add this

Monday, May 27, 2019

Gorbachev cầm vàng lội sang sông




Gorbachev chết rầm rộ trên internet ngày 25.05.2019 nhưng vẫn còn sống

Gorbachev, đế quốc Nga .....
The Man Who Lost an Empire
Strobe Talbott, ttt dịch

Năm 1921, năm trước khi thành lập Liên Xô, Lenine thách thức các đồng đảng bôn chê vít bằng một câu hỏi hoa mỹ: “ai sẽ nắm đầu ai”. Staline thì nói ngắn hơn: “ai với ai?”. Hai ông nầy đều quan niệm chính trị là một cuộc cạnh tranh sống chết, trong đó kẻ thắng được hết mọi thứ.

Ngày nay Putin cũng nghĩ như vậy. Ông chua chát nhìn lại hai thập niên 1980 và 1990. Ông thấy sự xáo trộn đảo điên náo động của giai đoạn nầy không những chỉ là sự sụp đổ của Liên Xô và là chiến thắng của kẻ thù Nga ở Tây phương mà còn là một đòn quyết tử đánh vào tiểu bang Nga trong liên hiệp các nước xô viết. Chế độ cai trị của Putin, ngày qua ngày, vẫn lởn vởn câu hỏi: trách ai?

Trong mắt Putin, gánh trách nhiệm lớn nhất là người đứng đầu cuối cùng của Liên Xô, Mikhail Gorbachev, kẻ cầm đầu tai vạ địa dư to lớn nhất của thế kỷ 20. Putin không tố cáo, trừng phạt Gorbachev nhưng đối xử khinh bỉ một cách tinh vi. Gorbachev du hành khắp nơi, nhận những tôn vinh cao đẹp và tiền thù lao vì ông biết tại quê hương, dân chúng khinh miệt. 1996 ông ứng cử tổng thống chỉ nhận được nửa phần trăm số phiếu.

Nay gần 90 (sinh 1931) và sức khỏe kém, Gorbachev sống âm thầm ở ngoại ô Moscou, nhưng không ngậm câm. Trong thập niên qua, ông đã tám lần lên tiếng trong các cuộc phỏng vần dài của sử gia William Taubman và phu nhân Jane Taubman, giáo sư Nga ngữ cùng tại đại học Amherst. Gorbachev: His Life and Times tuy chỉ là cuốn mở đầu về các lần tiếp xúc nầy, đã cho thấy những phần sâu kín nội tâm của Grbachev và cho độc giả một tầm nhìn khá đầy đủ về khuôn mặt lịch sử nầy.

Gorbachev ra đời trong một làng quê phía bắc Caucase trùng hợp về không gian lẫn thời gian với sự thăng tiến của Staline. Cả gia đình ông chống lại hiện tượng nầy và đồng thời khốn khổ vì hiện tượng nầy. Mẹ và bà ngoại nhất định phải bí mật xin rửa tội cho ông khi sinh 1931, không kể sự dẹp bỏ tôn giáo một cách cay nghiệp, song hành với tập thể hóa. Ông không bao giờ biết hai người chú và một người cô đã chết vì thiếu ăn trong nạn đói ngày đó, không biết cả hai ông nội ngoại đã đi tù Gulag trong cuộc Đại Khủng Bố của Staline.

Sách cũng mô tả một cuộc tình. Gorbachev gặp Raisa Titarenko tại đại học Moscou. Cuộc sống chung được bền vững lâu dài là nhờ nàng có trí thông minh; ý chí mạnh mẽ, tin tưởng vững chắc và tận tụy hoàn toàn cho người chồng nhiều tham vọng và hướng ngoại. Nàng hy sinh sự nghiệp thành công của một nhà xã hội học, che chở lang quân trước kẻ thù và lòng tự tin và hấp lực tự nhiên đối với người khác. Không ai ảnh hưởng Gorbachev bằng Raisa.



Raisa Gorbachev (1932-1999)

Trước đấy Taubman đã viết về cuộc đời và sự nghiệp của Nikkita Khrushchev, thô bạo, tự kiêu, hung hăng hiếu chiến; nhưng là người lãnh đạo Liên Xô duy nhất trước Gorbachev được mang danh là nhà cải cách. Khrushchev suốt đời hầu như là tay chân thủ hạ của Staline, tay luôn vấy máu. Nhưng một khi nhà độc tài chết, Khrushchev đã mưu mô thủ đoạn hơn các đồng nghiệp để thế chân, làm mọi cách để tẩy dấu vết Staline (de-Stalinize) khỏi Liên Xô, phóng thích tù nhân Gulag, giảm đàn áp và kiểm duyệt. Ông cũng trả giá cao vì các cuộc thí nghiệm tự do hóa xã hội và văn hóa Nga. Năm 1964, bộ chính trị đã triệu hồi ông đang nghỉ mát ở Hắc Hải về thủ đô, cách chức làm một người về hưu đặc biệt, quản thúc tại gia cho đến khi chết.

Nhưng sự trừng phạt mà Gorbachev phải chịu đựng là nhìn thấy sự xóa bỏ công lao của chính mình và sự tái lập một chế độ độc đoán cướp bóc dưới sự điều động của một sĩ quan tình báo trung cấp KGB với mục đích, phương pháp và chính sách khác với những gì đã làm cho Gorbachev thành một khuôn mặt chuyển hóa toàn diện.
Gorbachev đã có những móc nối liên lạc với KGB ở cấp cao hơn. Hầu như ông không thể lên nắm quyền nếu không có sự giúp đỡ của Yuri Andropov, đứng đầu tình báo Nga trong 15 năm trước khi nắm chức đảng trưởng năm 1982. Andropov gặp Gorbachev năm 1968 ngay khi mới nắm KGB. Lúc ấy, là một đảng ủy cấp tỉnh trẻ, Gorbachev đã dung hòa sự trung thành với một đầu óc giàu có, tinh thần thực tế và nhiều sáng kiến canh tân, điều mà Andropov thấy Liên Xô đang cần đến.
Andropov cho phép ông xem các tài liệu hồ sơ về sự lụn bại của xã hội Liên Xô. Nền kinh tế èo uột. Cơ cấu chính quyền cứng đờ, không hữu hiệu; luật pháp không được tôn trọng hay bất công. Các thành phố kỹ nghệ làm không khí và nước ô nhiễm vì chỉ chú ý đến vũ khí quốc phòng, trong lúc người dân bình thường phải xếp hàng dài mua thực phẩm hay hàng hóa không phẩm chất. Nền canh nông tập thể làm cho đời sống nông dân vô cùng cơ cực; vệ sinh sức khỏe công cọng gồm những thứ dốt nát đảm trách. Dân chúng, đặc biệt chủng tộc Slav nhiều nhất, nghiện rượu, ít sinh sản, và tuổi thọ ngắn. Andropov qui lỗi cho các chính sách chểnh mãn, lố bịch của Brezhnev, tức là gã lông mày rậm, nặng nề buồn thảm thay thế Khrushchev năm 1964.

Andropov kế vị Brezhnev năm 1982. Ông bị thận suy cho nên vài tháng sau thì phải điều khiển chính sự từ nhà nghỉ và không rời máy lọc thận. Nằm tại bệnh viện, ông thúc dục thuộc cấp chọn Gorbachev lên thay. Nhưng khi Andropov chết vào tháng 2 năm sau, họ đã nhất quyết rằng Konstantin Chernenco, anh nài già 72 tuổi của con ngựa đảng, là một ứng viên an toàn hơn, tuy hiện mang ba bốn thứ bệnh hiểm nghéo, kể cả hoại tim. 15 tháng sau họ phải tổ chức đám ma cho Chernenco.

Không giống như lần kế vị khi Andropov chết, kết quả lần nầy không được quyết định trước. Gorbachev, 54 tuổi, là tay đua dẫn đầu. Ông đã ở trong vị trí thứ hai trong bộ chính trị, có nghĩa ông sẽ chủ tọa phiên họp bàn về kế vị. Ngoài ông ra còn hơn mười ứng viên khác, từ 62 đến 80 tuổi, là những người CS đến tận xương tủy, nhiều kinh nghiệm về việc bảo vệ quyền lợi phe nhóm và giữ tình trạng hiện hữu không thay đổi. Gorbachev để mọi thành viên có tiếng nói; nhưng ông lèo lái họ rềnh rang chọn ông là chủ tịch ủy ban trông coi việc đưa xác Chernenco vào nhà mồ bên trong Cẩm Linh. Theo truyền thống, trách vụ có tính cách nghi lễ nầy có nghĩa là ông sẽ thành người lãnh đạo. Hôm sau, trung ương đảng chấp thuận không cần thảo luận.

Taubman mở đầu chương nói về những ngày đầu Gorbachev tại chức bằng câu hỏi vang vọng suốt lịch sử Xô viết: Phải làm gì? Đó cũng là đầu đề cuốn sách nhỏ của Lenine viết năm 1901. Nó kêu gọi chủ xướng một cuộc cách mạng XHCN mà Gorbachev và các thân hữu Leninist xem như đã mất hướng. Cho nên trái lại, Gorbachev xuất hiện trước công chúng với tư cách đảng trưởng rất bình dị cho người ta kỳ vọng tin tưởng rằng ông biết “phải làm gì?” để tạo lập một giai đoạn mới cho lịch sử Xô viết.

Tuy nhiên ông chưa có kế hoạch vững chắc để giải quyết các chứng bệnh kinh niên trong nền kinh tế quốc gia. Mà nếu có thì chính sách ấy cũng mang tính cách đe dọa các người khác trong chính trị bộ. Ông vẫn bị ám ảnh bởi số phận của Khrushchev. Phần nào vì lý do ấy, ông tránh né các sự cải cách triệt để về kinh tế. Tác giả cho rằng phong cách làm việc của Gorbahev chưa từng có, nhưng nội dung các chính sách kinh tế không như vậy, nghĩa là chưa có gì thay đổi sâu đậm. Nhưng về ngoại giao thì khác. Gorbachev đã chuyển hóa mạnh mẽ chính sách ngoại giao, tu chỉnh mọi khía cạnh.

Cuối năm 1986, ông đi đến kết luận rằng phương cách duy nhất để đảng CS có thể duy trì uy quyền đối với xã hội Xô viết là mở ra một hệ thống tham gia của công dân. Cũng như đưa người chủ trương cải cách thay lớp người bảo thủ. Ông đã làm việc nầy; với tư cách tổng thư ký đảng, ông đã đưa Andrei Gromyko ra khỏi bộ ngoại giao để giữ chức hàm quốc trưởng để thực thi “suy nghĩ mới” ngõ hầu củng cố địa vị của Nga trên thế giới. Lối suy nghĩ cũ đặt trên sự tin tưởng rằng đế quốc Tây phương luôn chục sẵn, chờ bất cứ cơ hội nào để xâm chiếm Xô viết. Trong những tháng đầu, ông luôn nhắc nhở dân chúng: “chúng ta phải sống, và để người khác sống”, gián tiếp bác bỏ khẩu hiệu của Lenine: ai sẽ nắm đầu ai?

Vài tháng trước khi thành tổng thư ký, ông đã viếng thăm Anh quốc và gây ấn tượng tốt đối với nữ thủ tướng Margaret Thatcher (bà nói: chúng tôi có thể cộng tác, cùng làm việc chung). Ronald Reagan – người nổi danh vì gọi Xô viết là đế quốc quỉ quái – lúc đầu tỏ ra hoài nghi nhưng đã thay đổi tư kiến sau khi cuộc gặp gỡ tại Genève mùa thu 1985. Reagan vẫn xem Xô viết là đế quốc quỉ quái nhưng với Gorbachev nó ít quỷ quái hơn.

Reagan lẫn Gorbachev không nhận định đế quốc nầy đang nằm trên bờ tung vỡ. Từ khi cầm quyền, Gorbachev ít chú tâm đến các nước chư hầu trong minh ước Varsovie vì ông tin rằng các quốc gia nầy sẽ theo đường lối cải cách của ông. Từ đầu thập niên 1950, Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc, Đông Đức đã tìm cách tự do hóa để rồi bị xe tăng Xô viết đè bẹp chiếm đóng. Nhưng tại hội nghị thượng đĩnh các quốc gia trong minh ước nầy, ông bảo đảm “bình đẳng, độc lập và quyền các quốc gia ấn định đường lối chính trị, chiến lược, chiến thuật riêng không bị quốc gia đệ tam bên ngoài can thiệp vào nội bộ”. Ông nghĩ rằng từ chối việc dùng bạo động làm căn bản cai trị sẽ là sự cứu rỗi cho Xô viết và người anh em ở Đông Âu. Theo Taubman, đó là sự đoạn tuyệt cùng tột đối với các tiền nhiệm. Nhưng nay không có sự che chở của Moscou, các đảng trưởng Đông Âu khó thở trong bàn tay của công dân trong nước; gương glasnost (khai phóng và tự do ngôn luận) perestroika (chỉnh đốn cơ cấu) và lối suy nghĩ mới đã khích động mạnh mẽ lớp người thích cải cách có tinh thần độc lập khắp các xứ chư hầu.

Một cuộc vận hành tương tự cũng xẩy ra ngay trong liên bang Xô Viết, nhưng có hậu quả tai hại cho Gorbacev. Các nước Trung Âu đã có kinh nghiệm về nền dân chủ đại nghị trước khi bị Đức xâm chiếm và bị Xô viết cai trị mấy thập niên qua. Các nhà cải cách ngày nay có thể dùng quá khứ vào việc hiện tại. Nhưng trái lại, Xô viết không có lợi điểm nầy, sau bao thế kỷ cai trị độc đoán.

Trong nhiệm vụ kép bất thường (vừa đứng đầu đảng, vừa cầm đầu phong trào cải cách), Gorbachev hy vọng dân chủ hóa đảng CS thay vì xóa bỏ. Tác giả giải thích rằng kế hoạch 1989 nhằm chuyển quyền hành từ cấp đảng qua tay công dân bằng bầu cử tự do chọn nhân viên hội đồng cai trị địa phương, cấp tỉnh và cấp quốc gia.

Việc mở cửa chính trường cho dân chúng bước vào là điều mong ước lâu ngày của nhóm ủng hộ tự do. Lớp nầy ngóng về thời dân chủ phôi thai có các cuộc bầu cử đúng nghĩa, trong giai đoạn ngắn có sự cải cách hiến định, có việc thành lập nghị viện, có hệ thống đa đảng tranh cử; những việc nầy xẩy ra sau cuộc cách mạng Nga 1905, được ít lâu thì bị Bôn sê vít chà nát. Taubman tin rằng chiến dịch bầu cử một một nghị hội mới cho Liên Bang Xô Viết sẽ là cuộc cờ mới, dân chủ hơn mà Gorbachev đeo đuổi tuy không rõ ông sẽ thắng hay không. Như ông tiên liệu, thành phần thủ cựu theo đường lối cứng rắn sẽ chống lại việc vất bỏ quyền lực của đảng. Nhưng mặt khác kế hoạch không thành tựu – đáng ngạc nhiên – bởi chính phe tự do cho rằng ông đi qúa chậm, để các lãnh chúa địa phương có thì giờ củng cố tại lãnh địa riêng (nhóm tự do gồm có kẻ bất đồng chánh kiến lừng danh Andrei Shakarov mà Gorbachev chấm dứt án lưu đày trên quê nhà).

Lãnh tụ địa phương quan trọng nhất là Boris Yelsin, một đồng minh cũ của Gorbachev. Tại tỉnh lỵ Sverdlovsk vùng Ural, Yelsin có uy danh là một nhà canh tân nhiều nghị lực nên ông được Gorbachev đem về thủ đô và trao cho nhiệm vụ điều khiển đảng bộ quan trọng nầy. Yelsin đã nhiệt tình nhiều hơn Gorbachev mong chờ. Nhưng những cay đắng tình đời và những tranh chấp chính trị xẩy ra giữa hai người được Taubman tả như những bi kịch của Shakespeare.
Yelsin vô cùng bực tức Gorbachev không chịu cho ông vào bộ chính trị với tư cách thành viên chính thức và có quyền thế đầy đủ. Khi Yelsin cả gan chỉ trích Gorbachev trong phiên họp của trung ương đảng, nghị trường đã dành 5 giờ sách hoạch ông. Nhưng bên ngoài, việc nầy gây phản ứng nghịch. Đối với người Nga đã quá chán đảng, Gorbachev đã trở thành bạo chúa, và trở thành nạn nhân của chính uy tín của mình. Gorbachev đã vô tình tạo ra một kẻ thù không đội trời chung.

Hai người cùng trân quý những giá trị và mục tiêu của nền dân chủ; nhưng phương pháp thì khác nhau ở mức độ trầm trọng.
Gorbachev định tâm duy trì một liên bang xô viết canh cải dưới sự lãnh đạo của mình. Để đi đến kết quả ấy, ông như cởi lưng ngựa; một chân bên nầy, một chân bên kia. Một bên là đảng CS, một đảng dân chúng nguyền rửa, chia rẻ và không có đầu óc và một bên là phong trào dân chủ non trẻ chống với cơ cấu quyền hành hiện hữu. Yelsin trái lại dùng hết ý chí và tâm lực củng cố cộng hòa Nga (một trong 15 cộng hòa của liên bang), từ đó ông có thể điều ngự sức ly tâm của liên bang. Yelsin đã được bầu làm tổng thống năm 1991 sau khi đã rời đảng CS năm trước và đưa ra khẩu hiệu: vì sức sống của cộng hòa Nga.

Nhóm ủng hộ tân trào hiện nay đang cố viết lại lịch sử, chú trọng đến huyền thoại Tây Phương, nói riêng là Mỹ, nhúng tay vào việc xé nát Liên xô. Kỳ thật, lúc ấy HK không theo đuổi mục tiêu nầy.
Khi mới bước vào Bạch Cung, Georges Bush Sr đã yêu cầu HK tạm ngưng “ôm ấp” Moscou để ông có thể hội kiến với bộ trưởng quốc phòng Dick Chenney và cố vấn an ninh Brent Scowcroft. Những viên chức nầy cho rằng tổng thống tiền nhiệm Reagan đã đi quá với khi ủng hộ chính sách tu chỉnh cơ cấu chính quyền và các cuộc cải cách khác ở Nga. Theo quan điểm của Taubman, việc ngưng nghỉ nầy là một điều sai lầm nguy hại. Lần đầu tiên từ cuộc cách mạng bôn sê vít 1907, Liên xô có nhà lãnh đạo không gọi HK là kẻ thù mà là một người cọng tác song hành, ít nhất trong tiềm năng.

Gorbachev có lý do chê trách sự ủng hộ lai rai cầm chừng của Mỹ từ 1989 làm ông mất hậu thuẩn trong nước. 1990 và 1991, ông khẩn cầu Mỹ giúp đầy đủ như ở mức độ của kế hoạch Marshall ở Âu Châu sau thế chiến 2, Washington từ chối, nại lý do kinh tế Mỹ đang đi xuống. Bush xoa dịu bằng cách nói lại lời khen của Reagan dành cho Gorbachev đồng thời nói thêm các cuộc canh tân ở Nga rất hữu ích cho Mỹ và nền hòa bình thế giới.

Bush đã cố sức giải trừ áp lực đòi độc lập của các cộng hòa xô viết, đặc biệt là Ukraine, nơi dân chúng đang chuẩn bị trưng cầu dân ý ly khai. Trong mục đích nầy, Bush đã đến Moscou và Kiev, nhưng không thành công ở hai thủ phủ nầy. Gorbachev khó xử nhưng Yelsin thì tin tưởng kết quả tốt. Tại Ukraine, chính quyền và dân chúng bát bỏ lời khẩn cầu của Bush để cho Gorbachev rảnh tay có thì giờ tự do hóa toàn quốc.

Hai tổng thống Nga Mỹ không thể thấy rằng mối đe dọa sinh tử cho Liên xô đã đã đâm mầm. Từ đầu xuân, Vladimir Kryuchko, đứng đầu KGB, đã tổ chức một âm mưu phản loạn yêu cầu Gorbachev tuyên bố tình trạng khẩn cấp, trao quyền cho nhóm quân phiệt. Tháng 8, 1991, nhóm phản loạn đã quản thúc tại gia Gorbachev và gia đình tại nhà nghỉ ở Hắc Hải.
Cuộc chính biến thảm bại. Nhóm chủ mưu không khả năng, có một chàng say túy lúy, một chàng tự sát. Nhưng dẫu sao đó cũng là một sự thua thiệt nặng nề cho Gorbachev và ông có lỗi đã không ngăn chận. Ông không để ý các lời báo động kể cả từ Bush rằng cuộc đảo chánh sẽ xẩy ra. Những phụ tá thân cận đã than phiền chủ tướng quá tự tin; ông không tin những kẻ nổi loạn sẽ phản bội, không thể làm gì nếu không có người lãnh đạo.

Dân chúng Moscou đã cứu Gorbachev bằng cách xuống đường biểu tình ôn hòa. Tuy nhiên mục tiêu không phải để kéo ông trở lại cầm quyền mà cốt để bảo vệ nền dân chủ sơ sinh do ông khơi mào và nay được Yelsin bảo vệ. Yelsin nhảy lên một chiếc xe tăng, kêu gọi dân chúng một lòng và chứng tỏ với thế giới nay ông là người của tương lai. Đối với Gorbachev, cuộc đảo chánh là một thảm kịch vừa cho cá nhân ông vừa có tính cách chính trị. Raisa, vợ ông bị đột quỵ vì không chịu được sự nhục nhã và vì những di lụy thời bị quản thúc ở Crimea. Bà không bao giờ bình phục.

Khi nhóm phản loạn vào tù, Gorbachev trở về văn phòng tại Cẩm Linh, ông như kiệt sức. Ông từ chức tổng thư ký đảng, hy vọng ông đứng xa cách đảng và duy trì chức vụ tổng thống. Nhưng không kịp. Yelsin và lãnh tụ các cộng hòa khác đã thương thuyết thành lập Khối Thịnh Vượng Chung của các cộng hòa độc lập. USSR giải thể ngày 26 Dec và ngày đầu năm 1992, cờ búa liềm sau 60 năm phất phới trên điện Cẩm Linh đã bị hạ xuống thay thế bởi cờ tam tài ba màu của Nga hoàng xưa. Cuộc chuyển tiếp không hổn loạn như Gorbachev lo ngại. Để tránh những sách nhiễu cho Gorbachev, Bộ trưởng ngoại giao Mỹ James Baker đã yêu cầu Yelsin “hưởng chiến thắng” một cách tử tế như Tây Phương. Năm 2006, có ký giả hỏi Gorbachev lúc ấy ông có nghĩ đến việc dùng bạo động để duy trì Liên bang Xô Viết hay không: ông trả lời: không, nếu có vậy thì còn chi là Gorbachev. Câu nói nầy hàm ý ông vẫn là một khuôn mặt anh hùng. Đồng thời ông cũng suy nghiệm về chính cuộc đời chính trị của mình, cảm thấy “tội lỗi”, chính trị đã gây bao nỗi khổ cho vợ (bà chết 1999, ung thư máu tại Đức). Nếu đời sống của chúng tôi khiêm tốn hơn thì bà nay vẫn còn sống.

Khải hoàn của Yelsin và niềm hoang lạc của người ủng hộ không kéo dài. Những bước sai lạc, những thất bại, những buồn tủi đã chờ đón ông từ những ngày đầu của thời gian bảo tố tám năm, đen tối như bóng đen mà ông đã thấy trong các thời tiền nhiệm. Nhưng ông vẫn mang nét thô bạo của thời đại CS. Tuy ghét bạo lực, ông phải dùng tới để chận sự bất ổn khi một quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới rời rã thành nhiều miếng. Một trong những quyết định quan trọng nhất của ông là giữ nguyên biên giới xưa giữa các cộng hòa trong liên bang thành biên giới quốc tế khi các cộng hòa nầy độc lập thành các quốc gia riêng rẻ (có nghĩa không xét sự ấn định biên giới bất công khi các Nga sáp nhập các lâng quốc). Tuy vậy sự thi hành ấn định nầy đã giúp liên bang Nga xưa tránh những thảm sát vì tôn giáo, chủng tộc hay giành đất như đã xẩy ra khi Yugoslavia qua phân.

Người Nga thường so sánh thời gian hổn loạn khi Yelsin làm tổng thống với giai đoạn không có chánh chúa (interregnum) ở Nga cuối thế kỷ 16 chuyển qua đầu thế kỷ 17. Dẫu sao Yelsin lẫn Gorbachev đã tạo lập một nền dân chủ có sự tham gia của dân chúng và sự cộng tác với Tây phương. Cả hai ông, tuy ghét nhau, vẫn ước mong con cháu của họ sẽ sống trong “một xứ sở tân tiến và bình thường”; một thành ngữ rút ngắn để chỉ thành quả, như các nhà cải cách đã thấy, thâu lượm sau một diễn trình dài, khó khăn và có khi nguy hiểm.

Vladimir Putin riding with the Night Wolves, Russia, 2011
Putin và nhóm Sói Đêm, 2011

Suốt lịch sử Nga, mọi tiến bộ đều khơi dậy những sức mạnh thụt lùi. Vào ngày cuối của thế kỷ 20, Yelsin vừa đau tim vừa quá mệt mỏi về chính trị, đã từ chức tổng thống, không báo trước. Dưới thời của ông đã có sáu người làm thủ tướng; một người ông chỉ định hai lần, và bốn người ông giải nhiệm. Putin là thủ tướng cuối cùng khi Yelsin từ chức đã trở thành quyền tổng thống. Lý do thăng tiến của ông là dẹp yên vụ Chechnya ly khai, đem cái rốn của Caucasus trở lại dưới quyền kiểm soát của Moscou và được tiếng cương quyết anh dũng.

Trong 19 năm qua, đặc biệt sau nhiệm kỳ thứ hai 2008, Putin đã đẩy ngược cuộc cách mạng và phá tan nền dân chủ phôi thai mà Gorbachev và Yelsin có công thực hiện.

Chuyện gì đã sẽ xẩy ra nếu 34 năm trước bộ chính trị đã không phớt lờ mấy ông “lính già” và không giao cơ hội canh tân cho chàng thanh niên Gorbachev? Chắc hẳn, USSR, đảng CS Nga, minh ước Varsovie, bức màn sắt, bức tường Bá Linh, chiến tranh lạnh sẽ tiếp tục qua đến thế kỷ 21. Và trong “kịch bản” nầy, trung tá Putin, điệp viên ngầm trong hồ ước đọng Đông Đức, đã sẽ tiếp tục phục vụ nhà nước xô viết trong tăm tối âm thầm.
Thay vào đó, sau khi đốt hết hồ sơ trong trụ sở KGB ở Dresden, Putin trở về quê quán Leningrad, nhảy vào quỹ đạo của thị trưởng Anatoly Sobchak, một nhà lập pháp tự do trong nghị viện thực sự dân chủ do Gorbachev lập nên. Do cơ duyên nầy, Putin đến chỗ kế vị Yelsin. Không lâu trước khi chết Yelsin xác nhận lầm lẫn đã hỗ trợ Putin trên chính trường.

Putin đã mở máy cau có với tây phương, quấy phá lâng quốc, tập trung quyền hành trong tay, bịt miệng báo chí truyền thông, gian lận bầu cử, xía vào chính trị các nước.
Nhưng có một điều không thay đổi: Nga bây giờ vẫn đi cà thọt, khập khễnh với nền kinh tế bế tắt thừa hưởng từ thời Gorbachev và Yelsin. Không có khu vực sản xuất và dịch vụ đủ mạnh để cung cấp cho thị trường quốc nội và thế giới. Nga chỉ sống nhờ tài nguyên thiên nhiên khai quật từ lòng đất và đang khổ sở hơn bao giờ trước một sự tham nhũng đã định chế hóa, tức là một hình thái độc tài.

Sau bao năm dưới chủ thuyết Putin, người Nga dùng lại câu hỏi của Lenine. Viễn tượng của ai sẽ là viễn tượng trội yếu và tốt đẹp cho nước Nga? Phải chăng thí nghiệm dân chủ hóa của Gorbachev-Yelsin là điều sai lạc? Phải chăng Nga cần chấp nhận sự độc đoán của Putin là một định mệnh đương nhiên? Nhiều người tìm lạc quan trong trường hạn, về lâu về dài. Thậm chí có người tin rằng đương kim tổng thống cần phải đưa Nga trở về thời quá khứ thê thảm để củng cố quyền lực và hy vọng ông sẽ làm nước Nga thành vĩ đại, tuy rằng những phương tiện ấy sẽ hủy hoại đất nước. Viễn tượng Bôn sê vít dùng trả lời Lenine ai ai cũng biết nó ra sao. Không lẽ lịch sử trở lui dùng chủ thuyết Putin làm viễn tượng tốt đẹp cho nước Nga. Chuyện nầy của người Nga.  The Man Who Lost an Empire


See the source image





No comments:

Post a Comment