add this

Sunday, April 5, 2015

thương chiếc áo sờn vai


image


Mệ ngoại em khi nào cũng ngồi nhìn ra cửa ngõ, chờ những gánh hàng ngang về để hỏi thăm có bán được không, sắm được chi cho Tết chưa. Khi nhìn thấy hai mẹ con nách rổ không, quang gánh không đi về, tay tòng teng chút mứt bánh, hạt dưa, bộ đồ mới cho con... là mệ biết ngày nớ họ đã bán được hàng. Mệ cười vui như thể mệ vừa bán hết gánh bún bò, sắm cho em cái áo mới bận Tết vậy.

thương chiếc áo dài sờn vai gồng gánh...
Quỳnh Trang

Em sinh ra và lớn lên ở Huế, người ta hay gọi Huế là chốn cung đình, người phụ nữ sống ở vùng nớ cũng tự dưng thành cao sang, thế nhưng không phải ai cũng tay trắng ngọc ngà.
Ký ức về người phụ nữ Huế trong em là những o, dì, mệ gánh hàng rong lóc cóc với đôi guốc gỗ đã mòn vẹt, với chiếc áo dài hay bà ba và chiếc nón lá loang lổ vết dầu bóng.
Mệ ngoại em ngày xưa cũng từng quày quả gánh bún bò đi bán. Hồi em bốn, năm tuổi, buổi trưa thường trốn ba mẹ không ngủ trưa, núp trong bụi chè tàu của nhà mà nhại giọng rao của o bán bánh “Ai bèo nậm lọc ram ít khôn...”. Rồi tụi em đồng thanh trả lời “Khôn!” hoặc khi thì núp trong bụi kêu, “Bánh, bánh”, o bán bánh cứ quay tới quay lui chẳng biết ai kêu. Đến khi biết ra có đứa phá, o luôn chửi pha chút chua ngoa: “Cha mệ nội bây, trưa không lo ngủ mà đi phá tau!”.
Ngày xưa xa lắc nên em đã quên mất tên o, chỉ nhớ o độ chừng ngoài 50 tuổi. Ở Huế hồi xưa, phụ nữ cứ ra đường là mặc áo dài. Dù đã những năm tám mươi của thế kỷ 20, o bán bánh vẫn giữ nếp cũ đó. Khi mô o cũng mang guốc gỗ, mặc áo dài màu nâu đất, vai áo sờn bạc màu được may đằn nhiều lớp từ vai bên này qua vai bên kia. Hồi nhỏ, em hay méc với mệ ngoại: “Mệ, mệ! O nớ mặc áo rách, o nớ mặc áo vá!”. Thường mệ không la mà chỉ nói lui nói tới một chuyện như để sau ni em đừng bao giờ quên. Mệ ngoại nói rằng mặc áo dài mà đòn gánh đằn vai thì chỗ đòn gánh đặt lên vai áo mau sờn, mau rách. Chỗ vai áo đã sờn mà cả cái áo còn tốt nên người ta cắt miếng vải nối vai may chồng lên nhau để mặc cái áo được lâu, có khi để đỡ mỏi vai, sờn áo mà chiếc đòn gánh được quấn thêm lớp vải ở giữa.
Sau ni lớn lên em mới hiểu ra... Không chỉ o bán bánh mà những ai hay gánh bất kể áo dài hay bà ba trên vai áo đều chồng thêm nhiều lớp vải. Tự nhiên nhớ o bán bánh xưa, thấy xót xa...
Hồi xưa không có khái niệm lấn chiếm lòng đường, lề đường như chừ nhưng có lẽ sâu xa trong tâm ý cũng là để tránh đường sá lộn xộn nên khi mô mệ ngoại cũng bắt cháu con kêu gánh vô nhà ngồi mà ăn. Mà ở Huế nhà nào cũng có sân vườn, cứ ai muốn ăn lại kêu người bán gánh thẳng vô nhà bán. Tỉ như người mua thương người bán mà nói gánh để ngoài ngõ rồi họ xách chén dĩa ra mua thì người bán cũng tự động nói khéo “Vô nhà rồi o bán chớ ngồi ngoài đường ri xe cộ bụi bặm...”.
Có gánh quanh năm suốt tháng chỉ bán một loại đó là gánh hàng ăn. Nhưng có những gánh buôn hàng theo mùa. Mùa ít cúng kỵ, lễ lạt người ta gánh lùng binh, niêu đất, muối sống, nước mắm... Mùa cúng đất thì gánh bán muối sống, đường đen, hột nổ, đèn dầu, áo binh. Gần Tết lại chuyển sang gánh đũa bông, hoa giấy, cát bát nhang...
Có gánh lại trong nhà có chi thì gánh ra bán thứ đó: Mớ trái bồ quân, sim, bìm bịp cho đến ổi, thanh trà, chuối, bưởi; từ củ khoai môn, bó rau lang, nạm rau tập tàng, nấm tràm, nấm mối.
Mệ ngoại em khi nào cũng ngồi nhìn ra cửa ngõ, chờ những gánh hàng ngang về để hỏi thăm có bán được không, sắm được chi cho Tết chưa. Khi nhìn thấy hai mẹ con nách rổ không, quang gánh không đi về, tay tòng teng chút mứt bánh, hạt dưa, bộ đồ mới cho con... là mệ biết ngày nớ họ đã bán được hàng. Mệ cười vui như thể mệ vừa bán hết gánh bún bò, sắm cho em cái áo mới bận Tết vậy. 

Mời xem thêm bài đầu tiên của trang nhà khiêm tốn nầy:
Chắp tay lạy người


ccc
lưu đày và thương nh





No comments:

Post a Comment