add this

Thursday, April 12, 2018

đêm di tản theo bờ sông Ba

pvp
Tướng Phạm Văn Phú, tự sát khi Cao Nguyên thất thủ


    Tôi còn nghe bàn tán xôn xao đâu đó là: Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã có kế hoạch Di Tản Chiến Thuật ra khỏi Cao Nguyên, nên chúng ta bình tĩnh chờ đợi...!"

Trực thăng nhấc mình lên một cách khó nhọc; bên dưới một người phụ nữ đeo tòn ten dưới càng! Khi lấy độ cao lướt qua lùm cây bên kia sông cũng là lúc người phụ nữ buông tay rơi tự do xuống đám rừng!

                 Tỉnh trưởng: Tình hình KonTum vẫn yên tĩnh, chúng ta được tăng cường một Liên Đoàn BĐQ...

đêm bên bờ sông Ba

Trang Y H

Buổi họp cuối cùng!
Ra khỏi tòa hành chánh tỉnh KonTum vào lúc 4 giờ chiều ngày 15 tháng 3 năm 1975. Bên tai tôi vẫn còn nghe văng vẳng lời nói của ông tỉnh trưởng: " Tình hình KonTum vẫn yên tĩnh, chúng ta được tăng cường thêm một Liên Đoàn BĐQ...!" Thành phần tham dự gồm các phòng, ban Tiểu Khu và các đơn vị hành chánh. Mặc dù nghe lời ông tỉnh truởng nói như vậy… khi ra về chúng tôi nhìn nhau không dấu nỗi sự lo âu vu vơ nào đó hiện trên khuôn mặt mỗi người!     Bầu trời KonTum hôm nay toàn màu mây xám yên ắm một cách lạ thường, trông ảm đạm như những ngày mùa hè đỏ lửa cách đây ba năm! Không nghe tiếng máy bay, tiếng đại bác như mọi ngày. Tôi chạy xe ra phi trường đường băng im lìm không có chiếc máy bay nào nằm ở đấy. Người lính gác cổng bồng súng đứng tư lự mắt nhìn về cuối sân bay - nơi đó có vườn "Paradise"! Tôi vòng xe chạy ra đường Nguyễn Huệ ngang qua ngôi nhà Thờ Gỗ thấy cửa đóng im ỉm; tiếp tục chạy ra cầu DakbLa quay qua trường trung học Hoàng Đạo. Phố đã lên đèn, "Chiêu Anh Quán" cuối đường Lê Thánh Tôn dân nhậu lưa thưa. Tôi buồn bã trở về đơn vị!      
6 giờ sáng ngày 16 tháng 3 năm 1975. Người chỉ huy chạy đến cho tôi biết rằng “Tất cả bỏ KonTum đi trong đêm các cây xăng không còn một giọt xăng nào! Anh em tự lo liệu..."! Ông chở tôi về nhà đón vợ con ông, rồi tức tốc chạy ra khỏi tỉnh. Khi xe chạy qua cầu DakbLa tôi quay đầu nhìn lại KonTum lần cuối. Dòng sông DakbLa hiền hòa êm ả với những đám bắp xanh tươi dọc theo bờ sông Phương Hòa - Phương Qúy- đôi mắt tôi cay xè và lòng tôi nặng triũ! (Mặc dù tôi không còn người thân - năm 1972 đã được di tản về làng tạm cư Long Thành, sau đó định cư ở Long Khánh). Phố núi thơ mộng nầy - nơi tôi đã chôn chặt một thời tuổi nhỏ với biết bao thương nhớ: bạn học ngày xưa; bạn chiến đấu và những kỷ niệm tình yêu một thời gắn chặt trong suốt quãng thời gian hai mươi năm! 
    
Pleiku im lìm như một thành phố ma! Nghe nói Bộ chỉ huy quân đoàn rời bỏ Pleiku lúc 9 giờ đêm hôm trước. Nhìn về hướng phi trường Cù Hanh những cột khói bốc cao và những tiếng nổ... hình như không phải tiếng pháo kích của cộng quân - tôi nghĩ vậy...Xe chúng tôi chạy vòng qua rạp hát và rẽ về hướng Phú Bổn, vì chúng tôi đã biết đường QL 19 đã bị chặn mấy tuần lễ trước. Đến Phú Bổn tôi thấy một người Mỹ, có lẽ là cố vấn cùng với những người lính VNCH bên cạnh chiếc trực thăng, họ nói chuyện vui vẻ! Tôi cứ tưởng rằng nơi đây vẫn còn yên tỉnh... Chúng tôi chạy quanh co một lúc là bắt kịp đoàn quân, dân di tản ùn ùn kéo nhau qua đèo. 

Tôi không biết đèo nầy tên gì, chúng tôi vượt đèo nhanh vì xe nhỏ. Qua khỏi đèo chừng 3 hay 4 cây số, tôi thấy địa hình bằng phẳng, chỉ có cỏ tranh và những lùm cây thấp; không thấy hình dạng con đuờng 7B như thế nào! Nhìn ra xa những dãy núi cao nhấp nhô tít tắp chân trời. Hồi còn học sinh tôi nghe thầy giáo giảng về địa lý: "Ở Tuy Hòa có đập nước Đồng Cam do Người Pháp xây dựng đồng thời mở con đường cũng từ Tuy Hòa- Đồng Cam- Cheo Reo, (bây giờ là Tỉnh Phú Bổn) đến PleiKu". Con đường 7B từ năm 1954 đến 1975 không còn sử dụng. Bỏ bê lâu ngày mưa núi xói mòn, cây rừng mọc kín làm mất dạng, những đoạn còn lại thì đá dăm lởm chởm cỏ, gai mọc xen lẫn lúc thấy lúc không nên rất khó đi. Trong khi đó đoàn xe công binh, xe quân đội lớn nhỏ và xe dân chở người, chở vật dụng ước chừng hơn cả ngàn chiếc chưa kể xe Honda gắn máy. Xe lính đi trước, xe dân theo sau chen lấn dàn hàng ngang chạy tìm dấu vết đường cũ mà tiến tới, bóp kèn tin tin, inh ỏi, tạo ra cảnh nghẽn đường chưa từng thấy dưới ánh nắng chói chang của những ngày đầu mùa hè. Mọi người bơ phờ, sợ hãi... người già, phụ nữ, trẻ em - đói, khát kêu khóc!      Nghẽn đường - nhích từng chút, từng chút..., có khi chạy vài trăm mét lại ngừng - một phần thì... lo âu không biết cộng quân có rượt theo hay ra chận đường! Còn nếu có pháo kích thì coi như chết tập thể...! Xe nào hết xăng thì bỏ xe xin quá giang xe khác. Tôi cũng ở trong tình trạng đó...Xe nổ máy nhiều lần hết bình ắc-quy, nếu còn xăng thì hút ra... bán - rồi  bỏ xe. Không đi nhờ xe khác được thì đi bộ. Những cây cầu sắt bắc qua các con suối lâu ngày ván gỗ mục hết còn lại khung sắt hoen rỉ... người đi bộ vin thành cầu đi qua, còn xe thì tìm những chỗ thấp, cũng may bây giờ không phải là mùa mưa. Những chiếc xe Honda- Vespa - Suzuki -Yamaha len lỏi chạy trước, đến khi hết xăng thì chỉ còn cách đẩy nó xuống khe núi! Hàng trăm, hàng ngàn chiếc cứ thế mà vứt - không thương tiếc, mới thấy thấm thía câu nói Bỏ của lấy người! mà không biết có thoát được không? Khi phía trước là núi cao, con đường 7B ở trong mơ, còn phía sau cộng quân sẽ đuổi kịp và tàn sát bất cứ lúc nào! Cũng có người quay ngược trở lại. Nhưng không ai khuyên ai một lời nào. Lý do tại sao trở lại.     

Gần đến Củng Sơn rừng rậm và đèo dốc nhiều. Xe quân đội chạy nhanh bỏ xa xe dân, nhưng bù lại là có đường mòn dễ đi và cứ thế chạy theo. Khi đến một cái dốc cao dài khoảng chừng 100 mét phía bên dưới là thung lũng cây rừng rậm rạp. Xe đi nhiều nên tạo ra một lớp bột đất mịn bụi bay mù trời...Tài xế chạy xe xuống trước còn người thì mặc quần áo nhiều vào rồi lăn hay tuột xuống...cũng có trầy xước nhưng không đến nổi bị thương. Nhìn cảnh nầy tôi nhớ khi đọc Tam Quốc Chí đoạn: " Đặng Ngãi dẫn quân đi đường tắc qua ngã Âm Bình vào đất Ba Thục tiêu diệt ấu chúa Lưu Thiện". Xe chạy cứ chạy còn những người đi bộ ghé vào Củng Sơn tìm mua thức ăn.


************************************************

thieu 

Nguyễn Văn Thiệu: từ ba không đến ba có, tổng tư lệnh mà không biết rút quan ngã nào, tham mưu trưởng Đồng Văn Khuyên, anh của tướng VC Đồng Văn Cống, không ra khỏi phòng lạnh. Ông Thiệu ra lệnh giữ tuyệt đối mật lệnh rút quân. Tướng Phú hỏi: dân và gia đình binh sĩ thì sao? Ông Thiệu trả lời giao cho VC. Tháng sau, chuẫn bị ra đi ông cỏn nói đồng bào hãy tin tường trung tướng Thiệu còn tổng thống Thiệu không cần thiết cho sự an toàn. Mâu Thân, VC đã đánh vào Chợ Lớn, ông không hay biết và ăn Tết ở nhà vợ tại Mỹ Tho. Saigon không ai trông coi, ông Loan ra tay chỉ huy thì ông Thiệu nghi đảo chánh, cho người đi coi hư thực mới về Saigon.


***************************************************************************
Tôi cũng đi theo họ. Đến nơi đã có một số người đến trước. Họ mua gà nấu cháo. Gọi là "Tiểu Khu" nhưng chỉ có vài con đường, nhà cửa lụp xụp như ở miền thôn quê. Được biết từ lâu Củng Sơn bị tách biệt với Tuy Hòa vì đường bộ cộng quân hay chặng đường và cầu cống bị đánh sập...Tôi thấy người dân ở đây chẳng quan tâm gì về chuyện tại sao chúng tôi đến đây, họ vẫn làm việc hằng ngày của họ, tôi thấy họ phơi bánh tráng. Tôi đi lại hỏi mua. Họ nói: "Bánh tráng sắn, không phải gạo, ăn được thì mua!"  Tôi nói: Ăn được! Người phụ nữ lấy một cái bánh còn ướt, nóng, ở trên lò chồng lên cái bánh tráng nướng sẵn và gập lại. Tôi trả tiền quay ra và thấy người con gái mặc quần loe, tóc dài, cười tươi đi vô nhà. Hình như ở đây rất thanh bình thì phải...? 
     
Tôi may mắn được một chiếc xe Land Rover cho quá giang. Chạy quanh co trong rừng chừng hơn một giờ là đến một bãi cát rộng mênh mông với những lùm cây lưa thưa ngang đầu. Tôi nghĩ, chắc đã đến bờ sông Ba. Xe quân đội đứng thành nhiều hàng dọc theo bờ sông có cả gia đình họ, tiếp đến là xe dân. Nhìn bãi đậu xe khổng lồ-thấy phát khiếp!

Ngày và đêm thứ nhất ở bên bờ sông Ba

Những giọt nắng yếu ớt còn đọng lai trên những tàn cây, đàn chim hình như không vội vàn bay về tổ, chắc chúng chờ xem bọn người nầy đến đây phá tan sự yên tĩnh của chúng chăng? Đúng thế! Dòng sông tuy mùa khô cạn nước, lòng sông ở đoạn này vẫn cỏn sâu và rộng chừng 100 mét. Toán công binh bắt đầu làm cầu phao qua sông. Tiếng máy nổ bơm hơi vào những cái phao; những thanh nhôm được kết nối lại; những sợi cáp kéo ngang qua bên kia bờ.  Công việc gấp gáp, ánh đèn từ chiếc xe GMC nổ máy pha sáng trưng, quang cảnh nhộn nhịp như một công trường!

Mọi người đổ xô xuống sông múc nước uống, tắm...Trên bờ những đụn khói bay lên bên cạnh những chiếc xe, họ nấu ăn, nhưng phần lớn ăn mì gói và bánh mì mang theo từ lúc ở nhà. Sau một ngày mệt nhọc họ tìm chỗ ngủ. Họ ngủ trên xe, ngủ dưới gầm xe, ngủ ngay trên cát. Tìm chỗ ngủ cũng vất vả không ít, vì xe đậu lộn xộn không có lối đi. Qúa mệt sau một ngày vượt núi, tôi chui vào một lùm cây và ngủ đến khuya. Có ai đó đạp vào chân tôi, choàng dậy...trong ánh sáng mờ mờ của ánh sao đêm, tôi thấy hai người phụ nữ tay cầm cái bình màu trắng. Tôi hỏi các chị đi lấy nước phải không? Họ nhờ tôi dẫn đi ra sông và các chị cũng cho biết là đoàn người phía sau còn rất đông. 

Đêm đầu tiên tôi ngủ ở bên bờ sông Ba! Đêm rừng nhưng không lạnh, trên trời đầy sao nhưng xem ra chẳng có ngôi sao may mắn nào! Phía xa xa từ hướng Phú Bổn những viên đạn lửa bay lên bầu trời và những tia chớp như sắp có cơn dông. Tôi nghĩ chắc đánh nhau, mà sao chẳng có nghe tiếng máy bay phản lực. Bầu trời vẫn yên lặng-yên lặng đến khó hiểu. Không có tiếng gà gáy. Có tiếng con nít khóc; tiếng vỗ về dỗ dành; tiếng hát ru nhè nhè của người mẹ...oan khốc tội tình gì mà bỏ nhà cửa ra bờ sông Ba mà nằm phơi sương, phơi nắng...? Tôi đưa hai người phụ nữ trở về chỗ của họ. Trời sắp sáng, tôi lần mò ra sông. Toán công binh vẫn miệt mài làm, tôi hy vọng cầu sẽ xong trong ngày hôm nay!


Dap-dong-cam-Phu-Yen-Tours-2
Đồng Cam, Tuy Hòa

Ngày và đêm thứ hai ở bên bờ sông Ba
Trời không sương mù nên những ánh nắng mặt trời rọi xuống dòng nước chảy lờ đờ trong vắt, thấy cát ở bên dưới, tôi xuống rửa mặt và nhìn qua bên kia bờ sông bằng phẳng. Đồng cát trắng phau phau, xa xa là rừng rậm. Mọi người cũng xuống sông làm vệ sinh như tôi, con nít có đứa nhảy xuống tắm trông cũng vui! Nhưng khi mặt trời càng lên cao, cái nắng càng gay gắt... cọng với cát được đun nóng hằng giờ mà chẳng có bóng cây cao che mát. Những lùm cây thấp ngang đầu lưa thưa trụi lá...hình như mùa xuân chưa hề qua đây! Người ta tận dụng tấm poncho, mền, căng ra từ thành xe qua các lùm cây. Còn tiểu và đi tiêu họ giải quyết vấn đề đó ngay tại chỗ. Họ không dám đi xa vì sợ có lệnh di chuyển bất ngờ. Mà họ cũng không dám đi xa, sợ lạc vì bãi đậu xe mênh mông mà không ngay hàng thẳng lối mạnh ai nấy chen lấn dành chỗ ưu tiên. Càng trưa cái nắng cao nguyên mùa khô như thiêu cháy một rừng người và xe cộ giữa hoang mạc. Những người đàn ông vội vã chạy xuống sông lấy nước và hấp tấp trở về lo cho ngươi nhà và bảo vệ chút gia tài: Vàng, tiền mang theo – trộm, cướp là chuyện thường xãy ra trong thời buổi loạn ly...       

Nhiều người say nắng, trúng gió, xây xẩm, ói mửa! Tiếng kêu cạo gió, xoa bóp, chờm nước...inh ỏi! Tiếng trẻ con khác sữa đòi ăn và mồ hôi nhễ nhại. Tội nghiệp những người mẹ quạt không ngưng tay, rồi chính những người mẹ cũng kiệt sức và ngã gục, người cha cũng bơ phờ mệt mỏi. Ở giữa rừng mà không có không khí trong lành để thở...Cát càng nóng càng bốc mùi nước tiểu, phân và thức ăn thừa cộng với mùi xăng dầu, mồ hôi do không được tắm giặt...Không khí đặc quánh, nồng nặc. Gió rừng không thổi hết mùi xú uế. Tôi thấy phía bờ sông giòng xe nhà binh nhúc nhích từng mét. Chắc cầu làm đã xong, trong lòng tôi mừng rỡ. Chạy đến xem xe chạy qua cầu như thế nào? Đến nơi tôi không thấy chiếc cầu đâu cả, nó chìm hẳn xuống khỏi mặt nước chừng nữa mét bởi sức nặng của chiếc xe GMC. Phía trước đầu xe là hai người lính công binh đi hai bên dẫn đường, xe qua thì phía sau cầu nổi lên. Chậm, nhưng rồi cũng qua được phía bên kia! Tôi nghe có tiếng ai nói cứ tiến độ như thế này, thì phải mất ba tháng số xe nầy mới qua hết. Còn cây cầu mong manh này liệu có chịu nổi số lượng xe khổng lồ này hay không? Và, cộng quân không vội vả gì rượt đuổi chúng ta - tự chúng ta đói khát, bịnh hoạn rồi chết!

Tôi còn nghe bàn tán xôn xao đâu đó là: Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã có kế hoạch Di Tản Chiến Thuật ra khỏi Cao Nguyên, nên chúng ta bình tĩnh chờ đợi...!" Tôi nghe và tôi cũng tin như thế thật! Bởi vì cả guồng máy chiến tranh hùng hậu mà không đủ sức di tản hết số quân, dân này hay sao?

Năm 1972 bằng đường hàng không, dân hai tỉnh KonTum & PleiKu chuyển đi sạch để lại thành phố cho quân đội chiến đấu và chiến thắng! Tôi nhìn lên bầu trời ánh nắng chói chang, trong vắt không gợn tý mây, không thấy bóng dáng chiếc máy bay nào như mọi ngày. Và, họ cũng như tôi kiên nhẫn chờ đợi ông Tổng Thống Thiệu đến cứu hay một phép mầu nào từ Thượng Đế...      Những đoàn người chạy sau, vừa mới tới tìm lối xuống sông múc nước và cho biết có đánh nhau khi qua đèo Phụng Hoàng hay Tu Na gì đó, Lính BĐQ và dân chết bị thương nhiều, ai chạy thoát được thì đi tiếp tới đây, ai không thoát được thì quay trở lại Cheo Reo. Họ cho biết thêm có người kêu gọi quay về: "Hòa Bình rồi đừng chạy theo bọn Ngụy nữa..." Bây giờ là 5 giờ chiều tin tức xấu cứ tiếp tục lan truyền trong đám người di tản. Đã sợ, giờ càng sợ hơn. Những khuôn mặt buồn thảm hốc hác, bây giờ lại càng lo lắng và xen lẫn thất vọng. Không ai bảo ai những ánh mắt đều nhìn về hướng Phú Bổn, nhưng nào có thấy gì đâu, còn phía Củng Sơn một vài đụn khói bốc lên. Có lẽ là khói bếp...


hinhanhngayquochan3041975023
mạnh ai nấy chạy; "sauve qui peut"

Nắng chiều vẫn còn bịn rịn trên dãy Trường Sơn, không khí không còn nóng hầm hập như buổi trưa, những tấm poncho, mền được tháo xuống trải trên mặt cát. Họ chuẩn bị ăn một chút gì đó qua loa và chờ đêm nay đến phiên xe mình qua sông. Tiếng trẻ con khóc và tiếng ầu ơ của người mẹ nhừa nhựa yếu ớt, có tiếng cầu kinh và cũng có tiếng kêu tên ông Thiệu ra chửi tùm lum...Tôi trở lại lùm cây cũ đêm hôm trước hòng tìm chỗ ngã lưng, chiếc xe Land Rover tôi đi nhờ vẫn còn nằm đó. Lùm cây trơ trọi không còn chiếc lá nào, mùi nước tiểu xông lên nồng nặc, bụng đói cồn cào, hai ngày qua không có hột cơm trong bụng. Tôi quay ra bờ sông và thấy những người lính đang ăn cơm sấy - tôi xin và họ cho tôi một bịch! Đêm nay tôi nằm trên cát, đêm rừng buông xuống thật nhanh, nhìn chùm sao bắc đẩu sáng lung linh, tôi nhớ mẹ tôi ở LK. Mẹ ơi! Mẹ đâu biết rằng đứa con trai độc thân 25 tuổi của mẹ hai đêm nay nằm ở bên bờ sông Ba!

Ngày thứ ba ở bên bờ sống Ba
Mệt, đói! Tôi ngủ vùi, khi giật mình tỉnh dậy xem giờ mới hay đã hơn 2 giờ sáng, nhìn về cầu phao ánh đèn từ chiếc xe GMC vẫn rọi xuống sông, nhưng không thấy chiếc xe nào qua cầu. Hình như cầu hư? Tiếng búa, tiếng va chạm sắt thép dội đi trong đêm thanh vắng...Nhìn về hướng Cheo Reo xa xa thấy những ánh chớp và những âm thanh như tiếng đại bác vọng về. Đơn vị chiến đấu đi theo lệnh di tản có nghĩa là người lính mang theo vợ con. Chỉ có súng cá nhân, gặp cộng quân vướng viú làm sao chiến đấu với hỏa lực địch có súng hạng nặng và xe tăng! Vậy tiếng súng vọng về là của ai? Tôi càng thêm lo lắng...      Buổi sáng ngày thứ ba! Bình minh le lói phía chân trời nhưng không đem lại niềm hy vọng đến cho mọi người đang chực chờ sang sông. Nỗi lo lắng lẫn sợ hãi thật sự căng thẳng trên từng khuôn mặt bơ phờ mệt mỏi do thiếu ăn, thiếu ngủ...Mới 10 giờ sáng nhưng ánh nắng đã gay gắt, cát nóng, mùi xú uế tích tụ những ngày hôm trước xông lên nồng nàn đến ngộp thở...

Người ta xúm lại săn sóc cho người phụ nữ mang thai - "Chị ấy sinh!" -có người nói thế! Và tôi nghĩ: Xưa nay người ta nói: "Chết bờ, chết bụi!" chứ có ai nói: Sanh bờ, sanh bụi đâu? Trời ơi! Sao em bé lại ra đời trong lúc nầy không biết nữa! Dòng sông Ba hiền hòa nhưng cũng oan nghiệt nầy chứng kiến biết bao thảm cảnh...!      Tôi đi ngược ra phía sau để tìm xem trong đêm qua những người chạy xuống may ra có đồng đội hay người quen biết. Trời! nhiều người bị thương: Lính có, dân có! Bộ đêm qua trên đường có đánh nhau hả? Tôi hỏi người mang áo lính rách bươn. Người lính không trả lởi mà nói: "Trong ngày hôm nay không thoát qua khỏi sông Ba thì thế nào Cộng Quân Sư Đoàn 320 đuổi kịp, hoặc nó pháo chúng ta chết hết"!  Đoàn người mới đến sáng nay họ không mấy quan tâm đến cầu phao. Họ kéo nhau đi bọc ra sau bãi xe và xuôi theo bờ sông tìm chỗ cạn để vượt. Ai chờ cứ chờ, ai đi bộ cứ tìm đường mà đi. Tôi cũng đi theo họ. Lúc này đã 3 giờ chiều, đi được chừng một cây số, thì mọi người hốt hoảng bởi những tiếng nổ chát chúa phía bãi xe. Pháo Kích! Pháo Kích! Có người hét lên...Tôi kéo hai đứa bé gia đình đi bên cạnh nằm xuống. Tôi nghĩ cộng quân pháo đuổi theo gây tang thương hoảng loạn chứ chưa chắc đã đến. 

Tôi nghe tiếng trực thăng càng lúc càng gần. Thì ra chiếc trực thăng Hồng Thập Tự hồi sáng nay có bay đến và lượn đi lượn lại bốn năm vòng rồi bay đi luôn! Không biết tại sao bay trở lại? Nó đáp thật nhanh xuống lùm cỏ giữa bãi cát, chong chóng vẫn quay...một số người chạy ào lên! Chiếc trực thăng vội vàn cất cánh nhưng quá nặng cứ chúi chúi hai ba lần, những cái túi xách quăng xuống hết. Trực thăng từ từ nhấc mình lên một cách khó nhọc và người ta thấy bên dưới một người phụ nữ đeo tòn ten dưới càng của nó! Khi lấy độ cao lướt qua lùm cây bên kia sông cũng là lúc người phụ nữ buông tay rơi tự do xuống đám rừng! Có người làm Dấu Thánh! Lạy Chúa tôi...! Người phụ nữ ấy chết hay bị thương trong lúc nầy, dù ai có lòng từ bi đức độ đến mấy cũng đều lực bất tòng tâm, không thể nào cứu được- Phía trước sông Ba phía sau đạn thù! Tôi và hai đứa bé tiếp tục đi, cha mẹ nó mang đồ đạt lặc lè theo sau.

Đi được chừng hai cây số tôi thấy một cái đập nước chắn ngang, thấp và nước chảy xói mòn. Tôi đoán đây có lẽ là cái dạng còn lại của đập Đồng Cam do người Pháp xây đã bỏ lâu năm bị nước xâm thực hư hại. Đoạn sông này cạn, nước sâu khoảng đến đầu gối. Hai bên là những bãi cát chen lẫn những lùm cây, màu cát trắng cọng với nắng chiều quyện vào nhau lung linh tuyệt đẹp!       Đã 5 giờ chiều mọi người dừng quân nằm xuống cát nghỉ ngơi hít thở không khí trong lành thật sự chứ không phải nồng nặc mùi xú uế như chỗ bãi xe. Tôi lang thang ra đồng cát rộng chừng nữa sân bóng đá, nhìn về hướng Tuy Hòa xa xa. Tôi thấy những đốm đen, tưởng là đàn chim buổi chiều bay về tổ. Nhưng không phải! Cái đốm đen ấy càng lúc càng lớn dần... Một... Hai... Ba...  Bốn – năm – sáu - bảy - tám! Đó là những chiếc trực thăng Chinook! Mừng qúa...Tôi hét lên: Có máy bay bà con ơi! Tôi cởi áo lót trắng cầm nơi tay vẫy, vẫy liên tục... Sáu chiếc bay qua trên đầu. Tôi thất vọng! Nhưng đến chiếc thứ 7 & 8 thì quay trở lại và đáp xuống. Lúc này bà con túa ra ùa lên nêm chặc người và người trên hai chiếc Chinook. Bây giờ tôi mới hiểu ra, chính chiếc trực thăng Hồng Thập Tự lúc sáng bay đến thị sát và đã can thiệp để có những chuyến cứu vớt nhân đạo nầy!

Đêm nay và ngày mai...Đoàn quân di tản chiến thuật chắc chắn sẽ đối diện với Sư Đoàn 320 thiện chiến của cộng quân. Và tôi đã khóc.
[Tôi đã đi trên con đường 7B]



Cây Bun Tháng Ba
Trang Y H


Nga tay hng git sương ngun
gom v rưới mát cây bun tháng ba
bun tháng ba đã tr hoa
bên đường hoa n tháng ba não n

xương khô dưới lá ê
li ru xác lá v v đêm hoang
gi cho anh mt cung đàn
đ anh nghe li muôn vàn nh thương

còn trong em mt đon trường
ngày nao vĩnh bit su vương mt m
em còn sng trong mơ
cành hoa rng ci trơ trơ ti đi

dm ngàn máu đ git rơi
rng anh nm li gia tri em mang
quân đi tiếp bước hàng hàng
trước sau đn réo điêu tàn là đây

tháng ba ngi vi c cây
nén nhang lan ta hn vây ly hn
anh ơi ch chp di khôn
luân hi xe y vn vn vã xoay
Tháng ba di tản.


No comments:

Post a Comment