hội. Trong hướng mới nầy, xuất hiện những kỷ yếu triết lý, có chú giải và phê bình. Những nhóm hoằng pháp mới đi đến các nơi xa mà dân chúng chưa bao giờ nghe tên Đức Phật, chưa nghe Chánh Pháp; họ được bảo vệ và giúp đỡ tối đa, dưới uy tín và nhiệt tâm của nhà vua.

Họ đã đến Trung Á, Tàu và Tây Phương, có rất nhiều tín đồ mới. Sự lưu động của họ làm cho thế giới Hy Lạp nhớ lại chu kỳ gió mùa họ đã quên. Gió mùa đã giúp phục hồi giao thông bình thường giữa các hải cảng Hồng Hải, vịnh Ba Tư và duyên hải Ấn Độ. Các thương gia Tây Phương đến lập nghiệp ở tiểu lục địa Ấn theo PG để dễ sinh sống, dễ giao thương với địa phương mới. Họ giúp tiền của, phương tiện để khoét núi hay đào hầm làm chỗ ở của tăng đoàn.

Ảnh hưởng của lớp người mới theo nầy được thấy rõ qua sự chuyển hóa các tín ngưỡng. Tiểu thừa chuyên chú tu học trong các thiền viện nay có thêm đại thừa mang tính cách năng động của một giáo hội vô vụ lợi hoạt động không ngừng. Những "vị Phật" mới thế chân Thích Ca, đứa con của Ấn Độ, từng đoàn bồ tát thực thi hạnh bồ tát.

Và chính Phật Giáo cải biến nầy đã ''chiếm'' Tây Ba Tư, Trung Á, Tàu, Đại Hàn, Nhật Bổn, bán đảo Đông Dương và các quần đảo khác trong Ấn Độ Dương.

Nhưng chính trong nội địa Ấn, thời đại huy hoàng của PG đã cáo chung, không còn Asoka. Khi Hung Nô chiếm Punjab thế kỷ thứ 6, giáo hội tại Ấn không tìm đâu ra một Kanishka mà thấy trước mặt đứng sừng sửng một kẻ đối nghịch vũ phu, đã ươm mầm cho giai đoạn đen tối với Islam. Khi người muslim trong đà tiến vũ bão càng quét Bắc Ấn thế kỷ 11, PG Ấn đã suy sụp, tan biến, không để lại dấu tích, dù là dấu tích những ngày hấp hối. Vô cùng ngạc nhiên, một tôn giáo lớn đã biến mất bất thần ngay tại nguyên quán, là một nước Ấn Độ rộng lớn có rất nhiều hình trạng từng vùng khác nhau. Có thể quy đương lý do cho tính cách phá hoại quá khích cực độ của Hồi Giáo; nhưng Bà La Môn không được đối xử khá hơn PG bởi người muslim mà vẫn sống sót sau các cuộc thử thách, tìm những nguồn sinh lực mới để đứng dậy và mạnh mẽ như xưa.

PG dễ bị tấn công thiệt hại hơn vì được tổ chức đầy đủ hơn. Người muslim chỉ việc đốt các tăng già là đủ chấm dứt đời sống của giáo hội. Bà La Môn cũng có những tu viện, những nơi an dưỡng tĩnh tâm, nhưng đó là một định chế thứ yếu; mất đi không gây nguy khốn hoàn toàn cho việc hành đạo và đời sống tôn giáo của tín đồ. Trong khí đó, với PG, tăng già là trung tâm, là cái nôi nuôi dưỡng, linh hồn của tôn giáo; không tăng già thì không có tăng sĩ làm dây liên lạc giữa tín đồ và giáo pháp.

Nhưng việc xâm chiếm của muslim không xẩy ra một lúc và toàn diện khắp Ấn Độ. Muslim phải mất hơn bốn hay năm thế kỷ mới tiến sâu vào miền Trung và miền Nam của tiểu lục địa Ấn. Không thiếu gì những nơi ẩn khuất, những quận hoạt xa xôi; những nơi nầy có những tín đồ trung kiên quanh các tu sĩ chân chính, gây dựng lâu dài sức kháng cự, truyền cho hậu thế những truyền thống ngàn xưa, ngày khôi phục ắc sẽ đến.

Sự thật thế kỷ 13 đã có một ông hoàng xứ núi Sivalik, trung tâm Punjab, trong vùng đã hoàn toàn chế ngự bởi muslim, một lòng trung thành với PG, đã trùng tu Bồ Đề Đạo Tràng nơi Phật Thích Ca Giác Ngộ, làm nơi hành hương cho vô số tín đồ theo Phật. Đây là trường hợp duy nhất.

Đời sống PG tại Ấn Độ đã chấm dứt hoàn toàn và vĩnh viễn ngay sau những lần xâm chiếm đầu tiên của muslim. Trong lúc ấy, cực Bắc là Népal, cực Nam là Tích Lan, hai xứ nầy vẫn trung thành với PG. Đồng thời tất cả Đông Á, Tây Tạng, Tàu, Đại Hàn, Nhật Bổn, Đông Dương, Quần đảo Ấn Độ Dương, Nam Dương tiếp tục nhiệt thành thờ phụng các vị Phật, Bồ Tát truyền từ Ấn Độ qua.

Sự tương phản nầy có thể giúp giải thích bí ấn lịch sử nầy. PG, vì nội lực và các biến cố lịch sử, đã mất dần tính cách quốc gia nguyên thủy, để mang khuôn mặt mới ngày một thêm phổ quát.

Sự phát triển đại thừa, nhân khi xóa bỏ tính chất lịch sử của Thích Ca, ý thức hay không ý thức, đã cắt đứt những liên hệ mật thiết cuối cùng giữa PG và quê quán của PG. Các vị ‘’Phật Mới” không có một lịch sử tích cực rõ ràng, không có một vùng địa lý linh thiêng, và không cần định vị một nơi sinh như Ca Tì La Vệ. PG dần dần tách khỏi những nơi nầy để trở thành một tôn giáo theo nghĩa tân thời của danh từ nầy, là một hệ thống giáo lý và cách hành đạo, nhằm kết hợp tín đồ trong một công đồng nới rộng mà không quan tâm đến những hình thức xã hội. PG chỉ đòi hỏi giáo đồ giao cho trách nhiệm giữ mối liên lạc với đấng linh thiên huyền nhiệm. Ngoài ra, những việc khác dành cho các tổ chức ngoài đời.

Thành công về ý thức của PG là ở đặc điểm ấy. PG không đảo lộn quốc gia mà PG được du nhập; PG bước vào nhẹ nhàng, kiên nhẫn. Đôi khi người truyền đạo ứng xử như thầy thuốc thuộc về một nền văn minh cao hơn, biết thuốc men và cách chữa trị các bệnh tật. Và như có thêm cánh tay hữu dụng, ông biết nhiều chuyện kể cảm động, gợi những tình cảm sâu đậm và dịu êm nơi linh hồn của con người ở bất kỳ khung cảnh sống nào, điều kiện sống nào: Êm đềm, nhân ái, dịu dàng, tận tụy. Ông biết dùng những hình ảnh để minh họa bài giảng, điêu khắc, hội họa trong kho tàng nghệ thuật của Ấn được làm giàu bởi văn minh Hy Lạp và Ba Tư. Ông có một số thân chủ mới kính trọng ông, trò chuyện với ông; nhiều nhà tôn giáo cũng đến thăm hỏi đàm thoại. Tiếp đến là một tu viện được dựng lên làm lò lửa ấm, làm khuôn mẫu tu học.

PG có quyền hưởng vinh dự chiếm một phần của quả đất mà không cần dùng tới vũ khí. PG đã nếm mùi thanh trừng, có kẻ chết vì đạo; những kẻ đối nghịch kết án PG làm hủy hoại trật tự hiện có bằng cách nêu cao sự thánh thiện của chủ trương độc thân, đặt các bổn phận gia đình dưới bổn phận tôn giáo. Nhưng không ai trách cứ PG đã dựng một xã hội mới đối nghịch với xã hội hiện có.

Trái lại PG yêu mến guồng máy xã hội bên ngoài đã giúp đỡ PG được an bình mà lo những nhiệm vụ tinh thần. Bên Tàu, Khổng giáo đã giúp việc nầy. Ở Cambodia, Chiêm Thành, Java, Sumatra, PG được những sự hổ trợ của các giáo phái Bà La Môn đặc biệt là phái Siva.

Ở Đông Dương và các quần đảo trong Ấn Độ Dương, PG không bị đe dọa bởi các tôn giáo bạn. Phái Siva hay phái Vishnou cùng PG là những thứ ngoại nhập, vua chúa, giai cấp quý phái chấp nhận các tôn giáo nầy như một nền văn hóa sang trọng và thuần nhuyễn; chưa tạo thành một nền văn minh ăn sâu vào quần chúng. Dân chúng cứ tiếp tục cuộc sống bình thường, chẳng để ý các giới luật Bà La Môn.

Nhưng tại nội địa Ấn thì sự việc khác xa. Bà La Môn cấu kết, đồng hóa với trật tự xã hội. Trái với PG có lý tưởng nhân bản toàn diện, Bà La Môn gìn giữ tối đa tính chất Ấn của mình. Trong cái xứ tập hợp nhiều chủng tộc, nhiều ngôn ngữ, Bà La Môn là biểu tượng thống nhất rõ ràng và được đa số công nhận. Đứng trước một tôn giáo là Islam, tay cầm kiếm tay cầm lửa, Ấn Độ - trong một động tác đột khởi và đồng tình – phải tỵ nạn núp dưới sự bao che của Bà La Môn. Rõ ràng trong lịch sử, Ấn đã chịu bao lần vị xâm chiếm, nhưng chưa có kẻ xâm lăng nào mang hình ảnh và sứ mệnh một tông đồ. Chưa có kẻ xâm lăng nào nghĩ tới việc triệt tiêu các thần linh, các đền đài, những định chế của xứ sở để áp đặt trên những điêu tàn ấy, một thần linh mới (un dieu nouveau), một sự sùng bái mới, một công đồng mới mà ai cũng cho là cố ý phá nát các truyền thống và tổn thương lương tâm con người.

Duy chỉ giai cấp (Bà La Môn), với những quyền năng và đặc quyền điều dẫn xã hội, có thể bẻ gảy tuyên truyền bằng khủng bố của muslim.

PG ở Ấn mấy thế kỷ rồi đã mất nguồn hứng khởi lúc sơ khai; không còn là một tôn giáo mà thành một trường phái. Các du ký hành hương của người Tàu, đặc biệt là Huyền Trang cho chúng ta những ảo tưởng. Chúng ta đang nói về những trí óc đã có tiền ý, những nhà du lịch ngoan đạo không biết gì và không muốn biết ngoài giáo hội của mình, không phải là những nhà thám hiểm mà chỉ là những nhà tôn giao muốn vinh danh hơn là học hỏi.

Hãy lấy can đảm tự hỏi từ triều Goupta (thế kỷ 4) vai trò của PG ra làm sao ở Ấn Độ nếu chúng ta chỉ tự giới hạn trong sử liệu Ấn và không biết tới du ký của Pháp Hiền, Huyền Trang và Nghĩa Tịnh. Lúc đó, chúng ta sẽ xem PG như một trong những trường phái triết học Ấn, như phái Vedenta (ở Ấn gọi là PG trá hình) hay phái Sankhya.

Một số sáng tác hổn tạp trá hình PG nhiều hơn kinh điển hiện đã quy tập. Dưới danh nghĩa PG nhưng thật là mớ hổ lốn của ma thuật, phù thủy, phồn thực  (érotisme, obscénité). PG đã hoàn toàn đồng hóa với Ấn Giáo Bà La Môn; giữ lại những danh từ thay nghĩa, rỗng nghĩa từ PG chính thống. 

Với sự thể nầy PG không có gì ích lợi đem hiến tặng Ấn Độ. Phật Giáo phải mất dạng vì đã mất lý do tồn tại.

Vai trò lịch sử của PG xưa là nhịp cầu giao tiếp giữa Ấn Độ và các quốc gia để luân lưu khắp thế giới những yếu tố căn bản có giá trị phổ quát hoàn vũ nằm trong kho tàng mà nền văn minh Ấn duy trì cẩn mật.

Chừng nào còn làm vai trò nầy, PG trở nên năng động và đầy sức lực. Khi Ấn Độ tự co rút, PG mất sức sống, gầy mòn, suy sụp. Khi Ấn bị vây khổn, cầm tù bởi ngoại bang gây hấn, PG chết. Lớn mạnh trong phẩm giá của một tôn giáo phổ quát hoàn vũ, PG không thể sống sót qua cơn tai ương quật trên xứ sở và cô lập PG.

Hiện nay các nhà tư tưởng trên thế giới đang đón chờ Ấn Độ trở mình chống chỏi sự quên lảng hơn ngàn năm nầy, vinh danh Thích Ca Mưu Ni như một trong những vinh quang của Ấn Độ, trả lại PG vị trí một truyền thống vĩnh cửu của tiểu lục địa nầy.-


GHI CHÚ   

Đây là câu trả lời câu hỏi "Phải chăng PG chỉ là một hình thái thứ yếu trong văn minh Bà La Môn" trên tập san giáo dục Bắc Kỳ (Bulletin de la Société d'enseignment mutuel du Tonkin 1934). Ức đoán người viết là Nguyễn Văn Tố.

Năm 1963, chúng tôi như con vẹt lấy từ cuốn sách về cải cách ruộng đất bất bạo động mà nói rằng Asoka biến PG thành quốc giáo và do đó PG phải ra khỏi Ấn. Lúc ấy PG đang lên chân, sau đảo chánh,  y như sẽ có một chế độ giáo quyền (theocracy) kiểu Tây Tạng.
Chúng tôi nói sai theo, Asoka không tuyên bố PG là quốc giáo, ông chỉ cấm giết súc vật cúng tế, bỏ án tử hình, ông cho khắc trên đá lời Phật để dạy dân chúng, đưa PG đến tận Ai Cập.

Bài viết nầy xem vua Kouchan là Kinishka như một Asoka mới và  chính ông nầy đã mở đầu diễn trình PG ra khỏi Ấn Độ.

Bài bằng tiếng Pháp rất ''Nguyễn Văn Tố" nầy có một chữ khó hiểu là "humain'' mà trong ngữ cảnh hàm ý mất tính chất địa phương, chúng tôi dịch là phổ quát, (thay vì nhân bản) vì trong bài dùng chữ universel. Một chữ khác là "les nouveaux Bouddhas", chúng tôi dịch sát nghĩa là các vị Phật mới và để trong ngoặc kép, thiết nghĩa tác giả ám chỉ các ngài tiếp chân Phật Thích Ca như Long Thụ. Nhiều sách khác không ngần ngại xem Long Thụ là Đệ Nhị Phật.

Quốc huy Ấn Độ
Sau khi chiếm gần hết Ấn, Alexandre Le Grand rút về cố quốc, để lại rất nhiều binh lính, định cư tại chỗ; ông cũng mở phong trào di dân từ Địa Trung Hải lên Bắc Ấn. Dân mới tới lập ra các quốc gia nhưng độc lập với Hy Lạp như Mỹ với Anh Quốc, sách địa dư gọi là các vương quốc Hy Lạp không được rõ (royaume grec). Kinh nghiệm một PG ra khỏi sinh quán làm liên tưởng hình thái Do Thái Giáo Rabinic. (Rabbinic judaism) Rabbin là pháp sư, truyền đạo, hành đạo nơi nơi không cần một đền thờ gốc ở Do Thái.

Bài viết từ 1934 dự phóng sự trở mình của Ấn Độ. Vũ Văn Mẫu viết trong lời dẫn nhập sách tư pháp rằng Ấn Độ mới từ khi độc lập 1949 đã dùng giáo lý PG làm căn bản tinh thần của quốc gia mới qua sự chấp nhận Pháp Luân trên quốc kỳ. Quốc huy mới của Ấn Độ độc lập giống như "đầu cột trụ Asoka'' có bốn sư tử đâu lưng và bốn hình Pháp Luân. Nhưng Asoka và PG xem như hai mặt của đồng xu.-

====================================

 

Tuesday, October 24, 2023

bố tôi, người lính miền Nam











Bố tôi, người lính miền Nam
Hai Le *** 21 thg 06, 2017

Tôi có một người cha già, tàn tật, cụt một chân. Khi tôi sinh ra đời bố tôi cũng đã gần 50 tuổi. Trong một thời gian dài, bố tôi đóng vai trò của một người mẹ, tuy di chuyển khó khăn, nhưng ông lo lắng cho tôi không còn thiếu một thứ gì. Bạn bè thường gọi là “ông nội trợ” và khen là đàn ông mà bố tôi có đầy đủ các đức tính của người phụ nữ Á Đông “công, dung, ngôn, hạnh”, nuôi con khéo léo không ai bằng.
Hồi còn bé, tôi không hiểu được, vì sao không phải mẹ tôi, mà lại là bố tôi luôn luôn ở nhà chăm sóc cho tôi? Từ từ tôi mới nhận ra, trong đám bạn bè, tôi là người duy nhất luôn luôn có người bố bên cạnh. Thiếu tình mẹ, tuy nhiên, tôi cũng cảm thấy an ủi, mình là người rất may mắn, còn hơn nhiều đứa trẻ thiếu cả tình thương của cha lẫn mẹ.
Sau này tìm hiểu thì tôi biết, bố tôi từng là một người lính miền Nam, bị thương trên chiến trường, được mẹ tôi bảo lãnh theo diện đoàn tụ, bà lo cho ông hưởng tiền trợ cấp tàn phế. Lúc tôi được hơn 3 tuổi, bố tôi và mẹ tôi ly dị, bà đã lập gia đình với một người đàn ông khác, nhường tôi lại cho bố tôi nuôi. Trong ký ức trẻ thơ, tôi có hình dung được hình ảnh của mẹ tôi một vài lần, khi bà đến thăm, nhưng rất xa lạ, vì luôn luôn bà đi với một người đàn ông nhìn tôi với ánh mắt lạnh lùng.
Tôi có tí mặc cảm về địa vị bố tôi ngoài xã hội, so với bố của những đứa trẻ khác, tuy nhiên việc chăm sóc tôi thì hoàn hảo, ông chăm lo cho tôi từ việc lớn đến việc nhỏ, không phải đụng tay vào bất cứ thứ gì. Trong suốt thời gian tôi học tiểu học, ông còn thuyết phục tài xế xe bus đón tôi đi học ngay tại cửa nhà, thay vì ở trạm xe, cách xa nhà tôi bốn dãy phố. Khi tôi bước vào nhà, lúc nào bố tôi cũng chuẩn bị sẵn thức ăn trưa, nào cá kho, thịt kho, rau xào và có cả canh nữa. Lâu lâu cũng có thức ăn Mỹ, sandwich, hamburger, bơ đậu phộng, và còn thay đổi theo mùa. Giáng Sinh bánh có viền xanh hình cây thông, Valentine có hình trái tim…

Khi tôi lớn hơn một chút, vào năm đầu tiên trung học, tôi lại thích sống độc lập, tôi muốn thoát ra những cử chỉ yêu thương dành cho con nít của bố, vì sợ chúng bạn trêu chọc. Nhưng chẳng bao giờ bố buông tha tôi cả, một đôi khi tôi rất bực mình.
Cấp trung học, tôi không thể về nhà ăn cơm được nữa, phải bắt đầu tập tự lo cho mình. Nhưng bố tôi lại thức dậy sớm hơn thường lệ để chuẩn bị bữa ăn trưa cho tôi. Ông cẩn thận ghi cả tên tôi bên ngoài túi giấy đựng đồ ăn. Lật dưới đít bao giấy, luôn luôn có một vài hình vẽ nhỏ, khi thì căn nhà, khi thì dòng suối, ngọn núi, chim cá và hình trái tim với dòng chữ I love you Tammy! Nào hết đâu, bên trong những chiếc khăn giấy cũng có những dòng chữ trìu mến “Bố thương con nhiều”. Ông luôn viết, hay có những câu nói bông đùa như thế để nhắc nhở là ông yêu thương tôi nhiều, và muốn làm cho tôi vui.
Tôi thường lén ăn trưa một mình để không ai thấy được cái túi giấy và khăn ăn. Nhưng cũng chẳng giấu được lâu. Một hôm, một đứa bạn tình cờ thấy khăn ăn của tôi, nó chộp lấy la lên và chuyền đi khắp căn phòng cho mọi người xem. Mặt tôi nóng bừng, bối rối, mắc cỡ muốn chui đầu xuống đất.
Bữa hôm đó tôi về, đã làm mặt giận với bố tôi và “cấm” ông ấy không được viết, vẽ “bậy bạ” trên khăn giấy nữa, để bạn bè không coi tôi như đứa con nít lúc nào cũng cần người lớn chăm sóc. Lần đầu tiên tôi thấy bố tôi buồn, lặng lẽ vào phòng đóng cửa.

Ngày hôm sau, tôi vô cùng ngạc nhiên vì tất cả bạn bè bu chung quanh tôi, chờ để được xem chiếc khăn ăn, nhưng lần này thì trống trơn, không có dòng chữ hay hình vẽ gì cả. Nhìn mặt bọn chúng thất vọng, tôi mới hiểu ra, tất cả chúng nó đều mong ước có một ai đó biểu lộ tình thương yêu ngọt ngào giống vậy đối với chúng. Lúc đó lòng tôi len lén cảm thấy vui vui, dâng lên niềm tự hào về bố. Tôi vội về làm lành với bố, và những dòng chữ, những hình vẽ yêu thương lại tiếp tục.
Những năm còn lại trong trường trung học, tôi vẫn đều đều có những chiếc khăn đặc biệt ấy. Và từ đó, tôi giữ lại, chứa trong một cái hộp riêng, giấu kín.
Chưa hết, khi vào đại học, tôi phải rời xa bố, tôi nghĩ thông điệp xưa kia của bố sẽ phải chấm dứt. Nhưng tôi và bạn bè rất vui sướng vì những cử chỉ biểu lộ tình cảm của bố tôi vẫn tiếp tục qua hình thức khác.
Ở bậc đại học, dĩ nhiên không còn thấy bố tôi đứng chờ khi tan học, vì thế, tôi hay gọi điện thoại cho ông, chi phí điện thoại khá cao, nhưng không sao, tôi chỉ muốn nghe được giọng nói của ông mà thôi.

Suốt năm học đầu tiên, chúng tôi quen lối nói chuyện như thế và sau đó kéo dài một năm. Thường thì sau khi tôi nói lời tạm biệt, câu cuối cùng không bao giờ thiếu.
– Này Tammy
Tôi thường trả lời: – Dạ, gì thế bố?
– Bố thương con nhiều.
– Con cũng thế. I love you!

Hình như bố tôi nhận ra chi phí mắc mỏ cho những cuộc điện đàm, từ đó, tôi bắt đầu nhận thư mỗi thứ sáu. Ban thường trực phát thư của trường đều biết ai là người thường gửi lá thư này, mặc dù địa chỉ hồi âm luôn luôn ghi là 
KBC 1678. (Sau này tôi khám phá ra, KBC viết tắt là Khu Bưu Chính, địa chỉ trong quân đội ngày trước nơi bố tôi phục vụ. Còn số 1678 dễ quá, là số nhà tôi hiện tại).
Nhiều lúc bên ngoài bì thư, địa chỉ được viết bằng bút chì và tiếp theo đó là những lá thư có hình con mèo và con chó của gia đình tôi, có vẽ những hình tháp nhiều từng, hình cây cầu nhiều nhịp in trên sóng nước. Hè năm đó, bố tôi và tôi du lịch về Việt Nam, lúc đó tôi mới biết là 
Chùa Thiên M, Cu Tràng Tin…
Sau chuyến du lịch ấy, tôi tìm hiểu về Việt Nam nhiều hơn, nhất là cuộc chiến tranh trước 1975, tôi bắt đầu thấy thương bố nhiều.
Thư đến và được phát mỗi ngày sau buổi ăn trưa. Tôi thường đi nhận thư và mang theo mỗi khi đi uống cà phê. Tôi nhận thấy chẳng cần phải giấu giếm làm gì nữa, bởi bạn cùng phòng tôi là những đứa bạn hồi còn trung học, chúng nó biết rất rõ về những chiếc bao giấy, khăn ăn. Và rồi trở thành như một tập tục, tôi đọc thư, còn bì thư và hình vẽ thì được chuyển khắp bạn bè, thư từ bố tôi thành niềm vui của cả phòng.

Trong năm cuối cùng đại học, bố tôi bị ung thư hành hạ. Mỗi khi tôi không nhận được thư vào ngày thứ sáu, tôi biết ông ốm nặng, không thể viết được. Ông thường thức dậy lúc 4 giờ sáng để có thể ngồi trong nhà yên tĩnh nắn nót viết những lá thư. Nếu không kịp cho đợt phát thư vào thứ sáu, thì chỉ sau đó, một hai ngày, thế nào rồi thư cũng đến. Bạn bè tôi bầu ông là 
Người cha thương con nht thế gii!.
Ngày lễ cha, Father’s Day, chúng nó gởi một tấm thiệp phong tặng ông danh hiệu đó và tất cả đều ký tên trên tấm thiệp. Tôi tin rằng ông đã dạy cho tất cả chúng tôi về tình phụ tử, bạn bè tôi bắt đầu nhận những tấm khăn ăn giống như tôi từ gia đình chúng nó, với những lời để lại ấn tượng mà sẽ thôi thúc họ hãy biểu hiện tình thương của họ với con cái sau này.
Suốt thời gian đại học, những lá thư và những cú điện thoại như một chu kỳ đều đặn.
Ngày ra trường, tôi quyết định chọn công việc làm gần nhà, để được ở cạnh bố tôi, vì căn bệnh bố càng ngày càng nặng. Thời gian được ở gần bố không còn bao nhiêu lâu nữa.
Đó là những giây phút khó khăn, đau khổ nhất cuộc đời tôi phải trải qua.
Tôi ở bên cạnh bố tôi một vài ngày trong bệnh viện trước khi ông mất. Vài giờ trước khi hấp hối, ông nắm tay tôi bảo: “Bố nhờ con một điều, con về nhà lấy cho bố cái hộp gỗ mà bố để trên đầu tủ, đây là hộp chứa đựng những kỷ niệm đời lính mà bố yêu thương nhất. Bố muốn nhìn nó lại một lần”.
Tôi lái xe về nhà, và cũng tìm ra ngay chiếc hộp phủ đầy bụi thời gian. Có gì bên trong? Tôi tò mò mở nắp hộp. Mắt tôi bắt đầu cay cay nhòa lệ, khi nhìn thấy những tấm hình của bố tôi còn trẻ, trong những bộ quân phục thật oai phong. Có những tấm cầm súng đằng sau chiến trường còn bốc lửa khói. Lật ra đằng sau, những ngày tháng cũ, 1968, 1970, 1971, 1972… với những địa danh xa lạ: An Lộc, Bình Long, Đồng Xoài, Khe Sanh… Dưới đáy hộp là căn cước quân nhân, giấy giải ngũ và những tấm huy chương, bộ lon gắn trên cổ áo khi ông mặc áo quần lính.

Bây giờ thì tôi mới hiểu hết, không còn mặc cảm hình ảnh có ông bố tàn tật chỉ biết lo việc “nội trợ”, ngược lại là đàng khác, bố tôi đã một thời là một người lính chiến oai hùng, đổ máu hy sinh một phần thân thể mình cho cuộc chiến bảo vệ quê hương.
Rõ ràng bố tôi chăm sóc tôi, vui vẻ làm những việc của người phụ nữ bao nhiêu năm nay, chỉ vì tình thương con mà thôi. Ông thật là người cha tuyệt vời.
Tôi ôm cái hộp, chạy gấp lại bệnh viện, định nói lời xin lỗi với người cha thân yêu của mình, nhưng đã quá muộn! Người y tá trực cho biết, bố tôi vừa trút hơi thở cuối cùng. Rồi người y tá trao cho tôi chiếc khăn giấy nhà thương, với dòng chữ cuối cùng run rẩy của một người cha dành cho con “Tammy, bố thương con nhiều! Vĩnh biệt!”.
Nước mắt tôi trào ra như suối, cầm tấm khăn giấy trong tay áp vào ngực, tấm khăn giấy cuối cùng, mà cả cuộc đời này mãi mãi tôi sẽ không bao giờ còn nhận được nữa.
Lúc liệm xác bố, tôi bỏ theo khăn giấy đã đổi màu vàng khè, nhưng tình tôi dành cho người bố càng ngày càng thắm thiết, bất diệt, muôn đời không thay đổi…

=============================================================

 tranh của Mori Izymi, Nhật Bổn
====================================

Thursday, October 19, 2023

trường Đồng Khánh

 

đò Thừa Phủ 







Trường Đồng Khánh

Tôn Tht Tu

Tôi có học trong Kinh Di Đà của Phật

Lúc sắp chết mà nhất tâm bất loạn

Một lòng nguyên nghĩ tới Tây Phương

Tất sẽ được đưa về miền Cực Lạc.

Nếu lúc ấy tôi nghĩ tới trường Đồng Khánh

‘’linh hồn tôi vội vã vẽ chân dung”

như Nguyên Sa vội vẽ người áo lụa Hà Đông

linh hồn tôi sẽ được đưa về trường Đồng Khánh

làm con dế nghe trống đánh “muốn chồng, muốn chồng”.

 

Lúc sắp chết mình như đứng ở bến xe đò

Về Vĩnh Long hay về Rạch Giá, Cần Thơ…

Chọn xe buýt số 3 về Bến Ngự hay số 2 đi Bao Vinh.

Tự do mà! Nói thiệt đa, tự do triết học,

Cho tự do bước lên xe buýt,

Số 5 Từ Đàm ngừng cửa Đồng Khánh của em yêu,

linh hồn tôi chọn nơi nầy làm chỗ đến,

không đi chùa, đường tưởng lầm tôi.

 

Tháng mười nầy, chiều thu nên thơ huyền nhiệm

Nhìn lại đời, cảm ơn Trời Phật Chúa, cảm ơn cha mẹ

Cảm ơn đời cho tôi rất nhiều hình ảnh đẹp vô cùng

lòng run lên như nhìn ảnh Mẹ Maria, ảnh Phật Bà,

những hiện thân của Mẹ và của Bà

đức vô nhiễm theo nghĩa trần gian nơi tà áo trắng

được làm chứng bởi dòng nước biếc của sông Hương.

Qua cổng trường tôi biết nhiều người đẹp,

nói vô duyên, chỉ vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương, không quen biết mà nhớ Kim Đính Bao Vinh, nhớ vô cùng má núng duyên chôn lòng lãng tử, cả càn khôn trời đất nhật nguyệt.

Này một Lan bé tý giặt áo bờ sông Bến Ngự. Như xưa thiếu phụ giặt lụa bên sông cho Hàn Tín bát cơm, Lan cho tôi ý niệm đời người, mong manh vô định mà thôi.

Ông bạn tôi, đốc tờ bên Mỹ khen tôi có một niên giám người đẹp xứ Huế rất dài, rất dày. Bạn Lộc, nhà cũ số 1 Hàng Bè, bạn ơi, lắm mối tối nằm không.

Nước sông Hương lụt lớn năm ba sập thành

Đã đẩy tuốt vô Nam một trò tiểu học Đồng Khánh

Nàng vô Nam để biết nấu chuối chưng và đổ bánh xèo

Làm dưa giá ăn với thịt kho, kho chung cá lóc và hột vịt; Ôi Nam Kỳ ăn cho chết không hết gạo cơm.

Nàng làm vợ tôi, kẻ chuyên đấu láo, vô tích sự, công chức quèn, hút Bastos, đi xe đạp. Thầy tử vi đoán đúng: thân cư thê, sống nhờ vợ. Nàng vô rừng bới cho tôi nhiều thứ nhưng quý nhất là bánh thuốc lào, say té ngửa thấy đời như mây khói.

Về Đồng Khánh, nói răng cho ngạ. Nhưng mà thôi, nếu đời nầy mà bạn bị Đồng Khánh hất hủi, trước khi lìa đời hãy nhất tâm bất loạn, nghĩ tới những chiếc đò ngang với áo trắng nữ sinh như thiên nga hồ Thúy ở cõi tiên, loài cầm quý giá nầy sẽ chở bạn vào nơi mong mỏi lâu nay. Đồng Khánh trong cảnh giới mới sẽ không phụ lòng ai. Đồng Khánh hóa thành bạn, bạn thành Đồng Khánh như Trang Chu hóa bướm, bướm thành Trang Chu. Bạn sẽ có một Đồng Khánh mới, siêu thực, đầy tin yêu và tình người.-

Georgia, USA, tháng mười 2023.

Mozart Petite Musique de Chambre





Wednesday, October 18, 2023

văn chương tượng trưng Pháp

 



năm mươi năm một bài phi lộ

Pierre Đỗ Đình 1936

Ngày 18 Sept 1886 tờ Figaro Littéraire đăng bài phi lộ của nhóm thi sĩ Pháp thường được gọi là bọn linh lạc (décadents), tiêu biểu thời văn mạt, do Jean Moréas viết. Năm nay (1936) là ngũ thập chu niên của lời phi lộ ấy, phi lộ của phái đã đề xướng lối văn thâm trầm bóng bẩy mà người Tàu gọi văn tượng trưng, dịch từ chữ symbolisme.

Jean Moréas (1865-1910)

Phàm những chữ như cổ điển (classicisme), lãng mạn (romantisme) để chỉ một văn thuyết, một quan niệm đều khó giải cho tinh tường. Chữ symbolisme cũng vậy. Cứ để nguyên văn là hơn; những tên dịch xét ra không đúng lắm và gây nhiều ngộ  nhận.

Tên là vậy, còn nghĩa thì sao? Thơ của Charles Baudelaire, bài Correspondances (liên lạc) là nguồn gốc và kiểu mẫu cho thơ symboliste. Có đoạn:

La Nature est un temple où de vivants piliers
Laissent - parfois sortir de confuses paroles ;
L'homme y passe à travers des forêts de symboles...

Tạo vật như cái đình lớn, mỗi phần đều liên lạc với toàn thể, như mấy cái cột trông tưởng không liên lạc với nhau mà vẫn cùng nhau một mối duy nhất (une ténébreuse et profonde unité). Những hương, sắc, thanh, giao hưởng phản động lẫn nhau, đều có tương đồng tương tự như những tiếng vang cùng nhau hòa lẫn (comme de longs échos qui de loin se confondent), để phát biểu thâm ý của Tạo hóa, lý huyền diệu ở đời (qui chantent les transports de l'esprit et des sens), ý tưởng trong văn thơ và triết học.

Symbole tức là nói bóng, lấy những hương, sắc, thanh làm vang bóng tiêu biểu, làm lốt áo cho ý tưởng. Vạn vật đều ngụ ý duy nhất của trời đất. Ý nghĩa symbolisme nằm trong bài thơ đó, một quan niệm về vũ trụ, một thuyết văn chương chủ nói bóng.

Symbolisme nhóm lên để phản đối nhóm từ tảo (parnassien) trọng cái tinh xảo bề ngoài; phản đối cách thực thà của phái tả chân (naturalisme) chỉ nhìn ngoại tướng của sự vật, không để ý đến ý tứ bên trong. Phái lãng mạn (romantisme) mang cảm tình nông nổi, ý tứ tầm thường, câu văn kêu nhưng rỗng.

Đã chủ ở nói bóng thì symbolisme tất trọng cái ẩn ở trong hơn là cái hiện ở ngoài. Cảm tình của phái lãng mạn bồng bột ở ngoài nay thu ẩn vào trong lòng kín đáo, ít phát lộ ra lời. Lời ít mà thâm trầm, bao hàm những tình cảnh âm thầm trong tim, những nỗi dày vò khép mở, những u ẩn trong cõi lòng.

Symbolisme bây giờ quy tụ Stéphane Mallarmé, Paul Verlaine v.v.. và lớp trẻ như Paul Valéry, Henry de Régner, André Gide, Jean Moréas v.v...

Ngay lúc đầu đã có tính cách tôn giáo. Thứ nhất, thiên trọng nội cảnh trong tâm, những huyền diệu kín đáo hơn là hình sắc bên ngoài. Thứ hai là phân ra kẻ trong đạo, người ngoài đời, người thanh kẻ tục, người thông kẻ ngu. Điều nầy quan trọng vì từ nay phân ra hai hạng độc giả, hai hạng văn chương. Thứ ba, từ nay các nhà mỹ thuật phải hết lòng thờ thần Mỹ Thuật mà chỉ có mình mới tới gần được mà thôi. Thế thì văn thuyết nầy thành thuyết luân lý (éthique), một tôn chỉ đạo đức của nhà văn. 

Trong diễn văn đọc tại tỉnh Vichy kỷ niệm sinh nhật Symbolisme, Paul Valery nói rằng không có một thuyết chung nào cho symbolisme, mỗi người một ngả, rồi trở về những khuôn mẫu thế kỷ 17, 18. Những hình thức cổ điển nay chứa đựng cảm tình thâm trầm, tinh vi mới mẻ hơn nhiều. Paul Valery phát biểu tiếp:

"Tuy vậy họ giống nhau ở một điều (nhưng là điều nằm ngoài phạm vi của esthétique); họ có chí nguyện chung là không cần số đông, không cầu lời khen của quần chúng (grand public); khinh thị những lời phê bình của giới quyền thế, coi thường lời phê phán của những người hiện có địa vị trên văn đàn. Họ chẳng ham lợi lộc danh vọng. Họ chuộng những bậc hiền giả, anh hùng, những bậc mô phạm đúng trong quan niệm đạo đức của họ.

«... Nghĩa là họ muốn người đọc sách nghĩ ngợi như người viết sách. Đó là điều mới lạ cốt tử của phái Symbolisme; là một sự biến cải quan trọng: từ nay nhà văn cho bạn cho mình, nghĩa là chọn độc giả trong những người có trí óc khả dĩ chịu khó suy nghĩ. Nhờ đó, những bộ óc vừa sáng vừa bạo mới dám viết những tác phẩm khó và khô khan, cầu kỳ, những âm điệu mới; nói chung là những phát minh".

Quan niệm về thiên chức của nhà mỹ thuật, nhà văn có phần kiêu ngạo, khinh đời ngạo thế. Đó là chủ trương quý tộc (aristocratique) trong văn chương. Thơ văn dành riêng cho thiểu số có thiên tư hơn người. Chính là ý trong câu hỏi của Trạng Trình: Cao khiết thùy vi thiên hạ sĩ... Tuy vậy, điều nầy đã giúp cho những ai yêu mến văn chương có niềm tin tự nâng đỡ trên đường đến mục đích.

Phi lộ 1886 giải bày rành mạch lý tưởng bài thơ của Baudelaire nêu trên. Bài viết cầu kỳ giữ nét ngạo thế chê đời. Xin mời xem một đoạn:

Charles Baudelaire (1821-1867)

trích: "Phản đối lối dạy học, thói kêu gào, nghề cảm động giả dối, cách tả cảnh chân thật [Ennemie de "l'enseignement, la déclamation, la fausse sensibilité, la description objective"], thơ symboliste muốn giấu bọc ý tưởng trong hình sắc, mục đích không phải tả hình sắc của sự vật mà dùng nó để tả ý tứ hàm ngụ ở trong. Tỷ như vẽ bức tranh của tạo vật, kể những hành vi người đời, tả những sự việc thực hiện ở vũ trụ không phải để diễn những cái đó ra mà vì hình, sắc, bóng, dáng của vạn vật phát biểu mối liên lạc huyền diệu của các ý tưởng đầu tiên.

"Có kể chê lý thuyết ấy mờ tối. Lời chê dẫu vô nghĩa, song vẫn thường tình. Tránh làm sao được. Thuở xưa, thơ Pythiques của Pindare, kịch Hamlet của  Shakespeare, sách Viia Nuova của Dante, kịch Second Faust của ông Goethe, truyện Tentation de Saint Antoine của Flaubert cũng đều bị người đồng thời chê là mờ tối.

"Muốn diễn tả quan niệm rộng lớn như vậy, thi văn symboliste phải là một thứ văn mẫu mực (archétype) phức tạp (complexe): những chữ hãy còn mới mẻ, những điệu văn cứng cáp đi đôi với điệu văn mềm mại uốn éo, những chữ thừa mà ý nghĩa, những chữ thiếu mà bí mật, những câu nói nửa chừng..." ngưng trích

Suốt bài phi lộ mang cái giọng như thế.

Kể như thời thế nước ta ngày nay mà an nhiên nói chuyện văn chương giữa những tiếng than thở của người đời, kể cũng là khó, cũng phải nhẫn tâm lắm. Có lẽ thời buổi của chúng ta chưa phải là thời buổi văn chương. Song đã nói tới văn chương thì nên hiểu văn chương thế nào.---

Ghi chú

Trên đây là bài viết bằng tiếng Việt của Pierre Đỗ Đình (1909-1970) trên tập san 1936 của Hội Giáo Dục Bắc Kỳ (Société d'enseignement mutuel du Tonkin), bỏ những chữ rườm rà nhưng không thay đổi. Tác giả tên Việt là Đỗ Đình Thạch chuyên viết Pháp văn nhiều hơn Việt văn, về triết lý và văn chương. Ông có dạy đại học Huế chừng 1959, 1960.

Tác giả không nói rõ lời phi lộ nầy là bài Symbolisme mà nhiều người xem như tuyên ngôn của trường phái tượng trưng. Tác giả cũng không nói người viết Jean Moréas gốc Hy Lạp, sính tiếng Pháp. Phi lộ nầy rất dài được chèn giữa bằng một hồi kịch ngắn minh họa lập trường mới.

Quan niệm liên lạc của symbolisme, về triết lý, không có gì khó hiểu với những người đã biết triết lý Đông Phương; tuy nó rất mới lạ với Tây Phương. Tây Phương chủ trương duy lý và phân tích như năm ngón tay cứ hướng ra ngoài thì ngày một xa nhau. Quy về một mối được diễn tả khác nhau trong ba tôn giáo Khổng Lão Thích.

1936, Pierre Đỗ Đình mừng sinh nhật lời phi lộ nầy vì trong thời gian học và làm việc ở Pháp ông chuyên chú các tác giả trong khuynh hướng nầy. Đã lâu lắm ông bắt đầu dịch La Porte Étroite của André Gide nhưng đến 1936 mới xuất bản ở Hà Nôi với nhan đề Tiếng Đoạn Trường. Như ông viết trong bài, Symbolisme có khuynh hướng tôn giáo. Thực tế hơn một số lớn thi sĩ đã hướng về Christianisme nói chung gồm Tin Lành và giáo hội Vatican. Theo vài người nhận xét ông đã bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi Paul Claudel.

Do đó ông đã rước lễ thành một con chiên của giáo hội La Mã Vatican trên chiếc tàu thủy từ Pháp về xứ năm 1937. Ông lấy tên thánh là Pierre, là đá, là thạch, như các tên Peter, Petro. Từ nay ông mang tên Pierre Đỗ Đình. Chúng tôi có gặp ông ở Huế trong mươi lăm phút, ông ăn nói nhỏ nhẹ, khiêm tốn, dễ mến. Lúc ấy Viện ĐH Huế liệt kê tên ông theo lối Việt là Đỗ Đình Thạch.

Chúng tôi xin trích phần tiếng Pháp mà Pierre Đỗ Đình dịch:

Ennemie de "l'enseignement, la déclamation, la fausse sensibilité, la description objective", la poésie symbolique cherche à vêtir l’Idée d'une forme sensible qui, néanmoins, ne serait pas son but à elle-même, mais qui, tout en servant à exprimer l'Idée, demeurerait sujette. L'Idée, à son tour, ne doit point se laisser voir privée des somptueuses simarres des analogies extérieures ; car le caractère essentiel de l'art symbolique consiste à ne jamais aller jusqu'à la concentration de l'Idée en soi. Ainsi, dans cet art, les tableaux de la nature, les actions des humains, tous les phénomènes concrets ne sauraient se manifester eux-mêmes ; ce sont là des apparences sensibles destinées à représenter leurs affinités ésotériques avec des Idées primordiales.
L'accusation d'obscurité lancée contre une telle esthétique par des lecteurs à bâtons rompus n'a rien qui puisse surprendre. Mais qu'y faire ? Les Pythiques de Pindare, l’Hamlet de Shakespeare, la Vita Nuova de Dante, le Second Faust de Goethe, la Tentation de Saint-Antoine de Flaubert ne furent-ils pas aussi taxés d'ambiguïté 
Pour la traduction exacte de sa synthèse, il faut au symbolisme un style archétype et complexe ; d'impollués vocables, la période qui s'arc-boute alternant avec la période aux défaillances ondulées, les pléonasmes significatifs, les mystérieuses ellipses, l'anacoluthe en suspens....

================================================================

nhà sách Saigon
==========================================









Monday, October 16, 2023

 


Hòa Ước Bảo Hộ . Sấm nổ bể trời . Thợ rèn nấu ấn

Tôn Thất Tuệ

Hòa Ước Giáp Thân 1884 (hòa ước Bảo Hộ, hòa ước Patenôtre) thiết lập nền bảo hộ, chi tiết hóa hòa ước Qúi Mùi năm trước, minh thị xác nhận vị trí của Pháp và chính thức chia ba nước Việt, lấy ba tỉnh Thanh Nghệ Tịnh của Bắc Kỳ và Phan Thiết của Nam Kỳ giao cho An Nam. Hòa ước nầy ký ngày 6 thg 6, 1884 chưa đầy một tháng sau khi Pháp và Tàu ký hiệp ước Thiên Tân ngày 11 thg 5, 1884, theo đó Tàu công nhận quyền bảo hộ của Pháp tại VN; Tàu chấp nhận điều nầy vì Pháp đã đuổi khỏi Đông Dương 200 ngàn quân Thanh vua Tự Đức yêu cầu Tàu gởi đến. Tàu thua trận Pháp Hoa nầy.

Trước khi ký hòa ước, triện ấn Tàu cấp cho nhà Nguyễn để dùng trong các quốc thư được thiêu hủy trong một buổi lễ trang trọng.
Mặt ấn, không khó tìm ra vì đã được đóng trên thư gởi Bắc Kinh và, trước khi nấu ấn, đóng trên nhiều tờ giấy rời. Theo Pierre Daudin, nửa bên phải ấn có sáu chữ Hán: Việt Nam Quốc Vương Chi Ấn và nửa bên trái sáu chữ nầy viết theo lối triện của Mãn Châu. Hình ấn được luân lưu trên internet, trích từ sử của nhà Thanh.

Patenôtre, đại diện nước Pháp, trên cả phái bộ Pháp (Légation de France), người ký hòa ước, đã nhiều lần muốn giữ ấn nầy cho Thư Viện Pháp, ngay cả phút chót, trước khi ấn bỏ vào lò, ông còn hỏi lại nên giữ hay hủy. Thái độ của Patenôtre chỉ do khiếu văn hóa của Pháp, muốn giữ bảo vật hơn là một ý hướng chính trị. Ông có dư quyền để quyết định nhưng đã nhiều lần để cho triều thần nhà Nguyễn quyết định. Lần đầu ông đề cập với Nguyễn Văn Tường, phụ chính đại thần, cũng không xong. Và quyết định nấu ấn thành hình.

Nguyễn Văn Tường giao việc nấu ấn kiểu cách nầy cho một đại thần khác mà thông tín viên của hãng tin Havas gọi là Premier Ministre (thủ tướng, thừa tướng) chúng tôi không biết là ai và chức vụ chính thức là gì. Nguyễn Văn Tường đi ra ngoài khi ấn được nấu và trở vào ký hòa ước. Pierre Daudin trách quần thần không giữ kỷ vật và kỷ niệm cho vị vua số một của họ.

Chúng tôi thiết nghĩ lúc nầy nền bảo hộ của Pháp đã ăn rễ, đã thi ân cho nhiều người. Các đại thần nầy thấy cần biểu lộ tối đa sự chuyển hướng mới trọng Pháp, sá chi chút kỷ niệm của người xưa. Nguyễn Văn Tường, sau khi ký, miệng cười tươi nói với Patenôtre chữ ký của ông sẽ tồn tại mãi, nghĩa là nền bảo hộ tồn tại mãi.

Chúng tôi khó nghĩ về chính khuôn dấu ấy. Mặt dấu không nói VN là chư hầu của Tàu; ấn chỉ làm bởi Tàu tại Tàu, made in China như bây giờ Tàu in cờ Mỹ và biểu ngữ 'I Love America'. Ấn không ghi gì hơn ngoài sáu chữ Việt Nam Quốc Vương Chi Ấn. Có thế nói tính cách chư hầu trong sáu chữ lối triện kiểu Mãn Châu hay không. Nhưng VN thời ấy dùng Hán Tự làm ngôn ngữ chính quyền hành chánh, chữ Tàu có nhiều cách viết mà vẫn là Hán Tự.

Việc tiêu hủy ấn nầy đi ngược với thực tế chính trị, VN cũng như các nước nhỏ khác chịu triều cống nhưng hoàn toàn độc lập. Nay hủy ấn nầy có nghĩa là xác nhận tình trạng làm chư hầu. Quan lại nhà Nguyễn thừa sức biết người Pháp không đối xử VN như Tàu, ngoại trừ thời gian đô hộ tiền sử và thời Minh. Tuy ấn nầy được một người Pháp nêu với Bộ Ngoại Giao Pháp, quan lại nhà Nguyễn nhiệt tình hủy nó, nấu chảy một cách trang trọng. So với Patenôtre, quan lại VN bảo hoàng hơn vua. Tuy thái quá, thái độ nầy dưới mắt của người nghiêm nghị thoang thoảng dư vị của Ngô Khởi giết vợ cầu vinh. Không dùng nữa thì vất đi, cần chi nấu chảy một cách đầy kịch tính ngay trong Tòa Khâm Sứ. Mà hủy thì hủy ở Thái Miếu như đốt vàng mã cho tiền nhân. Đốt hủy tại Tòa Khâm!
Việc sấm sét bể trời do chính Patenôtre mô tả rõ ràng. Nguyễn Văn Tường ký giữa sấm chớp. Nhà ngoại giao nầy khá tinh ý, diễn tả sự kiện một cách có thể giải thích là điềm lành hay dữ. Ông nói thiên nhiên đã cho cuộc ký kết nầy một điều trang trọng bi thảm (une solennité dramatique). Một điều trang trọng bi thảm?! Pháp đã dành cho Nguyễn Văn Tường vinh dự thứ nhất là ký sau cùng vào dự thảo hòa ước. Patenôtre đã ký, hai ông Duật và Phan đã hạ bút lông ký
  記.

Hiệp ước 1884 về phía VN được ký kết bởi ba đại thần: Phụ Chính Nguyễn Văn Tường, Toàn Quyền Phạm Thận Duật và Phó Toàn Quyền Tôn Thất Phan. Lúc ấy vua Kiến Phước là một con bệnh chờ chết hai tháng sau.  Nhân vật ngang với Nguyễn Văn Tường trong chức vụ phụ chính là Tôn Thất Thuyết nhưng diễn trường thuộc quyền điều động của Nguyễn Văn Tường. Năm sau 1885 khâm sứ Pháp de Courcy ra lệnh hai ông trình diện ở Tòa Khâm, một mình Nguyễn Văn Tường đến; Tôn Thất Thuyết cáo bệnh, de Courcy dọa tống giam. [Đi xa hơn, vì vậy Phan Khôi đã 'mạt sát', chữ của Phan Khôi, Tôn Thất Thuyết không chịu hòa với Pháp, nhất là về sau, không chịu hưởng lệnh ân xá của Pháp mà cứ tiếp tục kháng chiến khi vua Hàm Nghi đã bị Trương Quang Ngọc phản bội].

Chúng tôi tìm được ba đoạn ngắn về việc hủy ấn trong bài điểm sách của Nguyễn Văn Tố về tác phẩm ‘Sigillographie sino-annamites' (nghiên cứu ấn triện Việt Hoa) của Pierre Daudin xb 1937 Saigon. Bài tiếng Pháp của ông Tố đăng trên tập san giáo dục Bắc Kỳ cùng năm.

1.- Jules Patenôtre, người ký hòa ước, đã viết trong cuốn Souvenirs d'un diplomate, Hồi ký của một nhà ngoại giao.

Việc ký kết hòa ước đã được ấn định thi hành ngày 06.06. Ngay trước khi ký có một sự kiện đầy ý nghĩa và gây nhiều âm vang của thời đại. Đó là việc thiêu hủy quốc ấn mà vua Tàu đã gởi cho vua Gia Long năm 1803 như một biểu hiện bá quyền của Tàu; triện nầy đã được triều đình Huế từ đó dùng để đóng trên công hàm gởi Bắc Kinh. Sự hiện diện của khuôn dấu lịch sử nầy được phát giác bởi ông Devéria, thư ký thông ngôn tại Bộ Ngoại Giao. Devéria tìm thấy trong thực lục của Tàu và lưu ý chúng tôi không nên để trong tay người An Nam bằng chứng chịu làm chư hầu nếu chúng ta muốn An Nam công nhận nền bảo hộ là một thực thể trước mắt.

Khuôn dấu nầy bên trên có con lân quỳ làm tay cầm (nguyên bản chameau, lạc đà) bằng bạc mạ vàng. Mặt dấu hình vuông, ít nhất mỗi bề mười một xăng ti mét. Tổng thể, triện nầy là một vật quý, tôi muốn đưa vào bảo tàng viện Pháp Quốc. Tôi đề nghị Phụ Chính Đại Thần Nguyễn Văn Tường xin chính phủ Pháp cất nó đi trong một thời gian để không ai thấy nữa rồi tính sau.

Nhưng đề nghị của tôi không được chấp nhận. Quyết định từ phía Nam triều là quốc ấn nầy phải tiêu hủy nấu chảy một cách trọng thể trước mặt các đại thần được mời đến dự lễ ký kết hòa ước.

Vì muốn chia bớt trách nhiệm cho các đại thần khác, quan Phụ Chính Đại Thần yêu cầu để cho chừng 20 vị quan phát biểu ý kiến và đề nghị sửa đổi dự thảo hiệp ước. Biện pháp giờ cuối nầy không làm phái bộ Pháp thay đổi ý kiến. Tuy vậy chúng tôi đã để từng vị lên tiếng trong đại sảnh của Tòa Khâm Sứ.

Đã đến giờ định mệnh của cái quốc ấn nầy.

Khuôn dấu đã được chính thức xác nhận là thiệt. Khuôn dấu được chấm mực đỏ đóng trên nhiều tờ giấy để lưu niệm.

Một cái lò bằng đất có ống bệ thợ rèn được đem ra giữa sảnh đường, do hai người dân địa phương thổi lửa.

Lần cuối, tôi hỏi lần cuối các quan lại chứng kiến sự chuẩn bị hỏa lò từ đầu có muốn giữ lại cái ấn của vua Gia Long và gởi nó qua Paris hay không. Không ai đồng ý. Chỉ trong vài phút, biểu tượng chư hầu nầy đã thành một một khối kim loại không hình dáng đặc thù nào.
Quan Phụ Chính Đại Thần không dự phần mở đầu nghi lễ nầy. Ấn đã nấu lõng xong, ngài bước vô đại sảnh, nay ngài chỉ có việc là chuẩn bị sẵn sàng để ký hòa ước đã soạn thảo.
Khi ngài bước chưa đến bàn, một cơn dông tố hung hãn nổ tung, đem cho buổi lễ nét trang trọng bi thảm. Trong tiếng sấm gầm và chớp sáng lòe, ngài phụ chính dùng bút lông ký tên mình dưới hòa ước thiết lập vĩnh viễn nền bảo hộ của Pháp. Hình như ngài không để ý sấm chớp mưa gió. Ký xong, ngài quay sang tôi cười vui nói:
“Chữ ký nầy của tôi, tôi nắn nót, nó có giá trị lâu dài”.

2.- Tác giả Pierre Daudin trích bài tường thuật của một thông tín viên gởi hãng tin Havas tả cảnh tượng nầy như sau:

Đông người ngồi quanh cái bàn lớn giữa đại sảnh của Tòa Khâm. Đô đốc Courbet biệt phái thêm nhiều sĩ quan đến lo an ninh chung với các quân nhân tại chỗ.
Trên bàn, chiếc ấn của vua được đặt bên miếng đệm vải tẩm mực đỏ. Đó là một miếng bạc mạ vàng hình vuông mỗi cạnh từ 10 đến 12 cm, nặng 5kg900. Tay cầm hình con lân quỳ (chameau); lân biểu tượng cho sự thần phục trong văn hóa nghệ thuật Tàu. Một quan thượng thư đọc văn kiện mô tả khuôn dấu, đối chiếu với khuôn dấu, khám xét có trùng nhau hay không. Và chứng nhận là khuôn dấu thực, chính hiệu là nó.

Trong lúc đó, nội dịch đặt giữa đại sảnh ống bệ thợ rèn và một lò nấu. Bệ thợ rèn gồm hai ống viên trụ bằng tre cao 1m50, nối thông lò nấu bằng hai ống tre nhỏ.
Bắt đầu mồi lửa làm cho màn cảnh nầy sôi động. Tiếng bệ thụt lên thụt xuống theo tay hai người địa phương lấn áp tiếng nói của những nhà thương thuyết. Tức thì trong lò đất nấu, than đỏ rực rồi ngọn lửa xanh nhảy múa.

Giờ nấu chảy đã đến. Một người cầm khuôn dấu, chuẩn bị ném vào lửa. Patenôtre giữ tay lại rồi quay qua quan Thừa Tướng mặt nghiêm không cảm xúc, ông nói: "còn thì giờ, chúng ta hãy giữ cái ấn nầy để gởi đi Paris”.
Người đối thoại không trả lời, nghiêng người nói nhỏ vào tai của người bên cạnh, trước khi lắc đầu không ưng thuận. Chỉ vài phút sau biểu hiện nền bá quyền lâu năm của Tàu trên xứ Việt đã tiêu ma thành một khối bạc không hình thù.

3.- Pierre Daudin nhận xét: thật đáng tiếc quốc ấn của vua Gia Long đã chịu số phận thế ấy; người ta có quyền than phiền quyết định không lấy lại được của các đại thần không giữ lại kỷ niệm và kỷ vật của một vương lãnh vĩ đại là Gia Long.
Các khuôn dấu từ thời Minh Mạng, Thiệu Trị vẫn được dùng trong triều chính. Hằng năm các khuôn dấu nầy được chùi rửa một lần. Lễ rửa triện tổ chức long trọng, mọi triều thần đều tham dự. Lễ ấy gọi là Phất Thức. Phất thức cuối cùng (tình từ năm xuất bản 1937) nhằm vào ngày 24 tháng 12 (5 Fev 1937) tại điện Cần Chánh.---

========================================================

Huế, Linh Mụ nhìn qua Nguyệt Biều, xa mờ trời cao là núi Kim Phụng







Friday, October 13, 2023

 


Thư Vua Đồng Khánh gởi Pháp

Liam Kelley, ttt dịch

Những năm 1883, 84 và 85 là một thời gian bi thảm trong lịch sử VN. Những xáo trộn bi thương bắt đầu từ khi vua Tự Đức chết sau 35 trị vì.

Hai năm tiếp theo, bốn bệ hạ bị hạ bệ trước khi Đồng Khánh lên ngôi trị vì bốn năm, một thời gian tương đối dài trong buổi loạn ly. Đồng Khánh đem lại sự ổn định nhưng những điều kiện chính trị và xã hội không còn như thời các vị tiền nhiệm.

Quan trọng nhất là sau khi ĐK lên ngôi không lâu, Pháp thắng nhà Thanh trong cuộc chiến Pháp Hoa. Pháp buộc Tàu từ bỏ quyền bá chủ đối với nhà Nguyễn, chấm dứt mối tương quan đẳng cấp xác lập từ lúc Gia Long khởi nghiệp.

Đồng thời Pháp tiến tới việc nới rộng sự kiểm soát và ảnh hưởng đến công việc của Nam triều. Pháp thành lập một quan hệ đảng cấp giống như giữa nhà Nguyễn và nhà Thanh.

Trong quốc thư đầu tiên của vương nghiệp gởi chính quyền Pháp cảm ơn đã dẹp hai loạn thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường, ĐK đã thưa nước Pháp là quí quốc 貴國 và nước mình là tệ quốc 敝國. Vì lịch sự chăng? Nhưng quốc thư nầy mở đầu giống như thư đầu tiên nhà Nguyễn gởi nhà Thanh.
Bức thư như sau:
兹者憑藉寵靈,保護尊社,存國於喪亡之餘,甚大惠也。敬謝敬謝,且敝國與貴國相好久矣。世祖高皇帝中興之初,貴國實多助焉,迨 翼尊英皇帝,講好修睦二十餘年,毫無釁隙,此在天下萬國之所見聞也.

Tư giả bằng tạ sủng linh, bảo hộ tôn xã, tồn quốc ư tang vong chi dư, thâm đại huệ giả. Kính tạ, kính tạ. Thả tệ quốc dữ quý quốc tương hảo cữu hỷ. Thái Tổ Cao Hoàng Đế trung hưng chi sơ, Quý quốc thật đa trợ yên; đãi Dực Tôn Anh Hoàng Đế, giảng hảo tu mục nhị thập dư niên, hào vô hấn khích, thử tại thiên hạ vạn quốc chi sở kiến văn giả.

Nhờ vào lòng tốt rõ rệt [sủng linh 寵靈] của Ngài mà làng nước [tôn xã 尊社] (của chúng tôi) được bảo vệ, quốc gia tồn tại [tồn quốc 存國] khỏi phải diệt vong [tang vong 喪亡]. Đó thật là một từ tâm quảng đại, là một ân huệ to lớn [huệ 惠]! Xin cảm ơn [kính tạ 敬謝].

Tệ quốc 敝國 và quí quốc 貴國 qua bao nhiêu năm vẫn mến nhau. Từ đầu khi Thái Tổ Cao Hoàng Đế (Gia Long) ra công dựng lại cơ nghiệp [trung hưng 中興], quý quốc đã hổ trợ rất nhiều. Rồi cho đến Dực Tông Anh Hoàng Đế (Tự Đức) trong hơn 20 năm đã củng cố tình hữu nghị, không bao giờ gây một xích mích bất hòa nhỏ nào. Người người xứ xứ đều thấy và làm chứng.

不幸皇天弗弔我皇考,奄棄區宇,權臣阮文祥,尊室說等,假弄國柄,率意忘為。本年五月二十三日京城失守,乘輿播遷。此二人者,實為厲階。幸賴貴國恢弘之量,不忍絕其嗣,奪其土地,人民使寡躬入繼大位,為社稷主。

Bất hạnh, hoàng thiên phất điếu ngã hoàng khảo yểm khí khu vũ, quyền thần Nguyễn văn Tường, Tôn Thất Thuyết đẳng, giả lộng quốc bính, suất ý vong vi. Bổn niên ngũ nguyệt nhị thập tam nhật, kinh thành thất thủ, thừa dư bá thiên, thử thị nhân giả thật vi lệ giai. Hạnh lai quý quốc khôi hoằng chi lượng, bất nhẫn tuyệt kỳ tự, đoạt kỳ thổ địa, nhân dân sử quả cung nhập kế đại vị, vi xã tắc chủ.

Nhưng bất hạnh Trời [Hoàng Thiên 皇天] không đoái thương tổ tiên của chúng tôi, để cho thế sự bất ổn. Quyền thần 權臣 Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết mưu sự tiếm đoạt quốc bính 國柄, hành động táo bạo trái phép. Năm nay 23 tháng 5, kinh đô thất thủ, xa giá phải chạy loạn [thừa dư bá thiên 乘輿播遷]. Hai kẻ nầy thật sự đã tạo loạn [lệ giai 厲階].

Nhưng may thay, nhờ sức mạnh vô biên của quý quốc, nhân dân – vì không muốn việc truyền ngôi gián đoản và mất đất- đã cất cử kẻ hèn nầy [quả cung 寡躬] lên ngôi chăm lo xã tắc [xã tắc chủ 社稷主].

又賴貴都統大臣姑貲,副都統大臣巴惟躭,欽使大臣參逋,吏部尚書大臣生碧,貴列協力周還事事妥帖,大南山河草木,復有今日,皆為貴國之惠也。仁心義舉,萬國同稱,豈惟敝國實感載之。且敝國僻在一隅,向來和好一事,惟臣若民每每疑阻,誠恐貴國不相容耳。今貴國方取之,隨與之,又從而保護之,然後知貴國本無爭取大南之心,且欲大南富强日進,並列於天下,其公心為何如。獨是寡躬才涼德薄,深恐不堪負荷,潮夕競業,不知所爲,惟願貴國庇之,助之,俾得共享和平之福,是大望也。

Hựu lại quý đô thống đại thần Cô Ty, phó đô thống đại thần Ba Duy Đam, khâm sử đại thần Tham Bô, lại bộ thượng thư đại thần Sanh Bích, quý liệt hiệp lực chu hoàn sự sự thỏa thiếp. Đại Nam sơn hà thảo mộc phục hựu kim nhật giai vi quý quốc chi huệ dã. Nhân tâm nghĩa cử, vạn quốc đồng xưng, khởi duy tệ quốc thật cảm tái chi. Thả tệ quốc tích lai nhất ngung, hướng lai hòa hảo nhất sự, duy thần nhược dân mỗi mỗi nghị trở, thành khung quý quốc bất tương dung nhĩ. Kim quý quốc phương thủ chi. Nhiên hậu tri quý quốc bổn vô tranh thủ Đại Nam chi tâm, thả dục Đại Nam phú cường nhật tiến, tịnh liệt ư thiên hạ, kỳ công tâm vi hà như độc thị quả cung tài lương đức bạc, thâm khủng bất kham phụ hà triểu tịch cạnh nghiệp, bất tri sở vi, duy nguyện quý quốc tí chi, trợ chi, tỷ đắc cộng hưởng hòa bình chi phúc, thị đại vọng dã.

Nay nhờ đô thống de Courcy, phó đô thống Prudhomme, khâm sứ đại thần Champeaux và thượng thư bộ lại Sylvestre, chư vị đã phối hợp công sức hành động để cho núi sông cây cỏ Đại Nam một lần nữa được thấy ánh sáng mặt trời. Có vậy là nhờ ở từ tâm bác ái của quý quốc. Nghĩa cử cao đẹp như vậy đủ sức gia ân cho hàng vạn vương quốc. Nhưng vì sao, lành thay, một xứ nhỏ như tệ quốc lại hưởng hết tất cả?

Vương quốc nhỏ bé đáng thương nầy ở một góc nhỏ mà trong quá khứ mọi điều đều thứ tự yên ổn. Tuy vậy nay có một số quan và dân nghĩ bậy và làm quấy. Thiết nghĩ quý quốc không bao giờ tha thứ. Nay quý quốc đã lấy lại đất và trả lại và bảo vệ đất. Như vậy quý quốc không có ý định chiếm đóng Đại Nam, trái lại mong ước Đại Nam thịnh vượng và phú cường 富强, ngang với thiên hạ không thua kém.

Tuy nhiên kẻ vô dụng là tôi, tôi tài hèn đức mỏng, ngại không gánh nỗi việc nước. Từ sáng đến chiều, tôi luôn suy nghĩ nhưng không biết làm gì. Tôi mong ước quý quốc sẽ bảo vệ [tí 庇] và giúp đỡ để chúng ta cùng chung hưởng các ân sủng của nền hòa bình. Mong lắm thay.-

Cùng bức thư này, vua Đồng Khánh phong tước cho bốn người Pháp đề cập trong thư như sau:

Bảo hộ quân vương 保護君王 cho de Courcy [Biếu quý uý đô thống đại thần Cô Ty 表貴都統大臣姑貲]
Bảo hộ công 保護公 cho Prudhomme [Phó đô thống đại thần Ba Duy Đam 副都統大臣巴惟躭]
Bảo quốc công 保國公 cho Champeau [Khâm sứ đại thần Tham Bô 欽使大臣參逋]
Hộ quốc công 護國公 cho Sylvestre [Lại bộ thượng thư đại thần Sanh Bích 吏部尚書大臣生碧].--



*Ghi chú của người dịch

Henry Roussel de Courcy đến Huế ngày 3 thang 7, 1885 khi được bổ nhiệm Khâm Sứ An Nam. Trước đó ông chỉ huy quân đội thuộc địa Pháp ở Bắc Kỳ. Việc đầu tiên ở nhiệm sở mới là kêu Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đến trình diện ở Tòa Khâm. Chỉ một mình ông Tường đến, ông Thuyết cáo bệnh. De Courcy dọa sẽ tống giam. Quan khâm sứ ra lệnh phải mở cửa chính ở Ngọ Môn để ông và quân lính đi vào; lệnh thứ hai là vua phải rời ngai vàng bước xuống thềm nghênh tiếp ông.
De Courcy đã đưa Nguyễn Phúc Ưng Kỷ lên ngôi, niên hiệu Đồng Khánh. Nhưng Phong Trào Cần Vương còn hoạt động. de Courcy không thể diệt trừ, chính phủ Pháp bèn cử Paul Bert hoàn tất bình định hóa.
Một độc giả bình luận rằng sĩ tử đã chơi khăm trả thù dân tộc bằng cách phiên âm tên của ba người Pháp với các chữ xấu xa.
de Courcy* Cô Ty= 姑貲 ; Ty = trốn thuế, vượt ngục, lưu manh
Prudhomme = Ba Duy Đam ; Đam 躭 = làm lỡ, làm chậm trễ công việc; ham mê sắc dục
Champeaux = Xâm Bô ; Bô 逋 = tù đào thoát.

====================================================

Huế, ngày nào xa xưa
==============================