add this

Tuesday, October 18, 2022

 


Vua Minh Mạng và Chữ Nôm

Lê Minh Khai Blogspot  Sept 24, 2017 *

Tôn Thất Tuệ dịch

Tác phẩm Vietnam and the Chinese Model (1971) của Alexander Woodside hiện vẫn là tác phẩm tiên phong nghiên cứu VN thế kỷ 19 và Nhà Nguyễn. Quan niệm nòng cốt của Woodside là: có một mô hình được nhận diện là Việt Nam, khác biệt, phân biệt được với mô hình Tàu mà nhà Nguyễn tìm cách áp đặt (thay mô hình VN). Cụ thể hơn, Woodside quan niệm một thế giới trong đó có một nước VN “Đông Nam Á” mà trên đó mô hình Tàu đã được cố gắng áp đặt, về tư tưởng, văn hóa và cách thức cai trị. Cuốn sách nầy nhằm chứng minh mô hình Tàu không ăn nhịp tốt đẹp với thực thể Đông Nam Á nêu trên. Ở đây chúng tôi chỉ nêu một trong những đề mục của Woodside. Ngôn ngữ và chữ viết.

Ông đã gặp khó ngay từ đầu khi đặt ngôn ngữ và ký tự trong tình trạng lưỡng phân giữa Tàu và Việt vào thế kỷ 19. Chữ Nôm, một hình thức ký tự mượn lối ký tự của Tàu nhưng chữ Nôm cho phép văn gia VN thành công vượt khỏi những ước lệ cổ điển Tàu, và xoay xở cây bút dễ dàng hơn chính người Tàu, đồng thời, thu lượm tinh hoa của văn chương bình dân, để xác quyết chữ Nôm là một thực thể không phải Tàu.

Thế nhưng ở khía cạnh khác, chữ Nôm là cây cầu đưa nghĩa các chữ Tàu vào nội dung Việt; chữ Nôm khó tách lìa tiếng Tàu.

Woodside không thể trình bày nhiều hơn. Điều chính yếu ông muốn nói là chữ Nôm là một lối ký tự mà người Việt dùng để bày tỏ ý nghĩa qua lại, trao đổi những suy nghĩ v.v…Nhưng lối thông đạt nầy đã bị loại trừ do việc áp đặt mô thức Tàu thực hiện bởi giới ưu việt đã Hán hóa.

Tác giả nại rằng trong những năm Tây Sơn hùng cứ cuối thế kỷ 18, hệ thống thi tuyển công bộc đã rệu rạo, cho nên sĩ tử dự bị làm quan biết chữ Nôm nhiều hơn chữ Tàu. Từ đó chữ Nôm tiếp tục thịnh hành cho đến đầu thế kỷ sau. Gia Long khuyến khích vì nhu cầu hơn là vì sở thích.

Woodside kể rằng khuynh hướng chính thức dùng chữ Nôm đã bị lật đổ bởi vị kế nhiệm Gia Long. Minh Mạng không cần nhiều thì giờ trong việc nầy. Ông viết: “Ngay năm đầu tiên của đế nghiệp, 1820, Minh Mạng đã đánh một đòn trí mạng vào chữ Nôm bằng cách ra lệnh rằng từ nay, các sớ trình tâu, các bài thi sát hạch phải viết giống như Tự Vị Khang Hy chứ không được viết theo lối thảo’.

Độc giả cần thấy rõ rằng lệnh của vua Minh Mạng chỉ nhằm vào cách viết chữ Tàu cho có quy củ, chứ lối thảo thì không thể lượng định được. Nhiều lần tác giả nêu sự kiện trong thời Tây Sơn, nhiều chữ Việt được ghi nhớ dễ dàng hơn chữ Hán. Chữ Việt ở đây là những chữ không có trong ngôn ngữ Tàu nhưng được dùng phương pháp ký tự của Tàu mà viết ra.

Thực tế, lệnh của vua không trực tiếp ảnh hưởng chữ nôm. Quan lại trong triều không bao giờ viết một bài một lời tâu hoàn toàn tiếng Việt. Những chữ Việt nầy vô cùng ít ỏi và không mang những ý tưởng. Những chữ còn lại hoàn toàn có gốc chữ Tàu. Giới trí thức khi đặt bút không phải chọn lựa tiếng Việt hay tiếng Tàu, họ đã quen sống với văn ngôn, tức là Hán học cổ điển.

Giới trí thức nầy không khác thành phần ở Âu Châu đã sử dụng La Tinh.

Ví dụ câu văn 'thời xưa quân sĩ thường rất dũng cảm và trung thành', sẽ được một người Anh viết như sau: “Ab antiquio, militum have been semper fortis and semper fidelis.”

Hai chỗ tiếng Anh là “have been” và “and.” không có giá trị về ý tưởng. Ở đây nhà vua chỉ muốn thuần túy viết theo Khang Hy cùng một tiêu chuẩn để dễ thông hiểu. Minh Mạng không ra lệnh chọn Hán Tự vì Hán Tự đã dùng từ lâu.

Woodside đã đọc đoạn có lệnh của vua trong Quốc Sử Di Biên; tài liệu nầy đã ghi rõ rằng các chiếu chỉ của triều đình lúc đầu đã trộn chung các quốc âm của vương quốc. [國初詞命多雜用國音 quốc sơ từ mệnh đa tạp dụng quốc âm]. Ngày nay, Nôm được hiểu là chữ viết, một ký tự. Nhưng thời xưa Nôm là một “âm” (a sound) và âm được xem là thấp hơn viết (văn ).

Vua muốn thuần túy dùng một thể loại là văn.

Điểm kế tiếp như đã nói trên vua Minh Mạng ấn định cách viết theo từ điển tiêu chuẩn Khang Hy và không dùng lối viết thảo

[字畫一依康熙字典不得用亂草本; tự họa nhất y Khang Hy tự điển, bất đắc dụng loạn thảo bổn]. Thảo bổn là lối viết bay bướm gồm hai cách chính là: 異體字, dị thể tự và  草字 thảo tự, thịnh hành vào đầu thế kỷ 19.

Việc làm của vua Minh Mạng là việc của một nhà quản trị, một nhà cai trị, các chiếu chỉ công văn của chính quyền phải rõ ràng và thống nhất, nhà vua chỉ làm sạch sẽ “văn ngôn” của triều đình và không kỳ thị chữ Nôm. Nhiều tác giả đã không thảo luận có tính cách kinh viện với Woodside mà dùng lập luận của ông trong các cuộc tranh luận đầy cảm tính vội vã về sự lưỡng phân Hoa Việt và nhìn vấn đề ra khỏi học thuật đúng cách.

Phụ bản: Bài Minh Mang and Nôm có ghi thêm tham luận ngắn của glett bằng tiếng Việt như sau

Có nhiều người cả ở trong lẫn ngoài nước Việt Nam cho rằng “quốc âm” (國音) là tên gọi khác của chữ Nôm, đây là một sự hiểu nhầm đã bị lan truyền quá lâu, “quốc âm” không phải chữ Nôm, “quốc âm” đồng nghĩa với “quốc ngữ” (國語), ở Việt Nam thời xưa nó là tên riêng để gọi ngôn ngữ ngày nay thường được gọi là “tiếng Việt”. Theo tôi, có ít nhất là bốn tên gọi khác nhau được dùng trong Hán văn ở Việt Nam thời xưa để chỉ tiếng Việt, bao gồm “quốc âm” (國音), “quốc ngữ” (國語), “Nam âm” (南音), “Nam ngữ” (南語). Không biết tên gọi “tiếng Việt” bắt đầu được dùng để chỉ tiếng Việt từ khi nào, tôi không biết có văn bản nào được viết trước thời Pháp thuộc gọi tiếng Việt là “tiếng Việt”, có vẻ như tên gọi này cùng với “người Việt”, “người Kinh” mới chỉ xuất hiện và/hoặc được dùng theo cái nghĩa ta biết ngày nay từ thời Pháp thuộc.

Không biết ở Việt Nam trước thời Pháp thuộc, đại đa số người nói tiếng Việt có coi tiếng Việt và tiếng Hán là hai ngôn ngữ khác nhau hay không hay họ coi nó (tiếng Việt) là một phương ngôn (方言) của tiếng Hán giống như tiếng Quảng Đông, tiếng Triều Châu, tiếng Khách Gia…? Những danh tự ngày nay gọi là “Hán Việt” được những người bản ngữ tiếng Việt có học vấn cao thời đó nhìn nhận như thế nào. Trong tiếng Việt thời kỳ đó có từ ngữ nào tương đương với thuật ngữ hiện đại “từ Hán Việt” (mới chỉ xuất hiện trong nửa sau thế kỷ XX) hay không? Tôi thấy trong sách báo tiếng Việt xuất bản trong nửa đầu thế kỷ XX dưới thời Pháp thuộc, danh tự Hán Việt được gọi là “chữ nho”, “chữ Hán”, “Hán tự”. Các tên gọi này vừa được dùng để chỉ một loại văn tự (chữ Hán) vừa được được dùng để chỉ một loại ngôn ngữ (tiếng Hán) vừa được được dùng để chỉ các từ Hán Việt trong tiếng Việt, Không biết trước thời Pháp thuộc, ba tên gọi “chữ nho”, “chữ Hán”, “Hán tự” đã xuất hiện trong tiếng Việt hay chưa, nếu như có thì nghĩa của chúng có bao gồm tất cả những nghĩa đã nêu ở trên hay không? (Sept 25, 2017)

Minh Mang and Nôm

==================================================================

chơ huyện
======================================


 


No comments:

Post a Comment