add this

Wednesday, August 22, 2018

Kinh Di Đà và Zoroastrisme


tranh Tây  Tạng, Phật Di Đà
Kinh Di Đà và Zoroastrisme
tôn tht tu

Dưới đây là mấy dòng tham luận do một thân hữu yêu cầu viết về tài liệu ngắn kèm trong email:

Theo học giả TĐH ….. 
Các nhà Phật học dựa lên những tài liệu lịch sử và khảo cổ, sự thờ phụng Phật A Di Đà bắt nguồn từ vùng tây bắc Ấn Độ, do ảnh hưởng của đạo Zoroastrisme xứ Ba Tư, thờ Ahura Mazda biểu tượng bằng ánh sáng (từ đó tên Amita-bha, Vô lượng quang, và Amita-yus, Vô lượng thọ), và xuất hiện vào khoảng thế kỷ 1-2 sau CN.
Kinh đầu tiên nói tới Phật A Di Đà là Pratyutpanna-samādhi sutra (Kinh Ban châu Tam muội), dùng bởi các vị sư dạy thiền nổi tiếng ở vùng Kashmir. Phương pháp này gọi là buddhanu-smrti, tức là “niệm Phật”: hành giả phải hình dung tới đức Phật A Di Đà, ngày đêm không ngưng nghỉ, trong 1 tuần cho tới 3 tháng, rồi sẽ thấy ngài xuất hiện, giữa ban ngày hoặc trong giấc mơ, và sẽ được ngài thuyết giảng và cứu độ cho mình.
Kinh được dịch và truyền sang Trung quốc vào khoảng tk. 2 bởi Lokakṣema, là một nhà sư xứ Gandhara, gốc Nguyệt Chi. Vào tk. thứ 4, Sư Huệ Viễn, tổ thứ nhì của phái Thiên Thai, đã áp dụng phương pháp này cùng với các đệ tử tại Lư Sơn, và được coi sau này là vị sơ tổ của Tịnh Độ tông.
Kumarajiva. (Mahayana Buddhism, Paul Williams, 2009, tr. 212).
Do đó, có thể nói rằng sự thờ phụng Phật A Di Đà chỉ bắt đầu 5 thế kỷ sau đức Phật Thích Ca diệt độ, và không có liên quan gì tới đạo Phật.---

Theo một bài điểm sách, người Tàu khi dịch từ Sanskrit hay Pali đã phải dùng những danh tự sẵn có và hiện mang ít nhiều ý nghĩa, rồi biến thành những thuật ngữ (có nội dung muốn nói). Như Lai quản diễn kinh điển độ thoát chúng sinh, khi chỉ sự người, khi chỉ sự mình. Phương pháp nầy ghi trong Pháp Hoa gần như ý kiến của Khổng Tử phải nói những ví dụ cho người nghe có thể bắt đầu quan niệm được.

Phật giáo thành hình vào một lúc thung lũng Ấn Hà đã phát triển, các nền văn minh gặp nhau; nơi nầy lại nằm trên đường tơ lụa. Ngôn  ngữ học ngày nay chứng minh rõ rằng Sanskrit, Hy Lạp và La Tinh là ba đứa con cùng cha mẹ; nghĩa là các nền văn minh đã gặp nhau. Peter Della Santina trong cuốn The Tree of Enlightenment tôi có dịp giới thiệu cho biết PG dùng một số điều trong Ấn Giáo và ngược lại.

Ba Tư (Perse) được xem là một trong những nền văn minh cổ nhất loài nguời hiện nay biết tới. Nền tư tưởng ”hóa thạch” này đã ươm mầm đường lối sufism nhân bản, hiền hòa bất bạo động của Muslim; nhiều bài thơ của Rumi không khác chi các bài kệ xưa của Tàu, thiền tông thứ thiệt, không ba vớ như ngày nay.

Dông dài như trên chỉ nói rằng tư tưởng của Ba Tư nhiều chỗ tương đồng với các tôn giáo xuất phát từ thung lũng Ấn Hà (Indus Valley). Nhưng nói ý niệm vô lượng thọ vay mượn của Ba Tư thì người viết chỉ đi tới thế kỷ thứ hai sau TC. Phẩm 16 kinh Pháp Hoa có tên Như Lai Thọ Lượng mời bạn thấy thế nào là vô lượng thọ: lấy ba ngàn đại thiên thế giới tán nhỏ thành bụi, rồi đem mỗi hạt bụi để vào một thế giới, cho hết số bụi ấy; số thế giới dính bụi nầy tán nhỏ thành bụi nữa thì số bụi cũng ít hơn số lượng kiếp của ta.
Vô lượng quang chỉ về trí huệ vô lượng từ cực tiểu cho đến cực đại, từ sâu thẩm trong vô thức, sự cấu tạo duyên nghiệp.

Tác giả dù là TĐH hay Paul Williams dùng chữ “niệm Phật” cho lối thiền Kashmir là gượn ép nhưng cứ chấp nhận như vậy. Không thể phủ nhận lối hành đạo nầy. Nhưng vô cùng sai lạc, khi nêu sử liệu nầy, tác giả - vì không biết chăng? – đã không nói rõ thiền chính gốc là đạt tánh không và tâm vô phân biệt. Ở tam thiền, hành giả vì lòng mong muốn thành Phật sẽ thấy Phật, là một vọng tâm, phải bỏ qua; hoặc có thể thấy ma và cũng bỏ qua mà đừng cho pháp Phật là pháp ma. Tổ Lâm Tế (hay Tào Động) đã có danh ngôn làm nhiều người hiểu lầm: phùng Phật sát Phật, phùng ma sát ma, là để theo lối thiền đúng cách. Không thể vì sự lừa dối nầy để nói kinh Di Đà nằm trong đó.

Tiếp đến, tác giả còn nói Tịnh Độ Tông (TĐT) áp dụng phương pháp nầy. Thật ra, lúc đầu TĐT chỉ yêu cầu bổn đạo nhất tâm cầu mong vãng sanh cực lạc, sau đó có biến thể tùy địa phương là nghĩ đến hình tượng Phật Di Đà nhưng không phổ quát. Phật Giáo VN là tịnh độ, rõ nhất là tụng Kinh Di Đà nhưng không có lối Kashmir của Paul Williams.

Bài nhắc đến Lokaksema, thế kỷ 4, sinh và lớn lên ở Ghandara (Kandara, Afganistan) và dịch Ban Châu Tam Muội Kinh. Bên cạnh sự xuất hiện nghệ thuật điêu khắc, Ghandara là trung tâm phát triển chính yếu của PG đại thừa. Đô thị nầy chiếm địa vị quan trọng trong đế quốc Ấn Hy; nhưng nên hiểu đế quốc nầy là một phần ly khai từ đế quốc Bactrian-Hy của người Ba Tư; do đó không thể phủ nhận ảnh hưởng của xứ nầy. Tuy nhiên một học giả và nhà tu theo đường lối của Long Thụ khó bề dùng những thứ thuần túy của Ba Tư. Lokaksema dịch nhiều kinh; vài nhà nghiên cứu cho rằng cuốn Ban Châu Tam Muội ghép vào danh sách tác phẩm của ông chỉ là bản hiệu đính từ một bản không rõ nguồn gốc, không do ông dịch.

Tôi chưa bao giờ thấy cuốn nầy. TĐT chỉ bắt nguồn từ khi Kumajariva (Cưu Ma La Thập) dịch Phật Thuyết A Di Đà Kinh (Kinh Di Đà) vào thế kỷ thứ 5 thời Dao Tần.

Môn phái về sau gọi là Thiên Thai đã dùng hai bản dịch chính của Cưu Ma La Thập. Kinh Di Dà đưa đến TĐT và kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Pháp Hoa) đã làm cho trường phái nầy có tên Pháp Hoa Tông. Thiết nghĩ Huệ Viễn không dùng bản Ban Châu Tam Muội.

Bài viết ngắn quá sức sơ sài để quyết đoán một cuốn kinh đã gây ảnh hưởng bao trùm ở Á Châu. Thiết nghĩ việc nầy nằm trong khuynh hướng chung và rất vô vọng phủ nhận tất cả kinh không phải là kinh Pali, bằng cách nói các tạng điển nầy là của Long Thọ. Sự phân biệt cho là quyết định giữa đại và tiểu thừa đã không đứng vững. Long Thọ đã dùng Vi Diệu Pháp mà khai triển thành các luận về trung đạo, duyên khởi, tánh không. Đến độ có người còn nói ông là tác giả Kinh Na Tiên 100% thuộc Nam Tông. Pháp sư Trí Di (Thiên Thai) đã xếp chung kinh Pali và kinh Sankrit vào một hệ thống và phân chia thành ngũ thời.

Theo sự phân chia nầy, Kinh Di Đà thuộc giai đoạn phương đẳng. Lối định danh của Nhật Bổn trông hợp lý hơn. Họ gọi giai đoạn nầy là tiền đại thừa để chuyển qua giai đoạn Pháp Hoa Niết Bàn (Hoke Nehan). Vào lúc nầy xuất hiện các kinh có tính cách cứu độ từ bên ngoài đối với chúng sinh như Địa Tạng Bồ Tát, Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật, Di Đà Phật… ‘Hoke Nehan’ nói chúng sinh có khả năng thành Phật và cứu độ chứ không chỉ được cứu độ; (cứu độ đơn giản như thí pháp, làm thiện trí thức v.v…). Dùng một ví dụ để hiểu. Lúc đầu, cô gái được cho xem hình các người đẹp và biết thế nào là vẽ đẹp, sau đó cô được dạy chính cô cũng có vẽ đẹp.

Lối phân tích của Nichiren (Nhật) khác với quan niệm chung về đại thừa, tính theo thời gian sau giai đoạn A Hàm. Ngành nầy cho rằng đại thừa hiểu theo nghĩa lý thì áp dụng từ Pháp Hoa. Theo tạng nầy, mỗi chúng sinh là một vị hộ pháp và đủ sức đem giáo lý đến khắp nơi không cần phải có danh hiệu đại sư, sư ông, sư bà…. Đại thừa cũ vì đã một thời rất dài, giới tu sĩ chỉ cho chính họ mới có khả năng hiểu và thành Phật, họ giành độc quyền và đưa ra các điều vô nghĩa như kinh Pháp Hoa trổ nghiệp gây đau khổ, gây khó khăn trì hành.

Lối nhìn nầy không sai nhưng lồng trong khung cảnh đặc biệt của Nhật, nơi các tông phái đứng biệt lập, nhìn nhau có phần nào như một tôn giáo khác, tuy toàn quốc có “Hội Đồng Thánh Giáo”, không phải là cái dù chung mà chỉ tượng trưng bề ngoài (ở Nhật ‘thánh’ có nghĩa là Phật).

TĐT ở Nhật rất mạnh. Nichiren chỉ trích TĐT hoàn toàn dựa vào tha lực, tuy hai nhánh nầy do một người đem lý thuyết từ trường phái Thiên Thai của Tàu (TĐT do tổ thứ hai Huệ Viễn, Pháp hoa tông do tổ thứ 4 Trí Di). Dù có cách nhìn riêng rẻ như trên, TĐT vẫn được xem thuộc đại thừa với kinh chính Phật Thuyết A Di Đà Kinh.

Trong ngành Pháp Hoa Nichiren, một số người ngắn hiểu và theo tinh thần cục bộ ở Nhật đã xem Phật Di Đà không đáng trọng nhưng không phủ nhận kinh Di Đà như chủ trương độc tôn Pali từng làm.

Nói vậy thôi, chứ nhóm nầy không biết rằng kinh gối đầu của pháp môn đã ghi nhận vị trí của Phật Di Đà. Kinh Pháp Hoa nhắc đến Phật nầy hai lần. Thứ nhất, “bất cứ ai trong suốt cuộc đời chỉ đọc tụng một câu kinh Pháp Hoa sẽ được Phật Di Đà đưa tay đón nhận vào thế giới Cực Lạc”. Thứ hai, mười sáu vị vương tử anh em ruột thịt chia nhau làm giáo chủ các thế giới, có nơi hai vị. Thích Ca ở Diêm Phù Đề, Phật Di Đà ở thế giới Cực Lạc.

Sự khải hiện (revelation) nầy giải thích vì sao Phật nói A Di Đà bây giờ đang thuyết pháp. Câu mở đầu chính yếu: Tùng thị Tây Phương quá thập vạn ức Phật độ, hữu thế giới danh viết Cực Lạc kỳ độ hữu Phật hiệu A Di Đà kim hiện tại thuyết pháp). Thích Ca đã giảng yếu lý pháp thân với thọ lượng vô biên của chư Phật trong đó có Di Đà thì hà tất phải vay mượn của Ba Tư. Vì sao không đặt ngược vấn đề: Phải chăng Ba Tư đã mượn “vô lượng thọ” của PG. Zoroastrisme xuất hiện trước Thích Ca 500 năm; nhưng vay mượn có thể từ tam thế chư Phật. (Thật ra những ý niệm giống nhau về tôn giáo, triết lý và cả khoa học xuất hiện những nơi riêng rẻ).

Giới thiệu Kinh Na Tiên (Milinda vấn đáp), David Rys cho biết Asoka đã đưa Pháp (dhamma) qua Ba Tư, Hy Lạp đến tận Ai Cập; những nơi nầy đều có bia đá khắc chữ Hy Lạp và tiếng địa phương. Rys còn nói thêm, vua Melander (tức Milinda) bắt đầu cai trị đế quốc Ấn Hy khi vùng nầy đã nằm trong ảnh hưởng của Phật Giáo.

Xin trích lại kết luận của tài liệu: Do đó, có thể nói rằng sự thờ phụng Phật A Di Đà chỉ bắt đầu 5 thế kỷ sau đức Phật Thích Ca diệt độ, và không có liên quan gì tới đạo Phật.

Thích Ca (trùng hợp với Socrate, Khổng Tử, Jesus) dùng lối khẩu truyền tuy lúc ấy đã có ngôn ngữ, thứ ngôn ngữ làm gốc cho các ngôn ngữ chính yếu ngày nay (Indo-European languages) mà Peter Della Santina đã ca ngợi là phương pháp dân chủ vì không phải ai ai cũng biết đọc biết viết. Khi Ngài qua đời, đệ tử mới kết tập. Kỳ kết tập thứ nhất chỉ chú trọng tới luật và đời sống tăng già. Các kỳ kế tiếp thì rộng rãi hơn. Cần biết thêm rằng đệ tử của Ngài cũng đi thuyết giảng những điều đã học từ bổn sư.

Sự chậm trễ nầy ít nhất đã xẩy ra giống hệt với trường hợp Khổng Tử: Mạnh Tử, thế hệ thứ ba mới làm cho học thuyết của thầy được chú trọng. Nhưng không thể nói những điều Mạnh Tử ghi thành sách không liên hệ với thầy Khổng Khâu. Socrates cũng vậy, hàng đệ tử viết lại lời thầy, đặc biệt là Platon và Xenophon. Mặt khác mãi cho đến thời Gandhara mới có hình tượng Phật. Người viết câu kết luận trên đã không phân biệt sự kiện lịch sử và giáo lý.

Mới đây một nhà nghiên cứu lịch sử hành đạo Thiên Chúa đã minh định ông không có ý kiến về thần học, chỉ hoàn toàn nói về lịch sử. Ví dụ học thuyết của Arius về bản chất của Jesus được ông nêu ra khi nói khu vực nào chấp nhận, khu vực nào phản đối, ông chỉ nói đến số phận của Arius. Sự phân định rõ rệt nầy có thể tìm gặp gián tiếp trong nhận định của Rys khi ông lưu ý không nên dùng Milinda Vấn Đáp như sử liệu về thời đại và đời sống của vua nầy, tuy đó là cuốn sách hay mà Miến Điện liệt vào thánh điển.

Có thể vào thế kỷ thứ hai, Kinh Di Đà được trì niệm trong một môi trường đã quen thuộc với Zoroatrisme. Các hệ phái của các tôn giáo khác nhau cũng phát triển tùy vùng, tùy sở thích, tùy thời đại. Vả lại, PG không phải là một tôn giáo làm luật cho xã hội (a society bound religion) cho nên được uyển chuyển về hình thức qua các thời đại và qua các khu vực.


Ashura Mazda là một đấng tạo hóa sinh ra vạn vật, kể cả con người và mang hình hài con người (anthropomorphic). Quan niệm hình người và tạo hóa của Zoroaster hoàn toàn khác với các tôn giáo trong vùng Indus Valley. Và khác với PG. Về ngôn ngữ, Ashura tạm hiểu là sự hiện hữu (being), Mazda là tâm linh. Giáo chủ Zooaster khi nhìn theo hiện hình thì cho vị nầy thuộc phái nam, khi nhìn theo tâm linh thì vị nầy thuộc phái nữ. Ashura Mazda sống trong vùng ánh sáng, thuộc thiện tính, trong lúc kẻ đối nghịch Angra Maiyu sống trong bóng tối và ngu dốt. Hai bên hiện diện biệt lập. Ashura Mazda tạo ra vũ trụ hình quả trứng, muôn vật và con người. Trong lúc ấy Angra Maiyu tạo ma quỷ và các thứ độc ác như rắn, ong, kiến, ruồi. Người đọc sẽ bị rối trí. Nếu chỉ có Ashura Mazda thì tôn giáo nầy thuộc về nhất thần như các tôn giáo Abrahamic (Do Thái, Thiên Chúa, Muslim). Nhưng Angra Maiyu cũng là một đấng sáng tạo. Cho nên nền thần học nầy cống hiến một vũ trụ quan hàng đôi (a dualistic cosmology).

Thế nào pháp sư Lokaksema cũng biết sự khác biệt về thần học giữa PG và Zoroastrisme. Thực tế, người hành đạo không rắc rối về siêu hình và thần học, khuynh hướng tôn giáo của quần chúng bị ảnh hưởng bởi bối cảnh sinh sống. Zoroastrisme có quan niệm về đời sau (eschatology) gây sợ hãi, như người chết sẽ được phán xét khi qua cầu; sẽ gặp hoặc một thiếu nữ xinh tươi đưa lên thiên đàn hay một bà già ó đâm đẩy xuống địa ngục. Trong bối cảnh ấy, Kinh Di Đà rất thực tế: trì niệm danh hiệu Di Đà, nhất tâm bất loạn, lâm mệnh chung thời sẽ được đón tiếp vào thế giới Cực Lạc.

Đọc thấy thế giới của Di Đà (như bảy lớp màn tơ, không có tội ác, người người chỉ chú tâm đến thiện niệm), thiết nghĩ có ba điều nên dùng tới:

Một, tổng quát kinh các tôn giáo mang tính cách ẩn dụ (allegorie). Linh mục học giả được Vatican thích nhưng không chấp nhận Teilhard de Chardin yêu cầu nhìn lối nầy mà hiểu thì rất ổn thỏa. Ví như việc Jesus sống lại chỉ có nghĩa là tái sinh, và sai lầm là cho rằng chỉ có Jesus mới sống lại, thật sự mọi người có khả thể nầy.  de Chardin nhấn mạnh sự khác biệt giữa ẩn dụ và sự kiện đích thực của vật lý, của khoa học.

Hai, những điều Phật nói có thể ở cảnh giới mà chúng sinh không thấy. Con rùa xuống nước kể cho con cá những chuyện trên đất khô, cá tin và không tin.

Ba, những điều ngoài tầm tưởng tượng của ẩn dụ trong kinh Di Đà, con người có thể thực hiện nếu không phung phí tiền bạc vô duyên. Chim hót lừng vang trong khi VN không tìm ra con chim sẻ.

Tham luận nầy chỉ có giá trị như một cách đặt vấn đề cần đào sâu hơn.---



Phụ chú:  1- Lokaksema gốc Nguyệt Chi. Nguyệt Chi là phiên âm tên Tàu dùng để chỉ vùng đất rộng gồm Ba Tư, Afganistan, Pakistan …mà địa lý Tàu gọi là một bang liêng (confederation)  Yuezhi (月支)  2- Tài liệu duy nhất về Zoroastrisme dùng tham khảo là từ Wikidepia.

Xin đọc thêm trên blog nầy:





No comments:

Post a Comment