add this

Sunday, November 3, 2019

một hồ ô nhiễm ở Guatemala


Pacaya-09.JPG
hồ Amatilan
El Lago Amatilan

Eduardo Halfon, ttt dịch

Chúng tôi gọi nó là El Lago, cái hồ. Như mọi đứa trẻ sống ở Guatemala thập niên 1970, chúng tôi không biết tên của nó, sau mới biết là Hồ Amatilan. Mà chúng tôi cũng chẳng cần biết làm chi. Nhưng từ tỉnh đến biệt thự nghỉ mát của ông bà nội trên bờ, phải chạy xe mất nửa giờ trên con đường nhỏ quanh co ngoằn ngoèo. Chúng tôi ở lại đấy cuối tuần và ngày lễ suốt thời ấu thơ, ra cầu gỗ nhảy xuống hồ tập bơi trong khối nước cóng lạnh màu xanh trời, moi bùn tìm các ghè vò hay bất cứ cổ vật nào từ Maya, chèo ghe, thỉnh thoảng có những con cá đen nhảy lên không, có con nhảy tót vào thuyền, chúng tôi thả xuống nước trở lại.

Một buổi sáng sớm, vừa thức dậy, chúng tôi thấy gần cầu gỗ hai thi hài người thổ dân nổi lềnh bềnh úp mặt xuống; cả hai đều trần truồng và đã phình trương. “Du kích quân”, cha tôi nói, giọng không chút cảm tình hay thương xót. Vâng, du kích quân có lẽ từ một ngôi làng quanh thị xã. Lúc ấy tôi nhỏ quá không hiểu rằng quân đội thường thanh toán kẻ thù chỗ nầy, vất xuống nước xác người đã chết vì tra tấn. Vài tuần sau ông bà tôi bán ngôi biệt thự nầy.
*
Rồi tôi cũng quen với tiếng súng nổ lốp bốp đêm đêm vào giờ ngủ. Cuộc đánh nhau giữa quân đội và du kích quân, cuộc nội chiến kéo dài đẫm máu lúc đầu khởi sự trong núi, rồi lan tràn khắp nhiều nơi và đến tỉnh lỵ nầy. Lúc đó, cha tôi thuê người cận vệ, một phần vì tình trạng bất ổn gia tăng khắp nước, một phần cha tôi bị hăm dọa giết bởi công nhân xưởng dệt của ông, họ đòi thành lập nghiệp đoàn và đòi cải thiện điều kiện làm việc.

Một hôm vào mùa hè 1981, quân đội chạm súng với một nhóm du kích ngay bên ngoài trường học trong quận Vista Hermosa của Guatemala City. Thầy cô đem dấu chúng tôi trong nhà thể dục cũ; chúng tôi ở đấy đến cả mấy giờ, nghe súng máy khạt đạn, nghe súng xe tăng ầm ầm rung chuyển trời đất, nghe trực thăng gầm gừ trên không. Đêm đó, khi anh em tôi sắp lên giường, thầy mẹ tôi cho biết đang bán nhà và cả gia đình sẽ rời quê hương.
Hôm nhằm sinh nhật thứ mười của tôi, chúng tôi bỏ xứ và đến Nam Florida. Tức thời và rất dễ dàng, tôi đã quên Guatemala và tiếng mẹ đẻ Tây Ban Nha (tiếng Anh thế vào). Và hơn thế nữa, tôi còn quên cái hồ cho đến vài năm sau cuối thập niên 1980 khi tôi gặp một cô gái nhân chuyến nghỉ hè về thăm chốn cũ.

Nàng nhỏ hơn tôi một hay hai tuổi, thuộc một trong những gia đình giàu có nhất xứ: giàu xưa vì có đồn điền. Chúng tôi gặp nhau trong một dạ tiệc; hôm sau nàng đến chở tôi trong chiếc Suburban, cửa kính đen và không bị đạn bắn thủng; chúng tôi ngồi ghế sau, hút những điếu thuốc đầu tiên trong đời; trong lúc tài xế mang súng lục chở chúng tôi theo con đường vòng vo suốt nửa giờ đến một biệt thự riêng của gia đình nàng bên bờ hồ để chúng tôi có thể sống qua buổi chiều nơi vắng vẻ tịch liêu.
Mọi thứ bên trong đều hoang phế. Tủ bàn, xa lông … đều có tấm bố dày màu vàng ngà phủ lên. Không có ghế mà ngồi, không có chén dĩa trong bếp; không có chăn vải trên nệm giường, không chai ly trong phòng rượu. Cửa số đều có bao nylon làm màn. Khi bước ra ngoài, tôi nhận thấy cái hồ cũng hoang phế bỏ bê không khác ngôi biệt thự nầy.

Nước không còn xanh sâu đẹp như xưa nữa, mà màu vàng đục ngầu. Bọt váng và rác rưởi lệnh bềnh trên mặt nước. Không đâu thấy có bóng người. Không bơi lội hay chèo thuyền, không có tàu… Không có trẻ em nghỉ cuối tuần; không ai tìm kiếm cổ vật Maya. Tôi nhìn quanh và nhận ra các biệt thự không những chỉ bỏ trống mà tàn lụi hư nát. Điêu tàn, trông như một phế tích từ một thời xa xưa, rất xưa.

Đã chiều lắm rồi. Những tia nắng sáng trước khi khất chìm chiếu rọi đằng sau những ngọn núi lửa. Tôi nghe rõ tiếng dơi kêu trên mặt nước và trên đầu. Khi đến gần cầu gỗ, tôi bị giữ chân lại bởi một mùi hôi thúi như xác sình vữa. Tôi nhận ra chính cái hồ giống như một xác sình vữa. Tôi nói qua loa về mùi hôi kỳ quái ấy, nhưng nàng nhún vai, cởi áo quần nhảy xuống nước.
*
Tôi đang lái xe ra biển; đang cố gắng làm điều ấy. Tôi vừa bước vào tuổi 25 với sự nhận biết rằng tuyệt đối trong đời tôi chẳng có điều gì mang một ý nghĩa.
Tôi đã trở về Guatemala ba năm nay từ khi tốt nghiệp cao đẳng ở North Carolina. Trước đó tôi đã sống ở Mỹ hơn mười năm với tư cách sinh viên mang thẻ thông hành sinh viên; học xong thì hết hạn lưu trú. Tôi buộc phải trở về một xứ sở mà tôi không còn biết, một nền văn hóa tôi không hiểu, một ngôn ngữ tôi nói khuông suông.

AP PHOTOS: Anonymous bones of civil war dead laid to rest
 Năm 2018 dân làng San Juan theo sau 172 quan tài di cốt
vô danh khai quật tù hố chôn tập thể trong thời nội chiến. 
Liên Hiệp Quốc cho biết 45 ngàn mất tích 200 ngàn bị sát hại
 trong 36 năm nội chiến

Tôi bắt đầu cố gắng xây cuộc đời ổn định, làm việc với khả năng chuyên một kỹ sư công chánh, nhưng ngày một chìm sâu thêm vào thất vọng, lo âu. Desubicado tiếng Tây Ban Nha là ra khỏi nơi chốn, cũng là lạc hướng; nhưng không lạc hướng về phương diện vật thể mà về tình cảm và tâm linh.
Tôi lái xe về hướng biển, cố tránh một điều gì hay tất cả mọi điều, nhưng nhằm vào một ngày xấu xa tồi tệ nhất. Hầu hết đường sá đều bị chân vì lý do an ninh, chuẩn bị cho buổi lễ sắp xẩy ra cuối tuần ở trung tâm thành phố. Sau 36 năm tương tranh, quân đội và tổ chức du kích đồng ý ký kết thỏa ước hòa bình. Thủ đô đầy ắp quan sát viên quốc tế, thủ lãnh các quốc gia, thân hào nhân sĩ thế giới và ký giả. Tôi phải chọn một lối khác để ra khỏi thành phố: đó là con đường vòng vo, quá quen thuộc chạy quanh gần hồ.
Thế nhưng con đường nhỏ nầy cũng bị chân. Không phải vì lễ ký kết hòa ước dưới phố, mà vì dân địa phương muốn đi xem đã tụ tập gần hổ. Tôi đậu xe trên bãi cỏ giữa hai lối ngược xuôi rồi đi bộ.
Bờ hồ từ đầu nầy đến đầu kia biến thành một cái mền trắng làm bằng những con cá chết màu trắng bạc.
*
Trong những năm 1970, ông là bác sĩ nhi khoa của tôi. Rồi ông trở thành một nhà nhân chủng học danh tiếng. Và bây giờ tôi đã 45, ông trở thành cố ngoại của con tôi.
Ông vẫn còn đó bên hồ. Ông không bao giờ bỏ đi, tiếp tục ở đấy từ khi mọi người bỏ đi. Biệt thự của ông tuy xưa cũ và mòn mỏi vẫn còn đứng đó và ông cũng đứng đó với ngôi nhà mọi ngày cuối tuần không biệt lệ. Giống như một thuyền trưởng không chịu rời chiếc tàu chìm. Giống như một trong những chiến binh Nhật mấy chục năm trong rừng, quân phục xơ xác vẫn đi săn lùng kẻ thù vì không ai cho họ biết chiến cuộc đã tàn.

Chúng tôi ngã lưng trên hai chiếc ghế kể nhau trên bờ hồ. Ông kể tôi nghe chuyện ông bị bắt cóc đầu thập niên 1980, xẩy ra ngay tại phòng mạch của ông với phòng đợi đông nghẹt thân chủ gồm những kẻ giàu nhất và những người nghèo nhất đến khám miễn phí. Một toán lính chụp ông thẩy lên xe jeep nhà binh đem về doanh trại. Ông có một đứa con trai và hai đứa con gái đi theo du kích, biệt mù tăm dạng (một trong hai cô nầy về sau là má vợ của tôi). Chính phủ quân sự của Efrain Rios Montt muốn biết ba người nầy ở chỗ nào. Ông không biết, không có gì để khai tuy bị tra tấn tàn ác. Nhưng may chỉ một tháng tù; ông được thả vì áp lực quốc tế, nhất là từ Hội Hồng Thập Tự.

See the source image
trẻ em thất lạc thời nội chiền Guatemala

Ngồi bên tôi ông cứ nhìn cái đồng hồ đeo tay có giờ phút nhảy số. Tôi biết vì sao; ông chờ cho qua 12 giờ trưa; trước ngọ ông không bao giờ uống rượu.

Cái hồ trước mặt chúng tôi nay mang màu xanh lục đậm như tô xúp đậu xanh. Coi bộ rỗng hơn, nhỏ hơn xưa. Đâu cũng có mùi thối. Tôi hỏi ông về tình trạng hiện nay của cái hồ. Ông đã ở đó ngoài 50 năm, chứng kiến một thời hưng thịnh nơi nghi mát lý tưởng và chứng kiến sự sa sút không tránh được. Ông đã chứng kiến sự kiến tạo và sự tàn phá những biệt thự kiểu chalet quanh hồ. Ông đã thấy nước xanh dương từ tiền sử để lại rồi trở thành màu lục lá cây, sền sệt đục ngầu; ông không còn thấy những con cá đen phóng ra khỏi nước đùa chơi.

Giai đoạn cuối có hai nguyên nhân để đến tận chung. Bao năm rồi, cặn bả hóa chất và thuốc trừ sâu bọ từ các vùng canh nông chung quanh đổ xuống. Thứ đến là các thứ “cống rãnh” từ gia cư không được lọc và chất thải kỹ nghệ của Guatemala City đều dồn vào; mỗi năm có đến nửa triệu kí đất mùn. Giống như chứng bệnh phình trương thái quá của các tế bào: quá nhiều khoáng chất và thức ăn cho rêu làm hồ có màu xanh lục. Thêm vào có còn nạn các thứ đã nghiềng nát, dư liệu kỹ nghệ đầy đáy hồ và làm nước thối.

Đầy xúc cảm như một y sĩ với bệnh nhân, ông nói chỉ vì tinh thần vô trách nhiệm của từng người và của chính quyền. Các chuyên gia sinh cảnh đã tiên liệu hồ sẽ chết trong vài ba mươi năm nữa, đem lại những tai ương dài hạn cho hệ thống môi sinh toàn vùng, không riêng gì cho Guatemala. Dân chúng địa phương sẽ mất cách sinh sống, vì hồ là một nguồn tài nguyên quý báu, giàu nghèo đểu phải bỏ đi chỗ khác.

Ông đứng dậy vào nhà, đi đứng nặng nề khó khăn, đem ra hai ly whiskey.

Tôi vẫn ngồi yên trên chiếc ghế kiểu bãi biển, nhìn xuống mặt hồ xanh luc mà nhớ màu xanh dương da trời ngày xưa dù ở nửa đêm hay giữa ngày. Tôi còn nhìn ra xa mút bên kia hồ đối xứng với khu nầy biệt thự hoang vắng của ông bà nội của tôi. Mái ngói đỏ, những cây khuynh diệp người nhà trồng có sự tiếp tay của thằng nhỏ nầy, sân trước chạy mãi đến bờ nước, cây cầu phao lung lay bẳng gỗ.

Nhìn cây cầu gỗ, tôi nhớ lại từng chữ câu nguyện ngâm thành lời trước mỗi lần nhảy xuống nước: nguyện sao đừng gặp cái xác nổi hay xác chìm của bác Salomon, anh cha tôi. Tôi nghe kể bác chết chìm gần cầu gỗ nầy lúc 5 tuổi, xác mất không bao giờ tìm ra. - El Lago, Eduard Haflon

Hồ Atitlan trên cao nguyên Sierra Madre (khác với hồ Amatilan) sâu 340 mét

========================================================


Gaby Moreno, Guatemala

See the source image

No comments:

Post a Comment