add this

Thursday, January 4, 2018

trong bếp dòm qua Tây



động Ardèche
phú lăng xa là chi?
Sudhir Hazareesingh, ttt dịch

Một trong những lời phát biểu có ảnh hưởng sâu rộng về tính cách quốc gia của Pháp đã được sử gia Ernest Renan nêu lên năm 1882. Đối nghịch với quan niệm của Đức (bám sát vào chủng tộc và tôn giáo), luận văn Qu’est-ce qu’une nation? minh định quan niệm của Pháp về quốc gia như một nguyên tắc về luân lý hành động (ethical) dựa trên những hy sinh chung, những ký ức chung; và như là một ý nguyện tập thể muốn cùng nhau làm những việc lớn. Quốc gia, theo sự diễn đạt danh tiếng nầy, là cuộc trưng cầu dân ý xẩy ra hằng ngày.

Hình ảnh nầy đã thu tóm đúc kết ngắn gọn ý niệm về một “Pháp tính” [Frenchness, francité). Mặc dù vinh danh quan điểm cổ điển của Rousseau về ý nguyện chung và chủ quyền dân chúng cũng như tính cách phổ quát của cách mạng Pháp 1789, quan niệm nầy hẵn rõ là một viễn tượng về chính quyền quốc gia; những tính chất thế tục và Âu vọng (Eurocentric) của nó ăn khớp với lý tưởng về công dân của Đệ Tam Cộng Hòa Pháp (không chấp nhận quyền công dân của dân các xứ thuộc địa).

Hơn nữa, luận văn Qu’est-ce qu’une nation? nằm trọn trong khung dạng của Pháp quốc như một quốc gia “duy lý”, có gốc rễ từ thời Descartes với danh ngôn: cogito ergo sum. Lý thuyết Descartes nói về nội dung bản thể nhưng cũng ảnh hưởng đến hình thức, đến lối hành văn. Như một đường kiếm báu, tác phẩm De la universalité de la langue francaise đã quả quyết: cái gì không trong sáng thì không là tiếng Pháp. Y như ban ngày, người Pháp rất sính những ý niệm trừu tượng; lý thuyết gia và tác giả Emile de Montegut đã nhận xét: “không có một dân tộc nào khác đã để cho các ý niệm trừu tượng đóng vai trò chính yếu, chất đầy lịch sử với những khuynh hướng triết lý theo lối nầy". Cái gì là Pháp còn thấy trong khuynh hướng tra hỏi và đối kháng. Năm 1868, Ferdinand Giraudeau đã viết trong cuốn Nos moeurs politiques: chúng tôi (chúng ta…) là người Pháp, do đó chúng tôi được sinh ra để chống đối.

Thật vậy, lý tưởng của Renan luôn luôn vẫn là một cột trụ chính, bởi lẽ việc chỉ định thế nào là quốc gia luôn gây sóng gió; tầm nhìn của Renan co giản đủ để dung chứa các điều tương phản trong việc đi tìm cái gọi là Pháp. Đặc biệt, lập luận của tác giả có thể đi cùng hệ phả của các thời đại lịch sử khác nhau: a. thế hệ cộng hòa, tức là nhóm đã kết hợp quốc gia với thời đại “Ánh Sáng”; b. rồi đến quân chủ, tức là phe nhóm nhấn mạnh di sản Thiên Chúa La Mã và chính quyền tuyệt đối; và c. nhóm đế quốc, là nhóm ngược thời gian tìm Pháp tính cho đến biến cố Caesar chiếm đất Gaul. Trong Histoire de Jules César (1865), Napoleon III xác quyết rằng quân đội La Mã đã giúp văn minh Pháp có các định chế riêng, các tập tục riêng và ngôn ngữ riêng. Nói vậy thì huyền thoại được xưng tụng phi thời gian “nos ancêtres sont les gaulois” là một sáng chế tân thời.

Sức mạnh của quá khứ trong việc hình thành khuôn mặt Pháp đã củng cố địa vị và vai trò của các sử gia trong đời sống văn hóa xứ sở, từ Francois Guizot, Ernest Lavisse cho đến Fernand Braudel. Làm sáng tỏ các đặc sắc của Pháp, Braudel, tác giả L'Identité de la France, 1986, đã viết rằng: quốc gia đã được hình thành theo một diễn trình tiệm tiến: Pháp tính là một hợp kim, là một tập hợp nhào trộn. Pháp tính đã có mặt, xuyên qua hằng ngàn thử thách, tín điều, cách nói, cách biện luận, trong một tiềm thức không hạn chế, trong những dòng nước mờ ảo hợp nhau chảy chung, xuyên qua các ý thức hệ chung, những huyền thoại chung, những giả tưởng chung. Giả tưởng sống lâu nhất có lẽ là huyền thoại Pháp là một đại cường quốc, une grande nation, có thiên mệnh hướng dẫn nhân loại về văn hóa và khoa học. Ý nghĩa làm gương sáng được cả hai phía bảo thủ và tiến bộ hậu thuẩn. Người chủ trương bảo hoàng Joseph de Maistre tuyên bố rằng nước Pháp đã sống còn, thoát ách cách mạng vì được Ơn Trên (Thiên Hựu) giao cho sứ mệnh cứu rỗi mọi người. Trong lúc ấy nhà tư tưởng cộng hòa Edgar Quinet cho rằng định mệnh của Pháp là tự hy sinh vì vinh quan của thế giới, giữ phần cho mình giống như phần chia cho kẻ khác, hy sinh cho lý tưởng vì nhân loại và nền văn minh thế giới. Nhưng thiếu một yếu tố trong các điều tự xưng tụng ấy là tính cách hiện thời. May thay, sự thiếu hụt nầy đã được Renan bù đắp. Ông nói các nguyên lý to lớn nhất (hủy bỏ nô lệ, nhân quyền, bình đẳng và tự do) “trước nhất đã được nói tới bằng tiếng Pháp, lập tự theo tiếng Pháp, và đã được đưa ra khắp nơi bằng tiếng Pháp”.

Tuy nhiên, ý niệm thổi phồng quá đáng về một nước Pháp vĩ đại được dùng để che đậy những chỗ yếu kém trong cách thức các nhà trí thức hình dung các quốc gia đối thủ chính. Talleyrand đã đánh phủ đầu Mỹ với công thức: “(có) ba mươi hai tôn giáo và (chỉ nấu được) một món ăn”. Khi Đức chia đôi, nhà văn Francois Mauriac – tế nhị hơn và không kém tồi tệ - đã phát biểu: Tôi yêu nước Đức lắm, nhiều lắm đến độ tôi hết sức vui mừng khi có hai quốc gia Đức. Kẻ thù chính trong lịch sử là Anh Quốc, xứ sở của một dân tộc kỳ dị và đóng kín chui không lọt. Trong tác phẩm phát hành rộng rãi Promenades dans Londres (1840), tác giả Flora Tristan, cũng là người chủ trương nữ quyền, có đoạn ghi: “đàn ông Anh luôn chịu sự áp bức của khí hậu và hành động vũ phu”; bà thấy quan cảnh Luân Đôn sầu não, đủ để gây sự ước muốn mạnh mẽ là tự tử.  Mọi thứ đổ lên đảo quốc nầy để thanh thỏa các sự kêu réo của cả nước về các chuyện thực hư: nào là hành động sát nhân (sát hại các hiệp sĩ Pháp ở Azincourt, tử hình Jeanne d’Arc); nào là bỏ đạo (giám mục Bossuet gọi Anh quốc là xảo trá); nào là thích trả thù và xảo quyệt (thủ hiến đảo Sainte Hélène có hành động hèn hạ đối với tù nhân Napoléon).

Sự lo âu về Pháp tính nầy được phơi bày qua sự khinh thường các nhóm địa phương bằng các công thức sẵn có. Óc tỉnh thị (provincialism) xưa nay được xem là một thứ tình cảm hạn hẹp, không khả năng phát sinh đường lối phổ quát hành động như Renan đã quan niệm; đó chính là huyền thoại tiêu cực mạnh mẽ lồng trong nền văn hóa quốc gia Pháp, từ thời Ánh Sáng. Madame de Sévigné đã kênh kiệu ví người miệt tỉnh là dân từ một thế giới khác. Theo cách nầy hay cách nọ, chủ trương tô vẽ xấu xa lệch lạc nầy được thực hiện trong giới quý tộc triều đình, nhóm cộng hòa và nhóm ưu việt văn học. Mãi cho đến cuối thế kỷ 19, nhờ sự cải cách giáo dục thời Đệ Tam Cộng Hòa những lối nhìn tiêu cực nầy mới được thay thế bằng điều gọi là tôn thờ “quê nhà nhỏ” (petite patrie). Văn học dân gian đến điểm cao nhất với tác phẩm của Augustine Fouillée,  Le Tour de la France par deux enfants, một cuốn sách giáo khoa thành công kỳ diệu với số ấn hành sáu triệu bản năm 1901. Những giá trị được ca ngợi nhằm diễn tả Pháp tính gồm các điều như sau: tự tín, cần mẫn, liêm khiết và trên hết là ý thức về trật tự đúng lý của vạn sự. Lý tưởng huyền bí nầy về “nước Pháp sâu sắc” (la France profonde), [tưởng nhớ công trạng của tiền nhân, vinh danh gia đình và dân quê, viên gạch xây móng quốc gia] nay được gộp chung vào huyền thoại về lòng ái quốc hiện thời theo tinh thần cộng hòa.

Một yếu tố khác là chiến tranh đã ghép thêm vào Pháp tính ý thức về sự an toàn đất nước. Renan đã lên tiếng như trên trong cảnh ngột ngạt của chiến tranh Pháp Phổ. Trên thực tế, mọi thế hệ từ cuối thế kỷ 18 cho đến giữa thế kỷ 20 đều chứng kiến các cuộc tương tranh rộng lớn; từ những cuộc chiến oai hùng thời Cách Mạng và thời Napoleon (đánh dấu bởi bản nhạc La Marseillaise 1792) xuyên qua hai thế chiến, cho đến những cuộc đấu tranh chống thuộc địa – đưa đến sự sụp đổ của đế quốc Pháp. Trước hết, văn chương chiến tranh của Pháp nâng cao ưu điểm quân sự; ví dụ ca ngợi huyền sử thần thánh Napoléon trong tác phẩm của Victor Hugo, Stendhal và Balzac; ngay cả trận Waterloo đã được hóa trang thành một “cuộc thất bại vinh hiển”. Sách vở thời tương tranh kế tiếp, khác hơn một chút, đi sâu vào các niềm đau chung cùng sự mong manh đời người. Những kinh nghiệm dồn dập về việc Đức xâm chiếm, kháng chiến và cọng tác với Đức đã được soi rõ bởi Joseph Kessel (L'Armée des ombres), Vercors (Le Silence de la mer), và Charles de Gaulle (Mémoires de guerre).

Nhằm lúc Pháp đang vật lộn với sự thay đổi trật tự thế giới giữa thế kỷ 20, những điều chắc thật trong huyền thoại quốc gia đã bị phá hủy một cách thú vị. Hình ảnh trong tâm thức về nước Pháp đã bị thách đố bởi thuyết hiện sinh của Jean Paul Sartre (bản thể luận phi lý của ông đã hạch hỏi ngay chính ý niệm về một định mệnh tập thể của quốc gia); bởi Frantz Fanon (Les Damnés de la terre),1961, phơi bày lý tưởng nhân bản đã tiêu ma với chủ trương thuộc địa); bởi Jacques Derrida (cơ cấu luận của ông xác quyết rằng lý tưởng cộng hòa “tình huynh đệ” đã bị đâm toạt bởi sự phân biệt giai tầng độc ác: nam /nữ, công dân / ngoại kiều, bạn / thù).

Sự tổng hợp hiện nay về Pháp tính đã được biểu tượng hóa trong loạt truyện tranh khôi hài với nhân vật chiến sĩ Astérix, người xứ Gaul. Là đấng anh hùng trong một làng Gaul can đảm chống lại cuộc chiếm đóng của La Mã, Asrerix là hiện thân một thực thể quốc gia gồm những thành tố: văn chương ca nhạc từng vùng; quan niệm vô tưởng của Rousseau về tính cách xã hội của công đồng; sự kháng cự ngoại xâm cổ truyền theo lối của de Gaulle; và viễn tượng một nước Pháp không thay đổi, được che chở, không bị tàn phá bởi sự tân tiến hóa. Phiêu lưu ký của Astérix là một phó bản xinh đẹp của huyền thoại nos ancêtres sont les Gaulois, nhưng nó cũng phát hiện ý thức thời hậu thuộc địa về tính chất mong manh; rõ nhất ở đoạn mô tả dân làng sợ trời sập rơi xuống bể đầu.

Thật vậy, từ cuối thế kỷ 20, khi liều thuốc tiên của làng Gaul và của de Gaulle mất hiệu lực, sự bất an ngày một rõ thêm. Tuyển tập Les Lieux de Mémoire (1984–92) của Pierre Nora đã ta thán khóc lóc về sự đổ nát của nền văn hóa Pháp tính thống nhất. Sách báo viết về số phận của quốc gia ngày một đen tối buồn thảm và hướng nội – quả là một cuộc khủng hoảng đập vào mắt bởi nỗi lo âu nước Pháp mất vị thế hàng đầu trên thế giới, và bởi hoài niệm ngày một thêm dành cho một quốc gia đồng nhất về văn hóa và chủng tộc (thường ngụy trang dưới chủ trương thế tục cộng hòa). Tinh thần suy thoái nầy được phản ảnh bởi hai bài bình luận L’Identité malheureuse (2013) của Alain Finkielkraut và Le suicide francais (2014) của Eric Zemmour; cũng như tiểu thuyết Soumission (2015) của Michel Houellebecq, cuốn tiểu thuyết gây hoãng sợ vì “nước Pháp sẽ có một tổng thống Muslim”.

Thảo luận về sự hội nhập dân thiểu số hậu thuộc địa đã khơi lại bản cũ của đường lối chối từ: công dân hậu thuộc địa được mô tả là cục mịch quê mùa tỉnh lẽ, không thể có những tư tưởng duy lý kiểu Descartes, làm nguy hại keo sơn dính bó xã hội của quốc gia. Lớn tiếng bác bỏ mọi tương nhượng trong lý tưởng đa văn hóa, sử gia và chính trị gia bảo thủ chủ trương tái lập huyền thoại lịch sử chặt chẽ Pháp tính (tính chất La mã toàn quốc).

Tête de femme en ivoire vue de face, avec une coiffure qui descend jusqu'au cou et une balafre de dessiccation sur le côté droit.
Dame de Brassempouy, 23 000 av. J.-C.
Tuy vậy, chủ trương thụt lùi trong văn học đã bị bên ngoài hạch hỏi. Bản thỉnh nguyện trên báo Le Monde năm 2007 đã kêu gọi giới sáng tác văn chương hãy bỏ khuynh hướng tự mãn và hướng ngã, hãy mở cửa tiếp đón toàn thế giới. Trào lưu mới nầy được công nhận bởi số phiếu dồn cho ứng viên tổng thống Emmanuel Macron, người xác nhận tính chất Âu Châu của Pháp và hứa hẹn thúc đẩy những cuộc đối thoại để dung hòa các ký ức lịch sử mâu thuẩn nhau trên toàn quốc. Cuộc vận động nầy đã được ươm mầm trong tuyển tập Histoire mondiale de la France gồm 122 tác giả. Tác phẩm xác định mối tương hệ tích cực giữa Pháp và thế giới; đồng thời diễu cợt sự ám ảnh nguồn gốc La Mã và Thiên Chúa bằng cách in các bức vẽ tiền sử trong động Ardèche, lâu, thật lâu trước văn minh La Mã và TCG. Histoire mondiale ...định rõ văn minh hiện kim của Pháp là một métissage, một dung hợp năng động và thân ái giữa các nền văn hóa. Tuyển tập nầy đã mở ra một viễn ảnh hấp dẫn, một viễn tượng Pháp tính thực sự phổ quát trong tinh thần cộng hòa.-

No comments:

Post a Comment