add this

Friday, July 21, 2023

Phật giáo Tây Tạng

 

 

mandala Quán Thế Âm, Tây Tạng

Hình thành Phật Giáo Tây Tạng

Réné Grousset Histoire de l’Extrême Orient Paris 1929

Tôn Thất Tuệ trích dịch

Cho đến thế kỷ 6, Tây Tạng (TT) không có tín ngưỡng nào ngoài đạo Bon, một hình thái chamanisme, như lên đồng, nhập cốt. Việc chuyển hướng qua Phật Giáo (PG) là công trạng của vương triều TT. Vua Sron-bcan sgam-po (630-650), sáng lập đế quốc TT, muốn văn minh hóa dân chúng dưới tay bằng cách nhờ PG để phổ biến văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa. Năm 632, vua đưa bộ trưởng Thon-Ni đến Magadha (Ma Kiệt Đà) để học giáo lý PG và văn chương Ấn Độ. Học xong trở về nước, Thon-ni sáng chế hai bản mẫu tự TT (về sau Mông Cổ dùng)

bổn đạo TT lạy Phật trong sân chùa 

Sron-bcan kết hôn với con gái vua Népal năm 639 và năm 641 cưới công chúa Văn Thành của Đường Thái Tông. Hai cha con hoàng gia nầy là những Phật tử nhiệt thành muốn đế quốc Trung Hoa theo PG. Nếu Népal đã ảnh hưởng sâu đậm đến nghệ thuật PG TT thì công chúa Văn Thành – trong thời gian nhiếp chánh thay chồng từ trần – đã giúp cho những người hành hương Trung Hoa đến Ấn Độ dễ dàng bằng đường TT.

Dưới triều Knri-sron-lde-bcan (755-788), viện sĩ Mật Tông Padmasambhava từ đại học Nalanda đến TT năm 749 để trừ khử phù thủy và đưa TT vào đường Mật tông. Môn đệ của ông mặc áo đỏ và mũ đỏ, bát bỏ lối tu của tiểu thừa là thoát tục và độc thân. Thay vào đó hãy tin tưởng hoàn toàn vào sức mạnh phép lạ của các câu chú (mantra) và các biểu thờ (mandala), và tin vào sự can thiệp phi thường của các vị bồ tát như Phổ Hiền. Các vua chúa đều giúp các tu viện PG đầy đủ.

Giới quí tộc và những người còn theo đạo Bon đã phản đối kịch liệt. Vua GLan-dar-ma (chừng 840), theo đạo Bon đã đuổi khỏi xứ các tu sĩ PG. Vua nầy bị ám sát và con lên thay thế; tân vương tiếp tục chính sách của vua cha. Nhưng sau ông, vương triều lụn bại, xứ sở tanh bành vì nội chiến giữa các tiểu quốc mới chiếm từng vùng.

TT không còn được xem là một yếu tố chính trị trong vùng, khác xưa đã từng làm nhiều người run sợ như Tàu, Ả rập và Thổ (Turc). TT không còn giữ vai trò quân sự nào. Nhưng lại đóng vai trò quan trọng về tôn giáo. Sư sải trước kia bị vua gLan-dar-ma truy lùng phải trốn tránh ở miền đông nay trở lui thủ đô hành sự.

Nền quân chủ đã bị hủy bỏ và được thay thế bằng một nền giáo quyền vạn năng. Đó là một biến cố tốt đẹp, may cho nhiều người; trong lúc muslim chiếm Ấn Độ đuổi PG ra khỏi biên cương, trong lúc Trung Hoa chống PG để phục hưng Khổng Giáo thì TT thành nơi ‘’tỵ nạn” của nền văn học Phạn ngữ PG.

Tuy vậy PG TT dưới ảnh hưởng của môn phái Padmasambhava đã rơi vào một thứ mật tông thô bạo nhất. PG cần được canh cải. Một trong những người khởi xướng tân hóa là nhà sư địa phương Lha-bla-ma-yeses-'od, con vua Byan-chub-'od. Sư hoàng tử nầy đã mời trí giả Atîça từ Bengal về TT để thực hiện thành công việc cải cách. Atîça đã đi Sumatra, Nam Dương, học đủ kinh và luật tiểu thừa chính thống; năm 1042 ông đến TT ngụ tại tu viện ở xứ mT'o-glin. Năm 1050, tại thủ đô Lha-sa, ông mở một hội luận, bát bỏ chủ trương ma quỉ của mật tông và truyền giảng đại thừa, nhất là lý thuyết trung đạo của Long Thụ. Ông tái lập kỷ luật tu viện, độc thân và thoát tục. Đệ tử người TT của ông là Brom-ston tiếp tục công việc của sư phụ. Chương trình cải cách tuy thành công vẫn không thể loại bỏ hoàn toàn phái áo mũ đỏ.

Chừng 1080, tăng sĩ Mar-pa – trước kia có đi Ấn Độ học Phật – thành lập một trường phái mới dung hòa mật tông và các pháp môn cũ và đại thừa của Atîça, quán niệm bản chất của chư Phật và tôn thờ Phật Di Đà. Trong số người theo, có thi sĩ Mi-la-ras-pa, nổi danh vì ca ngợi sự tịch nhiên của Hy Mã Lạp Sơn và đời sống nội tâm.

Nhân đợt cải cách nầy, nhiều tông phái nhỏ dung hòa các lề lối để tạo bản sắc riêng. Vì dụ phái Sa-skya vẫn mặc áo đỏ mũ đỏ, tăng sĩ có gia đình cha con tiếp nối nhau gìn giữ sự nghiệp nhưng theo giáo lý mới. Trí giả Kungra sau thời gian học Phật ở Ấn Độ từ 1219 đã lưu lại Mông Cổ nhiều năm chốn cung đình để truyền bá PG; người cháu của ông tên Phag Spa luôn ở bên cạnh Hốt Tất Liệt để làm cố vấn trong suốt thời gian Hốt Tất Liệt điều khiển Mông Cổ và thành lập, trị vì nhà Nguyên của Trung Hoa. Hốt Tất Liệt không ngăn cấm các tôn giáo nhưng chuộng và giúp phát triển PG.

Khoảng đầu thế kỷ 14 xuất hiện hai tuyển tập kinh điển PG TT là Kanjur (bKa-'gyur) và Tanjur (bsTan- gyur).

ĐLLM đương kim thứ 14, lưu vong

Dưới triều Minh, nền thần quyền PG thống trị TT từ thế kỷ thứ 10 đã được cải tổ bởi bCon-kha-pa (Tson-pa / Tống Bá), sáng lập viên giáo phái dGe-lugs-pa (nghĩa đen là ‘đạo đức’) thường được gọi nôm na là phái áo mũ vàng. Tson-pa đã dùng đủ mọi cách để loại trừ khỏi PG TT ảnh hưởng của Mật tông bằng cách chống đối phù thủy và hủy bỏ nghi lễ çaiva của Ấn giáo; ông củng cố lối tu học của tăng già, thoát tục và độc thân. Ông đã làm sống lại nền văn chương cổ, khuyến khích tăng sĩ đọc các tài liệu chính gốc của Ấn Độ. Ông lấy từ bi làm đường hướng chính yếu của sự hành đạo, điều ông đã tìm thấy trong giáo lý nguyên thủy. Ông cũng đưa ra những luận điểm về luân hồi, tái sinh của chư bồ tát, duyên giác và a la hán.

Mỗi sắc dân thiểu số, mỗi khu vực địa phương (theo phái nầy) có vị tái sinh riêng. TT có hơn 60 vị tái sinh như thế nầy. Riêng Tson-pas, ông tự cho là tái sinh hiện thân của Phật Di Đà hay bồ tát Văn Thù Sư Lợi. Những vị tái sinh nầy tạo nên trung tâm quyền lực giúp phái áo mũ vàng nắm giữ quốc sự miền trung và miền đông TT. Người cháu của ông lên thay và mang danh hiệu rGyal-dban, trưởng phái áo mũ vàng, mệnh danh là ‘đại la ma’. Giáo quyền của rGyal đã hoàn tất hệ thống tái sinh; từ nay ông và các người kế vị là hậu thân, tái sinh của bồ tát Quán Thế Âm. Phái Vàng đã thắng thế và Phái Đỏ phải rút vào Hy Mã Lạp Sơn. Từ nay Mông Cổ đều theo hệ thống vàng. Đến thời lama thứ ba, bSod-nams rgya-mcho (1543-1588), vua Mông Cổ Altan Khan, hậu duệ của Hốt Tất Liệt, tuyên bố PG Lama Vàng là quốc giáo và cấp danh hiệu mới là đạt lai lạc ma (ĐLLM) cho bSod-nam, thống lãnh PG TT, và từ nay các vị kế tục đều được gọi như thế.

Liên minh giữa giáo hội Vàng và Mông Cổ rất mật thiết đến mức vị lama thứ tư được ghi vào danh sách  kế vị Altan Khan. Nhiều tiểu vương Tây Mông Cổ đã theo PG.

1630, một hoàng tử TT thế tục, nhiếp chánh gTsali, xưa nay bảo trợ phái áo mũ đỏ, đã chiếm thủ đô Lha-sa. ĐLLM Nag-dban kêu cứu Mông Cổ. Lúc nầy Mông Cổ trung ương đã xuống dốc từ khi Altan chết nên chẳng làm gì. Tuy vậy, bộ tộc Mông Cổ phía tây, Kalmouk, còn hào khí. Gusi Khan tụ tập đủ quân lực lấy lại thủ đô năm 1642. Gusi Khan cất cử ĐLLM Nag-dban làm lãnh chúa Miền Trung TT và đối lại Gusi Khan được PG Vàng thừa nhận lãnh chúa miền Bắc, và là “hộ pháp” của PG TT. Để xác lập địa vị của mình Nag đã cho xây cung điện Potola làm nơi cư trú. Nag còn được hậu thuẩn của triều Mãn Thanh; năm 1652 ông được mời thuyết pháp ở Bắc Kinh.

Nag-dban có thầy trợ giáo là một lama lớn tuổi và hiểu rộng tên Chos-gyi-rgyal-mchan. Sau chiến thắng 1642, Nag đã đưa Chos lên địa vị mới trong giáo hội gọi là pan-chen rin-po-che và từ đấy TT có thêm một danh vị mới là rinpochet, theo sau ĐLLM. ĐLLM là hậu thân tái sinh của Quán Thế Âm, nắm giữ quyền lực thế tục và tôn giáo, trong lúc rinpochet hậu thân của Phật Di Đà chỉ lo công việc đạo.

=====================================

lớp học xưa ở miền Nam
====================================


 


No comments:

Post a Comment