add this

Saturday, November 5, 2022

đường Trần Hưng Đạo Huế Xưa


Trần Hưng Đạo Huế Xưa 

Tôn Thất Tuệ

Khai đề: tôi có gởi bài viết về đường Trần Thúc Nhẫn đến các bạn cũ QHĐK. Võ Hương An (thầy Võ Văn Dật) ra lệnh: “Ngon trớn, ôn kể tiếp đường Trần Hưng Đạo, đi từ tiệm Đồng Hiên Vạn Ích bên cạnh Thông Tin Trung Việt tới La Cảnh Lưu cho bà con nghe chơi. WD”. Tôi xem đây như một đề thi, không lẽ nạp giấy trắng mà về. Nghĩ mãi, tôi chợt nhớ một sự thay đổi trong nghề làm báo bắt đầu bởi một lời chỉ dạy của một chủ bút. Khi tường thuật, anh viết những điều thấy được biết được đã đành; nhưng anh phải nói những điều cần biết mà anh không biết. Nó không giống câu nói của Khổng Tử biết điều không biết là biết vậy.  Được, tôi sẽ viết những điều tôi không biết về con đường nầy. Hơn nữa có thế kéo dài như kẹo kéo Bắc Kỳ, hay chơi món trộn, tả pí lù, thời gian không cần mốc giới.

Thưa thầy cựu hiệu trưởng Hàm Nghi,

Tôi ở Bến Ngự nhưng thường qua Tam Tòa vô cửa Thượng Tứ đến thăm bà nội, đi bộ hay xe kéo cùng ông già. Qua cầu Trường Tiền thì quẹo trái. Sau chiến tranh 1945, ông già đã ‘đi phép’, tôi mới một mình qua cầu có ba vài tạm thay khúc đã sập, nó rung rung, chỉ có một sợi dây cáp (cable) thế thành cầu, sợ rớt xuống sông; nhưng rồi cũng đến đất liền và rẻ phải về phố lần đầu tiên. Điều kỳ thú nhất là ở cái tiệm kia có treo cuộn dây dừa làm bằng xơ dừa, có một đầu cháy từ từ. Ít lâu sau có bà bán gánh ghé lại châm điếu thuốc. Lúc ấy tôi mới biết là hàng cẩm lệ, nay vẫn không nhớ là Bà Cửu Ới hay Mụ Thôi.

Tôi không ở phố nên không biết chi về khúc đường nầy, dẫu rằng đó là mạch sống kinh tế và tình cảm; và có tác động giống như Ngả Giữa. Cho nên làm theo lệnh của thầy, e chợt ruột.

Tôi rất cô đơn không có bồ. Mỗi lần từ Saigon về ăn Tết Huế thì áo quần bảnh bao đứng ở nơi hai con đường nầy gặp nhau, thường trước tiệm ảnh La Cảnh Lưu. Nhìn vô thì rất nhiều chân dung nữ học sinh Huế, có vài người quen, thèm chảy nước miếng. Nhìn ra thì thấy các nường diễn hành rất vui nhộn, đẹp hơn trong hình nhiều. Lắm sinh viên sư phạm mặc nguyên đồng phục đại lễ, làm tôi mặc cảm thua kém. Vì các bà mẹ có con gái gặp bạn thì hỏi sư phạm nào, sử địa? Anh văn? …còn văn khoa luật thì xin đi khỏi nhà cho nhanh.

Những buổi trời lạnh mà âm u, đường Trần Hưng Đạo là một bức tranh Matisse, muôn màu muôn sắc. Thằng bé cảm thấy một nguồn sinh lực như sóng đập vào ý tưởng. Đúng chứ, sức sống lam lũ trong thúng gánh nằm bên kia đường trong chợ Đông Ba, cái nghèo èo uột thì nơi bờ hồ sau lưng dãy phố nầy, muốn đi vô phải lên gần Pharmacie ông Thăng có hẽm hay lên cống cửa Thượng Tứ, hay xuống cống cửa Đông Ba. Nhưng những linh hồn trên lề phố nầy là tinh hoa của xã hội, vui tươi đời hồng; la vie en rose.

Thầy Dật nói tiệm Đồng Hiên Vạn Ích tôi không biết là gì, e là một tiệm thuốc bắc, tiếp nối pharmacie Nguyễn Cao Thăng hướng về ciné Tân Tân. Gần đó có nhà thuốc tây Đông Ba của thầy Lưu Sơn vừa tốt nghiệp trường dược Saigon về mà tôi cứ tưởng hiệu Chánh Đông của thầy Lê Bá Nhàn; thầy Nhàn bỏ dạy đi Saigon học xong về Huế kinh doanh. Hình như hai thầy đẩy lui vào hậu trường thế giới pharmacie cũ. Chừng 1950 …Huế chỉ có ba hiệu thuốc Nguyễn Duy Huề, Nguyễn Duy Hối và Nguyễn Duy Hân. Ông Huề ở Ngả Giữa, ông Hối ở Trần Hưng Đạo gần với La Cảnh Lưu; ông Hân thì ở gần Sân Vận Động Bảo Long, góc đường về sau mang tên Đội Cung.

Thời xa xưa ấy, ba thứ thuốc trị bệnh hết sức tầm thường phải có toa: aspérine, đau đầu, ganidan, đau bụng, dagénan trị ghẻ làm độc ngoài da; khó khăn để không đưa vô chiến khu. À quên, thế nào cũng giới hạn là ky nin viên (quinine) và quinobleu (quinine nước màu xanh như áo em xanh, trong các ống thủy tinh ampoule, dùng cái cưa bẻ cái bụp, chích ven) trị sốt rét.

Lúc ấy thịnh hành Bévitine (sinh tố B1) và Vitascorbol (sinh tố C). Lúc thầy Lưu Sơn mở tiệm, có lẽ thị trường đầy trụ sinh khởi đầu bởi penicilline rồi đến thần dược steptomycine, nhưng không ai bán Tobiamycine (hòm Tobia).

Đâu đó bên cạnh là tiệm may Tân Lập, chuyên trị côm lê, chúng tôi những kẻ bị bỏ rơi phải đến nhờ Tân Lập đối trị với mấy cái veston chiếm tình của sư phạm. Hận thù đằng đằng nên hòa hay nên chiến? 

Tôi không có tiền mua sắm nên không biết tên các hiệu và bán những thứ gì. Thái Lợi và Lý Lâm Tinh có lẽ bán hàng sắt như hardware của Mỹ; Rồng Vàng cũng thế chăng. Nhưng đừng quên cà rem Thanh Quỳnh. Đầu tiên là cà rem cây, đựng trong những thermos rộng miệng, hình tròn có sáu khía có que tre. Nhưng oai dũng mở đường mới là kem gói, hình lập phương như cục xà bong, gói giấy không thấm nước, kem có sữa. Tại đây chỉ bán sỉ cho các cậu bé bán kem dạo.

góc trái trên là Nha Thông Tin Trung Việt

Tôi quý những con người nên nêu vài nhân vật.

Chị Khánh, gọi theo tên chồng, có tiệm uốn tóc trong lobby ciné Tân Tân. Anh Bùi Ngương Khánh, nhà ở Hàng Đường là huynh trưởng hướng đạo, về sau làm phó thị trưởng Huế hay phó tỉnh trưởng Huế. Hình như chị là con gái của "Cậu Cả Điên", một "Thân Trọng" không có gì điên, chỉ có tội mặc áo dài đen rất bệ vệ, luôn cười vui với mọi người. Hình như người quản lý Tân Tân cũng con vị nầy. Cậu Cả trong gia đình mẹ của bà Ngô Đình Nhu. Chủ ciné là ông Tôn Thất Đệ. Cậu Đệ thích Nha Trang nên đã mở thêm rạp Tân Tân đường Độc Lập, xây một biệt thự rất đẹp trên bờ biển Khánh Hòa, sau khi nhường cơ sở làm ăn nầy cho người em là Tôn Thất Ngọc.

Anh Hướng cũng hướng đạo như anh Khánh, đứng bán hàng cho Lý Lâm Tinh. Anh rất cao và đi một chiếc scooter không ai có, nó to hơn Lambretta. Anh là chồng chị Vẽ, trung tá nữ quân nhân.

Lại một ông hướng đạo nữa cùng làm thiếu trưởng Đinh Bộ Lĩnh. Lúc mới qua phố, tôi cứ nghĩ anh Tường là chủ nhà sách Tinh Hoa vì anh đứng bán; như vô lò rèn thì ông thợ rèn là chủ chứ gì. Anh Tường trắng trẻo mập như con ông Địa. Tôi có tham dự lễ lên đường của anh Tường. Dạo ấy chừng 1957, hướng đạo Huế như muốn trở mình. HĐ Huế có một câu lạc bộ riêng một nhóm bô lão gồm các tráng sinh lên đường mang hai chữ RS (Rover Scout, rửa son, rờ súng). Bỗng nhiên một đợt tráng sinh trẻ được lên đường. Các giáo viên như anh Tôn Thất Lôi, anh Ngọ, các thương gia như anh Chỉ, hiệu xe gắn máy, anh Ngọc tiệm may, nhân viên thương trường như anh Hướng anh Tường.... Tráng sinh lên đường lập lại ba lời hứa. Chỉ một mình anh Tường có nói thêm: cùng quyết tâm không rời Tam Bảo, tôi xin lập lai ba lời hứa như sau. (Anh Lôi gần 100, qua Cồn Hến trồng bắp bị ong cắn mà chết).

Ty Thông Tin Thua Thiên, trước là TT Trung Việt

Lại không thể quên nhà sách Tinh Hoa với ông chủ Tăng Duyệt. Ông mở cửa trên lầu, ra xem chiến trận Mậu Thân tới đâu vào lúc đang đổ quân tái chiếm Huế, ông bị một viên đạn chết ngay. Cũng giống như một mình Chu Tử đứng ở bong tàu di tản 1975 qua Rừng Sát bị một phát súng chết tươi. Ông Duyệt có công mở đầu xuất bản "nhạc tờ" và thành lập Tinh Hoa Miền Nam ở Saigon mở rộng ngành nầy và giao cho Lê Hoàng Long phụ trách. Con gái của ông Tăng Bảo Hương hiện ở Texas.

Tôi được biết ông Thái Lợi là một ông nghè, kinh doanh hàng sắt, trở nên giàu có. Ông ban nông cơ nông cơ nông cụ của Nhật hiệu Kubota và Yanmar và một số hàng nhập cảng khác như thực phẩm. Phải chăng vì vậy ông bị đố kỵ. Huế tung tin ông Thái Lợi rất dốt tiếng Tây. Ông nói J’ai Thái Lợi (tôi có Thái Lợi) thay vì Je suis Thái Lợi (tôi là Thái Lợi). Mà dù ông có nói vậy thì nào có gì sai. Tôi có cái tiệm Thái Lợi thì tôi là ông Thái Lợi, ông Tăng Duyệt làm chủ nhà sách cũng gọi là ông Tinh Hoa. Sông Lợi Nông qua Bến Ngự là sông Bến Ngự, qua Phủ Cam là sông Phủ cam.

Về bà xẩm Lý Lâm Tinh, câu chuyện khá dài nên xin để cuối bài.

Đường Trần Hưng Đạo, nghe vậy ai cũng nghĩ đến dãy phố từ Thông Tin Trung Việt đến Gia Long, ít ai chú ý đoạn phía trên đến đường vô cửa Thượng Tứ. Đoạn trên nầy có những thương vụ “hàng nằm” không chảu lảy, như tiệm đóng sách, làm khuôn dấu, làm đàn, chỗ sửa xe của thầy Phạm Văn Hương và có nhà sách Ưng Hạ. Tuy cũng mang tên Trần Hưng Đạo, khúc đối diện có nhà hay không từ cầu Trường Tiền đến Bến Xe Buýt gần cầu Gia Hội xem như một thực thể riêng biệt, thu vào khối nam châm là Chợ Đông Ba. Cà phê Lạc Sơn như cây kim sắt trên từ trường nầy. Phan Bội Châu (Gia Long) thì phố xá hai bên không tách riêng mà cùng tạo nên một sức hấp dẫn chung. Thì ra hai con đường có hai cá tính.

Người cuối cùng là Chị Dương mạ tui.

Đây là người đàn bà duy nhất ngoài gia tộc mà tôi luôn nghĩ đến mỗi khi nghĩ về Huế. Chị Dương, kêu theo tên chồng, làm chủ hiệu sách Gia Long, Ngả Giữa ngó qua Tân Hợp Mỹ, Mỹ Thắng.

Chị Dương mở đầu việc bao sách bằng giấy dầu mọi sách bán. Tôi đã đứng hằng giờ xem chị bao sách, bao nhanh như máy. Mua sách ở đây khỏi tìm giấy xi măng, Thế Giới Tự Do mà bao. Nhưng không phải các nhà sách khác đều theo, chỉ có Gia Lâm, hóa thân của Gia Long, làm theo.

Một lần tôi đến thì có hai cô bé đồng phục đi về chạy vô nhà trong. Tôi hỏi chị Dương ai đó và được trả lời là con gái đầu và con thứ. Tôi tinh nghịch buột miệng nói: em gọi chị bằng mạ hý. Mấy chục năm sau tôi mới biết là cô Hồng nay là một nữ bác sĩ ở HK. Nào có nợ gì nhau mà quen nhau.

Nhưng Gia Long đâu phải vì thế mà giữ tâm hồn tôi như kẻ tù chung thân. Lên lớp nhất, tôi quá đổi vui mừng khi được cho cái áo tơi nylon, chẳng khác cái bao nylon ngày nay phủ bộ đồ veste ở tiệm dry clean, có hai chỗ xẻ thò tay ra mà gài nút. Tôi đi bộ qua Tam Tòa, bà nội tôi đã mất chỗ nầy các con của bác tôi ở, xin tiền mua sách. Chị Lê, sau là vợ của nhà văn Đỗ Tấn (Đỗ Tấn Xuân) cho tôi đủ tiền mua cuốn sách toán của Trần Tiếu, tôi đi bộ ra cửa Đông Ba vô Ngả Giữa lên nhà sách Gia Long. Vô nhà sách như vô một thế giới mới, đủ thứ viết mực, giấy dậm, thước vuông thước tròn mà chị Dương ân cần vỗ đầu như con, bảo về ngay kẻo mưa lạnh. Nhà sách có mùi hương thơm nhẹ, sau mới biết la hương giấy, loại giấy vàng. Nghĩ lai mà thương, bây giờ sách mới mua từ Amazon trắng tinh nhưng hôi tanh.

Sau 1954, nhiều căn phố lên lầu và chị Dương dời tiệm sách ra Trần Hưng Đạo, chỗ cũ để cho cô em họ mở nhà sách Gia Lâm.

Từ 1962 tôi xa Huế và hầu như không về Huế. Có lần tôi đi ven bờ sông mưa phùn tự hỏi nếu xa dòng sông thì sao, tôi tự bảo e chỉ có chết thôi. May không phải là lời thề nên tôi không trở về mà không chết, còn sống nhăn răng. Một số người quen vẫn còn.

Lần tôi về Huế, 2010, chiều hôm sẵn sàng ngày mai lên tàu hỏa về Saigon mà quy hồi Mỹ quốc. Tôi thấy nao nao buồn vô cớ, bỗng nhiên thích bước vài bước trên lề đường Trần Hưng Đạo. Tôi nhờ đứa cháu chở Honda từ Đàn Nam Giao xuống phố. Tôi không chủ định đi đâu nhưng cứ bước tới. Lúc ấy đã tối, phố xá ít người. Kìa chị Dương bắc ghế ngồi ngay trước tiệm. Chị Dương, mạ tui, vẫn như xưa nếu không muốn nói trẻ hơn, vẫn tươi vui, còn nhớ tôi cậu học trò tinh nghịch. Chị nói với tôi đang làm sui gia với nhà sách Ái Hoa, có lẽ hôn nhân cho thế hệ cháu, chứ con của chị nay đã lớn lắm rồi. Phạm Túy Hoa, cháu của bác Siêu trong nhóm Tân Hợp Mỹ cho tôi biết tên và ngày quá vãng của chị Dương, tôi quên hết.

Dạ thưa, không phải cô Ri nhà sách Ưng Hạ, không phải bà Cửu Ới, không phải bà Lý Lâm Tinh ... mà trong tôi, chị Dương, mạ tui, là linh hồn đường Trần Hưng Đạo, thuở xa xưa khi trái táo huyền thoại chưa bị cắn, là linh hồn đường Trần Hưng Đạo, khi Bàn Cố phân định âm dương, quân bình cho thế sự, khi loài người có biết sự an bình nội tâm và ngoại cảnh.-

Lý Lâm Tinh

Trước 1950, bà xẩm nầy thường đi xe hơi với người con trai là Chú Chô lên chùa Từ Quang gần Tường Vân. Chùa có nhiều bổn đạo bự như bà Lý Lâm Tinh, đại sứ Tôn Thất Hối, bác sĩ Bửu Hiệp. Tôi không nhớ lúc nào bà chết và cửa tiệm hình như muốn đóng. Tôi nghe kể bà chết không lâu sau khi mua miếng đất xưa của ông Bát Tấn, cách chùa Thuyền Tôn một trũng thông thủy khá lớn mùa nắng có lạch nhỏ mà thôi. Thảo nào, nói theo kiểu vùng lưu vực Hồng Hà. Thảo nào, hèn chi ...

Từ Đàn Nam Giao đi lên theo con đường đất qua khỏi Chùa Quy Thiện đến ngã ba, bên trái vô Thuyền Tôn, bên phải đi tiếp đến lộ đất lớn từ Ngự Bình qua để vào Khu Chín Hầm. Ở giao lộ nầy là đất ông Bát Tấn, đã bỏ hoang, chỉ còn cái nền nhỏ của kiosque gọi là nhà xem trăng. Quan bát phẩm tên Tấn mở khu đất nầy thành tài sản của gia đình, nhưng ông đã chết và sạt nghiệp khi chưa xây cất gì nhiều; đất bỏ hoang, đám chăn trâu cũng né, không dám vô hái ổi mà chủ nhà đã trồng khi khai khẩn.

Nhưng Chú Biên điếc không sợ súng. Chú Biên trước kia tu trong chùa Thuyền Tôn chưa đến sa di thì hoàn tục, tôi biết chú Biên khi 1945 lên tá túc chùa nầy sau chiến tranh. Chú Biên lấy vợ và thấy đất trống vô chủ đã cất mái nhà tranh cho hai quả tạ tim vàng. Mái tranh còn giữ màu vàng, chưa sậm chưa mòn vì mưa nắng, thì vợ chồng chú đều đau trối chết, vài bổn đạo của chùa đã khuyên chú bỏ mà đi, nếu cứ đeo thì sẽ theo ông Bát Tấn lên ngồi bàn thờ. Chú nghe lời và sống an toàn.

Bẳng đi nhiều năm đến 1963 sau vụ cảnh sát dã chiến lùng soát các chùa đấu tranh PG ở Saigon, các trường đóng cửa, tôi được “mời khéo” bởi một người trong gia đình ông Ngô Đình Cẩn về Huế dự bữa cơm do ông cố vấn đãi, và cho tôi tờ phép đi máy bay quân sự. Đến Huế, tôi được xe đưa rước, tưởng là qua tư dinh Phủ Cam mà đi xa lên tận đất ông Bát Tấn mà tôi đã biết. Mươi sinh viên khác đến trước, là sinh viên Saigon của nhiều phân khoa và trường chuyên nghiệp. Tôi mới biết ông cố vấn đã làm chủ khu đất Bát Tấn. Cái nền kiosque bỏ hoang từ xưa, nay trở thành một vọng nguyệt lâu rất đẹp, và dùng lối mẻ sành dán tường như Lăng Khải Định, mái bánh ú hình kim tự tháp, ngói âm dương trán men. Chính giữa là tượng Đức Mẹ. Nơi ngắm trăng nầy đã hoàn tất, xa xa phía trong sâu, nổi lên giữa cây xanh là những sườn cột bê tông (ossement) còn trống chưa có gạch. Ở phía khác, đôi ba xe công binh to đang đào các lỗ đất lớn để trồng những cây khá to có bầu rễ lớn bứng từ nơi khác.

Ông Cẩn nhận ra tôi, kẻ đã ngồi gần ông ăn tré tại Lăng Minh Mạng 1958, trong buổi cắm trại của các hiệu đoàn ở Huế. Đúng như thiếu tá cảnh sát Liên Thành đã khen ông cố vấn có trí nhớ phi thường. Bữa ăn theo kiểu buffet tiếp tân, chúng tôi đứng, ngồi ăn quanh tượng Đức Mẹ. Dịp nầy ông cố vấn nói ông quyết định dùng nơi nầy để dưỡng già, tuy tôi biết ông còn một nhà nghỉ mát ở cửa Thuận. Chỗ ông ở bên Phủ Cam là từ đường có từ thời ông Ngô Đình Khả, là của chung. Tôi thừa biết cuộc họp mặt nầy có tính chất chính trị nhưng ông cố vấn không nói gì, chỉ hỏi thăm như gia đình đông con, ăn xong người cha thường hỏi các con học hành trong ngày ra sao.

Chừng hai hay ba giờ chiều, ông đưa chúng tôi qua phía trũng thông thủy nói trên, nơi đây là một hòn non bộ xưa, nhiều khối đá không tự nhiên, có một bực đất khá rộng như sân nhà. Chỗ nầy cách khu đất chính bằng một con đường công cộng.

Ông cố vấn bỗng nói đại khái như sau: mấy đứa bây đừng lấy vợ sớm, lo mà học cho xong; lo mà đi học, chuyện chi thì đã có Tổng Thống lo. Tôi biết ông ngầm nói đến lời tuyên bố của Ngô Tổng Thống sau cuộc lùng bố; hứa sẽ giải quyết ổn thỏa mọi tương tranh. “Sau tôi còn có hiến pháp”. Tôi nghĩ đó là mục đích bữa cơm nầy, chỉ cần nói chừng đó thôi.

Thật tình hơn nửa thế kỷ tôi không hiểu tôi nói thật hay mỉa mai; nghiệm lại, không mỉa mai, nói thật nhưng pha nhẹ lo ngại, không phải nịnh bợ. Có lẽ ông cố vấn đã biết chuyện ông Bát Tất, chuyện bà Lý Lâm Tinh, không chắc biết chuyện chú Biên.

Tôi nói: Thưa ông Cố Vấn, đất nầy là đại địa, cao địa chỉ để xây chùa nhà thờ của các bậc chân tu hoặc chỗ ở của cao nhân, có sứ mệnh lớn”.

Ông không nói gì nhưng trông hài lòng, đắc chí.

Chỉ vài tháng sau là đảo chính 01.11.1963, hai ông Diệm Nhu chết, ông Cẩn về sau bị xử bắn.

Tuy không muốn làm chứng nhân, tôi không đồng ý khi báo chí Saigon viết rằng dân chúng Huế phải mất hai ngày mới đập phá xong nhà nghỉ của ông Cẩn. Từ bữa cơm nói trên đến đảo chánh chưa được nửa năm, là một phần tư năm, một quý, làm sao xây cất nhiều để dân chúng phải cần hai ngày mà phá.

Về địa lý phong thủy,  khu đất Bát Tấn nằm trên một con rồng thẳng, bên dưới đá trắng rất lạnh. Đầu các con rồng thẳng chỉ xây chùa miếu như Điện Hòn Chén. Lăng mộ chỉ dựa vào lòng con rồng cong. Cách nhà ông Bát Tấn chừng một cây số, trên lưng con rồng thẳng nầy cha tôi đã chôn ông nội tôi. Cha tôi thày lay, ỷ có tiền đã mời thầy địa Tàu từ Hongkong tìm huyệt chôn trước khi tôi ra đời 1939. Ông nội tôi có năm con trai; đến 1945, chỉ còn một người sống là cha tôi và bác bệnh hoạn suốt năm. Cha tôi chết trong chiến tranh, sau đó một năm bác cả cũng ra đi. Thế hệ tôi cũng mất nhiều, gần mười đứa. Do đó năm 1955, anh Tôn Thất Quyền cháu đích tôn của người dưới mồ và là trưởng tộc đã quyết định dời mồ về Núi Ngự Bình. Nhờ vậy, chúng tôi thấy tận mắt bên dưới đá trắng rất lạnh. Chỗ đất tốt có khí ấm cho nên nói ấm mồ ấm mã là vậy. Con rồng nầy thẳng đuột, thân rất lạnh, chớ đụng tới, không phải là nơi làm âm phần (mồ mã) hay dương cơ (nhà ở).----

tranh Matisse

============================================================


 


No comments:

Post a Comment