add this

Sunday, July 25, 2021

Thực Thể Đông Dương và Việt Nam


Thực Thể Đông Dương  và Việt Nam

Dẫn nhập: Gần 200 năm định mệnh đã tròng tréo ba nước Việt Miên Lào trên một bán đảo mang cái tên đầy định mệnh. Indochine, đáng lý phải dịch là Ấn Hoa thay vì Đông Dương. Phạm Quỳnh, đầy chữ nghĩa, đã phân tích thành hai vùng ảnh hưởng Ấn Độ (Indo) là Phật Giáo Nguyên Thủy ở Cambodge và Lào và Chine vùng kia của Khổng Mạnh, Tàu. Lối nhìn nầy được ghi nhận như một chi tiết nhỏ nhoi trong một cuốn khảo luận về Đông Dương của Christopher E. Goscha nhan đề Vietnam or Indochina? được dịch qua tiếng Pháp Indochine ou Vietnam? Một nữ sinh viên đại học Lyon đã viết bài điểm sách bằng tiếng Pháp. Chúng tôi xin lược dịch bài nhận xét của Aranone Zarkan Al Farekh.

Những chữ trình quý vị có giá trị giới hạn. Thứ nhất, bài nhận xét đặt trên một bản dịch, thứ hai, không thể xác định nhiều danh từ là nguyên gốc hay là dịch thuật, thứ đến khả năng hạn hẹp của chúng tôi về lịch sử và ngôn ngữ, cũng như không biết khả năng của người điểm sách có tường tận về một vùng đất đầy tính chất chính địa (geopolitic) hay không.

Về phần chúng tôi, chúng tôi thấy rằng lịch sử nó như một mớ tương hợp đúng như phương pháp luận duyên khởi, và nó còn dài, còn dài, em ơi mưa nắng còn dài.

Phương pháp của Goscha là đặt vấn đề trên một không gian (espace) vừa địa lý, vừa văn hóa, vừa chính trị vừa tư tưởng, tức là đặt vấn đề trong một viễn tượng. Sân khấu chính trị quân sự chính yếu là VN thế mà Việt Minh không chiếm nhiều đất, lại chiếm rất nhiều đất của Miên và Lào. Vùng biên giới Lào Thái là một khu kinh tế, và cũng nhờ đó mới có thể chuyển vận quân đội ở Điện Biên Phủ 1954. Nhưng nguồn sinh lực vẫn phải có từ biên giới Hoa Việt nhờ Mao Trạch Đông đã chiếm Hoa Lục.

Tác giả chỉ phê bình sự bất công của Pháp dành cho VN như một lý do chính của sự tan vỡ Đông Dương nhưng đó chỉ là một yếu tố trung bình. Tác giả muốn nhìn theo một viễn tượng rộng rãi mà quên rằng ĐD nằm vào một thời đại kỳ quái với đủ thứ ảnh hưởng, như phong trào giải thực, chiến tranh lạnh và nhất là vai trò mới của Trung Cộng.

Ông cũng không nói đến đặc quyền Pháp dành cho người Tàu để biến người VN là một loại công dân thứ ba. Người Tàu, kẻ phục vụ trung thành và hữu dụng được hưởng quyền tài phán phân biệt (jurisdiction privilégiée), tranh chấp thì người Tàu được xử theo luật của Pháp, người Việt tùy từng vùng.

Chúng tôi xin có mấy chữ vào thời sau khi cuốn sách đã dứt. Kinh nghiệm nhìn chiến lược trên không gian rộng lớn trước 1954 được áp dụng trở lại trong chiến tranh VN. Nếu Lào cưu mang đường bộ thì Cambodge là một mật khu, hậu cần và hướng tiến chiến lược. Miền Nam, Nixon thì đúng hơn, cũng quan niệm rộng rãi, đánh qua Miên và hứa sẽ bắt hết đầu não VC, diệt mật khu như CS Hy Lạp ngưng hoạt động khi Albany không cho làm hậu cần. Không bắt được chính ủy nhưng sang bằng mật khu.Tuy vậy chỉ trong hai năm nó được thay thế bằng một mật khu kiên cố to lớn hơn để đánh đòn cuối 1975. Cambodge “tự do” của Lon Nol đã làm cuộc cáp duồng đẹp mắt.

Khmer Rouge không theo lệnh của Hà Nội nhưng theo lệnh của Bắc Kinh, có nghĩa Miên vẫn nằm trong cùng chiến lược.

Ông Đỗ Mậu đã nói với chúng tôi rằng ông Ngô Đình Diệm tiếp Sihanouk mà không cười, nên chỉ vài ngày sau ông hoàng Chùa Tháp đi Bắc Kinh ký thỏa ước cho TC và BV xử dụng đất Miên trong chiến tranh. Nhận xét nầy quá đáng vì không thể trong ba ngày mà thay đổi, có thể cuộc viếng thăm nầy nhằm che dấu âm mưu quỷ quyệt. Nhưng dẫu sao câu chuyện cho thấy Miền Nam không có một chiến lược rộng rãi, cứ tưởng vũ khí sẽ quyết định chiến tranh. Ông NĐD có chiến lược rộng rãi về hướng đông, y chừng muốn thành lập một Holly Alliance, liên minh thần thánh với Tưởng Giới Thạch, Đài Loan, và Lý Thừa Vãng, Đại Hàn.

Đông Dương sau sự ra đi của Pháp thành một Đông Dương mang một hình dáng khác nhưng vẫn là địa bàn để cho ba nước Việt Miên Lào tiếp tục tròng tréo vào nhau. Như vụ Hà Nội xua quân qua Miên 1979 giao tranh với Khmer Rouge. Qua đến thiên niên hai ngàn mà vẫn còn tròng tréo không thôi.


Thực Thể Đông Dương và Việt Nam

Aranone Zarkan Al Farekh *** Christopher Goscha

Tôn Thất Tuệ dịch

Trước khi người Pháp đến, dân tộc VN đã đồng nhất về ngôn ngữ và đã kiểm soát vùng đất từ châu thổ Hồng Hà đến đồng bằng Cửu Long. Năm 1834 hoàng đế Minh Mạng tuyên bố bảo hộ Cambodge; biên giới lãnh địa rộng hơn biên giới ngôn ngữ. Cương thổ đó được duy trì dưới uy quyền nhà vua nhờ một hệ thống nha lại gồm các công chức VN và thuộc cấp địa phương nói được tiếng Việt. Tuy nhà Nguyễn đã bỏ Phnom Penh năm 1841, Cambodge vẫn là một chư hầu cho đến 1863, ngày người Pháp đặt quyền bảo hộ riêng của họ.

Danh hiệu Việt-Nam (越南) chỉ mới xuất hiện đầu thế kỷ 19, năm 1838 vua chọn tên Đại Nam 大南 bởi vì đế quốc nới rộng về hướng Nam. Danh hiệu nầy trội yếu trong giới quan lại Nam Triều cho đến 1940. Nhưng trong Hòa Ước Nhâm Tuất 1862 (Traité de Saigon) người Pháp chọn tên Annam (安南). Sau đó họ chia đế quốc VN thành ba miền Bắc Kỳ (Tonkin), An Nam (danh hiệu không chính xác vì nó còn nghĩa toàn đế quốc VN, từ nay gọi là Trung Kỳ) và Nam Kỳ (Cochinchine không rõ nguồn gốc). Năm 1863 nền bảo hộ nới rộng qua Cambodge và Lào; như vậy từ nay chúng ta có năm vùng lập thành Đông Dương thuộc Pháp (l’Indochine Française).

Năm 1887, tháng 10, Pháp thành lập Union Indochinoise, động tác đầu tiên trong chiều hướng hình thành một lãnh thổ thống nhất.

Phải chăng Đông Dương (ĐD) là hậu thân của đế quốc An nam, hay là người An nam chỉ là một phần trong dân số ĐD. Nói khác là tìm hiểu đến mức độ nào người Pháp đã thành công thành lập ĐD như một thực thể vừa về lãnh địa vừa bản tính; và vừa địa dư cùng tâm thức.

Luận án nầy chọn hai định mốc thời gian là 1887 như trên đã nói ngày thành lập Union Indochinoise và 1954, ngày mở hòa đàm Genève để chấm dứt chiến tranh VN, tuy không bỏ qua những biến chuyển khác ở giữa nhưng ít quan trọng hơn.

1887 -1920 thời gian thai nghén

Từ năm 1887, Pháp mưu toan tạo lập một cương thổ thống nhất về địa lý, ước muốn ĐD thành một nước duy nhất theo những chính sách sau đây:

Trung ương hóa

Tức là cho ĐD một trung tâm năng động để dễ kiểm soát. Union Indochinoise được thành lập 1887 nhằm thuyết phục giới ưu tú VN đầu tư trí tuệ vào việc canh tân ĐD. Lúc ấy giới nầy vẫn tin tưởng rằng tương lai chỉ hình thành với sự hiện diện của Pháp, mãi cho đến thập niên 1930, họ vẫn quan niệm canh tân hóa và ĐD trong khuôn khổ cộng tác với Pháp.

Đến 1911, toàn quyền trở thành người quản nhiệm toàn lãnh thổ (administrateur du territoire) đảm nhiệm ngoại giao, hành chánh, quốc phòng và ngân sách. Rõ là một chính phủ. Trong lúc ấy triều đình VN, Cambodge và Lào đứng riêng rẻ.

Đào tạo lớp người ưu tú.

Ngay từ đầu, người VN đã liên hệ với Pháp và dĩ nhiên hưởng những ân huệ lợi lộc. Quy chế đặc quyền làm họ nhớ đến thời xưa hoàng triều sáng rực. Tuy nhiên họ không tự xem là người ĐD; sự phân biệt giữa người VN và các dân tộc khác sống ở ĐD không những có trong người VN mà trong đầu óc người Tây cũng có.

Việc đào tạo giới ưu tú bắt đầu từ việc học hành. Pháp đã bắt đầu đào tạo công chức riêng của họ. Năm 1911, Albert Sarraut, lúc ấy là khâm sứ, thành lập Université Indochinoise ở Hà Nội. Sarraut rất nồng nhiệt ủng hộ một ĐD thống nhất, ông muốn tạo ra một nền văn hóa mới cho ĐD, tránh xa ảnh hưởng của Khổng Mạnh. Ý hướng nầy biểu lộ qua một bản đồ thống nhất; bản đồ nầy theo lệnh của Sarraut treo tại các công sở của thuộc địa. Pháp đã dần dần thay thế hệ thống thi cử xưa theo lối Tàu bằng hệ thống giáo dục Pháp.

Ở một điểm khác, chính quyền Pháp đẩy mạnh thông tin tuyên truyền qua các nhật báo và các truyện bình dân dễ đọc (les romans de gare) làm thành tiếng nói duy nhất ca ngợi sự to lớn của ĐD thời mới, y như thể muốn nói sự canh tân chỉ có thể thực hiện nhờ một Union Indochinoise. Trong một mức độ nào đó, dự án nầy của Pháp đạt một số thành quả vì cương thổ nới rộng và giáo dục đã tạo ra thế hệ trẻ VN thập niên 1930 tự cho mình là người ĐD.

Tuy vậy các kết quả ấy bị giới hạn vì chính người Pháp áp dụng hệ thống giáo dục khác biệt (différencié) giữa thành phần ưu tú VN và những thành phần thiểu số khác. Lào và Cambodge chỉ được theo học các trường cải biến (les pagodes réformées) từ các trường học xưa, đồng thời giới hạng sự giao tiếp giữa nhóm thiểu số và người VN.

Về cương thổ

Pháp cố công đem lại cho ĐD một sự sống bằng những công trình công chánh, đầu tư kỹ nghệ (cao su) và giao thông vận tải. Tiếp đến là sự canh cải hệ thống nha lại, rải công chức khắp cả cương thổ, móc nối giữa địa phương và chính quyền thuộc địa. Cũng là mục đích duy trì sự thống nhất lãnh thổ qua các hạ tầng cơ sở, mở đường cho một sự thống nhất tư tưởng và văn hóa.

Trở ngại chính yếu là sự thiên vị đặc lợi cho người VN, lớp người thực sự thể hiện sự thống nhất bề ngoài nầy, giữ các chức vụ hành chánh ngay cả tại Cambodge và Lào; họ đã thành lập một giai cấp công chức riêng rẻ. Tiếng Pháp và tiếng Việt là hai ngôn ngữ thành văn. Giới trí thức ưu tú Cambodge và Lào đã nhìn thấy qua nền cai trị Pháp một sự bành trướng của người VN.

Pháp đã thực hiện nhiều điều: thủy lộ giữa Saigon và Hongkong, Bangkok, Singapour, Marseille (chính yếu để xuất cảng mủ cao su). Trên bộ, nhiều con đường xuất hiện, quốc lộ 13 chạy theo sông Mekong hoàn tất giữa thập niên 1930; đường sắt chạy từ Saigon lên tận biên giới Việt Hoa và sau cùng là điện tín. Những cơ sở nầy tạo nên mối tương hệ giữa không gian và thời gian, xa gần, nhanh chậm. Nhưng các chính trị gia quan niệm sự thể trong một cương lãnh, một không gian gọi là Union Indochinoise.

Những thành quả trên đặt một nền tảng vững chắc cho sự di dân (chưa phải thực dân) của người VN sang Cambodge và Lào. Một số đông người VN tự xem mình là người thực dân (colon). Đến như Pham Le Bong, chủ bút La Patrie Annamite chủ trương người Việt hãy thuộc địa hóa Lào, ngõ hầu Bắc Kỳ và Trung Kỳ thoát khỏi miệng của Bắc Phương. Người Việt đã lập kiến nghị hủy bỏ điều khoản đặt người Việt nằm dưới chính quyền Lào, người Việt đã xem lãnh thổ nầy của họ.

Phạm Quỳnh chủ bút Nam Phong trong thập niên 1920 đã du hành khắp ĐD đã nêu lên sự cắt đứt văn hóa tại “biên giới Lào”, ông nhấn mạnh chữ biên giới (la frontière) có một ý nghĩa (đặc sắc), nó phá hủy quan niệm một cương thổ, một không gian tư tưởng chung cho cả ĐD. Theo ông, danh hiệu Indochine / Indo-Chine cho thấy hình đồ văn hóa: một bên chịu ảnh hưởng của Ấn Độ (Phật Giáo Theravada), một bên dưới ảnh hưởng của Tàu (Khổng giáo). Phạm Quỳnh quan niệm rằng ĐD ở trong sự liên tục của (chính sách) Đại Nam; theo ông, những phương tiện Pháp đã xây dựng mở đường cho sự thực dân hóa (của người VN) trên đất Lào, Cambodge.

Sự thể nầy đã khơi mào những bất hòa tương lai; và chính người Pháp đã tạo ra số người thực dân tại chỗ, để làm một cuộc thực dân hóa trong một cuộc thực dân khác của Pháp. Người Việt trên hai xứ nầy đã có những danh từ phân biệt văn hóa của họ và văn hóa người bản xứ.

1920 – 1945 chủ nghĩa quốc gia VN hay ĐD?

Quan điểm bảo thủ-

Thập niên 1930, Pham Van Bong, nhà báo bảo thủ đề cập ĐD như một sự cần thiết sống còn của người VN. Những kẻ theo chủ nghĩa quốc gia trẻ được huấn luyện trong các trường thuộc địa không còn theo đường lối Khổng Mạnh, họ xem sự đồng nhất và thống nhất Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ là điều cấp thiết, bởi lẽ sự phân chia nầy là do người Pháp tự ý làm ra. Họ không nói đến Lào và Cambogde nhưng phân vân giữa giấc mơ một ĐD do Pháp đưa vào đầu và hoài niệm một đế quốc Đại Nam thống nhất.

Giới bảo thủ và người Cộng Sản (mỗi bên một kiểu) đã hòa lẫn Đế Quốc Đại Nam và ĐD. Có giả thuyết cho rằng đó là ý nguyện quyết tâm của người VN làm sống dậy hướng tiến có trước khi Pháp đến là Nam Tiến, nay dùng ĐD làm phương tiện mới cho mục đích cũ. Do đó người VN quan niệm thực thể ĐD trong khung sườn Viêt Pháp và không để ý đến Cambodge và Lào.

Cường Để, trái  Phan Bội Châu
Ý niệm về một liên bang xuất hiện năm 1911 song hành với ý kiến thành lập một quốc gia VN phía Nam nước Tàu (Phan Bội Châu và Cường Để chủ trương một quốc gia độc lập). Để bảo vệ quyền lợi của mình, Pháp phải tìm một cấu trúc khác thay thế cho Union Indochinoise. Fédération Française ra đời 1941.

Sáng lập viên Đảng Lập Hiến Bùi Quang Chiêu đồng thuận những ý niệm của Sarraut, nhất là ở điểm tự trị của người VN, tảng quyền từ trung ương đến địa phương và tự do hành động. Đó là mốc dấu đầu tiên của chủ nghĩa quốc gia VN và làm nổi bậc khả năng trí tuệ của người Việt đã diễn dịch cụ thể các giá trị và ý niệm của Pháp.

Năm 1931, người chủ trương quốc gia VN xúc tiến chương trình phát triển kinh tế Phía Tây, lập đồn điền, khai mỏ ở Lào và Cambodge trong kế hoạch sáp nhập lãnh thổ.

Về phía Lào hoàng thân Phetsarath (1890-1959) tuyên bố cần phải có thể lệ điều chế việc nhập cư của người Việt hầu tránh việc thành lập một quốc gia trong một quốc gia; ông chỉ trích người Việt Nam chỉ nói tiếng Việt và làm mọi việc theo ý riêng. Tuy vậy, theo ông, ĐD không có thật, không có cái gọi là ĐD, ông đòi hỏi xét lại việc thực dân Pháp ủng hộ việc người VN cai trị đô hộ Lào.

Người VN rất đổi ngạc nhiên và bất mãn vì từ trước đến nay có người Lào nào dám nói như vậy. Từ đấy xuất hiện những phản ứng liên hệ đến Đế Quốc VN. Giới trí thức Cambodge chấp nhận rằng ĐD chỉ hiện hữu về phương diện hành chánh, nhưng phủ nhận tính chất đồng nhất về lịch sử, ngôn ngữ và địa dư của toàn vùng. Những lời bát khước nầy mở đầu sự xác lập “căn cước quốc gia” của Lào và Cambodge; và là vật xúc tác cho các cuộc nổi dậy 1930 và 1931 chống người VN.

Người Pháp ý thức rằng họ đóng vai vôi hồ, keo sơn, gìn giữ ĐD không để cho các phong trào quốc gia tương tranh gây bất ổn.

Về phía người CS, từ 1920, họ đã nghĩ đến cách mạng và quan niệm một quốc gia hậu cách mạng theo kiểu Xô viết, tức là hợp chủng. Họ đồng ý hy sinh những đặc thù lịch sử để chấp nhận quan niệm mới về quốc gia-liên hiệp. Đảng CSĐD chủ trương như vậy theo yêu cầu của Komintern (Đệ Tam QT). Người ta không hiểu thắc mắc của HCM ông nói ĐD gồm cả Thái Lan và Miến Điện; phải chăng ông muốn nói gồm hai xứ nầy thì quá rộng không kham với tình hình; hay ông muốn nói Komintern cần tóm luôn hai xứ nầy cho xong.

Những giao động 1940-1945

Giữa 1940 và 1945, ĐD chịu ảnh hưởng của những cuộc tranh chấp thế giới: Nga, Pháp, Nhật. Tình trạng nầy làm cho người quốc gia khó biết cách nào mà lựa chọn.

Các đại biểu người Việt tại Chambre Consultative Indigène de Tonkin (hội đồng tư vấn địa phương Bắc Kỳ) yêu cầu ban bố hiến pháp cho một liên bang ĐD gồm năm xứ, tại mỗi xứ có nghị viện gồm số nghị viên bằng nhau của người Pháp và Việt; liên bang nầy có quân đội riêng. Nói bình đẳng giữa các vùng là vậy, tuy nhiên chính quyền không chú tâm đến nguyện vọng Cambodge, Lào và các dân thiểu số khác. Thực tế bất công còn sâu sắc hơn; các bộ dân luật phân biệt rõ ràng Việt, Lào, Cambodge.

Hoàng cung Luang Pravang, Lào


Theo chủ trương của chính phủ Vichy, người Pháp muốn phục hồi những phong trào chủ trương quốc gia. Chính quyền bảo hộ đề cao những nét độc đáo của từng bộ tộc nhằm đẩy lui ảnh hưởng của Nhật. Nhu cầu phục sinh quốc tính của những vương quốc Cambodge, Lào và Việt Nam – nghịch thường thay – là nhờ người Pháp vô tình hay cố ý ngăn chận phát triển một thực thể gọi là ĐD bao trùm cả bán đảo nầy.

Bắt đầu 1942, người Pháp khởi sự dùng danh hiệu Việt Nam ngõ hầu đạt sự hậu thuẩn của giới ưu việt, xưa nay là một chỗ dựa chính của ĐD. Pháp chơi trò nước đôi, một mặt xác nhận sự liên kết với giới ưu tú VN và một mặt tăng cường sự giúp đỡ dành cho các dân thiểu số khác. Pháp đã bỏ hết công sức ngăn chận ĐD phân hóa tanh bành; nhưng ĐD không đáp ứng canh bài mong muốn khi ba xứ Trung Nam Bắc trở thành một nước VN.

Ngày 12 thg 6 năm 1945 (ba tháng sau khi Nhật chiếm toàn lãnh thổ), hoàng đế Bảo Đại chính thức công bố quốc danh là Viêt Nam.

HCM thay chữ “kỳ” thành “bộ”, Nam Bộ …để lên tiếng có mặt trên bản đồ mới. Sau khi Nhật đầu hàng, HCM thành lập VNDCCH. Sự thành lập VNDCCH xem như tiếng chuông báo tử của ĐD. Tuy vậy trong hàng ngũ CS vẫn còn nhiều người còn mang ý niệm ĐD, và chính nhờ vậy ĐD vẫn còn phần nào là một thực thể chính trị. ĐD vẫn còn mang hình ảnh lịch sử năm xưa người Việt giữ ưu thế; nay người Pháp sẽ ra đi thì người Việt thay vào làm kẻ bảo hộ và là những người lính canh giữ liên bang. Chứ còn ai vô đây!?

Sau thế chiến 2, người Pháp cố gắng bất thành gộp chung các chính phủ dân cử sau khi độc lập (Nhật khuyến khích Cambodge và Lào tuyên bố độc lập tháng ba và tháng tư 1945) trong cơ cấu liên bang ĐD. Người Pháp thất vọng vì ba xứ thành độc lập một cách dễ dàng. Việc ấn định các biên giới cẩn mật đã thể hiện sự giải tán ĐD. Từ 1945, người VN không được phép đi lại, định cư dễ dàng khắp nơi ở ĐD. Những biên giới nội địa trở thành biên giới quốc gia. Lào và Cambodge đặt các đồn trạm địa phương kiểm soát việc nhập cư và an ninh để xóa bỏ việc Việt Nam hóa lãnh thổ. Người Pháp thay đổi chiến thuật chơi lá bài thiểu số chống lại chủ trương quốc gia của người Việt, tức là số người không còn trong tầm kiểm soát của Pháp và đe dọa quyền uy của Pháp.

Từ 1951, đảng CS VN quyết định giúp các chính phủ mặt trận Lào và Cambodge giành độc lập và giành lại ĐD. Sự thể giống như sự lai tạo giữa hai môi trường khác biệt, giữa chủ nghĩa quốc gia (độc lập) và chủ trương quốc tế (liên bang). Người CS biết rằng ba nước phải tương lập, và thành lập mặt trận chung. CSVN đã trợ giúp Lao Issara va Khmer Issarak thành lập một liên minh quân sự.

1949 Mao Trạch Đông đã chiếm toàn Hoa Lục, dễ dàng vận chuyển quân dụng mọi thứ một cách dễ dàng. Chiến lược của CSVN đặt trên địa bàn rộng lớn, toàn thể lãnh thổ ĐD. Khu biên giới Lào Thái trở thành những đơn vị hành chánh quân sự, có hệ thống thâu thuế riêng, buôn bán bất hợp pháp kiếm lời nuôi chiến tranh.

Hai xứ Lào và Cambodge đều có nét chung: phe kháng chiến lệ thuộc hoàn toàn vào CSVN; phe chính phủ lệ thuộc hoàn toàn vào người Pháp. CSVN đã vận dụng thành công số người Việt trước đây đã nhập cư Cambodge và Lào, giúp mọi thứ, nhất là kinh tế chiến tranh.

Tại hòa hội Genève 1954, CSVN vẫn muốn duy trì một liên bang ĐD, nếu thành công họ sẽ kiểm soát tất cả vì ngay lúc đó họ đã chiếm 43% lãnh thổ hai nước Lào và Cambodge.

Người CS đã thực tế dung hợp giữa hai ý niệm không gian, một là VN và một là ĐD. ĐD thực sự chỉ hiện hữu trong đầu óc người Việt và người Pháp. Với người Việt ĐD hiện thân một quá khứ vương triều đã mất, với người Pháp ĐD là một vùng đất đầy tài nguyên cần được canh tân và sẽ được kiểm soát dễ dàng qua trung gian một chủng tộc. Nhưng sự trông cậy vào nhóm thiểu số nầy đã phá hỏng sự đồng nhất và an lành của một ĐD liên hiệp. Người VN, qua đặc quyền đặc lợi, đã thúc đẩy hình thành chủ trương quốc gia của Cambodge và Lào./  nguyên bản tiếng Pháp đây


=============================================================================

 

Vua Bảo Đại tuyên bố quốc danh Việt Nam
ngày 12 tháng 6 năm 1945

 ==================================================================


No comments:

Post a Comment