add this

Tuesday, May 24, 2016

chết trên sân khấu

Epidavros Photo Vergas
sân khấu lộ thiên cổ Hy Lạp


chết trên sân khấu
tôn tht tu

Một cô gái đang bị rắc rối với cảnh sát ở cây xăng góc đường. Cảnh nầy quá thường; nhưng khi biết cô ấy là con một người trong xóm thì ta thấy có gì bất ổn, tuy không sôi động, trong lòng. Nếu là con của một người thân thì sự xốn xang tăng thêm. Nói khác càng có liên hệ thì niềm đau thương càng lớn.
Thính giả, người thưởng ngoạn, đã thấy Phạm Duy là một thực thể trong đời sống, họ nghe PD từ lỗ tai xuống trái tim như nghe Beethoven. Họ gần gũi với PD trên vecteur nghệ thuật. Khi thiên thần sụp đỗ, thiên thần không khốn đốn mà khách ngưỡng mộ sống dở chết dở. Họ muốn giết kẻ phụ bạc mà không giết được nên có người đã tự giết mình trong ý hướng giết kẻ kia một cách tiêu cực (đồng hóa với người ghét/thương).
Chính vì vậy, câu chuyện PD không bao giờ dứt. Nó không dứt tùy theo từng người, tùy theo nồng độ liên hệ. Trong lãnh vực súng ống, range là độ xa giữa họng súng và mục tiêu; "shoot in close range" là kê súng sát mà bắn thì có chết thôi.
Sự liên hệ giữa người và người là một huyền nhiệm, được xây dựng tùy cá nhân, tùy quá khứ vô thức, tùy hoàn cảnh giáo dục; có những sự liện hệ mà suy nghĩ kỹ có khi mang màu sắc linh thiêng.
[Những dòng trên đây tôi viết khi một nữ correspondante cho biết đã vỡ mộng vì một video có Khánh Ly hát mừng tổng lãnh sự VC; về sau vài ý nầy được dùng lại trong bài về Phạm Duy khi ông chết.- ghi chú 2016].
Tôi hết sức thông hiểu sự vỡ mộng vừa nêu. HTC chưa bao giờ nói nhận định nghệ thuật về Khánh Ly nên không biết nỗi niềm ấy sâu xa thế nào. Tôi xin nói qua cái nhìn của mình.

Thiết nghĩ, Khánh Ly phải bổ túc cho Thái Thanh thì nhạc PD mới lên tuyệt đĩnh. Nhạc Trịnh Công Sơn không đủ cái thiết tha cay đắng, hoan lạc tình người để khai thác giọng ca của KL. Nhạc TCS tạm cho nó cái tên cho đẹp như siêu thực, tượng trưng. Ca khúc Da Vàng chỉ vá víu và đơn điệu.
Kim Tước không chen vào nhạc PD vì Kim Tước chỉ thích hợp cho loại bán cổ điển như của Vũ Thành, Cung Tiến và một ít bài của PD trong phong cách ấy như Chiều Về Trên Sông, Đường Chiều Lá Rụng.
Thái Thanh, trái với tin tưởng của nhiều người, không hát hết nhạc PD. Không ai có thể qua mặt cô em vợ trong những bài như Kỷ Vật Cho Em, Tình Hoài Hương, Kỷ Niệm, vô số và vô số, kể cả Beau Danube Bleu. Cô út Phạm thị Thái được trời cho cái giọng hát khá nhiều thánh thiện nên khó diễn tả những cái có phần éo le như Hẹn Hò: một người ngồi bên ni sông ....
May mà KL không đi theo con đường của nhiều ngệ sĩ trình diễn “chuyên trị” một tác giả. Nói khác KL không đeo sống chết nơi ông "liệt… sĩ" xứ Huế nầy.
May, vì sao may? Khung trời (the scope) của TCS chỉ nằm trong phạm vi e ấp nhỏ nhoi kiểu Lê Uyên Phương; mấy bản phản chiến nới rộng scope ấy một chút nhưng bị lệ thuộc vào một khung cảnh địa dư cụ thể là cuộc chiến VN. Hãy coi xem: chiều chủ nhật buồn ... Hơi nhạc vì vậy cũng bị lệ thuộc vào cái khung trời ấy. TCS đã cố đi xa hơn như nới rộng không gian trong Phôi Pha và Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ.
Đáng lý không gian ấy đã phải rất to lớn vì TCS dùng những danh từ rất gợi cảm trái với lời chắc nịch của PD. Thật ra ý niệm về một scope là một cảm nhận trực giác. Hãy so sánh Mozart và Chopin. Tuy không theo đường lối tạm gọi là duy vật, hãy xem đời sống của hai vị nầy. Mozart bệnh hoạn từ nhỏ và do đó yểu mệnh, không phải chết vì âm mưu của Salieri như trong phim Amadeus. Nhưng Mozart rất đàn ông, nhạc của ông nhanh nhất trên thế giới, linh hoạt vô cùng. Chopin cũng mắc bệnh phổi và có cuộc tình éo le với George Sand, nhưng cuộc sống hầu như bị chi phối bởi mặc cảm suy yếu, chính vì vậy nhạc Chopin như một tiếng nói nhỏ, nhưng nghệ thuật của ông rất cao cường làm cho các sáng tác trông rất tự nhiên; các nhà khảo cứu cho thấy ông đã nhào nắn nên không phóng khoáng như Mozart. Dư luận hầu như đồng thanh rằng TCS đã mất dương tính (virilité); nếu đúng thì đó là lý do làm cho scope của chàng bị nhỏ lại.
Khánh Ly đã không theo con đường "chỉ vì một soạn giả", một khi nhạc TCS đã dư thừa ế ẩm. Nàng tìm những sinh lộ khác như Ngô Thụy Miên, Phạm Duy, nhạc tiền chiến. Nhờ giọng ca không ai bắt chước được, tự khắc chế, KL đã đạt tỷ số hát hay cao nhất sau Thái Thanh. Lệ Thu hát không đều; có những bài hát rất bựa mà tôi phải khôi hài nói tô bún cho LT thiếu ớt trong mùa mưa lạnh ở Huế. Trong "thế hệ" nầy hầu như chỉ một mình KL được dự vào "club cổ điển" gồm tay tổ Thái Thanh, rồi đến Kim Tước, Mai Hương..., Sự lượng định nầy có phần hơi quá nhưng là một cách nhìn KL.
Những nhận xét trên chưa đủ diễn tả cuộc đời hát ca của KL; chúng chỉ phụ thêm những nhận định chung của nhiều người. Những ưu điểm nghệ thuật nầy nếu ngừng ở chỗ đó thì không có việc gì thêm cần nói.

Nhưng KL cũng như Lệ Thu, cũng như Ngọc Lan, đối với chúng ta, không giống như Nana Mouskouri, Mireille Mathieu hay Dalida, Patty Page v.v... Bởi lẽ như từ đầu tôi đã thưa, giữa người thưởng ngoạn và nghệ sĩ trong khung cảnh vô cùng đặc biệt của lịch sử hiện đại, có một mối liện hệ trên nhiều vecteurs; có lẽ phức tạp hơn trường hợp nghệ sĩ Cuba lưu vong ở Miami. Một điều không thể chối cải, sự khác biệt ý thức hệ ảnh hưởng đến nhận định của người nghe, người đọc. Nhưng ở những người quen sống trong không khí khai phóng miền Nam, nó không cộc lốc dị hợm như phía bên kia vĩ tuyến 17. Nếu hôm nay chúng ta bị đem về năm 1946 hoặc 1954, chúng ta sẽ áp dụng cách phê phán truyện Kiều theo chỉ huy của đảng và nói trường hợp KL là hoa lài cắm bãi cứt trâu. Vào thời ấy hai mục tiêu chà đạp là Tự Lực Văn Đoàn và Nguyễn Du.

Khánh Ly với lý tưởng màu Cờ Vàng!
Khánh Ly vinh danh Cờ Vàng
 Nhưng tính cách cực đoan nhiều khi được việc. Gần hai tháng sau khi hạ màn mới tập trung cải tạo, khoảng thời gian nhiều người đã phải làm việc với chế độ mới và phải hát những bản nhạc mới. Họ quen nên cũng hát trong trại cho vui. Quản giáo cấm hát: không đủ tư cách hát nhạc cách mạng nhất là bài nào có tên ông già. Bọn trá hàng nầy ruột gan để chỗ khác. Rõ đúng theo Khổng Tử: nội ngoại bất tề sự bất thành.
Người miền Nam đã biết KL dự những phiên họp quan trọng ở Đà Lạt cùng với cha Lan, người tuyên bố chỉ có con đường cho VN là Mặt trận GPMN nhưng có kẻ vẫn dùng máy bay các loại đưa nàng vào bộ chỉ huy không quân để hát những bài phản chiến và có thể còn những việc khác. Rồi người ta lại khen nàng mặc áo có cờ vàng với cam kết sống chết với lập trường chống cọng.
Sau một thời gian im lặng, tưởng nàng tĩnh tâm nhưng thực tế mới phát giác KL đã về VN tuyên bố lung tung như Nguyễn Thanh Ty tố cáo. Nàng được tiếng khôn ngoan không một lời nhỏ khi TCS bị chỉ trích bởi  Trịnh Cung và Liên Thành kéo theo cả ngàn lời bàn của độc giả. Nhưng đó là thời gian KL đã hát mừng nhân viên sứ quán CS. Cả một năm sau video của buổi sinh hoạt nầy mới đưa ra công chúng tuy bên VN người ta đã biết.
Khi xem khúc phim nầy, vợ chồng tôi giữ im lặng; hai hôm sau chúng tôi trò chuyện và đã gặp nhau trên nhiều nhận xét chính. Trước dịp nầy tôi đã năm lần viết ngắn về KL, mới nhất là nhân bài viết của Cao Mỵ Nhân. Tôi thấy mình đang đối diện với một KL cừ khôi can đảm bảo vệ TCS, tự tin trong tiếng hát.
Xem xong thấy mình không muốn ghét KL nữa nhưng không nghĩa là chấp nhận, không nghĩa là ủng hộ, không nghĩa là bỏ qua. Cảm nghĩ lúc đầu nó ra làm sao ấy.
Chỉ có thể giải thích một cách ngụy biện như thời Hy Lạp Cổ. Khi đã đạt một điều gì thì hay phá bĩnh mà chơi. Ví như PD qua mấy trường ca, qua mấy trăm bản nhạc hay ho, ông viết: một hai ba ta đi lính cả nhà. một hai ba ta đi lính cọng hòa hoặc "buồn chi bỏ qua đi tám. KL đã đạt danh vọng tiền tài nay không cần nữa, phá hết mà chơi.

Về chính trị thì đã rõ; đại đa số khách ngưỡng mộ tìm nơi KL một đồng minh qua Người Di Tản Buồn; Đêm Chôn Dầu; Một ngày năm tư con bỏ nước ra đi v...nay thì KL hát khen người đã xua họ vào bước lưu đày, trại cải tạo, kinh tế mới ... KL là biệt kích văn nghệ theo kiểu mới không như kiểu của Hoàng Hải Thủy.
Về âm nhạc là một phá sản toàn diện. TCS nơi KL đêm ấy không hơn gì TCS trong đám ca sĩ choai choai sau 75, không biết nhạc sử, không ý niệm về cái đẹp (esthetique). Nét chính yếu trong nhạc TCS là nhịp rất chậm, trừ những bài về sau học theo kiểu ngoài Bắc trước 75 như người  đi lên đồi cao, mẹ vỗ tay hoan hô hòa bình.
KL đã hát tham, làm thành điều kỳ dị gọi là liên khúc; mỗi bài một chút, hát nhanh hát gấp. Mây hồng không nhẹ nhàng mà như đang bị hurricane thổi; bước chân của hạ trắng như bị kẻ cướp rượt qua công viên. Những bản nhạc ấy không thích hợp cho nhún nhảy mà nghề nhún nhảy KL lại không có. Thế mà KL cũng đã vung vít quờ quạng khá nhiều, nhúc nhích, xung xăng.
Ngạc nhiên vì sao KL lại biến những bản nhạc gạo cội của mình thành những presto dồn dập không đúng chỗ. Đó là về âm nhạc. Nhưng thực tế với giọng ca lứa tuổi gần 70, người ta còn hát chậm để còn chỗ mà thở. Patty Page đã làm điên đảo giới âm nhạc khi bà đã gần 80 mà hát hay hơn những bài gạo cội thời xuân sắc. Nhưng Patty không phung phí sức lực mà nuôi dưỡng giọng ca qua những bản "chữ ký" (signature song). Các nghệ sĩ về già đều giữ những lần trình diễn cũ làm sao cho chúng không mờ đi. Danh cầm Mỹ Van Cliburn, đoạt giải dương cầm Tchaikosky Nga thời Kroutchev, sau một thời gian im lìm đã trở lại sân khấu và ông cũng đàn lại concerto năm xưa viết bởi Tchaikosky, tác phẩm đưa ông đến đĩnh cao trong đời nghệ sĩ.
Một điểm không đáng nói nhưng phải nói. Đó là cách ăn mặc, dù cô nói ngay khi bước lên sân khấu xin lỗi y phục không tươm tấc. Khánh Ly trong chiếc măng tô, quần tây, tóc búi sơ sài trông giống như mấy bà nội trợ lái xe vào Home Depot ngày cuối tuần mua vật dụng sửa nhà hay cây cối về trồng.
Có thể đấy là một sự tính toán để biện giải về sau rằng nàng không cố ý hát hầu nhân viên ngoại giao CS mà bị ép trong một hoàn cảnh, nể nang hay quá yêu nghề. Không thể có chuyện ấy ở một người khôn ngoan như Khánh Ly: đã về VN trở lại Mỹ nói các giọng điệu khác nhau tráo trở ngọt ngào như sống chết với cờ vàng và tôi chỉ vì tiền và vì sợ bọn kháng chiến. KL hẳn biết chuyện xuất hiện nầy không đơn giản. Tô Văn Lai không nói gì với KL sao?
Tính toán nầy chẳng may không giúp gì mà đã cùng những yếu tố khác đã đưa KL vào góc tối. Mãnh quần hồng hoen ố rượu rơi. Với thời buổi truyền hình ngày nay, dung mạo của nghệ sĩ không thể xao lãng. Trở lại Patty Page, lúc trẻ đâu có đẹp như các ca sĩ Mỹ khác, và không đẹp như KL. Nhưng tháng 11 năm 2010 có hình nằm trên trang bìa một tạp chí điện ảnh số 1 của Hollywood,  sắc diện tinh anh. Ở tuổi 84, Patty vẫn còn lưu diễn ở Mỹ và Canada, mỗi năm chừng 50 buổi. Khán thính giả không phải trông một bà lão lụm khụm ăn mặc bê bối.
Các bạn chớ vội tin những điều tôi viết, hãy xem cái video thì rõ hơn nữa. Nếu các bạn thấy tôi viết không quá đáng, nếu các bạn là ông bầu văn nghệ trình diễn, bạn có dám đem hai triệu dollars mời KL hát để đầu tư làm giàu hay không? Người bơm tin nầy rất thích trò lạm phát, tập tễnh nghề tin vịt.

Thật buồn, tôi không muốn viết nhiều, bỗng dưng tôi thấy quí mến cái chết chưa có, không có thật, nhưng có trong ước mơ của Dalida: tôi muốn chết trên sân khấu dưới những lằn đạn của ánh đèn chiếu rọi, trong sự ôm ấp của những bức màn nhung. Nơi đó, nơi sân khấu, tôi đã được sinh ra và sống lên, không gian dối, không xảo hoặc; tôi chỉ có một tội là hớp hồn dân Pháp tuy không nhiều như Đờ Gôn theo sự thăm dò dư luận. Nhưng tôi, Dalida, tôi không bá đạo không mánh mung như nhà chính trị già nua nầy, tôi hát trên sân khấu, chết trên sân khấu, công khai, không lén lút, chỉ có nghệ thuật, không mồm mép, lưu manh. [cập nhật 2016]Và tôi cũng quí mến cái chết có thật trên sân khấu của Jane Little, đại hồ cầm, ở Atlanta.
Sân khấu không phải là bối cảnh lìa đời của những con tắt kè đổi màu. Những thứ hồn cô cốt cậu, ai ai cũng lánh xa, dù ở trên chiến tuyến nào hay trên quan điểm nào.-

Phụ bản 1:

Little  Jane Little 87 tuổi đột quỵ bất tĩnh (và chết sau đó vài giờ) khi đang trình diễn với dàn nhạc giao hưởng Atlanta, ngày 16 thg 5, 2016. Bà đạt kỷ lục có thời gian dài nhất với cùng một dàn nhạc: 71 năm từ khi bắt đầu ở tuổi 16 năm 1945.

Phụ bản 2: 
  
  Dalida   Mourir Sur Scène

Viens mais ne viens pas quand je serais seule
Quand le rideau un jour tombera,
Je veux qu'il tombe derrière moi.
Viens mais ne viens pas quand je serais seule
Moi qui ai tout choisi dans ma vie
Je veux choisir ma mort aussi.
Il y a ceux qui veulent mourir un jour de pluie
Et d'autres en plein soleil,
Il y a ceux qui veulent mourir seuls dans un lit
Tranquille dans leur sommeil
Moi je veux mourir sur scène devant les projecteurs
Oui je veux mourir sur scène,
Le cœur ouvert tout en couleur
Mourir sans la moindre peine
Au dernier rendez-vous
Moi je veux mourir sur scène
En chantant jusqu'au bout
Viens mais ne viens pas quand je serais seule
Tous les deux on se connaît déjà,
On s'est vu de près souviens-toi.
Viens mais ne viens pas quand je serais seule
Choisis plutôt un soir de gala
Si tu veux danser avec moi
Ma vie a brûlé sous trop de lumière
Je ne peux pas partir dans l'ombre
Moi je veux mourir fusillée de laser
Devant une salle comble.
Moi je veux mourir sur scène devant les projecteurs
Oui je veux mourir sur scène,
Le cœur ouvert tout en couleur
Mourir sans la moindre peine
Au dernier rendez-vous
Moi je veux mourir sur scène
En chantant jusqu'au bout
Mourir sans la moindre peine
Du corps bien orchestré
Moi je veux mourir sur scène,
C'est là que je suis née.

........................................................................................................

No comments:

Post a Comment