add this

Friday, May 26, 2023

 

trường bá công Huế

Tôn Thất Tuệ

Tôi có hai anh trai lớn tuổi hơn nhiều và chỉ thấy hai lần. Một lần hai người đánh trống thổi kèn nói là rước ảnh Phan Bội Châu từ trên dốc Bến Ngự xuống phố; tôi ở trên lầu Bác Xoáy Xe Đạp nhìn xuống thì thấy ảnh Hồ Chí Minh chưng trên kiệu. Lần thứ hai, riêng rẻ, anh lớn nhất về nhà quát tháo bắt bốn đứa nhỏ nhất ngồi học, rồi đi ngay; mấy đứa nhỏ xếp vở là xong. Anh thứ, chui rào qua nhà cậu Thân Trọng Hy (giám học Nguyễn Tri Phương) bắt con vịt xiêm cho đá với con gà cồ, xong đem trả lại. Thế rồi sau khi hồi cư và chiến tranh Việt Pháp 1945 tạm ngưng thì nghe tin hai anh tôi đã chết trong các cuộc hành quân vùng Cổ Bi, Suối Nước Nóng. Một điều rất mơ hồ, nghe nói hai anh học trường Bá Công.

1950 tôi trở về Bến Ngự, 1952 thi vào đệ thất Khải Định học ở trường Việt Anh. Sợ ma nhà xác đường Ngô Quyền, chúng tôi rủ nhau đi hướng Nguyễn Huệ ra Hàng Đoát rồi đi lên. Từ nhà đi ra thì qua Tòa Án, chỉ một ô đường (a block), vượt qua Hàng Long Não là một trại lính Pháp chiếm cả một block từ Nguyễn Trường Tộ đến Hai Bà Trưng Hàng Muối. Sợ mấy ông tây, chúng tôi đi bên mép ruộng. Nghe nói khu đồn Tây nầy xưa kia là trường Bá Công.

Cứ xem ký ức nầy bắt đầu từ khi chộ Trường Bá Công 1952 thì đến nay 2023 đã 70 năm, tôi mới biết hai anh không về nhà là học nội trú Bá Công. Số là nhờ một cuốn sách rất ngắn mà biết Bá Công có nội trú.

Từ nhà tôi đến trường theo đường chim bay rất gần. Lúc ấy Kiệt Một chưa khai thông qua ngõ ra tòa án nên phải đi ra nhà bác Xoáy đi lên Vườn Bông rồi đi Nguyễn Huệ.

Cuốn sách chỉ gồm bản tường trình ngắn nhan đề Le Centre de formation professionnelle de Hue (Trung Tâm Đào Tạo Chuyên Nghiệp Huế). Cái tên to tác ấy thực sự là École Pratique d’Industrie de Huế (trường chuyên môn kỹ nghệ Huế) mà ông giám đốc Abgrall viết 1930, xb Hà Nội 1931.

1899, niên hiệu Thánh Thái thứ 11, nhà vua ban hành chỉ dụ thành lập một trường chuyên nghiệp; ngay tức thời, trường được dân chúng gọi là Trường Bá Công; Abgrall không nêu tên trong chỉ dụ Thánh Thái là Trường Bác Công Bá Nghệ và người Pháp gọi là École Professionnelle Ba năm trước đó, 1896, nhà vua đã ban hành chỉ dụ thành lập Quốc Học Trường. 

Chính phủ Nam Triều trợ cấp lúc đầu 2 ngàn đồng. Giám đốc luôn là một người do Tòa Khâm chỉ định; thành phần giảng huấn gồm thầy người Pháp và Việt cùng các quản đốc công trường. Trường ốc đầu tiên là hai nhà kho cũ rồi mở rộng thành École Professionnelle de Huế; từ bước đầu, trường đào tạo rất nhiều công nhân được tuyển dụng ngay vào công chánh và hỏa xa. Trong thế chiến thứ nhất, trường đã cung cấp nhiều chuyên viên qua Pháp làm trong các xưởng vũ khí.

Sĩ số lúc đầu chừng một trăm học viên ngoại trú, mỗi người mỗi tháng được trợ cấp 3 đồng. Đến 1917 trường có ký túc xá thuận lợi cho học viên các tỉnh xa, ăn ở hoàn toàn miễn phí. Học viên được cung cấp đồng phục. Chương trình học ba năm gồm lý thuyết và thực hành. Nói là bá công, trăm nghề, chứ thật ra có cả ngàn nghề không hay. Thợ mộc, thơ nề, thợ rèn, sửa xà lang, sửa máy phát điện, sản xuất mỹ nghệ phẩm, sửa nồi súp de tàu hỏa (chaudière) ….đào tạo nhân viên cho mọi sinh hoạt kinh tế.

Vì nhu cầu phát triển và hiệu năng của trường, chính phủ thuộc địa quyết định xây dựng một cơ sở đầy đủ lấy tên mới École Pratique d’Industrie de Huế.

Chương trình học như cũ gồm a. lý thuyết và thực hành (cơ khí, máy phát điện, mỹ nghệ áp dụng, máy hơi nước, họa kiến trúc, họa kỹ nghệ v.v…) b. kiến thức tổng quát (Pháp văn, toán học, khoa học…).

Bên cạnh những đề mục chuyên biệt kỹ thuật, trường mở thêm ba chương trình khác có mục đích riêng.

- Mỗi tuần 5 giờ dành cho học viên mới và thợ, dạy các môn: toán thường thức, tập đọc tập viết quốc ngữ, sơ đẳng về tiếng Pháp và các danh từ chuyên môn Pháp Việt.

- Lớp học về thương mại: thư tín thương mãi, kế toán, đánh máy chữ

- Tu nghiệp học viên tốt nghiệp đã đi làm hay nhân viên các công ty gởi đến.

Về trường ốc mới. Tác giả không nói trường đầu tiên ở chỗ nào, chi nêu họa đồ. Gồm ba xưởng chính, văn phòng, ký túc xá và tư dinh giám đốc. Theo Võ Hương An trong Từ Điển Nhà Nguyễn chỗ nầy ở góc đường Mã Khái và Hậu Bổ trước khi chuyển qua Hữu Ngạn.

Abrigall mô tả trường mới rất đầy đủ, thành một khu vục nằm trọn trong bốn con đường lớn. Tác giả nhấn mạnh trường nằm ngay bờ sông Phủ Cam thuận tiện chuyên chở vật dụng, máy móc cần thiết cho việc huấn luyện như gỗ, thép. Trường ốc như một công viên thoải mái mà học sinh không cần đi đâu xa giải trí, trường có cả sân đá banh, phòng tập thể dục, bệnh xá.

Họa đồ của trường mới cho thấy mức phát triển của khu vực. Họa đồ (lập 1930) khác với với thực tế đường sá và hình ảnh trong ký ức của chúng tôi.

Theo tài liệu địa dư nầy, chưa có cầu Phủ Cam. Đường Nguyễn Trường Tộ chỉ là khúc đường bên hông, từ sông Phủ Cam đến đường Nguyễn Huệ. Chưa có khúc đường từ Nguyễn Huệ đến đường chia đôi QH và Đồng Khánh (đoạn nầy về sau là mặt đường của trường Cán Sự Y Tế). Lúc ấy đã có Ngã Năm tạo nên bởi Nguyễn Huệ, Hai Bà Trưng và Hàng Đoát.

Trường Bá Công đã trở thành trại lính Pháp đảm trách quân cụ cũng như trường QH thành một trại lính. Trường nầy theo cái nhìn của tôi phía ngoài khác rất nhiều. Thứ nhất cổng trại lính rất lớn mở ra đường Nguyễn Huệ, ngó qua đít Đồng Khánh xuyên qua một vùng ruộng sình. Trong lúc ấy theo họa đồ phía nầy không có ngõ ngách, chỉ là hông trái nếu trường xây mặt ra Hai Bà Trưng.Trường xây gần sông để dễ chuyên chở vật phẩm và vật liệu. Đúng vậy, theo họa đồ, cỗng mé bờ sông lớn nhất trong ba cửa vô ra. Nhưng suốt thời gian tôi ở Huế mé bờ sông kín mịt không lối ra vào. Đường Hai Ba Trưng cũng khác. Theo họa đồ, đây phải là mặt tiền. Có hai cỗng, một đi vào văn phòng, một đi vào chỗ ở của ông giám đốc. Đường nầy rất quen thuộc với tôi vì nhà của Phương Lan, cháu ngoại ông TT Bằng có cửa hông ngó qua Bá Công. Phương Lan là học trò của tôi. Cạnh sườn nầy cũng kín mịt trừ một lối rất nhỏ ở gần sông.

Sau khi quân đội Pháp rút lui, địa điểm nầy, không như trường QH trở về ngành giáo dục, đã thành tiểu khu quân sự Thừa Thiên. Đại Úy Đỏ là tiểu khu trưởng đầu tiên. Chúng tôi không biết về sau tiểu khu dời xuống gần trường Sư Phạm chung trụ sở với phái bộ quân sự Hoa Kỳ, MacV, đường Trần Cao Vân.

Tuy tác giả không nói rõ, thiết nghĩ trường dạy bằng tiếng Việt. Abgrall nói lớp thương mãi dạy tiếng Pháp; Abgrall đưa thêm nhiều phụ đính bài học bằng tiếng Việt và tiếng Pháp cũng như ông liệt kê song ngữ một số danh từ chuyên môn.

Xin mở đường dẫn nầy để đọc nguyên văn và xem nhiều hình ảnh: Centre de formation professionnelle de Hué | Gallica (bnf.fr)


cảnh trường và lớp hoc vẽ



Thursday, May 25, 2023


 

Phật không trả lời

Peter Della Santina Tôn Thất Tuệ dịch và phụ đính


Thế giới thường hay vô thường (thời gian), hữu biên hay vô biên (không gian); thân và mạng (tự ngã) là một hay khác; Như Lai có tồn tại hay không tồn tại sau khi chết (Như Lai). Mỗi lập trường đều bao hàm bốn câu: một chính đề, một phản đề, một phối hợp cả hai và một phủ nhận cả hai.

Ðức Phật im lặng khi được hỏi mười bốn câu hỏi này. Ngài mô tả những câu hỏi này như một cái lưới và không muốn bị kéo vào cái bẫy lý thuyết, ức đoán và giáo điều như thế. Ngài nói đó là vì Ngài không bị ràng buộc vào tất cả những lý thuyết và giáo điều nên Ngài đã được giải thoát. Ngài nói những ức đoán như thế đem đến bồn chồn, lo lắng, hoang mang, và đau khổ, và chính nhờ cách tự giải thoát ra khỏi những thứ nầy mà ta có thể đạt giải thoát (toàn diện).

Nhìn chung, mười bốn câu hỏi này ngụ ý hai thái độ căn bản đối với thế giới này.

Ðức Phật nói có hai quan điểm căn bản, quan điểm sự tồn tại và quan điểm về sự không tồn tại; người ta thường quen nghĩ về những điều này và chừng nào người ta còn vướng mắc vào hai quan điểm này chừng đó không đạt được giải thoát. Cho rằng thế giới bất diệt, thế giới vô tận, Như Lai tồn tại sau khi chết, và cái ngã độc lập khỏi xác thân, phản ảnh quan điểm tồn tại. Cho rằng thế giới không bất diệt, thế giới hữu hạn, Như Lai không tồn tại sau khi chết và cái ngã đồng nhất với xác thân, phản ảnh quan điểm không tồn tại.

Hai quan điểm này được giảng dạy bởi các đạo sư của các trường phái khác trong thời Ðức Phật. Quan điểm tồn tại thường là quan điểm của những người Bà La Môn, quan điểm không tồn tại thường là quan điểm của những nhà duy vật và những người theo chủ nghĩa khoái lạc. Khi Ðức Phật không muốn bị kéo vào cái bẫy của quan điểm giáo điều về tồn tại và không tồn tại, thiết nghĩ rằng Ngài có hai điều ở trong tâm: (1) hậu quả đạo đức và (2) thực tế là những quan điểm về tuyệt đối tồn tại hay không tồn tại không đúng với cung cách, chiều hướng thực sự của các sự vật.

Thí dụ, những người theo chủ nghĩa bất diệt thấy cái ngã thường còn và không thay đổi. Khi xác thân chết, cái ngã không chết vì cái ngã có bản chất không thay đổi. Nếu trường hợp này là đúng, dù xác thân làm gì, hành động của xác thân không ảnh hưởng đến số phận cái ngã. Quan điểm này không tương hợp với trách nhiệm tinh thần vì nếu cái ngã bất diệt và không thay đổi, nó sẽ không bị ảnh hưởng bởi hành động thiện hay bất thiện. Tương tự như vậy, nếu cái ngã đồng nhất với xác thân, và cái ngã chết khi xác thân chết, thì cần gì phải nói về hành động của cái thân xác, chết là hết, không có sự hạn chế nào về hành động. Tuyệt đối tồn tại và không tồn tại đều không thể xảy ra, bởi lẽ sự vật tồn tại do các căn nguyên phụ thuộc lẫn nhau.

Thế giới tồn tại tùy thuộc vào nguyên nhân và điều kiện - vô minh, tham và luyến chấp. Khi vô minh, tham và luyến chấp hiện diện, thế giới tồn tại; khi chúng không hiện diện, thế giới ngừng tồn tại. Bởi vậy câu hỏi về tuyệt đối tồn tại và không tồn tại về thế giới không thể trả lời được.

Tồn tại hay không tồn tại được xem như khái niệm tuyệt đối, không áp dụng cho những sự vật thực sự. Ngài nhìn thấy những loại siêu hình tuyệt đối không thể áp dụng đối với những sự vật như thế. Ðó là lý do tại sao Ðức Phật không có ý kiến với những lời tuyên bố tuyệt đối về bản chất của sự vật.

The Tree of Enlightenment, Peter Santina


 


Ni Sư Trí Hải

16 câu hỏi

[Ni Sư Trí Hải (1938-2003) tục danh Công Tằng Tôn Nữ Phùng Khánh tóm lược kinh Man Đồng Tử (thứ 63 của Trung Bộ Kinh). Theo đó có đến 16 câu hỏi; hai câu nhiều hơn liệt kê của Santina. Học giả Mỹ nầy không ghi "cả hai?" và "không cả hai"- both? neither? - về sự tồn tại của Như Lai. Có lẽ Santina làm phép nhân không đúng 4 x4 =16. Có bốn vấn đề, mỗi vấn đè có 4 câu hỏi].

*** Malunkyaputta (Man đồng tử) định bụng sẽ hoàn tục nếu Phật không giải đáp cho mình bốn vấn đề: Thế giới thường hay vô thường (thời gian), hữu biên hay vô biên (không gian) ; thân và mạng (tự ngã) là một hay khác; Như Lai có tồn tại hay không tồn tại sau khi chết (Như Lai). Mỗi lập trường đều bao hàm bốn câu: một chính đề, một phản đề, một phối hợp cả hai và một phủ nhận cả hai, thành 16.
Man đồng tử đi đến bạch Phật: Ngài biết thế nào thì hãy trả lời thế ấy, và nếu không biết hãy thẳng thắng đáp là không biết.
Phật hỏi lại: khi ông xuất gia có được ngài hứa hẹn sẽ giải đáp những điều ấy không. Ông đáp không, Phật dạy do vậy ngài không có gì ràng buộc. Nếu ai xuất gia để mong Phật giải đáp những vấn đề ấy, thì họ sẽ chết mà vẫn không được thỏa mãn.
Ví như người bị trúng tên độc, không lo rút tên ra mà muốn biết lai lịch người bắn mũi tên, tính chất của dây cung và cái tên đã bắn, thì người ấy sẽ chết trước khi biết được. Vì đời sống phạm hạnh không dính dấp đến các vấn đề siêu hình. Dù cho thế giới này thường hay vô thường, hữu biên hay vô biên... thì vẫn hiện hữu, sinh già bệnh chết sầu bi khổ ưu não cần phải đoạn trừ ngay trong hiện tại. Do vậy những gì Phật không giải đáp, hãy thọ trì là không giải đáp, đó là các câu hỏi thuộc phạm vi siêu hình; vì chúng không liên hệ đến mục đích, không phải căn bản của phạm hạnh, không đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, niết bàn.
Những gì Phật có giảng dạy, hãy thọ trì là có giảng dạy, đó là bốn chân lý: Đây là Khổ, đây là Khổ tập, đây là Khổ diệt, đây là con đường đưa đến khổ diệt. Vì những điều này có liên hệ đến mục đích, đưa đến ly tham, giác ngộ, niết bàn.-

===================================


đò ngang (máy xăng) từ chợ Đông Ba cặp bến Đập Đá, Vy Dạ

===========================

Friday, May 19, 2023

từ một ngày mưa núi

 
Đà Lạt một buồi sáng

rơi rớt

từ một ngày mưa núi

Tôn Thất Tuệ

1.

Tù và văng vẵng nhớ quê xưa

Nhớ đến nhà ta khuất lá dừa

Nhớ ruộng lúa vàng bông phấp phới

Nhớ biền bần rạch ngọn đòng đưa.

Năm tui sinh ra đời, Trúc Hà, vì những câu thơ của Nguyễn Ngọc Ẩn nêu trên, xếp vào hộc bài Milly ou Terre Natale của Lamartine. Thơ của ông Ẩn nó lồng lộng trong trí óc, không cần một sự tìm tòi moi xét mà hiểu như đọc thơ Lamartine. Ông không nêu tính cách Nam Kỳ nhưng hậu thế thấy mấy dòng nầy giống như Dạ Khúc của Nguyễn Mỹ Ca, không thắc mắc như Dạ Khúc của Nguyễn Văn Quỳ. (Tâm Hồn Đất Nước, Trúc Hà xb Saigon 1939).

2. Thời cách mạng văn hóa, Yang Hongbinh tố cáo mẹ ruột phản cách mạng và thỉnh nguyện chính quyền đem bắn bỏ. Đảng CS Tàu phê chuẩn yêu cầu của nam học sinh 15 tuổi nầy. Đội hành quyết đã xử bắn người đàn bà bị con ruột tố cáo đốt tờ báo có hình Mao Chủ Tịch. Đảng bộ địa phương ca tụng Yang như thánh sống. Nhưng vài tuần sau Yang bị bắt vì lý do làm con một kẻ phản động. (Naming the Dead, NY Reviews of Books)

3. Dưới trào Louis 15, một bá tước trở về sớm hơn dự định vì sứ mệnh ngoại giao hoàn tất nhanh. Đến nhà, đại quan thấy vợ và một người đàn ông cụp lạc hỳ hục trong phòng. Sau khi quan sát quả tan là vị giám mục sở tại, bá tước bình thản đến mở cửa số, đưa tay bang phép lành cho dân chúng đi ngoài đường bên dưới. Nữ bá tước lênh tênh lang tang cùng với vị giáo lãnh, chạy ra hỏi chồng: ông làm cái dải dút gì thế? (dải rút, dây lưng quần)

Đáp: Đức Ông làm việc của tôi thì tôi làm việc của Đức Ông. Monseigneur is performing my functions, then I do his. (Joke #5, Arthur Koestler, Encyclopedia Britannica).

4. Garum là nước mắm? Gần tháng rồi, đốc tờ kiêm ten nít gia Lê Tập chuyển tin một tượng Phật được khai quật gần thành phố Alexandria, Ai Cập. Cổ sử cho biết Hy Lạp mở đầu nghệ thuật làm tượng từ thế kỷ thứ hai ở vùng Ấn Hy. Phật giáo được quảng bá quanh bờ Địa Trung Hải, đến tận Ai Cập. Chi tiết nầy chỉ là một phần kết quả khai quật. Đoàn khảo cổ còn tìm ra nhiều dấu tích sinh hoạt gia đình, những vật dụng nhà bếp và rất nhiều chum vại. Kỳ thú là một số chất lõng ăn được còn giữ gần 2.000 năm như dầu và garum.

Garum là sản phẩm của Hy Lạp để nêm hay chấm, làm bằng cá ướp chượp gần như nước mắm.

Năm 1918, báo Bulletin Economique de l’Indochine đăng tải bài nghiên cứu khoa học đầu tiên về nước mắm có để cập đến garum. Nếu xem garum như nước mắm thì chỉ có VN và Hy Lạp biết làm của quý nầy. Tàu và Nhật có nước chấm riêng bằng đậu nành. Tờ báo cho biết chính quyền thuộc địa đã có các thể lệ về thành phần dinh dưỡng và ngăn cấm nạn người Tàu làm giả. (Fabrication et Composition du nước mắm, Bulletin économique Mars 1918).

5. Shoot first, think later. Bắn cái đã rồi tính sau. Có khác chi phản xạ Pavlov, con chó và tiếng gõ lon ton. Mỗi lần có mass shooting, Joe Biden thích lắm, có cơ hội chỉ vào Cộng Hòa hiếu sinh, chống phá thai và rất hiếu sát. Giữa tháng tư 2023, nữ thống đốc South Dakota nói trong đại hội tổ chức súng NRA rằng cháu nội của bà hai tuổi đã có khấu súng, súng thiệt, không phải súng nước hai diên. Bà Noem nên thủ vai Mộc Lan Công Chúa thời nay.

6. Huế, một buổi chiều không núm lại được “buổi chiều”, để “buổi chiều” trôi xuôi hay bước xuống đò qua sông. Đà Lạt, một buổi sáng không giữ được “buổi sáng”, để “buổi sáng” theo ánh mắt xuống khuất trong thung lũng anh đào dưới triền sâu. Những nam mô, những amen chẳng làm đếch được gì. (email cũ)

7. Ngồi nhớ những ngày mưa Huế, không tiền, thèm Bastos, thèm Cotab, không dám thèm phở hay bún bò. Cũng như không dám nghĩ đến các nường quyền quý. Lớ xớ thì nghe: mấy đứa con tui, tui đã thuê người giặt áo quần. Khác nào anh Mễ xin việc: a min gô, nô tờ ra ba ho (No trabajo). 

8. Đó mới thiệt là “buồn vào hồn không tên thức giấc lúc nửa đêm thấy chuyện ôi thôi rồi”. Thúy đã đi rồi mà mưa cứ nặng hột. Thúy đã đi rồi. Mời nghe Thanh Thúy



 


Saturday, May 13, 2023

Quốc gia Georgia giữa cũ và mới


Georgia giữa mới và cũ

Resurrecting the Poets of Tbilisi

Maya Jaggi NY Reviews of Books, Nov 24, 2022. TTT lược dịch

 

1947, John Steinbeck, nhà văn Mỹ, viếng cộng hòa xô viết Georgia (GA) và khoái cảm ngạc nhiên thi ca của Paolo Iashvili có người đọc và các thi sĩ GA được chôn cất ngang như vua. Nhưng có lẽ ông không biết rằng Iashvili, cầm đầu thi đoàn Sừng Xanh chung trong nền thi ca tân thời của Đông Âu đang bị đọa, đã tự sát mười năm trước, nhằm lúc Đại Khủng Bố (1936-1938) đã giết các văn gia và xóa mọi dấu tích của họ. Boris Pasternak người đã sống cùng Iashvili tại thủ đô Tiflis (tên mới Tbilisi) đã dịch thơ của ông cho công chúng đọc chui đọc lén. Tác giả tương lai Doctor Zivago viết cho quả phụ Tamar rằng ”tin Iashvili chết đã bóp nghẹt cổ họng tôi”.

Trong khu phố cổ của thủ đô, hiện một bảo tàng viện nhỏ được thành hình nơi Iashvili đã tự kết liễu đời mình 85 năm trước. Cơ sở văn hóa nầy mô tả cuộc thanh trừng của Liên Xô đối với giới văn học và tầng lớp trí thức GA, đồng thời cho biết ước nguyện hiện tại của GA như một quốc gia Âu Châu và bảo toàn tự do văn hóa. Ý nguyện nầy được bày tỏ mạnh mẽ nhân khi Nga xâm chiếm Ukraine. Mười ngàn người GA cầm cờ Vàng Xanh tỏ tình thân hữu với Kyiv.

bích chương Georgia

Dịp nầy là một lần nhắc nhở dân chúng rằng năm 2008, Nga cũng đã xâm lấn GA. Một phần năm (1/5) lãnh thổ hiện bị Nga chiếm đóng (vùng Abkhazia và South Ossetia). Ranh giới South Ossetia tiến xa dần như một bức tường Bá Linh mới; dân chúng tin rằng nếu Ukraine thua thì nền độc lập của GA bị đe dọa trầm trọng.

Tháng 5, 1937, Lavrentiy Beria, thủ lãnh GA trước khi nắm mật vụ của Staline, đã liệt kê Iashvili là đồng minh của nhóm kẻ thù của nhân dân mới được phát hiện. Nhóm nầy có nhà văn Pháp André Gide mà Iashvili cùng thân hữu Sừng Xanh Titsian Tabidze đã tiếp đón ở thủ đô. Iashvili tự sát bằng súng săn ở trên lầu trụ sở Văn Đoàn Tiflis ngày 22, 07, 1937, trong lúc ở tầng dưới các hội viên khác đang thảo luận về trường hợp ông bị lưu đày và tống giam. Tabidze bị tra tấn và bị bắn cùng năm (hai mươi năm sau thân nhân mới biết). Từ 1921 đến 1938, cứ bốn nhà văn có một người chết trong cuộc thanh trừng nầy; nhiều người may không bị tra tấn hay bị bắn nhưng chết mòn trong các gulag cùng gia đình bị vạ lây.

Vài ngày sau vụ tự sát nầy, hội nhà văn quốc doanh kết tội Iashvili cùng với ‘’những kẻ nói dối và phản bội tổ quốc”. Nhóm ‘’Sừng Xanh” thành lập năm 1915 với chừng mươi lăm hội viên nay gần như chết tuyệt. (Sừng Xanh theo hình ảnh xưa, sừng màu xanh dương làm chén uống nước hay rượu).

GA, theo chính thể đại nghị, là quốc gia tự do nhất trong các cộng hòa xưa của Liên Xô. Nhưng tổ chức Liên Âu cho rằng GA không đủ tiêu chuẩn dân chủ nên đã từ chối quy chế gia nhập không điều kiện như Ukraine và Moldova có quy chế nầy.

Iashvili đổi tên Pavle thành Paolo để vinh danh một nhà tương lai học Ý. Thế chiến 1 buộc ông phải bỏ dở việc học ở Sorbonne Paris. Về nước, ông chuyển nhóm Sừng Xanh từ chỗ gốc Kutaisi về thủ đô, nơi giao tiếp nhiều luồng văn hóa bản xứ, Ba Tư, Ottoman, Arab và Âu Châu. Nhờ vậy trường phái Tân Thời của ông được phát triển ở GA một nước dân chủ cộng hòa hướng về Tây Phương từ 1918 đến 1921. Nhóm Mensheviks (chủ trương cải cách tiệm tiến, khác với Bolcheviks) muốn xây dựng một quốc gia dân chủ xã hội, bầu cử tự do đa đảng, phụ nữ có quyền bầu cử ứng cử và đã có năm nghị viên đàn bà.

Khi Hồng Quân tiến vào, nhiều nghệ sĩ đã chạy thoát, một số ở lại phục vụ điện ảnh và kịch nghệ trong thập niên 1920. Nhưng qua 1932, đảng CS chủ trương xã hội hiện thực thì phong trào Tân Thời phải chết. Nhà văn khôi hài Mikheil Javakhishvili bị xử bắn về tội gián điệp và phá hoại. Trong năm 1937 những nhà văn hóa sau đây bị thủ tiêu. Sáng lập viên bảo tàng viện quốc gia Dimitri Shevardnadze; nhạc trưởng Evgeni Mikeladze (chính tay Beria tra tấn trong 48 ngày), đạo diễn sân khấu Sandro Akhmeteli, nhà sản xuất phim ảnh 30 tuổi Petre Otskheli.

Đến cuối năm 1938 những người ưu tú tạo nên quốc gia GA tân tiến đã bị quét sạch. Chính quyền xô viết bắt đầu chiến dịch ”đô thị hóa” đem về thành phố những người thất học, như tờ giấy trắng, đầu óc trống trơn để chính phủ dễ tạo ra những con người xô viết (homo sovieticus), cũng như đám rừng rú về thành.

Điều cần nhớ, các nạn nhân đều đã hợp tác với chính quyền do Nga chỉ định. Iashvili cởi ngựa trắng đón tiếp Hồng Quân. Với tư cách chủ tịch hội nhà văn ông đã thanh trừng các văn hữu Trotskist.

Staline biết tầm quan trọng của nhà văn, đã nói với Maxim Gorky và các văn nhân khác: quý ông là những kỹ sư tinh thần. Việc đầu tiên Staline giao phó là củng cố sự tôn sùng cá nhân Staline. Nhưng chẳng mấy chốc, vợ và con của họ trở thành kẻ thù của nhân dân và đưa đi ”nghỉ mát’’ ở trong các trại đặc biệt ở Kazakhstan.

Cuộc đại khủng bố đột nhiên chấm dứt, vì đã thành công. Những ai dám vận dụng trí não một cách độc lập đã bị giết hay hãm hại. Lý do buộc tội là biết suy nghĩ. Sau thanh trừng là kiểm duyệt, nay không dùng đạn nữa thì dùng tem phiếu, chế độ bao cấp. Kết quả là những sản phẩm nghệ thuật hạng bét ra đời. Nguy hiểm vẫn là làm cho trí óc tê liệt, và tê liệt sức phát triển quốc gia. Nhưng sự buông tay không thế giúp mình sống còn. Năm 1925 Ivane Babuadze từ trong tù gởi thư ra: cho tôi ra khỏi tù hay bắn đi cho xong; tôi đã tố cáo nhiều kẻ vô tội. Nhưng Ivane cứ ở trong tù, không bị bắn, cho dù đã xưng tội vu khống.

Ngày nay, trong xứ sở dân chủ mới chưa mọc đủ lông, người dân GA lo rằng rồi đây quốc gia không còn ký ức quá khứ của mình nếu không bảo tồn các di tích như thiết lập bảo tàng viện. Họ đang tìm cách giúp mọi người thấy rõ bánh vẽ cộng hòa xã hội và làm theo các biểu ngữ mang theo khi biểu tình ủng hộ Ukraine: Không bao giờ trở lui thời xô viết Nga. Hy vọng sẽ không còn cảnh một John Steinbeck bị che mắt bởi hào quang giả tạo của nghĩa trang Mtatsminda mà khen văn gia GA được chôn cất như vua chúa*.

--------------------------------------------------------------------------

Ghi chú của người dịch

*Mtatsminda Pantheon là một nhà mồ chính quyền Nga và Georgia xây để năm 1929 cải táng nhà văn Nga đã chôn nơi khác một trăm năm trước. Alexander Griboyedov (1795-1829) là nhà văn, nhà thơ và nhạc sĩ Nga, đại sứ tại Ba Tư và chuyển về GA. Liên hiệp vương quốc Georgia từ thời Trung Cổ trở nên hùng mạnh trong hai thế kỳ 12 và 13 của vua David 4 và nữ hoàng Tamar, nhưng sau đó thì chia thành nhiều xứ nhỏ làm chư hầu của các đế quốc Mông Cổ, Turc, Ba Tư và Rus. 1783, một trong những tiểu quốc ấy đặt dưới quyền bảo hộ của Nga Hoàng. Biến cố nầy tạo nên những giềng mối vững chắc cho Nga nắm trọn tình thế, chuẫn bị môi trường thuận tiện cho Georgia trở thành một cộng hòa trong Liên Bang Nga năm 1922. Có lẽ Alexander Griboyedov có công trong việc nầy nên được Nga cho vinh dự cải táng 100 năm sau khi chết. Tuy vậy nhà văn nầy đã chết trước khi GA biến từ một quốc gia dân chủ do đảng mencheviks cầm đầu thành một cộng hòa xã hội do đảng CS Bolcheviks nhờ Hồng Quân đặt để khi chiếm GA.

Trước khi GA thành một cộng hòa của USSR, trong vùng thủ đô có một nhà mồ chôn nhiều văn gia. Năm 1930 chính quyền GA giải tỏa và chỉ đem hài cốt của hai người dời qua chỗ mới tại Mtatsminda Pantheon. Hai vị nầy là: thi sĩ Nikoloz Baratashvili (1817-1845) và văn thi sĩ Vazha Pshavela (1861-1915) đã chết trước cách mạng Nga 1917.  Không như John Steinbeck nói, chỗ nầy không có mồ vua chúa và văn gia GA thời CS. Theo lời tác giả bài báo nầy, nhà văn Mỹ chỉ đi tàu dây cáp (cable car) nhìn xuống nhà mồ nầy và có thế về xứ nói lại theo lời của hướng dẫn viên du lịch. Dân chúng biết thi ca của Iashvili nhờ Boris Pasternak phổ biến và dịch các thứ quốc cấm nầy.-

========================================

Ngã Tư Bảy Hiền, Saigon thuở xưa
==================================


Thursday, May 11, 2023

Thế kỷ 20 (tiếp theo)

 

   núi rác

Thế Kỷ 20  

(tiếp theo)

Chúng tôi không thể có mà đọc The Age of Interconnection, chỉ có ý niệm qua bài phân tích. Người điểm cho biết Sperber chỉ dùng tài liệu của Âu Mỹ và không để ý các nơi khác, đồng thời chú ý đến khía cạnh xã hội nhiều hơn chính trị.

Do đó chúng tôi đoán mò Sperber không nêu những vấn đề quan trọng sau đây của hậu bán thế kỳ 20 mà hậu quả ăn sâu vào thế kỳ 21:

- throw away society: ô nhiểm môi sinh như lon nhôm ly giấy, đưa đến bỏ vợ bỏ chồng dễ như liệng bình sữa nylon.

- chạy đua vũ trang làm cho 1/2 thế giới sống nghèo (CS) và 1/2 kia nhờ kỹ nghệ súng đạn mà giàu thêm; các cuộc thí nghiệm lớn nhỏ đều ô nhiểm không khí, nước biển, phá hoại mặt đất gây xoi mòn. Chiến tranh lạnh hao tổn vật lực và tác hại tinh thần của hai phe. Tranh đua viện trợ không để ý đến thiên nhiên.

- một nước Tàu mới được HK đẻ ra, từ chỗ chết đói vì Cách Mạng văn hóa. Phát triển của Tàu và đồ đệ tạo nên một khu vực Đông Á ô nhiễm cùng cực và thay đổi cục diện chính trị. Hệ thống thùy điện từ thượng nguồn sông Mekong cho đến Lào đã hủy diệt đến nay gần nửa tiềm năng của lưu vực Cửu Long và những nước ven bờ như Lào và Thái Lan. Tàu và chư hầu xả ra biển triệu triệu mét khối nước độc. Tàu thành kho thuốc độc bỏ vào thực phẩm thế giới và Á Đông.

- sự thất bại của Green Revolution, cải cách nông nghiệp (phần lớn nhắm vào Global South) .

Vài vấn đề có thể tròng tréo nhau như tiêu thụ sinh ra phung phí ô nhiễm, nhưng thúc dục Tàu sản xuất nhiều hơn, xã hội tổ chức để tiêu thụ như con cái 18 tuổi ra riêng, có nhà cửa tiêu dùng thêm.

Chủ trương throw away bắt đầu bởi cây viết nguyên tử Bic. Ball pen không do Pháp sáng chế nhưng người Pháp mua bản quyền và làm ra cây viết Bic xài hết mực vất đi năm 1949. Nhưng đến giữa thập niên 1950 thì Mỹ mới thực sự có một throw away society. Dưới biển có nhiều núi bao nylon. Chúng tôi vừa xem một video nước lụt, không biết chỗ nào; lúc đầu nước vô thành phố, sau đó là băng tuyết chảy thành nguồn. Thật ra, lụt đã đẩy sập một núi rác, làm cho foam trắng bồng bềnh như băng tuyết. Nhà tương lai học (futuriste) Alvin Toffler áp dụng thuật ngữ mới cho cả đời sống gia đình HK, ít nhiều, đưa đến quan niệm ly dị không lỗi (a no-fault marriage dissolution).

Green Revolution đã là một hiện tượng phát triển ghê gớm, mang theo nhiều kỳ vọng tân tiến hóa, đã làm say mê nhiều quốc gia nông nghiệp đông dân. Sản lượng nông nghiệp gia tăng vì quá nhiều phân bón hóa học; lai tạo nhiều giống cây giống lúa mới như lúa IR ngắn hạn từ trung tâm nghiên cứu Phi Luật Tân (Hà Nội nói là sáng kiến của kỹ sư VN).
Đem ra áp dụng ở Ấn thì đất khô cằn. Hơn 100 loại giống truyền thống bị loại vì chúng không ăn được phân hóa học. Phân hóa học và giống đòi hỏi nông dân có tiền mua, sinh nạn vay lãi nặng. Ấn Độ đã phải trở về lối canh tác xưa, phân hữu cơ đã hồi sinh ruộng đất, canh tác theo thời tiết gió mùa, lúa dài hạn nhưng tổng phí giảm thiểu.

Kinh tế gia Á Đông chủ trương sử dụng các nguồn nhiên liệu, vật liệu tái tạo (renewable) và nguyên liệu có ngay tại chỗ. Ấn đã dùng rơm trộn đất làm ra gạch Cinvaram, giải quyết vấn đề gia cư; dùng những rừng tre gai làm bột giấy v.v...

Phản ứng của Âu Châu là đề xướng các kế hoạch nhỏ mà xinh (small but beautiful) đáp lại các chương trình khổng lồ Nga Mỹ thi nhau viện trợ thực hiện. Đập Aswan ở Ai Cập, Kroutchev đến khánh thành và gọi là kỳ quang thứ 8 của thế giới.

Kinh tế gia Schumacher đã dùng quan niệm "small but beautiful" để viết Buddhist Economics dựa vào một trong Bát Chánh Đạo; nguyên liệu tại chỗ và tái tạo giảm thiểu bạo động vì cạnh tranh thị trường mở đầu chiến tranh … 

Xin tham khảo thêm:

Hột kê ngọc 

Kinh tế Phật Giáo

Tuesday, May 9, 2023

Thế giới hậu bán thế kỷ 20

 

    Barbie

Vỡ Mộng Kỹ Thuật Tiến Bộ

The Rise and Fall of Progress

David Motadel điểm sách The Age of Interconnection, Jonathan Sperber

Times of London, May 5, 2023; Tôn Thất Tuệ lược dịch

 

Trong những năm tiếp theo những kinh hãi của Thế Chiến 2, một ý tưởng chung ngự trị thế giới; ấy là lòng tin tưởng đặt vào sự tiến bộ của toàn thể loài người trên địa cầu. Giới trí thức và giới chính trị cả hai khối tư bản và CS “đoàn kết” trong một niềm lạc quan về sự cải thiện tuần tự vững chắc các điều kiện vật chất nhờ khoa học và sự làm chủ thiên nhiên, để tiến đến những xã hội hòa hợp và tốt đẹp hơn. Cuốn sách của Walt Rostow, The Stages of Economic Growth xb 1960 nói rằng các xã  hội đang tiến từng bước một đến chỗ dừng bước của lịch sử, một thứ vô tưởng tân thời. Nhưng đó là một lời xác định trứ danh về lý thuyết tân tiến hóa, điểm son sáng chói trong ngành khoa học xã hội lúc ấy.

Hứa hẹn tiến bộ và nhu cầu phát triển đã được nêu cao bởi các lãnh tụ các quốc gia đang phát triển (Global South). Jawaharlal Nehru tỷ tê rằng Ấn Độ cứng như đá, không nhúc nhích trong lúc các nơi khác đều đi tới; chủ nghĩa thuộc địa đã chận đứng sự tiến bộ của Ấn. Kwame Nkrumah đòi hỏi tiến bộ cho dân tộc Ghana. Gamal Abdel Nasser chúi đầu trong bản dịch Arab cuốn sách của Rostow để thực hiện lý thuyết tân tiến hóa cho Ai Cập.

Nhưng rồi lạc quan nói trên đến lúc suy. Những năm giữa thập niên 1960; những tiếng nói chỉ trích thuyết tân tiến bắt đầu có ảnh hưởng.

Kinh tế gia thấy rõ các giới hạn của thuyết phát triển. Các nhà môi sinh lên tiếng cảnh báo việc phá hoại thiên nhiên; các chính trị gia đi tìm những giá trị của xã hội truyền thống. Giới trí thức để ý đến sự bất dung hợp giữa tân tiến và truyền thống.

Các tiếng nói thời hậu thuộc địa đã kết án định thức cho rằng “khối Global South nằm trong thời kỳ phát triển thấp nhất” là tuyên truyền kỳ thị trong đầu óc đế quốc của Tây Phương. Các cầu thủ tiến bộ đã rời khỏi đấu trường quốc tế. Những ý tưởng xưa kia cho là hợp lẽ thường nay trở thành ngây ngô và nguy hiểm.

Thăng và trầm của luận thuyết tiến bộ cho thấy những thực trạng xã hội thời hậu chiến.

Lạc quan trong thời kỳ đầu trùng với sự phát triển nhanh về kinh tế, cải tiến khoa học và những bước tới của dân sinh và y tế công cộng đã ảnh hưởng các xã hội tuy không đồng đều. Sự vỡ mộng thất vọng trong những thập niên cuối thế kỷ 20 là kết quả khủng hoãng chính trị và sự tắt nghẽn kinh tế. Nhiều cải tiến lúc đầu rất tốt đẹp nhưng dần dần trở thành xấu trong trường hạn, ví như thuốc lá, asbestos, thuốc sát trùng, thuốc ngừa thai quá nhiều hormone.

Những chuyển biến nầy được Jonathan Sperber tổng duyệt đưa vào tác phẩm The Age of Interconnection. Thời gian nghiên cứu từ 1945 đến 2001 Sperber chia thành ba thời kỳ. “Hậu chiến” đánh dấu bởi tái thiết và hy vọng; “thời kỳ xáo trộn” từ thập niên 1960 khi trật tự thế giới không còn giữ nguyên và “hậu thiên niên” chứng kiến sự xuất hiện các cấu trúc mới đưa đến hiện tình thế kỷ 21.

Sperber bắt đầu xem xét sự liên hệ giữa người và thế giới thiên nhiên, sử dụng quá mức hóa chất để bảo vệ mùa màn khỏi bị côn trùng phá hoại, việc dùng quang tuyến. Trong những năm 1940, 1950, không ai nghĩ đến môi sinh.

Nhưng qua thập niên kế tiếp, tình hình thay đổi sâu đậm: nhiều phong trào bảo vệ môi sinh đòi hỏi các thể lệ qui định cách khai thác thiên nhiên. Greenpeace, thành lập 1971 bởi nhóm chủ trương hòa bình tả phái Mỹ, tổ chức các cuộc biểu tình phản đối thí nghiệm hạch nhân, khoan dầu, săn bắt cá voi và hải cẩu. Tuy vậy phong trào gây ý thức nầy không được nơi nơi chú ý. Các lãnh tụ hậu thuộc địa đã qui đương trách nhiệm phá hoại thiên nhiên cho các nước giàu phía Bắc (Global North). Nữ thủ tướng Ấn năm 1972 nói: Nghèo và thiếu thốn đâu có làm ra ô nhiễm.

Chương sách làm độc giả suy nghĩ nhiều nhất là phần nói về y tế. Như đã nói, những năm hậu chiến là giai đoạn lạc quan. Sức khỏe được cải thiện, trụ sinh và chủng ngừa đại chúng đã diệt trừ bệnh hoạn khắp nơi. Các chiến dịch bài trừ đậu mùa, lao phổi và sốt rét được thi hành khắp địa cầu. Thiên hạ say mê trụ sinh. George Bankoff, bác sĩ Anh viết về y tế năm 1946 đã tiên tri: Không bao lâu nữa, quý bà sẽ có son môi pha trụ sinh. Các bà tiếp tục đẹp và khiêu gợi như xưa nhưng nay còn hơn nữa, vi trùng chuyền qua các cú hôn sẽ bị tiêu diệt. Trụ sinh sẽ trộn vào kem thoa mặt, son kẻ mi và kem đánh răng.

Niềm hoang lạc nầy không kéo dài lâu. Mấy thập niên cuối của thế kỷ chứng kiến sự trở lui của các chứng bệnh, đặc biệt là HIV, lao phổi và sốt rét. Thế giới lo âu vì bệnh Xi đa (Aids). Nhân viên y tế không dám sờ bệnh nhân; hành khách có HIV dương tính không được lên máy bay.

Tác giả ghi nhận phản ứng về Aids trở nên trầm trọng vì bài ngoại.

Đầu thập niên 1980, Âu Châu gọi Aids là bệnh Mỹ; Nam Mỹ thì gọi là nhiễm trùng Bắc Mỹ. Ngoại quốc không được vào nhà tắm Nhật; báo Nhật khuyên không nên cặp bồ đánh đọ với người da đen nếu không muốn vi khuẩn vào người.

Tuy vậy tử suất thế giới sút giảm. Nhờ tử suất giảm và sinh suất tăng, dân số thế giới từ 1950 đến 1973 gia tăng chưa từng có trong lịch sử. Sự chết chùm vì đói của Malthus không xẩy ra vì nông phẩm gia tăng đủ sức nuôi số người mới gia tăng. Nhưng những cuộc di dân to lớn đã thay đổi cơ cấu xã hội nhiều quốc gia.

Thế chiến được tiếp nối bởi một phần tư thế kỷ phát triển kinh tế vững chắc và thịnh vượng cho khối tư bản tây phương (và cho khối CS nhưng ở mức độ thấp kém). Tây phương điều tiết đường lối tư bản, có thể lệ riêng dựa theo hệ thống tiền tệ Bretton Woods 1944; hệ thống nầy đã giữ vững vai trò bá quyền của HK.

Nhưng khi lòng tin vào sự phát triển không giới hạn bị lung lay tận gốc bởi khủng hoãng dầu, suy thoái và lạm phát, hệ thống nầy cũng sụp đổ theo và đưa đến thời đại mới với sự phá bỏ thể lệ hóa xưa, tư hữu hóa, mở đường cho thị trường tài chánh quốc tế.

Đông và Tây đều nhảy vào nồi xúp của mụ phủ thủy tư bản.

Đường lối siêu tư bản nầy vẫn không tránh khủng hoãng. Tỷ số gia tăng tổng sản lượng tính theo đầu người từ 1973 đến 2001 kém hơn một nửa của thời gian từ 1950 đến 1973. Sự bất bình đẳng giữa các quốc gia thuyên giảm nhưng bất bình đẳng trong từng nước gia tăng.

tảu thủy chở containers

Sperber minh họa cách mạng mậu dịch thế giới bằng hình ảnh thùng chở hàng. Container không những đưa đẩy thị trường quốc tế mà còn tạo ra lối sản xuất quốc tế. Ví dụ con búp bê Barbie. Giữa thập niên 1990, nylon làm tóc Nhật chế biến; plastic làm thân của Đài Loan, sơn của Mỹ và Tàu cung cấp vải. Sau khi được ráp bên Tàu theo các khuôn Mỹ làm và các máy móc của Nhật và Âu châu, các con búp bê Barbie được chở trong các container đến các tiệm đồ chơi khắp thế giới. Thị trường quốc tế đã đưa đến xã hội tiêu thụ toàn cầu, nghĩa là thế giới có nhiều điểm chung.

Kỳ quái là điểm chung nầy không những ở những hình thái thấy được như áo quần. Điểm chung là xứ nào cũng thấy hình thành giai cấp trung lưu, ngay ở các nước CS xưa như Nga.

Global South đỏ; Global North xanh

Dĩ nhiên một cuốn sách như thế nầy không thể bỏ qua vấn đề chính trị như thường lệ. Đây cũng là giai đoạn chính trị thế giới phân thành lưỡng cực với hai khối quyền lực Nga và Mỹ theo hai ý thức hệ khác nhau. Kinh tế học chia thế giới thành hai vùng: Global South gồm các quốc gia chậm tiến đang phát triển và Global North gồm các xứ phát triển và kỹ nghệ hóa. Global north có những bất thường như Nga Mỹ đồng lòng ủng hộ Do Thái độc lập nhưng chống Anh Pháp Do Thái chiếm kênh Suez. Phía Nam (Global south) sau khi giải thực thì nội chiến hà rầm và các chính phủ độc tài mới thay thế chính quyền thực dân. Cũng là giai đoạn Tàu và Cambodia giết hàng triệu người; và cũng có những vụ giết người CS ở Indonesia, Guatamala.

Sự sụp đổ của Liên Xô làm cho các phong trào CS vùng Global South mất chính nghĩa, do đó xây qua chủ trương cực đoan, gồm cực đoan muslim. Giai đoạn nầy khác biệt với giai đoạn trước, tiền bán thế kỷ, 1914 – 1945 và sẽ khác với giai đoạn kế tiếp.

Cuốn sách nầy trình bày các chuyển biến theo thứ tự thời gian và theo đề mục. Tác giả không chú ý giải thích chi tiết. Khó khăn của ngành sử về toàn thế giới là dung hòa những khác biệt từng vùng và sự giống nhau toàn thế giới. Spercer nêu nhiều sự bất xứng trong hướng tiến hóa của thế kỷ 20; bất xứng giữa hệ thống tư bản và hệ thống CS; giữa các quốc gia độc tài và dân chủ; giữa nước nghèo và nước giàu; giữa quốc gia kỹ nghệ hóa và không có kỹ nghệ; giữa chính quyền thực dân cũ và chính quyền hậu thuộc địa, v.v… và v.v…

Trường hợp thuốc lá: vào các thập niên cuối, việc hút thuốc thuyên giảm nhiều ở Âu Châu và Bắc Mỹ nhưng gia tăng quá độ ở Á Châu. Cái vụ mập phì lũ thì sao? Trong xứ nghèo giai tầng giàu có mập mạp hơn dân nghèo; nhưng trong xứ giàu thì số người mập phì lũ thuộc giai tầng ít lợi tức. Với những kinh nghiệm nầy, không thể tổng quát hóa các vấn đề chung cho cả thế giới. Hiện tượng toàn cầu hóa sẽ không đồng đều nhưng cũng không ngừng.

Tuy nhan đề sách là sự tương liên (interconnection), các sự canh cải được quảng bá một chiều, từ những trung tâm tây phương chuyển đến ngoại vi ngoài Âu Mỹ, rõ nhất là xe cộ và y tế. Liên hệ một chiều và bất tương xứng nầy đã tạo ra khuôn dạng của hậu bán thế kỷ và đưa đến tình trạng bất tương xứng khắp nơi.

Công trình nghiên cứu to lớn của Sperber (688 trang) không nói đến các nhân vật lịch sử và thiếu vui thích của giai thoại. Tác giả chú trọng đến lịch sử xã hội mà quên mất lịch sử văn hóa; không đề cập các phong trào tư tưởng như hiện sinh... Cuốn sách chỉ dùng những tài liệu liên quan phát triển của Âu Châu và Mỹ Châu; bỏ quên các vùng đất khác trên thế giới.

Những thiếu sót ấy không đủ làm mất giá trị của The Age of Interconnection như một tác phẩm khởi đầu, khuyến khích nghiên cứu hiện tượng chưa có trong lịch sử: thế giới hóa toàn diện (total globalization).-


Friday, May 5, 2023

Putin làm Tập ăn

Thâm Ý của Tàu ở Ukraine

Căn cứ vào bản tin của BBC, nhiều người vui thích rằng Bắc Kinh đã xoay ngược180 độ lập trường đối với Putin. TC đã bỏ phiếu thuận nghị quyết LHQ số 284 ngày 25 tháng 4, 2023 kết án Putin xâm chiếm Ukraine và kêu gọi thương thuyết hòa bình. VNCS cũng bỏ phiếu thuận như TC. Chúng tôi không thể đọc toàn thể nghị quyết vì Web của LHQ thiếu tiền để cập nhật. Nghị quyết có tên là Cooperation between the United Nations and the Council of Europe (Hợp tác giữa LHQ và Liên Âu).

Mười ngày sau, Nga ngụy tạo vụ tấn công giết Putin để tuyên bố không bao giờ thương thuyết, không thể lựa chọn nào khác ngoài việc hạ sát Zelensky và bè lũ.

Có thật Bắc Kinh đã hất Putin như một vị quan bị kết án níu áo vua bị vua hất ra? Không vậy đâu, nếu đồng ý với Jianli Yang trong bài dưới đây. Ukraine là một mối lợi trong tiềm năng. Đồng thời Tàu vẫn tiếp tục viện trợ cho Putin.

Bắc Kinh là con ma và Putin là con cú trong tiếng Việt: “cú kêu ma ăn”, cú kêu đêm báo hiệu sẽ có người chết. 1954, TC hủy bỏ cam kết giúp CSVN chiếm trọn VN để được ngồi chung với liệt cường giải quyết Đông Dương. Nếu có một hòa hội về Ukraine thì Bắc Kinh giống như TC năm 1954 tại Genève, 5 năm sau khi chiếm toàn Hoa Lục. (TTT)

China’s views on Crimea serve China’s interest, not Russia’s

BY JIANLI YANG * The Hill- 05/02/23 Tôn Thất Tuệ dịch

Trong buổi phỏng vấn truyền hình ngày 21.04.2023, Lưu Sả Dã (Lu Shaye) nói với ký giả Thụy Sĩ Darius Rochebin rằng Nga không có một quy chế vững chắc trong nền luật pháp quốc tế. Đến câu hỏi phải chăng bán đảo Crimea thuộc Ukraine, đại sứ Trung Cộng ở Pháp bớt phần quả quyết. Ông nói: điều đó tùy theo cách suy nghĩ từng người, tuy chuyện không đơn giản đâu. Khởi thủy, Crimea thuộc Nga”.

Không rõ đấy là ý kiến tùy hứng của nhà ngoại giao nầy về Crimea và chủ quyền của các cộng hòa xô viết xưa thuộc Liên Xô hay ông vén mở cho thấy sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh. Nhưng với những ai đã biết rõ Tập Cận Bình, lời của Lưu Sá Dã được dùng để đối chọi các điều kiện tối thiểu cho nền hòa bình vững chắc của thế giới.

Ý kiến của đại sứ Lưu khác với quan điểm chính thức của TC. Bắc Kinh không phủ nhận chủ quyền của các cộng hòa xưa trong USSR sau khi đế quốc CS giải thể và không công nhận việc Nga đòi chủ quyền Crimea.

Do đó có câu hỏi phải chăng Lưu Sá Dã để lộ chiến lược mới của TC là phá hủy các thành quả dân chủ hóa sau sự sụp đổ bức tường Bá Linh và đế quốc CS Nga.

Từ khi trở thành một siêu cường kinh tế và quân sự nhờ Tây Phương sai lầm trong cách giải quyết chiến tranh lạnh, TC đã trở thành mối thách thức chưa từng có cho Tây Phương. Phương pháp của TC là phủ nhận giá trị của dân chủ và nhân quyền, mưu cầu thiết lập (và kiểm soát) một trật tự mới cho thế giới.

Trong đường hướng nầy TC phải dùng lá bài Nga. Tuy nhiên, tái lập Liên Xô là điều ngược với quyền lợi của Tàu; dù tái lập với bất cứ hình thức nào. Không những điều đó trái với lịch sử mà còn tạo nên mối tương tranh chính địa trong tương lai gần.

Trong mấy năm vừa qua, ý thức nguy cơ TC phá bỏ các giá trị dân chủ và trật tự của thế giới trên nền móng tự do, các nước dân chủ đã vượt qua các khó khăn để tiến lại gần nhau để đối đầu với TC. Một thứ chiến tranh lạnh đã manh nha. Tương ứng với điều nầy, TC đã chuyển “căn bản chính thức hợp thức (legitimacy) chủ nghĩa quốc gia thành chủ trương chống Mỹ.

Vì biết chưa đủ sức mở một chiến tuyến rộng lớn, TC tìm cách tránh né chiến tranh lạnh, đồng thời dùng kinh tế và kỹ thuật xâm nhập các nước dân chủ và làm suy yếu HK.

Trong tình thế ấy, chiến tranh Ukraine của Putin xẩy ra và Bắc Kinh tìm mọi cách để hưởng lợi.

Cuộc chiến U cho thấy Nga không còn là một siêu cường. Nước Nga hậu chiến do Putin điều khiển là một quốc gia hạch nhân rất yếu, không thể thách thức quyền lợi chính địa của Tàu trong quá khứ và trong vài thế hệ tới. Nhưng nước Nga yếu xịu nầy quấy rầy làm bận rộn thế giới dân chủ, để cho TC thảnh thơi mà bành trướng. Chẳng khác nào Bắc Hàn; chú bé hạch nhân cầm chân Âu Mỹ, giúp TC có thêm tự do tác oai tác quái trong mấy chục năm nay.

Các chiêu ngoại giao của Tập Cân Bình đặt chiến tranh Ukraine trong trật tự thế giới mà Bắc Kinh đang dự phóng. TC muốn dùng lá bài Putin để củng cố liên minh chống Mỹ, chạy từ Âu Á đến Trung Đông. Bắc Kinh muốn trở thành một kẻ hòa giải chính yếu trong cuộc chiến Ukraine.

Mục tiêu của Tập Cận Bình là chấm dứt chiến tranh với chính thể Putin vẫn tồn tại; giao cho TC đảm trách tái thiết Ukraine, giúp cho Nga hồi sinh để cầm chân Tây Phương. Trong khi chờ đợi các mục tiêu nầy thành tựu, Bắc Kinh vẫn tiếp tục giúp Nga có đời sống kinh tế, hổ trợ ngoại giao và quân viện để không bị đánh bại; và Tây Phương tiếp tục hao mòn sức lực chính trị, kinh tế và quân sự. Chiến tranh vẫn còn dài.

Tập Cận Bình không bao giờ chấp nhận Nga bại trận; không những vì điều đó gia tăng sức mạnh của Mỹ và đồng minh mà vì bại trận sẽ đưa đến một chính phủ Nga thân Tây Phương. Lúc ấy Bắc Kinh sẽ mất một đồng minh quan trọng trong chiến tranh lạnh với Âu Mỹ; và HK sẽ dùng lá bài Moscou mới đánh vào TC, khơi mào phong trào dân chủ.

Tuyên bố táo bạo của Lưu Sá Dã về Crimea không phải là lời đòi hỏi tái lập Liên Xô như Putin mong ước nhưng hậu thuẩn lý thuyết chiến tranh Ukraine của Putin; đồng thời tạo điều kiện thuận tiện cho TC trục lợi từ cuộc chiến nầy về mọi phương diện, kinh tế, ngoại giao v.v…

*******************************************************

Putin trả thù

Daily Mail Thursday May 04, 2023

Putin trong đêm qua đã rưới mưa hỏa tiển trên xứ Ukraine sau khi Nga cáo buộc U đã dùng drone cố ám sát nhà độc đoán nầy. 40 drone mang đầy chất nổ thả xuống các nơi xa chiến tuyến nhiều dặm; dân chúng thủ dô và các tỉnh miền Nam nghe rất rõ.

Cuộc tấn công xẩy ra vài giờ sau khi Moscou tố cáo Ukraine cố ý sát hại Putin bằng hai drone muốn đâm nhào vào điện Cẩm Linh.

Lời cáo buộc nầy đã bị phủ nhận bởi TT Zelensky.

Putin đã phóng 24 drone Shahed mang theo đầu đạn vào Kyiv và 15 máy bay không người lái khác đâm vào Odessa ở Hắc Hải. Nhưng không quân đã bắn chận hầu hết.

Hỏa tiển bắn vào thị xã miền nam Nikopol, sập 11 ngôi nhà, một người 32 tuổi thiệt mạng. Số thương vong chính xác chưa được công bố.

Hôm nay Nga cáo buộc HK đã chỉ đạo Ukraine dùng drone tấn công tư dinh của Putin. Nhưng TT Zelensly đã bát bỏ và giới chức an ninh của Anh cho rằng lời kết tội được dựng đứng để tạo hậu thuẫn trong xứ.

Medvedev, chủ tịch ủy ban an ninh quốc phòng, tuyên bố: sau cuộc tấn công khủng bố nầy, Nga không còn chọn lựa nào khác là sát hại Zelensky và bè lũ. Sau đó Moscou thông báo từ nay Nga dành quyền trả đũa bất cứ lúc nào chỗ nào nếu cần.

Trong lúc ấy Zelensky hiện viếng thăm tòa án quốc tế ở Hòa Lan đã phủ nhận cuộc tấn công nầy. Ông nói: chúng tôi không tấn công Putin; chúng tôi giao Putin cho Tòa Án Quốc Tế; chúng tôi chỉ hành quân trong xứ, bảo vệ thị thành và xóm làng thôn quê.

Tại Nga bỗng nhiên dân chúng nghe tiếng nổ và có lửa khói trong bầu trời phía trên điện Cẩm Linh nhưng mái điện không bị hư hại và không có thương vong, và không có những mảnh vỡ của drone bị điện tử Nga phá. Quan sát viên ở Anh cho rằng vụ nầy ngụy tạo. Drone không thể qua các hàng rào radar để vào tận nóc nhà Kremlin trước khi bị intercepted.

Phát ngôn viên chính phủ cho biết lúc xẩy ra vụ nổ Putin không có mặt mà ở nhà riêng tại ngoại ô Moscou. Ông nói tiếp sau cuộc tấn công có chủ định nầy, Nga sẽ không thương thuyết với Ukraine.

Theo một giáo sư Mỹ, mọi người đều biết Putin không ngủ trên gầm thượng sát mái nhà và ông không bao giờ ngủ qua đêm trong điện Kremlin thì chỉ có điên mới đưa drone đến mái Kremlin.

==========================================================

Chợ Đà Lạt thập niên 1960
=================================


 


Tuesday, May 2, 2023

Putin và Bush; Iraq và Ukraine

 

  Bush, May 01 2003

Putin.Bush.Ukraine.Iraq

Aljazeera May 01 2023

By Micab Reddy Tôn Thất Tuệ dich

20 năm trước, ngày 01 thg 05, 2003, Georges W Bush, tổng thống Mỹ lúc ấy, tuyên bố chấm dứt hành quân vĩ đại ở Iraq, sau lưng ông là một biểu ngữ khổng lồ với hàng chữ: “Sứ mệnh hoàn tất”. Sáu tuần trước HK đã phi pháp xâm chiếm quốc gia Cận Đông nầy.

Việc đập phá tượng của Saddam Hussein ở công trường Firdos tượng trưng cho việc giải thoát dân Iraq và chấm dứt 35 năm cai trị của đảng Ba’ath. Về sau vụ nầy được phát giác là dàn dựng, chứ không do phản ứng tự nhiên của dân chúng. Nhưng đây không phải là kết thúc xâm chiếm của HK mà nó mở đầu một cuộc nổi dậy võ trang đẫm máu.

Tám năm HK chiếm đóng đã tạo ra những hậu chấn đưa đến sự bất ổn trong vùng và mấy trăm ngàn người Iraq chết, nhiều quá không đếm xuể.

Trong cuộc tấn công Ukraine 2022, Nga kỳ vọng một chiến thắng nhanh chóng như Mỹ ở Iraq. Tin chắc bất bại, quân Nga tiến vào Ukraine như diễn binh, hàng hàng lớp lớp, phơi bụng cho hỏa tiển Javelin bắn. Quân Nga kỳ vọng vài ngày sẽ nện gót giày trên thủ đô Kyiv, nhưng kỳ thật đối đầu với cuộc chiến dai dẳng và đầy chết chóc.

Vậy hai cuộc xâm lăng mang tính chất thời đại nầy của Bush Jr và Putin giống nhau, khác nhau chỗ nào?

Điểm giống nhau trội yếu nhất là: * cả hai ngụy tạo lý do ** cả hai đều dùng lính đánh thuê. Sự khác biệt chính yếu là nguyên động lực đôi bên không giống; và nhất là HK đã điều động tài tình và thành công chiến tranh qui ước, không lẹt đẹt lết la như Nga.

Putin sau một năm chiến tranh

Còn giống nhau ở chỗ hai bên đều kiêu ngạo vô bờ bến; cho rằng chặt đầu các chính phủ địch vô cùng dễ dàng để thay thế bởi chính quyền mới thân thiện phục vụ quyền lợi của mình. HK tin tưởng dân chúng sẽ ùa ra đường chào đón giải phóng quân Mỹ cũng như Putin tin dân U sẽ làm như vậy với lính Nga. Thực tế nào có như vậy, dù ở Iraq hay U. Cả hai cùng gặp sức kháng cự bền dai.

HK rất ngạo nghễ. Một cố vấn của Bush nói với ký giả Ron Suskind: ”Chúng tôi bây giờ là một đế quốc; khi hành động chúng tôi tạo nên một thực thể riêng”. Thực thể nầy là đạp lên hiến chương LHQ mà Mỹ và Nga là hai đồng tác giả.

Nga và Mỹ đều đưa ra các ngụy cớ mà đánh chiếm. Về Iraq, Mỹ và Anh đưa ra tin tức tình báo mơ hồ rằng Iraq nuôi dưỡng al-Qaeda, hiện nắm giữ vũ khí giết người hằng loạt, một tay khủng bố toàn địa cầu.

Nga đã vẽ ra hình ảnh xấu xa của chính phủ Ukraine cần hạ bệ vì nó đứng đầu bởi Zelensky, nghiện ma túy, một tội phạm chiến tranh, một naziste. Nhưng khi dân chúng ủng hộ anh xì ke nầy thì Putin nại cớ là để bảo vệ người gốc Nga và giúp họ trở về gốc cội lịch sử. Putin không ra khỏi đầu óc đế quốc. Mà muốn dựng lại đế quốc Liên Xô, Putin cần có một Ukraine.

Mỹ cũng mang nặng một đầu óc đế quốc. Nhưng hai nước ở trong hai tư thế khác nhau.

Nga là một đế quốc, nhưng là một đế quốc tàn lụi. Lý thuyét về Ukraine mang dấu tích sự thua kém nầy. Putin thường ta thán việc giải thể USSR là một thảm trạng có thật, đẩy hơn 10 triệu đồng hương ra khỏi biên giới quê cha. Thiếu tá tình báo Putin đã chứng kiến sự suy bại nầy khi đang ở nhiệm sở Đông Đức 1991.

Bush thì tươi vui hơn, đang hưởng hết hoa lợi của chiến tranh lạnh và chứng kiến sự trổi dậy của HK như một siêu cường trong một thế giới với một khối quyền lực duy nhất, không phân thành lưỡng cực như trước.

Cuộc xâm chiếm Iraq 2003 là giai đoạn lịch sử duy nhất của Mỹ khi bá quyền của Mỹ không bị thách thức và khi Mỹ muốn sắp xếp thế giới theo khuôn thức của Mỹ. Khi tranh cử, Bush chỉ chú trọng nội vụ vì ngoại vụ xem như đã ở trong tay. Nhưng biến cố 9/11 đã thay đổi không khí chính trị; phe diều hâu thắng thế để nghĩ tới “việc Iraq chưa xong”.

Việc chưa xong của Putin là Ukraine. Chưa xong là vì Ukraine làm gương cho các thành phần quốc gia khác trong khu vực ảnh hưởng của Nga; Ukraine còn là còn cầu qua lại của Nato, của Liên Âu.

Ký ức thua trận ở Afghanistan 1988 đã bị xóa mờ và thay thế bởi hào quang chiến thắng mới ở Chechnia và đã giúp Assad thành công dẹp loạn ở Syrie.

Đối với Bush Jr, trở lại Cận Đông là cơ hội giúp ông hoàn tất công việc của bố già Bush Sr trong chiến tranh Kuwait đầu tiên. Ban tham mưu của Bush con đã từng làm việc cho Bush cha. Phó TT Dick Cheney, thứ trưởng quốc phòng Paul Wolfowitz, thứ trưởng ngoại giao Richard Armitage, đại biểu mậu dịch Robert Zoellick. Nhóm nầy từ trước luôn chủ trương HK can thiệp quân sự khắp nơi.

Wolfowitz, Armitage, Zoellick cùng với bộ trưởng quốc phòng Donald Rumsfeld năm 1988 đã gởi thư TT Clinton yêu cầu thay đổi chính sự Iraq: không để cho Iraq có cơ hội dùng vũ khí hằng loạt đe dọa thế giới, phải lật đổ Hussein.

Cả Nga lẫn Mỹ đều đưa vấn đề an ninh làm nòng cốt các lần xâm chiếm nầy. Nga sợ sự nới rộng hoạt động của Nato qua con cờ Ukraine đối nghịch ở kề hông. Nga ngày một cô lập hơn, và yếu kém về kinh tế.

Cũng vậy, vụ 9/11 đã tạo ra sức hoang tưởng trong chính giới HK. Cuộc tấn công cho thấy nội địa của siêu cường duy nhất rất dễ bị tấn công. Mặc dù Iraq không dính líu cuộc tấn công nầy, chính phủ HK đã thành công trong việc làm dân chúng qui kết trách nhiệm cho Iraq.

Nhưng chung cuộc, hai cuộc chiến nầy đã làm cho hai quốc gia khởi chiến, và cả thế giới, kém an toàn hơn trước; số thương vong gia tăng, giá sinh hoạt gia tăng làm cho lòng người bất ổn, nhân tâm ly tán.

Những diễn võ dương oai lên cao độ sau vụ 9/11, một cách nghịch thường, đã làm nẩy sinh phong trào phản chiến. Dân chúng không còn ủng hộ chiến tranh của Bush nữa.

Về phía Nga, thật khó lượng định dân ý vì không ai dám bày tỏ chính kiến nếu không muốn đi tù. Tuy nhiên việc hằng trăm ngàn người Nga bỏ xứ ra đi cho phép quan sát viên thẩm định tình hình. Chừng 2014 khi có chiến tranh Donbas, tinh thần quốc gia Nga được sống lại, nhiều người tình nguyện ra trận. Nhưng 2022 hoàn toàn khác, trốn tránh hay di dân.

Tuy vậy, Putin theo học bài của Bush.

HK không trông cậy vào quân dịch trong chiến tranh Iraq và không muốn cho dân chúng thấy xác chết trong bao tải đưa về xứ, sẽ gây phản ứng bất lợi. Chính phủ Bush phải dựa vào các công ty quân sự tư nhân kết ước đánh thuê. Chiến tranh Iraq làm bung nở kỹ nghệ chiến tranh, với những công ty an ninh như Blackwater, giết thường dân.

Blackwater chống biểu tinh Iraq

Nga theo con đường ấy và đã thuê mướn nhiều tổ hợp tư nhân; lừng danh nhất là Wagner Group, tuyển mộ các tội phạm.

Mới được thâu nhận và thiếu huấn luyện, những tù nhân nầy ưng thuận đánh đấm để lấy lời hứa tự do và làm bia đỡ đạn trong nhiều trận cam go ở Ukraine. Công nhân Wagner đã gây nhiều tội ác đối với dân chúng.

HK không có một đường lối rút lui tốt đẹp khỏi chiến tranh Iraq và tiếp tục sa lầy như Nga hiện nay.

Nhưng kết quả của hai cuộc chiến nầy được nhận hiểu, tiếp nhận bởi dân chúng trong xứ bị xâm chiếm. Xã hội Iraq tơi tả vì những “chấn động địa chấn” của cuộc xâm lăng Mỹ; trong lúc giá tái thiết quốc gia của Ukraine sẽ cao hơn của Iraq.

Về hậu quả chiến tranh, HK và Nga cũng khác nhau. Tuy Mỹ sa lầy gần 10 năm, dân chúng Mỹ không phải kinh qua những khổ ải trong đời sống. Kinh tế Mỹ không có những hậu quả do chiến tranh gây ra, không bị cấm vận, không bị cô lập ngoại giao và quân đội Mỹ không bị làm nhục như quân Nga hiện nay.

Thế giới lên án chẳng làm gì được Mỹ. Mỹ vẫn là một quốc gia bá quyền, không ai nghĩ đến một án lệnh của Tòa Quốc Tế đòi tống giam Bush hay thuộc cấp như Putin.

Nga không phải là Liên Xô. Nga bây giờ là một nước chạy dọi, chạy  sau. Nền kinh tế hoàn toàn dựa vào xuất cảng dầu và khí đốt. Quân đội Nga xưa xem như hàng đầu thế giới nay thì như lính ma của Potemkin.

Hậu quả đối với thế giới lần nầy nguy hại, trầm trọng hơn lần trước.

Chiến tranh U đe dọa nền an ninh thế giới, trong khi di lụy chiến tranh Iraq quá lắm là ở trong vùng Cận Đông. Ukraine là kho nông sản, đóng góp rất nhiều cho thị trường thực phẩm thế giới; cấm vận sẽ đảo lộn giá cả.

Quan trọng hơn hết là cuộc chiến phá vỡ trật tự liên hiệp thế giới giữa các nền kinh tế chính yếu, ngăn chận các tương tranh mậu dịch. Cách thức giải quyết Ukraine sẽ ảnh hưởng an ninh Đông Nam Á với tình hình Đài Loan.

Tóm lược mà nói, thế giới ngày nay đáng lo lại nhiều hơn hai mươi năm trước với chiến tranh Iraq.-

Lời ghi thêm của người dịch

Được hỏi chỗ nào để sách báo về vũ khí giết người hằng loạt của Iraq, quản thủ thư viện chỉ vào khu “fiction”, truyện hư cấu, tiểu thuyết. Bức hý họa có lời giải như trên đã được đăng lại nhiều chỗ trên báo Mỹ, khi White House buộc lòng nói Iraq không có MDW (mass destruction weapon). Quanh thời ấy, truyền thông đã thấy rõ vụ nữ quân nhân Jessica Lynch, bị thương người gần như xác chết vẫn bị quân Iraq luân phiên hiếp dâm. Cựu nữ sinh viên nghèo West Virginia nầy cho biết xe humwee của cô, một trong những xe đầu tiên vào lãnh thổ Iraq gồm toàn lính mới tò te, đọc GPS sai quẹo sai và xe bị sụp hố, cô bị thương, và được chữa trị trong một bệnh viện dân sự Iraq, có một bà nữ y tá hát như ru cô ngủ.

Báo chí cho biết Bộ Quốc Phòng loan tin thất thiệt tuy không trầm trọng như vụ tàu Maddox ở vịnh Bắc Việt 1964. Nay bài của Aljazeera cho biết vụ phá tượng của Hussein được dàn dựng.

Năm 2000, thống đốc Texas được đảng Cộng Hòa chỉ định tranh cử. Một ủy ban được thành lập để chọn ứng cử viên phó do Dick Cheney làm chủ tịch. Cheney là nhân vật kỳ cựu quan trọng, cầm đầu nhóm đặc nhiệm chuyển giao White House cho tân tổng thống Bush Sr. Thế rồi ủy ban chọn ông chủ tịch Cheney làm runmate của Bush Jr.

Tường trình việc nầy, The New York Times nói ngay vai trò hậu trường của Bush cha sẽ đưa đến việc đánh Iraq vì Bush cho việc đánh Iraq là kỳ công to lớn nhất của đời ông mới làm được một nửa, nay Cheney và người con sẽ làm tiếp. Như vậy lấy chuyện 9/11 mà đánh Iraq quả là cả vú lấp miệng em.

Cần nói thêm những nhân vật bao quanh Bush cha đã là những người bạn thân của Saddam Hussein giúp ông giữ chức lãnh đạo Iraq. Nay họ trong ban tham mưu Bush con đi tìm Hussein treo cổ.

Tại LHQ, ngoại trưởng Powell cầm luận án tiến sĩ của một sinh viên vô danh chưa được duyệt đưa cho thế giới xem nhưng ông đã sửa lại để nói Iraq có MDW.

Saddam Hussein không tốt đẹp gì nhưng ông không chủ trương dùng giáo luật Muslim làm luật quốc gia, ông theo Mustapha Kemal, Turquie, chủ trương dân chủ. Saddam trở nên kẻ thù của các quốc gia Muslim giàu dầu hỏa. Chính nhờ chút nào dân chủ mà Iraq có nhiều “professional” như luật sư, kỹ sư, bác sĩ, nghề tự do v.v…

Sau chiến tranh, lục quân có nhiệm vụ duy trì trật tự như Mc Arthur vào Nhật Bản. Lục quân HK không làm gì để cho thủ đô hổn loạn, đốt phá trộm cắp di tích liệu lịch sử. Nên biết Iraq vùng Lưỡng Hà Địa, gốc văn minh của Ai Cập, Ba Tư, và 3 thế kỷ sáng chói Muslim 10,11 và 12 đặt nền móng văn minh của thế giới ngày nay.

Rất tình cờ, trước khi gặp bài nầy của Aljezeera, chúng tôi đọc một chuyện xưa thời Xuân Thu về lời của Mặc Tử. Tóm lược như sau:

Một người mù không bẩm sinh sẽ quan niệm rõ màu sắc khi nghe nói vật nầy màu trắng, vật kia màu đen. Nhưng ông không thể chọn vật nào trắng vật nào đen. Ông không thấy, nhưng những danh tự trắng đen vẫn có trong ngôn ngữ người đời.

Chính quyền bây giờ như người mù không phân biệt trái phải, nhưng những quan niệm nhân nghĩa, thiện tâm vẫn còn.

Không phân biệt phải trái ngày nay e nhiều hơn xưa.-

=================================

Đặng Trùng Dương, Ninh Hòa Nha Trang, 196....