add this

Monday, September 26, 2022

Việc Gorbachev không làm

 

Berlin Wall: Thank you Gorbi










Việc Gorbachev không làm

Stephen Kotkin * The Times of London - Sept 9

Tôn Tht Tu lược dịch và tham luận

Mikhail Gorbachev – tổng thống đầu tiên và cuối cùng của Liên Xô USSR - từ trần Aug 30 (hoặc 31 tùy giờ địa phương) tại Moscou hưởng thọ 91 tuổi. Tùy theo từng loại lịch sử, ông có chỗ đứng đặc thù của riêng mình.

Ông là người duy nhất trong lịch sự hiện đại vào lúc vinh hiển nhất có thể được bầu làm tổng thống hay thủ tướng ở bất cứ quốc gia nào, ngoại trừ xứ sở quê hương của ông. Di sản của ông tiếp tục được duyệt xét hoàn toàn khác biệt ở Tây Phương và hai xứ Nga cùng Trung Cộng. Trẻ trung, đầy nghị lực, thích cải thiện, Gorbachev cùng dân chúng Xô Viết và thế giới can qua một thời sóng gió hy hữu nhưng tránh được tai ương vô lối rùng rợn cho quả đất nầy.

Gorbachev mắc phải hai sự sai lầm trầm trọng.

Thứ nhất, ông tin tưởng rằng hệ thống chính trị thừa hưởng từ thời Staline – độc quyền của đảng CS và nền kinh tế do nhà nước làm chủ và điều hành – có thể được cải cách một cách tốt đẹp thành công.

Thứ hai, Gorbachev giả định rằng dù không có sự cai trị tập quyền tuyệt đối của trung ương đảng CS, chính quyền Xô viết vẫn có thể sống còn. Nhưng Liên Xô USSR trên lý thuyết là một một liên hiệp tự nguyện có quyền ly khai.

Một khi ông quyết định đập vỡ guồng máy CS thì nước Nga để lại một quân đội và mật vụ KGB đối chọi với các nhà lập pháp cộng hòa và các tầng lớp dân chúng đang hăng say giành nhau kết quả bầu cử.

Gorbachev sẽ luôn được ghi nhớ bởi những điều ông không làm: khi xứ sở của ông sụp đổ, ông không kéo thế giới sụp đổ theo. Ông hết sức cẩn trọng, không dùng lại các phương pháp của Staline.

Năm 1989, Nga có gần một triệu quân đóng ở Đông Đức nhưng Gorbachev cấm nổ súng bắn dân Đông Đức đạp biên giới qua Hung Gia Lợi để vô Tây Đức. Ông đã để Đông Đức ra khỏi Liên Minh Varsovie, nhập chung với Tây Đức thành nước Đức thống nhất và tiếp tục ở trong liên minh quân sự NATO. Đức từ đó cảm tình với Nga và tạo cơ duyên để ngành năng lượng Nga đặt chân vào Âu Châu (đưa đến khủng hoãng chính trị năng lượng hiện nay qua chiến tranh Ukraine).

Sử gia cho rằng Nga, Iran và Tàu khó mà bị xóa kh3i mặt đất nhờ có một nền văn minh mấy ngàn năm. Nhưng Tập Cận Bình (và Tàu nói chung) đang nghiên cứu cẩn thận kinh nghiệm của Nga rút kinh nghiệm không để cho Tàu theo vết xưa nầy.

Tuy đã là một kẻ không danh vị trong thời Gorbachev, Putin cho rằng cái tên Gorbachev đồng nghĩa với sự tin tưởng ngông cuồng lòng thành của Tây Phương để không thấy sự phản bội tất yếu và sự cần thiết bảo vệ chủ quyền của Nga. Nhưng Putin không biết bài học của Gorbachev: Tây Phương quá mạnh, một mình Nga không thể đối đầu. Gorbachev luôn tin tưởng dân chủ tự do là một sức mạnh, nền tảng căn bản của sự phát triển kinh tế. Các sách về Gorbachev đều ghi lại lo âu của ông về con đường phi dân chủ mà Putin đang đưa xứ sở dấng thân vào. Putin đã tôn thờ triết gia tôn giáo Ivan Ilyn, chủ trương phát xít. Ông tự cho sứ mệnh bảo đảm rằng sự lệ thuộc tồi tệ kiểu Gorbachev sẽ không thể lập lại. Putin không những không cho làm quốc táng Gorbachev mà cũng không đến dự lễ truy niệm thu hẹp.

Putin tự ví mình với Peter đại đế hay nữ hoàng Catherine, hai vĩ nhân đã chinh phục các quốc gia từ Baltic cho đến Hắc Hải nhưng ông không biết rằng lúc ấy Hoa Kỳ chưa thành một quốc gia chứ chưa nói là siêu cường, hai thần tượng của Putin không gặp một sự chống đối nào. Gorbachev ngây ngô tin vào sức chịu đựng của khối CS nhưng không mù quán về sức mạnh của HK và các đồng minh tây phương của HK.

Gorbachev biết rõ ngân sách quốc phòng khổng lồ đã bóp nghẹt nền kinh tế. Tại LHQ Dec 1988, ông tuyên bố đơn phương tài giảm binh bị. Trái lại hiện nay, theo tài liệu của một viện nghiên cứu Thụy Điển, chi phí binh bị của Nga năm 2000 là 9,23 tỷ đô đã tăng thành 65,9 tỷ đô năm 2021. (Trong cùng thời gian nầy Trung Cộng tăng ngân sách quốc phòng từ 22 đến 293 tỷ đô). Nga không che dấu sự sút giảm ngân sách giáo dục, y tế và phát triển hạ tầng cơ sở.

Putin đã phá hủy những gì tốt đẹp mà Gorbachev đã đem lại cho nước Nga. Hoài cổ về một Liên Xô rộng lớn là một cảm tính dễ được thông hiểu; cảm tính nầy chính là nguyên do bất mãn Gorbachev đã để cho Liên Xô phân hóa giải thể nhưng ngôi nhà Liên Xô đã mục nát từ lâu.-

từ trái: Ronald Reagan, Nancy Reagan, Mikhail Gorbachev, Raisa Gorbacheva
dự dạ tiệc tại tòa đại sứ Nga ở Washington DC năm 1987

Viết thêm của người dịch

Gorbachev lên cầm quyền để biết rằng Liên Xô với những kế hoạch thập niên ngũ niên đã thua cuộc chạy đua kinh tế với HK dùng chính sách New Deal, tự do doanh nghiệp. Ông không mộng mơ, trái lại đi tìm những khả thể, theo ông chính trị là khoa đi tìm thực hiện những khả thể.

Ca dao VN: cầm vàng mà lội sang sông, vàng rơi không tiếc tiếc công cầm vàng. Nhưng Gorbachev vừa tiếc vàng tiếc công. Tình hình Nga biến chuyển quá bất thường nhưng vận xui của ông tạo nên bởi một người do ông đưa từ tăm tối lên vinh quan mà bản chất là một gã say rượu tồi tệ nhất thế giới và là một kẻ theo cơ hội chủ nghĩa.

Yelsin có công vận động dẹp loạn đảo chánh bởi các tướng lãnh thủ cựu, về sau Yelisn lại chỉ trích Gorbachev đã đưa những người nầy vào chính quyền. Yelsin đã từ bỏ đảng CS và đã tạo được thanh thế chủ trương xã hội dân chủ nhưng uy tín không bằng Gorbachev. Yelsin chỉ trích những cải cách của Gorbachev quá chậm. Sự nôn nóng nầy làm quần chúng bỏ qua việc Yelsin say rượu đọc diễn văn ở Mỹ, say rượu mà té xuống sông. (Ở Mỹ Yelsin say rượu chỉ mặc đồ lót ra khỏi khách để đi mua pizza).

Putin nhất quyết Gorbachev giải thể Liên Xô nhưng Yelsin đã bí mật liên lạc với đại diện Belarus và Ukraine giải thể Liên Xô. Trái lại Gorbachev đã nhiều lần cố gắng duy trì nó. Giữ nguyên Liên Xô đúng sai là chuyện khác.

Gorbachev từ biệt chính trường với lời tuyên bố có nội dung: rất tiếc Liên Xô đã giải thể, nhưng nước Nga nay đã có tự do tôn giáo và chính trị, có dân chủ và nền kinh tế tự do thị trường, chấm dứt chế độ độc tài toàn diện, tài giảm binh bị và chấm dứt chiến tranh lạnh.

Gorbachev lên đĩnh cao quyền hành nhờ sự giúp đỡ của Andropov, ủy viên bộ chính trị bộ đặc trách an ninh, mật vụ, trùm KGB nhưng ông không có tâm thức mật vụ KGB như Putin. Hy vọng đó là nhân lành mẹ đem rửa tội một cách bí mật theo đức tin Orthodox.

Nói riêng nước Nga như một thực thể lịch sử và địa dư và cứ xem Gorbachev đã làm hại cho USSR, vài nhà bình luận đặt vấn đề so sánh giữa Putin và Gorbachev ai làm hại nhiều nhất. Những người nầy suy nghĩ trong bối cảnh Ukraine bị Nga xâm chiếm. Nhưng cách đặt vấn đề sai. Một bên Gorbachev đã lìa chính trường và lìa đời; một bên Putin còn sống tiếp tục có những hành động đáng ngại. Tuần qua, ngày 21 tháng 10 2022 quyết định động viên trưng binh một phần của toàn dân Nga dùng vào cuộc chiến mà ông nghĩ đã sẽ ăn trọn trong vài ngày, việc lấy 15% lãnh thổ Ukraine qua trưng cầu dân ý chưa thể lượng định hậu quả tốt xấu.

================================================

 

Monday, September 19, 2022

Gorbachev

 




Mikhail Gorbachev

Masha Gessen New Yorker Tôn Thất Tuệ dịch

Aug 31, 2022 Mikhail Gorbachev, lãnh tụ Liên Xô cuối cùng chết ở Moscou hưởng thọ 91 tuổi. Trong 20 năm cuối đời, ông ít khi để cho ai phỏng vấn. Nhưng một lần khi xem lại bản thảo để cho lên khuôn, chúng tôi nhận thấy dạo ấy Gorbachev lắm lúc không nói hết một câu, hay chạy quanh ngoài lề. Nhưng nào ai biết, đầu óc của ông chỉ chứa hình ảnh của Raisa, người vợ đã qua đời. Ông nói: nếu có ai hứa cho tôi một thế giới tương lai, tôi sẽ gặp lại Raisa. Nhưng tôi không tin điều đó, tôi không tin ở God”. Raisa là người vợ sống chung 46 năm và đã qua đời 1999.

Ông nói tiếp: “Raisa cũng không tin như tôi. Nhưng bà ấy đi về hướng ấy nhanh hơn tôi”. Người nghe sẽ hiểu ‘hướng ấy’, bên cạnh ý nghĩa thần học, Raisa sống trong nhịp thay đổi thời hậu Liên Xô; trong lúc ấy Gorbachev luôn còn mang máu Liên Xô, và cuộc đời ông gắn vào guồng máy đảng.

Ông đã được đảng chọn khi mới bước chân vào đại học ở phía nam. Sau các chức vụ đảng nối nhau, cho đến 1985, ông được bầu làm Tổng Bí Thư Trung Ương Đảng, địa vị cao nhất ở Liên Xô. Lúc ấy Gorbachev quá trẻ, như một thư sinh nếu so với số nhân viên chính trị bộ đã ngoài 80; lớp người cần tôn kính và nhớ ơn. Nhưng ông luôn giữ trung thành đủ để trả món nợ đối với đảng và các lãnh đạo già nua sắp chết.

Thời trai trẻ Gorbachev yêu đời, làm việc vui say để chinh phục Raisa. Đôi bạn cùng học đại học Moscou, chàng trường luật, nàng lớp triết. Bạn học của Raisa là những nhà tư tưởng hậu Liên Xô đã giúp Gorbachev hình thành hai chính sách đồng nghĩa với tên cá nhân của ông. Ấy là glasnost và perestroika.

Vài tuần sau khi nhậm chức tổng thư ký, Gorbachev đã cho biết ý định cải tổ và canh tân toàn thể xứ sở Liên Xô. Tháng sáu 1987, ông công bố perestroika, sắp xếp chỉnh đốn tất cả chính sách ở mọi lãnh vực. Tuy ông không nói ra, chỉnh đốn sắp xếp có nghĩa là tự do hóa: Liên Xô sẽ hợp thức hóa các xí nghiệp tư trong tầm cở trung bình; nới rộng kiểm duyệt, cho phép thảo luận công khai những điều xưa nay cấm kỵ.

Kiểm duyệt chưa bỏ hẳn nhưng các giới hạn không còn khắc nghiệt như xưa; điều nầy tạo nên một khối lượng chưa từng thấy trong công trình viết lách, xuất bản, làm phim, trình diễn sân khấu và âm nhạc. Đó là mục tiêu của glasnost.

Nhiều tờ báo chui, ít ai biết tiếng tuy đăng lại những bài có tính chất kinh viện học thức, nay in thêm không đủ phân phối. Dân chúng nối đuôi mua báo mới hay mua vé xem các vở tuồng mới của những soạn giả bị đàn áp bởi chế độ khủng bố của Staline. Lần đầu tiên từ khi Staline chết 1953, dân chúng được quyền công khai nói về quá khứ của xứ sở.

Khi đã rời chính quyền, Gorbachev muốn duy trì gia sản mới do ông tạo dựng. Năm 2008, ông hợp tác với một tờ báo độc lập thành lập một nhóm thân hữu thiết lập thư viện “khủng bố của Staline”. Với tư cách tổng bí thư, ông có thể đọc mọi hồ sơ. Từ đó ông biết sự khủng bố xẩy ra với người dân như bốc thăm. Người dân bị bắt và xử bắn, chẳng phải vì làm điều gì sai, hay nghi làm điều sai. Nhưng vì chính quyền địa phương phải thực hiện túc số (quota) bắt giữ và hành quyết trung ương đã ấn định. Ông cũng biết một thời gian khá dài, mỗi ngày có vài ngàn người bị xứ bắn, các cấp đảng ủy mỗi ngày chuẩn phê danh sách trang nầy qua trang nọ. Ông đã thành lập một ủy ban duyệt và hủy mấy triệu bản án thời Staline. Nhưng một viện bảo tàng như thế nầy không thể thành hình khi Putin cai trị, vì chính quyền Putin đang viết lại lịch sử xóa bỏ tội ác của Staline và phe nhóm.

Gorbachev vừa được khen và vừa bị kết tội giải thể Liên Xô (Liên Hiệp các cộng hòa xô viết XHCN). Ông đã thả tất cả tù nhân chính trị năm 1987 (ngày nay Nga nhiều tù nhân hơn số tù nhân thập niên 1980 mà ông đã thả). Khoa học gia Andrei Sakharov, khi hết bị câu lưu tại nhà, được bầu vào Quốc Hội Tối Cao và phê bình sự độc quyền của đảng CS; nhà nhân chủng học Galina Starovoitova chủ trương giải thể Liên Xô đề nghị thay sự cấu tạo thuộc địa áp bức nầy bằng một liên bang tự do.

Năm 1989, Gorbachev bẻ đôi gông cùm các chư hầu ở Âu Châu, những quốc gia Nga đã cai trị sau thế chiến 2. Lần lược, Ban Lan, Đông Đức, Tiệp Khắc …hạ bệ các chính phủ thân Nga. Nhưng tại các quốc gia đã sáp nhập vào Liên Xô đòi độc lập thì Moscou đã dùng bạo lực đàn áp. Đó là những trường hợp Georgia, Latvia, Lithuania, Armenia, Azerbaijan, Moldova, Tajikistan và nhiều nơi nữa. Vào cuối đời, ông cho biết đã không chủ trương bạo động nhưng không thể kiểm soát bộ máy quân chính phức tạp của Liên Xô thời ấy và ông nhận là một lỗi của chính mình.Tuy vậy ông không muốn thấy một Liên Xô tan rả; khi hai cộng hòa lớn là Russia và Ukraine quyết định ly khai, ông vẫn cố giữ lại bằng cuộc trưng cầu dân ý; sáu trong 15 thành viên từ chối ở lại, ông nói rằng chín xứ còn lại vẫn đủ để có một Liên Xô hiện hữu.

Tháng tám 1991 một nhóm đảng viên già và cứng rắn đã đảo chánh, tái lập kiểm duyệt và quản thúc tại gia Gorbachev ở Crimea nơi ông đang nghỉ giải lao. Nhưng nhóm phản loạn chỉ hoành hành trong ba ngày. Gorbachev trở về thủ đô như con gà què, đã được thay thế bởi Boris Yelsin, người được ông đưa từ vị trí đảng thấp kém về thủ đô và giao cho nhiều trọng trách. Yelsin, đại diện Russia đã cùng đại diện của Belarus và Ukraine ký thỏa ước giải tán Liên Xô.

Gorbachev nằm trong số rất ít người tin tưởng rằng chính trị gia có thể tốt hơn không như nghĩ tưởng. Ông đã nhầm. Hơn 20 năm qua, Nga bị cai trị bởi một người có quan niệm ngược lại. Putin cho rằng con người đã hư hỏng, mục nát từ trong gốc mà ra; đó là thế giới quan căn bản của Putin.

Trong suốt thời gian thi hành perestroila, Putin là một sĩ quan mật vụ KGB cấp thấp, đồn trú tại Dresden, Đông Đức. Ông không bao giờ ở Nga để thấy không khí tự do thổi qua Moscou. Ông hận thù Gorbachev đã bỏ rơi các sĩ quan mật vụ tại chư hầu nầy, không cho họ thực hiện giấc mơ một đế quốc hùng mạnh rộng lớn từ Bắc Âu đến Đông Âu.

Putin đã vận động dân chúng và giới trí thức cho rằng Gorbachev chịu trách nhiệm tình trạng bất ổn hiện nay từ sự phá hủy những thành trì kiên cố xem như bất biến dựng lên trong thời gian hưng thịnh của CS.

Từ khi rời nhiệm sở, Gorbachev đã rút khỏi đời sống công cộng; ông lo việc từ thiện và không thể thành lập một viện bảo tàng về sự tàn ác của Staline.

Gorbachev đã than phiền việc Nga đàn áp biểu tình 2013 và việc Putin đưa ra những điều luật trừng trị sự khác biệt trong dư luận. Ông nói: tại sao phải sợ dân chúng? Nhưng ông không một lời về việc Nga sáp nhập Crimea 2014 và hoàn toàn im lặng trước sự xâm lăng Ukraine hiện nay.

Nhiều nhà quan sát đã vội cho rằng Gorbachev, một mặt là lãnh tụ chống Xô viết nhất (the most un-Soviet), một mặt vẫn giữ máu thịt của hệ thống Soviet, muốn Nga giàu mạnh như một đế quốc tuy ông hiện chưa thể hình dung. Nhưng làm sao đọc được tư tưởng của kẻ khác?!

=====================================================

 

Thursday, September 15, 2022

lắng nghe tiếng gió

 







lắng nghe tiếng gió

Hoàng Lộc * 2022

Giữa chúng ta có một dòng sông
hữu ngạn và em, tả ngạn - cùng
mênh mang dưới trời, hai bến nước
không chia ly và không tương phùng.

Giữa chúng ta một miền gió sóng
có con thuyền về - qua, mỏi chân.

Ở cuối đời anh, nửa đời em
thứ gì phải chìm - cũng đã chìm
chỉ củi khô như từng đôi nhánh
hãy còn lơ lửng một niềm riêng.

Ngồi bên này ngó qua bên kia
hàng dương liễu nhỏ, bãi bờ se
em không xa không gần được nữa
tiếng gió mù tăm...- ta lắng nghe...

 

Saturday, September 3, 2022

Hương linh đã quy y Phật

 



Hương linh đã quy y Phật

Tôn Thất Tuệ

Sau chiến tranh 1945 vì nhà tan nát tôi tá túc ở chùa Thiên Minh, dốc Nam Giao giữa Từ Đàm và Báo Quốc. Đến chùa thì trước tiên chào thầy trụ trì (Thích Quảng Huệ, gốc Sịa) rồi đến "Bà Chùa" vì đệ tử của thầy còn nhỏ, ví như Pháp Chủ Thích Mãn Giác lúc ấy vừa thoát cái tên Điệu Sung; Bà Chùa xem như quản gia của chùa. Đó là bà Công Tằng Tôn Nữ Tâm Dung. Bà có người em gái thường gọi là Cô Em. Cô Em có người con gái là chị Phán kêu theo chồng là ông phán tên Vy, thư ký làm ở Thừa Phủ, tức là tòa tỉnh, anh Vy gốc Quảng Bình.

Cô Em và gia đình anh Phán cùng ba con sống ở một ngôi nhà gạch bên kia đường, chệch lên Từ Đàm chừng 200m, nhà bên cạnh ông thợ rèn đập búa đập đe. Trưởng nam của anh chị là Ma Cẩm Tuyền, rồi đến Ma Cẩm Tú và một em gái tôi quên tên, chỉ nhớ có vần V như bố, Viên, Vinh ... Ít khi anh Phán qua chùa nhưng chị Phán thì ngày cách ngày đem các con qua chùa. Ai cũng chọc Ma Cẩm Tuyền nói chớt: ba con làm ở Thừa Hụ. Ít lâu sau anh Phán chết bệnh.

Từ ngày góa chồng, như người ta kể lại, chị Phán thường xuống Chợ Bến Ngự giao tiếp với nhiều người. Không lâu sau đó, nửa đêm chị Phán bị bắt cóc và tuần sau người ta tìm xác chị Phán bên vệ đường giữa Nghẹo Dàn Xay và núi Ngự Bình. Ít lâu sau tôi về Bến Ngự sống gần nhà cũ. Bẳng đi hơn 10 năm tôi thành một huynh trưởng hướng đạo học nghề, cùng anh Đoàn Mộng Ngô lập thiếu đoàn Trường Sơn. Tôi trở về Nam Giao "mộ lính". Ma Cẩm Tuyền và một số bạn hữu thành đoàn viên của tôi.

Nhân đọc trên FB về sự từ trần của một trong những em nầy (Đinh Hữu Quyến) tôi viết về kỷ niệm lập đoàn. Một độc giả cho biết đã sống gần nhà Ma Cẩm Tuyền ở Nha Trang nhưng không biết thầy giáo hiền lành nầy đã là một hướng đạo sinh.

Tôi không chứng kiến việc đi lượm xác chị Phán, chỉ biết sau đám ma, Tuyền và các em mặc áo chế qua chùa cúng cơm cho mẹ.

Thời gian nầy trước 1950. Chia đều thời gian thành tuần thì tuần nào cũng nghe tin bị bắt cóc như chị Phán, tin có kẻ vào nhà bắn chết. Vào mùa đông, tôi phải từ chùa Thiên Minh qua phía chùa Linh Quang đi lấy đậu khuôn lúc trời còn tối trước khi đi học, có lần đá vào xác chết bên vệ đường.

Rùng rợn nhất là thằng Sắc cùng lớp kéo tôi đi vào lối vô chùa Vạn Phước xem xác của sáu ông thầy tu vừa bị hạ sát đêm qua ngay trước cổng một ngôi chùa gần nhà xa cửa ngõ với Vạn Phước. Người lớn nói với nhau mấy ông nầy là Phật Giáo Thuyền Lữ.

Nhưng cái chết để lại nhiều nét trong đầu tôi là cái chết của mẹ Con Ngãi. Ngãi rất đẹp lớn hơn tôi nhiều nhưng ai cũng gọi là Con Ngãi, tôi cũng gọi như vậy. Mẹ Ngãi buôn thúng bán bưng ở Chợ Bến Ngự cùng hai con là Ngãi và em gái là Tuyết sống trong ngôi nhà tranh ngay cổng chùa Thiên Minh.

Còn sớm tinh mơ, con Ngãi qua chùa nhờ thầy qua thành gọi anh Ân là anh cả, mẹ Ngãi đã bị bắn chết giữa đêm, hai chị em ôm xác mẹ chờ sáng.

Hôm cúng cơm ngay sau khi chôn, tôi đeo song cửa sổ nhìn vào chánh điện. Anh Ân quỳ giữa bưng bát hương, hai bên là Ngãi và Tuyết mỗi người ôm một cây đèn sáp. Khi thầy xướng: Hương linh đã quy y Phật; anh Ân cúi vái, bát hương cũng nghiêng theo. Hai cô em cũng vái, làm cho hai cây đèn cũng nghiêng theo, đổ những giọt sáp nóng xuống chiếu, như những giọt nước mắt nóng. Hương linh đã tạo những vọng nghiệp giai do vô thủy tham sân si, hương linh đã quy y Phật, hương linh sám hối. Người bắn chết hương linh có sám hối không?