add this

Saturday, October 19, 2019

thêm về Qaddafi và Libya


No photo description available.
bóng đen tàn bạo phủ đời
Muslims in the Dark
Pankaj Mishra  đọc In the Country of Men, Hisham Matar
NY Review of Books April 12, 2007 * ttt dịch

Trong mấy trang đầu cuốn tiểu thuyết In the Country of Men, Hisham Matar giới thiệu người kể chuyện Suleiman. Câu bé chín tuổi ở Libya tả bức tượng của Septimius Severus trong công trường Tử Đạo ở thủ đô Tripoly. Vị hoàng đế La Mã sinh tại chỗ nầy đứng đó, một tay chỉ ra Địa Trung Hải “như muốn thúc dục Libya hãy hướng về Rome”. Suleiman thường mơ tưởng về những vùng đất bên kia bờ biển, nơi đó cha của bé, một doanh nhân, thường mua đem về những món quà quý nhất đời. Tuy vậy, đây đang nói về 1978, thời đại tá Qaddafi đã tàn bạo củng cố chế độ của ông, tra tấn và giết hại hằng ngàn người bất đồng chánh kiến; Libya đã tách khỏi quá khứ giao thương rộng rãi xưa kia.

Đến viếng Lepsis Magna, thuộc địa La Mã cũ nơi Severus đã sinh ra, Suleiman ghi nhận: “chỗ nào cũng trống vắng”. Đứng trong khu phế tích, người bạn thân nhất của cha chàng, Ustath Rashid – một trong những chính trị gia theo lý tưởng tự do hiện tích cực chống Qaddafi – ngâm một bài thơ Arab: “Vì sao không còn gì ráo trọi ở một nơi xưa kia là đô hội? Ai trả lời giùm cho? Chỉ có gió trả lời thay”.
Image may contain: one or more people and text

Cuốn truyện đi tiếp với phần mô tả Libya đang tàn tạ hoang vắng như phế tích nầy. Sợ hãi và khủng bố đã tạo ra một khoảng trống về trí thức và chính trị. Matar đã thành công khi bi thảm hóa đường cùng của những nhà tư tưởng độc lập bằng cảnh vệ binh cách mạng của Qaddafi rượt đuổi bắt một người có bàn máy đánh chữ. Được xưng tụng là người dẫn đường duy nhất của xứ sở, không những vung vải ý thức hệ nửa nầy nửa nọ gọi là xã hội chủ nghĩa Islam, Qaddafi còn vô tận nhà dân chúng bằng những chương trình trực tiếp truyền hình các cuộc thẩm vấn và treo cổ nơi công cộng những người chống đối.

Một số người có học từng trãi đi đây đi đó như Ustath Rashid và cha của Suleiman dám đứng ra thách thức chế độ. Tụ tập ở một căn nhà gần công trường Tử Đạo họ viết truyền đơn thúc dục sinh viên nổi dậy chống Qaddafi. Nhưng chẳng bao lâu, họ bị lộ và vì bị bắt để rồi vì tra tấn đã phản bội kẻ cùng chí hướng. Trước mắt công chúng Ustath Rashid đã bị thẩm vấn và treo cổ ở sân bóng rỗ. Tuy không bị Rashid chỉ danh là người cùng chủ mưu, cha của Suleiman bị vệ binh bắt và tra tấn.
Không sử dụng hoàn toàn chuyện riêng, Matar đã căn cứ vào tâm trạng lo sợ bị đe dọa lúc thiếu thời, sống trong bóng mờ của những tàn bạo chính trị. Cha ông, một doanh nhân, bỗng nhiên thấy tên mình trên danh sách kẻ bị truy lùng, có lẽ không vì lý do nào khác là ông giàu có và từng sống ở những xã hội khác trong những chuyến du lịch dài hạn. Ông tìm cách đem vợ và hai con trốn qua Ai Cập. Một hôm năm 1990, trong lúc tự lưu đày ở Cairo, chuông cửa reo, ông ra mở cổng và không bao giờ trở vào. Ba năm sau ông lén gởi một bức thư cho gia đình từ trại tù lừng danh Abu Salim ở Libya. Từ đó về sau không có tin gì nữa.

Matar rời xứ lúc 15 tuổi, sau đó theo học ở Anh Quốc. Ông tỏ ra hoài nghi về việc Anh Mỹ mới đây (bài nầy viết năm 2007) nồng nhiệt chủ trương thân thiện với Libya, một trong những chính quyền giúp đỡ khủng bố nhiều nhất trên thế giới. Năm 2004, Qaddafi đồng ý huỷ bỏ chương trình làm vũ khí sát hại hằng loạt; bồi thường thiệt hại cho thân nhân của 270 nạn nhân vụ nổ bom phi cơ Pan Am trên vùng trời Lockerbie, Scotland do tình báo Libya chủ mưu năm 1988. Đổi lại, Anh Mỹ hủy bỏ cấm vận. Gặp nhà lãnh tụ tham tiền nầy trong một căn lều vải, thủ tướng Anh Tony Blair hy vọng rằng Qaddafi là một đồng minh trong trận chiến chống khủng bố.

Libya đã giúp nhân viên an ninh Mỹ phỏng vấn tù binh tại trại Guantanamo và cam kết phục vụ HK và các quốc gia Islam thân thiện. Trữ lượng dầu hỏa lớn nhất Phi Châu trong phần đất Libya là một lý do khác khiến Anh Mỹ đột nhiên thắm thiết với Qaddafi.
Tuy vậy Matar đã viết trong một bài báo gần đây như sau:
Không một quốc gia nào đặt ra một điều kiện thương thuyết là Libya điều tra vô số vụ “mất tích”. Không quốc gia nào buộc chính quyền Qaddafi giải quyết vụ thảm sát tại nhà tù Abu Salim vào một ngày trong tháng sáu 1996 hơn 1.000 tù nhân chính trị bị giết cách nầy cách nọ.
Matar nghi rằng cha ông nằm trong số hơn ngàn nạn nhân nầy. Ông không thể chia sẻ sự tin tưởng mới đặt để vào Qaddafi.
máy bay Pan Am bị bom nổ ở Scotland

“Ảo giác chiến thắng không đổ máu ở Libya dựa trên quan niệm được thổi phồng rằng quốc gia nầy đã tạo ra một mối đe dọa lớn lao cho thế giới với các vũ khí gỉ sét. Điều nầy đưa đến một điều lơ là về ngoại giao là đánh đổi quyền của dân tộc Libya để lấy điều tạm gọi là hòa bình thế giới”.

Khá ngạc nhiên, In the Country of Men không hoàn toàn có tính chất chính trị hay bút chiến. Rất ít chi tiết về mức độ và tầm xa của cuộc chống đối Qaddafi. Thay vì được lý tưởng hóa, các nhà hoạt động dân chủ trông ngây ngô và lạc lõng. Matar chú trọng đến kinh nghiệm sống của Suleiman.

Sống trong khu ngoại ô khá giả, Suleiman, ngoài giờ đi học thì đùa chơi với bạn bè trên mái nhà, ngoài đường, bơi lội ở biển kế cận, trèo cây…
Cứ vậy mà sinh hoạt, không bị giới hạn bởi việc người cha mất tích và người mẹ bệnh “một cách bí mật” (mà độc giả đoán là nghiện rượu). Trọng tâm cuốn tiểu thuyết là lòng thương yêu không bến bờ của hắn dành cho người mẹ, kẻ trong xứ sở do đàn ông thống trị luôn bị đàn áp trong gia đình và ngoài xã hội.

Qua lời kể, Suleiman có thể dựng lại cuộc đời của mẹ. Bị bắt quả tang bởi một người trong gia tộc, đang cầm tay một cậu con trai trong quán cà phê Ý ở công trường Tử Đạo (hầu hết các biến chuyển bi thảm trong truyện đều xẩy ra gần tượng vua La Mã chỉ tay vào Âu Châu như một hứa hẹn), bà bị ép ở tuổi mười bốn phải lấy chồng theo quyết định của những thành viên phái nam trong tộc họ, gọi là “hội đồng tối cao” [hàm ý chế riểu hội đồng cách mạng của Qaddafi]. Qua sự hiểu biết về đàn ông trong vụ nầy, bà xem chồng và đồng nghiệp là những kẻ vô lại nguy hiểm. 

Mỗi tối, khi say ngà vì rượu mua lén, bà rót bao chuyện chua cay vào tai Suleiman, đứa con mà bà cố hủy trong bào thai, và là đứa con mang ước nguyện đầy cảm động là bảo vệ bà chống với thế giới độc ác.
“Má và tôi hầu như luôn sống gần nhau; tôi không thể nào để bà sống một mình cô đơn. Tôi nghĩ với sự chăm sóc đầy đủ của tôi, tai ách không làm gì được má. Nhỡ như có rơi xuống sông, thì cũng trở lui an toàn, hay quá lắm giạt qua bờ kia đứng chờ. Dù những chuyện không ngờ được đã dày vò tôi, tôi biết “chứng bệnh” của má đã tạo ra sự thâm tình ghi sâu vào ký ức, và đó là nguồn gốc của yêu thương. Nếu yêu thương phát xuất từ một nơi nào đó, nếu yêu thương là một sức mạnh khuất ngầm tiềm ẩn cần một ai đó khơi lên như ánh sáng phản chiếu qua gương soi, trong trường hợp của tôi, “một ai đó” chính là má, mẹ tôi”.

Điện thoại nhà của Suleiman bị nghe lén, hoặc thường có lời hăm dọa cắt ngang cuộc điện đàm. Mẹ hắn phải đốt sạch sách báo của chồng, treo hình Qaddafi lên tường. Vệ binh cách mạng luôn đậu xe trước nhà để theo dỏi. Tình trạng ngột ngạt nầy đã nôn nấu thêm lên tình thương mẹ nơi hắn.
“Trong những ngày trống rỗng vào thời gian papa xa nhà, má thường lang thang quanh nhà, không còn hát vu vơ giai điệu dịu êm thời xưa.
Giai điệu ấy, xưa mẹ hát khi tắm, khi ngồi trang điểm trước kính thủy hay vẽ tranh ngoài vườn. Khúc nhạc ấy gợi nhớ cô bé ngày nào chưa có một ý niệm về chính mình, đi học về, mài móng tay trên tường vôi, nàng có một khoảnh khắc bao trọn trong nét trong lành của thơ ngây nơi thềm hiên quán cà phê Ý; nhưng một sức mạnh long trời nhanh nhẹn đưa nàng qua khỏi biên giới hồn nhiên, ném nàng vào cuộc đời thiếu phụ, và sau đó làm mẹ. Nàng không có một tiếng nói trên chuổi sự việc nầy.

Truyện của Matar đầy rẩy những hoàn cảnh gây xúc động khác thường. Ít ai thích sống sát nách một kẻ bị tra tấn và bị hành quyết; nhưng lối trình bảy của ông không bốc thơm hành vi bị nạn. Ông biết rằng việc đời xẩy ra trong những hoàn cảnh khắc nghiệt; biết vậy cũng là điều an ủi. Thấu triệt sự bất nhân tột đĩnh giúp ông ghi nhận những cử chỉ đầy thiện tâm và cao quí. Matar đã mô tả mối thương tâm phức tạp của Suleiman dành cho người bạn tên Kareem, con của Ustath Rashid như sau:
Một nỗi buồn nào đó đã đi qua mắt hắn, ngày Ustath Rashid bị bắt đem đi mất. Nhưng đó không phải là nỗi buồn thương nhớ mà buồn vì phản bội, một nỗi buồn im lặng vì mình đã ngã quỵ, đã rụng cánh. Kareem ít nói hơn trước, Kareem im lặng; hắn không chơi chung với chúng tôi nữa, hắn thường tựa vào một chiếc xe đậu bên lề nhìn chúng tôi đá banh giữa đường. Cái nhìn của hắn làm tôi thấy xa cách hắn. Lúc ấy tôi mong vệ binh cách mạng trở lui bắt cha tôi luôn thể để hai chúng tôi ngang bằng, kết nối nhau bằng một liên hệ bằng máu của những kẻ có chung đường hướng.Tôi muốn và đã dùng nhiều cách lôi hắn ra khỏi sự im lặng nầy nhưng không thành công.

Người trong “xứ” của Matar gồm những thể nhân bình thường sống trong những điều kiện khắc nghiệt có thể làm những hành vi “chí thiện” hay “chí ác”. Cũng như Albert Camus, Hisham Matar tha thiết mong chờ một thực thể vắng bóng trong các nền chính trị trừu tượng và hạn hẹp nhưng có trong dòng lịch sử kiến tạo bởi thiện nhân./-

------------------------------------------------------------

Phụ chú của người dịch: 
Albert Camus viếng Tipassa
Pankaj Mishra bất thần nêu tên Albert Camus vì ông giả định độc giả đã biết về nhà văn nầy. Tuy vậy chỉ có vài nét nhỏ tương tự giữa Camus và Matar, cả hai sinh trưởng ở Bắc Phi (hai lân quốc Algérie và Libya) với hai thứ khắc nghiệt khác nhau. Cả hai đều nhìn ra Địa Trung Hải với ước mơ, buồn tủi, hy vọng và tuyệt vọng.
Giống như nhân vật Suleiman viếng thăm phế tích La Mã Lepsis Magna, Camus đã đến thăm phế tích La Mã Tipassa cùng trên bờ biển. Lepsis Magna đến với chúng ta qua câu thơ cổ Arab: “Vì sao không còn gì ráo trọi ở một nơi xưa kia là đô hội? Ai trả lời giùm cho? Chỉ có gió trả lời thay”. Trong lúc ấy Tipassa đã giúp Camus thấu đạt một nhận thức rất người, không trừu tượng và hạn hẹp như chính trị, ý thức hệ:
“Giữa bầu trời và các khuôn mặt hướng về bầu trời, không có chỗ nào để treo móc thần thoại, văn chương, luân thường hay tôn giáo; mà chỉ có sỏi đá, da thịt, tinh tú và những chân lý tay người có thể sờ mó được”. (ttt, Oct 2019).


================================
=================



Image may contain: 4 people

Nhật Trường, Nhật Bằng, Anh Ngọc, Mai Hương,Thái Thánh, Kim Tước
thu âm tại Đài Phát Thanh Saigon 1960

No comments:

Post a Comment