add this

Tuesday, July 10, 2018

Ma trường Quốc Học Huế



Ma Quc Hc
ttt
Nói về ông Nguyễn Hoài, tổng giám thị trường Khải Định khi KĐ còn ở đậu nhà Đồng Khánh. Ở đậu cho nên ông Hoài ở nhà nhỏ mà vách hậu chính là bức tường rào phía đường Nguyễn Trường Tộ. Sau hiệp định Genève 54, Pháp rút quân trả trường KĐ cho chính phủ VN của thủ tướng Ngô Đình Diệm. Trường KĐ mang tên Quốc Học Ngô Đình Diệm một thời gian ngắn trở thành Quốc Học. Ông Hoài vụt lên chức chủ tịch Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia Thừa Thiên, oai phong lẫm liệt. Theo lời yêu cầu của gia đình, ai cũng gọi là Cụ Hoài. “Cụ” ở đây thuộc gam trưởng (gamme majeure) cao nhất có cụ Ngô; chứ không thuộc gam thứ (gamme mineure) của cụ Thậm đánh trống Đồng Khánh, cụ Diên đánh chuông KĐ, các cụ cai khác và cụ Ngáo thịt chó, cụ kéo xe, cụ ăn mày v.v…. Phong Trào CMQG gom tóm hết các tổ chức “dương trợ” bên cạnh “âm phù” (đảng Cần Lao) hậu thuẩn chính phủ. Chẳng hiểu vì sao ông Hoài vô ngành giáo dục tuy đã có nhiều quyền uy ở Quảng Trị.

Nói về ông tổng giám thị mới của QH NĐD là ông Lê Quang Duật xem như nhân vật thứ hai vì nếu tôi không nhầm chưa có hiệu phó hay giám học. Ông Duật người gốc Nguyệt Biều; không hiểu có đúng không vì người con thứ hai sinh ở Quảng Bình năm 1935. Anh Lê Quang Mại lập gia đình ở Huế năm 1958 với cô Kim Khuê và anh cũng vô học trường Quốc Gia Hành Chánh. Ông đốc phủ sứ nầy lại là nhạc sĩ Nhị Hà, năm 13 tuổi đã sáng tác bài Mẹ Tôi. Nhị Hà được người Huế thương mến vì “làng tôi soi bóng Hương Giang” là câu ruột của bài Trở Về Thôn Cũ.

Hai ông cựu và tân tổng giám thị lại ngồi xui với nhau. Trung úy Hợp (trung úy lúc ấy to lắm) con cụ Hoài kết nghĩa tơ duyên với em gái anh Mại. Cụ Hoài chỉ có con trai, là sáu anh: Hòa, Hợp, Khiêm, Nhượng, Liêm, Trực thuộc Đông phòng (East Wing); xuay qua Tây phòng (West Wing) có thêm hai anh Cường, Tráng và hai chị Thu và Đông.

Tôi xa Huế từ 1961 và trước đó đã ít liên lạc với gia đình cụ Hoài. Không rõ “hôn nhân” giữa cụ Hoài và chính quyền Ngô Đình Diệm ra sao, anh Trực là một trong những người tranh đấu mạnh mẽ nhất và là đệ tử ruột của Thích Trí Quang trong vụ PG 63 và về sau.
Nói về chỗ ở các cấp trong trường thì thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Hai và gia đình sống trong cái nhà lầu phía trước gần Đồng Khánh. Nhà lầu thứ hai đối xứng qua trục lộ chính, gần lầu ông Sáu Hai Sao (thiếu tướng Pháp) về sau là tư dinh tỉnh trưởng Hà Thúc Luyện. Ông tổng giám thị Duật dọn vô ở chỗ ni.

Ông Duật bị ma phá chịu không nỗi. Tôi biết chuyện nầy vì lúc xẩy ra tôi đang sinh hoạt hướng đạo với anh Nhượng tại tráng đoàn Trường Sơn của huynh trưởng Đoàn Mộng Ngô (thân phụ của Túy Hạnh và Thu Lê); tôi thường đến học chung và được cụ Hoài dạy cách đánh cờ tướng.

Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò. Thầy Duật đã biết học trò rồi, chức vụ của thầy là trị tụi “thứ ba” nầy. Thầy hẵn đủ sức trị tụi “thứ hai”. Ai dè cả nhà đang ngủ thì giường mô cũng bị rung như kêu báo động. Tắt đèn mà các ngọn lửa chạy quanh nhà. Trách cá thơm ngon chạy ra sân, không một chút hư hao hay dơ bẩn, phải bưng vô ăn v.v… Nhưng không thấy hình bóng ma, cho nên không ai hoảng sợ mà té đái hay gặp tai nạn.

Ông Lê Quang Duật phải bái bai, dọn nhà ra khỏi trường.
Trước hay sau vụ nầy không lâu, thầy Văn Đình Hy được cử làm giám học; phụ huynh sính tiếng tây thường gọi là censeur. Thầy Hy dọn vô ở nhà ma nầy. Không việc chi xẩy ra cho thầy và cô Tịnh Nhơn; hai ông bà vẫn tiếp tục không có con, trước sau như một.
Rứa là ma bắt theo mặt người ta. Thầy Hy cao tay ấn. Thầy thuộc lớp đàn anh kỳ cựu của hệ thống gia đình Phật Tử Huế. Lửa trại nào thầy cũng làm quản trò, thắc dây lưng đỏ, chít khăn xanh, tay cầm trống bỏi, rất lành nghề; nếu chẳng may bị tróc nả thì bạn cứ ra chịu trận và mời các trại sinh “hụ là khoang, hết khoang đến hụi, hốt hụi dông luôn”. Thầy Hy kịch sĩ đã đóng vai người chồng trong vở Mùa Gặt Ác của Võ Đình Cường.

Thầy cô sống yên ổn như thế, có nghĩa là không có ma. Tuy vậy, học trò thì tin có ma nhưng thầy Hy và cô Nhơn cao tay ấn. Theo nhà văn Võ Hương An, lúc ấy bạn học trong lớp xin thầy Hy đến nhà ngủ qua đêm để biết mặt nào ma sợ không dám bắt; trong nhóm nầy có nhà văn Tràm Cà Mau Ma (tự xác nhận). Nhưng thầy không đồng ý. Nghe nói có người lẻn vào nhà bếp thì gặp ma. Ma nầy tinh quái, biết anh ấy người làng Sình bèn làm anh “sình bụng” lùm lùm như có bầu, ốt đột quá, phải cúng mới hết.

Ma nó sợ Phật, rứa thì thầy cô là Phật cả ư?
Các tăng cao tay ấn mới dám ngồi chẩn tế cúng cô hồn; còn không thì ma làm theo “mãnh hổ bất địch quần hồ” sư phải bỏ tế. Cho nên thầy Châu Lâm gõ ấn gỗ cái bốp trên bàn, cô hồn chờ thầy phóng xuống sân một cục xôi bằng trái chanh có đồng tiền phía trên và cắm một cây nhang. Cô hồn sống chụp được lấy xôi ăn trừ tà, lấy đồng xu đeo cho con nít khỏi khóc đêm.
Nói rứa không đúng, thầy pháp còn đuổi được ma theo như câu hát điệu kim tiền: bưng ra một bình hoa / bánh xôi chuối và một con gà / tụng kinh kệ ông thầy hét la / quỷ ma đều sợ / thầy bợ con gà. ttt



Phụ bản:

Pháp đóng quân tại trường Khải Định
(trích hồi ký của Bác Sĩ Trần Văn Tích)


Khi Việt Minh chiếm quyền, cộng sản giao toàn bộ cơ sở khang trang rộng rãi của Lycée Khai Dinh cho đoàn quân viễn chinh Pháp mới quay lại Đông Dương làm doanh trại trú quân; mãi đến khoảng 1954-1955 phía Pháp mới chính thức hoàn trả trường Khải Định cho Bộ Quốc gia Giáo dục. Kết quả nhiều thế hệ học sinh tuy mang danh nghĩa học sinh Khải Định nhưng không hề được học dưới mái Khải Định một ngày nào hết! Các anh các chị phải đi học nhờ thi đậu (thi đậu thay vì ở đậu, thi đậu không phải là thi đỗ!) trong Đại Nội, tại trường Việt Anh, tại trường Thuận Hoá, tại trường Đồng Khánh. Đó là khoá anh Nguyễn Khoa Phước chẳng hạn. Bạn Nguyễn Khoa Phước học Khải Định từ 1946 đến 1953, đậu Tú Tài Hai năm 1953, sau này trở thành Thượng Nghị sĩ Quốc hội Việt Nam Cộng Hoà. Bạn hiện đang cư ngụ tại tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ. Bạn Bác sĩ Bùi Xuân Nhiếp cũng cùng hoàn cảnh. Mang tiếng là học sinh Khải Định, khoá 1947-1954, nhưng từ đầu đến cuối bạn lạc phách giang hồ sang Việt Anh, Đồng Khánh! Bạn Bùi Xuân Nhiếp hiện định cư tại Toronto, Gia Nã Đại. Khi giao cơ sở Lycée Khai Dinh cho lính Tây tạm chiếm, Việt Minh cố gắng trấn an dân chúng và giáo chức cùng học sinh. Người phụ trách đả thông tư tưởng là Tướng Việt cộng Nguyễn Sơn, nghe nói là đang trên đường từ Nam ra Bắc nhận công tác mới. Tướng Nguyễn Sơn ghé trường Khải Định để nói chuyện cùng ban giảng huấn và học trò Lycée Khai Dinh. Nơi tụ họp là nhà chơi, préau của Trường. Tôi còn nhớ lời biện bạch của Tướng Nguyễn Sơn khi ông ta bảo rằng ta chỉ tạm cho Pháp mượn trường sở trong một thời gian ngắn (?), vào lúc mà Pháp đã phải nhượng bộ và tôn trọng ta; chả thế mà vốn quen gọi ta là rebelles, nay Pháp đành gọi ta là révolutionnaires! Rồi dùng phấn trắng viết lên bảng đen, ông tướng các lực lượng vũ trang nhân dân (sic) vừa cuời vừa bảo : “Ấy, cùng là r cả nhưng có thời r = rebelles, có lúc r = révolutionnaire.




No comments:

Post a Comment